Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

Đường Về Xứ Phật

Tôi không có ý định viết về chuyến hành hương chiêm bái Phật tích trên quê hương Đức Phật. Lý do rất đơn giản là vì khả năng viết lách của tôi kém cỏi…Tôi chỉ thích ghi nhận và cất giữ những cảm xúc, niềm hạnh phúc về chuyến hành hương này cho riêng mình trong tâm thức…

Nhưng sau chuyến đi khoảng hai tháng, tôi trải qua một giấc mơ đặc biệt…Giấc mơ đến với tôi trong một cơn sốt vật vã của thân bệnh (và cả tâm bệnh vào lúc này nữa…). Giấc mơ ấy như một nhân duyên thúc đẩy tôi phải viết lại chuyến hành hương.

Suy nghĩ thật nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định viết lại hành trình của chuyến hành hương về xứ Phật, như một nén tâm hương kính dâng cúng dường mười phương Chư Phật, như một lời tri ân đặc biệt đến với Sư phụ, người đã khai mở, hướng dẫn đời sống tâm linh của tôi, và cũng để tri ân cuộc đời, tri ân những ân nhân, bè bạn đã giúp đỡ tinh thần, vật chất, trợ duyên cho phước báo của tôi được thành tựu.

Cách đây sáu năm, tôi đã đọc loạt bài KÝ SỰ DU HÀNH ẤN ĐỘ của thầy Thích Nguyên Hiền, MÙI HƯƠNG TRẦM của Nguyễn Tường Bách xuất bản năm 2001 khi tôi đang tá túc ở một ngôi chùa quê. Những năm sau này tôi còn được nghe kể nhiều về Ấn Độ từ quý thầy đang du học Ấn Độ mỗi khi về Việt Nam nghỉ Tết, nghỉ hè. Tôi cũng đã đọc LINH SƠN MÂY TRẮNG của Nguyễn Văn Dũng, các tác phẩm viết về đề tài Ấn Độ của Hồ Anh Thái và một số tựa sách của nhiều tác giả khác cùng viết về đề tài này.

Sau khi đọc những tác phẩm này, tôi thực sự được hiểu biết thêm rất nhiều về đất nước Ấn Độ. Một đất nước có nền văn hóa, nghệ thuật, văn minh lâu đời bậc nhất thế giới, là quê hương của Đức Phật Thích Ca. Tôi thú vị với đất nước này vì theo tất cả các tác giả có tác phẩm viết về Ấn Độ mà tôi đã đọc đều kết luận: Ấn Độ là một đất nước mà những tinh hoa về điêu khắc, hội họa đã được phát tiết đến đỉnh cao của nghệ thuật từ hàng nghìn năm trước. Ấn Độ sở hữu những công trình văn hóa nghệ thuật lâu đời, nổi tiếng thế giới. Ngày nay các nước Tây Phương đang đổ dồn về đây để chiêm ngưỡng, khảo cứu. Ấn Độ còn là đất nước của tâm linh, huyền bí với quá nhiều tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng của người Ấn.

Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, cũng bắt nguồn từ đất nước Ấn Độ này. Cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch khuynh hướng Phật giáo Đại thừa nảy nở tại Ấn Độ. Khuynh hướng này nhanh chóng được truyền bá sang các nước láng giềng. Luy Lâu là trung tâm Phật giáo đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và cũng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Đông Nam Á.

Những kỹ thuật canh tác, trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp, những y thuật, những ứng xử văn minh trong sinh hoạt, đời sống của người Việt Nam thời bấy giờ đều được truyền thụ trực tiếp từ Ấn Độ thông qua một số tu sĩ và thương gia người Ấn đến Việt Nam làm ăn, chứ không phải từ đất nước Trung Hoa vốn đã có một nghìn năm đô hộ nước ta. Ấn Độ đặc biệt và quan trọng như vậy đó. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi dám mơ ước mình sẽ có một chuyến hành hương đến xứ Phật, vì làm sao tôi có thể có đủ tiền trả cho tấm vé máy bay đến đất nước này để được chứng kiến những nền văn minh đã có từ năm ngàn năm trước tại đây, để được về xứ Phật, được lạy Phật, được tham quan, chiêm bái TỨ ĐỘNG TÂM. Mặc dù hành hương về xứ Phật là khát ngưỡng hàng đầu của người Phật tử. Vậy mà, tôi đã có một chuyến hành hương chiêm bái trên quê hương Đức Phật, một sự thật mà không còn có hạnh phúc nào hơn thế nữa…
Chuyến hành hương càng tăng phần giá trị, càng hạnh phúc, nồng nàn hơn trong tâm thức tôi vì cùng đi trong đoàn có hai nhân vật mà tôi luôn ngưỡng mộ, kính trọng và yêu thương.

Chuyến bay khởi hành từ Việt Nam lúc 11g trưa 17.01.2010 (nhằm mùng 3 tháng 12 năm Kỷ Sửu). Chúng tôi quá cảnh phi trường Bangkok, Thái Lan. 18g5’ chiều cùng ngày, chúng tôi đổi chuyến bay và tiếp tục hành trình. Sau năm giờ bay, chúng tôi đến phi trường Mumbai (Ấn Độ) lúc 23 giờ đêm. Xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh, các nhân viên an ninh Ấn Độ đã giúp đỡ chúng tôi một cách nhanh chóng, vui vẻ và thân thiện. Khuôn mặt họ an nhiên, tự tại. Đây là ấn tượng đầu tiên của tôi về người Ấn.

Sân Bay Quốc Tế Mumbai

Sau khi làm xong thủ tục, chúng tôi đẩy hành lý ra bên ngoài. Thầy Nguyên Tân đón chúng tôi. Thầy đang học và làm luận án tiến sĩ tại Delhi. Thầy đã vượt hai ngàn cây số bằng xe lửa về đây chờ đón chúng tôi từ hai ngày trước. Vậy là đến lúc này đoàn hành hương chúng tôi đã có tất cả bảy vị gồm sáu vị từ Việt Nam sang và thầy Nguyên Tân. Trong đó có bốn vị Tăng, một vị Ni và ba Cư sĩ.

Ra bên ngoài, thầy Nguyên Tân đón taxi đưa chúng tôi về khách sạn.


Dịch vụ taxi ở Ấn Độ cũng để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ.

Taxi ở Mumbai dễ nhận biết với một màu đen tuyền

Các bác tài xế taxi nói thách rất nhiều. Thầy Nguyên Tân phải vất vả kỳ kèo với họ. Xe taxi Ấn Độ là loại xe nội địa, cũ kỹ tềnh toàng nhưng chúng được dán nhãn hiệu oách lắm: “AMBASSADOR” (Đại sứ). Họ đang kỳ kèo với thầy Nguyên Tân bằng tiếng Anh, tiếng Anh của người Ấn khó nghe lắm nhưng thầy Nguyên Tân đã ở đây tám năm vì thế thầy không gặp khó khăn gì khi mặc cả với họ. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng lên được xe về khách sạn. Xe chạy, tôi lại ấn tượng với tài nghệ lái xe hấp dẫn của tài xế Ấn Độ. Bác tài chạy nhanh, xe cứ lao thẳng về phía trước, luồn lách, uốn éo một cách ngoạn mục giữa dòng xe đông dày, ken đặc trên đường. Thi thoảng có va chạm xen lẫn là những tràng la mắng giữa các bác tài xế với nhau. Người Ấn hiền lắm, khi có va chạm kẻ có lỗi luôn luôn im lặng lắng nghe với nụ cười cầu hòa, hiền lành, nhẫn nhịn. Tôi thầm nghĩ nếu như sự cố va chạm này xảy ra trên đường phố Việt Nam thì chắc là đã có đánh  nhau…


Buổi chợ Phiên

Đường phố về khuya ở Mumbai cũng ấn tượng. Người, xe vẫn đông đúc. Tuy người, xe lũ lượt, tôi vẫn nhận ra sự trật tự, sạch sẽ trong văn minh đường phố của họ.

Về đến khách sạn đã là 12g30’ khuya, tất cả chúng tôi đều mệt lả. Thầy Nguyên Tân bảo chúng tôi tắm rửa, thu xếp nghỉ ngơi để sáng mai bắt đầu đi chiêm bái các Thánh tích.

Một đêm không ngon giấc lắm do mệt, do lạnh, do suốt ngày ngồi máy bay, ngủ trễ, quá giấc nên giấc ngủ chập chờn…

04g30’ sáng hôm sau thức dậy ăn sáng, uống trà, uống cà phê xong, chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương trên quê hương Đức Phật từ miền Nam nước Ấn. Đây là hành trình đã được thầy Nguyên Tân thiết kế dành cho đoàn. Nhờ ít người, hành lý khá gọn gàng, chúng tôi mới có thể đi hết từ miền Nam Ấn lên Bắc Ấn và sang cả Nepal. Chúng tôi hành hương trên tinh thần "chịu thương, chịu khó” và tiết kiệm. Điều chúng tôi cầu nguyện là sức khỏe để chúng tôi đủ sức đi suốt hành trình với thời gian “bức bách” chỉ mười tám ngày cho tất cả các Thánh tích, Phật tích trải dài trên suốt chiều dài đất nước Ấn Độ và sang cả Nepal.

Tôi vô cùng xúc động, cảm kích và biết ơn công đức vô lượng của thầy Nguyên Tân. Nhờ sự nhiệt tình của Thầy mà chúng tôi đã có một chuyến hành hương đầy đủ và giá trị, vì thật ra nếu như chúng tôi đi với những nơi khác tổ chức kể cả các tour hành hương của các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam thì chúng tôi cũng sẽ chỉ được hành hương miền bắc Ấn Độ và Nepal mà thôi. Họ không tổ chức hành hương xuống tới miền nam Ấn Dộ do sẽ mất nhiều công sức, thời gian và quan trọng là tốn kém tiền bạc. Với tôi đây là chuyến hành hương đầy phước báo…Tôi cũng cảm nhận sự hân hoan của Sư phụ đối với hành trình hành hương do thầy Nguyên Tân thiết kế.

06g30’ rời khách sạn, chúng tôi di chuyển bằng xe lửa.

Chuyến hành hương về xứ Phật bắt đầu…



Thánh tích đầu tiên chúng tôi chiêm bái trong cuộc hành trình này là dãy hang động Kanheri (Kanheri Caves) ở Borivali thuộc bang Maharashtsa - Ấn Độ.

Xe lửa ở Ấn Độ cũng là một ấn tượng. Do mật độ dân số quá đông (hơn một tỷ người), dân chúng Ấn Độ chủ yếu sử dụng phương tiện di chuyển công cộng bằng xe lửa, xe buýt, tàu điện ngầm nên xe lửa của họ rất dài. Mỗi đoàn tàu lửa có cả trăm toa tàu. Xe lửa có nhiều hạng vé dành cho nhiều đối tượng tiêu dùng trong xã hội. Thầy Nguyên Tân cho chúng tôi đi hạng sang, vé ngồi. Vậy mà, ở toa này cũng đông đúc, phức tạp. Thầy Nguyên Tân bảo: “Đi toa này là quí vị đã thoải mái lắm rồi đấy. Bây giờ là buổi sáng và cũng còn tương đối sớm, chưa đến giờ đi làm của người Ấn. Ở đất nước này, ngày làm việc của họ bắt đầu rất trễ, sau chín giờ sáng, nên chúng ta đủ ghế ngồi, nhưng chiều về sợ quí vị sẽ không được ngồi như thế này, vì khi chiều trở về sẽ là giờ cao điểm, tan sở của công chức văn phòng nên tàu sẽ đông kín, nghẹt người”.


Chúng tôi đến Kanheri Caves lúc 09 giờ sáng. Từ ngoài cổng của Vườn quốc gia Gandhi (Sanjay Gandhi National Park) vào đến dãy hang động khoảng bảy ki - lô - mét.


Vườn quốc gia Gandhi (Sanjay Gandhi National Park)

Dọc hai bên đường vào là những khu rừng nguyên sinh tươi xanh, mát mẻ. Khí hậu sáng nay như đãi chúng tôi. Trời không nắng lắm, nhiệt độ ấm áp chứ không lạnh buốt như đêm qua chúng tôi ở khách sạn. Khí hậu dễ chịu, dọc đường vào được nghe chim hót, được nhìn thấy những chú khỉ tung tăng, những chú sóc nhỏ nhắn, dễ thương nhảy lượn đùa giỡn cùng nhau. Con người và thiên nhiên ở đây thật thân thiện.

Dãy hang động Kanheri này có tất cả 109 hang động.


Đi hết bậc tam cấp vào đến dãy hang động, tôi ngạc nhiên trước vẻ hùng vĩ nhưng lãng mạn, yên ắng của dãy hang động. Chung quanh dãy hang động là những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn những cây cổ thụ, hoa, cỏ dại mọc đầy. Dãy hang động là một công trình được cấu trúc hoàn hảo với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho đời sống hàng ngày của tăng đoàn khi xưa. Trước mỗi hang động đều có giếng nước, nước ở đây trong lành, mát lạnh. Tôi vốc nước rửa mặt. Chao ôi! Nước mát thật là sảng khoái. Bên trong mỗi hang động đều có một chiếc giường bằng đá làm chỗ ngủ, có ô thông gió dùng để lấy gió và ánh sáng. Có những hang động có nhiều dãy bàn dài, có lẽ ngày xưa tăng đoàn dùng để làm giảng đường hoặc trai đường. Những trụ đá tròn to cao, vững chắc là trụ cột trong các hang động tuyệt đẹp với những hoa văn tinh xảo được điêu khắc trên thân trụ. Nhưng điều đặc biệt tại dãy hang động này là những pho tượng Phật Bổn Sư, Phật Quan Âm, các vị Bồ Tát, các vị Thần v.v... Những pho thạch tượng này cao lớn, sắc sảo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân ngày xưa trong nghệ thuật điêu khắc tượng. Thạch tượng ở đây đẹp, là đá nhưng đường nét mềm mại và có hồn. Khuôn mặt tượng hiền từ, ánh mắt từ bi nhìn chúng sanh. Tôi cảm nhận được sự linh thiêng, vi diệu từ pho thạch tượng chiếu xuống, truyền vào tâm tôi khi tôi quỳ lạy, đảnh lễ. Tôi thật sự xúc động. Bước ra bên ngoài ngắm nhìn quang cảnh xung quanh, cảnh núi rừng nơi này đẹp đến rung động lòng người. Khung cảnh thanh bình, an tịnh đã cho tôi niềm an lạc.

Dường như có một dòng nước mát đang chảy trong tôi như suối nguồn vi diệu mà tôi cảm nhận được từ dãy hang động Kanheri này. Nó kết tinh từ niềm thành kính của tôi đối với giáo đoàn Phật giáo ngày xưa, niềm thán phục trước công phu của tiền nhân, pha lẫn niềm hạnh phúc đang dâng trào trong hiện tại. Tuy chỉ là điểm tham quan chiêm bái đầu tiên nhưng nguồn xúc cảm ấy vẫn theo tôi suốt hành trình du hành Ấn Độ.

Buổi trưa hôm ấy có một đoàn học sinh Ấn Độ tham quan dãy hang động. Những giáo viên hướng dẫn đi cùng các em đã đề nghị được chụp chung với chúng tôi vài tấm ảnh kỷ niệm. Những người khách ngoại quốc đến thăm dãy hang động này cũng xin chụp hình với chúng tôi vì chúng tôi là người Việt Nam mà họ chưa từng nghe, chưa từng được biết đến. Họ đã rất vui khi chúng tôi đồng ý và lập tức, máy ảnh đã bấm nháy liên tục…Thầy Nguyên Hiền kể cho chúng tôi nghe rằng ở Ấn Độ, các trường học thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này cho học sinh. Đây là phương pháp giáo dục nhân cách, lòng yêu thương, sự gần gũi thân thiện với con người, với môi trường, với thiên nhiên cho học sinh rất hiệu quả. Ở Việt Nam thiếu hẳn các chương trình ngoại khóa này trong chương trình giảng dạy ở học đường.

03 giờ chiều chúng tôi rời Kanheri Caves với sự cố chiếc giày dưới chân tôi bị rớt đế. Chết rồi! Làm sao đây? Mới bắt đầu hành trình mà giày đã hư, làm sao để có giày tiếp tục đi đây ạ? Nhưng thật may, ra đến sân ga, đã gặp một người thợ may giày bên vệ đường. Người thợ may giày là một ông già người Ấn với khuôn mặt khắc khổ nhưng hết sức điềm đạm, ông đã cặm cụi ngồi may thật kỹ trong sự nhìn ngắm của chúng tôi. Trong ông chẳng có vẻ gì mừng khi có công việc, cũng chẳng có vẻ qua loa cho xong việc để lấy tiền. Cứ như may giày là việc của ông một cách an thân lập mệnh. Chính thái độ an nhiên đó dưới trời chiều nắng gắt đã làm tôi ngưỡng mộ. Khi ông may xong, thầy Nguyên Tân đã trả cho ông ba mươi rupee (khoảng mười lăm ngàn đồng Việt Nam). Sự cố đầu tiên trên đất Ấn đã được khắc phục. Tôi chợt nhớ T.G, người bạn đã tặng tôi đôi giày. Đây là đôi giày xịn của T.G nhưng do tôi thích nên T.G đã đành phải tặng tôi, đôi giày gọn nhẹ, không cầu kỳ, vừa vặn với chân tôi và rất dễ thương.

T.G ơi! Kết thúc chuyến hành hương tại Ấn Độ, Diễm không biết mình có đi được vạn dặm không nữa nhưng đôi giày T.G tặng Diễm đã cùng Diễm suốt dọc hành trình, nó cũng gian khổ leo núi, trèo đèo nhưng có lẽ nó cũng hạnh phúc như Diễm vậy. Hạnh phúc của đứa con tha phương nay trở về, trở về với cội nguồn của mình. Cội nguồn tâm linh T.G ạ. Cám ơn bạn nhiều nhé.

Thầy Nguyên Tân tiếp tục đưa chúng tôi tham quan thành phố Mumbai.

Thành phố Mumbai đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Mumbai là một trong bốn thành phố lớn nhất của Ấn Độ: Delhi, Chennai, Calcutta (hiện là Koltaka) và Mumbai (trước là Bombay).

Mumbai là thành phố đông dân nhất Ấn Độ (khoảng 13 triệu người), được mệnh danh là Bollywood, kinh đô điện ảnh của Ấn Độ. Đây là trung tâm tài chánh, thương mại của cả nước. Mumbai hiện nay còn được biết đến như một địa điểm du lịch lý tưởng. Đây là một thành phố hiện đại, văn minh với kiến trúc là những tòa lâu đài nguy nga, đồ sộ vừa cổ kính, vừa hiện đại. Những cao ốc văn phòng sang trọng cao ngất ngưỡng. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ, bờ biển bao quanh tạo nét thơ mộng, lãng mạn cho thành phố. Khi chúng tôi đến, nắng chiều chưa tắt, nắng còn gắt, nóng nực, khó chịu... Thi thoảng cũng có vài ngọn gió biển thổi qua nhưng cũng không đủ mát để làm dịu cơn nắng. Đây cũng là sự khắc nghiệt của khí hậu Ấn Độ. Ban ngày nắng nóng là thế nhưng đến chạng vạng tối là trời trở lạnh, lạnh đến thấu xương, khó chịu.

Đường phố Mumbai

Buổi Sáng ở Mumbai

Ngồi hóng gió biển, nghỉ mệt tại bờ biển khoảng ba mươi phút, thầy Nguyên Tân tiếp tục đưa chúng tôi đến tham quan Khải hoàn môn của Ấn Độ (Indiagate) mô phỏng theo kiến trúc Khải hoàn môn của Pháp, người Anh đã thực hiện kiến trúc này cho Ấn Độ khi họ đến đây. Cư dân thành phố Mumbai đẹp, sang trọng và quí phái. Thành phố Mumbai ít dân nghèo, ở đây tôi không thấy sự nhếch nhác. Dọc thành phố có nhiều công viên và cây xanh, toàn những cây cổ thụ nhiều không kể xiết. Tượng đài danh nhân cũng được dựng nhiều trong thành phố. Tôi đặc biệt chú ý tượng ngài Ambedkar.

Khải hoàn môn của Ấn Độ (Indiagate)

tượng ngài Ambedkar.

Ấn Độ từ ngàn xưa đã là xứ sở của nạn kỳ thị, phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt. Ambedkar là người thuộc đẳng cấp hạ tiện, gọi là Chiên-đà-la. Ông cũng đã từng phải hứng chịu sự ngược đãi, kỳ thị giai cấp từ thuở nhỏ. Kể cả khi lớn lên, đã từng du học nước ngoài, mang nhiều bằng cấp học vị trở về phục vụ đất nước, ông vẫn bị kỳ thị. Không khuất phục số phận, ông đã liên tục đấu tranh và cuối cùng bằng tài trí của mình, ông đã trở thành vị Bộ trưởng tư pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ. Cuối đời, Ambedkar cải đạo Hindu sang đạo Phật và công đức lớn nhất của ông là ông đã vận động và tổ chức thành công năm mươi ngàn tín đồ đạo Hindu quy y đạo Phật.  Đây là chi tiết tôi cảm tình với nhân vật lịch sử này.

Dạo chơi trong quảng trường cạnh Khải hoàn môn, tôi được một đạo sĩ người Ấn làm phép ban phước lành. Ban đầu dù thành kính tiếp nhận tôi vẫn lo lắng, sợ hãi, nhưng một lúc sau nghĩ lại, vị đạo sĩ này cho mình lộc lành mà, có gì phải sợ đâu? Vậy là lại thấy vui và cho đó là kỷ niệm của chuyến đi.

Đã 06g30’ tối mà ở đây trời còn sáng. Chúng tôi đi taxi về sân ga. Taxi Ấn Độ nói thách nhiều nên thầy Nguyên Tân phải vất vả kỳ kèo. Lại nữa, có tài xế taxi lắc đầu không chạy và theo giải thích của thầy Nguyên Tân: “Họ đã làm đủ tiền sống ngày hôm nay rồi nên không cần phải làm thêm nữa”. Đây cũng là đặc điểm an phận, không bon chen cầu tiến của dân Ấn. Cuối cùng thầy Nguyên Tân cũng thuê được xe nhưng vì đứng xa thầy nên khi nhìn thấy bác tài xế taxi lắc đầu, tôi tưởng thầy lại không thuê được xe. Nhưng không. Đây là cử chỉ đặc biệt của người Ấn. Khi đồng ý họ sẽ lắc đầu nhưng khi không đồng ý họ cũng sẽ lắc đầu nhưng họ sẽ lắc đầu theo một cách khác. À, thì ra là vậy. Tôi lại có ấn tượng với người Ấn về cử chỉ giao tiếp này.

Đến nhà ga, lên xe lửa về khách sạn. Chao ôi! Lạy Phật, sao tàu đông nghẹt người vậy ạ? Đây là lúc tôi cảm nhận đầy đủ lời giới thiệu chuyến tàu về chiều nay của thầy Nguyên Tân lúc sáng. Chúng tôi đã phải vất vả chen lấn để lên được trên tàu và chỉ đứng được có một chân. Thầy Nguyên Tân và thầy Nguyên Tâm đã phải GIĂNG HÀNG RÀO TAY để che chở và bảo vệ cho tôi vì tôi thấp bé, nhỏ con đang lọt thỏm, kẹt cứng giữa những người đàn ông Ấn Độ to cao, bụng phệ. Quý thầy bảo: “Nếu không lấn họ để bảo vệ chị thì chắc là chị sẽ chết ngộp…”. Lúc đến ga xuống, lại một phen hú vía, chúng tôi đã không dễ dàng lấn ra để xuống tàu mà tàu chỉ dừng lại có vài phút ngắn ngủi. Thoát được toa tàu xuống ga, chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Ôi ! Xe lửa Ấn Độ !

