Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Nov 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI

Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn - THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI

Email In PDF
Mục lục bài viết
Lạc Bước Đường Mây_Quảng Hàn
KANHERI - DÃY HANG ĐỘNG CỔ XƯA
AURANGABAD - KHO TÀNG NGHỆ THUẬT CỔ XƯA
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
VAISHALI - CỔ THÀNH BỊ LÃNG QUÊN
KUSINAGAR - MIỀN AN TĨNH MUÔN TRÙNG
NEPAL - TIỂU VƯƠNG QUỐC HUYỀN THOẠI
SHRAVASTI - VƯỜN CÂY CỦA TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC VÀ THÁI TỬ KỲ ĐÀ
SARNATH VÀ ẤN TƯỢNG SÔNG HẰNG
BODHGAYA - THÁNH ĐỊA LÀM CHẤN ĐỘNG THÂN TÂM
THÀNH VƯƠNG XÁ - NHỮNG DI CHỈ TUYỆT VỜI
NÚI KÊ TÚC - NƠI NGÀI CA DIẾP ĐỢI ĐỨC PHẬT DI LẶC RA ĐỜI
CON VỀ LẠY DƯỚI CHÂN NGÀI
DELHI - THỦ ĐÔ CỦA ẤN ĐỘ
TAJMAHAL - KỲ QUAN THẾ GIỚI
LỜI CUỐI
Tất cả các trang

Sáng nay chúng tôi đã có mặt tại Linh Thứu sơn lúc 06 giờ sáng. Sau một bữa điểm tâm nhẹ gồm bánh sandwish và chai (trà sữa), chúng tôi bắt đầu lễ bái Phật tích bằng hình thức “Tam bộ nhất bái” do thầy Nguyên Hiền đề nghị. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh núi Linh Thứu là ba ki-lô-mét.

Núi Linh Thứu được xem là nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần hai. Tại đây Đức Phật đã thuyết giảng bộ kinh Diệu pháp Liên Hoa, gọi tắt là kinh Pháp Hoa, Bát Nhã tâm kinh và nhiều bộ kinh Đại thừa khác nữa. Một thời gian dài, Linh Thứu là trú xứ của Đức Phật và Tăng đoàn.

“Linh Sơn Hội thượng Phật” cũng diễn ra tại đây cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm.

Tại đỉnh núi thiêng này, Thiền tông đã ra đời từ “Nụ cười vi tiếu” của ngài Ca-diếp khi Đức Phật im lặng đưa cao cành hoa trong hội chúng. Tại núi Kỳ-xà-quật, Đức Phật cũng đã thọ ký ngài A-nan, ngài Ca-diếp, ngài La-hầu-la sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác.

Núi Linh Thứu cũng là nơi Đức Phật quyết định hai việc quan trọng: Một là ngài A-nan trở thành thị giả cho Đức Phật. Hai là hằng năm Đức Phật sẽ về an cư tại Shrarvasti (Xá-vệ) và Đức Phật đã trải qua hai mươi bốn mùa an cư tại Shravasti.

Hôm nay khi chúng tôi đến đây, Linh Thứu vẫn là một thánh tích lịch sử được tín đồ Phật giáo và người Tây phương quan tâm, đổ về chiêm bái ngọn núi thiêng, ngọn núi tâm linh như vẫn còn âm vang Pháp âm huyền diệu của Đức Thế Tôn.

Đoàn chúng tôi sáng nay có chín người (gồm 7 người chúng tôi và thêm 2 Phật tử Việt Nam là anh Bê đến từ Anh Quốc và cô Phước đến từ Việt Nam), xếp một hàng thẳng, y áo, trang phục chỉnh tề. Chúng tôi bắt đầu “Tam bộ nhất bái” từ chân núi. Riêng tôi khi lạy đã được một phần ba đoạn đường thì tôi đã lên đến đỉnh bằng “Nhất bộ nhất bái”. Tôi muốn được lạy thật nhiều để thỏa niềm phấn khích, những hân hoan xúc động đang trào dâng trong tôi và để cảm niệm công đức vô lượng của Đức Phật đã vì chúng sanh giảng pháp, khai mở cho chúng sanh con đường giải thoát.

Trên đường lễ bái, đến các vị trí lịch sử đặc biệt của núi Linh Thứu, thầy Nguyên Hiền đã dừng lại và cặn kẽ hướng dẫn chúng tôi tham bái hương thất ngài A-nan tham thiền, hang động ngài Ca-diếp thiền định. Nơi Vua Tần-bà-sa-la cho đoàn tuỳ tùng lui, một mình lên núi gặp Đức Phật, nơi nhà vua xuống ngựa đi bộ lên núi vấn an Đức Phật.

Sau khi qua cầu, chiếc cầu bắc ngang một con suối nhỏ chảy qua núi Linh Thứu, đoạn này khá gập ghềnh, khúc khuỷu, đoàn chúng tôi cũng đã lên đến đỉnh. Tất cả như vỡ oà giữa những âm thanh tụng kinh, niệm Phật, trì chú của những vị Tăng sĩ và những Phật tử mà có lẽ họ đã lên đây từ rất sớm. Thật là cảm động, một khung cảnh thanh bình, ấm áp. Luồng từ trường thiêng liêng đang lan toả khắp đỉnh núi như đang chiêu cảm tâm thức chúng tôi.

