Sáng hôm sau đúng 05g30’ chúng tôi trực chỉ Sarnath (Lộc Uyển).
Vườn Lộc Uyển là nơi Đức Phật chuyển pháp luân, nơi khai mở giáo pháp của Ngài đầu tiên sau khi Ngài thành đạo. Năm vị Tỳ kheo đầu tiên được nghe giáo pháp của Ngài là năm anh em Kiều-trần-như. Bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng là TỨ DIỆU ĐẾ (kinh Chuyển pháp luân). Kiều-trần-như đã đắc quả A-la-hán ngay sau khi nghe xong bài pháp này của Đức Phật.
Tại đây, lần đầu tiên Tăng đoàn được thành lập mà những Tăng chúng đầu tiên của Tăng đoàn là năm anh em Kiều-trần-như. Cũng tại Sarnath, Đức Phật đã thuyết giảng kinh Vô Ngã Tướng, Bát Chánh Đạo.
Sau lần chuyển pháp luân đầu tiên, Đức Phật cũng đã nhiều lần trở lại Sarnath cùng với các vị đại đệ tử của Ngài như: ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên.
Vườn Lộc Uyển ngày nay là một công viên rộng lớn được bảo vệ bằng một hàng rào đá. Đây là Phật tích duy nhất bán vé vào cổng mà giá vé dành cho người ngoại quốc mắc gấp hai mươi lăm lần giá vé khách nội địa. Dù vậy, tôi vẫn thấy rất đông đảo khách hành hương đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đang chiêm bái tại đây.
Những thảm cỏ xanh um, những khóm hoa nhiều màu sắc xinh tươi đầy sức sống như tôn tạo thêm vẻ đẹp cổ kính, thiêng liêng của ngôi tháp hình trụ tròn cao lớn, nơi ghi dấu lần đầu tiên Đức Phật chuyển pháp luân. Tên gọi của bảo tháp là Dhamekh. Cách tháp Dhamekh không xa là tượng Phật đang ngồi thuyết giảng và năm anh em Kiều-trần-như đang chắp tay ngồi xung quanh Đức Phật lắng nghe pháp âm vi diệu của Ngài.
Tháp A-dục (Asoka) cũng hiện diện tại vườn Lộc Uyển này. Một trụ đá A-dục bị gãy đầu được bảo vệ, bao bọc bằng một hàng rào sắt chung quanh.
trụ đá A-dục bị gãy đầu được bảo vệ
Đoàn chúng tôi thắp hương, đốt trầm thành kính đảnh lễ trước tháp thiêng. Sau khi tụng thời kinh Bát Nhã chúng tôi đã nhiễu quanh tháp một vòng bằng hình thức nhất bộ nhất bái.
Trong bàng bạc gió chiều hoà quyện cùng mùi thơm của trầm, làn khói thiêng liêng bay lên từ hương, lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm hân hoan, thanh tịnh. Tôi đang nhớ lại những điều đã nghe được, học được từ những lần thuyết giảng TỨ DIỆU ĐẾ của Sư phụ ở Việt Nam. Ôi thật hạnh phúc khi tôi đang được đứng ở nơi này, ngưỡng bái chính nơi Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên TỨ DIỆU ĐẾ. Con xin quỳ xuống đảnh lễ, thành kính tri ân công đức của Sư phụ. Sư phụ ạ!
Đến thăm vườn Nai và chụp ảnh lưu niệm, tôi rưng rưng nhớ lại câu chuyện cảm động về tiền thân Đức Phật trong quá khứ đã cứu được mạng sống của một con nai cái đang mang thai sắp đến ngày sinh con. Có lẽ do ngưỡng mộ, kính trọng tấm lòng từ bi nhân ái của Đức Phật mà câu chuyện này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay và cái tên vườn Nai là từ câu chuyện này.