Xuống ga, đi bộ về khách sạn. Chúng tôi hòa vào dòng người đông đảo nhưng rất trật tự, họ bình thản và tự tại có lẽ họ đã quen với sự đông đảo này nên dù chật kín người dọc đường mà chẳng thấy ai tỏ vẻ khó chịu. Tôi nghĩ, nếu không đến đây để tận mắt nhìn thấy thì không ai có thể tưởng tượng được sự đông dân ở đây là như thế nào? Mà kể lại thì người kể cũng sẽ không biết phải kể thế nào để người nghe có thể hình dung được sự đông đúc như việc chỉ đứng được có một chân trên xe lửa. Mọi người trong đoàn đều nói: “người Ấn hiền lành, tốt bụng. Nếu khi nãy chúng ta đi trên một toa tàu đông đảo, chen lấn như thế ở Việt Nam thì chắc chắn chúng ta cũng đã bị móc túi, rạch giỏ…nhưng ở nơi này thì hiếm khi xảy ra điều đó.

Về đến khách sạn đã 19g30’ tối.

Thầy Nguyên Tân ghé chợ mua thêm thức ăn và chuẩn bị thêm vài thứ cho hành trình ngày hôm sau. Chúng tôi về khách sạn xúm nhau nấu cơm. Đến 20g30’, bữa cơm đạm bạc, nóng sốt được dọn ra, ai cũng ngon miệng do đói. Cơm nước xong, uống trà, tắm rửa. 23g30’ đi ngủ. Đêm này, tôi cũng chập chờn khó ngủ do lạnh dù tôi đã được rúc vào một chiếc túi ngủ ấm áp, mệt và lý do chính là tôi vẫn đang còn lâng lâng, xúc động với những cảm xúc thiêng liêng như vỡ òa trong tôi khi lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng, lễ bái những điều kỳ diệu, vĩ đại. Những pho thạch tượng, những dãy hang động ở Kenheri, đỉnh cao của nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc đã có từ hàng ngàn năm trên đất nước Ấn Độ này. Xen lẫn giữa những cảm xúc ngọt ngào, thiêng liêng là nỗi ngậm ngùi xót xa, tôi buồn bã với dã tâm độc ác, tàn nhẫn tiêu diệt, phá hoại của con người đối với những Thánh tượng, những Thánh tích Phật giáo trong đại nạn tôn giáo vào thế kỷ mười một xảy ra trên đất nước Ấn Độ của người Hồi giáo. Tâm tôi thổn thức khi nhớ lại sự hư hại của các thạch động cũng như một số thạch tượng bị mất đầu, gãy tay, khuôn mặt tượng bị đập phá, hủy hoại một cách tàn nhẫn từ những con người nhân danh tôn giáo.

Không ngủ được nên mới 04 giờ sáng tôi đã trở dậy, chuẩn bị sẵn sàng để cùng đoàn lên đường đến phi trường nội địa Mumbai. Chuyến bay khởi hành lúc 07g15’ từ Mumbai đến Aurangabad. Thành phố của những dãy hang động nổi tiếng bậc nhất trên thế giới.


phi trường Aurangabad

08 giờ chúng tôi đến phi trường Aurangabad. Phi trường ở đây nhỏ và cũ kỹ hơn nhiều so với phi trường Mumbai.
Xe khách sạn đón chúng tôi. Về đến khách sạn khoảng 10g30’ sáng. Sắp xếp nghỉ ngơi, ăn trưa. 13g30’ chúng tôi lên đường tham quan dãy hang động Ajanta.

Tâm trạng tôi lúc này hân hoan, hăm hở vì đã được nghe thầy Nguyên Hiền từng giới thiệu tóm lược về Ajanta. Tôi nóng lòng đến đây để được chiêm ngưỡng dãy hang động nổi tiếng với những bức bích họa, những pho thạch tượng mà trước đây khi lần đầu tiên đến chiêm bái thầy Nguyên Hiền đã phải sụp lạy.

Đến Ajanta ngoài tiền vé vào cổng (giá vé của khách ngoại quốc mắc gấp hai mươi lăm lần giá vé khách trong nước), chúng tôi còn phải trả thêm tiền xe buýt chở chúng tôi từ cổng vào đến dãy hang động. Xem ra, người Ấn cũng khéo biết móc túi du khách đấy chứ. Nhìn quanh, tôi thấy cũng có khá nhiều khách Tây vào tham quan. Dọc hai bên đường vào hang động dày đặc các gian hàng bán quà lưu niệm, bưu ảnh, băng đĩa…

dãy hang động Ajanta

những bức bích họa vẽ lên tường

Thầy Nguyên Hiền nói dãy hang động Ajanta này đã bị người ta bỏ quên hàng ngàn năm. Rừng núi bao phủ che kín hàng thiên niên kỷ đến nổi người Ấn Độ không hề biết đến sự tồn tại của dãy hang động này. Đến thời thuộc địa Anh, một sĩ quan quân đội Hoàng gia vô tình đứng trên đỉnh núi, nơi có đường quốc lộ đi ngang. Bỗng dưng ông phát hiện dưới chân núi đối diện, đá có những hình thù kỳ lạ, những hang động hay những bậc tam cấp uốn khúc như có bàn tay con người từng chạm đến. Ông tìm đường xuống núi và khám phá dãy hang động hùng vĩ này. Thầy Nguyên Hiền cũng giải thích rằng rất có thể vì muốn bảo tồn thánh tích kỳ công này mà Chư tăng ngày xưa đã bỏ đi hết, bít lấp các lối vào hang động để đội quân Hồi giáo khỏi phát hiện. Khi Phật giáo bị tiêu diệt ở Ấn Độ, Ajanta cũng bị bỏ quên. Ngày nay người ta vẫn còn làm một ngôi nhà hình bát giác ngay nơi vị trí người lính năm xưa phát hiện ra dãy hang động. Trước khi tham quan dãy hang động, xe khách thường dừng lại ở vị trí này để du khách được ngắm nhìn Ajanta Caves từ xa.

Cấu trúc địa tầng ở Aurangabad cũng thật kỳ lạ. Những dãy núi đá bao quanh như miệng núi lửa. Bên dưới là những rừng cây bạt ngàn, cao vút vọt lên bên sườn núi. Xe đậu lại tại một bãi đất trống. Đoàn chúng tôi xuống xe và bắt đầu tham quan Ajanta Caves.

Chao ôi! Lạy Phật, tôi thật sự rúng động về sự hùng vĩ của dãy hang động trước mắt. Quang cảnh nơi đây khác lạ, mơ màng như một chốn thiên thai. Sườn núi thoai thoải, phủ một màu xanh đầy sức sống, bên dưới là một dòng suối hiền hòa uốn quanh. Dưới chân vách núi là những hang động. Đây là các tu viện, thiền viện mà tăng đoàn Phật giáo đã từng ở và tu tập cách nay hàng ngàn năm.

Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, hữu tình, thanh bình và an tịnh.

Tôi rúng động cả thân tâm khi bước chân vào từng hang động riêng biệt. Ajanta Caves có tất cả 29 hang động.

Không khí bên trong các hang động mát lạ đến rợn người, không gian hơi tối tạo cảm giác linh thiêng, sự yên ắng làm ta bồi hồi, xúc động. Đúng như thầy Nguyên Hiền đã kể, Ajanta quả là trung tâm của nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc, hội họa của văn hóa Ấn Độ cổ đại.

Khi đối diện chiêm ngưỡng các bức bích họa, tôi đã vô cùng thán phục và ngưỡng mộ tài nghệ và trí tuệ của người xưa. Những bức bích họa dù đã trải qua hơn hai ngàn năm vẫn còn tươi nguyên màu sắc. Chẳng rõ người xưa đã dùng chất liệu gì để giữ nguyên màu sắc ấy suốt hơn hai ngàn năm mà vẫn còn tươi nguyên như vậy.

Những bức bích họa phần lớn phác họa lại: Cuộc đời Đức Phật, những cung điện, đền đài, những ngôi thiền viện, tu viện sừng sững uy nghi, những sinh hoạt đời thường của các tầng lớp nhân dân thời cổ đại. Cũng có các bức bích họa thể hiện nội dung cúng tế, cầu tự mang đậm tinh thần tôn giáo của người cổ đại Ấn Độ. Nghệ thuật ca múa, xướng hội cũng được thể hiện trên các bức bích họa. Thật tuyệt vời, nền nghệ thuật điêu khắc và hội họa của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ từ cách đây hơn hai ngàn năm.

Trong các bức bích họa tại đây, tôi đặc biệt yêu thích bức bích họa thể hiện hình tướng của một vị Bồ Tát. Bức bích họa gần như còn nguyên vẹn. Hình tượng vị Bồ Tát đầu hơi nghiêng, khuôn mặt thánh thiện, thanh thoát. Miệng ngài hơi mỉm cười. Mắt ngài từ bi, ánh nhìn như soi sáng tâm hồn người đối diện. Tôi cảm giác ngài đang rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng tôi trong lúc này. Tôi thật sự xúc động và tôi đã quỳ xuống đảnh lễ ngài. Luồng từ trường thiêng liêng truyền vào tôi. Tôi yêu thích bức bích họa. Tôi đã chụp hình rất nhiều bức bích họa này.


Ajanta nổi tiếng  không chỉ vì có những bức bích họa độc đáo mang giá trị vĩnh hằng, mà ở đây còn có các pho thạch tượng cũng ấn tượng không kém. Những pho thạch tượng nơi này đầy vẻ uy nghi, sống động khiến người đến chiêm bái thưởng lãm khi đối diện phải phát khởi tín tâm ngưỡng bái. Đoàn chúng tôi sửa soạn y áo, trang phục trang nghiêm thành kính đảnh lễ và tụng một thời kinh cúng dường với niềm xúc cảm chân thành và tri ân.

Thạch tượng nơi này có đường nét, dáng vẻ mềm mại, tất cả đều như có linh hồn, gần gũi chi lạ. Tôi lễ lạy các pho thạch tượng với lòng thành kính vô biên. Thần khí từ các pho thạch tượng như truyền vào tâm thức tôi. Khi chúng tôi quỳ trước các ngài trong niềm tin đầy cảm tính.

Tại hang động cuối cùng, hang động thứ 29, nơi có pho thạch tượng Phật nhập Niết bàn. Khi vừa bước vào tôi đã bồi hồi xúc động đến khóc rất nhiều. Pho thạch tượng Phật nhập Niết bàn nằm đó sinh động, mềm mại như kim thân Đức Phật đang hiện hữu. Bầu không khí thiêng liêng phủ trùm. Tôi cảm nhận sự ấm áp, gần gũi, thân thiện từ pho tượng phát ra. Tôi vừa khóc, vừa đảnh lễ Đức Phật. Người như mỉm cười nhìn tôi. Ánh nắng chiều xuyên vào hang động làm cho khung cảnh lúc này càng thêm huyền diệu, ấm áp. Tôi như được truyền năng lượng.

Dường như suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi.

Các trụ đá là những trụ cột trong các hang động được chạm trổ, điêu khắc những hoa văn, họa tiết đẹp và tinh xảo đến hoàn hảo.
Tôi tự nghĩ, những công trình văn hóa, nghệ thuật vĩ đại này có lẽ ngày xưa đã được các vị tiên thánh từ trên cung trời xuống dùng phép thần thông để hóa hiện, tạo dựng hoặc giả nếu chỉ là những nghệ nhân là người phàm thì khi tham gia xây dựng, sáng tạo, thể hiện những công trình vĩ đại này chắc họ phải là những người tài hoa xuất chúng cộng với tâm Bồ - đề được phát khởi và họ phải có một đời sống tâm linh thật tinh tấn và thanh tịnh thì họ mới đã có thể tác tạo được những công trình vĩ đại như thế. Tôi xin được quỳ xuống cúi lạy tri ân những bậc tiền nhân đã lưu lại cho hậu thế những công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị lịch sử và giá trị tâm linh vĩnh hằng như tôi đang cảm nhận nơi này.

17g30’ chúng tôi rời Ajanta trong niềm luyến tiếc…

Sáng hôm sau chúng tôi đến tham quan dãy hang động Ellora và đền Ấn giáo ở Hyderabad.

hang động Ellora

đền Ấn giáo ở Hyderabad.

Ellora có khoảng mười mấy hang động. Từng dãy hang động cũng chỉn chu và thần khí như ở Ajanta Caves. Tại đây, mặt tiền của dãy hang động tạo cho ta cảm giác đây như là một trường đại học Phật Giáo. Mặt tiền dãy hang động thẳng tắp, ngay ngắn. Lối đi vào hang động là những bậc tam cấp thấp, lài dễ đi. Ở đây có cả cầu thang để đi lên phía trên cũng là những thạch động với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của đời sống như những hang động bên dưới.

Quang cảnh chung quanh dãy thạch động là một dãy núi, vách núi phủ tràn một màu xanh cây cỏ. Rừng nguyên sinh với thật nhiều cây cổ thụ vẫn còn được lưu giữ chưa bị bàn tay con người can thiệp nên vẻ đẹp hoang sơ nơi này còn gần như nguyên thủy. Khí hậu nơi đây thanh khiết, dễ chịu. Không khí thanh tịnh, trầm mặc.

Trên sườn núi là dãy hang động hùng vĩ, đây là những tu viện, trú xứ năm xưa của Tăng đoàn với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt cho đời sống của Tăng chúng.

Trong từng hang động trưng bày các pho thạch tượng uy nghi, sống động. Ellora đặc biệt có DƯỢC SƯ THẤT PHẬT. Bảy pho thạch tượng đẹp đến hoàn hảo. Đường nét bảy pho thạch tượng mềm mại tinh xảo. Tôi quỳ xuống đảnh lễ với lòng thành kính, thuần thành nhất… Do phải gấp rút để kịp chuyến tàu lúc 02 giờ chiều về Patna nên chúng tôi đã không được ở lâu trong dãy hang động Ellora này.

Sang đền Ấn Giáo, chúng tôi tham quan như chạy nhưng vì cũng không thích lắm nên tôi đã không chú tâm vì thế cũng đã không thu nhặt được gì ở đền Ấn giáo này.

Rời Ellora trong niềm luyến tiếc, tâm trạng tôi khắc khoải, đau đáu, xót xa trước những hư hại, tổn thất của các Thánh tích. Tôi miệt mài mặc tưởng đến những điều vừa thấy nhưng thật tâm cho đến lúc này tôi vẫn thuộc về Ajanta.



12 giờ trưa chúng tôi về đến khách sạn. Thầy Nguyên Tân ra nhà ga make sure chuyến tàu về Patna, những người còn lại trong đoàn xúm nhau lo cơm nước bữa trưa.

Chao ôi! Một lúc sau thầy Nguyên Tân gọi về thông báo: “Tàu bị huỷ chuyến do sương mù dày đặc tàu không chạy được phải chờ đến đêm nay thì tàu mới có thể chạy”. Đây cũng là tình trạng thường xuyên như chuyện thường ngày ở huyện của xứ sở Ấn Độ. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng đều không bao giờ thông báo trước tình hình hoạt động đến với hành khách mà hành khách phải tự điều nghiên theo dõi để giải quyết hành trình của mình, đã có quá nhiều hành khách bị vỡ kế hoạch vì sự tùy tiện hủy chuyến của các hãng tàu, xe Ấn Độ.

Vậy là phải chờ thôi. Cơm trưa xong, thầy Nguyên Tân vẫn còn ở ga chưa về. Thầy phải ở đây để chờ biết thông tin cuối cùng của chuyến tàu. Tại khách sạn, đi ra đi vào đến chán, thầy Nguyên Hiền rủ tôi và chị Tuyết đi dạo phố. Ba thầy trò xuống phố với nhiều thú vị. Đường phố, chợ búa Ấn Độ luôn luôn đông đảo, tràn ngập người và xe cộ. Nắng ở đây đến cháy cả da thịt nhưng đặc biệt không một người Ấn nào đội mũ trên đầu, kể cả các em bé nhỏ cũng đầu trần, phơi mình dưới cái nắng đổ lửa. Công việc mua bán, kinh doanh đều do đàn ông đảm nhận, phụ nữ Ấn Độ chỉ quanh quẩn ở nhà trông con, nội trợ, công việc kiếm tiền là của đàn ông. Xe cộ đông đảo, ken dày trên đường. Người Ấn họ đông đến mức ngoài phương tiện xe lửa đứng một chân như tôi đã kể phần trên thì trên các mui xe buýt, xe zeep người ta ngồi chen chúc, dày đặc.

Khát nước, chúng tôi vào một tiệm bánh bên đường, đây là một tiệm bánh tương đối lớn, bán rất nhiều loại bánh đặc sản Ấn Độ, phần nhiều là các loại bánh nướng. Thầy Nguyên Hiền mua mỗi loại bánh vài chiếc đãi chị Tuyết và tôi vì dù sao Thầy cũng đã là người đã từng đến Ấn Độ trước đây vài năm nên cũng có nhiều kinh nghiệm. Thầy bảo chúng tôi ăn cho biết bánh trái đặc sản Ấn Độ, Thầy còn mời chúng tôi mỗi người một chai nước ngọt Sprite. Thật là sang!

Ba thầy trò ăn bánh, uống nước trò chuyện vui vẻ và còn chụp hình kỷ niệm nữa.

Về lại khách sạn thì thấy thầy Nguyên Tân đã về. Thầy bảo, có thể sau 12 giờ đêm nay tàu mới có thể khởi hành. Thầy Nguyên Tân lo lắng vì như vậy hành trình của đoàn sẽ phải bị thay đổi, như vậy đoàn sẽ  phải ăn tối tại khách sạn thêm một bữa nữa rồi mới ra nhà ga chờ tàu.

20 giờ tối xe khách sạn đưa chúng tôi ra nhà ga. Lần này, chuyến xe do một tài xế người Ấn, đạo Hindu lái. Anh ta rất vui vẻ và nói nhiều. Dọc đường đi, anh ta trò chuyện thật nhiều với  quý thầy và còn ga-lăng dừng xe mời chúng tôi uống “Chai” (trà sữa), đây là loại thức uống đặc sản truyền thống của người Ấn, trà sữa được chế biến từ trà và sữa bò. Đến nhà ga, tạm biệt anh tài xế vui tính, đoàn chúng tôi đối diện với những ồn ào, đông đảo, phức tạp của nhà ga. Sau một hồi tìm kiếm, đoàn cũng tìm được một góc để chất hành lý ngồi chờ chuyến tàu của mình. Yên vị ở một góc nhà ga, tôi bắt đầu quan sát chung quanh. Quan cảnh nơi đây như một xã hội Ấn Độ thu nhỏ. Nhà ga rộng rãi nhưng tôi vẫn có cảm giác nhỏ hẹp, chật chội vì lượng người nơi đây quá đông đảo. Giữa rừng người ta vẫn có thể nhận ra đẳng cấp của họ thông qua trang phục, cử chỉ ứng xử. Ngày nay, chính phủ Ấn Độ đã quy định cụ thể việc xoá bỏ phân biệt, kỳ thị đẳng cấp nhưng thật ra tệ trạng này vẫn hằng hữu, ngấm ngầm trong đời sống xã hội Ấn. Nhưng dù người Ấn thuộc đẳng cấp nào trong xã hội thì điều đặc biệt tôi ấn tượng là khuôn mặt họ luôn thanh thản và an lạc. Hành  trạng họ từ tốn, an nhiên. Quanh ga, người ăn xin rất nhiều. Người Ấn hiền lành nhưng nói nhiều và ồn ào. Từng tốp phu khuân vác đang tranh giành khách. Họ là những cửu vạn tuyệt vời. Sau khi đã thoả thuận xong giá cả với khách. Người cứu vạn kia sẽ đội những chiếc vali to lớn lên đầu, hai vai đeo hai xách hành lý khá nặng, hai tay sẽ xách thêm được những túi xách hành lý còn lại. Anh ta nhanh nhẹn di chuyển, luồn lách giữa rừng người, đến toa tàu của khách cần lên, anh ta sẽ mang đầy đủ lên toa tàu giúp khách, sau khi giao trả hành lý anh ta nhận tiền và xuống tàu, tiếp tục mời gọi, chèo kéo hành khách khác vừa mới đến ga. Cực khổ, nặng nề là vậy nhưng tôi nghe kể số tiền công họ được nhận rất ít ỏi, rẻ mạt. Đoàn chúng tôi do tiết kiệm nên không thuê họ mang giúp hành lý lên tàu.

12 giờ khuya tàu đến. Tất cả chúng tôi đều phụ giúp nhau mang vác hành lý lên tàu. Chúng tôi cũng đã phải rất vất vả chen lấn mới lên được toa tàu. Chúng tôi đi toa giường nằm, như thế đã là VIP rồi, vậy mà ở toa này chúng tôi vẫn bị phiền hà vì sự ồn ào, đi lại nhốn nháo của những hành khách người Ấn. Tàu chạy mang chúng tôi về Patna (Hoa Thị thành cũ) thủ đô của Bihar. Đêm này trên tàu tôi đã bị khó ngủ do tàu chạy xập xình, khí hậu lạnh buốt, nhiệt độ bên ngoài lúc này đang có thể là 7 – 8 0 c. Các khớp tay, khớp gối của tôi đau nhức, đó là căn bệnh kinh niên của tôi khi trời lạnh. Sự đi lại ồn ào cả đêm của hành khách và các viên cảnh sát an ninh tuần tra. Nhìn ra bên ngoài, màn đêm đen kịt, sương mù dày đặc. Tôi cứ lo tàu sẽ bị dừng do không thể chạy vì màn sương mù dày đặc này. Vậy mà, tàu vẫn đang vận hành xuyên đêm.

05 giờ sáng chúng tôi đã trở dậy ngồi túm tụm cùng nhau, cà phê tán gẫu. Người Ấn, họ không hề biết và cũng chẳng có một ý niệm gì về nước sôi nên chúng tôi đã phải pha cà phê bằng trà sữa (chai) của họ.

Uống cà phê, ngắm cảnh bên ngoài thật là thú vị. Những cánh đồng hoa cải vàng trải suốt dọc đường chúng tôi đi, xen lẫn những cánh đồng hoa cải vàng đẹp đến rung động lòng người là những căn nhà vách đất trộn rơm, lợp mái ngói. Những chuồng bò, những ụ rơm, hình ảnh những xóm làng cổ nông thôn nơi đây làm tôi nhớ quê hương Việt Nam của mình.

Tôi đang thầm tiếc rẻ trong đoàn mình đi hôm nay thiếu một người bạn mà có lẽ nếu đang được hiện diện nơi này anh sẽ rất đồng cảm với tôi về những cảm xúc trước vẻ đẹp bình dị, tinh khiết của những cánh đồng hoa cải vàng và chắc chắn đoàn sẽ được nghe một bài thơ tuyệt hay do anh cảm hứng sáng tác nơi này…

Thầy Nguyên Tân giới thiệu với chúng tôi, cây hoa cải vàng đó là cây mù-tạt. Người Ấn chủ yếu làm nông nghiệp. Họ trồng lúa, mía, cây mù-tạt để chế biến thành dầu, đường xuất khẩu. Ấn Độ hàng năm thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ từ việc xuất khẩu dầu mù-tạt và mía nên bất cứ đi đâu trong mùa này trên đất Ấn chúng tôi cũng đều bắt gặp những cánh đồng hoa cải vàng đang trong mùa thu hoạch. Những chiếc xe bò, những chiếc xe tải chở đầy mía đang lưu thông trên đường như xác quyết điều thầy Nguyên Tân vừa giới thiệu với chúng tôi.

