12 giờ trưa chúng tôi về đến khách sạn. Thầy Nguyên Tân ra nhà ga make sure chuyến tàu về Patna, những người còn lại trong đoàn xúm nhau lo cơm nước bữa trưa.
Chao ôi! Một lúc sau thầy Nguyên Tân gọi về thông báo: “Tàu bị huỷ chuyến do sương mù dày đặc tàu không chạy được phải chờ đến đêm nay thì tàu mới có thể chạy”. Đây cũng là tình trạng thường xuyên như chuyện thường ngày ở huyện của xứ sở Ấn Độ. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng đều không bao giờ thông báo trước tình hình hoạt động đến với hành khách mà hành khách phải tự điều nghiên theo dõi để giải quyết hành trình của mình, đã có quá nhiều hành khách bị vỡ kế hoạch vì sự tùy tiện hủy chuyến của các hãng tàu, xe Ấn Độ.
Vậy là phải chờ thôi. Cơm trưa xong, thầy Nguyên Tân vẫn còn ở ga chưa về. Thầy phải ở đây để chờ biết thông tin cuối cùng của chuyến tàu. Tại khách sạn, đi ra đi vào đến chán, thầy Nguyên Hiền rủ tôi và chị Tuyết đi dạo phố. Ba thầy trò xuống phố với nhiều thú vị. Đường phố, chợ búa Ấn Độ luôn luôn đông đảo, tràn ngập người và xe cộ. Nắng ở đây đến cháy cả da thịt nhưng đặc biệt không một người Ấn nào đội mũ trên đầu, kể cả các em bé nhỏ cũng đầu trần, phơi mình dưới cái nắng đổ lửa. Công việc mua bán, kinh doanh đều do đàn ông đảm nhận, phụ nữ Ấn Độ chỉ quanh quẩn ở nhà trông con, nội trợ, công việc kiếm tiền là của đàn ông. Xe cộ đông đảo, ken dày trên đường. Người Ấn họ đông đến mức ngoài phương tiện xe lửa đứng một chân như tôi đã kể phần trên thì trên các mui xe buýt, xe zeep người ta ngồi chen chúc, dày đặc.
Khát nước, chúng tôi vào một tiệm bánh bên đường, đây là một tiệm bánh tương đối lớn, bán rất nhiều loại bánh đặc sản Ấn Độ, phần nhiều là các loại bánh nướng. Thầy Nguyên Hiền mua mỗi loại bánh vài chiếc đãi chị Tuyết và tôi vì dù sao Thầy cũng đã là người đã từng đến Ấn Độ trước đây vài năm nên cũng có nhiều kinh nghiệm. Thầy bảo chúng tôi ăn cho biết bánh trái đặc sản Ấn Độ, Thầy còn mời chúng tôi mỗi người một chai nước ngọt Sprite. Thật là sang!
Ba thầy trò ăn bánh, uống nước trò chuyện vui vẻ và còn chụp hình kỷ niệm nữa.
Về lại khách sạn thì thấy thầy Nguyên Tân đã về. Thầy bảo, có thể sau 12 giờ đêm nay tàu mới có thể khởi hành. Thầy Nguyên Tân lo lắng vì như vậy hành trình của đoàn sẽ phải bị thay đổi, như vậy đoàn sẽ phải ăn tối tại khách sạn thêm một bữa nữa rồi mới ra nhà ga chờ tàu.