Ánh nắng chiều lúc này tại Sarnath buồn vời vợi… Trên đống hoang tàn đổ nát, những bức tường cao thấp loang lỗ trầm mặc, u ám màu thời gian của một thiền viện từng đã là nơi hàng nghìn tín đồ Phật giáo quây quần, tụ tập và nghe thuyết giảng kinh điển trong giảng đường. Những nền tháp, tinh xá, tu viện, tăng phòng vẫn còn nhiều dấu tích trong khu vườn Lộc Uyển. May mắn thay, tại đây vẫn còn lưu giữ được tháp tưởng niệm Đức Phật chuyển pháp luân. Trước khi cùng đoàn tạm biệt vườn Lộc Uyển tôi còn kịp nhìn thấy và cảm khái vô cùng với lòng thành tín đang ngưỡng bái thánh địa của những người Phật tử Tây tạng, họ đang lạy theo cách lạy truyền thống của họ. Họ đứng thẳng, tư thế trang nghiêm, mắt nhắm một cách thuần thành, hai tay chắp lại đưa thẳng lên trời và từ từ lạy xuống. Họ nằm sát người, thẳng thớm xuống mặt đất, hai cánh tay đưa thẳng ra phía trước, hai bàn tay úp xuống mặt đất nhưng ở đây họ đang chỉ lạy trên nền đất trước ngôi bảo tháp chứ không phải lạy trên miếng ván lạy như tôi đã từng được nghe kể. Vậy mà, họ đang lạy một cách rất thành kính, nhiếp tâm và say mê. Ở đây ngoài những mảng tháp được dát vàng cúng dường của những Phật tử Thái Lan thì cũng không thiếu sự hiện diện của những dây cờ chép kinh cúng dường của người Tây Tạng. Phật giáo vẫn đang tồn tại. Tôi tin rằng rồi đây đạo Phật sẽ hồi sinh trên đất Ấn như giáo pháp của Ngài vẫn đang còn tuần hoàn, lưu chảy trong chúng sanh.
Tạm biệt vườn Lộc Uyển, thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi đến tham quan viện bảo tàng khảo cổ Sarnath. Tại đây chúng tôi phải mua vé vào cổng, không được sử dụng máy quay phim, chụp ảnh.
Bước vào viện bảo tàng, tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tôi nhìn thấy là trụ đá A-dục. Đây là trụ đá nguyên thuỷ cổ nhất, đẹp nhất được tìm thấy tại Sarnath. Trụ đá được tác tạo trên một khối đá màu sẫm. Đầu trụ chạm trổ hình bốn chú sư tử ngồi đấu lưng với một bánh xe ở giữa. Biểu tượng này hiện là quốc huy của nước Cộng hoà Ấn Độ. Trụ đá này cũng là dấu ấn vàng son của nền điêu khắc mỹ thuật cổ đại Ấn Độ.
Trong viện bảo tàng hiện cũng trưng bày rất nhiều những pho tượng cổ, thể hiện Đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Thần của các tôn giáo bạn. Tất cả các tượng nơi này đều đẹp, tinh xảo. Ở đây, đặc biệt có pho tượng Phật chuyển pháp luân tuyệt đẹp. Đây là pho tượng được cho là pho tượng Phật đẹp nhất, nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.
Pho tượng được tạc bằng đá. Tượng cao khoảng một mét tám. Tượng trong tư thế Đức Phật ngồi kiết già, tay bắt ấn chuyển pháp luân. Tượng đẹp một cách hoàn mỹ, sống động với nét từ bi, thanh thoát trên khuôn mặt Ngài. Miệng Ngài với nụ cười hàm tiếu, hoan hỷ. Đôi mắt khép hờ, sống mũi thẳng, cặp chân mày đặc biệt thanh tao, dái tai dài, tóc là những lọn xoăn với nhục kế trên đỉnh đầu.
Phía dưới là bánh xe chuyển pháp. Bánh xe được thể hiện nội dung: hai con nai hai bên như giới thiệu vườn Lộc Uyển. Năm anh em Kiều-trần-như đang chắp tay nghe pháp. Một Ưu-bà-di và một đứa trẻ con cũng đang nghe pháp nơi này.
Tôi ấn tượng và yêu thích pho thạch tượng. Ngoài ra, viện bảo tàng còn trưng bày các loại công cụ lao động của người cổ đại, các sản phẩm gốm sứ cổ.
Trời tối, chúng tôi ra về. Đoàn chúng tôi quây quần bữa cơm tối tại một ngôi chùa Srilanka phía sau vườn Lộc Uyển. Vì phải ở trên lầu, tầng hai nên chúng tôi phải mang vác hành lý có phần cực nhọc. Một đêm ngon giấc cùng đất trời Sarnath. Chúng tôi, ai cũng háo hức mong trời mau sáng để được đến với sông Hằng. Con sông thiêng của ngưòi Ấn Độ. Tôi nhớ ông Nguyễn Tường Bách từng viết: “Ai đến Varanasi mà không đến ngắm bình minh trên sông Hằng là xem như chưa đến”.
