Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

Đường Về Xứ Phật

Tôi không có ý định viết về chuyến hành hương chiêm bái Phật tích trên quê hương Đức Phật. Lý do rất đơn giản là vì khả năng viết lách của tôi kém cỏi…Tôi chỉ thích ghi nhận và cất giữ những cảm xúc, niềm hạnh phúc về chuyến hành hương này cho riêng mình trong tâm thức…

Nhưng sau chuyến đi khoảng hai tháng, tôi trải qua một giấc mơ đặc biệt…Giấc mơ đến với tôi trong một cơn sốt vật vã của thân bệnh (và cả tâm bệnh vào lúc này nữa…). Giấc mơ ấy như một nhân duyên thúc đẩy tôi phải viết lại chuyến hành hương.

Suy nghĩ thật nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định viết lại hành trình của chuyến hành hương về xứ Phật, như một nén tâm hương kính dâng cúng dường mười phương Chư Phật, như một lời tri ân đặc biệt đến với Sư phụ, người đã khai mở, hướng dẫn đời sống tâm linh của tôi, và cũng để tri ân cuộc đời, tri ân những ân nhân, bè bạn đã giúp đỡ tinh thần, vật chất, trợ duyên cho phước báo của tôi được thành tựu.

Cách đây sáu năm, tôi đã đọc loạt bài KÝ SỰ DU HÀNH ẤN ĐỘ của thầy Thích Nguyên Hiền, MÙI HƯƠNG TRẦM của Nguyễn Tường Bách xuất bản năm 2001 khi tôi đang tá túc ở một ngôi chùa quê. Những năm sau này tôi còn được nghe kể nhiều về Ấn Độ từ quý thầy đang du học Ấn Độ mỗi khi về Việt Nam nghỉ Tết, nghỉ hè. Tôi cũng đã đọc LINH SƠN MÂY TRẮNG của Nguyễn Văn Dũng, các tác phẩm viết về đề tài Ấn Độ của Hồ Anh Thái và một số tựa sách của nhiều tác giả khác cùng viết về đề tài này.

Sau khi đọc những tác phẩm này, tôi thực sự được hiểu biết thêm rất nhiều về đất nước Ấn Độ. Một đất nước có nền văn hóa, nghệ thuật, văn minh lâu đời bậc nhất thế giới, là quê hương của Đức Phật Thích Ca. Tôi thú vị với đất nước này vì theo tất cả các tác giả có tác phẩm viết về Ấn Độ mà tôi đã đọc đều kết luận: Ấn Độ là một đất nước mà những tinh hoa về điêu khắc, hội họa đã được phát tiết đến đỉnh cao của nghệ thuật từ hàng nghìn năm trước. Ấn Độ sở hữu những công trình văn hóa nghệ thuật lâu đời, nổi tiếng thế giới. Ngày nay các nước Tây Phương đang đổ dồn về đây để chiêm ngưỡng, khảo cứu. Ấn Độ còn là đất nước của tâm linh, huyền bí với quá nhiều tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng của người Ấn.

Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, cũng bắt nguồn từ đất nước Ấn Độ này. Cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch khuynh hướng Phật giáo Đại thừa nảy nở tại Ấn Độ. Khuynh hướng này nhanh chóng được truyền bá sang các nước láng giềng. Luy Lâu là trung tâm Phật giáo đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và cũng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Đông Nam Á.

Những kỹ thuật canh tác, trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp, những y thuật, những ứng xử văn minh trong sinh hoạt, đời sống của người Việt Nam thời bấy giờ đều được truyền thụ trực tiếp từ Ấn Độ thông qua một số tu sĩ và thương gia người Ấn đến Việt Nam làm ăn, chứ không phải từ đất nước Trung Hoa vốn đã có một nghìn năm đô hộ nước ta. Ấn Độ đặc biệt và quan trọng như vậy đó. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi dám mơ ước mình sẽ có một chuyến hành hương đến xứ Phật, vì làm sao tôi có thể có đủ tiền trả cho tấm vé máy bay đến đất nước này để được chứng kiến những nền văn minh đã có từ năm ngàn năm trước tại đây, để được về xứ Phật, được lạy Phật, được tham quan, chiêm bái TỨ ĐỘNG TÂM. Mặc dù hành hương về xứ Phật là khát ngưỡng hàng đầu của người Phật tử. Vậy mà, tôi đã có một chuyến hành hương chiêm bái trên quê hương Đức Phật, một sự thật mà không còn có hạnh phúc nào hơn thế nữa…
Chuyến hành hương càng tăng phần giá trị, càng hạnh phúc, nồng nàn hơn trong tâm thức tôi vì cùng đi trong đoàn có hai nhân vật mà tôi luôn ngưỡng mộ, kính trọng và yêu thương.

Chuyến bay khởi hành từ Việt Nam lúc 11g trưa 17.01.2010 (nhằm mùng 3 tháng 12 năm Kỷ Sửu). Chúng tôi quá cảnh phi trường Bangkok, Thái Lan. 18g5’ chiều cùng ngày, chúng tôi đổi chuyến bay và tiếp tục hành trình. Sau năm giờ bay, chúng tôi đến phi trường Mumbai (Ấn Độ) lúc 23 giờ đêm. Xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh, các nhân viên an ninh Ấn Độ đã giúp đỡ chúng tôi một cách nhanh chóng, vui vẻ và thân thiện. Khuôn mặt họ an nhiên, tự tại. Đây là ấn tượng đầu tiên của tôi về người Ấn.