20 giờ tối xe khách sạn đưa chúng tôi ra nhà ga. Lần này, chuyến xe do một tài xế người Ấn, đạo Hindu lái. Anh ta rất vui vẻ và nói nhiều. Dọc đường đi, anh ta trò chuyện thật nhiều với quý thầy và còn ga-lăng dừng xe mời chúng tôi uống “Chai” (trà sữa), đây là loại thức uống đặc sản truyền thống của người Ấn, trà sữa được chế biến từ trà và sữa bò. Đến nhà ga, tạm biệt anh tài xế vui tính, đoàn chúng tôi đối diện với những ồn ào, đông đảo, phức tạp của nhà ga. Sau một hồi tìm kiếm, đoàn cũng tìm được một góc để chất hành lý ngồi chờ chuyến tàu của mình. Yên vị ở một góc nhà ga, tôi bắt đầu quan sát chung quanh. Quan cảnh nơi đây như một xã hội Ấn Độ thu nhỏ. Nhà ga rộng rãi nhưng tôi vẫn có cảm giác nhỏ hẹp, chật chội vì lượng người nơi đây quá đông đảo. Giữa rừng người ta vẫn có thể nhận ra đẳng cấp của họ thông qua trang phục, cử chỉ ứng xử. Ngày nay, chính phủ Ấn Độ đã quy định cụ thể việc xoá bỏ phân biệt, kỳ thị đẳng cấp nhưng thật ra tệ trạng này vẫn hằng hữu, ngấm ngầm trong đời sống xã hội Ấn. Nhưng dù người Ấn thuộc đẳng cấp nào trong xã hội thì điều đặc biệt tôi ấn tượng là khuôn mặt họ luôn thanh thản và an lạc. Hành trạng họ từ tốn, an nhiên. Quanh ga, người ăn xin rất nhiều. Người Ấn hiền lành nhưng nói nhiều và ồn ào. Từng tốp phu khuân vác đang tranh giành khách. Họ là những cửu vạn tuyệt vời. Sau khi đã thoả thuận xong giá cả với khách. Người cứu vạn kia sẽ đội những chiếc vali to lớn lên đầu, hai vai đeo hai xách hành lý khá nặng, hai tay sẽ xách thêm được những túi xách hành lý còn lại. Anh ta nhanh nhẹn di chuyển, luồn lách giữa rừng người, đến toa tàu của khách cần lên, anh ta sẽ mang đầy đủ lên toa tàu giúp khách, sau khi giao trả hành lý anh ta nhận tiền và xuống tàu, tiếp tục mời gọi, chèo kéo hành khách khác vừa mới đến ga. Cực khổ, nặng nề là vậy nhưng tôi nghe kể số tiền công họ được nhận rất ít ỏi, rẻ mạt. Đoàn chúng tôi do tiết kiệm nên không thuê họ mang giúp hành lý lên tàu.
12 giờ khuya tàu đến. Tất cả chúng tôi đều phụ giúp nhau mang vác hành lý lên tàu. Chúng tôi cũng đã phải rất vất vả chen lấn mới lên được toa tàu. Chúng tôi đi toa giường nằm, như thế đã là VIP rồi, vậy mà ở toa này chúng tôi vẫn bị phiền hà vì sự ồn ào, đi lại nhốn nháo của những hành khách người Ấn. Tàu chạy mang chúng tôi về Patna (Hoa Thị thành cũ) thủ đô của Bihar. Đêm này trên tàu tôi đã bị khó ngủ do tàu chạy xập xình, khí hậu lạnh buốt, nhiệt độ bên ngoài lúc này đang có thể là 7 – 8 0 c. Các khớp tay, khớp gối của tôi đau nhức, đó là căn bệnh kinh niên của tôi khi trời lạnh. Sự đi lại ồn ào cả đêm của hành khách và các viên cảnh sát an ninh tuần tra. Nhìn ra bên ngoài, màn đêm đen kịt, sương mù dày đặc. Tôi cứ lo tàu sẽ bị dừng do không thể chạy vì màn sương mù dày đặc này. Vậy mà, tàu vẫn đang vận hành xuyên đêm.
05 giờ sáng chúng tôi đã trở dậy ngồi túm tụm cùng nhau, cà phê tán gẫu. Người Ấn, họ không hề biết và cũng chẳng có một ý niệm gì về nước sôi nên chúng tôi đã phải pha cà phê bằng trà sữa (chai) của họ.
Uống cà phê, ngắm cảnh bên ngoài thật là thú vị. Những cánh đồng hoa cải vàng trải suốt dọc đường chúng tôi đi, xen lẫn những cánh đồng hoa cải vàng đẹp đến rung động lòng người là những căn nhà vách đất trộn rơm, lợp mái ngói. Những chuồng bò, những ụ rơm, hình ảnh những xóm làng cổ nông thôn nơi đây làm tôi nhớ quê hương Việt Nam của mình.