04g30’ sáng chúng tôi đã có mặt trên bờ sông Hằng. Sông Hằng cách Sarnath tám ki-lô-mét. Màn đêm và sương mù vẫn còn đang trùm phủ khắp đoạn sông này. Bên bờ sông, một bảo tàng sống đang hiện ra trước mắt chúng tôi.
Ngay khi vừa đến, chúng tôi đã được một lực lượng cò tàu, thuyền vây kín. Họ mời mọc, chèo kéo chúng tôi một cách kiên trì, nhẫn nại. Đây là hình ảnh thường thấy tại các Thánh tích mà chúng tôi đã đi qua. Những em bé, con cái của giới Chiên-đà-la cũng xinh đẹp nhưng đầy vẻ lam lũ đang chào mời du khách mua những tràng hoa, đĩa nến để rải xuống sông Hằng cầu nguyện khi đi du thuyền. Thầy Nguyên Tân thuê được một chiếc thuyền, chúng tôi lên thuyền. Một người đàn ông trung niên chèo thuyền đưa chúng tôi, bắt đầu cuộc du ngoạn. Từ trên thuyền nhìn xuống, mặt sông Hằng lúc này đen ngòm, phẳng lặng. Trên sông chỉ có vài chiếc thuyền như chúng tôi. Một lúc sau có thêm nhiều chiếc thuyền chở du khách và một số là thuyền của những người buôn bán trên sông cặp theo để mời mọc du khách mua sắm. Họ bán ảnh, quà lưu niệm và có cả cá để du khách phóng sanh nữa.
Chúng tôi nhè nhẹ thả những tràng hoa, những đĩa nến xuống lòng sông như một lời cầu nguyện may mắn, an lạc. Trời bắt đầu hừng sáng và: “Kìa, nhìn xem”, thầy Nguyên Hiền hét lên, tất cả chúng tôi đều nhìn về hướng đông. Mặt trời xuất hiện, mặt trời lên rất nhanh, chỉ trong tích tắc. Màu mặt trời ở đây lạ lắm, đỏ ối nhưng không chói chang. Đặc biệt mặt trời trên sông Hằng to như chiếc nong, tròn vành vạnh. Phía chân trời lúc này, một màu đỏ ửng cả không gian, nước dưới lòng sông óng ánh như được dát vàng, lung linh huyền diệu quá. Tôi nghe tiếng chị Tuyết nói với thầy Nguyên Hiền: “Thầy ơi, bình minh trên sông Hằng đầy ấn tượng, đúng như lời thầy đã kể cho con nghe trước đây nhưng thầy đừng bảo mặt trời nơi này như một con quái vật, tội mặt trời quá, thầy ạ!”. Thầy Nguyên Hiền đáp lời chị Tuyết: “Đó là cảm nhận của riêng Nguyên Hiền thôi mà, chị Tuyết”. Tôi đồng ý với chị Tuyết nhưng tôi cũng đồng ý với thầy Nguyên Hiền. Riêng tôi thì bình minh trên sông Hằng rực rỡ, ấn tượng và sẽ là một kỷ niệm thiêng liêng khó phai. Mọi người ai cũng chụp ảnh cảnh mặt trời lên sông Hằng thật nhiều, thật nhiều. Cá nhân tôi bây giờ trong bộ ảnh hành hương xứ Phật, những tấm ảnh nơi này là nét chấm phá độc đáo đầy ấn tượng của chuyến đi.
Chúng tôi vẫn tiếp tục du thuyền. Lúc này, trời đã sáng hẳn. Quang cảnh chung quanh cho tôi cảm giác thời gian nơi đây đang ngưng đọng. Khúc sông này đang diễn ra một đời sống, những sinh hoạt của một xã hội cách đây nhiều thế kỷ. Dọc bờ sông là những tòa lâu đài uy nghi, cổ kính. Những đền thờ đồ sộ với kiến trúc cổ xưa, kỳ vĩ. Ở đây có cả một toà lâu đài đang nghiêng đổ nhưng nó vẫn sừng sững hiện hữu. Dọc bờ sông, những tín đồ đạo Hindu đang ngâm mình dưới nước, họ đang tắm dòng nước thiêng như quan niệm ngàn đời của người Ấn. Những tội lỗi, những tạp uế của họ sẽ được nước sông Hằng rửa sạch. Một số khác đang súc miệng. Xong, họ vốc nước vào hai tay quay về hướng mặt trời cầu nguyện. Sau đó, họ uống hết vốc nước trên tay, họ còn lấy ca mang về, có lẽ sẽ dùng làm nước uống trong ngày. Họ tin rằng uống nước thiêng sẽ khoẻ mạnh. Chao ôi, những điều vừa kể lại xảy ra đồng thời với vài đám thiêu xác trên sông.
