Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

Thánh tích đầu tiên chúng tôi chiêm bái trong cuộc hành trình này là dãy hang động Kanheri (Kanheri Caves) ở Borivali thuộc bang Maharashtsa - Ấn Độ.

Xe lửa ở Ấn Độ cũng là một ấn tượng. Do mật độ dân số quá đông (hơn một tỷ người), dân chúng Ấn Độ chủ yếu sử dụng phương tiện di chuyển công cộng bằng xe lửa, xe buýt, tàu điện ngầm nên xe lửa của họ rất dài. Mỗi đoàn tàu lửa có cả trăm toa tàu. Xe lửa có nhiều hạng vé dành cho nhiều đối tượng tiêu dùng trong xã hội. Thầy Nguyên Tân cho chúng tôi đi hạng sang, vé ngồi. Vậy mà, ở toa này cũng đông đúc, phức tạp. Thầy Nguyên Tân bảo: “Đi toa này là quí vị đã thoải mái lắm rồi đấy. Bây giờ là buổi sáng và cũng còn tương đối sớm, chưa đến giờ đi làm của người Ấn. Ở đất nước này, ngày làm việc của họ bắt đầu rất trễ, sau chín giờ sáng, nên chúng ta đủ ghế ngồi, nhưng chiều về sợ quí vị sẽ không được ngồi như thế này, vì khi chiều trở về sẽ là giờ cao điểm, tan sở của công chức văn phòng nên tàu sẽ đông kín, nghẹt người”.


Chúng tôi đến Kanheri Caves lúc 09 giờ sáng. Từ ngoài cổng của Vườn quốc gia Gandhi (Sanjay Gandhi National Park) vào đến dãy hang động khoảng bảy ki - lô - mét.


Vườn quốc gia Gandhi (Sanjay Gandhi National Park)

Dọc hai bên đường vào là những khu rừng nguyên sinh tươi xanh, mát mẻ. Khí hậu sáng nay như đãi chúng tôi. Trời không nắng lắm, nhiệt độ ấm áp chứ không lạnh buốt như đêm qua chúng tôi ở khách sạn. Khí hậu dễ chịu, dọc đường vào được nghe chim hót, được nhìn thấy những chú khỉ tung tăng, những chú sóc nhỏ nhắn, dễ thương nhảy lượn đùa giỡn cùng nhau. Con người và thiên nhiên ở đây thật thân thiện.

Dãy hang động Kanheri này có tất cả 109 hang động.


Đi hết bậc tam cấp vào đến dãy hang động, tôi ngạc nhiên trước vẻ hùng vĩ nhưng lãng mạn, yên ắng của dãy hang động. Chung quanh dãy hang động là những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn những cây cổ thụ, hoa, cỏ dại mọc đầy. Dãy hang động là một công trình được cấu trúc hoàn hảo với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho đời sống hàng ngày của tăng đoàn khi xưa. Trước mỗi hang động đều có giếng nước, nước ở đây trong lành, mát lạnh. Tôi vốc nước rửa mặt. Chao ôi! Nước mát thật là sảng khoái. Bên trong mỗi hang động đều có một chiếc giường bằng đá làm chỗ ngủ, có ô thông gió dùng để lấy gió và ánh sáng. Có những hang động có nhiều dãy bàn dài, có lẽ ngày xưa tăng đoàn dùng để làm giảng đường hoặc trai đường. Những trụ đá tròn to cao, vững chắc là trụ cột trong các hang động tuyệt đẹp với những hoa văn tinh xảo được điêu khắc trên thân trụ. Nhưng điều đặc biệt tại dãy hang động này là những pho tượng Phật Bổn Sư, Phật Quan Âm, các vị Bồ Tát, các vị Thần v.v... Những pho thạch tượng này cao lớn, sắc sảo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân ngày xưa trong nghệ thuật điêu khắc tượng. Thạch tượng ở đây đẹp, là đá nhưng đường nét mềm mại và có hồn. Khuôn mặt tượng hiền từ, ánh mắt từ bi nhìn chúng sanh. Tôi cảm nhận được sự linh thiêng, vi diệu từ pho thạch tượng chiếu xuống, truyền vào tâm tôi khi tôi quỳ lạy, đảnh lễ. Tôi thật sự xúc động. Bước ra bên ngoài ngắm nhìn quang cảnh xung quanh, cảnh núi rừng nơi này đẹp đến rung động lòng người. Khung cảnh thanh bình, an tịnh đã cho tôi niềm an lạc.

