Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - LỜI CUỐI

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - LỜI CUỐI

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

Tôi đã quay lại nhìn lần cuối đất trời Ấn Độ. Xin chào tạm biệt đất nước Ấn Độ. Đất nước của du lịch và tâm linh nổi tiếng thế giới với những dãy hang động hùng vĩ, những đền đài, lăng tẩm nguy nga tráng lệ; những công trình văn hoá, nghệ thuật văn minh cổ đại. Đất nước của nhiều tín ngưỡng và đam mê tôn giáo. Đất nước của kỳ thị, phân biệt giai cấp khắc nghiệt nhưng cũng chính tại đất nước này hình ảnh an nhiên, tự tại luôn hiện hữu trên gương mặt người, họ bằng lòng vui sống với triết lý “TRẢ NGHIỆP”. Đất nước của nhiều đối nghịch song hành. Đất nước của không gì không thể. Đất nước của nhiều những ấn tượng. Ấn tượng với tài nghệ lái xe của tài xế Ấn Độ. Ấn tượng với đi xe lửa đứng một chân, ấn tượng với cái lắc đầu đồng ý đáng yêu của người Ấn. Ấn tượng những người đàn ông nhai trầu bỏm bẻm, bình an tự tại. Ấn tượng với phong cách làm việc, lao động trầm trì, chậm rãi của người Ấn. Ấn tượng với việc ăn bằng tay. Ấn tượng với thủ tục ma chay đơn giản khi gia đình họ có người mệnh chung, người Ấn xem cái chết nhẹ hơn lông hồng. Ấn tượng với những tập quán ăn uống, sinh hoạt của người Ấn, gần như họ ăn chay, sống đời đơn giản tự tại. Tinh thần nhẫn nhịn, bao dung, hiền hoà của người Ấn luôn là cảm tình cho người đối diện. Hình ảnh người Ấn dùng cây Nimpa chà răng là một nét văn hoá cổ truyền, tấm sari truyền thống duyên dáng, kín đáo của người Ấn, hoa sen được chính phủ Ấn Độ chọn làm quốc hoa…Tất cả đều phảng phất dấu ấn Đức Phật thời tại thế. Phải chăng, chủng tử Phật giáo vẫn luôn hiện hữu trong dòng máu của người Ấn? Tôi tri ân tấm lòng tử tế của người Ấn đã đặc biệt ưu ái dành cho các Thánh tích, Phật tích trải dài trên khắp đất nước Ấn Độ khi chính họ là những người đã tích cực góp phần bảo tồn, chăm sóc  thật tốt những Thánh địa này, dù rằng hiện nay tín đồ Phật giáo Ấn Độ chỉ còn 1% trong tất cả các tôn giáo đang tồn tại trên đất Ấn để ngày nay Phật tử khắp năm châu vẫn còn có cơ hội tề tựu về đây qui bái. Khi trang viết cuối cùng này sắp hoàn tất thì tôi được biết một thông tin quý giá: Ngày 03.08.2010 tại Delhi - Ấn Độ, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1998, giáo sư Amartya Kuma Sen khẳng định dự án khôi phục trường đại học Phật giáo Nalanda sẽ được triển khai ngay sau khi đạo luật liên quan đến dự án này được quốc hội Ấn Độ thông qua. Kinh phí dự tính của dự án khoảng 1 tỷ đô la. Dự án đã được nêu ra từ thập niên 1990 nhưng chỉ thu hút sự chú ý của công luận từ năm 2006 khi một ủy ban bảo trợ dự án được thành lập. Giáo sư Amartya Kuma Sen làm chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ và chính phủ Singapore đã có những cam kết tài trợ đối với dự án này. Dự án hiện nay đang nằm trên bàn các nhà lập pháp Ấn Độ. Đây là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để những người con Phật hy vọng Phật giáo Ấn Độ sẽ hồi sinh và phát triển như đã từng phát triển huy hoàng, hưng thịnh trong quá khứ.

Đúng 12g05’, máy bay cất cánh. Những ngày cận Tết cổ truyền ở quê nhà đang chờ đón chúng tôi trở về.

Đà Nẵng, Mùa an cư Phật lịch 2554
Phật tử Quảng Hàn