Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

13g30’ chúng tôi lên xe thẳng tiến về Bodhgaya - Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật thành Đạo. Cái tên Bồ Đề Đạo Tràng khi được xướng lên đã làm rung động long người. Sự an lạc, tự tại đã được bao người con Phật cảm nhận đầy đủ nhất nơi Thánh tích này. Nỗi đau thân phận của biết bao nhiêu người có nghiệp dĩ nặng nề cũng được vỗ về, an ủi nhờ vào khí thiên an lành và long từ bi như trời biển của Đức Phật lan toả khắp Bồ Đề Đạo Tràng khi họ tìm về nơi này để nương tựa. Bảy người chúng tôi ai cũng mang tâm trạng hân hoan, háo hức về nơi Đức Phật thành đạo. Suốt dọc đường đi từ Sarnath về Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn chúng tôi đã đi qua rất nhiều làng mạc nông thôn Ấn Độ. Những cánh đồng hoa cải vàng đang trong mùa thu hoạch cứ trải dài trong mắt chúng tôi, không gian nông thôn thanh bình, yên tĩnh với những người nông dân chất phác, hồn hậu khiến tôi nhớ nông thôn Việt Nam, nhớ lũy tre làng, nhớ con sông quê hương Việt Nam của mình. Nối tiếp là những phố xá trực thuộc các thị trấn, thị tứ sầm uất người là người. Những hoạt động thương mại, mua bán nhộn nhịp cùng với những ồn ào, náo động của các loại xe cộ có động cơ đang tham gia lưu thông trên đường phố. Tất cả đã tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn vẻ của đất nước Ấn Độ. Hàng hoá mua bán tại những nơi này, chủ yếu tôi nhìn thấy gồm các cửa hiệu bán vải vóc, quần áo may sẵn. Những chiếc xe di động giống xe ba gác đạp của Việt Nam, bán các loại bánh nướng và trà sữa (chai). Những cửa hiệu bán tạp hoá, chạp phô. Gọi cửa hiệu cho sang chứ người Ấn họ giản tiện lắm, cho dù đây là nơi giúp họ kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cái cơ ngơi khiêm tốn này của họ chỉ là một chiếc sạp gỗ nhỏ khoảng 1,5m x 2m, chiều cao thì khi vào bên trong những người đàn ông Ấn phải cúi đầu xuống vì trần sạp rất thấp. Chiếc sạp gỗ này trông giống như những chiếc sạp gỗ bán hàng ở các chợ Việt Nam nhưng đó cũng có thể là chỗ ngủ của họ. Tôi ấn tượng với những chiếc sạp hai tầng, vì có thể tầng trên là nơi ngủ nghỉ của người nhà chủ sạp. Trên đường phố những người phụ nữ khoác sari, đầu đội thúng phân bò đầy ắp đi bán dạo. Một số khác, họ bán đồ trang sức đủ màu sắc sặc sỡ. Thỉnh thoảng đi ngang qua một ngôi chợ. Chợ cũng nhỏ thôi, họ buôn bán chủ yếu trái cây và rau củ, người bán chỉ toàn là đàn ông. Đặc biệt , hiện nay người Ấn vẫn còn dùng chiếc cân xách tay cũ kỹ.

Bồ Đề Đạo Tràng

Như tất cả chúng ta đã biết, Ấn Độ là đất nước nhiều đối nghịch. Nếu tôi vừa nhìn thấy những con người lam lũ, nghèo nàn, vất vả cùng công cuộc mưu sinh của họ trên đường phố thì tôi cũng nhìn thấy hình ảnh các đại gia Ấn Độ ngồi trong những chiếc xe hơi bóng lộn đắt tiền có tài xế riêng phục vụ hoặc những người phụ nữ giàu có, sang trọng quý phái đang chễm chệ trên chiếc richshaw do một người Chiên-đà-la gầy gò, thấm đẫm mồ hôi đang gò lưng đạp bằng đôi chân trần của họ. Nhưng trên khuôn mặt khắc khổ của người Chiên-đà-la này vẫn toát lên vẻ thanh thản. Họ an lạc với triết lý sống “Trả nghiệp” của đạo Hindu.