Dường như có một dòng nước mát đang chảy trong tôi như suối nguồn vi diệu mà tôi cảm nhận được từ dãy hang động Kanheri này. Nó kết tinh từ niềm thành kính của tôi đối với giáo đoàn Phật giáo ngày xưa, niềm thán phục trước công phu của tiền nhân, pha lẫn niềm hạnh phúc đang dâng trào trong hiện tại. Tuy chỉ là điểm tham quan chiêm bái đầu tiên nhưng nguồn xúc cảm ấy vẫn theo tôi suốt hành trình du hành Ấn Độ.

Buổi trưa hôm ấy có một đoàn học sinh Ấn Độ tham quan dãy hang động. Những giáo viên hướng dẫn đi cùng các em đã đề nghị được chụp chung với chúng tôi vài tấm ảnh kỷ niệm. Những người khách ngoại quốc đến thăm dãy hang động này cũng xin chụp hình với chúng tôi vì chúng tôi là người Việt Nam mà họ chưa từng nghe, chưa từng được biết đến. Họ đã rất vui khi chúng tôi đồng ý và lập tức, máy ảnh đã bấm nháy liên tục…Thầy Nguyên Hiền kể cho chúng tôi nghe rằng ở Ấn Độ, các trường học thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này cho học sinh. Đây là phương pháp giáo dục nhân cách, lòng yêu thương, sự gần gũi thân thiện với con người, với môi trường, với thiên nhiên cho học sinh rất hiệu quả. Ở Việt Nam thiếu hẳn các chương trình ngoại khóa này trong chương trình giảng dạy ở học đường.

03 giờ chiều chúng tôi rời Kanheri Caves với sự cố chiếc giày dưới chân tôi bị rớt đế. Chết rồi! Làm sao đây? Mới bắt đầu hành trình mà giày đã hư, làm sao để có giày tiếp tục đi đây ạ? Nhưng thật may, ra đến sân ga, đã gặp một người thợ may giày bên vệ đường. Người thợ may giày là một ông già người Ấn với khuôn mặt khắc khổ nhưng hết sức điềm đạm, ông đã cặm cụi ngồi may thật kỹ trong sự nhìn ngắm của chúng tôi. Trong ông chẳng có vẻ gì mừng khi có công việc, cũng chẳng có vẻ qua loa cho xong việc để lấy tiền. Cứ như may giày là việc của ông một cách an thân lập mệnh. Chính thái độ an nhiên đó dưới trời chiều nắng gắt đã làm tôi ngưỡng mộ. Khi ông may xong, thầy Nguyên Tân đã trả cho ông ba mươi rupee (khoảng mười lăm ngàn đồng Việt Nam). Sự cố đầu tiên trên đất Ấn đã được khắc phục. Tôi chợt nhớ T.G, người bạn đã tặng tôi đôi giày. Đây là đôi giày xịn của T.G nhưng do tôi thích nên T.G đã đành phải tặng tôi, đôi giày gọn nhẹ, không cầu kỳ, vừa vặn với chân tôi và rất dễ thương.

T.G ơi! Kết thúc chuyến hành hương tại Ấn Độ, Diễm không biết mình có đi được vạn dặm không nữa nhưng đôi giày T.G tặng Diễm đã cùng Diễm suốt dọc hành trình, nó cũng gian khổ leo núi, trèo đèo nhưng có lẽ nó cũng hạnh phúc như Diễm vậy. Hạnh phúc của đứa con tha phương nay trở về, trở về với cội nguồn của mình. Cội nguồn tâm linh T.G ạ. Cám ơn bạn nhiều nhé.

Thầy Nguyên Tân tiếp tục đưa chúng tôi tham quan thành phố Mumbai.

Thành phố Mumbai đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Mumbai là một trong bốn thành phố lớn nhất của Ấn Độ: Delhi, Chennai, Calcutta (hiện là Koltaka) và Mumbai (trước là Bombay).