Xe tải ở đây nhiều lắm, chúng cũng là một ấn tượng. Bất luận đó là xe mới hay cũ thì thùng xe cũng được sơn phết, vẽ vời với nhiều màu sắc sặc sỡ, hoa văn rất đồng bóng. Trong xe, tài xế mở nhạc Ấn Độ to inh ỏi. Xe tải Ấn Độ là loại xe nội địa xấu xí, thô kệch nhưng rất chắc chắn và bền bỉ.

Với một đất nước có dân số trên một tỷ người, người Ấn đã tự sản xuất tất cả các hàng hoá tiêu dùng để phục vụ cho đời sống của mình. Hàng hoá của họ tuy mẫu mã đơn điệu, xấu xí nhưng chất lượng thì cực kỳ tốt, bền và rẻ.

Đất nước Ấn Độ là một đất nước có nhiều đối nghịch. Nếu ở thành phố Mumbai chúng tôi được nhìn thấy sự sang trọng, chỉn chu, đời sống văn minh hiện đại thì dọc đường trên chuyến tàu lửa này chúng tôi lại nhìn thấy sự đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Ấn tượng với những hàng người ngồi dưới ruộng đang quay mặt ra đường ngắm nghía đường sá với vẻ mặt tươi vui tỉnh táo của một ngày mới, có đủ đàn ông, phụ nữ, trẻ con trong hàng người này. Họ ngồi đó rất an nhiên, tự tại. Thầy Nguyên Tân bảo họ đang làm công việc “đào thải”. À, thì ra là vậy. Người dân ở những nơi này cứ như đang sống ở cách nay nhiều thế kỷ. Họ hồn nhiên, chất phác chung sống với việc ăn bằng tay, phóng uế tuỳ tiện bất kỳ nơi nào có thể được chung quanh nơi họ đang sinh sống.

07g30’ sáng chúng tôi được phục vụ điểm tâm. Khẩu phần của mỗi người là một chiếc bánh nướng, một cặp bánh sandwish, một hộp pho-mát, một hộp mứt dâu, một ly chai (trà sữa). Người Ấn ăn uống đơn giản lắm. Ta nhìn thấy hình tướng họ to cao, phốp pháp là vậy nhưng mỗi bữa ăn của họ chỉ cần một vài chiếc bánh nướng và một ly chai (trà sữa) hoặc thịnh soạn hơn thì họ sẽ ăn cơm, một loại cơm khô khốc, rời rạc từng hạt, hôi mốc được đựng vào một chiếc mâm inox tròn nhiều ngăn. Họ có thể ăn cơm với dal, đây cũng là món ăn đặc sản của người Ấn hoặc rau củ xào, kho mặn. Ở đây phổ biến tôi thấy họ ăn cà rốt, khoai tây, súp-lơ, ớt xanh, hành lá, hành củ đỏ và các loại đậu hạt. Mùi vị các loại thức ăn này nồng hắc mùi gia vị. Do thức ăn Ấn Độ khó ăn nên tôi không dám thử nhưng thầy Nguyên Tân kể, thức ăn của họ mùi vị khó ngửi và cay đến rộp lưỡi. Người Ấn đa số ăn chay vì động vật ở đây là các vị thần mà tùy theo từng tôn giáo của mình họ thờ phượng. Họ ăn bằng tay. Nếu lần đầu tiên đến Ấn Độ nhìn thấy họ ăn bốc chúng ta có thể cho như vậy là thiếu vệ sinh nhưng họ lại cho chúng ta ăn bằng đũa, muỗng mới là không sạch sẽ vì họ ăn bằng tay nhưng lại mỗi người ăn riêng chứ không ăn chung, gắp chung như chúng ta. Đặc biệt người Ấn không biết ăn rau xanh. Thầy Nguyên Hiền kể, họ mua rau về xắt nhuyễn cho vào máy xay, nhuyễn nhừ, nấu lẫn vào dal hoặc các món xào, kho chứ họ không biết nấu canh hay rau luộc như  chúng ta. Nhân bàn luận thức ăn và cách ăn của người Ấn, thầy Nguyên Hiền giới thiệu với chúng tôi món chowming tuyệt hảo ở Ấn Độ, đây chỉ là món mì sợi xào rau cải nhưng nó ngon và có hương vị đặc biệt, hấp dẫn vị giác người ăn do người Ấn đã dùng một loại gia vị đặc biệt nào đó để nêm nếm, tạo thành một món ăn đặc sản và món ăn này là món dễ ăn nhất tại đây. Thầy Nguyên Tân đã đãi chúng tôi món chowming ngay trên chuyến tàu, sau lời giới thiệu hấp dẫn. Thầy bảo, tất cả Tăng Ni Việt Nam đang du học tại Ấn Độ đều khoái khẩu món ăn chowming này.

Người Ấn tuy ăn uống đơn giản và ít ỏi nhưng thật sự họ đã nạp đủ năng lượng vào cơ thể. Thầy Nguyên Tân kết luận: “Thức ăn Ấn Độ rất bổ dưỡng”, ví dụ món bánh chappati là loại bánh làm bằng bột mì, nướng sém hai mặt, ăn với dal. Dal được chế biến từ đậu xanh, khoai tây và các loại đậu hạt khác, hầm nhừ xay nhuyễn chế thêm một ít dầu thực vật vào nữa. Sau khi ăn, họ sẽ uống một ly chai (trà sữa) hoặc một cốc sữa chua lạnh. Như vậy đã quá bổ. Thức ăn Ấn Độ bổ dưỡng vì đã đủ hàm lượng tinh bột, đường, đạm (đạm thực vật). Người Ấn có ăn trứng (loại trứng công nghiệp) nhưng họ rất hiếm khi ăn thịt cá và các loại hải sản. Xem ra thói quen ăn uống, ẩm thực của người Ấn cũng được ảnh hưởng từ những quan niệm, thái độ của đời sống tâm linh, kể đến đây thầy Nguyên Tân bảo: “Nguyên Tân thèm chappati lắm rồi nha”.

thành phố patna

10g30’ sáng chúng tôi mới đến được nhà ga Patna, bang Bihar. Tại đây đã có một tài xế người Ấn chờ đón chúng tôi, đây là chiếc xe thầy Nguyên Tân đã thuê từ trước sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những Phật tích quan trọng của hành trình hành hương trước khi về Delhi. Tài xế là một thanh niên người Ấn hai mươi tám tuổi, tên cậu ta là Viney. Cậu ta rất đẹp trai và hiền lành như những người Ấn khác trên đất nước này. Viney đã chờ đón chúng tôi từ lúc 03 giờ sáng, nhưng đến 10g30’ chúng tôi mới đến, thế mà cậu ta vẫn an nhiên, vui vẻ không hề cau có, khó chịu. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến đức tính này của người Ấn. Theo tôi, người Ấn đã hành trì chữ Nhẫn một cách triệt để. Họ nhẫn nhịn trên tinh thần bao dung, chịu đựng. Cho đến lúc này, tôi chưa gặp bất kỳ người Ấn nào hung dữ, sân si dù hình tướng họ to lớn, dữ dằn, râu ria bặm trợn. Người Ấn cũng là người HỨA THẬT NHIỀU VÀ THẤT HỨA CŨNG THẬT NHIỀU, họ là những “chuyên viên” hứa hão đạt kỷ lục thế giới. Họ chưa bao giờ đúng hẹn cho dù đó là công việc quan trọng của chính bản thân họ và vì thế mà họ đã rất kiên trì chờ đợi người khác khi người khác lỗi hẹn. Sự kiên trì của họ an nhiên tĩnh tại lắm, cho nên tôi đã không lấy gì làm lạ khi tài xế Viney không hề khó chịu vì chuyến tàu đến trễ của chúng tôi.

Rời nhà ga, Viney chở chúng tôi về chùa Kiều Đàm Di, ngôi chùa ni Việt Nam đầu tiên trên xứ Phật do Ni sư Thích Nữ Khiết Minh trụ trì và cũng là điểm đến đầu tiên của chúng tôi tại bang Bihar, miền đất thiêng nơi có dòng sông Hằng chảy qua, nơi đã sinh ra nhiều bậc vĩ nhân của Ấn Độ. Đây cũng là miền đất lưu trú và hoạt động của các bậc Cao tăng, các bậc Luận sư, những Thánh nhân đắc đạo và quan trọng hơn cả đây là miền đất hoạt động chính của Đức Phật Thích Ca thời tại thế cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Theo tìm hiểu của riêng tôi, Bihar tiếng Ấn có nghĩa là Tự viện.

chùa Kiều Đàm Di

Quan sát Bihar, tôi cảm nhận rằng mặc dù mang trên mình bộ áo lịch sử huy hoàng của hai ngàn năm trăm năm nhưng Bihar ngày nay nghèo nàn, lạc hậu, dân cư đông đảo đến quá tải. Bihar còn là một bang không an toàn về an ninh. Biểu tình, khủng bố, súng nổ bất kỳ lúc nào chỉ vì những tranh chấp, bất đồng quan điểm về tín ngưỡng tôn giáo cũng như tệ nạn phân biệt  giai cấp rõ rệt nhất nơi này. Nhắc đến tệ nạn phân biệt, kỳ thị giai cấp của Ấn Độ, tôi nhớ một câu chuyện có thật đã xảy ra ở Việt Nam mà tôi đã từng biết như xác quyết sự kỳ thị, phân biệt giai cấp khắc nghiệt đã ăn sâu trong máu tim người Ấn.

Thời con gái, Ngọc Diệp cô bạn xinh xắn của tôi có một mối tình với một doanh nhân người Ấn. Khi tình yêu của hai bạn đã đến lúc Ngọc Diệp phải đưa anh ta về gặp gỡ cha mẹ mình thì anh ta cũng đã rất hoan hỷ đồng thuận với ý kiến của Ngọc Diệp. Sáng hôm sau, Ngọc Diệp đã thuê một chiếc taxi đưa hai người về Tiền Giang thăm ba mẹ. Đến nhà, vào bữa cơm  trưa với bản chất hồn hậu của người Nam bộ, cha mẹ và Ngọc Diệp đã mời người tài xế taxi cùng vào bàn dùng cơm. Người yêu Ngọc Diệp tỏ vẻ khó chịu, ăn uống qua loa rồi đứng dậy rời bàn cơm gia đình. Sau bữa cơm, anh  ta đã trách móc, giận dỗi Ngọc Diệp một cách cố chấp cho dù Ngọc Diệp đã cặn kẽ giải thích nhưng anh ta vẫn cho rằng anh ta đã bị coi thường. Gia đình và cả Ngọc Diệp đã không tôn trọng anh ta khi mời tài xế taxi ngồi cùng bàn ăn uống với anh ta. Tài xế taxi là giai cấp thấp kém, làm thuê, anh ta không chấp nhận sự bình đẳng này. Sau đó Ngọc Diệp và anh ta đã chia tay, mối tình tan vỡ, tất nhiên với nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là sự cực đoan của anh ta trong việc phân biệt đẳng cấp.


11g30’ rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa thể thẳng tiến về chùa vì xe của Viney gặp sự cố. Khi vào đổ xăng, chìa khoá nắp bình xăng bị gãy, vậy là không đậy được nắp bình xăng vào bình xăng. Viney bảo phải đi tìm thợ khoá để làm lại chìa khoá. Viney hỏi thăm dân địa phương đường đến thợ khoá nhưng chao ôi, tại Ấn Độ việc hỏi đường cũng là một chuyện nhiêu khê. Người chỉ chạy lên kẻ chỉ chạy xuống, không hề có một sự chỉ dẫn chính xác nào. Tôi chợt nhớ trong một tác phẩm, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết: “Đi lạc đường thì đừng có hỏi người Ấn. Nếu người đầu tiên chỉ cho mình một hướng mà đi được một quãng có khi đã được vài cây số, hỏi lại một người Ấn thứ hai, người thứ hai này sẽ chỉ cho chúng ta hướng đi ngược lại, nếu nghi ngờ hỏi thêm người thứ ba thì chắc chắn bạn sẽ được chỉ một hướng hoàn toàn khác (mà có khi có đến năm hay bảy người chỉ đường khi ta hỏi thì cũng sẽ có được năm đến bảy hướng đi khác nhau) nhưng tất cả đều chỉ sai. Đây cũng là ấn tượng để lại cho người ngoại quốc khi đến Ấn Độ. Người Ấn khi được hỏi đường họ đã không thể trả lời TÔI KHÔNG BIẾT vì tự ái dân tộc, vì như thế chẳng khác nào họ đang tự xúc phạm mình”. Chúng tôi cũng không ngoại lệ trong trường hợp này. Cuối cùng vẫn không tìm được thợ khoá sau khi chạy lòng vòng tìm kiếm mất thời gian, tài xế Viney đã quyết định dừng xe, dùng một miếng giẻ cũ nhét tạm bình xăng thay thế nắp đậy. Vậy mà, lạy Phật xe đã chạy tốt.

Dọc đường phố đoàn chúng tôi đi qua lúc này đang tưng bừng, nhộn nhịp xập xình các đám rước Thần. Xe hoa diễu hành với những vòng hoa, dây hoa có màu sắc sặc sỡ, giăng kín chung quanh thùng xe. Trên xe đông đúc những tín đồ, họ ăn mặc trang phục truyền thống với những màu sắc, hoa văn đồng bóng, thần bí, bên trong thùng xe ngay chính giữa là tượng một vị Thần. Họ đang say sưa với những âm thanh phát ra từ những nhạc cụ, nhạc khí của họ. Họ múa, hát say mê và thành tín đến mê dại, niềm đam mê tôn giáo của người Ấn nơi này cũng là điều ấn tượng đặc biệt.

02g30’ chiều, đoàn chúng tôi về đến chùa Kiều Đàm Di. Chùa Kiều Đàm Di tọa lạc tại Vaishali, bang Bihar, Ấn Độ. Ni sư Khiết Minh và Ni chúng đã đón tiếp đoàn chúng tôi rất nồng hậu. Chúng tôi được đãi một bữa ăn cực kỳ ngon. Bánh xèo nóng hổi được cuốn với rau sống tươi xanh gồm rau xà lách và đủ các loại rau thơm. Ni sư kể, giống rau được mang từ Việt Nam sang, các sư trồng tại chung quanh chùa.

Thức ăn ngon và đói bụng nên ai cũng ăn ngon miệng, ăn nhiều.

Ăn xong, chúng tôi được Ni sư hướng dẫn tham quan Chùa, lên chánh điện lạy Phật. Chúng tôi ấn tượng với công trình khắc kinh trên đá hoa cương của Ni sư.

Ni sư Thích Nữ Khiết Minh là người phụ nữ Việt Nam bản lĩnh và dũng cảm, người con gái đạo hạnh của Đức Phật kính yêu đã là vị Ni Việt Nam đầu tiên phát Bồ- đề tâm, tiên phong chấp nhận vô vàn những gian khổ, khó khăn để xây dựng ngôi chùa Ni Việt Nam đầu tiên trên xứ Phật với ước nguyện đền đáp ân đức cao dày của Đức Bổn Sư và Tổ Sư Ni, tạo điều kiện cho Ni chúng và Phật tử Việt Nam có nơi nương tựa tu tập, là nơi dừng chân để nghỉ ngơi, gặp gỡ, giao lưu của Phật tử khắp nơi trên thế giới, nhất là Tăng Ni, Phật tử người Việt Nam khi đến triều bái các Thánh tích, Phật tích tại Ấn Độ.

Nhìn vẻ ưu tư, quyết đoán trên khuôn mặt Ni sư, tôi thầm cảm khái. Tôi được trò chuyện với Ni sư dọc đường khi Ni sư đưa chúng tôi đi chiêm bái những di tích tại Vaishali. Ni sư bảo: “Con ơi, Ni sư tin rằng Chùa sẽ được hoàn thành. Hộ pháp sẽ phù hộ cho Phật sự nơi này thành tựu mặc dù hiện giờ Ni sư đang còn phải vất vả lo toan, tính toán tài vật, tinh thần để thúc đẩy tiến trình xây dựng của công trình sớm hoàn mãn”. Tôi nghe ra sự mầu nhiệm từ ước nguyện của Ni sư khi nhìn thấy 70%  công trình xây dựng tại đây đã được hoàn thành. Ngoài ra, hằng năm Ni sư còn tổ chức tặng quà cho người nghèo. Ni sư sẽ cho khánh thành và khai giảng ngôi trường học miễn phí, dạy học cho học sinh nghèo Ấn Độ từ lớp một đến lớp mười hai do Ni sư đã khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2008. Con xin được quỳ xuống đảnh lễ, tán thán công đức vô lượng của Ni sư. Ni sư sẽ là huyền thoại đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Hình ảnh Ni sư đã theo con suốt chặng hành trình còn lại trên đất Ấn.

Sau khi lạy Phật và tham quan Chùa, Ni sư đã đưa chúng tôi đi tham quan Thánh địa Vaishali.

Ni sư đưa chúng tôi đến Đại Lâm tịnh xá, nơi có trụ đá A-dục. Đây là trụ đá duy nhất còn nguyên vẹn trên đất Ấn. Trên đỉnh trụ khắc hình sư tử, đầu quay về hướng Kusinagar nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Thân trụ đá khắc chỉ dụ của A-dục vương, mục đích của nhà vua khi trồng trụ đá là để ghi nhớ và kỷ niệm nơi Đức Phật đã từng lưu dấu. Theo thống kê của các nhà khảo cổ, vua A-dục đã trồng khoảng ba mươi trụ đá như thế tại các Thánh tích, Phật tích trên toàn lãnh thổ Ấn Độ. Ngày nay còn lại khoảng mười trụ đá A-dục tại các Phật tích.

trụ đá  vua A-dục (Asoka)

Vua A-dục (Asoka) là vị vua vĩ đại trong lịch sử Ấn Độ. Ngài đã từng là vị vua khát máu, hiếu chiến. Ngài là người chủ mưu trong các cuộc tranh giành địa vị, chức tước gây ra thảm cảnh máu đổ, đầu rơi từ chính trong hoàng tộc của ngài cũng như trong các cuộc chiến tranh hùng với các nước lân bang. Nhưng về sau, Ngài đã hối hận về việc làm phi nghĩa của mình. Ngài sám hối, quy y Phật giáo, trở thành một Phật tử thuần thành, một hộ pháp đắc lực của Phật giáo. Nhờ nhân duyên thù thắng này mà Phật giáo đã trở thành Quốc giáo trên lãnh thổ của ngài. Ngài tích cực truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận, đặc biệt là xứ sở Srilanka, nhưng sau ba thế kỷ phát triển huy hoàng Phật giáo Ấn Độ đã suy tàn. Tất cả các Phật tích bị chôn vùi chìm vào quên lãng. Ngày nay nhờ vào các trụ đá A-dục mà các nhà khảo cổ đã có thêm chứng cứ xác định vị trí chính xác của các Phật tích trên đất nước Ấn Độ.
Công đức nhà vua là vô lượng.

Thăm làng cổ Belura (khu vườn tre rộng lớn) nơi Đức Phật lưu trú an cư lần cuối cùng (lần thứ bốn mươi lăm) trước khi Người về Kusinagar nhập Niết bàn. Nơi đây hiện còn một già làng đã gần chín mươi tuổi. Ông chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ các di tích Phật tích trong làng, đặc biệt là ngôi giếng cổ từ thời Đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, những cây Bồ đề và vài ba di chỉ.

làng cổ Belura

Rời làng cổ, Ni sư đưa chúng tôi đến tham quan Hương thất Đức Phật, Hương thất của Tổ sư ni Kiều Đàm Di và Chư Thánh Ni, tháp thờ Xá-lợi Phật và quần thể tháp của Chư Thánh Tăng Ni. Thăm vườn xoài của kỹ nữ Ambapali cúng dường Đức Phật sau khi nàng mời Thế Tôn thọ thực. Về sau kỹ nữ này xuất gia, trở thành Tỳ kheo Ni và chứng đắc A-la-hán.

Ngày nay vườn xoài này chỉ còn là một nền đất hoang vắng, tiêu điều.

vườn xoài của Ambapali

Ni sư kể tại Vaishali còn có hồ khỉ là nơi Đức Phật nhận bát mật ong cúng dường của một con khỉ. Vì quá vui, con khỉ hứng khởi, chuyền nhảy từ cành này sang cành khác không may khỉ té xuống, bị một cành cây đâm chết. Sau khi chết, con khỉ được sanh vào cõi trời.

Vaishali còn là nơi Ni đoàn đầu tiên được thành lập mà vị Ni đầu tiên xuất gia là kế mẫu của Đức Phật, bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, tên tiếng Phạn của Kiều Đàm Di. Di là Di mẫu, có nghĩa là Dì, chị của Mẹ. Thầy Nguyên Hiền đã giải thích với tôi như thế. Bà còn có một mỹ danh khác là Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni.

Quan trọng hơn cả, Vaishali đã là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai tổng kết về giáo pháp, chỗ y tựa của Phật giáo sau đúng một trăm năm Đức Phật nhập Niết bàn. Cũng tại lần kết tập này, tư tưởng Phật giáo chia thành hai bộ phái: Thượng Toạ Bộ (tức Theravada) và Đại Chúng Bộ là tiền thân của Phật giáo Đại Thừa sau này.

Dọc đường đi tham quan suốt buổi chiều hôm đó là các đám rước Thần nhộn nhịp, ồn ào, náo động như ở ngoài phố mà chúng tôi đã nhìn thấy lúc trưa. Họ đang cúng tế, hát xướng và cầu nguyện. Không khí tôn giáo bao trùm. Ni sư bảo ở đây đủ ba mươi ngày là lễ hội rước thần của họ.

Trời sụp tối. Chúng tôi trở về Chùa. Bữa cơm tối nóng sốt, ngon lành với cơm gạo ngon, món kho mặn, món xào và đặc biệt có món canh rau nóng hổi còn đang bốc khói khiến chúng tôi ăn no đến căng cứng bụng.

Ăn cơm xong, uống trà, nghỉ ngơi. Đêm nay lạnh, chúng tôi được tắm gội nước nóng. Thật là sảng khoái.

22 giờ tôi đi ngủ. Mọi người còn uống trà, trò chuyện đến hơn 12 giờ đêm mới đi nghỉ. Tôi có một đêm ngon giấc nhất từ khi đến Ấn Độ.

06 giờ sáng, chúng tôi đã được ăn sáng. Bữa sáng với cơm ngon, canh nóng nên ai cũng no bụng. Các Sư còn bới tặng cơm trưa cho chúng tôi mang theo, chuẩn bị một ngày ngồi xe di chuyển.

Sau khi uống trà, cà phê đầy đủ, chúng tôi kính chào Ni sư và Ni chúng của chùa để tiếp tục hành trình. Sáng nay, chúng tôi đi Kusinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn.


Vượt quãng đường khoảng hai trăm ki-lô-mét, chúng tôi đến Kusinagar lúc bốn giờ chiều, nắng nơi này vẫn còn đang hanh hao. Chúng tôi vào chánh điện chùa Đại Niết Bàn (MahaNirrana Temple) nơi pho tượng Phật nhập Niết bàn. Pho tượng dài khoảng sáu đến bảy mét được đặt ngay giữa chánh điện. Pho thạch tượng với đường nét mềm mại, sống động và gần gũi như kim thân Đức Phật đang hiện hữu.
Pho tượng nằm một cách an tĩnh. Khuôn mặt an nhiên, giải thoát. Đức Phật nằm nghiêng hông bên phải, đầu xoay về hướng bắc, mặt xoay về hướng tây, tay phải đặt ở dưới đầu, tay trái duỗi thẳng đặt trên đùi. Toàn thân pho tượng màu nhũ vàng được đắp tấm y màu đỏ. Hai bàn chân để lộ ra bên ngoài.

