Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh

Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh

Email In PDF

Chiều xuống. Sông Hàn như một sợi mơ vắt ngang qua nỗi buồn phố thị. Những chuyến phà hôm nay sao đông thế nhỉ ? Người ta nườm nượp tràn qua bên kia sông, có lẽ đêm nay bên kia có hội hè đình đám gì chăng ?
Lan man với mớ bòng bong trong lòng, Thịnh mỉm cười bâng quơ. Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đã gần một tuần, chàng chưa tìm được điều gì khả dĩ nguôi ngoai nỗi chán chường trong lòng. Có điều sông Hàn vẫn cuốn hút chàng, nó khơi lại nỗi nhớ nhung về Nguyên Dung mỗi khi hoàng hôn phớt hồng trên mặt nước. Đêm thì tĩnh lặng hơn bờ sông Sài Gòn, nên quán café gần bến phà này vẫn là điểm thích hợp nhất để Thịnh ngồi hàng giờ nghĩ ngợi xa xôi. - Anh bạn có lẽ ở xa mới đến ? Người thanh niên ngồi bàn gần bên nhìn Thịnh hỏi.
- Vâng ! Mình mới đến đây 1 tuần. Tìm quên vậy mà
- Tìm quên ? Chà ! chắc có tâm sự lớn à ! Lẽ nào bảnh trai vậy cũng bị “bà đố” ?
Thịnh cười nhạt:
- Muốn hiểu thế nào cũng được. Bồ đá, hay đá bồ cũng như nhau thôi. Đúng hơn là thôi nhau. Gần thì ghét, xa thì nhớ. Cái vòng lẩn quẩn ấy mà !
Người thanh niên kéo ghế lại gần hơn, khuôn mặt vui vui của chàng khiến Thịnh thấy mến, như gặp bạn chàng trút hết bầu tâm sự. Trăng chiều đã lên cao rọi bóng xuống lòng sông, mà những chuyến phà vẫn còn đông nghẹt người. Thịnh chỉ tay ra giữa sông hỏi:
- Hôm nay người ta đi đâu mà đông vậy kìa ?
- Trẩy hội Quan Âm đấy ! Hàng năm, cứ đến đêm 19 tháng 2 là họ kéo nhau về Ngũ Hành Sơn trẩy hội. Tối nay cậu đi chứ ?
- Đi chùa ấy à ! Đời này chả có gì đáng tin cả. Cái cô Nguyên Dung mà tớ kể cho cậu nghe đó cũng thích chùa chiền lắm. Đúng là yêu nhau mà không đồng quan điểm cũng khổ - Cô ta đẹp, thông minh, nhưng phải cái tào lao thiên địa, gì cũng tin, gì cũng đẹp, chả thực tế tý nào. Xa nhau hơn năm rồi chưa gặp lại, cô ấy nói theo dì về miền Trung, cũng chả thèm nói tỉnh nào nữa, cổ nói ở quê hương vẫn thích hơn, mình bảo ở quê nhà mà chết đói có thích hơn không ? Thế mà cô bảo rằng được. Ôi dào ! Sống trên mây !
- Tớ đâu có bảo cậu tin hay không, tớ chỉ rủ đi lễ hội thôi, ra đến Đà Nẵng mà không dự lễ hội Quan Âm thì mất hết ý nghĩa chuyến đi rồi.
Xuôi theo dòng người nườm nượp chảy về Ngũ Hành Sơn, Thịnh đến chùa Quan Âm khi trời vừa sẫm tối. Ấn tượng mạnh nhất đập vào mắt chàng là lá phan thả từ ngọn Kim Sơn dài xuống chân núi, ngoằn ngèo, bay lượn như một con rồng trườn lên đỉnh núi bắt ánh trăng trong. Chếch về phía Tây là một đầm sen bát ngát, mùa xuân vẫn thấp thoáng hoa sen. Lễ đài được trang trí ngang chân núi, cờ xí rợp trời, văng vẳng bên tai chàng những khúc nhạc là lạ: “Ngũ Hành Sơn, đứng bên đại dương ... Quán Thế Âm chùa bên vách núi ...”. Trong phút chốc, Thịnh bỗng thấy lòng mình xao xuyến lạ. Cái cảm giác lâng lâng nhè nhẹ mà chưa một lần trong đời chàng có được, nhất là khi chuông chùa từng tiếng tan vào thinh không vời vợi. Bên mấy túp lều dọc cổng chùa, những bức họa, những bức thư pháp điêu luyện từ một bàn tay nào đó. Những tượng đá Non Nước được chạm trổ tỷ mỷ mà chàng từng nghe Nguyên Dung kể lể. Thuở ấy, chàng cho là phi thực tế, bây giờ thì chúng cùng với ký ức một lần trào lên nỗi lòng bâng khuâng khó tả. Phải chăng chính những hình ảnh này đôi lúc cũng là dường chất trần gian, mà lúc nào đó người ta thèm khát nó như cơm nước hằng ngày ? Nguyên Dung ở tỉnh nào nhỉ ? Nàng có về dự lễ hội này chăng ? Làm sao tìm được nàng giữa điệp trùng người và đèn hoa đêm lễ hội ?