Khi xe vào đến phố cổ Gaya, tôi thích thú reo lên. Nhà cửa ở đây đã quá cũ kỹ. Phố xá khoác lên mình chiếc áo thời gian bằng những âm thanh cọc cạch của bánh xe ngựa, xe bò gõ xuống mặt đường. Những chiếc xe thổ mộ, xe bò chừng dễ đã có tuổi thọ vài thế kỷ. Tôi thấy chúng mòn nhẵn, bóng lưỡng. Con người ở đây vẫn ăn mặc theo trang phục cổ xưa, lạc hậu của họ. Những gian hàng đồ cổ bày bán hấp dẫn dọc đường đi, những sản phẩm gốm sứ như minh chứng sự hiện diện của chúng đã có tại đây từ hơn hai ngàn năm trước. Những đền thờ mang đậm màu sắc tôn giáo cũng góp phần tô điểm cho sự trầm mặc của phố cổ này. Đặc biệt là những chú bò nghênh ngang trên phố mà tất cả các bác tài xế điều khiển các loại xe đều phải dừng lại nhường đường cho chúng đi qua. Bò là vị thần linh thiêng mà tôn giáo của họ đã tôn thờ, tín ngưỡng.

19 giờ chúng tôi đã về đến Bồ Đề Đạo Tràng sau quãng đường dài khoảng hai trăm năm mươi ki-lô-mét. Nơi chúng tôi dừng chân là chùa Viên Giác Việt Nam hay còn gọi là trung tâm tu học Viên Giác do đệ tử của Hoà thượng Thích Như Điển xây dựng. Chúng tôi được lưu trú tại đây trong những ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng. Chùa Viên Giác cách Bồ Đề Đạo Tràng chỉ vài bước chân.

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay không chỉ là một thánh tích lịch sử quan trọng mà Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành một trung tâm văn hóa của Phật giáo, là địa điểm hành hương quan trọng nhất trong TỨ ĐỘNG TÂM. Nơi đây, Đức Phật đã thành đạo. Bồ Đề Đạo Tràng đã dần trở lại thời kỳ hưng thịnh. Hiện nay Bồ Đề Đạo Tràng là trung tâm tu học của tất cả Phật tử thuần thành, ngưỡng bái đạo Phật trên toàn thế giới.

20g15’ sau khi đã được ăn uống, nghỉ ngơi đoàn chúng tôi y áo chỉnh tề tiến về Bồ Đề Đạo Tràng.

Thật xúc động với dòng người đang hành hương nơi này. Từ xa, tôi đã nhìn thấy đỉnh ngôi Đại tháp. Lòng tôi dâng lên niềm thành kính vô biên. Khi vừa vào đến cửa Bồ Đề Đạo Tràng, luồng linh khí đã tràn ngập và truyền vào tâm tôi. Tôi bắt đầu bước những bước đi khoan thai, chậm rãi. Tôi chắp tay hoa đi dần vào khu vực trung tâm. Tôi, một chúng sanh với nghiệp dĩ quá nặng nề nhưng khi đến đây, được hít thở bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, an tịnh này, tôi thật sự nghe lòng mình thanh thản, an lạc. Quẹo phải vào đến trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng, ngôi Đại tháp thiêng liêng sừng sững hiện ra trước mắt tôi. Tôi đã quỳ xuống đảnh lễ với lòng thành kính kính ngưỡng chân thành, xúc động nhất. Dòng người hành hương càng lúc càng đông cứ tiến vào ngôi chánh điện trước mặt. Tôi nghe đất trời nơi đây đang ấm áp, linh thoát quá.

Vào chánh điện, không khí trang nghiêm dù bên trong hiện đang rất đông người lễ bái Đức Phật. Ngài ngồi đó uy nghi mà gần gũi. Gương mặt Ngài thánh thiện, giải thoát. Nhìn xuyên qua lồng kính, Đức Phật đang tĩnh tọa ở tư thế kiết già, tay phải của Đức Phật chạm đất. Tay trái đặt lên đùi. Tôi như thấy Đức Phật đang thân thương trìu mến nhìn mình với nụ cười hàm tiếu trên môi.

Tôi quỳ xuống thật lâu, tôi muốn giây phút lễ bái Đức Phật được kéo dài thêm ra. Tôi linh cảm nghiệp dĩ đời mình sẽ vơi bớt đi sau mỗi lần lạy xuống đảnh lễ Đức Phật. Lúc này tôi không ngưỡng cầu điều gì cả, tôi chỉ nhiếp tâm lạy Phật với lòng cung kính quy ngưỡng, tín tâm nhất.

Sau khi lạy Phật như một lời thưa: “Kính thưa Đức Phật, con đã về đây. Nơi Ngài đã tìm ra chân lý”, tôi lui ra bên ngoài, kinh hành một vòng chiêm bái toàn cảnh Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ, nhận thấy có ba di tích lịch sử quan trọng nhất nơi đây là tháp Đại Giác, cây Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo và toà Kim Cang.