MahaNirrana Temple


Khi đoàn chúng tôi vào chánh điện thì bên trong đã có rất đông Phật tử và Tăng Ni lễ bái. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, trang nghiêm thành kính. Thỉnh thoảng có vài tiếng sụt sùi, đó là cảm xúc xúc động của các vị Tăng Ni, Phật tử đang bùi ngùi nhớ thương Đức Từ Phụ.

Trong chánh điện không khí mát dịu, trầm mặc và thanh tịnh. Mùi thơm của hương, trầm do người triều bái thắp cúng dường Đức Phật lan toả đã làm tăng thêm phần đạo vị, linh thiêng. Chung quanh tượng, sau khi thắp hương cúng dường có người quỳ ngay dưới chân Người cầu nguyện, có người chắp tay hoa nhiễu quanh tượng, một số khác họ đặt những tấm vải vuông nhỏ đã mang sẵn theo cung kính đặt lên thân tượng, sau đó cẩn thận xếp lại cất vào chiếc túi nhỏ bằng vải mà họ mang trước ngực. Cùng với những Phật tử thuần thành đang cung kính lễ bái Đức Phật, đoàn chúng tôi thực hiện một thời lễ nhỏ cúng dường Đức Phật. Sau khi thắp hương và đốt trầm cúng dường, đoàn chúng tôi trang nghiêm tụng nhỏ thời kinh và nhiễu quanh tượng Phật ba vòng. Lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm bùi ngùi nhưng cũng đồng thời tâm tôi an lạc vô biên. Tôi quỳ xuống dưới chân Người, tôi muốn ngắm nhìn thật kỹ, thật lâu hình hài Đức Phật. Khoảng hai mươi phút sau tôi di chuyển lên quỳ phía trên nơi đầu tượng Phật. Tôi chắp tay, cúi đầu áp sát vào đầu tượng. Tôi mong muốn được thọ truyền niềm an lạc, sự giải thoát và nguồn năng lượng vô tận từ Đức Phật…

Nắng chiều đã tắt, tiếng còi vang lên báo hiệu chánh điện đã hết giờ triều bái. Bước ra bên ngoài, chúng tôi đến tham bái Tháp Niết bàn được xây dựng ngay sau chánh điện thờ tượng Phật nhập Niết bàn. Bên trong Tháp thờ Xá-lợi Phật.

Ra khỏi chùa Đại Niết Bàn trời đã nhá nhem tối nhưng thầy Nguyên Hiền bảo hãy nhanh lên tranh thủ thăm tháp Trà tỳ nơi hoả thiêu kim thân Đức Phật. Tháp Trà tỳ cách chùa Đại Niết Bàn khoảng một ki-lô-mét rưỡi. Trời tối chúng tôi chỉ còn nhìn thấy lờ mờ ngọn đồi, tự nghĩ mình cũng đã đến được nơi hỏa táng Đức Phật, nơi ngài Huyền Trang đã từng đến và phát hiện tháp Trà tỳ này. Lòng thấy vui và an tịnh. Trời tối hẳn, chúng tôi phải về thôi. Lúc nãy trước khi ra khỏi chùa Đại Niết Bàn, chị Tuyết có lén lấy được một ít đất thiêng nơi này về thờ. Chị hướng dẫn tôi nếu có đủ đất của bốn Phật tích quan trọng về thờ trên bàn thờ Phật nhà mình thì tốt lắm. Và cuối hành trình tôi đã lén thỉnh được đủ đất TỨ ĐỘNG TÂM. Tôi cảm nhận sự linh thiêng trong từng hạt cát ở bốn nơi này vì đã có biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ đến đây lễ lạy, triều bái.

chùa Linh Sơn

Đêm ấy chúng tôi nghỉ tại chùa Linh Sơn, ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại Kusinagar do Ni sư Thích nữ Trí Thuận trù trì. Khí hậu lạnh đang trấn áp chúng tôi. Về đến chùa, ai nấy đều lạnh và mệt lả, đói bụng đến muốn xỉu. Chùa cúp điện, phải đốt nến để nhận phòng cất giữ đồ đạc. Sau đó, cả đoàn đã vào bếp phụ dọn cơm. Ni sư trù trì đi vắng, tiếp chúng tôi là những Phật tử người Việt Nam đang định cư tại Mỹ, Anh đến Ấn Độ hành hương, đang ở lại đây công quả, phụ giúp công việc vài hôm cho Ni sư đi vắng.

Trên đất khách quê người được gặp người đồng hương, được nghe, được nói tiếng Việt lòng tôi ấm áp chi lạ. Chúng tôi nói cười vui vẻ, rôm rả cùng nhau. Ăn xong, lên phòng tắm rửa. Khoảng một giờ đồng hồ sau thầy Nguyên Hiền, chị Tuyết và tôi đã quây quần bên đống lửa vừa sưởi ấm, vừa tâm sự chia sẻ. 12 giờ đêm chúng tôi vào ngủ.

Sáng hôm sau, 05 giờ chúng tôi đã thức dậy vào bếp phụ nấu nướng. 06 giờ chúng tôi ăn sáng. Sau bữa điểm tâm, đoàn chúng tôi tham bái mô hình TỨ ĐỘNG TÂM do Ni sư Trí Thuận thiết lập tại Linh Sơn tự này.


08 giờ sáng chúng tôi chia tay Linh Sơn tự, chia tay những Phật tử đồng hương. Chúng tôi lên đường đi Nepal triều bái Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh.
Xe đưa chúng tôi thẳng một mạch đến biên giới Ấn Độ - Nepal. Thầy Nguyên Tân và thầy Nguyên Hiền vào đồn cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh Nepal. Đoàn chúng tôi gặp sự cố, passport của sư cô đi cùng đoàn không có dấu cho phép nhập cảnh vào Ấn Độ của cảnh sát Ấn Độ. Vì khi nhập cảnh, họ đã quên đóng dấu mà chúng tôi cũng không đề ý. Vì vậy, Nepal đã không thể cấp phép cho sư cô vào tiếp Nepal. Thật là rắc rối. Nhưng rồi, thầy Nguyên Tân cũng đã giải quyết được rắc rối này bằng cách chấp nhận hối lộ cảnh sát Nepal để họ làm lơ cho chúng tôi được vào Nepal lậu. Xong thủ tục đầu tiên, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh. Lúc này đoàn chúng tôi còn có thêm một thành viên, đó là nữ hoạ sĩ người Hàn Quốc, cô ấy quá giang xe chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni.

Vườn Lâm Tỳ Ni


Thầy Nguyên Hiền quyết định ghé tham quan Ca-tỳ-la-vệ trước và sẽ ăn trưa tại đây. Từ hôm đặt chân đến đất Ấn, chúng tôi đều tự nấu cơm mang theo du hành, đây là cách tiết kiệm ngân quỹ eo hẹp và cũng là cách giữ gìn sức khoẻ tốt nhất của chúng tôi vì chắc chắn thức ăn do chúng tôi tự nấu, tuy có cực nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị hơn là sẽ dùng thức ăn Ấn Độ trên dọc hành trình.

Bữa cơm trưa tại thành Ca-tỳ-la-vệ này, ngoài bảy người đoàn chúng tôi còn có thêm sự tham gia dùng bữa của tài xế Viney và cô hoạ sĩ người Hàn Quốc. Tuy cơm có bị thiếu hụt chút đỉnh nhưng không sao, bữa cơm kết thúc trong không khí vui vẻ, ấm áp tình người. Chúng tôi bắt đầu tham quan kinh thành Ca-tỳ-la-vệ.

Ca-tỳ-la-vệ là kinh thành của vương quốc Kiều-tát-la thời vua Tịnh-phạn, phụ thân của Đức Phật Thích Ca. Ca-tỳ-la-vệ là nơi Đức Phật sống qua thời thơ ấu. Đây cũng là thủ phủ của dòng họ Shakya (Thích Ca). Ca-tỳ-la-vệ là kinh đô vô cùng trù phú, thịnh vượng suốt thời thơ ấu của Đức Phật. Sau khi thành đạo mười hai năm, Đức Phật có trở lại nơi này để thăm vua cha Tịnh-phạn. Ca-tỳ-la-vệ cũng chính là nơi dòng họ Shakya (Thích Ca) bị huỷ diệt, thảm hoạ này do tánh hiếu sắc của vua Ba-tư-nặc vương quốc Kiều-tát-la gây nên.

thành Ca-tỳ-la-vệ

Thầy Nguyên Hiền hướng dẫn chúng tôi tham quan cổng thành phía đông nơi Thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ hoàng cung đi tìm con đường Giác ngộ. Cổng thành phía bắc nơi Hoàng hậu Maya thường tổ chức chẩn bần, bố thí cho dân nghèo trong kinh thành.

Ngày nay khi chúng tôi đến đây, chung quanh làng chỉ còn là các thôn làng nghèo nàn xơ xác, dân chúng thưa thớt. Có lẽ, họ sống chủ yếu là nông nghiệp. Nhìn quanh tôi thấy có rất nhiều ụ rơm, nhiều chuồng nuôi bò, dọc trên đường có rất nhiều xe bò đang nghỉ ngơi. Trên vách tường đất những ngôi nhà ở đây phân bò được dán phơi kín tường nhìn giống như những khoanh bánh, đây là một loại chất đốt tốt của người Ấn. Ấn Độ có một loại bánh nướng đặc sản thật ngon mà loại bánh này chỉ có thể ngon khi chúng được nướng bằng phân bò phơi khô. Quang cảnh nơi đây trước mắt chúng tôi thật hoang tàn, đìu hiu. Chúng tôi đã phải động lòng trắc ẩn vì sự nghèo nàn, lạc hậu nơi này. Trẻ con rất đông, chúng dơ bẩn, nhếch nhác, ốm yếu. Chúng đang bu theo cô hoạ sĩ người Hàn Quốc. Cô ấy đang săn ảnh. Cô ấy say sưa với những cảm hứng nghệ thuật của mình. Từ xa, tôi nhìn thấy cô bấm máy liên tục. Cô cũng có chụp ảnh những đứa trẻ và cô có cho tiền chúng nữa. Bọn trẻ dường như đang rất vui. Nhìn chúng thật hồn nhiên.

Thành Ca-tỳ-la-vệ được bao bọc bằng một bức tường gạch cũ. Có cổng ra vào, có người trông coi, có những nhân viên an ninh trực gác. Phía trước cổng ra vào có một giếng quay khá sâu, chúng tôi cũng có sử dụng nước tại chiếc giếng này. Nước trong lành, mát lạnh.

Hiện nay, nơi đây chỉ còn là di tích, bên trong bờ rào thành gạch cũ là những nền móng bằng gạch nung màu đỏ sẫm cũ kỹ, hoang tàn. Toàn cảnh thành Ca-tỳ-la-vệ đìu hiu, buồn bã như chính kết thúc thảm hại của dòng họ Shakya vậy.

Rời Ca-tỳ-la-vệ trong nỗi ngậm ngùi, thương cảm, đoàn chúng tôi lên đường đến Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh.

Đến khu vực Lâm Tỳ Ni, xe chúng tôi đã phải dừng lại cách xa vườn khoảng một ki-lô-mét để đi bộ vào, vì người ta cho rằng đó là cách biểu hiện lòng thành kính với Đức Phật.

Trong đời mình, tôi đã dự biết bao nhiêu buổi lễ kỷ niệm Phật đản sanh, bản thân tôi đã viết biết bao nhiêu lần những bức thư pháp có nội dung ca ngợi, kỷ niệm sự kiện Đức Phật ra đời. Từ bé tôi đã được nghe bà Nội kể chuyện Phật đản sanh, nhưng đến bây giờ tôi mới được đặt chân đến khu vườn lịch sử đặc biệt nhất thế giới này, quả là một đại hạnh trong cuộc đời đầy trắc trở của mình.

Tương truyền, Hoàng hậu Ma-gia (Maya) ngày xưa, trong một đêm ngủ đã nằm mộng thấy một con bạch tượng (voi trắng) nhập vào bụng bà, mặt đất lúc này rung động sáu lần. Ngay trong đêm này Đức Phật đã nhập thai. Hoàng hậu mang thai đến ngày sắp hạ sanh, bà xin phép vua Tịnh-phạn cho rời hoàng cung về quê cha mẹ bà để sinh con. Thế nhưng, trên đường về quê khi đi ngang khu vườn Lâm Tỳ Ni, bà ghé lại viếng thăm thấy đóa hoa vô ưu nở đẹp, bà đưa tay hái thì đúng lúc ấy Thái tử Đản sanh. Sự ra đời của Thái tử cũng đặc biệt, Thái tử được sanh ra ở bên hông phải của Hoàng hậu. Vườn Lâm-Tỳ-Ni ngày nay cũng còn một hồ nước vuông vức, tương truyền đây là nơi tắm Thái tử sau khi hạ sinh.

Sinh xong, Hoàng hậu đưa Thái tử về lại hoàng cung ở Ca-tỳ-la-vệ. Vua cha Tịnh-phạn mời Tiên A-tư-đà đến xem tướng Thái tử. A-tư-đà tiên đoán: “Thái tử là bậc đại Thánh trong tương lai. Thái tử sẽ từ bỏ ngai vàng, đời sống vương giả, thế tục nếu như Thái tử tiếp xúc với những cảnh khổ của cuộc đời”. Trong ngày lễ đặt tên cho Thái tử có tám vị Bà-la-môn đến tham dự. Người trẻ nhất trong tám vị có tên gọi là Kiều-trần-như. Kiều-trần-như chính là một trong năm vị đệ tử đầu tiên được Đức Phật giáo hoá tại vườn Lộc Uyển trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại đây sau khi Đức Phật thành đạo.

Câu chuyện Phật đản sanh và khu vườn Lâm Tỳ Ni như một câu chuyện thần thoại trong tâm thức tôi từ bé vậy mà giờ đây tôi đang bước những bước chân thật gần để vào khu vườn thiêng liêng này. Một cảm xúc bồi hồi khó tả cứ cuồn cuộn… Một cảm giác bình an nhưng rộn rã trong tôi lúc này…

Lâm Tỳ Ni hiện ra trước mắt tôi giữa hai hàng dương liễu xanh um. Lâm Tỳ Ni là có thật, không phải huyền thoại nữa rồi. Bà nội ơi!
Khu vườn Lâm Tỳ Ni được rào chắn cẩn thận. Bên trong là một không gian rộng lớn rợp mát bởi nhiều cây cổ thụ. Gần cổng ra vào là đền thờ Hoàng hậu Maya, bên trong đền thờ có một tác phẩm điêu khắc trên đá. Nội dung tác phẩm này là cảnh Đức Phật đản sanh. Trên tấm đá điêu khắc hình tượng Hoàng hậu Maya đang đứng dưới gốc cây vô ưu. Một tay bà đang nắm lấy cành cây, tay còn lại bà đang sửa soạn lại trang phục. Bên cạnh bà là Thái tử vừa mới ra đời. Trên bức tranh còn có Chư Thiên và bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, dì của Thái tử. Sau này bà trở thành kế mẫu của Thái tử do Hoàng hậu Maya đã qua đời sau khi sanh Thái tử bảy ngày. Gần đền thờ Hoàng hậu là trụ đá A-dục cao khoảng sáu đến bảy mét, phần trên đầu trụ có một niền sắt, thân trụ là dòng chỉ dụ với nội dung vua Asoka miễn thuế đất ở làng Lâm Tỳ Ni và giảm thuế hoa màu cho dân chúng trong làng vì đây là nơi Đức Phật Thích Ca đã ra đời. Trụ được bảo vệ bằng một hàng rào sắt. Khách hành hương đang thành kính thiền hành quanh trụ đá thiêng liêng này. Lòng tôi dấy lên niềm xúc cảm vô biên.

Khách hành hương đang lễ bái nơi đây đa phần là người Tây Tạng, xa xa trên những cành cây tôi thấy hằng hà dây cờ được giăng. Thầy Nguyên Hiền giải thích cho tôi hiểu, đây là cách cúng dường Chư Phật của người Tây Tạng. Bất cứ một Thánh tích, Phật tích nào cũng giăng đầy những dây cờ, những lá phướn trắng, vàng, xanh, đỏ mà trên đó người Tây Tạng đã viết kinh bằng chữ Tây Tạng để cúng dường và cầu nguyện khi họ đến lễ bái.

Đoàn chúng tôi vào bên trong đền thờ. Y áo chỉnh tề, chúng tôi tiến hành một thời lễ nhỏ tại nơi Đức Phật đản sanh. Ở đó có một tảng đá thiêng đánh dấu sự kiện lịch sử thiêng liêng quan trọng này. Sau thời kinh, đoàn chúng tôi thiền hành ba vòng. Tôi cảm nhận sự thiêng liêng đang lan toả. Đoàn chúng tôi thắp hương và đốt trầm cúng dường. Ngoài kia nắng chiều đã tắt, vậy là chúng tôi phải ra về. Tạm biệt Phật tích thiêng liêng trong nỗi niềm hân hoan, luyến tiếc vô tận. Chúng tôi cũng có lén thỉnh đất tại vườn Lâm Tỳ Ni.
Đêm ở Nepal này chúng tôi lưu trú tại chùa Hàn Quốc.

Chúng tôi được phục vụ rất chu đáo. Mỗi phòng ở đều có đầy đủ chăn nệm, rộng rãi và thoải mái lắm. Thức ăn được bày sẵn trên dãy bàn phía ngoài, chén đũa cũng đã sẵn sàng. Khách hành hương sẽ tự phục vụ. ăn xong sẽ tự rửa dọn phần chén bát của mình. Tất cả mọi thứ ở chùa Hàn Quốc này đều ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ. Ngoài trời đêm nay lạnh nhưng tôi đã có một đêm ngon giấc tuyệt vời.
06 giờ sáng chúng tôi lên xe đến thăm và tham quan Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được xây dựng trên miền đất Phật. Khi chúng tôi đến, sương mù ở đây dày đặc, trời lạnh khó chịu. Thầy trụ trì đi vắng, chúng tôi xin vào thăm và tham quan chùa. Tất cả chúng tôi lên chánh điện lạy Phật và chúng tôi cũng có chụp ảnh cùng hồng hạc nơi này để lưu niệm.

Việt Nam Phật Quốc Tự được thiết kế tương đối khang trang, bên trong chánh điện đẹp, hài hoà nhưng quần thể bên ngoài thiết kế hơi bị đầy, tạo cảm giác chật chội, manh mún. Thầy Huyền Diệu có lẽ muốn giới thiệu một Việt Nam đầy đủ tại đây nhưng kết quả thì… Tôi có hơi đáng tiếc chút xíu cho công việc tôn trí chùa nhưng tôi vẫn vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ công đức vô lượng của thầy Huyền Diệu dành cho ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật. Chia tay Việt Nam Phật Quốc Tự chúng tôi quay trở về Ấn Độ.

Lần quay về này chúng tôi không gặp khó khăn gì khi đi qua biên giới Nepal - Ấn Độ. Trước khi đến biên giới, quan sát dọc đường tôi nhìn thấy bóng dáng của những viên cảnh sát Nepal tuần tra canh gác. Nepal cũng là một đất nước an ninh bất ổn. Chiến tranh và khủng bố luôn chực chờ. Tôi cảm nhận xứ sở Nepal này có vẻ khá giả về kinh tế, dân cư có phần ít hơn Ấn Độ.

Trên khắp các nẻo đường Nepal có rất nhiều đền đài tôn thờ các vị thần linh của họ. Đặc biệt các ngã ba, ngã tư, các bùng binh tượng Phật đã được đặt thờ một cách trang trọng, thành kính. Nepal cũng mang đậm màu sắc tôn giáo.

Qua khỏi biên giới Nepal - Ấn Độ an toàn, tôi thở phào nhẹ nhõm sau hơn một ngày làm người ngoại quốc nhập cảnh lậu vào Nepal. Tôi tiếc nuối do thời gian hạn hẹp nên đã không được đến tham quan Kathmandu, thủ đô của nước Nepal. Thủ đô Kathmandu là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng, trung tâm của văn hoá triết học và cũng là trung tâm của nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ. Đỉnh cao của nghệ thuật văn hoá Phật giáo. Đặc biệt, Kathmandu còn là thế giới của những pho tượng, những ấn phẩm Phật giáo tuyệt mỹ. Tôi đang nhớ đến pho tượng ngài Văn Thù có khuôn mặt phủ vàng quý giá của Nguyễn Tường Bách. Đây cũng là một chứng tích minh chứng cho sự tín tâm đã được phát khởi của ông Nguyễn Tường Bách sau khi ông được chiêm bái đầy đủ TỨ ĐỘNG TÂM trên xứ Phật. Vì khi lần đầu tiên đến Ấn Độ, ông chỉ đến với tâm thế của một doanh nhân và chỉ biết đất nước Ấn Độ là đất nước của Gandhi, Tagore, Krishnamurti, mẹ Thérésa nhân ái còn Đức Phật Thích Ca, các vị Bồ tát chỉ là huyền thoại, hoang đường trong tâm thức ông. Nhưng từ sau khi chiêm bái TỨ ĐỘNG TÂM, chiêm bái LINH THỨU sơn trở về cùng pho tượng  Văn Thù thì pho tượng đã là vị hộ pháp tuyệt vời, linh thiêng của ông mỗi khi ông gặp khó khăn trong công việc.

Quả đúng như Đức Phật đã dạy: “Có bốn nơi làm phát khởi tín tâm, đó là nơi Phật đản sanh, nơi Phật thành đạo, nơi Phật chuyển pháp luân và nơi Phật nhập Niết bàn”.

Thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi về nghỉ tại một ngôi chùa Srilanka, trực thuộc thành phố Shravasti. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, 13g30’ chúng tôi lên đường chiêm bái Xá-vệ-quốc.


Xá-vệ là kinh đô của nước Kiều-tát-la do vua Ba-tư-nặc trị vì. Nơi đây có khu vườn Kỳ viên của thương gia Cấp Cô Độc mua lại của con trai vua Ba-tư-nặc với giá là số vàng đủ lót đầy khu vườn để cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Cấp Cô Độc xin quy y Đức Phật và mời Đức Phật về đây lưu trú vào mùa mưa. Đức Phật đồng ý và đã lưu trú nơi này qua hai mươi bốn mùa mưa. Cũng tại đây Đức Phật đã thuyết giảng rất nhiều kinh điển trong đó có hai bộ kinh quan trọng là kinh Hoa Nghiêm và kinh Kim Cương. Trong mùa mưa thứ mười ba tại trú xứ này, Đức Phật đã thuyết giảng bài kệ:

 

“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Không lay chuyển rung động
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy tinh cần
Đêm ngày không mỏi mệt
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền
Bậc an tịnh trầm lặng”
(Kinh Nhất Dạ Hiền)

Đây là bài kệ quan trọng tóm tắt toàn bộ giáo lý của Người. Tôi đã viết bài kệ này nhiều lần dưới hình thức thư pháp chữ Việt. Tôi xúc động khi được đến Xá-vệ.

Xá Vệ Thành

Trú xứ này cũng là nơi Đức Phật thi triển thần thông. Cũng tại Shravasti Đức Phật đã độ được tướng cướp Angulimala từ bỏ con đường tội lỗi. Ông quy y, xuất gia theo Phật. Ông được Tăng đoàn chấp nhận nhưng trong thời gian tu tập, những khi đi khất thực, ông đều bị dân chúng khinh khi ném đá vào người. Đức Phật đã phải thường thuyết giảng cho ông hiểu và chấp nhận quả báo do ác nghiệp của ông đã gây ra thuở trước. Không bao lâu sau đó vị Tỳ kheo này cũng đã chứng quả A-la-hán.

