08 giờ sáng chúng tôi chia tay Linh Sơn tự, chia tay những Phật tử đồng hương. Chúng tôi lên đường đi Nepal triều bái Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh.
Xe đưa chúng tôi thẳng một mạch đến biên giới Ấn Độ - Nepal. Thầy Nguyên Tân và thầy Nguyên Hiền vào đồn cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh Nepal. Đoàn chúng tôi gặp sự cố, passport của sư cô đi cùng đoàn không có dấu cho phép nhập cảnh vào Ấn Độ của cảnh sát Ấn Độ. Vì khi nhập cảnh, họ đã quên đóng dấu mà chúng tôi cũng không đề ý. Vì vậy, Nepal đã không thể cấp phép cho sư cô vào tiếp Nepal. Thật là rắc rối. Nhưng rồi, thầy Nguyên Tân cũng đã giải quyết được rắc rối này bằng cách chấp nhận hối lộ cảnh sát Nepal để họ làm lơ cho chúng tôi được vào Nepal lậu. Xong thủ tục đầu tiên, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh. Lúc này đoàn chúng tôi còn có thêm một thành viên, đó là nữ hoạ sĩ người Hàn Quốc, cô ấy quá giang xe chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni.
Vườn Lâm Tỳ Ni
Thầy Nguyên Hiền quyết định ghé tham quan Ca-tỳ-la-vệ trước và sẽ ăn trưa tại đây. Từ hôm đặt chân đến đất Ấn, chúng tôi đều tự nấu cơm mang theo du hành, đây là cách tiết kiệm ngân quỹ eo hẹp và cũng là cách giữ gìn sức khoẻ tốt nhất của chúng tôi vì chắc chắn thức ăn do chúng tôi tự nấu, tuy có cực nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị hơn là sẽ dùng thức ăn Ấn Độ trên dọc hành trình.
Bữa cơm trưa tại thành Ca-tỳ-la-vệ này, ngoài bảy người đoàn chúng tôi còn có thêm sự tham gia dùng bữa của tài xế Viney và cô hoạ sĩ người Hàn Quốc. Tuy cơm có bị thiếu hụt chút đỉnh nhưng không sao, bữa cơm kết thúc trong không khí vui vẻ, ấm áp tình người. Chúng tôi bắt đầu tham quan kinh thành Ca-tỳ-la-vệ.
Ca-tỳ-la-vệ là kinh thành của vương quốc Kiều-tát-la thời vua Tịnh-phạn, phụ thân của Đức Phật Thích Ca. Ca-tỳ-la-vệ là nơi Đức Phật sống qua thời thơ ấu. Đây cũng là thủ phủ của dòng họ Shakya (Thích Ca). Ca-tỳ-la-vệ là kinh đô vô cùng trù phú, thịnh vượng suốt thời thơ ấu của Đức Phật. Sau khi thành đạo mười hai năm, Đức Phật có trở lại nơi này để thăm vua cha Tịnh-phạn. Ca-tỳ-la-vệ cũng chính là nơi dòng họ Shakya (Thích Ca) bị huỷ diệt, thảm hoạ này do tánh hiếu sắc của vua Ba-tư-nặc vương quốc Kiều-tát-la gây nên.
thành Ca-tỳ-la-vệ
Thầy Nguyên Hiền hướng dẫn chúng tôi tham quan cổng thành phía đông nơi Thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ hoàng cung đi tìm con đường Giác ngộ. Cổng thành phía bắc nơi Hoàng hậu Maya thường tổ chức chẩn bần, bố thí cho dân nghèo trong kinh thành.
