11g30’ rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa thể thẳng tiến về chùa vì xe của Viney gặp sự cố. Khi vào đổ xăng, chìa khoá nắp bình xăng bị gãy, vậy là không đậy được nắp bình xăng vào bình xăng. Viney bảo phải đi tìm thợ khoá để làm lại chìa khoá. Viney hỏi thăm dân địa phương đường đến thợ khoá nhưng chao ôi, tại Ấn Độ việc hỏi đường cũng là một chuyện nhiêu khê. Người chỉ chạy lên kẻ chỉ chạy xuống, không hề có một sự chỉ dẫn chính xác nào. Tôi chợt nhớ trong một tác phẩm, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết: “Đi lạc đường thì đừng có hỏi người Ấn. Nếu người đầu tiên chỉ cho mình một hướng mà đi được một quãng có khi đã được vài cây số, hỏi lại một người Ấn thứ hai, người thứ hai này sẽ chỉ cho chúng ta hướng đi ngược lại, nếu nghi ngờ hỏi thêm người thứ ba thì chắc chắn bạn sẽ được chỉ một hướng hoàn toàn khác (mà có khi có đến năm hay bảy người chỉ đường khi ta hỏi thì cũng sẽ có được năm đến bảy hướng đi khác nhau) nhưng tất cả đều chỉ sai. Đây cũng là ấn tượng để lại cho người ngoại quốc khi đến Ấn Độ. Người Ấn khi được hỏi đường họ đã không thể trả lời TÔI KHÔNG BIẾT vì tự ái dân tộc, vì như thế chẳng khác nào họ đang tự xúc phạm mình”. Chúng tôi cũng không ngoại lệ trong trường hợp này. Cuối cùng vẫn không tìm được thợ khoá sau khi chạy lòng vòng tìm kiếm mất thời gian, tài xế Viney đã quyết định dừng xe, dùng một miếng giẻ cũ nhét tạm bình xăng thay thế nắp đậy. Vậy mà, lạy Phật xe đã chạy tốt.
Dọc đường phố đoàn chúng tôi đi qua lúc này đang tưng bừng, nhộn nhịp xập xình các đám rước Thần. Xe hoa diễu hành với những vòng hoa, dây hoa có màu sắc sặc sỡ, giăng kín chung quanh thùng xe. Trên xe đông đúc những tín đồ, họ ăn mặc trang phục truyền thống với những màu sắc, hoa văn đồng bóng, thần bí, bên trong thùng xe ngay chính giữa là tượng một vị Thần. Họ đang say sưa với những âm thanh phát ra từ những nhạc cụ, nhạc khí của họ. Họ múa, hát say mê và thành tín đến mê dại, niềm đam mê tôn giáo của người Ấn nơi này cũng là điều ấn tượng đặc biệt.
02g30’ chiều, đoàn chúng tôi về đến chùa Kiều Đàm Di. Chùa Kiều Đàm Di tọa lạc tại Vaishali, bang Bihar, Ấn Độ. Ni sư Khiết Minh và Ni chúng đã đón tiếp đoàn chúng tôi rất nồng hậu. Chúng tôi được đãi một bữa ăn cực kỳ ngon. Bánh xèo nóng hổi được cuốn với rau sống tươi xanh gồm rau xà lách và đủ các loại rau thơm. Ni sư kể, giống rau được mang từ Việt Nam sang, các sư trồng tại chung quanh chùa.
Thức ăn ngon và đói bụng nên ai cũng ăn ngon miệng, ăn nhiều.
Ăn xong, chúng tôi được Ni sư hướng dẫn tham quan Chùa, lên chánh điện lạy Phật. Chúng tôi ấn tượng với công trình khắc kinh trên đá hoa cương của Ni sư.