Với người Ấn khi chết được nhúng xác xuống nước sông Hằng sau đó hoả thiêu rồi rải tro xuống lòng sông là hạnh phúc, là siêu thoát. Chúng tôi mục thị một đám thiêu mà người chết đang được thiêu trên giàn hoả có lẽ là một người nhà nghèo nên số củi dùng để đốt xác bị thiếu, vì vậy phần đầu và hai chân lòi hẳn ra. Để cận cảnh, thầy Nguyên Tân đã khéo léo nhờ người chèo thuyền ghé sát vào giàn thiêu cho chúng tôi quan sát. Ở đây, người ta cấm quay phim, chụp ảnh cảnh thiêu người. Người chèo thuyền hiền lành, nhã nhặn nhắc nhở chúng tôi vì ông sợ chúng tôi bị tịch thu máy và bị phạt tiền.
Đến gần giàn hoả chúng tôi nhìn thấy xác chết được quấn vải từ đầu đến chân, không có quan tài. Xác chết đã được khiêng đến đây trên một chiếc cáng tre. Chúng tôi nhìn thấy rõ ràng mỡ chảy, nghe xèo xèo từ thi thể người chết trên giàn hoả. Những chú quạ đen bay lượn trên không thỉnh thoảng sà xuống quan sát, những chú chó loanh hoanh bên giàn hoả. Các chú đang chờ đợi để được gặm những khúc xương người rớt ra từ giàn hoả. Chung quanh giàn hoả chỉ có vài người đàn ông trông coi việc đốt xác, không có phụ nữ, hình như đây là điều cấm kỵ. Không có tiếng tụng kinh, cầu nguyện. Họ im lặng và lạnh lùng. Người Ấn thật lạ, họ đơn giản cái ăn và cái chết của họ cũng quá đơn giản nhẹ nhàng. Lúc này, chung quanh bờ sông còn có nhiều giàn thiêu xác khác nữa. Vậy mà, những tín đồ đạo Hindu vẫn hồn nhiên ngụp lặn, tắm rửa, giặt giũ, uống nước cầu nguyện trên chính khúc sông này. Xem ra, niềm tin tôn giáo nơi họ thật tuyệt đối. Họ không hề sợ hãi sự ô nhiễm đang tràn ngập.
Tôi bất giác rùng mình với những âm khí đang lan toả.
Thuyền đã ra giữa sông mà tôi vẫn còn đang miên man với những gì mình vừa nhìn thấy. Quá rùng rợn và thương cảm.
Thầy Nguyên Tân lại nhờ người chèo thuyền ghé vào bãi cát sông Hằng. Cát ở đây trắng mịn và sạch sẽ. Chúng tôi rời thuyền bước lên bãi cát dài, đi dần về phía mặt trời mọc. Lúc này nhiệt độ đã ấm hơn lên nhờ ánh triều dương từ mặt trời toả xuống. Tôi xúc động bước đi trên cát. Đây là nơi xuất khởi câu thành ngữ: “Hằng hà sa số” đó sao?
Lên thuyền tiếp tục du ngoạn.
Từng bầy chim hải âu xoải cánh bay lượn, thi thoảng chúng dừng lại trên nước. Ôi, hình ảnh thật dễ thương, lãng mạn và thanh bình. Một vài tàu thuyền cặp theo mời mọc chúng tôi mua sắm quà lưu niệm. Chị Tuyết mua tập ảnh sông Hằng tặng mọi người trong đoàn. Chị mua cá phóng sanh nữa. Kết thúc chuyến du thuyền trên sông, tạm biệt người chèo thuyền mọi người trong đoàn đã góp tiền thưởng riêng cho anh ta. Ở đâu cũng vậy, bao giờ người lao động trực tiếp cũng bị chèn ép. Họ bỏ công sức lao động thật nhiều nhưng họ lại là những người thiệt thòi nhất trong thu nhập. Tôi chợt nhớ cô lái đò thuê trên đường vào chùa Hương ở Việt Nam. Khi lên bờ, đoàn chúng tôi cũng đã phải bồi dưỡng thêm cho cô ấy vì tiền công chèo thuê của cô được chủ đò trả quá rẻ mạt so với số tiền chúng tôi phải trả cho chủ đò.
