Cô đang nghĩ gì? Chẳng ai biết được. Niệm Từ vẫn ngồi ở đó, trong nhà “tù”, từ cô dành cho căn phòng khang trang của mình. Chiều nay cơn mưa về vội, cây lá quanh vườn ướt sủng, lòng người vì thế cũng chan chứa nỗi niềm.
Thì ra cô đang quay đầu nhìn về quá khứ, cảm thấy lòng đau xót khôn nguôi. Từng lớp hồi ức của ngày qua giờ đây đã trở thành kẻ đối nghịch cứ đến bỡn cợt, cố xoá nhòa, nó lại càng theo thứ lớp trở về. Chiếc lá vàng rơi qua trước mặt, mưa vẫn rơi, con chim gì ướt sủng bay ngang với tiếng kêu rã rượi. Cô khóc...
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở thành phố, Niệm Từ được sự yêu thương hết mực của cha mẹ. Không thiếu một thứ gì so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mọi người bảo, cô sinh ra dưới một vì sao sáng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, cây me ngày nào còn chút xíu trong vườn nhà giờ đã phủ bóng một gốc sân. Niệm Từ mười lăm tuổi. Rất sung túc, nhưng cô luôn thích sống cuộc đời giản dị. Cô không đua đòi, không thích ăn ngon, mặc đẹp. Cô muốn mình phải là người bình thường như bao người khác. Ngay cả phòng ngủ, cô cũng không muốn mình trang hoàng lộng lẫy. Chiều chiều, cô lại xuống ngồi dưới tảng đá bên cạnh gốc me, học bài hay làm một điều gì đó tùy thích. Ba mẹ đi làm cả ngày, dì giúp việc thì bận rộn, thành ra cô luôn thấy thiếu thốn một điều gì đó rất mơ hồ, ít ai có thể nhìn thấy nụ cười thoải mái trên khuôn mặt hiền ngoan đó. Hôm trước, một đám tang đi ngang qua trước mặt nhà khiến cô phải suy nghĩ nhiều. Chẳng lẽ ai rồi cũng phải chết ư? Tại sao, con người ta lại không có quyền sống mãi? Nhiều câu hỏi xâm chiếm lấy tâm hồn thơ dại rồi mất hút giữa hư không cùng tiếng chim cất cánh vội.
- Chị ơi, chị có gì cho em ăn với, em đói quá.
Niệm Từ quay lại, nhìn qua những song chắn cứng chắc của cánh cửa sắt, nhận ra ở đó có một thằng bé bẩn thỉu, mặt mày lem nhem đất đang run bật, tái nhợt. Chắc cậu ta đói nhiều hơn là vì lạnh. Lúng túng, lần đầu tiên cô gặp trường hợp như vậy.
- Em, em ở đâu? Vừa hỏi cô vừa đứng dậy tiến dần về phía thằng bé.
- Chị ơi, chị có gì cho em ăn với, em đói quá. Thằng bé lặp lại câu nói lúc nãy khiến cho câu hỏi của cô trở thành vô nghĩa.
Có gì cho cậu bé ăn bây giờ? Niệm Từ tự hỏi. Vào bếp lỡ dì Ba biết rồi mách lại với ba mẹ thì sao? Dì có thương mấy đứa nhỏ tội nghiệp này không? Thôi, mình cứ vào hỏi dì, rồi tính sau.
- Em đứng đó chờ chị một lát.
Thằng bé gật đầu yếu ớt.
Một lúc sau, Niệm Từ bưng trên tay tô cơm không còn nóng, nhưng đồ ăn thì khá hấp dẫn, ít nhất là cho một người đang đói. Thằng bé ăn ngon lành, lâu lâu lại ngước đầu nhìn cô, cả hai cùng cười. Niệm Từ để thằng bé ngồi ăn, chạy lên phòng mình lấy thêm cái bánh hồi sáng đi chợ dì Ba mua cho, cô đặt luôn vào tay nó.