Chiều nay đến đây lễ bái, chúng tôi đã được hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh tịnh của Thánh tích. Giữa vườn, trên nền đất gạch cũ nâu thẫm, bước lên hết vài bậc tam cấp là nền nhà của các tu viện hoặc tinh xá khi xưa Tăng đoàn và Đức Phật đã lưu trú. Tôi nhìn thấy rất nhiều vị Tăng Ni, Tu sĩ của nhiều quốc gia đang tham thiền, tụng kinh, niệm Phật. Không khí nơi đây trầm mặc, tĩnh tại. Tôi đã cùng đoàn thắp hương, đốt trầm cúng dường. Bằng niềm an lạc, tự tại, chúng tôi đã thành kính đảnh lễ, tụng nhỏ một thời kinh. Luồng linh khí lan tỏa. Tôi xúc động cảm nhận nguồn năng lượng mầu nhiệm đang được truyền vào tâm tôi.

Tại đây còn có một câu chuyện vô cùng cảm động, đó chính là cây Bồ đề A-nan. Đây là cây Bồ đề mà ngài A-nan đã trồng để nhớ Đức Phật mỗi khi Đức Phật đi vắng. Cây Bồ đề này được ngài A-nan chiết nhánh từ cây Bồ đề tại Tích Lan mà gốc là từ cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi cảm giác đang có một làn hương thơm toả ra từ cây Bồ đề. Luồng từ trường thiêng liêng từ các dây cờ kinh Tây Tạng được người Tây Tạng cúng dường, lễ bái cũng đang lan toả khắp khu vực cây Bồ đề A-nan này.

Tôi thắp hương, đốt trầm dưới gốc cây Bồ đề. Tôi quỳ xuống đảnh lễ như để mặc niệm tưởng nhớ ngài A-nan.

cây Bồ đề A-nan

tháp ngài Cấp Cô Độc

Trời chạng vạng, ánh nắng chiều sắp tắt hẳn trước khi ra về, thầy Nguyên Hiền hướng dẫn chúng tôi tham bái tháp ngài Cấp Cô Độc và ngài Vô Não (Angulimala).

Rời Xá-vệ-quốc, tôi thấu hiểu tính vô thường của vạn vật. Thời kỳ hưng thịnh, huy hoàng của Phật giáo tại đây đã thuộc về quá khứ nhưng điều an ủi còn lại là Thánh tích này vẫn đang còn là nơi thu hút lòng ngưỡng bái thành kính của khách hành hương.

Về đến chùa, chúng tôi cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tối với sự phân công mỗi người một việc. Tôi và thầy Nguyên Hiền được phân công đi chợ mua rau xanh, trái cây bồi dưỡng mọi người.

Thầy trò chúng tôi đã phải đi bộ một quãng đường từ chùa đến chợ khoảng hai ki-lô-mét vì không đón được xe. Sau khi mua được rất nhiều rau xanh, trái cây và cả chili (ớt) nữa, chúng tôi đón một chiếc richshaw, ngã giá từ chợ về chùa là hai mươi rupee (khoảng mười ngàn đồng Việt Nam). Chú bé tài xế khoảng mười hai, mười ba tuổi, thân hình gầy gò, đen đúa đồng ý chở với cử chỉ lắc đầu dễ thương của người Ấn. Richshaw là loại xe đạp lôi, giống như xe đạp lôi ở các tỉnh miền tây Việt Nam.

Rau về, chúng tôi xúm xít cùng nhau làm rau, nấu nướng. Chúng tôi đã có thêm một bữa cơm tối đầm ấm, ngon miệng trên đất Ấn.  
22 giờ tôi đã đi ngủ vì mệt và lạnh.


Sáng hôm sau đúng 05g30’ chúng tôi trực chỉ Sarnath (Lộc Uyển).

Vườn Lộc Uyển là nơi Đức Phật chuyển pháp luân, nơi khai mở giáo pháp của Ngài đầu tiên sau khi Ngài thành đạo. Năm vị Tỳ kheo đầu tiên được nghe giáo pháp của Ngài là năm anh em Kiều-trần-như. Bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng là TỨ DIỆU ĐẾ (kinh Chuyển pháp luân). Kiều-trần-như đã đắc quả A-la-hán ngay sau khi nghe xong bài pháp này của Đức Phật.

Tại đây, lần đầu tiên Tăng đoàn được thành lập mà những Tăng chúng đầu tiên của Tăng đoàn là năm anh em Kiều-trần-như. Cũng tại Sarnath, Đức Phật đã thuyết giảng kinh Vô Ngã Tướng, Bát Chánh Đạo.

Sau lần chuyển pháp luân đầu tiên, Đức Phật cũng đã nhiều lần trở lại Sarnath cùng với các vị đại đệ tử của Ngài như: ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên.

Vườn Lộc Uyển ngày nay là một công viên rộng lớn được bảo vệ bằng một hàng rào đá. Đây là Phật tích duy nhất bán vé vào cổng mà giá vé dành cho người ngoại quốc mắc gấp hai mươi lăm lần giá vé khách nội địa. Dù vậy, tôi vẫn thấy rất đông đảo khách hành hương đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đang chiêm bái tại đây.

Những thảm cỏ xanh um, những khóm hoa nhiều màu sắc xinh tươi đầy sức sống như tôn tạo thêm vẻ đẹp cổ kính, thiêng liêng của ngôi tháp hình trụ tròn cao lớn, nơi ghi dấu lần đầu tiên Đức Phật chuyển pháp luân. Tên gọi của bảo tháp là Dhamekh. Cách tháp Dhamekh không xa là tượng Phật đang ngồi thuyết giảng và năm anh em Kiều-trần-như đang chắp tay ngồi xung quanh Đức Phật lắng nghe pháp âm vi diệu của Ngài.

Tháp A-dục (Asoka) cũng hiện diện tại vườn Lộc Uyển này. Một trụ đá A-dục bị gãy đầu được bảo vệ, bao bọc bằng một hàng rào sắt chung quanh.

trụ đá A-dục bị gãy đầu được bảo vệ

Đoàn chúng tôi thắp hương, đốt trầm thành kính đảnh lễ trước tháp thiêng. Sau khi tụng thời kinh Bát Nhã chúng tôi đã nhiễu quanh tháp một vòng bằng hình thức nhất bộ nhất bái.

Trong bàng bạc gió chiều hoà quyện cùng mùi thơm của trầm, làn khói thiêng liêng bay lên từ hương, lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm hân hoan, thanh tịnh. Tôi đang nhớ lại những điều đã nghe được, học được từ những lần thuyết giảng TỨ DIỆU ĐẾ của Sư phụ ở Việt Nam. Ôi thật hạnh phúc khi tôi đang được đứng ở nơi này, ngưỡng bái chính nơi Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên TỨ DIỆU ĐẾ. Con xin quỳ xuống đảnh lễ, thành kính tri ân công đức của Sư phụ. Sư phụ ạ!

Đến thăm vườn Nai và chụp ảnh lưu niệm, tôi rưng rưng nhớ lại câu chuyện cảm động về tiền thân Đức Phật trong quá khứ đã cứu được mạng sống của một con nai cái đang mang thai sắp đến ngày sinh con. Có lẽ do ngưỡng mộ, kính trọng tấm lòng từ bi nhân ái của Đức Phật mà câu chuyện này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay và cái tên vườn Nai là từ câu chuyện này.

Ánh nắng chiều lúc này tại Sarnath buồn vời vợi… Trên đống hoang tàn đổ nát, những bức tường cao thấp loang lỗ trầm mặc, u ám màu thời gian của một thiền viện từng đã là nơi hàng nghìn tín đồ Phật giáo quây quần, tụ tập và nghe thuyết giảng kinh điển trong giảng đường. Những nền tháp, tinh xá, tu viện, tăng phòng vẫn còn nhiều dấu tích trong khu vườn Lộc Uyển. May mắn thay, tại đây vẫn còn lưu giữ được tháp tưởng niệm Đức Phật chuyển pháp luân. Trước khi cùng đoàn tạm biệt vườn Lộc Uyển tôi còn kịp nhìn thấy và cảm khái vô cùng với lòng thành tín đang ngưỡng bái thánh địa của những người Phật tử Tây tạng, họ đang lạy theo cách lạy truyền thống của họ. Họ đứng thẳng, tư thế trang nghiêm, mắt nhắm một cách thuần thành, hai tay chắp lại đưa thẳng lên trời và từ từ lạy xuống. Họ nằm sát người, thẳng thớm xuống mặt đất, hai cánh tay đưa thẳng ra phía trước, hai bàn tay úp xuống mặt đất nhưng ở đây họ đang chỉ lạy trên nền đất trước ngôi bảo tháp chứ không phải lạy trên miếng ván lạy như tôi đã từng được nghe kể. Vậy mà, họ đang lạy một cách rất thành kính, nhiếp tâm và say mê. Ở đây ngoài những mảng tháp được dát vàng cúng dường của những Phật tử Thái Lan thì cũng không thiếu sự hiện diện của những dây cờ chép kinh cúng dường của người Tây Tạng. Phật giáo vẫn đang tồn tại. Tôi tin rằng rồi đây đạo Phật sẽ hồi sinh trên đất Ấn như giáo pháp của Ngài vẫn đang còn tuần hoàn, lưu chảy trong chúng sanh.

Tạm biệt vườn Lộc Uyển, thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi đến tham quan viện bảo tàng khảo cổ Sarnath. Tại đây chúng tôi phải mua vé vào cổng, không được sử dụng máy quay phim, chụp ảnh.

Bước vào viện bảo tàng, tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tôi nhìn thấy là trụ đá A-dục. Đây là trụ đá nguyên thuỷ cổ nhất, đẹp nhất được tìm thấy tại Sarnath. Trụ đá được tác tạo trên một khối đá màu sẫm. Đầu trụ chạm trổ hình bốn chú sư tử ngồi đấu lưng với một bánh xe ở giữa. Biểu tượng này hiện là quốc huy của nước Cộng hoà Ấn Độ. Trụ đá này cũng là dấu ấn vàng son của nền điêu khắc mỹ thuật cổ đại Ấn Độ.

Trong viện bảo tàng hiện cũng trưng bày rất nhiều những pho tượng cổ, thể hiện Đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Thần của các tôn giáo bạn. Tất cả các tượng nơi này đều đẹp, tinh xảo. Ở đây, đặc biệt có pho tượng Phật chuyển pháp luân tuyệt đẹp. Đây là pho tượng được cho là pho tượng Phật đẹp nhất, nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.

Pho tượng được tạc bằng đá. Tượng cao khoảng một mét tám. Tượng trong tư thế Đức Phật ngồi kiết già, tay bắt ấn chuyển pháp luân. Tượng đẹp một cách hoàn mỹ, sống động với nét từ bi, thanh thoát trên khuôn mặt Ngài. Miệng Ngài với nụ cười hàm tiếu, hoan hỷ. Đôi mắt khép hờ, sống mũi thẳng, cặp chân mày đặc biệt thanh tao, dái tai dài, tóc là những lọn xoăn với nhục kế trên đỉnh đầu.
Phía dưới là bánh xe chuyển pháp. Bánh xe được thể hiện nội dung: hai con nai hai bên như giới thiệu vườn Lộc Uyển. Năm anh em Kiều-trần-như đang chắp tay nghe pháp. Một Ưu-bà-di và một đứa trẻ con cũng đang nghe pháp nơi này.

Tôi ấn tượng và yêu thích pho thạch tượng. Ngoài ra, viện bảo tàng còn trưng bày các loại công cụ lao động của người cổ đại, các sản phẩm gốm sứ cổ.

Trời tối, chúng tôi ra về. Đoàn chúng tôi quây quần bữa cơm tối tại một ngôi chùa Srilanka phía sau vườn Lộc Uyển. Vì phải ở trên lầu, tầng hai nên chúng tôi phải mang vác hành lý có phần cực nhọc. Một đêm ngon giấc cùng đất trời Sarnath. Chúng tôi, ai cũng háo hức mong trời mau sáng để được đến với sông Hằng. Con sông thiêng của ngưòi Ấn Độ. Tôi nhớ ông Nguyễn Tường Bách từng viết: “Ai đến Varanasi mà không đến ngắm bình minh trên sông Hằng là xem như chưa đến”.

04g30’ sáng chúng tôi đã có mặt trên bờ sông Hằng. Sông Hằng cách Sarnath tám ki-lô-mét. Màn đêm và sương mù vẫn còn đang trùm phủ khắp đoạn sông này. Bên bờ sông, một bảo tàng sống đang hiện ra trước mắt chúng tôi.

Ngay khi vừa đến, chúng tôi đã được một lực lượng cò tàu, thuyền vây kín. Họ mời mọc, chèo kéo chúng tôi một cách kiên trì, nhẫn nại. Đây là hình ảnh thường thấy tại các Thánh tích mà chúng tôi đã đi qua. Những em bé, con cái của giới Chiên-đà-la cũng xinh đẹp nhưng đầy vẻ lam lũ đang chào mời du khách mua những tràng hoa, đĩa nến để rải xuống sông Hằng cầu nguyện khi đi du thuyền. Thầy Nguyên Tân thuê được một chiếc thuyền, chúng tôi lên thuyền. Một người đàn ông trung niên chèo thuyền đưa chúng tôi, bắt đầu cuộc du ngoạn. Từ trên thuyền nhìn xuống, mặt sông Hằng lúc này đen ngòm, phẳng lặng. Trên sông chỉ có vài chiếc thuyền như chúng tôi. Một lúc sau có thêm nhiều chiếc thuyền chở du khách và một số là thuyền của những người buôn bán trên sông cặp theo để mời mọc du khách mua sắm. Họ bán ảnh, quà lưu niệm và có cả cá để du khách phóng sanh nữa.

Chúng tôi nhè nhẹ thả những tràng hoa, những đĩa nến xuống lòng sông như một lời cầu nguyện may mắn, an lạc. Trời bắt đầu hừng sáng và: “Kìa, nhìn xem”, thầy Nguyên Hiền hét lên, tất cả chúng tôi đều nhìn về hướng đông. Mặt trời xuất hiện, mặt trời lên rất nhanh, chỉ trong tích tắc. Màu mặt trời ở đây lạ lắm, đỏ ối nhưng không chói chang. Đặc biệt mặt trời trên sông Hằng to như chiếc nong, tròn vành vạnh. Phía chân trời lúc này, một màu đỏ ửng cả không gian, nước dưới lòng sông óng ánh như được dát vàng, lung linh huyền diệu quá. Tôi nghe tiếng chị Tuyết nói với thầy Nguyên Hiền: “Thầy ơi, bình minh trên sông Hằng đầy ấn tượng, đúng như lời thầy đã kể cho con nghe trước đây nhưng thầy đừng bảo mặt trời nơi này như một con quái vật, tội mặt trời quá, thầy ạ!”. Thầy Nguyên Hiền đáp lời chị Tuyết: “Đó là cảm nhận của riêng Nguyên Hiền thôi mà, chị Tuyết”. Tôi đồng ý với chị Tuyết nhưng tôi cũng đồng ý với thầy Nguyên Hiền. Riêng tôi thì bình minh trên sông Hằng rực rỡ, ấn tượng và sẽ là một kỷ niệm thiêng liêng khó phai. Mọi người ai cũng chụp ảnh cảnh mặt trời lên sông Hằng thật nhiều, thật nhiều. Cá nhân tôi bây giờ trong bộ ảnh hành hương xứ Phật, những tấm ảnh nơi này là nét chấm phá độc đáo đầy ấn tượng của chuyến đi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục du thuyền. Lúc này, trời đã sáng hẳn. Quang cảnh chung quanh cho tôi cảm giác thời gian nơi đây đang ngưng đọng. Khúc sông này đang diễn ra một đời sống, những sinh hoạt của một xã hội cách đây nhiều thế kỷ. Dọc bờ sông là những tòa lâu đài uy nghi, cổ kính. Những đền thờ đồ sộ với kiến trúc cổ xưa, kỳ vĩ. Ở đây có cả một toà lâu đài đang nghiêng đổ nhưng nó vẫn sừng sững hiện hữu. Dọc bờ sông, những tín đồ đạo Hindu đang ngâm mình dưới nước, họ đang tắm dòng nước thiêng như quan niệm ngàn đời của người Ấn. Những tội lỗi, những tạp uế của họ sẽ được nước sông Hằng rửa sạch. Một số khác đang súc miệng. Xong, họ vốc nước vào hai tay quay về hướng mặt trời cầu nguyện. Sau đó, họ uống hết vốc nước trên tay, họ còn lấy ca mang về, có lẽ sẽ dùng làm nước uống trong ngày. Họ tin rằng uống nước thiêng sẽ khoẻ mạnh. Chao ôi, những điều vừa kể lại xảy ra đồng thời với vài đám thiêu xác trên sông.

Với người Ấn khi chết được nhúng xác xuống nước sông Hằng sau đó hoả thiêu rồi rải tro xuống lòng sông là hạnh phúc, là siêu thoát. Chúng tôi mục thị một đám thiêu mà người chết đang được thiêu trên giàn hoả có lẽ là một người nhà nghèo nên số củi dùng để đốt xác bị thiếu, vì vậy phần đầu và hai chân lòi hẳn ra. Để cận cảnh, thầy Nguyên Tân đã khéo léo nhờ người chèo thuyền ghé sát vào giàn thiêu cho chúng tôi quan sát. Ở đây, người ta cấm quay phim, chụp ảnh cảnh thiêu người. Người chèo thuyền hiền lành, nhã nhặn nhắc nhở chúng tôi vì ông sợ chúng tôi bị tịch thu máy và bị phạt tiền.

Đến gần giàn hoả chúng tôi nhìn thấy xác chết được quấn vải từ đầu đến chân, không có quan tài. Xác chết đã được khiêng đến đây trên một chiếc cáng tre. Chúng tôi nhìn thấy rõ ràng mỡ chảy, nghe xèo xèo từ thi thể người chết trên giàn hoả. Những chú quạ đen bay lượn trên không thỉnh thoảng sà xuống quan sát, những chú chó loanh hoanh bên giàn hoả. Các chú đang chờ đợi để được gặm những khúc xương người rớt ra từ giàn hoả. Chung quanh giàn hoả chỉ có vài người đàn ông trông coi việc đốt xác, không có phụ nữ, hình như đây là điều cấm kỵ. Không có tiếng tụng kinh, cầu nguyện. Họ im lặng và lạnh lùng. Người Ấn thật lạ, họ đơn giản cái ăn và cái chết của họ cũng quá đơn giản nhẹ nhàng. Lúc này, chung quanh bờ sông còn có nhiều giàn thiêu xác khác nữa. Vậy mà, những tín đồ đạo Hindu vẫn hồn nhiên ngụp lặn, tắm rửa, giặt giũ, uống nước cầu nguyện trên chính khúc sông này. Xem ra, niềm tin tôn giáo nơi họ thật tuyệt đối. Họ không hề sợ hãi sự ô nhiễm đang tràn ngập.

Tôi bất giác rùng mình với những âm khí đang lan toả.

Thuyền đã ra giữa sông mà tôi vẫn còn đang miên man với những gì mình vừa nhìn thấy. Quá rùng rợn và thương cảm.

Thầy Nguyên Tân lại nhờ người chèo thuyền ghé vào bãi cát sông Hằng. Cát ở đây trắng mịn và sạch sẽ. Chúng tôi rời thuyền bước lên bãi cát dài, đi dần về phía mặt trời mọc. Lúc này nhiệt độ đã ấm hơn lên nhờ ánh triều dương từ mặt trời toả xuống. Tôi xúc động bước đi trên cát. Đây là nơi xuất khởi câu thành ngữ: “Hằng hà sa số” đó sao?
Lên thuyền tiếp tục du ngoạn.

Từng bầy chim hải âu xoải cánh bay lượn, thi thoảng chúng dừng lại trên nước. Ôi, hình ảnh thật dễ thương, lãng mạn và thanh bình. Một vài tàu thuyền cặp theo mời mọc chúng tôi mua sắm quà lưu niệm. Chị Tuyết mua tập ảnh sông Hằng tặng mọi người trong đoàn. Chị mua cá phóng sanh nữa. Kết thúc chuyến du thuyền trên sông, tạm biệt người chèo thuyền mọi người trong đoàn đã góp tiền thưởng riêng cho anh ta. Ở đâu cũng vậy, bao giờ người lao động trực tiếp cũng bị chèn ép. Họ bỏ công sức lao động thật nhiều nhưng họ lại là những người thiệt thòi nhất trong thu nhập. Tôi chợt nhớ cô lái đò thuê trên đường vào chùa Hương ở Việt Nam. Khi lên bờ, đoàn chúng tôi cũng đã phải bồi dưỡng thêm cho cô ấy vì tiền công chèo thuê của cô được chủ đò trả quá rẻ mạt so với số tiền chúng tôi phải trả cho chủ đò.

Lên bờ, chúng tôi bách bộ dạo quanh bờ sông. Ở đây, ăn xin nhiều vô kể. Các đạo sĩ mặc y phục quy định của tôn giáo mà họ đang tín ngưỡng, tóc dài búi cao, dựng ngược búi tóc lên đỉnh đầu. Râu dài đến ngang ngực, cổ họ đeo những tràng hoa, hoặc những xâu chuỗi gỗ. Khuôn mặt các ông đạo sĩ này thường trông dữ dằn hoặc pha một chút đồng bóng, thần bí. Tay các đạo sĩ chống một chiếc gậy tre. Họ hiện diện nơi này với một lực lượng khá đông. Trên cao, phía xa kia vang lên những âm thanh của tiếng tụng kinh, cầu nguyện phát ra từ những ngôi đền. Gần đó là ngôi nhà, chỗ lưu trú dành cho những người già chờ chết. Họ mong được chết nơi này để thân xác được quyện vào nước sông Hằng còn linh hồn thì siêu thoát về cõi trời.

Sông Hằng chính là suối nguồn tâm linh đã lưu chảy mãi trong tâm thức người Ấn từ hàng ngàn năm qua nên người Ấn đã sống cùng sông Hằng và chết cùng sông Hằng.

Một số tín đồ đang ngồi tham thiền, cầu nguyện. Tôi thấy có cả những người Tây phương. Trông họ thật thanh thản và an lạc. Màu sắc tôn giáo đậm nét nơi này do một phần hình ảnh các vị thần của họ được vẽ, được tôn trí trên các bức tường của các ngôi đền, các toà lâu đài với màu sắc sặc sỡ gây sự chú ý của du khách.

Trong dòng người đông đúc chen lấn, xuất hiện những người phụ nữ Ấn Độ tuyệt đẹp trong tấm sari truyền thống. Dáng đi khoan thai chậm rãi, quý phái. Khuôn mặt đẹp đến ngẩn ngơ người đối diện cùng với sự xuất hiện của những người phụ nữ Hồi giáo thật quyến rũ với trang phục và chiếc khăn voan mỏng che mặt chỉ chừa cặp mắt đẹp như hút hồn người đối diện đã tạo nên nét thơ mộng, lãng mạn của khúc sông này.

Đoàn chúng tôi  tạm biệt sông Hằng với những ấn tượng thú vị, khó phai. Tôi nhớ đến lọ nước sông Hằng của Nguyễn Văn Dũng. Lọ nước thiêng đã theo ông từ sau khi ông ngắm bình minh trên sông Hằng. Từ lúc đó, lọ nước thiêng đã là nguồn suối mát tưới tẩm tâm hồn ông mỗi khi tâm hồn ông khô kháp, phiền não. lọ nước đã là: “Bình minh trên sông Hằng” mỗi ngày trên bàn làm việc của ông.
Rời sông Hằng, đoàn đã được thầy Nguyên Tân thết đãi một bữa điểm tâm ngon lành tại một nhà hàng tương đối sang trọng ở Sarnath. Món thứ nhất là món bánh nướng chấm nước sốt tương đối ngon, lạ miệng. Món thứ nhì là món mà tất cả bảy người chúng tôi đều khoái khẩu, đó là món chowming.