Ngôi Đại tháp có hình chóp nhọn đứng sừng sững uy nghi. Chiều cao của tháp là năm mươi hai mét, mỗi cạnh vuông là mười lăm mét. Tháp được xây dựng bằng chất liệu đá sa thạch. Bốn mặt tháp được điêu khắc chạm trổ theo lối kiến trúc thời cổ đại. Bên trong tháp, nơi chánh điện thờ pho tượng Phật thành đạo trong lồng kính. Pho tượng cao khoảng hai mét. Chất liệu tượng là đá mạ vàng.

Ngôi Đại tháp cũng đã từng bị phá hoại, hư tổn nên cũng đã trải qua nhiều lần tái tạo, phục chế.

Ngôi Đại tháp này là một trong tám mươi bốn ngàn ngôi đền tháp, thiền viện, tinh xá được Vua Asoka xây dựng trong thời kỳ ngài quy ngưỡng và truyền bá đạo Phật. Ngôi Đại tháp uy nghi sừng sững, lung linh huyền diệu trong ánh đèn đêm. Nơi đây, một bầu không khí linh thiêng đầy cảm xúc lan tỏa.

Di tích quan trọng thứ hai là cây Bồ-đề, nơi Đức Phật thành đạo. Cây Bồ-đề được bao bọc bảo vệ cẩn thận bằng một tường rào bằng đá cao khoảng hai mét. Cây Bồ-đề hiện nay không phải là cây Bồ-đề nguyên thuỷ khi Đức Phật thành đạo, đây chỉ là cây Bồ-đề được trồng lại để ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng này. Tuổi thọ của nó đến nay đã khoảng hơn một thế kỷ.

Cây Bồ đề có cành lá sum suê, màu xanh phủ tràn cả một không gian rộng lớn. Tôi nghĩ nếu vào ban ngày thì chắc các tán cây Bồ-đề đủ để che mát cho những người con Phật đang quây quần tu tập chung quanh cây Bồ-đề thiêng này. Trên hàng rào bảo vệ cây Bồ-đề cũng đầy những cờ phướn chép kinh của người Tây Tạng cúng dường. Nhiều mảng tường rào có dát vàng do Phật tử người Thái Lan cúng dường. Gần cây Bồ-đề còn có tảng đá khắc hình hai bàn chân. Đây có phải là bàn chân của Đức Phật?

Toà Kim Cang, di tích quan trọng thứ ba tại thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng toạ lạc ngay dưới cây Bồ-đề. Toà cũng được xây dựng bằng đá, hình chữ nhật. Nơi đây, Đức Phật đã ngồi thiền định trong tuần lễ thứ nhất sau khi thành đạo.

Tuần lễ thứ hai Ngài đứng và mắt nhìn không rời cây Bồ-đề, nơi đã giúp Ngài tìm ra chân lý.

Tuần lễ thứ ba, Ngài thiền hành quanh cây Bồ-đề để cảm niệm sự che chở của cây dành cho Ngài.

Tuần lễ thứ tư, Đức Phật đã nhập định sâu hơn. Lúc này, nơi đây phát ra những luồng hào quang ngũ sắc và đây chính là màu cờ Phật giáo ngày nay.

Tuần lễ thứ năm, Đức Phật đã nhận bát sữa cúng dường của nàng Sujata.

Tuần lễ thứ sáu là nơi Đức Phật đã được Mãng xà Vương che chở khi Ma Vương gây bão tố phá không cho Đức Phật ngồi thiền.

Tuần lễ thứ bảy, Đức Phật quyết định chuyển bánh xe pháp. Nơi đây hai thương nhân tình cờ đi ngang đã cúng dường Đức Phật bánh và mật ong. Đó là hai đệ tử cư sĩ đầu tiên của Đức Phật.

Tất cả bảy tuần lễ quan trọng này của Đức Phật sau khi thành đạo đều được đánh dấu, ghi bảng cẩn thận tại khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.

Trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng còn có một pho tượng Quan Âm linh thiêng. Quý thầy hướng dẫn: “Hãy cung kính chắp tay, nhắm mắt, đi thẳng về phía Ngài cầu nguyện. Khi đến nơi Ngài ngự, chạm hai tay và cúi sát đầu vào chân Ngài thì điều cầu nguyện của mình sẽ linh ứng”. Tôi đã làm đúng theo lời dạy của quý thầy.