- Khi nào cần em cứ ghé đây, câu cuối cùng cô nói trước lúc thằng bé cảm ơn rồi ra đi. Cô hiểu, cuộc đời này không phải ai cũng có diễm phúc như mình. Thằng bé cứ vài ngày lại ghé chỗ Niệm Từ, có khi hai ngày liền, có khi cả tuần mới ghé, chắc đôi lúc nó ngại. Nó vừa ăn vừa trả lời mấy câu hỏi của Niệm Từ, cả hai có vẻ thân nhau. Thì ra người nghèo trái tim cũng như người giàu vậy, Niệm Từ lại rút ra được cho mình một bài học. Cô thích đứng nhìn thằng bé ăn cơm, thích được nhìn thấy nó nhăn mặt khi ăn trái me cô vừa mới hái đưa cho. Cô còn kể cho nó nghe những câu chuyện mình học được trên lớp và những ước mơ, những tâm hồn trong “Những người khốn khổ”. Thằng bé hiểu gì không mà đôi lúc gật đầu.
Ngày tháng trôi qua, cây me lớn hơn trước. Niệm Từ giờ đã bước vào tuổi hai mươi, và đã là sinh viên của một trường đại học nổi tiếng. Đi học xa, cô không có dịp để ngồi bên gốc me, không còn gặp lại thằng bé. Ở phòng trọ mới hiểu hết hoàn cảnh sống của mọi người. Nhiều chàng trai theo đuổi, cô vẫn không màng. Cô biết mình cần phải học thật nhiều để cống hiến cho xã hội. Đêm đêm, cô thích lắng nghe tiếng còi tàu xa xa vọng về hay tiếng dế rả rích vườn khuya. Thỉnh thoảng, vào những ngày nghỉ, cô thường đạp xe quanh các con đường, đứng để nhìn mặt trời gác núi. Chưa từng lao vào những cuộc vui cùng bạn bè, bởi từ nhỏ cô đã không thích như vậy. Nhìn vào, chẳng ai biết Niệm Từ là con gái nhà giàu. Đêm ngồi học, cô nghe tiếng dép lê nặng nề của bà lão bán hàng khuya, đôi lúc buồn não ruột. Tiếp xúc với cuộc đời, cô càng hiểu nó không phải toàn một màu xanh.
Chuyến xe chiều đó về quê đã cướp đi của Niệm Từ những gì?
Mỗi chiều, dì Ba đưa Niệm Từ đi dạo trong vườn, rồi ghé lại bên gốc me. Niệm Từ để dì Ba đi thổi cơm, còn riêng mình ngồi đây, trên chiếc xe lăn nghiệt ngã.
Chuyến xe chiều đó về quê đã cướp đi của Niệm Từ đôi chân cùng nhiều chứng tích trên thân thể. Một con người toàn diện giờ trở thành phế nhân, mấy ai chấp nhận được. Tương lai đang ở trước mặt, tại sao trong chỉ phút chốc đã hóa thành hư không? Dòng nghiệt ngã mang mộng đời đi mãi, lòng cô giờ bao tuyệt vọng trào dâng. Chỉ một tai nạn, thế là hết những ước mơ. Bây giờ còn ai bảo cô được sinh ra dưới một vì sao sáng? Chẳng ai cảm nhận được nỗi đau trong lòng cô hay sao? Ba mẹ lắc đầu buồn khổ, giàu sang mà nào có thể cứu được con mình. Con bé xinh đẹp ngày xưa giờ đã xanh xao, tàn tạ. Chỉ đôi mắt vẫn thế, có thay đổi chăng là những tia nhìn sâu hút như đâm thủng vạn vật, khiến người đối diện cảm thấy bàng hoàng. Suốt ngày Niệm Từ không hề nói một lời nào, còn lòng cô thì có bao điều muốn nói.