Lên bờ, chúng tôi bách bộ dạo quanh bờ sông. Ở đây, ăn xin nhiều vô kể. Các đạo sĩ mặc y phục quy định của tôn giáo mà họ đang tín ngưỡng, tóc dài búi cao, dựng ngược búi tóc lên đỉnh đầu. Râu dài đến ngang ngực, cổ họ đeo những tràng hoa, hoặc những xâu chuỗi gỗ. Khuôn mặt các ông đạo sĩ này thường trông dữ dằn hoặc pha một chút đồng bóng, thần bí. Tay các đạo sĩ chống một chiếc gậy tre. Họ hiện diện nơi này với một lực lượng khá đông. Trên cao, phía xa kia vang lên những âm thanh của tiếng tụng kinh, cầu nguyện phát ra từ những ngôi đền. Gần đó là ngôi nhà, chỗ lưu trú dành cho những người già chờ chết. Họ mong được chết nơi này để thân xác được quyện vào nước sông Hằng còn linh hồn thì siêu thoát về cõi trời.
Sông Hằng chính là suối nguồn tâm linh đã lưu chảy mãi trong tâm thức người Ấn từ hàng ngàn năm qua nên người Ấn đã sống cùng sông Hằng và chết cùng sông Hằng.
Một số tín đồ đang ngồi tham thiền, cầu nguyện. Tôi thấy có cả những người Tây phương. Trông họ thật thanh thản và an lạc. Màu sắc tôn giáo đậm nét nơi này do một phần hình ảnh các vị thần của họ được vẽ, được tôn trí trên các bức tường của các ngôi đền, các toà lâu đài với màu sắc sặc sỡ gây sự chú ý của du khách.
Trong dòng người đông đúc chen lấn, xuất hiện những người phụ nữ Ấn Độ tuyệt đẹp trong tấm sari truyền thống. Dáng đi khoan thai chậm rãi, quý phái. Khuôn mặt đẹp đến ngẩn ngơ người đối diện cùng với sự xuất hiện của những người phụ nữ Hồi giáo thật quyến rũ với trang phục và chiếc khăn voan mỏng che mặt chỉ chừa cặp mắt đẹp như hút hồn người đối diện đã tạo nên nét thơ mộng, lãng mạn của khúc sông này.
Đoàn chúng tôi tạm biệt sông Hằng với những ấn tượng thú vị, khó phai. Tôi nhớ đến lọ nước sông Hằng của Nguyễn Văn Dũng. Lọ nước thiêng đã theo ông từ sau khi ông ngắm bình minh trên sông Hằng. Từ lúc đó, lọ nước thiêng đã là nguồn suối mát tưới tẩm tâm hồn ông mỗi khi tâm hồn ông khô kháp, phiền não. lọ nước đã là: “Bình minh trên sông Hằng” mỗi ngày trên bàn làm việc của ông.
Rời sông Hằng, đoàn đã được thầy Nguyên Tân thết đãi một bữa điểm tâm ngon lành tại một nhà hàng tương đối sang trọng ở Sarnath. Món thứ nhất là món bánh nướng chấm nước sốt tương đối ngon, lạ miệng. Món thứ nhì là món mà tất cả bảy người chúng tôi đều khoái khẩu, đó là món chowming.
Bây giờ ngồi đây viết lại bữa điểm tâm này tôi bỗng thèm món chowming.