Tôi đang thầm tiếc rẻ trong đoàn mình đi hôm nay thiếu một người bạn mà có lẽ nếu đang được hiện diện nơi này anh sẽ rất đồng cảm với tôi về những cảm xúc trước vẻ đẹp bình dị, tinh khiết của những cánh đồng hoa cải vàng và chắc chắn đoàn sẽ được nghe một bài thơ tuyệt hay do anh cảm hứng sáng tác nơi này…
Thầy Nguyên Tân giới thiệu với chúng tôi, cây hoa cải vàng đó là cây mù-tạt. Người Ấn chủ yếu làm nông nghiệp. Họ trồng lúa, mía, cây mù-tạt để chế biến thành dầu, đường xuất khẩu. Ấn Độ hàng năm thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ từ việc xuất khẩu dầu mù-tạt và mía nên bất cứ đi đâu trong mùa này trên đất Ấn chúng tôi cũng đều bắt gặp những cánh đồng hoa cải vàng đang trong mùa thu hoạch. Những chiếc xe bò, những chiếc xe tải chở đầy mía đang lưu thông trên đường như xác quyết điều thầy Nguyên Tân vừa giới thiệu với chúng tôi.
Xe tải ở đây nhiều lắm, chúng cũng là một ấn tượng. Bất luận đó là xe mới hay cũ thì thùng xe cũng được sơn phết, vẽ vời với nhiều màu sắc sặc sỡ, hoa văn rất đồng bóng. Trong xe, tài xế mở nhạc Ấn Độ to inh ỏi. Xe tải Ấn Độ là loại xe nội địa xấu xí, thô kệch nhưng rất chắc chắn và bền bỉ.
Với một đất nước có dân số trên một tỷ người, người Ấn đã tự sản xuất tất cả các hàng hoá tiêu dùng để phục vụ cho đời sống của mình. Hàng hoá của họ tuy mẫu mã đơn điệu, xấu xí nhưng chất lượng thì cực kỳ tốt, bền và rẻ.
Đất nước Ấn Độ là một đất nước có nhiều đối nghịch. Nếu ở thành phố Mumbai chúng tôi được nhìn thấy sự sang trọng, chỉn chu, đời sống văn minh hiện đại thì dọc đường trên chuyến tàu lửa này chúng tôi lại nhìn thấy sự đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Ấn tượng với những hàng người ngồi dưới ruộng đang quay mặt ra đường ngắm nghía đường sá với vẻ mặt tươi vui tỉnh táo của một ngày mới, có đủ đàn ông, phụ nữ, trẻ con trong hàng người này. Họ ngồi đó rất an nhiên, tự tại. Thầy Nguyên Tân bảo họ đang làm công việc “đào thải”. À, thì ra là vậy. Người dân ở những nơi này cứ như đang sống ở cách nay nhiều thế kỷ. Họ hồn nhiên, chất phác chung sống với việc ăn bằng tay, phóng uế tuỳ tiện bất kỳ nơi nào có thể được chung quanh nơi họ đang sinh sống.