Kể từ ngày kinh hoàng trên chuyến xe đó, cách sống của cô đã hoàn toàn thay đổi. Mặc cảm, tự ti, trước mắt cô toàn một màu đen mù mịt. Đêm đêm, ngồi một mình trong căn phòng tối om, cô đâm ra ghét luôn cả tiếng còi tàu, ghét luôn cả những dòng người xuôi ngược, ghét cả ánh mặt trời xế bóng, ghét cả tiếng rao hàng về đêm. Cô ghét luôn ngay cả chính mình. Thằng bé ngày trước không còn ghé ngang đây nữa, chắc nó biết cô thành kẻ tàn phế rồi cũng nên. Nước mắt cô bất chợt chảy thành dòng.
Màn đêm buông xuống khắp thành phố. Căn phòng Niệm Từ ngủ đã tắt đèn từ lâu. Trời về khuya, cô còn trăn trở. Bất chợt, cánh cửa phòng hé mở, tia sáng từ ánh trăng dọi vào. Cô hé mắt. Một người đàn bà lam lũ, lưng đã hơi còng bước vào. Dì Ba. Dì làm gì bây giờ? Tim Niệm Từ đập mạnh, rồi nhắm mắt giả vờ ngủ say. Dì Ba tiến lại gần giường, đưa tay vuốt lại mái tóc của Niệm Từ, rồi hôn lên trán. Dì đang cố dằn lòng, kiềm chế tiếng nấc để khỏi đánh thức cô. Mà Niệm Từ đâu đã ngủ, nên cô biết hết. Bất chợt dì Ba cất tiếng nói dù vẫn tin rằng Niệm Từ đang ngon giấc:
- Trời ơi, tại sao con lại bất hạnh thế này! Dì sung sướng khi thấy con lớn lên khỏe mạnh, không hư đốn. Dì hạnh phúc khi con hỏi dì để đem cơm cho đứa trẻ ngoài đường. Dì đã khóc khi con vào đại học. Còn giờ đây, tại sao cuộc đời lại cướp đi đôi chân của con dì? Tại sao lại cướp đi hết tất cả những ước mơ của con? -dì Ba bật khóc thành tiếng dù đã cố kiềm chế. Ước gì đôi chân của dì sẽ thuộc về của con, dì có ngồi xe lăn cũng cảm thấy hài lòng. Niệm Từ ơi, con có biết chăng ngày xưa dì cũng có một đứa con. Dì đã thương nó biết chừng nào. Đôi mắt nó y hệt của con ngày nay. Thế rồi, trận lụt năm đó đã cuốn nó xa dì mãi mãi. Dì đau khổ biết chừng nào con có biết không? Dì đau khổ đến độ không thể nào khóc được, người dì như đanh lại. Mẹ cháu thương tình đưa dì lên đây. Trong cơn tuyệt vọng, dì gặp con, bao nhiêu hình ảnh của đứa con dì đều nằm trong con. Dì thương con khác nào con ruột. Để rồi giờ đây, con đau khổ bởi không còn nguyên vẹn, lòng dì cũng như dao cắt, con có hiểu không?! Cả ba mẹ con cũng vậy, mấy tháng nay dì nấu ăn chỉ để cho có, chứ mỗi người ăn gần chén cơm là nước mắt lưng tròng, quay đầu nhìn về phía phòng con. Ba tháng rồi con không mở miệng nói một lời, ngôi nhà chìm trong thảm đạm. Niệm Từ ơi, con phải cố gắng lên, hãy sống vì mọi người được không con? Có ai ghét bỏ con đâu?
