Ngày 31-01-2010 dương lịch, nhằm 17-12 âm lịch đoàn chúng tôi chiêm bái núi Kê Túc.
Núi Kê Túc, ngọn núi thiêng. Thánh tích nơi ngài Ca-diếp ở đây chờ Phật Di Lặc ra đời.
Núi Kê Túc cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng ba mươi lăm ki-lô-mét. Chúng tôi đến đây khoảng 08 giờ sáng. Băng qua đường ray xe lửa, đi bộ khoảng hơn một ki-lô-mét thì vào đến chân núi. Chung quanh chân núi là những thôn xóm nghèo nàn, nhà cửa xập xệ, có cả những căn chòi lá nghèo đến mức tôi đã không dám nghĩ đó là nơi “những con người” đang sinh sống. Người ở đây nhìn lam lũ, ốm yếu và nhếch nhác. Đó là biểu hiện của đời sống nghèo nàn, lạc hậu. Người ăn xin ở đây nhiều vô kể.
Đỉnh núi kê Túc
Từ chân núi nhìn lên, tôi thấy đỉnh núi mang hình dáng chiếc chân gà. Chúng tôi bắt đầu leo núi, đường đi tương đối dễ dàng vì đã được tu sửa nhiều lần nhưng Thầy Nguyên Hiền kể con đường ngày xưa khi thầy đến đây rất gập ghềnh, khúc khuỷu, khó đi nhưng bù lại con đường hoang sơ đẹp và thơ mộng hơn nhiều. Khoảng cách từ chân núi lên đến đỉnh cao khoảng gần một ki-lô-mét. Dọc đường lên, quang cảnh chung quanh yên tĩnh và đẹp đến rung động lòng người. Những tảng đá thiên nhiên hùng vĩ tạo nên dáng vẻ chắc chắn, hùng dũng của ngọn núi như nâng bước chân đoàn chúng tôi mạnh dạn hơn, hăm hở hơn. Thi thoảng là những hồ nước trong xanh, mát lạnh. Khí hậu sáng nay mát mẻ, dễ chịu. Do không bị nắng nên khi lên đến đỉnh núi, mọi người chúng tôi không ai bị mệt. Sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi đã lên đến đỉnh. Bên phải có một hang động nhưng bít lối. Bên trái là một tảng đá có vết nứt thẳng tắp, đều đặn như vết cắt của một trái táo. Đây là điều kỳ diệu đặc biệt đầu tiên của ngọn núi Kê Túc này, theo truyền thuyết khi ngài Ca-diếp đến đây thì ngọn núi đã tự động nứt ra và ngài đã men theo lối này lên đỉnh núi nhập định chờ ngài Di Lặc ra đời. Kẽ nứt này là đường đi duy nhất dẫn lên đỉnh núi. Kẽ nứt chỉ vừa đủ cho một người có tầm thước trung bình đi vào. Chúng tôi lần lượt từng người một đi vào kẽ nứt, đường lúc này tối phải dùng đèn pin. Không khí ở khe nứt này mát lạnh và có vẻ huyền bí. Từ đầu khe nứt vào đến lối rẽ trái để lên đỉnh núi khoảng một trăm mét. Lối rẽ này xuyên qua lòng đá, bị tối do ánh mặt trời không xuyên vào được. Cuối cùng chúng tôi cũng qua được khúc ngặt này bằng đèn pin. Rồi chúng tôi cũng đến được đỉnh núi. Tại đỉnh núi có một tháp thờ ngài Ca-diếp. Đoàn chúng tôi y áo chỉnh tề, thắp hương, đốt trầm thực hiện một thời lễ nhỏ tưởng nhớ ngài.
Niềm hân hoan, xúc động ngập tràn trong chúng tôi. Nỗi phấn khích này đã được thầy Nguyên Hiền sáng tác một bài thơ và thầy đã viết vào cuốn lưu bút tại đây do ban hộ Tháp mời ghi. Bài thơ được thầy Nguyên Hiền sáng tác bằng chữ Hán. Bài thơ được phiên âm như sau:
“Kê Túc sơn trung hoài Thất sơn
Bất kiến Như Lai bất kiến nhơn
Duy tín sơn trung đãi Từ Thị
Tôn giả Ma-ha đức vĩnh tồn”
Dịch:
“Trên núi Kê Túc nhớ Thất sơn
Chẳng thấy Như Lai, chẳng thấy người
Chỉ tin trên núi ngài Ca-diếp
Vẫn còn đợi Di Lặc Từ tôn”.
Đi thêm vài bước nữa chúng tôi lên đến chóp núi. Tại đây có ngôi đền Hindu với phiến đá in hình bàn chân đặt trước cửa đền.
Đặc biệt tại tất cả các Thánh tích, Phật tích trên đất nước Ấn Độ đều có đền Ấn giáo được xây dựng kế bên và mặc dù hiện nay Phật giáo đã gần như bị diệt vong thì tại các Thánh tích, Phật tích của Phật giáo vẫn luôn được người Ấn bảo tồn và chăm sóc vệ sinh thật tốt. Tôi thầm cảm ơn sự tử tế tuyệt vời này của người Ấn.
Chúng tôi ăn trưa trên đỉnh núi Kê Túc, 12g30’ chúng tôi xuống đến chân núi, về lại Bồ Đề Đạo Tràng. Kết thúc chuyến chiêm bái Kê Túc sơn nơi ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang đã từng đến đây chiêm bái.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)