Sau bữa điểm tâm, đoàn chúng tôi đến thăm, chiêm bái ngôi chùa Srilanka ngay phía sau vườn Lộc Uyển. Ngôi chùa này do ngài Anagarikan Dharmapala (1864 -1933) người Tích Lan sáng lập. Chùa được ngài xây dựng năm 1931. Lối vào chùa, bên phải là tượng ngài Dharmapala. Ngôi chùa Srilanka này được xây dựng bằng loại đá sa thạch đỏ, nhìn từ xa thiết kế mô hình chùa giống cái chuông. Những chạm trổ, điêu khắc hoa văn nơi đây khá đơn giản. Bên trong Chánh điện có rất nhiều bức bích hoạ thể hiện những nội dung như: Cung trời đâu suất, Phật đản sanh, thời tu khổ hạnh của Đức Phật, Phật chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, Phật nhập Niết bàn, quy phục tướng cướp Angulimala (Vô Não)..v .v…
Chánh điện có tháp thờ Xá-lợi Phật, phía sau chánh điện là tháp thờ cốt ngài Dharmapala. Ở đây vẫn còn di tích hỏa thiêu ngài. Cuối con đường vào chùa, bên phải là cây bồ đề do ngài Dharmapala trồng khi bắt đầu xây dựng chùa vào năm 1931.
Tượng ngài Dharmapala là tượng đứng, cao to như người thật. Màu tượng hoàn toàn giống màu da thật của người Srilanka. Ngài đứng đó vòng tay, khuôn mặt cương nghị nhưng đầy từ bi, mắt ngài nhìn xuống uy nghi nhưng đượm buồn. Có lẽ, ngài buồn cho Phật giáo Ấn Độ suy tàn như hiện nay. Sinh thời trước lúc từ trần năm 1933 tại vườn Lộc Uyển ngài đã nói: “Tôi muốn tái sinh trở lại cuộc đời này hai mươi lăm lần nữa để truyền bá chánh pháp”.
Thầy Nguyên Hiền kể cho chúng tôi nghe:
Ngài Dharmapala là nhân vật lịch sử đặc biệt có công đức lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Ngài là người Tích Lan, được sinh ra trong một gia đình đạo Phật. Ngài sớm được giáo thụ giáo lý đạo Phật và đây là giai đoạn Phật giáo đang được truyền bá vào quê hương Tích Lan của ngài. Năm 1891, ngài đến chiêm bái vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp. Ngài bức xúc với quang cảnh điêu tàn nơi đây. Những tinh xá, tu viện, những ngôi tháp hùng vĩ như chẳng liên quan gì đến dân chúng tại địa phương. Họ đã vô cảm biến những nền tháp, tu viện nơi đây thành bãi rác, thành nơi chăn nuôi gia súc. Ngài cũng có đến Bồ Đề Đạo Tràng nhưng nơi này cũng chẳng khác gì cảnh đìu hiu của vườn Lộc Uyển. Đau lòng trước những gì trông thấy, Ngài đã khởi tâm tích cực chấn hưng Phật giáo. Ngài chính là người đã thực hiện thành công kế hoạch chấn hưng Phật giáo và phục hồi Bồ Đề Đạo Tràng của ngài Edwin Arnord, một người Anh quốc đầy lòng nhiệt huyết với đạo Phật. Ngài Edwin Arnord là nhà thơ, nhà nghiên cứu tôn giáo và ngài đặc biệt quan tâm, kính ngưỡng đạo Phật.
Bằng tất cả tài trí, sự nỗ lực tích cực của bản thân mà cuối cùng ngài Dharmapala cũng đã toại nguyện. Phật giáo Ấn Độ hồi sinh. Bồ Đề Đạo Tràng trở thành Thánh địa chiêm bái của những Phật tử thuần thành, kính ngưỡng đạo Phật trên toàn thế giới.
Người phương tây lần đầu tiên biết đến Phật giáo là nhờ lần thuyết trình tôn giáo thành công tại quốc hội Mỹ của ngài vào năm 1893. Ngài cũng đã khôi phục vườn Lộc Uyển trở nên hưng thịnh. Đây cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng sau thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng.
Sau khi nghe thầy Nguyên Hiền kể xong, tôi đã quỳ xuống đảnh lễ ngài với lòng tri ân, ngưỡng mộ vô hạn.
Đồng hồ lúc này đã là 11 giờ trưa, chúng tôi về lại chùa, xin vào bếp nấu ăn. Mỗi người một việc, cuối cùng bữa cơm ngon, nóng sốt được dọn lên. Thật là thịnh soạn, nào là canh rau, nào là cải xào, nào đồ kho có cả rau sống. Ai cũng ngon miệng vì đói, vì thức ăn ngon.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)