Dì im lặng, thấm những giọt nước mắt trên má Niệm Từ. Dì cứ ngỡ nước mắt của dì vô tình rơi lên, ai ngờ đó chính là nước mắt của cô. Kéo chăn đắp lại cho Niệm Từ, dì Ba ra ngoài và đóng cửa. Căn phòng lại chìm trong bóng đêm. Niệm Từ mở mắt, dòng nước theo khóe mắt cứ chảy dài, nóng hổi… Mình đã khổ, chẳng lẽ bấy lâu nay mình còn làm cho ba mẹ, cho dì Ba phải khổ nữa hay sao? Câu hỏi đã dằn vặt cô rất nhiều, trằn trọc không sao ngủ được. Chuông chùa từ đâu điểm về những tiếng buồn bao trùm hư không, gà tàn canh gáy khàn eo óc. Bỗng Niệm Từ nghĩ đến nhà sư hôm qua mà dì Ba đã mở cổng cúng dường một cái gì đó, Niệm Từ ngồi trong cửa sổ nhìn ra nên không thấy rõ. Bây giờ cô mới thấy hết hình ảnh thanh cao, giản dị và thánh thiện trong người vị sư già phát ra. Vị sư hình như còn nói một điều gì đó khi nhận đồ của dì Ba cúng thì phải? Cô thiếp đi sau câu hỏi cuối cùng…
Hôm sau, dì Ba lại đẩy xe lăn đưa Niệm Từ ra ngồi dưới gốc me. Niệm Từ vẫn im lặng như ba tháng nay. Ba mẹ cô chỉ ở nhà vào buổi sáng, họ dành hết thời gian cho con mình, tâm sự cho con nghe nhiều chuyện, nhưng Niệm Từ vẫn im lặng, có nhiều khi cô khóc. Buổi chiều cả hai phải đi làm, khu vườn vắng lặng, chỉ đôi lúc có vài con chim ghé lại, rồi vội vã vỗ cánh về đâu.
- Dì Ba này, Niệm Từ bỗng mở miệng với giọng nói yếu ớt. Dì Ba bất ngờ quá, mừng đến phát khóc nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh.
- Gì vậy con?
- Nhà sư sáng qua sao sáng nay không ghé ngang đây hả dì?
- Dì không biết – Dì Ba ngạc nhiên trước câu hỏi đó nên cũng trả lời bâng quơ.
- Dì thường cúng dường cho nhà Sư những gì?
- Ừ, những gì mình có thể con à.
- Hôm qua nhà sư nói với dì điều gì vậy?
Dì Ba không trả lời câu hỏi của Niệm Từ, mà bảo:
- Con biết không, một lần buồn đau muốn tìm đến cái chết, dì đã gặp một nhà sư với ánh mắt bao dung rất đỗi. Lần đầu gặp dì, hình như vị sư đó đọc được những nỗi niềm trong lòng dì nên nói: “Con hãy nhìn xuống từng bước chân của mình đang đi, đừng buồn đau nữa”. Chỉ một lời đó thôi con à, rồi vị sư ra đi khi dì chưa hiểu hết câu nói đó. Mất bao ngày suy nghĩ, cuối cùng dì đã hiểu được câu nói của sư. Lúc đó, dì đã sụp lạy niệm ân vị sư già cho dù không có mặt sư ở đó. Sau này dì không hề gặp lại sư, nhưng dì dần quan tâm và học tập nhiều điều trong đạo Phật.
- Vậy câu nói đó có nghĩa thế nào hả dì? Niệm Từ vẫn chưa hiểu nên cố hỏi:
- Bây giờ dì lại đem câu nói đó nói lại cho con. Con cố gắng suy nghĩ rồi sẽ rõ. Con phải biết rằng, ba mẹ và dì rất thương con.
Dì đưa tay vuốt lại mái tóc cho Niệm Từ. Người già khó nước mắt nhưng thật sự bây giờ dì Ba đang khóc. Khóc vì sung sướng, Niệm Từ đã chịu nói chuyện trở lại – “Con hãy nhìn xuống từng bước chân của mình đang đi, đừng buồn đau nữa nghe Niệm Từ”.
Câu nói của dì Ba cứ chiếm lấy khoảng suy nghĩ của Niệm Từ, giống như một bài toán khó. Không, còn khó hơn một bài toán khó.