Tiếng còi hiệu hết giờ chiêm bái vang lên. Đồng hồ lúc này đang là 21 giờ. Tôi cùng mọi người lưu luyến tạm biệt Bồ Đề Đạo Tràng, hẹn ngày mai sẽ lại đến để được lạy Phật, được tưới tẩm, truyền thọ năng lượng. Đoàn chúng tôi sẽ ở lại vùng đất thiêng này đến những năm ngày. Tha hồ chúng tôi được thoả mãn khát ngưỡng lễ bái Bồ Đề Đạo Tràng, một trong bốn Phật tích quan trọng của TỨ ĐỘNG TÂM.

Về lại chùa Viên Giác, ngôi chùa chúng tôi được lưu trú trong những ngày lễ bái Bồ Đề Đạo Tràng. Đoàn chúng tôi được bố trí ăn ở chu đáo, mọi việc nơi này đều được sắp xếp chỉn chu, tươm tất.

Chánh điện chùa Viên Giác đẹp, trang nghiêm với tượng Bổn sư oai nghi, nhưng từ bi, nhân ái. Các pho tượng những vị La-hán thờ phượng nơi đây hoàn toàn mang dáng dấp Việt Nam. Chánh điện được tôn trí trên tầng lầu thứ hai của chùa.

Ngay giữa tầng trệt, một bàn thờ thờ Phật Di Lặc tuyệt đẹp và pho tượng Phật Di Lặc này được tạc trong một hình tướng đẹp và lạ lắm. Thầy Nguyên Tân kể đây là pho tượng của nghệ nhân người Trung Quốc tác tạo. Pho tượng này nếu không được giới thiệu thì chúng ta không thể biết được đây là tượng Phật Di Lặc. Tôi thật sự ấn tượng và thú vị về lai lịch pho tượng. Tất cả chúng tôi đều thành kính đảnh lễ Ngài.

Ngoài sân chùa, mô hình chùa Một Cột được kiến trúc một cách sắc xảo như giới thiệu với bạn bè năm châu về một biểu tượng của văn hoá Việt Nam.

Nhằm mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni và Phật tử trong thời gian lưu trú tại chùa để tham gia tu tập lễ bái tại Bồ Đề Đạo Tràng, chùa đã bố trí toàn bộ việc ăn uống, nghỉ ngơi theo phong cách Châu Âu. Các Phật tử Ấn Độ tham gia công quả đã rất vui vẻ, nhiệt tình và chuyên nghiệp trong việc giúp đỡ đời sống sinh hoạt hàng ngày của khách hành hương.

 

Tôi thật sự ấn tượng và cảm tình với tất cả các chú Phật tử người Ấn đang ở công quả, phục vụ khách hành hương tại chùa. Các chú là những tín đồ Phật giáo hiếm hoi hiện nay trên đất nước Ấn Độ.

Đêm đầu tiên ngon giấc với niềm hạnh phúc đã chạm tay. Tôi đã được đến Bồ Đề Đạo Tràng. Một giấc mơ không tưởng...

Sáng hôm sau, do ngủ quên tôi đã đến Bồ Đề Đạo Tràng trễ. Thật là đáng giận vì đã không đúng hẹn với chính mình. Tôi đã tự hẹn sẽ đến Bồ Đề Đạo Tràng sáng nay thật sớm khi trời chưa sáng để được hít thở bầu không khí tinh khôi, tĩnh mịch, trong lành. Được lạy Phật trong một không gian hoàn toàn thanh tịnh, khi chưa có nhiều người đến lễ bái. Vậy mà, tôi đã đến trễ, thôi tất cả đều là duyên. Đức Phật đã dạy như vậy còn gì? Tôi đã tự tha thứ cho mình.