Đang lan man suy nghĩ, bỗng loa phóng thanh vang tiếng: “Đã đến giờ rước ánh sáng Quan Âm từ chùa Linh Ứng, qua chùa Quan Âm, yêu cầu mọi người đứng dạt hai bên để rước kiệu Quan Âm diễu qua Ngũ Hành Sơn”. Nghe đến rước ánh sáng Quan Âm, Thịnh thấy lạ, chen vào đám đông dò hỏi. Đây là lễ hội hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm của các đoàn từ các quận huyện và thành phố Đà Nẵng. Lễ hóa trang được tổ chức rất long trọng, mỗi đoàn làm một cái kiệu do nhiều người khiêng. Đi trước có múa lân, rước đuốc, tung hoa. Từ xa đã vang rền tiếng trống. Thịnh tự nhiên muốn chen lấn đoàn người, đi ngược lại để xem kiệu Bồ Tát. Có lẽ lần đầu tiên trong đời chàng bị cuốn theo dòng người trẫy hội như vậy.
Ngược đường ra ngoài, đến cổng ngoài chùa Quan Âm thì đoàn rước ánh sáng Quan Âm cũng vừa đến. Từ xa, sau những ánh đuốc, hình ảnh Bồ tát trên cao vô cùng lộng lẫy. Ồ, không phải một mà rất nhiều. Có Bồ Tát đứng, tay cầm bình nước, tay cầm nhành dương liễu. Có Ngài ngồi, tay bắt ấn, có Ngài đứng dưới tàn trúc, phía sau có một đồng tử nữa chứ. Kiệu thứ nhất đi qua chàng, chàng muốn chạy theo, nhưng kiệu thứ hai cuốn hút chàng hơn. Phía sau kia cũng đẹp nữa. Bồ Tát này mới là Bồ Tát thật, không như mấy bức tượng chàng thường thấy, trang nghiêm và đẹp lạ thường. Bỗng nhiên chàng chú ý đến một chiếc kiệu ở đoạn giữa. Trời thần ạ ! Dải áo trắng của Ngài sao mà đẹp thế, môi Ngài cũng đỏ như son, mắt Ngài tươi cười mà hiền từ quá, đoan hậu quá. Người ta tung hoa lên, hoa tỏa xuống như mưa. Khi chiếc kiệu ấy đi qua, mọi người chắp tay trước ngực cúi đầu. Như từ vô thức, chàng cũng làm theo, chắp tay cúi đầu thật thấp. Bây giờ chàng mới hiểu rằng chàng không phải là kẻ vô tín ngưỡng, tín ngưỡng là sự thán phục trước cái đẹp, cái đẹp thanh cao, dịu dàng, cái đẹp không hoen ố bởi phàm trần. Chàng vẫn chắp 2 tay trước ngực mà chen lấn đi theo chiếc kiệu này. Bàn tay Bồ Tát sao mà đẹp thế nhỉ, cầm nhành dương và bình cam lồ mà như toát ra sự mặc khải vô biên. Môi Bồ Tát cười vô tận, ánh mắt thì từ bi làm sao. Nỗi lòng chàng muốn bậc lên thành tiếng gọi, chàng không biết niệm Nam mô, chàng không hiểu nó, nhưng hình tượng trên kiệu kia là hình tượng mẫu thân, ấm áp và gần gũi quá, chàng gợi khẽ: Mẹ hiền Quan Âm, Mẹ hiền Quan Âm.
Đoàn rước ánh sáng Quan Âm từ từ tiến về lễ đài chính, dàn hàng ngang nhìn xuống mọi người. Kiệu hoa khi nãy bây giờ ở giữa, đoan nghiêm sau nhiều hồi chuông trống vừa dứt. Bất giác như lạc vào một cõi huyền ảo lung linh nào, Thịnh thấy từ trên ngọn Kim Sơn, một luồng ánh sáng tỏa xuống chan hòa, thánh thiện. Đêm trăng rạng vỡ một nỗi niềm thầm kín thanh tân đủ sức rung chuyển đến tận cùng các tế bào trong thân thể chàng trai ương ngạnh ngày nào. Chàng quỳ xuống, ngước lên nhìn vị Bồ Tát ở chiếc kiệu hoa ở giữa với niềm thán phục vô biên, rồi cúi đầu lâm râm cầu nguyện:
- Kính lạy Bồ Tát ! Con vốn là kẻ vô thần, nay nhờ Ngài mà chuyển hóa lòng con. Hãy ban cho con sức mạnh, tình yêu thương, lòng nhẫn nhục. Hãy cho con được tắm gội đủ đầy trong ánh sáng huyền ảo của Ngài, và tha thứ cho con những lỗi lầm mắc phải. Xin Ngài đừng quở trách cái ước muốn phàm tình, là cho con gặp lại người yêu cũ. Nàng có những vẻ đẹp và đức tính như Ngài, nhưng con vì quá u mê nên tự ruồng bỏ nàng, hãy tha thứ con bằng ánh mắt từ bi đó, bằng nụ cười hoan hỷ đó, con xin lắng lòng chờ đợi sự ban phát của Ngài.
Chàng quỳ như thế rất lâu, đến khi lễ hội hóa trang kết thúc. Mấy ngọn đèn néon vụt tắt, chàng thấy các Bồ Tát trên kiệu hoa chuẩn bị bước xuống. Bồ Tát bước xuống trần gian - Chàng nghĩ vậy, liền đứng dậy, chạy đến chiếc kiệu hoa ở giữa để nhìn tận mặt người chàng chiêm ngưỡng từ đầu đêm. Đèn trên mấy ngọn cây cao ánh lên sau màn sương phủ dày sườn núi. Nến lung linh tàn, hoa phủ dày mặt đất, chàng quyết chen lấn giữa rừng người để mang lời cầu nguyện của mình đến vị Bồ Tát ấy. Ngài bước xuống, bước xuống. Bỗng giữa đèn hoa đêm lễ hội vụt lên tiếng gọi thảng thốt của ai đó: Nguyên Dung !

Nhất Thanh