Ngày nay khi chúng tôi đến đây, chung quanh làng chỉ còn là các thôn làng nghèo nàn xơ xác, dân chúng thưa thớt. Có lẽ, họ sống chủ yếu là nông nghiệp. Nhìn quanh tôi thấy có rất nhiều ụ rơm, nhiều chuồng nuôi bò, dọc trên đường có rất nhiều xe bò đang nghỉ ngơi. Trên vách tường đất những ngôi nhà ở đây phân bò được dán phơi kín tường nhìn giống như những khoanh bánh, đây là một loại chất đốt tốt của người Ấn. Ấn Độ có một loại bánh nướng đặc sản thật ngon mà loại bánh này chỉ có thể ngon khi chúng được nướng bằng phân bò phơi khô. Quang cảnh nơi đây trước mắt chúng tôi thật hoang tàn, đìu hiu. Chúng tôi đã phải động lòng trắc ẩn vì sự nghèo nàn, lạc hậu nơi này. Trẻ con rất đông, chúng dơ bẩn, nhếch nhác, ốm yếu. Chúng đang bu theo cô hoạ sĩ người Hàn Quốc. Cô ấy đang săn ảnh. Cô ấy say sưa với những cảm hứng nghệ thuật của mình. Từ xa, tôi nhìn thấy cô bấm máy liên tục. Cô cũng có chụp ảnh những đứa trẻ và cô có cho tiền chúng nữa. Bọn trẻ dường như đang rất vui. Nhìn chúng thật hồn nhiên.
Thành Ca-tỳ-la-vệ được bao bọc bằng một bức tường gạch cũ. Có cổng ra vào, có người trông coi, có những nhân viên an ninh trực gác. Phía trước cổng ra vào có một giếng quay khá sâu, chúng tôi cũng có sử dụng nước tại chiếc giếng này. Nước trong lành, mát lạnh.
Hiện nay, nơi đây chỉ còn là di tích, bên trong bờ rào thành gạch cũ là những nền móng bằng gạch nung màu đỏ sẫm cũ kỹ, hoang tàn. Toàn cảnh thành Ca-tỳ-la-vệ đìu hiu, buồn bã như chính kết thúc thảm hại của dòng họ Shakya vậy.
Rời Ca-tỳ-la-vệ trong nỗi ngậm ngùi, thương cảm, đoàn chúng tôi lên đường đến Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh.
Đến khu vực Lâm Tỳ Ni, xe chúng tôi đã phải dừng lại cách xa vườn khoảng một ki-lô-mét để đi bộ vào, vì người ta cho rằng đó là cách biểu hiện lòng thành kính với Đức Phật.
Trong đời mình, tôi đã dự biết bao nhiêu buổi lễ kỷ niệm Phật đản sanh, bản thân tôi đã viết biết bao nhiêu lần những bức thư pháp có nội dung ca ngợi, kỷ niệm sự kiện Đức Phật ra đời. Từ bé tôi đã được nghe bà Nội kể chuyện Phật đản sanh, nhưng đến bây giờ tôi mới được đặt chân đến khu vườn lịch sử đặc biệt nhất thế giới này, quả là một đại hạnh trong cuộc đời đầy trắc trở của mình.
Tương truyền, Hoàng hậu Ma-gia (Maya) ngày xưa, trong một đêm ngủ đã nằm mộng thấy một con bạch tượng (voi trắng) nhập vào bụng bà, mặt đất lúc này rung động sáu lần. Ngay trong đêm này Đức Phật đã nhập thai. Hoàng hậu mang thai đến ngày sắp hạ sanh, bà xin phép vua Tịnh-phạn cho rời hoàng cung về quê cha mẹ bà để sinh con. Thế nhưng, trên đường về quê khi đi ngang khu vườn Lâm Tỳ Ni, bà ghé lại viếng thăm thấy đóa hoa vô ưu nở đẹp, bà đưa tay hái thì đúng lúc ấy Thái tử Đản sanh. Sự ra đời của Thái tử cũng đặc biệt, Thái tử được sanh ra ở bên hông phải của Hoàng hậu. Vườn Lâm-Tỳ-Ni ngày nay cũng còn một hồ nước vuông vức, tương truyền đây là nơi tắm Thái tử sau khi hạ sinh.
Sinh xong, Hoàng hậu đưa Thái tử về lại hoàng cung ở Ca-tỳ-la-vệ. Vua cha Tịnh-phạn mời Tiên A-tư-đà đến xem tướng Thái tử. A-tư-đà tiên đoán: “Thái tử là bậc đại Thánh trong tương lai. Thái tử sẽ từ bỏ ngai vàng, đời sống vương giả, thế tục nếu như Thái tử tiếp xúc với những cảnh khổ của cuộc đời”. Trong ngày lễ đặt tên cho Thái tử có tám vị Bà-la-môn đến tham dự. Người trẻ nhất trong tám vị có tên gọi là Kiều-trần-như. Kiều-trần-như chính là một trong năm vị đệ tử đầu tiên được Đức Phật giáo hoá tại vườn Lộc Uyển trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại đây sau khi Đức Phật thành đạo.