Sân Bay Quốc Tế Mumbai

Sau khi làm xong thủ tục, chúng tôi đẩy hành lý ra bên ngoài. Thầy Nguyên Tân đón chúng tôi. Thầy đang học và làm luận án tiến sĩ tại Delhi. Thầy đã vượt hai ngàn cây số bằng xe lửa về đây chờ đón chúng tôi từ hai ngày trước. Vậy là đến lúc này đoàn hành hương chúng tôi đã có tất cả bảy vị gồm sáu vị từ Việt Nam sang và thầy Nguyên Tân. Trong đó có bốn vị Tăng, một vị Ni và ba Cư sĩ.

Ra bên ngoài, thầy Nguyên Tân đón taxi đưa chúng tôi về khách sạn.


Dịch vụ taxi ở Ấn Độ cũng để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ.

Taxi ở Mumbai dễ nhận biết với một màu đen tuyền

Các bác tài xế taxi nói thách rất nhiều. Thầy Nguyên Tân phải vất vả kỳ kèo với họ. Xe taxi Ấn Độ là loại xe nội địa, cũ kỹ tềnh toàng nhưng chúng được dán nhãn hiệu oách lắm: “AMBASSADOR” (Đại sứ). Họ đang kỳ kèo với thầy Nguyên Tân bằng tiếng Anh, tiếng Anh của người Ấn khó nghe lắm nhưng thầy Nguyên Tân đã ở đây tám năm vì thế thầy không gặp khó khăn gì khi mặc cả với họ. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng lên được xe về khách sạn. Xe chạy, tôi lại ấn tượng với tài nghệ lái xe hấp dẫn của tài xế Ấn Độ. Bác tài chạy nhanh, xe cứ lao thẳng về phía trước, luồn lách, uốn éo một cách ngoạn mục giữa dòng xe đông dày, ken đặc trên đường. Thi thoảng có va chạm xen lẫn là những tràng la mắng giữa các bác tài xế với nhau. Người Ấn hiền lắm, khi có va chạm kẻ có lỗi luôn luôn im lặng lắng nghe với nụ cười cầu hòa, hiền lành, nhẫn nhịn. Tôi thầm nghĩ nếu như sự cố va chạm này xảy ra trên đường phố Việt Nam thì chắc là đã có đánh  nhau…


Buổi chợ Phiên

Đường phố về khuya ở Mumbai cũng ấn tượng. Người, xe vẫn đông đúc. Tuy người, xe lũ lượt, tôi vẫn nhận ra sự trật tự, sạch sẽ trong văn minh đường phố của họ.

Về đến khách sạn đã là 12g30’ khuya, tất cả chúng tôi đều mệt lả. Thầy Nguyên Tân bảo chúng tôi tắm rửa, thu xếp nghỉ ngơi để sáng mai bắt đầu đi chiêm bái các Thánh tích.

Một đêm không ngon giấc lắm do mệt, do lạnh, do suốt ngày ngồi máy bay, ngủ trễ, quá giấc nên giấc ngủ chập chờn…

04g30’ sáng hôm sau thức dậy ăn sáng, uống trà, uống cà phê xong, chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương trên quê hương Đức Phật từ miền Nam nước Ấn. Đây là hành trình đã được thầy Nguyên Tân thiết kế dành cho đoàn. Nhờ ít người, hành lý khá gọn gàng, chúng tôi mới có thể đi hết từ miền Nam Ấn lên Bắc Ấn và sang cả Nepal. Chúng tôi hành hương trên tinh thần "chịu thương, chịu khó” và tiết kiệm. Điều chúng tôi cầu nguyện là sức khỏe để chúng tôi đủ sức đi suốt hành trình với thời gian “bức bách” chỉ mười tám ngày cho tất cả các Thánh tích, Phật tích trải dài trên suốt chiều dài đất nước Ấn Độ và sang cả Nepal.

Tôi vô cùng xúc động, cảm kích và biết ơn công đức vô lượng của thầy Nguyên Tân. Nhờ sự nhiệt tình của Thầy mà chúng tôi đã có một chuyến hành hương đầy đủ và giá trị, vì thật ra nếu như chúng tôi đi với những nơi khác tổ chức kể cả các tour hành hương của các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam thì chúng tôi cũng sẽ chỉ được hành hương miền bắc Ấn Độ và Nepal mà thôi. Họ không tổ chức hành hương xuống tới miền nam Ấn Dộ do sẽ mất nhiều công sức, thời gian và quan trọng là tốn kém tiền bạc. Với tôi đây là chuyến hành hương đầy phước báo…Tôi cũng cảm nhận sự hân hoan của Sư phụ đối với hành trình hành hương do thầy Nguyên Tân thiết kế.

06g30’ rời khách sạn, chúng tôi di chuyển bằng xe lửa.

Chuyến hành hương về xứ Phật bắt đầu…