Lần đầu tiên dì Ba đưa Niệm Từ đến chùa. Cô cảm thấy bỡ ngỡ. Cảnh vật yên tĩnh quá. Cùng dì Ba lên chánh điện, lần đầu tiên Niệm Từ chắp tay trước một tượng Phật, vẻ uy nghiêm tạo cho cô một cảm giác vô cùng bình an. Niệm Từ đã cầu nguyện những gì không ai biết được. Mãi sau này cô mới biết đức Phật đó có tên là Thích Ca Mâu Ni. Những lần đẩy xe lăn ra dưới gốc me, dì Ba lại kể cho Niệm Từ nghe những mẫu chuyện, những công hạnh của đức Phật. Cô cảm mến chùa từ đó.
Cứ thế, mỗi tuần Niệm Từ cùng dì Ba hễ có dịp là lên chùa lễ Phật, rồi nghe vị sư già nói pháp. Cô chờ đợi để một lúc nào đó vị sư sẽ nói về câu nói cô nghe từ dì Ba, nhưng vô ích. Câu nói của dì như sống với Niệm Từ trong từng hơi thở. Nhiều lúc cô nghĩ rồi tự bật cười: Mình có đi được đâu mà phải nhìn xuống từng bước chân, lạ thật.
Cơn gió chiều nay thổi ngang hiên chùa mát dịu. Niệm Từ ngồi ở đó. Hình như cô không còn cảm giác rằng thời gian đang trôi qua trong đời mình. Tiếng niệm Kinh lâm râm của vị sư già trên chánh điện mặc dù không nghe rõ nhưng Niệm Từ vẫn cảm thấy sự bình an bao trùm lên vạn vật. Hàng nhãn già đâm ra từng chiếc lá non mơn mởn, chậu thạch thảo gần đó điểm những bông hoa tươi thắm, tiếng chim vút lên mang theo một điều gì thanh thoát mà bấy lâu nay Niệm Từ chưa hề cảm nhận được.
“Người truy tìm quá khứ
Kẻ ước vọng tương lai
Hiện tại đời khô héo
Như bông lau lìa cành”.
Niệm Từ bỗng giật mình. Tiếng ngâm của vị sư nào từ thư phòng vọng lại. Trong phút chốc, câu nói của dì Ba cô đã hiểu rất rõ, như lúc mây tan thì ánh mặt trời chiếu xuống. Cô quay nhìn đức Bổn Sư Thích Ca, rồi chắp tay và lẩm nhẩm: Bạch Thầy, con đã hiểu rồi. Con sẽ nhìn xuống từng bước chân của con đang đi. Con sẽ không đau khổ về những việc đã xảy ra trong quá khứ và sẽ không thấy tuyệt vọng về con đường phía trước nữa. Con sẽ gắng sống những giây phút ý nghĩa trong kiếp này. Tạ ơn Thầy đã cho con một cuộc sống mới.
- Niệm Từ, con đang nghĩ gì vậy?
Niệm Từ quay lại, dì Ba đã đứng sau lưng cô từ bao giờ. Niệm Từ mỉm cười, nụ cười thanh thoát của một người đang thật sự nhìn xuống bước chân của mình, lâu lắm rồi dì Ba mới thấy Niệm Từ cười trọn vẹn như vậy. Hình như vị sư già cũng vừa xong buổi Kinh chiều. Gió đưa hương ngọc lan thổi qua thơm ngát. Cuộc sống lại bắt đầu.
- Niệm Từ, con nhìn kìa, vị sư đang đứng ở đằng kia vừa mãn nguyện ba tháng nhập thất đó.
Niệm Từ nhìn theo ánh mắt dì Ba. Thoáng bỡ ngỡ, hình ảnh đứa trẻ ăn xin mấy năm trước lại hiện về. Vị sư trẻ có nhận ra Niệm Từ hay không mà khẽ cúi đầu chào?! Mặt trời đã xế bóng.
Nguyên Tịnh - Cố Đô, Mùa Mưa