Câu chuyện Phật đản sanh và khu vườn Lâm Tỳ Ni như một câu chuyện thần thoại trong tâm thức tôi từ bé vậy mà giờ đây tôi đang bước những bước chân thật gần để vào khu vườn thiêng liêng này. Một cảm xúc bồi hồi khó tả cứ cuồn cuộn… Một cảm giác bình an nhưng rộn rã trong tôi lúc này…
Lâm Tỳ Ni hiện ra trước mắt tôi giữa hai hàng dương liễu xanh um. Lâm Tỳ Ni là có thật, không phải huyền thoại nữa rồi. Bà nội ơi!
Khu vườn Lâm Tỳ Ni được rào chắn cẩn thận. Bên trong là một không gian rộng lớn rợp mát bởi nhiều cây cổ thụ. Gần cổng ra vào là đền thờ Hoàng hậu Maya, bên trong đền thờ có một tác phẩm điêu khắc trên đá. Nội dung tác phẩm này là cảnh Đức Phật đản sanh. Trên tấm đá điêu khắc hình tượng Hoàng hậu Maya đang đứng dưới gốc cây vô ưu. Một tay bà đang nắm lấy cành cây, tay còn lại bà đang sửa soạn lại trang phục. Bên cạnh bà là Thái tử vừa mới ra đời. Trên bức tranh còn có Chư Thiên và bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, dì của Thái tử. Sau này bà trở thành kế mẫu của Thái tử do Hoàng hậu Maya đã qua đời sau khi sanh Thái tử bảy ngày. Gần đền thờ Hoàng hậu là trụ đá A-dục cao khoảng sáu đến bảy mét, phần trên đầu trụ có một niền sắt, thân trụ là dòng chỉ dụ với nội dung vua Asoka miễn thuế đất ở làng Lâm Tỳ Ni và giảm thuế hoa màu cho dân chúng trong làng vì đây là nơi Đức Phật Thích Ca đã ra đời. Trụ được bảo vệ bằng một hàng rào sắt. Khách hành hương đang thành kính thiền hành quanh trụ đá thiêng liêng này. Lòng tôi dấy lên niềm xúc cảm vô biên.
Khách hành hương đang lễ bái nơi đây đa phần là người Tây Tạng, xa xa trên những cành cây tôi thấy hằng hà dây cờ được giăng. Thầy Nguyên Hiền giải thích cho tôi hiểu, đây là cách cúng dường Chư Phật của người Tây Tạng. Bất cứ một Thánh tích, Phật tích nào cũng giăng đầy những dây cờ, những lá phướn trắng, vàng, xanh, đỏ mà trên đó người Tây Tạng đã viết kinh bằng chữ Tây Tạng để cúng dường và cầu nguyện khi họ đến lễ bái.
Đoàn chúng tôi vào bên trong đền thờ. Y áo chỉnh tề, chúng tôi tiến hành một thời lễ nhỏ tại nơi Đức Phật đản sanh. Ở đó có một tảng đá thiêng đánh dấu sự kiện lịch sử thiêng liêng quan trọng này. Sau thời kinh, đoàn chúng tôi thiền hành ba vòng. Tôi cảm nhận sự thiêng liêng đang lan toả. Đoàn chúng tôi thắp hương và đốt trầm cúng dường. Ngoài kia nắng chiều đã tắt, vậy là chúng tôi phải ra về. Tạm biệt Phật tích thiêng liêng trong nỗi niềm hân hoan, luyến tiếc vô tận. Chúng tôi cũng có lén thỉnh đất tại vườn Lâm Tỳ Ni.
Đêm ở Nepal này chúng tôi lưu trú tại chùa Hàn Quốc.
Chúng tôi được phục vụ rất chu đáo. Mỗi phòng ở đều có đầy đủ chăn nệm, rộng rãi và thoải mái lắm. Thức ăn được bày sẵn trên dãy bàn phía ngoài, chén đũa cũng đã sẵn sàng. Khách hành hương sẽ tự phục vụ. ăn xong sẽ tự rửa dọn phần chén bát của mình. Tất cả mọi thứ ở chùa Hàn Quốc này đều ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ. Ngoài trời đêm nay lạnh nhưng tôi đã có một đêm ngon giấc tuyệt vời.