Ni sư Thích Nữ Khiết Minh là người phụ nữ Việt Nam bản lĩnh và dũng cảm, người con gái đạo hạnh của Đức Phật kính yêu đã là vị Ni Việt Nam đầu tiên phát Bồ- đề tâm, tiên phong chấp nhận vô vàn những gian khổ, khó khăn để xây dựng ngôi chùa Ni Việt Nam đầu tiên trên xứ Phật với ước nguyện đền đáp ân đức cao dày của Đức Bổn Sư và Tổ Sư Ni, tạo điều kiện cho Ni chúng và Phật tử Việt Nam có nơi nương tựa tu tập, là nơi dừng chân để nghỉ ngơi, gặp gỡ, giao lưu của Phật tử khắp nơi trên thế giới, nhất là Tăng Ni, Phật tử người Việt Nam khi đến triều bái các Thánh tích, Phật tích tại Ấn Độ.
Nhìn vẻ ưu tư, quyết đoán trên khuôn mặt Ni sư, tôi thầm cảm khái. Tôi được trò chuyện với Ni sư dọc đường khi Ni sư đưa chúng tôi đi chiêm bái những di tích tại Vaishali. Ni sư bảo: “Con ơi, Ni sư tin rằng Chùa sẽ được hoàn thành. Hộ pháp sẽ phù hộ cho Phật sự nơi này thành tựu mặc dù hiện giờ Ni sư đang còn phải vất vả lo toan, tính toán tài vật, tinh thần để thúc đẩy tiến trình xây dựng của công trình sớm hoàn mãn”. Tôi nghe ra sự mầu nhiệm từ ước nguyện của Ni sư khi nhìn thấy 70% công trình xây dựng tại đây đã được hoàn thành. Ngoài ra, hằng năm Ni sư còn tổ chức tặng quà cho người nghèo. Ni sư sẽ cho khánh thành và khai giảng ngôi trường học miễn phí, dạy học cho học sinh nghèo Ấn Độ từ lớp một đến lớp mười hai do Ni sư đã khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2008. Con xin được quỳ xuống đảnh lễ, tán thán công đức vô lượng của Ni sư. Ni sư sẽ là huyền thoại đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hình ảnh Ni sư đã theo con suốt chặng hành trình còn lại trên đất Ấn.
Sau khi lạy Phật và tham quan Chùa, Ni sư đã đưa chúng tôi đi tham quan Thánh địa Vaishali.
Ni sư đưa chúng tôi đến Đại Lâm tịnh xá, nơi có trụ đá A-dục. Đây là trụ đá duy nhất còn nguyên vẹn trên đất Ấn. Trên đỉnh trụ khắc hình sư tử, đầu quay về hướng Kusinagar nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Thân trụ đá khắc chỉ dụ của A-dục vương, mục đích của nhà vua khi trồng trụ đá là để ghi nhớ và kỷ niệm nơi Đức Phật đã từng lưu dấu. Theo thống kê của các nhà khảo cổ, vua A-dục đã trồng khoảng ba mươi trụ đá như thế tại các Thánh tích, Phật tích trên toàn lãnh thổ Ấn Độ. Ngày nay còn lại khoảng mười trụ đá A-dục tại các Phật tích.
trụ đá vua A-dục (Asoka)
Vua A-dục (Asoka) là vị vua vĩ đại trong lịch sử Ấn Độ. Ngài đã từng là vị vua khát máu, hiếu chiến. Ngài là người chủ mưu trong các cuộc tranh giành địa vị, chức tước gây ra thảm cảnh máu đổ, đầu rơi từ chính trong hoàng tộc của ngài cũng như trong các cuộc chiến tranh hùng với các nước lân bang. Nhưng về sau, Ngài đã hối hận về việc làm phi nghĩa của mình. Ngài sám hối, quy y Phật giáo, trở thành một Phật tử thuần thành, một hộ pháp đắc lực của Phật giáo. Nhờ nhân duyên thù thắng này mà Phật giáo đã trở thành Quốc giáo trên lãnh thổ của ngài. Ngài tích cực truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận, đặc biệt là xứ sở Srilanka, nhưng sau ba thế kỷ phát triển huy hoàng Phật giáo Ấn Độ đã suy tàn. Tất cả các Phật tích bị chôn vùi chìm vào quên lãng. Ngày nay nhờ vào các trụ đá A-dục mà các nhà khảo cổ đã có thêm chứng cứ xác định vị trí chính xác của các Phật tích trên đất nước Ấn Độ.