Bây giờ ngồi đây viết lại bữa điểm tâm này tôi bỗng thèm món chowming.

Sau bữa điểm tâm, đoàn chúng tôi đến thăm, chiêm bái ngôi chùa Srilanka ngay phía sau vườn Lộc Uyển. Ngôi chùa này do ngài Anagarikan Dharmapala (1864 -1933) người Tích Lan sáng lập. Chùa được ngài xây dựng năm 1931. Lối vào chùa, bên phải là tượng ngài Dharmapala. Ngôi chùa Srilanka này được xây dựng bằng loại đá sa thạch đỏ, nhìn từ xa thiết kế mô hình chùa giống cái chuông. Những chạm trổ, điêu khắc hoa văn nơi đây khá đơn giản. Bên trong Chánh điện có rất nhiều bức bích hoạ thể hiện những nội dung như: Cung trời đâu suất, Phật đản sanh, thời tu khổ hạnh của Đức Phật, Phật chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, Phật nhập Niết bàn, quy phục tướng cướp Angulimala (Vô Não)..v .v…

Chánh điện có tháp thờ Xá-lợi Phật, phía sau chánh điện là tháp thờ cốt ngài Dharmapala. Ở đây vẫn còn di tích hỏa thiêu ngài. Cuối con đường vào chùa, bên phải là cây bồ đề do ngài Dharmapala trồng khi bắt đầu xây dựng chùa vào năm 1931.

Tượng ngài Dharmapala là tượng đứng, cao to như người thật. Màu tượng hoàn toàn giống màu da thật của người Srilanka. Ngài đứng đó vòng tay, khuôn mặt cương nghị nhưng đầy từ bi, mắt ngài nhìn xuống uy nghi nhưng đượm buồn. Có lẽ, ngài buồn cho Phật giáo Ấn Độ suy tàn như hiện nay. Sinh thời trước lúc từ trần năm 1933 tại vườn Lộc Uyển ngài đã nói: “Tôi muốn tái sinh trở lại cuộc đời này hai mươi lăm lần nữa để truyền bá chánh pháp”.

Thầy Nguyên Hiền kể cho chúng tôi nghe:

Ngài Dharmapala là nhân vật lịch sử đặc biệt có công đức lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Ngài là người Tích Lan, được sinh ra trong một gia đình đạo Phật. Ngài sớm được giáo thụ giáo lý đạo Phật và đây là giai đoạn Phật giáo đang được truyền bá vào quê hương Tích Lan của ngài. Năm 1891, ngài đến chiêm bái vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp. Ngài bức xúc với quang cảnh điêu tàn nơi đây. Những tinh xá, tu viện, những ngôi tháp hùng vĩ như chẳng liên quan gì đến dân chúng tại địa phương. Họ đã vô cảm biến những nền tháp, tu viện nơi đây thành bãi rác, thành nơi chăn nuôi gia súc. Ngài cũng có đến Bồ Đề Đạo Tràng nhưng nơi này cũng chẳng khác gì cảnh đìu hiu của vườn Lộc Uyển. Đau lòng trước những gì trông thấy, Ngài đã khởi tâm tích cực chấn hưng Phật giáo. Ngài chính là người đã thực hiện thành công kế hoạch chấn hưng Phật giáo và phục hồi Bồ Đề Đạo Tràng của ngài Edwin Arnord, một người Anh quốc đầy lòng nhiệt huyết với đạo Phật. Ngài Edwin Arnord là nhà thơ, nhà nghiên cứu tôn giáo và ngài đặc biệt quan tâm, kính ngưỡng đạo Phật.

Bằng tất cả tài trí, sự nỗ lực tích cực của bản thân mà cuối cùng ngài Dharmapala cũng đã toại nguyện. Phật giáo Ấn Độ hồi sinh. Bồ Đề Đạo Tràng trở thành Thánh địa chiêm bái của những Phật tử thuần thành, kính ngưỡng đạo Phật trên toàn thế giới.

Người phương tây lần đầu tiên biết đến Phật giáo là nhờ lần thuyết trình tôn giáo thành công tại quốc hội Mỹ của ngài vào năm 1893. Ngài cũng đã khôi phục vườn Lộc Uyển trở nên hưng thịnh. Đây cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng sau thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng.

Sau khi nghe thầy Nguyên Hiền kể xong, tôi đã quỳ xuống đảnh lễ ngài với lòng tri ân, ngưỡng mộ vô hạn.

Đồng hồ lúc này đã là 11 giờ trưa, chúng tôi về lại chùa, xin vào bếp nấu ăn. Mỗi người một việc, cuối cùng bữa cơm ngon, nóng sốt được dọn lên. Thật là thịnh soạn, nào là canh rau, nào là cải xào, nào đồ kho có cả rau sống. Ai cũng ngon miệng vì đói, vì thức ăn ngon.


13g30’ chúng tôi lên xe thẳng tiến về Bodhgaya - Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật thành Đạo. Cái tên Bồ Đề Đạo Tràng khi được xướng lên đã làm rung động long người. Sự an lạc, tự tại đã được bao người con Phật cảm nhận đầy đủ nhất nơi Thánh tích này. Nỗi đau thân phận của biết bao nhiêu người có nghiệp dĩ nặng nề cũng được vỗ về, an ủi nhờ vào khí thiên an lành và long từ bi như trời biển của Đức Phật lan toả khắp Bồ Đề Đạo Tràng khi họ tìm về nơi này để nương tựa. Bảy người chúng tôi ai cũng mang tâm trạng hân hoan, háo hức về nơi Đức Phật thành đạo. Suốt dọc đường đi từ Sarnath về Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn chúng tôi đã đi qua rất nhiều làng mạc nông thôn Ấn Độ. Những cánh đồng hoa cải vàng đang trong mùa thu hoạch cứ trải dài trong mắt chúng tôi, không gian nông thôn thanh bình, yên tĩnh với những người nông dân chất phác, hồn hậu khiến tôi nhớ nông thôn Việt Nam, nhớ lũy tre làng, nhớ con sông quê hương Việt Nam của mình. Nối tiếp là những phố xá trực thuộc các thị trấn, thị tứ sầm uất người là người. Những hoạt động thương mại, mua bán nhộn nhịp cùng với những ồn ào, náo động của các loại xe cộ có động cơ đang tham gia lưu thông trên đường phố. Tất cả đã tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn vẻ của đất nước Ấn Độ. Hàng hoá mua bán tại những nơi này, chủ yếu tôi nhìn thấy gồm các cửa hiệu bán vải vóc, quần áo may sẵn. Những chiếc xe di động giống xe ba gác đạp của Việt Nam, bán các loại bánh nướng và trà sữa (chai). Những cửa hiệu bán tạp hoá, chạp phô. Gọi cửa hiệu cho sang chứ người Ấn họ giản tiện lắm, cho dù đây là nơi giúp họ kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cái cơ ngơi khiêm tốn này của họ chỉ là một chiếc sạp gỗ nhỏ khoảng 1,5m x 2m, chiều cao thì khi vào bên trong những người đàn ông Ấn phải cúi đầu xuống vì trần sạp rất thấp. Chiếc sạp gỗ này trông giống như những chiếc sạp gỗ bán hàng ở các chợ Việt Nam nhưng đó cũng có thể là chỗ ngủ của họ. Tôi ấn tượng với những chiếc sạp hai tầng, vì có thể tầng trên là nơi ngủ nghỉ của người nhà chủ sạp. Trên đường phố những người phụ nữ khoác sari, đầu đội thúng phân bò đầy ắp đi bán dạo. Một số khác, họ bán đồ trang sức đủ màu sắc sặc sỡ. Thỉnh thoảng đi ngang qua một ngôi chợ. Chợ cũng nhỏ thôi, họ buôn bán chủ yếu trái cây và rau củ, người bán chỉ toàn là đàn ông. Đặc biệt , hiện nay người Ấn vẫn còn dùng chiếc cân xách tay cũ kỹ.

Bồ Đề Đạo Tràng

Như tất cả chúng ta đã biết, Ấn Độ là đất nước nhiều đối nghịch. Nếu tôi vừa nhìn thấy những con người lam lũ, nghèo nàn, vất vả cùng công cuộc mưu sinh của họ trên đường phố thì tôi cũng nhìn thấy hình ảnh các đại gia Ấn Độ ngồi trong những chiếc xe hơi bóng lộn đắt tiền có tài xế riêng phục vụ hoặc những người phụ nữ giàu có, sang trọng quý phái đang chễm chệ trên chiếc richshaw do một người Chiên-đà-la gầy gò, thấm đẫm mồ hôi đang gò lưng đạp bằng đôi chân trần của họ. Nhưng trên khuôn mặt khắc khổ của người Chiên-đà-la này vẫn toát lên vẻ thanh thản. Họ an lạc với triết lý sống “Trả nghiệp” của đạo Hindu.

Khi xe vào đến phố cổ Gaya, tôi thích thú reo lên. Nhà cửa ở đây đã quá cũ kỹ. Phố xá khoác lên mình chiếc áo thời gian bằng những âm thanh cọc cạch của bánh xe ngựa, xe bò gõ xuống mặt đường. Những chiếc xe thổ mộ, xe bò chừng dễ đã có tuổi thọ vài thế kỷ. Tôi thấy chúng mòn nhẵn, bóng lưỡng. Con người ở đây vẫn ăn mặc theo trang phục cổ xưa, lạc hậu của họ. Những gian hàng đồ cổ bày bán hấp dẫn dọc đường đi, những sản phẩm gốm sứ như minh chứng sự hiện diện của chúng đã có tại đây từ hơn hai ngàn năm trước. Những đền thờ mang đậm màu sắc tôn giáo cũng góp phần tô điểm cho sự trầm mặc của phố cổ này. Đặc biệt là những chú bò nghênh ngang trên phố mà tất cả các bác tài xế điều khiển các loại xe đều phải dừng lại nhường đường cho chúng đi qua. Bò là vị thần linh thiêng mà tôn giáo của họ đã tôn thờ, tín ngưỡng.

19 giờ chúng tôi đã về đến Bồ Đề Đạo Tràng sau quãng đường dài khoảng hai trăm năm mươi ki-lô-mét. Nơi chúng tôi dừng chân là chùa Viên Giác Việt Nam hay còn gọi là trung tâm tu học Viên Giác do đệ tử của Hoà thượng Thích Như Điển xây dựng. Chúng tôi được lưu trú tại đây trong những ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng. Chùa Viên Giác cách Bồ Đề Đạo Tràng chỉ vài bước chân.

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay không chỉ là một thánh tích lịch sử quan trọng mà Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành một trung tâm văn hóa của Phật giáo, là địa điểm hành hương quan trọng nhất trong TỨ ĐỘNG TÂM. Nơi đây, Đức Phật đã thành đạo. Bồ Đề Đạo Tràng đã dần trở lại thời kỳ hưng thịnh. Hiện nay Bồ Đề Đạo Tràng là trung tâm tu học của tất cả Phật tử thuần thành, ngưỡng bái đạo Phật trên toàn thế giới.

20g15’ sau khi đã được ăn uống, nghỉ ngơi đoàn chúng tôi y áo chỉnh tề tiến về Bồ Đề Đạo Tràng.

Thật xúc động với dòng người đang hành hương nơi này. Từ xa, tôi đã nhìn thấy đỉnh ngôi Đại tháp. Lòng tôi dâng lên niềm thành kính vô biên. Khi vừa vào đến cửa Bồ Đề Đạo Tràng, luồng linh khí đã tràn ngập và truyền vào tâm tôi. Tôi bắt đầu bước những bước đi khoan thai, chậm rãi. Tôi chắp tay hoa đi dần vào khu vực trung tâm. Tôi, một chúng sanh với nghiệp dĩ quá nặng nề nhưng khi đến đây, được hít thở bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, an tịnh này, tôi thật sự nghe lòng mình thanh thản, an lạc. Quẹo phải vào đến trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng, ngôi Đại tháp thiêng liêng sừng sững hiện ra trước mắt tôi. Tôi đã quỳ xuống đảnh lễ với lòng thành kính kính ngưỡng chân thành, xúc động nhất. Dòng người hành hương càng lúc càng đông cứ tiến vào ngôi chánh điện trước mặt. Tôi nghe đất trời nơi đây đang ấm áp, linh thoát quá.

Vào chánh điện, không khí trang nghiêm dù bên trong hiện đang rất đông người lễ bái Đức Phật. Ngài ngồi đó uy nghi mà gần gũi. Gương mặt Ngài thánh thiện, giải thoát. Nhìn xuyên qua lồng kính, Đức Phật đang tĩnh tọa ở tư thế kiết già, tay phải của Đức Phật chạm đất. Tay trái đặt lên đùi. Tôi như thấy Đức Phật đang thân thương trìu mến nhìn mình với nụ cười hàm tiếu trên môi.

Tôi quỳ xuống thật lâu, tôi muốn giây phút lễ bái Đức Phật được kéo dài thêm ra. Tôi linh cảm nghiệp dĩ đời mình sẽ vơi bớt đi sau mỗi lần lạy xuống đảnh lễ Đức Phật. Lúc này tôi không ngưỡng cầu điều gì cả, tôi chỉ nhiếp tâm lạy Phật với lòng cung kính quy ngưỡng, tín tâm nhất.

Sau khi lạy Phật như một lời thưa: “Kính thưa Đức Phật, con đã về đây. Nơi Ngài đã tìm ra chân lý”, tôi lui ra bên ngoài, kinh hành một vòng chiêm bái toàn cảnh Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ, nhận thấy có ba di tích lịch sử quan trọng nhất nơi đây là tháp Đại Giác, cây Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo và toà Kim Cang.

Ngôi Đại tháp có hình chóp nhọn đứng sừng sững uy nghi. Chiều cao của tháp là năm mươi hai mét, mỗi cạnh vuông là mười lăm mét. Tháp được xây dựng bằng chất liệu đá sa thạch. Bốn mặt tháp được điêu khắc chạm trổ theo lối kiến trúc thời cổ đại. Bên trong tháp, nơi chánh điện thờ pho tượng Phật thành đạo trong lồng kính. Pho tượng cao khoảng hai mét. Chất liệu tượng là đá mạ vàng.

Ngôi Đại tháp cũng đã từng bị phá hoại, hư tổn nên cũng đã trải qua nhiều lần tái tạo, phục chế.

Ngôi Đại tháp này là một trong tám mươi bốn ngàn ngôi đền tháp, thiền viện, tinh xá được Vua Asoka xây dựng trong thời kỳ ngài quy ngưỡng và truyền bá đạo Phật. Ngôi Đại tháp uy nghi sừng sững, lung linh huyền diệu trong ánh đèn đêm. Nơi đây, một bầu không khí linh thiêng đầy cảm xúc lan tỏa.

Di tích quan trọng thứ hai là cây Bồ-đề, nơi Đức Phật thành đạo. Cây Bồ-đề được bao bọc bảo vệ cẩn thận bằng một tường rào bằng đá cao khoảng hai mét. Cây Bồ-đề hiện nay không phải là cây Bồ-đề nguyên thuỷ khi Đức Phật thành đạo, đây chỉ là cây Bồ-đề được trồng lại để ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng này. Tuổi thọ của nó đến nay đã khoảng hơn một thế kỷ.

Cây Bồ đề có cành lá sum suê, màu xanh phủ tràn cả một không gian rộng lớn. Tôi nghĩ nếu vào ban ngày thì chắc các tán cây Bồ-đề đủ để che mát cho những người con Phật đang quây quần tu tập chung quanh cây Bồ-đề thiêng này. Trên hàng rào bảo vệ cây Bồ-đề cũng đầy những cờ phướn chép kinh của người Tây Tạng cúng dường. Nhiều mảng tường rào có dát vàng do Phật tử người Thái Lan cúng dường. Gần cây Bồ-đề còn có tảng đá khắc hình hai bàn chân. Đây có phải là bàn chân của Đức Phật?

Toà Kim Cang, di tích quan trọng thứ ba tại thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng toạ lạc ngay dưới cây Bồ-đề. Toà cũng được xây dựng bằng đá, hình chữ nhật. Nơi đây, Đức Phật đã ngồi thiền định trong tuần lễ thứ nhất sau khi thành đạo.

Tuần lễ thứ hai Ngài đứng và mắt nhìn không rời cây Bồ-đề, nơi đã giúp Ngài tìm ra chân lý.

Tuần lễ thứ ba, Ngài thiền hành quanh cây Bồ-đề để cảm niệm sự che chở của cây dành cho Ngài.

Tuần lễ thứ tư, Đức Phật đã nhập định sâu hơn. Lúc này, nơi đây phát ra những luồng hào quang ngũ sắc và đây chính là màu cờ Phật giáo ngày nay.

Tuần lễ thứ năm, Đức Phật đã nhận bát sữa cúng dường của nàng Sujata.

Tuần lễ thứ sáu là nơi Đức Phật đã được Mãng xà Vương che chở khi Ma Vương gây bão tố phá không cho Đức Phật ngồi thiền.

Tuần lễ thứ bảy, Đức Phật quyết định chuyển bánh xe pháp. Nơi đây hai thương nhân tình cờ đi ngang đã cúng dường Đức Phật bánh và mật ong. Đó là hai đệ tử cư sĩ đầu tiên của Đức Phật.

Tất cả bảy tuần lễ quan trọng này của Đức Phật sau khi thành đạo đều được đánh dấu, ghi bảng cẩn thận tại khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.

Trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng còn có một pho tượng Quan Âm linh thiêng. Quý thầy hướng dẫn: “Hãy cung kính chắp tay, nhắm mắt, đi thẳng về phía Ngài cầu nguyện. Khi đến nơi Ngài ngự, chạm hai tay và cúi sát đầu vào chân Ngài thì điều cầu nguyện của mình sẽ linh ứng”. Tôi đã làm đúng theo lời dạy của quý thầy.

Tiếng còi hiệu hết giờ chiêm bái vang lên. Đồng hồ lúc này đang là 21 giờ. Tôi cùng mọi người lưu luyến tạm biệt Bồ Đề Đạo Tràng, hẹn ngày mai sẽ lại đến để được lạy Phật, được tưới tẩm, truyền thọ năng lượng. Đoàn chúng tôi sẽ ở lại vùng đất thiêng này đến những năm ngày. Tha hồ chúng tôi được thoả mãn khát ngưỡng lễ bái Bồ Đề Đạo Tràng, một trong bốn Phật tích quan trọng của TỨ ĐỘNG TÂM.

Về lại chùa Viên Giác, ngôi chùa chúng tôi được lưu trú trong những ngày lễ bái Bồ Đề Đạo Tràng. Đoàn chúng tôi được bố trí ăn ở chu đáo, mọi việc nơi này đều được sắp xếp chỉn chu, tươm tất.

Chánh điện chùa Viên Giác đẹp, trang nghiêm với tượng Bổn sư oai nghi, nhưng từ bi, nhân ái. Các pho tượng những vị La-hán thờ phượng nơi đây hoàn toàn mang dáng dấp Việt Nam. Chánh điện được tôn trí trên tầng lầu thứ hai của chùa.

Ngay giữa tầng trệt, một bàn thờ thờ Phật Di Lặc tuyệt đẹp và pho tượng Phật Di Lặc này được tạc trong một hình tướng đẹp và lạ lắm. Thầy Nguyên Tân kể đây là pho tượng của nghệ nhân người Trung Quốc tác tạo. Pho tượng này nếu không được giới thiệu thì chúng ta không thể biết được đây là tượng Phật Di Lặc. Tôi thật sự ấn tượng và thú vị về lai lịch pho tượng. Tất cả chúng tôi đều thành kính đảnh lễ Ngài.

Ngoài sân chùa, mô hình chùa Một Cột được kiến trúc một cách sắc xảo như giới thiệu với bạn bè năm châu về một biểu tượng của văn hoá Việt Nam.

Nhằm mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni và Phật tử trong thời gian lưu trú tại chùa để tham gia tu tập lễ bái tại Bồ Đề Đạo Tràng, chùa đã bố trí toàn bộ việc ăn uống, nghỉ ngơi theo phong cách Châu Âu. Các Phật tử Ấn Độ tham gia công quả đã rất vui vẻ, nhiệt tình và chuyên nghiệp trong việc giúp đỡ đời sống sinh hoạt hàng ngày của khách hành hương.

 

Tôi thật sự ấn tượng và cảm tình với tất cả các chú Phật tử người Ấn đang ở công quả, phục vụ khách hành hương tại chùa. Các chú là những tín đồ Phật giáo hiếm hoi hiện nay trên đất nước Ấn Độ.

Đêm đầu tiên ngon giấc với niềm hạnh phúc đã chạm tay. Tôi đã được đến Bồ Đề Đạo Tràng. Một giấc mơ không tưởng...

Sáng hôm sau, do ngủ quên tôi đã đến Bồ Đề Đạo Tràng trễ. Thật là đáng giận vì đã không đúng hẹn với chính mình. Tôi đã tự hẹn sẽ đến Bồ Đề Đạo Tràng sáng nay thật sớm khi trời chưa sáng để được hít thở bầu không khí tinh khôi, tĩnh mịch, trong lành. Được lạy Phật trong một không gian hoàn toàn thanh tịnh, khi chưa có nhiều người đến lễ bái. Vậy mà, tôi đã đến trễ, thôi tất cả đều là duyên. Đức Phật đã dạy như vậy còn gì? Tôi đã tự tha thứ cho mình.

Vừa bước chân vào đến thềm tháp, tôi đã quỳ xuống đảnh lễ, sau đó chậm rãi đi vào chánh điện. Chánh điện lúc này cũng đã có đông người lễ bái. Tôi lạy Phật và cảm nhận Người đang rất vui khi nhìn thấy đàn con đã trở về, trở về nơi Người đã tìm ra chân lý. Rời chánh điện, tôi đi về phía cây Bồ-đề. Thật là xúc động, tất cả các lối đi từ cửa chánh điện dẫn đến cây Bồ-đề, toà Kim Cang mọi người đang rất thành kính, trang nghiêm tập trung tu tập. Hiện diện trong đạo tràng lúc này có Tu sĩ và Cư sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Người Tây phương đang trở về, nên tại các Phật tích họ xuất hiện ngày càng nhiều. Có vị lạy Phật, có vị ngồi thiền, có vị tụng kinh, có vị thiền hành nhiễu quanh tháp, có vị nhất bộ nhất bái hoặc tam bộ nhất bái. Cũng có vài nhóm Phật tử đang quây quần, tập trung nghe vị thầy của họ thuyết giảng. Ấn tượng nhất trong đạo tràng lúc này là những Tu sĩ, cư sĩ người Tây Tạng. Họ đi từng đoàn, vừa đi vừa niệm, vừa lần tràng hạt. Họ bước những bước đi mạnh mẽ, rầm rập, dứt khoát. Rất nhiều người Tây Tạng đang lạy theo cách lạy truyền thống của họ trên tấm ván dài mà tôi nhìn thấy có tấm mặt ván lõm xuống, nhẵn bóng do chủ nhân của chúng đã lạy quá nhiều, quá lâu. Ôi, thật là tuyệt vời khi tôi được biết có vị lạy từ bốn giờ khuya đến giờ đã được vài trăm lạy. Nhưng cho dù đến từ quốc gia nào, tu pháp môn gì thì tại đây tôi đều cảm nhận mọi người đang rất trang nghiêm, thành kính, nhiếp tâm hành trì pháp tu của mình. Trên gương mặt họ là niềm an lạc, hân hoan và hạnh phúc.