06 giờ sáng chúng tôi lên xe đến thăm và tham quan Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được xây dựng trên miền đất Phật. Khi chúng tôi đến, sương mù ở đây dày đặc, trời lạnh khó chịu. Thầy trụ trì đi vắng, chúng tôi xin vào thăm và tham quan chùa. Tất cả chúng tôi lên chánh điện lạy Phật và chúng tôi cũng có chụp ảnh cùng hồng hạc nơi này để lưu niệm.
Việt Nam Phật Quốc Tự được thiết kế tương đối khang trang, bên trong chánh điện đẹp, hài hoà nhưng quần thể bên ngoài thiết kế hơi bị đầy, tạo cảm giác chật chội, manh mún. Thầy Huyền Diệu có lẽ muốn giới thiệu một Việt Nam đầy đủ tại đây nhưng kết quả thì… Tôi có hơi đáng tiếc chút xíu cho công việc tôn trí chùa nhưng tôi vẫn vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ công đức vô lượng của thầy Huyền Diệu dành cho ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật. Chia tay Việt Nam Phật Quốc Tự chúng tôi quay trở về Ấn Độ.
Lần quay về này chúng tôi không gặp khó khăn gì khi đi qua biên giới Nepal - Ấn Độ. Trước khi đến biên giới, quan sát dọc đường tôi nhìn thấy bóng dáng của những viên cảnh sát Nepal tuần tra canh gác. Nepal cũng là một đất nước an ninh bất ổn. Chiến tranh và khủng bố luôn chực chờ. Tôi cảm nhận xứ sở Nepal này có vẻ khá giả về kinh tế, dân cư có phần ít hơn Ấn Độ.
Trên khắp các nẻo đường Nepal có rất nhiều đền đài tôn thờ các vị thần linh của họ. Đặc biệt các ngã ba, ngã tư, các bùng binh tượng Phật đã được đặt thờ một cách trang trọng, thành kính. Nepal cũng mang đậm màu sắc tôn giáo.
Qua khỏi biên giới Nepal - Ấn Độ an toàn, tôi thở phào nhẹ nhõm sau hơn một ngày làm người ngoại quốc nhập cảnh lậu vào Nepal. Tôi tiếc nuối do thời gian hạn hẹp nên đã không được đến tham quan Kathmandu, thủ đô của nước Nepal. Thủ đô Kathmandu là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng, trung tâm của văn hoá triết học và cũng là trung tâm của nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ. Đỉnh cao của nghệ thuật văn hoá Phật giáo. Đặc biệt, Kathmandu còn là thế giới của những pho tượng, những ấn phẩm Phật giáo tuyệt mỹ. Tôi đang nhớ đến pho tượng ngài Văn Thù có khuôn mặt phủ vàng quý giá của Nguyễn Tường Bách. Đây cũng là một chứng tích minh chứng cho sự tín tâm đã được phát khởi của ông Nguyễn Tường Bách sau khi ông được chiêm bái đầy đủ TỨ ĐỘNG TÂM trên xứ Phật. Vì khi lần đầu tiên đến Ấn Độ, ông chỉ đến với tâm thế của một doanh nhân và chỉ biết đất nước Ấn Độ là đất nước của Gandhi, Tagore, Krishnamurti, mẹ Thérésa nhân ái còn Đức Phật Thích Ca, các vị Bồ tát chỉ là huyền thoại, hoang đường trong tâm thức ông. Nhưng từ sau khi chiêm bái TỨ ĐỘNG TÂM, chiêm bái LINH THỨU sơn trở về cùng pho tượng Văn Thù thì pho tượng đã là vị hộ pháp tuyệt vời, linh thiêng của ông mỗi khi ông gặp khó khăn trong công việc.
Quả đúng như Đức Phật đã dạy: “Có bốn nơi làm phát khởi tín tâm, đó là nơi Phật đản sanh, nơi Phật thành đạo, nơi Phật chuyển pháp luân và nơi Phật nhập Niết bàn”.
Thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi về nghỉ tại một ngôi chùa Srilanka, trực thuộc thành phố Shravasti. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, 13g30’ chúng tôi lên đường chiêm bái Xá-vệ-quốc.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)