Vừa bước chân vào đến thềm tháp, tôi đã quỳ xuống đảnh lễ, sau đó chậm rãi đi vào chánh điện. Chánh điện lúc này cũng đã có đông người lễ bái. Tôi lạy Phật và cảm nhận Người đang rất vui khi nhìn thấy đàn con đã trở về, trở về nơi Người đã tìm ra chân lý. Rời chánh điện, tôi đi về phía cây Bồ-đề. Thật là xúc động, tất cả các lối đi từ cửa chánh điện dẫn đến cây Bồ-đề, toà Kim Cang mọi người đang rất thành kính, trang nghiêm tập trung tu tập. Hiện diện trong đạo tràng lúc này có Tu sĩ và Cư sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Người Tây phương đang trở về, nên tại các Phật tích họ xuất hiện ngày càng nhiều. Có vị lạy Phật, có vị ngồi thiền, có vị tụng kinh, có vị thiền hành nhiễu quanh tháp, có vị nhất bộ nhất bái hoặc tam bộ nhất bái. Cũng có vài nhóm Phật tử đang quây quần, tập trung nghe vị thầy của họ thuyết giảng. Ấn tượng nhất trong đạo tràng lúc này là những Tu sĩ, cư sĩ người Tây Tạng. Họ đi từng đoàn, vừa đi vừa niệm, vừa lần tràng hạt. Họ bước những bước đi mạnh mẽ, rầm rập, dứt khoát. Rất nhiều người Tây Tạng đang lạy theo cách lạy truyền thống của họ trên tấm ván dài mà tôi nhìn thấy có tấm mặt ván lõm xuống, nhẵn bóng do chủ nhân của chúng đã lạy quá nhiều, quá lâu. Ôi, thật là tuyệt vời khi tôi được biết có vị lạy từ bốn giờ khuya đến giờ đã được vài trăm lạy. Nhưng cho dù đến từ quốc gia nào, tu pháp môn gì thì tại đây tôi đều cảm nhận mọi người đang rất trang nghiêm, thành kính, nhiếp tâm hành trì pháp tu của mình. Trên gương mặt họ là niềm an lạc, hân hoan và hạnh phúc.

Ở đây đang có pháp hội của người Tây Tạng tổ chức nên người Tây Tạng đang chiếm số đông hiện diện nơi này.

Tôi bị cuốn hút vào không khí tu tập trang nghiêm, thuần thành này. Tôi quỳ xuống, bắt đầu vừa lạy Phật vừa niệm Phật dưới gốc cây Bồ-đề. Thân tâm tôi lúc này hoàn toàn an lạc. Tôi nhiếp tâm hành trì.

Dòng suối mát như suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi.

Trên đường về trưa nay tôi quan sát toàn cảnh Bồ Đề Đạo Tràng vào ban ngày. Ngoài ba di tích cực kỳ quan trọng, tại đây còn có những trụ đá A-dục, hàng trăm ngôi tháp nhỏ chung quanh điểm xuyến cho dáng đứng uy nghi, sừng sững của ngôi Đại tháp. Bên dưới ngôi Đại tháp còn có bốn tháp nhỏ, cũng hình chóp ở bốn góc.

Phía nam ngôi Đại tháp là một hồ nước, giữa hồ có một pho tượng Phật ngồi trên thân một con rồng. Một mái vòm che như chiếc đầu rồng vươn xa che chở cho Đức Phật. Đây là di tích của tuần lễ thứ sáu sau khi Đức Phật thành đạo. Phía bắc ngôi Đại tháp là một con đường bằng đá có chạm trổ những hình hoa sen bên trên, đây là nơi Đức Phật đã thiền hành vào tuần lễ thứ ba. Bồ Đề Đạo Tràng thiêng liêng còn nhờ vào sự chăm chỉ, tinh tấn tu tập của những người con Phật khi đến đây triều bái. Mặt bằng Bồ Đề Đạo Tràng gần như kín chỗ. Người triều bái đang gần như vượt ngưỡng sức chứa của nơi này. Ra khỏi Bồ Đề Đạo Tràng, dọc hai bên đường là những kiốt, sạp hàng, họ bán quà lưu niệm vô cùng phong phú những mặt hàng quà tặng và giá rẻ bất ngờ nhưng người mua phải thật khéo léo trả giá. Người Ấn bán hàng nói thách cao ngất ngưỡng, người mua rất dễ dàng bị mua lầm.

Bên ngoài khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng là một quần thể chùa chiền của nhiều quốc gia được xây dựng chung quanh như: Srilanka, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng, Bhutan.vv… Mỗi ngôi chùa đều mang bản sắc của quốc gia họ. Đặc biệt tôi hãnh diện vì sự có mặt của hai ngôi chùa Việt Nam là chùa Viên Giác và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự. Tôi cảm nhận sự hoà hợp chung sống hoà bình của tất cả những người con Phật đang quây quần bên người Cha tâm linh kính yêu: Đức Phật Thích Ca.

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay đã đang rất hưng thịnh, nơi đây đã trở thành Thánh địa thu hút hàng triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới về đây lễ bái, tu tập.

Tôi thầm cảm thán công đức vô lượng của ngài Dharmapala, người đã quyết tâm khôi phục Bồ Đề Đạo Tràng từ năm 1891.
Đoàn chúng tôi an lạc thọ nhận pháp lạc và hành trì tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng trong năm ngày. Xen lẫn giữa những ngày này chúng tôi có đến lễ bái Linh Thứu sơn, thành Vương Xá, núi Kê Túc.