Ở đây đang có pháp hội của người Tây Tạng tổ chức nên người Tây Tạng đang chiếm số đông hiện diện nơi này.

Tôi bị cuốn hút vào không khí tu tập trang nghiêm, thuần thành này. Tôi quỳ xuống, bắt đầu vừa lạy Phật vừa niệm Phật dưới gốc cây Bồ-đề. Thân tâm tôi lúc này hoàn toàn an lạc. Tôi nhiếp tâm hành trì.

Dòng suối mát như suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi.

Trên đường về trưa nay tôi quan sát toàn cảnh Bồ Đề Đạo Tràng vào ban ngày. Ngoài ba di tích cực kỳ quan trọng, tại đây còn có những trụ đá A-dục, hàng trăm ngôi tháp nhỏ chung quanh điểm xuyến cho dáng đứng uy nghi, sừng sững của ngôi Đại tháp. Bên dưới ngôi Đại tháp còn có bốn tháp nhỏ, cũng hình chóp ở bốn góc.

Phía nam ngôi Đại tháp là một hồ nước, giữa hồ có một pho tượng Phật ngồi trên thân một con rồng. Một mái vòm che như chiếc đầu rồng vươn xa che chở cho Đức Phật. Đây là di tích của tuần lễ thứ sáu sau khi Đức Phật thành đạo. Phía bắc ngôi Đại tháp là một con đường bằng đá có chạm trổ những hình hoa sen bên trên, đây là nơi Đức Phật đã thiền hành vào tuần lễ thứ ba. Bồ Đề Đạo Tràng thiêng liêng còn nhờ vào sự chăm chỉ, tinh tấn tu tập của những người con Phật khi đến đây triều bái. Mặt bằng Bồ Đề Đạo Tràng gần như kín chỗ. Người triều bái đang gần như vượt ngưỡng sức chứa của nơi này. Ra khỏi Bồ Đề Đạo Tràng, dọc hai bên đường là những kiốt, sạp hàng, họ bán quà lưu niệm vô cùng phong phú những mặt hàng quà tặng và giá rẻ bất ngờ nhưng người mua phải thật khéo léo trả giá. Người Ấn bán hàng nói thách cao ngất ngưỡng, người mua rất dễ dàng bị mua lầm.

Bên ngoài khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng là một quần thể chùa chiền của nhiều quốc gia được xây dựng chung quanh như: Srilanka, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng, Bhutan.vv… Mỗi ngôi chùa đều mang bản sắc của quốc gia họ. Đặc biệt tôi hãnh diện vì sự có mặt của hai ngôi chùa Việt Nam là chùa Viên Giác và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự. Tôi cảm nhận sự hoà hợp chung sống hoà bình của tất cả những người con Phật đang quây quần bên người Cha tâm linh kính yêu: Đức Phật Thích Ca.

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay đã đang rất hưng thịnh, nơi đây đã trở thành Thánh địa thu hút hàng triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới về đây lễ bái, tu tập.

Tôi thầm cảm thán công đức vô lượng của ngài Dharmapala, người đã quyết tâm khôi phục Bồ Đề Đạo Tràng từ năm 1891.
Đoàn chúng tôi an lạc thọ nhận pháp lạc và hành trì tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng trong năm ngày. Xen lẫn giữa những ngày này chúng tôi có đến lễ bái Linh Thứu sơn, thành Vương Xá, núi Kê Túc.


Sáng nay chúng tôi đã có mặt tại Linh Thứu sơn lúc 06 giờ sáng. Sau một bữa điểm tâm nhẹ gồm bánh sandwish và chai (trà sữa), chúng tôi bắt đầu lễ bái Phật tích bằng hình thức “Tam bộ nhất bái” do thầy Nguyên Hiền đề nghị. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh núi Linh Thứu là ba ki-lô-mét.

Núi Linh Thứu được xem là nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần hai. Tại đây Đức Phật đã thuyết giảng bộ kinh Diệu pháp Liên Hoa, gọi tắt là kinh Pháp Hoa, Bát Nhã tâm kinh và nhiều bộ kinh Đại thừa khác nữa. Một thời gian dài, Linh Thứu là trú xứ của Đức Phật và Tăng đoàn.

“Linh Sơn Hội thượng Phật” cũng diễn ra tại đây cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm.

Tại đỉnh núi thiêng này, Thiền tông đã ra đời từ “Nụ cười vi tiếu” của ngài Ca-diếp khi Đức Phật im lặng đưa cao cành hoa trong hội chúng. Tại núi Kỳ-xà-quật, Đức Phật cũng đã thọ ký ngài A-nan, ngài Ca-diếp, ngài La-hầu-la sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác.

Núi Linh Thứu cũng là nơi Đức Phật quyết định hai việc quan trọng: Một là ngài A-nan trở thành thị giả cho Đức Phật. Hai là hằng năm Đức Phật sẽ về an cư tại Shrarvasti (Xá-vệ) và Đức Phật đã trải qua hai mươi bốn mùa an cư tại Shravasti.

Hôm nay khi chúng tôi đến đây, Linh Thứu vẫn là một thánh tích lịch sử được tín đồ Phật giáo và người Tây phương quan tâm, đổ về chiêm bái ngọn núi thiêng, ngọn núi tâm linh như vẫn còn âm vang Pháp âm huyền diệu của Đức Thế Tôn.

Đoàn chúng tôi sáng nay có chín người (gồm 7 người chúng tôi và thêm 2 Phật tử Việt Nam là anh Bê đến từ Anh Quốc và cô Phước đến từ Việt Nam), xếp một hàng thẳng, y áo, trang phục chỉnh tề. Chúng tôi bắt đầu “Tam bộ nhất bái” từ chân núi. Riêng tôi khi lạy đã được một phần ba đoạn đường thì tôi đã lên đến đỉnh bằng “Nhất bộ nhất bái”. Tôi muốn được lạy thật nhiều để thỏa niềm phấn khích, những hân hoan xúc động đang trào dâng trong tôi và để cảm niệm công đức vô lượng của Đức Phật đã vì chúng sanh giảng pháp, khai mở cho chúng sanh con đường giải thoát.

Trên đường lễ bái, đến các vị trí lịch sử đặc biệt của núi Linh Thứu, thầy Nguyên Hiền đã dừng lại và cặn kẽ hướng dẫn chúng tôi tham bái hương thất ngài A-nan tham thiền, hang động ngài Ca-diếp thiền định. Nơi Vua Tần-bà-sa-la cho đoàn tuỳ tùng lui, một mình lên núi gặp Đức Phật, nơi nhà vua xuống ngựa đi bộ lên núi vấn an Đức Phật.

Sau khi qua cầu, chiếc cầu bắc ngang một con suối nhỏ chảy qua núi Linh Thứu, đoạn này khá gập ghềnh, khúc khuỷu, đoàn chúng tôi cũng đã lên đến đỉnh. Tất cả như vỡ oà giữa những âm thanh tụng kinh, niệm Phật, trì chú của những vị Tăng sĩ và những Phật tử mà có lẽ họ đã lên đây từ rất sớm. Thật là cảm động, một khung cảnh thanh bình, ấm áp. Luồng từ trường thiêng liêng đang lan toả khắp đỉnh núi như đang chiêu cảm tâm thức chúng tôi.

Một chi tiết đặc biệt mà tôi nghĩ có lẽ đó là kỷ niệm đẹp nhất trong chuyến đi này của chị Tuyết. Khi lên đến đỉnh núi, chị gặp một vị tăng sĩ người Việt Nam đang tụng kinh Pháp Hoa. Chị đã xin thầy được cùng tụng. Chị rúng động khi tụng lên đoạn:

“…Con thơ dại bỏ ta
Hơn năm mươi năm tròn…”

Chị chia sẻ sự trùng hợp thiêng liêng này trong tâm trạng của tâm thức quay về vì trước ngày đi Ấn Độ, chị vừa khai kinh tụng bộ DIỆU PHÁP LIÊN HOA nhiệm mầu.

Chờ chị Tuyết tụng xong thời kinh. Đoàn chúng tôi trang nghiêm tiến hành thời lễ cúng dường Đức Phật tại đỉnh núi thiêng liêng. Nơi chúng tôi quỳ là một khoảng sân nhỏ bằng phẳng tráng xi măng, diện tích khoảng 10m x 20m, bên ngoài là một lan can hành lang thấp bằng gạch cũ nâu sẫm bao bọc chung quanh, bờ thành cao độ tám tấc. Bên trong còn có thêm một hành lang nhỏ, ở giữa hành lang này có một tượng Phật nhỏ, một lư hương to. Ngay tượng Phật có một chiếc đĩa đựng vài tờ tiền rupee của Ấn Độ, đây là đĩa tiền cò mồi của người đàn ông Ấn đang trông coi đỉnh núi. Xung quanh tượng Phật và lư hương tôi nhìn thấy nhiều đĩa hoa, tràng hoa, nến đèn, có cả cờ kinh của Phật tử Tây Tạng. Ở đây Phật tử Thái Lan cũng dát vàng dán quanh cúng dường.

Thời lễ của đoàn chúng tôi thanh tịnh và thành kính. Giọng tụng kinh của mọi người như hay hơn, vi diệu hơn… Chúng tôi kết thúc thời lễ trong tâm trạng an nhiên, khinh khoát.
Suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi…

Tạm biệt đỉnh núi thiêng liêng, chúng tôi men theo đường cũ lên núi Linh Thứu, đi về hướng đông có một con đường dẫn lên ngôi tháp Shanti, tháp hoà bình do người Nhật xây dựng. Tháp Shanti nằm trên một ngọn đồi thơ mộng. Tháp Shanti được xây dựng bằng chất liệu đá sa thạch màu trắng. Tháp cao khoảng năm mươi mét. Chung quanh tháp là bốn pho tượng vàng: Phật đản sanh, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập Niết bàn. Trên đất nước Ấn Độ này bất kỳ nơi nào có thánh tích, Phật tích, người Nhật đều có xây dựng tháp hoà bình Shanti. Người Nhật quan niệm, họ phải luôn luôn bồi dưỡng, phát triển đạo Tâm. Chính phủ Nhật Bản luôn khuyến khích dân chúng của họ tích cực và thường xuyên đi đến lễ bái, qui ngưỡng những Thánh tích, Phật tích trên thế giới để thọ nhận nguồn năng lượng tâm linh mang về bồi đắp cho nguyên khí quốc gia Nhật Bản của họ. Chính vì thế nguồn tài vật xây dựng tháp hoà bình do chính phủ Nhật bản tài trợ.
Tại khuôn viên trước tháp Shanti đang có rất nhiều khách hành hương, chiêm bái. Buổi sáng chiêm bái Linh Thứu của chúng tôi kết thúc lúc khoảng   12 giờ trưa sau khi quý thầy chụp ảnh lưu niệm với một nhóm thanh niên nam nữ bản xứ đang chiêm bái nơi này vì các em thấy lạ lẫm và thú vị với trang phục tu sĩ của quý thầy người Việt Nam nên đã xin chụp ảnh lưu niệm.
Chúng tôi không xuống bằng đường bộ mà đi cáp treo. Eo ơi! Cáp treo Ấn Độ cũng thật là ú tim. Hệ thống cáp treo cũ kỹ, di chuyển trên dây cáp với tốc độ chậm rãi, kẽo kẹt mang đến cảm giác hồi hộp, không an tâm cho du khách. Nhưng rồi chúng tôi cũng xuống đến chân núi. Tôi quay lại nhìn lên đỉnh núi một lần nữa. Niềm xúc động dâng trào.

Thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi vào một quán ven đường. Thầy đãi chúng tôi món ăn thích nhất tại Ấn Độ, món chowming.

Tạm biệt Linh Thứu với lòng cảm niệm thành kính nhất dành cho Đức Phật, tôi thấy lòng mình thanh thản, đầy an lạc.

Trên đường về, chúng tôi được tham quan thành Vương Xá, nơi Đức Phật đã gặp và hoá độ ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên.

Thành Vương Xá là kinh đô của Vương quốc Ma-kiệt-đà do vua Tần-bà-sa-la trị vì. Sau lần gặp Đức Phật đầu tiên tại Vương Xá, nhà vua đã rất cảm tình, cảm phục Đức Phật nên Ông đã tha thiết mời Đức Phật ở lại Vương Xá, nhưng Đức Phật đã từ chối và hẹn sẽ về thăm lại nơi đây sau khi Đức Phật thành đạo. Vì thế sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tại Sarnath, Ngài đã cùng Tăng đoàn gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo đến thăm thành Vương Xá. Nhà vua đã vui mừng, hoan hỷ chào đón Đức Phật và Tăng đoàn. Tại đây, nhà vua cũng đã cúng dường vườn Trúc Lâm cho Đức Phật và Tăng đoàn.

Khi sáng, trên đường đi đến núi Linh Thứu, quý thầy đã cho dừng xe hướng dẫn chúng tôi tham quan những lằn đường là những lằn xe ngựa đi qua trong thành Vương Xá để chúng tôi có thể cảm nhận được sự thịnh vượng, đông đúc, trù phú của thành Vương xá cách đây hơn hai ngàn năm. Đức Phật cũng thường xuyên đi khất thực trong thành.

Ngày nay, chiếc y đắp của các vị Tỳ kheo vẫn may theo đúng truyền thống mà Đức Phật đã thọ ký ngài A-nan khi Đức Phật lưu trú tại thành Vương Xá. Một lần nọ đứng trên đỉnh Linh Thứu, Đức Phật ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng tít tắp, những bờ ruộng đắp chia thành những thửa ruộng hình vuông. Đức Phật gọi đây là PHƯỚC ĐIỀN. Chứng tích lịch sử còn đây mà thời huy hoàng, thịnh phát của Vương Xá đã thuộc về quá khứ từ lâu.

Cũng tại thành Vương Xá Đức Phật đã thuần hoá được con voi điên của Đề-bà-đạt-đa thả ra để hãm hại Đức Phật khi Đức Phật đến thăm nơi này.

Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất do ngài Ca-diếp chủ trì sau khi Đức Phật nhập Niết bàn sáu tháng cũng được tổ chức tại thành Vương Xá.

Thành Vương Xá cũng là nơi lần đầu tiên thương nhân Cấp Cô Độc được gặp gỡ Đức Phật.

Đoàn chúng tôi có ghé lại tham quan ngục tù mà vua A-xà-thế đã giam giữ cha mình là vua Tần-bà-sa-la cho đến chết để soán ngôi vua. Nhưng sau khi vua cha chết không lâu, vua A-xà-thế hối hận và ông đã quy y Phật giáo. Ông trở thành một Phật tử tín tâm và thuần thành.

Thành Vương Xá

Ngục tù là một khu đất rộng khoảng sáu mươi mét vuông, dưới nền nhà là đá được chất đầy chung quanh bao bọc. Ngày còn tại thế, từ trong ngục tù này nhà vua đã hướng về núi Linh Thứu để được nhìn thấy Đức Phật hàng ngày thiền định.
Nếu ngày xưa thành Vương Xá thịnh vượng và nổi tiếng với nhiều sự kiện lịch sử thì ngày nay thành Vương Xá điêu tàn, hiu hắt. Nơi đây hiện tại chỉ còn là một con đường nhỏ vắng vẻ, hoang tàn và trơ trụi. Tôi ngậm ngùi chia tay thành Vương Xá.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thăm Nalanda, trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Ngôi trường này đã có những bậc Thánh tăng, Cao tăng giảng dạy và theo học như ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Trần Na, Pháp Hiển, Giới Hiền, Huyền Trang… Vào thời điểm hưng thịnh nhất, Nalanda đã đào tạo được hàng trăm luận sư nổi tiếng như ngài Long Thọ, về sau ngài là Viện trưởng của đại học Nalanda. Khoảng mười ngàn môn sinh đã theo học với sự hướng dẫn của các giáo sư kiệt xuất. Những điều kể trên do thầy Nguyên Tân đọc cho chúng tôi nghe từ trên phiến đá đen dựng trước cổng vào giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển cũng như tổng thể kiến trúc của ngôi trường đại học Phật giáo đầu tiên này. Tôi thật sự ngạc nhiên trước tầm cỡ qui mô của Nalanda.

Trường đại học Nalanda được thành lập vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nalanda có nghĩa là “Bố thí Ba-la-mật”. Nalanda nổi tiếng vì đây là trường đại học đầu tiên có uy tín vào thiên niên kỷ thứ nhất. Trường tổ chức thi tuyển sinh rất gắt gao. Nhiều học giả về Nalanda dự thi với ước mơ được vào đây học tập giáo lý, kinh điển vi diệu của Đức Phật nhưng tỷ lệ đậu chỉ có thể là hai người đậu trong trong số mười thí sinh dự thi.

Nalanda còn đặc biệt nổi tiếng với môn học biện luận. Đây là môn học chính, giáo lý thường được đưa ra để tranh luận. Một trong những Luận sư kiệt xuất được đào tạo tại đây là ngài Long Thọ.

Nalanda được xây dựng trên khu đất rộng mười bốn hecta. Bên trong có mười một tinh xá và năm ngôi chùa. Tháp ngài Xá-lợi-phất cách cổng chính vài chục mét. Đi lên hết bậc tam cấp là một chánh điện có thờ pho tượng Phật lớn. Những di tích còn lại ở đây cho thấy có rất nhiều phòng nhỏ với những hành lang rộng phía trước. Mỗi khu đều có chánh điện, bên trong thờ Phật. Di tích của mười một tinh xá, nhiều ngôi tháp vẫn hiện hữu nơi này. Chất liệu xây dựng của những công trình cổ tại đây đều bằng gạch nung đỏ sẫm. Những bậc tam cấp dẫn vào các thư viện, giảng đường , ký túc xá, tăng phòng có cả bếp và giếng nữa. Toàn bộ Nalanda được xây dựng nhiều tầng, từ trên đỉnh của tầng cao nhất chúng ta có thể quan sát hết được toàn cảnh. Những bức tường đá ong hoài cổ hút hồn khách lãng tử. Thật tuyệt vời, một màu cổ độ thiêng liêng, trầm mặc và đầy trí huệ đang ở trước mặt tôi.

Nalanda


Nalanda tuyệt vời là thế nhưng rồi cũng không tránh được những hận thù tôn giáo, những tranh chấp, tị hiềm chính trị và cả những tai họa do hoả hoạn mang đến để cuối cùng Nalanda cũng đã phải cùng Phật giáo Ấn Độ lụi tàn trong bức màn vô minh của con người. Đoàn chúng tôi rời Nalanda trong niềm luyến tiếc thời kỳ huy hoàng rực rỡ, của ngôi trường đại học Phật giáo đầu tiên này biết bao. Ôi, cái lý sinh diệt bây giờ tôi đã được hiểu rõ ràng hơn tại nơi này.

Do không còn đủ thời gian nên chúng tôi đã không được đến thăm KỶ NIỆM ĐƯỜNG của ngài Huyền Trang, “Bậc đống lương của Phật giáo Trung Quốc”, một ân nhân vĩ đại, đáng kính của đất nước Ấn Độ. Chính nhờ ngài Huyền Trang mà Ấn Độ đã tìm lại được chính xác lịch sử dân tộc mình. Người Ấn kính ngưỡng ngài như một vị anh hùng của dân tộc họ.

Nhưng dù không đến được KỶ NIỆM ĐƯỜNG ngài Huyền Trang thì tôi cũng hiểu được và vô cùng cảm kích, tri ân công đức vô lượng của ngài trong việc ghi chép cẩn thận, đầy đủ tất cả các di tích, Thánh tích, Phật tích trên đất nước Ấn Độ để ngày nay những Phật tử như tôi có cơ hội đến qui ngưỡng, lễ bái và những ghi chép của ngài vẫn đang là cơ sở uy tín giúp cho công việc khai quật khảo cổ được đầy đủ và chính xác. Tại Nalanda và tất cả các Thánh tích, Phật tích mà đoàn chúng tôi đã đi qua, công việc khai quật khảo cổ vẫn đang được tiến hành.

Trên đường về lại chùa Viên Giác, quý thầy hướng dẫn cho chúng tôi biết Khổ hạnh lâm, nơi Đức Phật đã sáu năm tu khổ hạnh cùng năm anh em Kiều-trần-như. Dòng sông Ni-liên-thuyền, dòng sông thiêng nơi Đức Phật tắm và quăng bình bát phát nguyện trước khi Người thành đạo. Ngày nay khi chúng tôi đến đây, dòng Ni-liên-thuyền đang mùa khô nước, người dân Ấn đang tập trung khai thác cát. Quang cảnh lúc này tấp nập người, xe nhưng sao tôi vẫn cảm nhận nỗi đìu hiu buồn bã của dòng sông lịch sử. Xa xa là ngôi làng Sujatacuti, nơi nàng thiếu nữ Sujata cúng dường Đức Phật bát sữa.

Chúng tôi về đến chùa Viên Giác lúc 17g50’. Sau khi dùng cơm tối, tôi và chị Tuyết đã ra Bồ Đề Đạo Tràng lạy Phật. Một buổi tối thanh bình, an lạc cùng trăng rằm trên đất Phật, tôi như được truyền năng lượng…

Ngày hôm sau, 30-01-2010 dương lịch, nhằm ngày 16-12 âm lịch, đoàn chúng tôi đã có một ngày thảnh thơi, tự tại công phu bái sám với nhất bộ nhất bái tại Bồ Đề Đạo Tràng. Cùng ngày chúng tôi có đến viếng thăm ngôi chùa Tây Tạng cách Bồ Đề Đạo Tràng hai ki-lô-mét, chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu trụ trì, ngôi chùa Việt Nam thứ hai Thầy xây dựng trên đất Phật.


Ngày 31-01-2010 dương lịch, nhằm 17-12 âm lịch đoàn chúng tôi chiêm bái núi Kê Túc.

Núi Kê Túc, ngọn núi thiêng. Thánh tích nơi ngài Ca-diếp ở đây chờ Phật Di Lặc ra đời.

Núi Kê Túc cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng ba mươi lăm ki-lô-mét. Chúng tôi đến đây khoảng 08 giờ sáng. Băng qua đường ray xe lửa, đi bộ khoảng hơn một ki-lô-mét thì vào đến chân núi. Chung quanh chân núi là những thôn xóm nghèo nàn, nhà cửa xập xệ, có cả những căn chòi lá nghèo đến mức tôi đã không dám nghĩ đó là nơi “những con người” đang sinh sống. Người ở đây nhìn lam lũ, ốm yếu và nhếch nhác. Đó là biểu hiện của đời sống nghèo nàn, lạc hậu. Người  ăn xin ở đây nhiều vô kể.