Mumbai là thành phố đông dân nhất Ấn Độ (khoảng 13 triệu người), được mệnh danh là Bollywood, kinh đô điện ảnh của Ấn Độ. Đây là trung tâm tài chánh, thương mại của cả nước. Mumbai hiện nay còn được biết đến như một địa điểm du lịch lý tưởng. Đây là một thành phố hiện đại, văn minh với kiến trúc là những tòa lâu đài nguy nga, đồ sộ vừa cổ kính, vừa hiện đại. Những cao ốc văn phòng sang trọng cao ngất ngưỡng. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ, bờ biển bao quanh tạo nét thơ mộng, lãng mạn cho thành phố. Khi chúng tôi đến, nắng chiều chưa tắt, nắng còn gắt, nóng nực, khó chịu... Thi thoảng cũng có vài ngọn gió biển thổi qua nhưng cũng không đủ mát để làm dịu cơn nắng. Đây cũng là sự khắc nghiệt của khí hậu Ấn Độ. Ban ngày nắng nóng là thế nhưng đến chạng vạng tối là trời trở lạnh, lạnh đến thấu xương, khó chịu.

Đường phố Mumbai

Buổi Sáng ở Mumbai

Ngồi hóng gió biển, nghỉ mệt tại bờ biển khoảng ba mươi phút, thầy Nguyên Tân tiếp tục đưa chúng tôi đến tham quan Khải hoàn môn của Ấn Độ (Indiagate) mô phỏng theo kiến trúc Khải hoàn môn của Pháp, người Anh đã thực hiện kiến trúc này cho Ấn Độ khi họ đến đây. Cư dân thành phố Mumbai đẹp, sang trọng và quí phái. Thành phố Mumbai ít dân nghèo, ở đây tôi không thấy sự nhếch nhác. Dọc thành phố có nhiều công viên và cây xanh, toàn những cây cổ thụ nhiều không kể xiết. Tượng đài danh nhân cũng được dựng nhiều trong thành phố. Tôi đặc biệt chú ý tượng ngài Ambedkar.

Khải hoàn môn của Ấn Độ (Indiagate)

tượng ngài Ambedkar.

Ấn Độ từ ngàn xưa đã là xứ sở của nạn kỳ thị, phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt. Ambedkar là người thuộc đẳng cấp hạ tiện, gọi là Chiên-đà-la. Ông cũng đã từng phải hứng chịu sự ngược đãi, kỳ thị giai cấp từ thuở nhỏ. Kể cả khi lớn lên, đã từng du học nước ngoài, mang nhiều bằng cấp học vị trở về phục vụ đất nước, ông vẫn bị kỳ thị. Không khuất phục số phận, ông đã liên tục đấu tranh và cuối cùng bằng tài trí của mình, ông đã trở thành vị Bộ trưởng tư pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ. Cuối đời, Ambedkar cải đạo Hindu sang đạo Phật và công đức lớn nhất của ông là ông đã vận động và tổ chức thành công năm mươi ngàn tín đồ đạo Hindu quy y đạo Phật.  Đây là chi tiết tôi cảm tình với nhân vật lịch sử này.

Dạo chơi trong quảng trường cạnh Khải hoàn môn, tôi được một đạo sĩ người Ấn làm phép ban phước lành. Ban đầu dù thành kính tiếp nhận tôi vẫn lo lắng, sợ hãi, nhưng một lúc sau nghĩ lại, vị đạo sĩ này cho mình lộc lành mà, có gì phải sợ đâu? Vậy là lại thấy vui và cho đó là kỷ niệm của chuyến đi.

Đã 06g30’ tối mà ở đây trời còn sáng. Chúng tôi đi taxi về sân ga. Taxi Ấn Độ nói thách nhiều nên thầy Nguyên Tân phải vất vả kỳ kèo. Lại nữa, có tài xế taxi lắc đầu không chạy và theo giải thích của thầy Nguyên Tân: “Họ đã làm đủ tiền sống ngày hôm nay rồi nên không cần phải làm thêm nữa”. Đây cũng là đặc điểm an phận, không bon chen cầu tiến của dân Ấn. Cuối cùng thầy Nguyên Tân cũng thuê được xe nhưng vì đứng xa thầy nên khi nhìn thấy bác tài xế taxi lắc đầu, tôi tưởng thầy lại không thuê được xe. Nhưng không. Đây là cử chỉ đặc biệt của người Ấn. Khi đồng ý họ sẽ lắc đầu nhưng khi không đồng ý họ cũng sẽ lắc đầu nhưng họ sẽ lắc đầu theo một cách khác. À, thì ra là vậy. Tôi lại có ấn tượng với người Ấn về cử chỉ giao tiếp này.