07g30’ sáng chúng tôi được phục vụ điểm tâm. Khẩu phần của mỗi người là một chiếc bánh nướng, một cặp bánh sandwish, một hộp pho-mát, một hộp mứt dâu, một ly chai (trà sữa). Người Ấn ăn uống đơn giản lắm. Ta nhìn thấy hình tướng họ to cao, phốp pháp là vậy nhưng mỗi bữa ăn của họ chỉ cần một vài chiếc bánh nướng và một ly chai (trà sữa) hoặc thịnh soạn hơn thì họ sẽ ăn cơm, một loại cơm khô khốc, rời rạc từng hạt, hôi mốc được đựng vào một chiếc mâm inox tròn nhiều ngăn. Họ có thể ăn cơm với dal, đây cũng là món ăn đặc sản của người Ấn hoặc rau củ xào, kho mặn. Ở đây phổ biến tôi thấy họ ăn cà rốt, khoai tây, súp-lơ, ớt xanh, hành lá, hành củ đỏ và các loại đậu hạt. Mùi vị các loại thức ăn này nồng hắc mùi gia vị. Do thức ăn Ấn Độ khó ăn nên tôi không dám thử nhưng thầy Nguyên Tân kể, thức ăn của họ mùi vị khó ngửi và cay đến rộp lưỡi. Người Ấn đa số ăn chay vì động vật ở đây là các vị thần mà tùy theo từng tôn giáo của mình họ thờ phượng. Họ ăn bằng tay. Nếu lần đầu tiên đến Ấn Độ nhìn thấy họ ăn bốc chúng ta có thể cho như vậy là thiếu vệ sinh nhưng họ lại cho chúng ta ăn bằng đũa, muỗng mới là không sạch sẽ vì họ ăn bằng tay nhưng lại mỗi người ăn riêng chứ không ăn chung, gắp chung như chúng ta. Đặc biệt người Ấn không biết ăn rau xanh. Thầy Nguyên Hiền kể, họ mua rau về xắt nhuyễn cho vào máy xay, nhuyễn nhừ, nấu lẫn vào dal hoặc các món xào, kho chứ họ không biết nấu canh hay rau luộc như chúng ta. Nhân bàn luận thức ăn và cách ăn của người Ấn, thầy Nguyên Hiền giới thiệu với chúng tôi món chowming tuyệt hảo ở Ấn Độ, đây chỉ là món mì sợi xào rau cải nhưng nó ngon và có hương vị đặc biệt, hấp dẫn vị giác người ăn do người Ấn đã dùng một loại gia vị đặc biệt nào đó để nêm nếm, tạo thành một món ăn đặc sản và món ăn này là món dễ ăn nhất tại đây. Thầy Nguyên Tân đã đãi chúng tôi món chowming ngay trên chuyến tàu, sau lời giới thiệu hấp dẫn. Thầy bảo, tất cả Tăng Ni Việt Nam đang du học tại Ấn Độ đều khoái khẩu món ăn chowming này.
Người Ấn tuy ăn uống đơn giản và ít ỏi nhưng thật sự họ đã nạp đủ năng lượng vào cơ thể. Thầy Nguyên Tân kết luận: “Thức ăn Ấn Độ rất bổ dưỡng”, ví dụ món bánh chappati là loại bánh làm bằng bột mì, nướng sém hai mặt, ăn với dal. Dal được chế biến từ đậu xanh, khoai tây và các loại đậu hạt khác, hầm nhừ xay nhuyễn chế thêm một ít dầu thực vật vào nữa. Sau khi ăn, họ sẽ uống một ly chai (trà sữa) hoặc một cốc sữa chua lạnh. Như vậy đã quá bổ. Thức ăn Ấn Độ bổ dưỡng vì đã đủ hàm lượng tinh bột, đường, đạm (đạm thực vật). Người Ấn có ăn trứng (loại trứng công nghiệp) nhưng họ rất hiếm khi ăn thịt cá và các loại hải sản. Xem ra thói quen ăn uống, ẩm thực của người Ấn cũng được ảnh hưởng từ những quan niệm, thái độ của đời sống tâm linh, kể đến đây thầy Nguyên Tân bảo: “Nguyên Tân thèm chappati lắm rồi nha”.
thành phố patna
10g30’ sáng chúng tôi mới đến được nhà ga Patna, bang Bihar. Tại đây đã có một tài xế người Ấn chờ đón chúng tôi, đây là chiếc xe thầy Nguyên Tân đã thuê từ trước sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những Phật tích quan trọng của hành trình hành hương trước khi về Delhi. Tài xế là một thanh niên người Ấn hai mươi tám tuổi, tên cậu ta là Viney. Cậu ta rất đẹp trai và hiền lành như những người Ấn khác trên đất nước này. Viney đã chờ đón chúng tôi từ lúc 03 giờ sáng, nhưng đến 10g30’ chúng tôi mới đến, thế mà cậu ta vẫn an nhiên, vui vẻ không hề cau có, khó chịu. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến đức tính này của người Ấn. Theo tôi, người Ấn đã hành trì chữ Nhẫn một cách triệt để. Họ nhẫn nhịn trên tinh thần bao dung, chịu đựng. Cho đến lúc này, tôi chưa gặp bất kỳ người Ấn nào hung dữ, sân si dù hình tướng họ to lớn, dữ dằn, râu ria bặm trợn. Người Ấn cũng là người HỨA THẬT NHIỀU VÀ THẤT HỨA CŨNG THẬT NHIỀU, họ là những “chuyên viên” hứa hão đạt kỷ lục thế giới. Họ chưa bao giờ đúng hẹn cho dù đó là công việc quan trọng của chính bản thân họ và vì thế mà họ đã rất kiên trì chờ đợi người khác khi người khác lỗi hẹn. Sự kiên trì của họ an nhiên tĩnh tại lắm, cho nên tôi đã không lấy gì làm lạ khi tài xế Viney không hề khó chịu vì chuyến tàu đến trễ của chúng tôi.