Đỉnh núi kê Túc

Từ chân núi nhìn lên, tôi thấy đỉnh núi mang hình dáng chiếc chân gà. Chúng tôi bắt đầu leo núi, đường đi tương đối dễ dàng vì đã được tu sửa nhiều lần nhưng Thầy Nguyên Hiền kể con đường ngày xưa khi thầy đến đây rất gập ghềnh, khúc khuỷu, khó đi nhưng bù lại con đường hoang sơ đẹp và thơ mộng hơn nhiều. Khoảng cách từ chân núi lên đến đỉnh cao khoảng gần một ki-lô-mét. Dọc đường lên, quang cảnh chung quanh yên tĩnh và đẹp đến rung động lòng người. Những tảng đá thiên nhiên hùng vĩ tạo nên dáng vẻ chắc chắn, hùng dũng của ngọn núi như nâng bước chân đoàn chúng tôi mạnh dạn hơn, hăm hở hơn. Thi thoảng là những hồ nước trong xanh, mát lạnh. Khí hậu sáng nay mát mẻ, dễ chịu. Do không bị nắng nên khi lên đến đỉnh núi, mọi người chúng tôi không ai bị mệt. Sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi đã lên đến đỉnh. Bên phải có một hang động nhưng bít lối. Bên trái là một tảng đá có vết nứt thẳng tắp, đều đặn như vết cắt của một trái táo. Đây là điều kỳ diệu đặc biệt đầu tiên của ngọn núi Kê Túc này, theo truyền thuyết khi ngài Ca-diếp đến đây thì ngọn núi đã tự động nứt ra và ngài đã men theo lối này lên đỉnh núi nhập định chờ ngài Di Lặc ra đời. Kẽ nứt này là đường đi duy nhất dẫn lên đỉnh núi. Kẽ nứt chỉ vừa đủ cho một người có tầm thước trung bình đi vào. Chúng tôi lần lượt từng người một đi vào kẽ nứt, đường lúc này tối phải dùng đèn pin. Không khí ở khe nứt này mát lạnh và có vẻ huyền bí. Từ đầu khe nứt vào đến lối rẽ trái để lên đỉnh núi khoảng một trăm mét. Lối rẽ này xuyên qua lòng đá, bị tối do ánh mặt trời không xuyên vào được. Cuối cùng chúng tôi cũng qua được khúc ngặt này bằng đèn pin. Rồi chúng tôi cũng đến được đỉnh núi. Tại đỉnh núi có một tháp thờ ngài Ca-diếp. Đoàn chúng tôi y áo chỉnh tề, thắp hương, đốt trầm thực hiện một thời lễ nhỏ tưởng nhớ ngài.

Niềm hân hoan, xúc động ngập tràn trong chúng tôi. Nỗi phấn khích này đã được thầy Nguyên Hiền sáng tác một bài thơ và thầy đã viết vào cuốn lưu bút tại đây do ban hộ Tháp mời ghi. Bài thơ được thầy Nguyên Hiền sáng tác bằng chữ Hán. Bài thơ được phiên âm như sau:

“Kê Túc sơn trung hoài Thất sơn
Bất kiến Như Lai bất kiến nhơn
Duy tín sơn trung đãi Từ Thị
Tôn giả Ma-ha đức vĩnh tồn”
Dịch:
“Trên núi Kê Túc nhớ Thất sơn
Chẳng thấy Như Lai, chẳng thấy người
Chỉ tin trên núi ngài Ca-diếp
Vẫn còn đợi Di Lặc Từ tôn”.

Đi thêm vài bước nữa chúng tôi lên đến chóp núi. Tại đây có ngôi đền Hindu với phiến đá in hình bàn chân đặt trước cửa đền.
Đặc biệt tại tất cả các Thánh tích, Phật tích trên đất nước Ấn Độ đều có đền Ấn giáo được xây dựng kế bên và mặc dù hiện nay Phật giáo đã gần như bị diệt vong thì tại các Thánh tích, Phật tích của Phật giáo vẫn luôn được người Ấn bảo tồn và chăm sóc vệ sinh thật tốt. Tôi thầm cảm ơn sự tử tế tuyệt vời này của người Ấn.

Chúng tôi ăn trưa trên đỉnh núi Kê Túc, 12g30’ chúng tôi xuống đến chân núi, về lại Bồ Đề Đạo Tràng. Kết thúc chuyến chiêm bái Kê Túc sơn nơi ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang đã từng đến đây chiêm bái.


Thời gian còn lại của ngày 31-01-2010 chúng tôi tiếp tục hiện diện tại Bồ Đề Đạo Tràng. Chúng tôi cứ như bị cuốn hút về phía thánh địa thiêng liêng này. Không khí tu tập, hành trì tại Bồ Đề Đạo Tràng luôn gây ấn tượng và lôi cuốn khách tham quan chiêm bái dù bất kỳ đó là ai đang hiện diện như ông Nguyễn Văn Dũng từng viết. Ông Nguyễn Văn Dũng không phải là Phật tử nhưng khi ông cùng đoàn du lịch của ông từ Việt Nam đến đây chiêm bái, ông cũng đã rất cung kính, trang nghiêm tham thiền, lạy Phật và thật sự ông đã có niềm an lạc lạ thường.

Những ngày lưu trú ở Bồ Đề Đạo Tràng tôi vô cùng hạnh phúc. Thân tâm hoàn toàn an lạc. Nguồn năng lượng vô giá cứ chảy tràn vào tâm tôi. Càng lúc càng củng cố niềm tin đạo pháp trong tôi. Tôi tin rằng nghiệp dĩ đời mình cũng sẽ được nhẹ nhàng hơn từ đây. Con xin cúi đầu, thành kính chí tâm đảnh lễ Đức Phật và Chư vị Bồ tát.

Theo đúng lịch trình, đoàn chúng tôi sẽ còn được lưu trú tại Bồ Đề Đạo Tràng đêm nay và buổi sáng mai.

Đêm cuối cùng ở Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn chúng tôi đã cùng nhau đốt nến cúng dường Đức Phật. Những ngọn nến lung linh, huyền diệu như chính ánh hào quang Phật pháp đang chiếu rọi vào chúng sanh. Tôi như cảm nhận được sự che chở, yêu thương của Đức Phật. Lòng tôi dâng trào niềm xúc động tri ân.

Chung quanh chúng tôi cũng đang có nhiều ngọn nến được thắp lên từ những Phật tử của nhiều quốc gia khác nhau đang hiện diện tại Bồ Đề Đạo Tràng. Một niềm tin mãnh liệt khởi động trong tôi, Phật giáo Ấn Độ sẽ hồi sinh, sẽ trở lại thời kỳ hưng thịnh huy hoàng và phát triển như chính ước nguyện của các ngài Huyền Trang, Edwin Arnord, Dharmapala…

Ngày 01-02-2010 dương lịch, nhằm ngày 18-12 âm lịch, tại Bồ Đề Đạo Tràng, Xá-lợi Phật sẽ được rước vào chánh điện làm lễ và sau đó cung thỉnh về chùa Srilanka đối diện Bồ Đề Đạo Tràng để triển lãm, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 2 năm 2010, do Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức. Là Phật tử người Việt Nam nên đoàn chúng tôi cũng hân hoan đón chờ.

04g30’ sáng ngày 01-02-2010, Bồ Đề Đạo Tràng rực rỡ cờ hoa, người chiêm bái đông đến vài chục ngàn người. Tất cả đều chỉnh tề, cung kính chắp tay chờ đợi cung nghinh Xá-lợi Phật. Từng đoàn người, dẫn đầu là các vị Tăng sĩ tiến dần vào chánh điện, Xá-lợi Phật được các Tăng sĩ Việt Nam cung thỉnh, nhiễu tháp chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng. Quý thầy đoàn chúng tôi chính là những người khiêng kiệu Xá-lợi Phật, quả là phước báo. Sau khi nhiễu tháp Xá-lợi Phật được cung thỉnh về chùa Srilanka. Theo sau kiệu Xá-lợi Phật là hàng ngàn Phật tử khắp năm châu đang hành hương tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Trước cổng ngôi chùa Srilanka cũng rực rỡ những dây cờ Phật giáo, tràn ngập hoa và mùi thơm của trầm đang lan toả tăng thêm phần đạo vị cho sự kiện quan trọng này. Theo quy định của Ban tổ chức, Phật tử người Việt Nam sẽ được ưu tiên vào chánh điện triều bái Xá-lợi Phật đầu tiên. Không còn hạnh phúc nào hơn với chúng tôi lúc này. Khi ra về, tôi nhìn thấy bên ngoài cổng chùa Phật tử các nước đang xếp hàng dọc, đông đến cả hàng ngàn người chờ đợi vào chánh điện lễ bái, trên gương mặt họ niềm hân hoan hiển hiện.

Quay trở lại chánh điện Bồ Đề Đạo Tràng, tôi thành kính lạy Phật với niềm tín tâm tuyệt đối và đơn giản như đã từng hiện hữu lâu nay trong tôi. Trong những giây phút cuối cùng thiêng liêng còn lại ở Bồ Đề Đạo Tràng trong chuyến hành hương này, tôi vẫn không ngưỡng cầu điều gì, tôi chỉ khởi tâm phát nguyện sẽ tiếp tục cố gắng học tập, trao dồi giáo lý, kinh điển nhiều hơn nữa và song song sẽ huân tập, hành trì thật tốt những gì học được từ giáo lý như Đức Phật đã dạy: “Giáo pháp chính là giáo chủ của tín đồ Phật giáo. Hãy tinh tấn tu tập để mục đích gần nhất là đạt được đời sống an lạc”.

Những giây phút quý giá cuối cùng còn lại, tôi đã nhiễu quanh tháp ba vòng. Vừa đi tôi vừa niệm Phật với niềm xúc động, bùi ngùi lưu luyến.

Suối nguồn vi diệu đang chảy tràn trong tôi…
Trước khi về lại chùa Viên Giác để thu xếp hành lý, tôi ghé mua sắm vài món quà lưu niệm trong các cửa hiệu, sạp hàng dọc hai bên lề Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi không có nhiều tiền nên tôi cũng đã không mất nhiều thời gian mua sắm. Món quà tâm linh mà tôi thích nhất được mang về từ chính quê hương Đức Phật là đất tại bốn Phật tích quan trọng (Tứ động tâm), tôi sẽ dành tặng người thân với tấm lòng trân trọng nhất.


19 giờ, sau bữa cơm tối cuối cùng tại chùa Viên Giác. Đoàn chúng tôi đã kính cẩn bái biệt Thầy trụ trì và quý thầy tại đây để về Delhi chuẩn bị về lại Việt Nam, kết thúc chuyến hành hương về đất Phật. Cuộc chia tay nào cũng rôm rả nhưng bùi ngùi, bịn rịn…

Xe đưa chúng tôi đến nhà ga xe lửa Bodh Gaya. Chuyến tàu sẽ khởi hành lúc 01 giờ sáng đưa chúng tôi về Delhi.

Vậy là mười sáu ngày tuyệt vời và mầu nhiệm nhất cuộc đời tôi đã trôi qua. Mười sáu ngày hành hương qua hầu hết các Thánh tích, Phật tích quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật từ vùng nam Ấn lên bắc Ấn và sang cả Nepal thì dãy hang động mà tôi yêu thích nhất là dãy hang động Ajanta cùng những bức bích hoạ nơi này. Phật tích làm tôi xúc động nhất, ngưỡng mộ nhất là Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi cứ như bị cuốn hút về phía Thánh địa. Không khí tu tập nơi đây thật sự làm tôi yêu thích và lôi cuốn niềm tín tâm, ngưỡng bái trong tôi. Núi Kê Túc cho tôi niềm hân hoan cảm kích, tôi thú vị với truyền thuyết ngài Ca-diếp nhập định nơi này, chờ đón Phật Di Lặc ra đời, bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngài Ca-diếp chưa hề có ngày thị tịch.

Vườn Lộc Uyển, núi Linh Thứu là những Phật tích tôi vô cùng kính ngưỡng. Tôi hạnh phúc khi đã đến nơi Đức Phật chuyển bánh xe pháp. Sư phụ tôi thường giảng: “Sanh được thân người là khó, nghe được Phật pháp còn khó hơn nhiều”. Ngày nay với những tiến bộ của khoa học, người ta hy vọng sẽ thu âm lại được toàn bộ pháp âm của Đức Phật đã từng thuyết giảng từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước.

Riêng sông Hằng quá ấn tượng, xin nhớ mãi buổi sáng thanh bình, tự tại du thuyền trên sông. Nhớ con sông thiêng huyền bí với “Hằng hà sa số” và cảnh mặt trời mọc trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của khách hành hương.

Chuyến tàu xuyên đêm đã đưa chúng tôi về đến thủ đô Delhi lúc 07g30’ sáng ngày 02-02-2010. Delhi là thủ đô văn minh, hiện đại vào bậc nhất của đất nước Ấn Độ hiện nay. Chúng tôi đi taxi về khách sạn. Thầy Nguyên Tân đã đặt phòng trước tại đây.

Khách sạn này là của người Tây Tạng nằm trong một khu phố của người Tây Tạng. Ngay quầy tiếp tân của khách sạn, bức ảnh của Đức Lai Lạt Ma được phóng to, treo một cách rất trang trọng. Ngài là Phật sống của người Tây Tạng. Ngài vừa là Pháp vương vừa là Quốc vương.

Chúng tôi nhận phòng, nghỉ ngơi. Thầy Nguyên Tân đề nghị: “Trưa nay mọi người tự do, tự túc cho vui”. Tất cả chúng tôi đều đồng ý.
Thầy và thầy Nguyên Tâm đi về phòng của thầy ở ký túc xá đại học Delhi, nơi thầy đang theo học. Ký túc xá ở cách chúng tôi vài cây số.

Buổi cơm trưa đầu tiên tại Delhi, thầy Nguyên Hiền rủ chúng tôi ăn món chowming, món mà chúng tôi ai cũng thích tại một nhà hàng khá sang trọng trong khu phố Tây Tạng này.

Ba giờ chiều, Thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi đi tham quan lăng Thánh Gandhi.

Lăng ngài được đặt giữa một khuôn viên xanh mát tươi đẹp. Những bãi cỏ xanh rì, những hàng cây cổ thụ tít tắp, những bồn hoa, luống hoa nhiều màu sắc, sang trọng đang rung rinh trước gió tạo nét thơ mộng nơi ngàn thu an nghỉ của ngài. Đất nước Ấn độ tôn vinh ngài như một vị Thánh. Hàng trăm du khách đang  tuần tự, im lặng xếp hàng diễu quanh lăng ngài. Trong lăng có một ngọn nến đang cháy và người Ấn kể rằng: “Ngọn nến ấy chưa bao giờ tắt như chính cuộc đời toả sáng của ngài trên đất nước Ấn Độ”.

Rời lăng Ganhdi thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi tiếp tục đến thăm Khải hoàn môn của Delhi. Khải hoàn môn ở đây nhỏ hơn Khải hoàn môn ở Mumbai nhưng lượng người tham quan, vui chơi tại nơi này cũng đông không kém ở Khải hoàn môn – Mumbai. Thầy đãi chúng tôi ăn kem Ấn Độ trên đường đến tham quan toà nhà Quốc hội tại Delhi nhưng do trời đã tối, quá giờ hành chánh nên chúng tôi chỉ được đứng xa ngắm nhìn.

Đoàn chúng tôi còn ghé vào một trung tâm thương mại sang trọng, hiện đại vào bậc nhất tại Delhi. Delhi về đêm đẹp và sang trọng, hiện đại như thủ đô Paris tráng lệ của Pháp vậy. Sau khi tham quan chúng tôi về lại khách sạn bằng tàu điện ngầm. Ở thành phố hiện đại này, phương tiện tàu điện ngầm đã xuất hiện từ thế kỷ trước. Người Ấn ở đây da trắng, đẹp, quý phái và hiện đại như người Châu Âu. Đáng tiếc thời gian hạn hẹp nên tôi không có cơ hội đến viếng thăm trường đại học Delhi để được ngắm nhìn vẻ đẹp mặn mà, quyến rũ của những thiếu nữ sinh viên người Ấn đang theo học tại đây. Tôi nghe kể, họ luôn làm xao xuyến người đối diện.


Sáng ngày 03-02-2010 chúng tôi tham quan điểm cuối cùng trên đất nước Ấn Độ này. Đó là một trong bảy kỳ quan thế giới, đền TajMahal.

Đền TajMahal ngụ tại Agra. Kỳ quan này được đại thi hào Tagore, một vĩ nhân của đất nước Ấn Độ ví von là “Giọt lệ lấp lánh trên gò má của thiên thu”. Đền TajMahal được xây dựng bởi Quốc vương Mughal ShahJahan dành cho Hoàng hậu Mumtaza Mahal của mình. Công trình được xây dựng vào thế kỷ mười bảy trong vòng hai mươi năm trời với lực lượng hai mươi ngàn nghệ nhân, sau khi công trình hoàn thành hai mươi ngàn nghệ nhân này đã bị chính đức vua chặt đứt đôi bàn tay để vĩnh viễn TajMahal là công trình kiến trúc dành cho tình yêu vĩnh cửu duy nhất trên toàn thế giới. Ngôi đền được cấu trúc bằng chất liệu đá cẩm thạch màu trắng. toàn bộ kiến trúc ngôi đền hoàn hảo và sắc xảo đến từng chi tiết. Tất cả các hoa văn, họa tiết và những đoá hoa bằng đá được điêu khắc tinh xảo  như một bức tranh thêu tay tỉ mỉ, cẩn thận đẹp một cách hoàn mỹ. Ngôi đền mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng và lãng mạn. Vào bên trong đền, từng dòng người tham quan, xếp hàng một lần lượt đi quanh đền. Giữa đền là hai ngôi mộ của hoàng hậu và một người con. Nhân quả không ngoại lệ với bất kỳ ai.Với tội ác tày trời chặt đứt tay hai mươi ngàn nghệ nhân sau khi công trình hoàn thành, đức vua Shah Jahan đã bị chính con trai mình là Aurangzeb soán ngôi, giam cầm ông trong ngục ở Agra, nhưng ông vẫn còn chút may mắn khi hàng ngày từ trong ngục tù ông vẫn được ngắm nhìn lâu đài tình ái TajMahal của mình.

Hiện nay, đền TajMahal là điểm tham quan du lịch không thể thiếu của du khách ngoại quốc khi du lịch đến Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã rất tích cực trong việc bảo vệ ngôi đền bằng các quy định cụ thể như: chung quanh  ngôi đền trong vòng bán kính khoảng 100km không xây dựng các nhà máy cơ khí, nhà máy phát điện, sản xuất hoá chất độc hại… Nhờ vậy mà ngôi đền còn vẻ đẹp hầu như nguyên vẹn, đá cẩm thạch vẫn còn một màu trắng tinh khôi. Tạm biệt đền TajMahal, tôi vô cùng ngưỡng mộ sự tài hoa, thông minh của các nghệ nhân xưa đã tác tạo nên cho đời một công trình mỹ thuật vĩ đại, tinh xảo và độc đáo hàng đầu thế giới.

Ở Delhi còn có Red Fort, là kinh thành năm xưa của vua Shah Jahan được xây dựng năm 1638, đây cũng là công trình kiến trúc vĩ đại, độc đáo thời vua Shah Jahan. Ấn tượng, nhưng không còn đủ thời gian nên thật đáng tiếc đoàn chúng tôi đã không đến được Red Fort tham quan.

Dọc đường về, những hàng cây cổ thụ hai bên đường, những rừng cây nguyên sinh giữa lòng thành phố, những luống hoa màu sắc rực rỡ giữa tim đường như điểm tô và làm tăng phần thơ mộng cho thành phố hiện đại này.

08 giờ tối chúng tôi về đến khách sạn. Bữa ăn tối cuối cùng trên đất Ấn thật thịnh soạn. Rời nhà hàng, chúng tôi về khách sạn sửa soạn hành lý, chuẩn bị sáng mai năm giờ sẽ ra phi trường trở về Việt Nam, kết thúc chuyến hành hương xứ Phật.

09 giờ sáng ngày 04-02-2010, chúng tôi đã có mặt ở phi trường quốc tế Dehli (Ấn Độ). Đoàn lưu luyến chia tay thầy Nguyên Tân. Thầy ở lại tiếp tục chương trình học. Sáu người chúng tôi vào bên trong xếp hàng, check-in và chờ đợi chuyến bay về Việt Nam sẽ khởi hành lúc 12giờ 5 phút cùng ngày.


Tôi đã quay lại nhìn lần cuối đất trời Ấn Độ. Xin chào tạm biệt đất nước Ấn Độ. Đất nước của du lịch và tâm linh nổi tiếng thế giới với những dãy hang động hùng vĩ, những đền đài, lăng tẩm nguy nga tráng lệ; những công trình văn hoá, nghệ thuật văn minh cổ đại. Đất nước của nhiều tín ngưỡng và đam mê tôn giáo. Đất nước của kỳ thị, phân biệt giai cấp khắc nghiệt nhưng cũng chính tại đất nước này hình ảnh an nhiên, tự tại luôn hiện hữu trên gương mặt người, họ bằng lòng vui sống với triết lý “TRẢ NGHIỆP”. Đất nước của nhiều đối nghịch song hành. Đất nước của không gì không thể. Đất nước của nhiều những ấn tượng. Ấn tượng với tài nghệ lái xe của tài xế Ấn Độ. Ấn tượng với đi xe lửa đứng một chân, ấn tượng với cái lắc đầu đồng ý đáng yêu của người Ấn. Ấn tượng những người đàn ông nhai trầu bỏm bẻm, bình an tự tại. Ấn tượng với phong cách làm việc, lao động trầm trì, chậm rãi của người Ấn. Ấn tượng với việc ăn bằng tay. Ấn tượng với thủ tục ma chay đơn giản khi gia đình họ có người mệnh chung, người Ấn xem cái chết nhẹ hơn lông hồng. Ấn tượng với những tập quán ăn uống, sinh hoạt của người Ấn, gần như họ ăn chay, sống đời đơn giản tự tại. Tinh thần nhẫn nhịn, bao dung, hiền hoà của người Ấn luôn là cảm tình cho người đối diện. Hình ảnh người Ấn dùng cây Nimpa chà răng là một nét văn hoá cổ truyền, tấm sari truyền thống duyên dáng, kín đáo của người Ấn, hoa sen được chính phủ Ấn Độ chọn làm quốc hoa…Tất cả đều phảng phất dấu ấn Đức Phật thời tại thế. Phải chăng, chủng tử Phật giáo vẫn luôn hiện hữu trong dòng máu của người Ấn? Tôi tri ân tấm lòng tử tế của người Ấn đã đặc biệt ưu ái dành cho các Thánh tích, Phật tích trải dài trên khắp đất nước Ấn Độ khi chính họ là những người đã tích cực góp phần bảo tồn, chăm sóc  thật tốt những Thánh địa này, dù rằng hiện nay tín đồ Phật giáo Ấn Độ chỉ còn 1% trong tất cả các tôn giáo đang tồn tại trên đất Ấn để ngày nay Phật tử khắp năm châu vẫn còn có cơ hội tề tựu về đây qui bái. Khi trang viết cuối cùng này sắp hoàn tất thì tôi được biết một thông tin quý giá: Ngày 03.08.2010 tại Delhi - Ấn Độ, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1998, giáo sư Amartya Kuma Sen khẳng định dự án khôi phục trường đại học Phật giáo Nalanda sẽ được triển khai ngay sau khi đạo luật liên quan đến dự án này được quốc hội Ấn Độ thông qua. Kinh phí dự tính của dự án khoảng 1 tỷ đô la. Dự án đã được nêu ra từ thập niên 1990 nhưng chỉ thu hút sự chú ý của công luận từ năm 2006 khi một ủy ban bảo trợ dự án được thành lập. Giáo sư Amartya Kuma Sen làm chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ và chính phủ Singapore đã có những cam kết tài trợ đối với dự án này. Dự án hiện nay đang nằm trên bàn các nhà lập pháp Ấn Độ. Đây là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để những người con Phật hy vọng Phật giáo Ấn Độ sẽ hồi sinh và phát triển như đã từng phát triển huy hoàng, hưng thịnh trong quá khứ.

Đúng 12g05’, máy bay cất cánh. Những ngày cận Tết cổ truyền ở quê nhà đang chờ đón chúng tôi trở về.

Đà Nẵng, Mùa an cư Phật lịch 2554
Phật tử Quảng Hàn