Đến nhà ga, lên xe lửa về khách sạn. Chao ôi! Lạy Phật, sao tàu đông nghẹt người vậy ạ? Đây là lúc tôi cảm nhận đầy đủ lời giới thiệu chuyến tàu về chiều nay của thầy Nguyên Tân lúc sáng. Chúng tôi đã phải vất vả chen lấn để lên được trên tàu và chỉ đứng được có một chân. Thầy Nguyên Tân và thầy Nguyên Tâm đã phải GIĂNG HÀNG RÀO TAY để che chở và bảo vệ cho tôi vì tôi thấp bé, nhỏ con đang lọt thỏm, kẹt cứng giữa những người đàn ông Ấn Độ to cao, bụng phệ. Quý thầy bảo: “Nếu không lấn họ để bảo vệ chị thì chắc là chị sẽ chết ngộp…”. Lúc đến ga xuống, lại một phen hú vía, chúng tôi đã không dễ dàng lấn ra để xuống tàu mà tàu chỉ dừng lại có vài phút ngắn ngủi. Thoát được toa tàu xuống ga, chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Ôi ! Xe lửa Ấn Độ !

Xuống ga, đi bộ về khách sạn. Chúng tôi hòa vào dòng người đông đảo nhưng rất trật tự, họ bình thản và tự tại có lẽ họ đã quen với sự đông đảo này nên dù chật kín người dọc đường mà chẳng thấy ai tỏ vẻ khó chịu. Tôi nghĩ, nếu không đến đây để tận mắt nhìn thấy thì không ai có thể tưởng tượng được sự đông dân ở đây là như thế nào? Mà kể lại thì người kể cũng sẽ không biết phải kể thế nào để người nghe có thể hình dung được sự đông đúc như việc chỉ đứng được có một chân trên xe lửa. Mọi người trong đoàn đều nói: “người Ấn hiền lành, tốt bụng. Nếu khi nãy chúng ta đi trên một toa tàu đông đảo, chen lấn như thế ở Việt Nam thì chắc chắn chúng ta cũng đã bị móc túi, rạch giỏ…nhưng ở nơi này thì hiếm khi xảy ra điều đó.

Về đến khách sạn đã 19g30’ tối.

Thầy Nguyên Tân ghé chợ mua thêm thức ăn và chuẩn bị thêm vài thứ cho hành trình ngày hôm sau. Chúng tôi về khách sạn xúm nhau nấu cơm. Đến 20g30’, bữa cơm đạm bạc, nóng sốt được dọn ra, ai cũng ngon miệng do đói. Cơm nước xong, uống trà, tắm rửa. 23g30’ đi ngủ. Đêm này, tôi cũng chập chờn khó ngủ do lạnh dù tôi đã được rúc vào một chiếc túi ngủ ấm áp, mệt và lý do chính là tôi vẫn đang còn lâng lâng, xúc động với những cảm xúc thiêng liêng như vỡ òa trong tôi khi lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng, lễ bái những điều kỳ diệu, vĩ đại. Những pho thạch tượng, những dãy hang động ở Kenheri, đỉnh cao của nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc đã có từ hàng ngàn năm trên đất nước Ấn Độ này. Xen lẫn giữa những cảm xúc ngọt ngào, thiêng liêng là nỗi ngậm ngùi xót xa, tôi buồn bã với dã tâm độc ác, tàn nhẫn tiêu diệt, phá hoại của con người đối với những Thánh tượng, những Thánh tích Phật giáo trong đại nạn tôn giáo vào thế kỷ mười một xảy ra trên đất nước Ấn Độ của người Hồi giáo. Tâm tôi thổn thức khi nhớ lại sự hư hại của các thạch động cũng như một số thạch tượng bị mất đầu, gãy tay, khuôn mặt tượng bị đập phá, hủy hoại một cách tàn nhẫn từ những con người nhân danh tôn giáo.

Không ngủ được nên mới 04 giờ sáng tôi đã trở dậy, chuẩn bị sẵn sàng để cùng đoàn lên đường đến phi trường nội địa Mumbai. Chuyến bay khởi hành lúc 07g15’ từ Mumbai đến Aurangabad. Thành phố của những dãy hang động nổi tiếng bậc nhất trên thế giới.