Rời nhà ga, Viney chở chúng tôi về chùa Kiều Đàm Di, ngôi chùa ni Việt Nam đầu tiên trên xứ Phật do Ni sư Thích Nữ Khiết Minh trụ trì và cũng là điểm đến đầu tiên của chúng tôi tại bang Bihar, miền đất thiêng nơi có dòng sông Hằng chảy qua, nơi đã sinh ra nhiều bậc vĩ nhân của Ấn Độ. Đây cũng là miền đất lưu trú và hoạt động của các bậc Cao tăng, các bậc Luận sư, những Thánh nhân đắc đạo và quan trọng hơn cả đây là miền đất hoạt động chính của Đức Phật Thích Ca thời tại thế cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Theo tìm hiểu của riêng tôi, Bihar tiếng Ấn có nghĩa là Tự viện.
chùa Kiều Đàm Di
Quan sát Bihar, tôi cảm nhận rằng mặc dù mang trên mình bộ áo lịch sử huy hoàng của hai ngàn năm trăm năm nhưng Bihar ngày nay nghèo nàn, lạc hậu, dân cư đông đảo đến quá tải. Bihar còn là một bang không an toàn về an ninh. Biểu tình, khủng bố, súng nổ bất kỳ lúc nào chỉ vì những tranh chấp, bất đồng quan điểm về tín ngưỡng tôn giáo cũng như tệ nạn phân biệt giai cấp rõ rệt nhất nơi này. Nhắc đến tệ nạn phân biệt, kỳ thị giai cấp của Ấn Độ, tôi nhớ một câu chuyện có thật đã xảy ra ở Việt Nam mà tôi đã từng biết như xác quyết sự kỳ thị, phân biệt giai cấp khắc nghiệt đã ăn sâu trong máu tim người Ấn.
Thời con gái, Ngọc Diệp cô bạn xinh xắn của tôi có một mối tình với một doanh nhân người Ấn. Khi tình yêu của hai bạn đã đến lúc Ngọc Diệp phải đưa anh ta về gặp gỡ cha mẹ mình thì anh ta cũng đã rất hoan hỷ đồng thuận với ý kiến của Ngọc Diệp. Sáng hôm sau, Ngọc Diệp đã thuê một chiếc taxi đưa hai người về Tiền Giang thăm ba mẹ. Đến nhà, vào bữa cơm trưa với bản chất hồn hậu của người Nam bộ, cha mẹ và Ngọc Diệp đã mời người tài xế taxi cùng vào bàn dùng cơm. Người yêu Ngọc Diệp tỏ vẻ khó chịu, ăn uống qua loa rồi đứng dậy rời bàn cơm gia đình. Sau bữa cơm, anh ta đã trách móc, giận dỗi Ngọc Diệp một cách cố chấp cho dù Ngọc Diệp đã cặn kẽ giải thích nhưng anh ta vẫn cho rằng anh ta đã bị coi thường. Gia đình và cả Ngọc Diệp đã không tôn trọng anh ta khi mời tài xế taxi ngồi cùng bàn ăn uống với anh ta. Tài xế taxi là giai cấp thấp kém, làm thuê, anh ta không chấp nhận sự bình đẳng này. Sau đó Ngọc Diệp và anh ta đã chia tay, mối tình tan vỡ, tất nhiên với nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là sự cực đoan của anh ta trong việc phân biệt đẳng cấp.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)