Công đức nhà vua là vô lượng.
Thăm làng cổ Belura (khu vườn tre rộng lớn) nơi Đức Phật lưu trú an cư lần cuối cùng (lần thứ bốn mươi lăm) trước khi Người về Kusinagar nhập Niết bàn. Nơi đây hiện còn một già làng đã gần chín mươi tuổi. Ông chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ các di tích Phật tích trong làng, đặc biệt là ngôi giếng cổ từ thời Đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, những cây Bồ đề và vài ba di chỉ.
làng cổ Belura
Rời làng cổ, Ni sư đưa chúng tôi đến tham quan Hương thất Đức Phật, Hương thất của Tổ sư ni Kiều Đàm Di và Chư Thánh Ni, tháp thờ Xá-lợi Phật và quần thể tháp của Chư Thánh Tăng Ni. Thăm vườn xoài của kỹ nữ Ambapali cúng dường Đức Phật sau khi nàng mời Thế Tôn thọ thực. Về sau kỹ nữ này xuất gia, trở thành Tỳ kheo Ni và chứng đắc A-la-hán.
Ngày nay vườn xoài này chỉ còn là một nền đất hoang vắng, tiêu điều.
vườn xoài của Ambapali
Ni sư kể tại Vaishali còn có hồ khỉ là nơi Đức Phật nhận bát mật ong cúng dường của một con khỉ. Vì quá vui, con khỉ hứng khởi, chuyền nhảy từ cành này sang cành khác không may khỉ té xuống, bị một cành cây đâm chết. Sau khi chết, con khỉ được sanh vào cõi trời.
Vaishali còn là nơi Ni đoàn đầu tiên được thành lập mà vị Ni đầu tiên xuất gia là kế mẫu của Đức Phật, bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, tên tiếng Phạn của Kiều Đàm Di. Di là Di mẫu, có nghĩa là Dì, chị của Mẹ. Thầy Nguyên Hiền đã giải thích với tôi như thế. Bà còn có một mỹ danh khác là Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni.
Quan trọng hơn cả, Vaishali đã là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai tổng kết về giáo pháp, chỗ y tựa của Phật giáo sau đúng một trăm năm Đức Phật nhập Niết bàn. Cũng tại lần kết tập này, tư tưởng Phật giáo chia thành hai bộ phái: Thượng Toạ Bộ (tức Theravada) và Đại Chúng Bộ là tiền thân của Phật giáo Đại Thừa sau này.
Dọc đường đi tham quan suốt buổi chiều hôm đó là các đám rước Thần nhộn nhịp, ồn ào, náo động như ở ngoài phố mà chúng tôi đã nhìn thấy lúc trưa. Họ đang cúng tế, hát xướng và cầu nguyện. Không khí tôn giáo bao trùm. Ni sư bảo ở đây đủ ba mươi ngày là lễ hội rước thần của họ.
Trời sụp tối. Chúng tôi trở về Chùa. Bữa cơm tối nóng sốt, ngon lành với cơm gạo ngon, món kho mặn, món xào và đặc biệt có món canh rau nóng hổi còn đang bốc khói khiến chúng tôi ăn no đến căng cứng bụng.
Ăn cơm xong, uống trà, nghỉ ngơi. Đêm nay lạnh, chúng tôi được tắm gội nước nóng. Thật là sảng khoái.
22 giờ tôi đi ngủ. Mọi người còn uống trà, trò chuyện đến hơn 12 giờ đêm mới đi nghỉ. Tôi có một đêm ngon giấc nhất từ khi đến Ấn Độ.
06 giờ sáng, chúng tôi đã được ăn sáng. Bữa sáng với cơm ngon, canh nóng nên ai cũng no bụng. Các Sư còn bới tặng cơm trưa cho chúng tôi mang theo, chuẩn bị một ngày ngồi xe di chuyển.
Sau khi uống trà, cà phê đầy đủ, chúng tôi kính chào Ni sư và Ni chúng của chùa để tiếp tục hành trình. Sáng nay, chúng tôi đi Kusinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)