Một chi tiết đặc biệt mà tôi nghĩ có lẽ đó là kỷ niệm đẹp nhất trong chuyến đi này của chị Tuyết. Khi lên đến đỉnh núi, chị gặp một vị tăng sĩ người Việt Nam đang tụng kinh Pháp Hoa. Chị đã xin thầy được cùng tụng. Chị rúng động khi tụng lên đoạn:

“…Con thơ dại bỏ ta
Hơn năm mươi năm tròn…”

Chị chia sẻ sự trùng hợp thiêng liêng này trong tâm trạng của tâm thức quay về vì trước ngày đi Ấn Độ, chị vừa khai kinh tụng bộ DIỆU PHÁP LIÊN HOA nhiệm mầu.

Chờ chị Tuyết tụng xong thời kinh. Đoàn chúng tôi trang nghiêm tiến hành thời lễ cúng dường Đức Phật tại đỉnh núi thiêng liêng. Nơi chúng tôi quỳ là một khoảng sân nhỏ bằng phẳng tráng xi măng, diện tích khoảng 10m x 20m, bên ngoài là một lan can hành lang thấp bằng gạch cũ nâu sẫm bao bọc chung quanh, bờ thành cao độ tám tấc. Bên trong còn có thêm một hành lang nhỏ, ở giữa hành lang này có một tượng Phật nhỏ, một lư hương to. Ngay tượng Phật có một chiếc đĩa đựng vài tờ tiền rupee của Ấn Độ, đây là đĩa tiền cò mồi của người đàn ông Ấn đang trông coi đỉnh núi. Xung quanh tượng Phật và lư hương tôi nhìn thấy nhiều đĩa hoa, tràng hoa, nến đèn, có cả cờ kinh của Phật tử Tây Tạng. Ở đây Phật tử Thái Lan cũng dát vàng dán quanh cúng dường.

Thời lễ của đoàn chúng tôi thanh tịnh và thành kính. Giọng tụng kinh của mọi người như hay hơn, vi diệu hơn… Chúng tôi kết thúc thời lễ trong tâm trạng an nhiên, khinh khoát.
Suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi…

Tạm biệt đỉnh núi thiêng liêng, chúng tôi men theo đường cũ lên núi Linh Thứu, đi về hướng đông có một con đường dẫn lên ngôi tháp Shanti, tháp hoà bình do người Nhật xây dựng. Tháp Shanti nằm trên một ngọn đồi thơ mộng. Tháp Shanti được xây dựng bằng chất liệu đá sa thạch màu trắng. Tháp cao khoảng năm mươi mét. Chung quanh tháp là bốn pho tượng vàng: Phật đản sanh, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập Niết bàn. Trên đất nước Ấn Độ này bất kỳ nơi nào có thánh tích, Phật tích, người Nhật đều có xây dựng tháp hoà bình Shanti. Người Nhật quan niệm, họ phải luôn luôn bồi dưỡng, phát triển đạo Tâm. Chính phủ Nhật Bản luôn khuyến khích dân chúng của họ tích cực và thường xuyên đi đến lễ bái, qui ngưỡng những Thánh tích, Phật tích trên thế giới để thọ nhận nguồn năng lượng tâm linh mang về bồi đắp cho nguyên khí quốc gia Nhật Bản của họ. Chính vì thế nguồn tài vật xây dựng tháp hoà bình do chính phủ Nhật bản tài trợ.
Tại khuôn viên trước tháp Shanti đang có rất nhiều khách hành hương, chiêm bái. Buổi sáng chiêm bái Linh Thứu của chúng tôi kết thúc lúc khoảng   12 giờ trưa sau khi quý thầy chụp ảnh lưu niệm với một nhóm thanh niên nam nữ bản xứ đang chiêm bái nơi này vì các em thấy lạ lẫm và thú vị với trang phục tu sĩ của quý thầy người Việt Nam nên đã xin chụp ảnh lưu niệm.
Chúng tôi không xuống bằng đường bộ mà đi cáp treo. Eo ơi! Cáp treo Ấn Độ cũng thật là ú tim. Hệ thống cáp treo cũ kỹ, di chuyển trên dây cáp với tốc độ chậm rãi, kẽo kẹt mang đến cảm giác hồi hộp, không an tâm cho du khách. Nhưng rồi chúng tôi cũng xuống đến chân núi. Tôi quay lại nhìn lên đỉnh núi một lần nữa. Niềm xúc động dâng trào.

Thầy Nguyên Tân đưa chúng tôi vào một quán ven đường. Thầy đãi chúng tôi món ăn thích nhất tại Ấn Độ, món chowming.

Tạm biệt Linh Thứu với lòng cảm niệm thành kính nhất dành cho Đức Phật, tôi thấy lòng mình thanh thản, đầy an lạc.

Trên đường về, chúng tôi được tham quan thành Vương Xá, nơi Đức Phật đã gặp và hoá độ ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên.

Thành Vương Xá là kinh đô của Vương quốc Ma-kiệt-đà do vua Tần-bà-sa-la trị vì. Sau lần gặp Đức Phật đầu tiên tại Vương Xá, nhà vua đã rất cảm tình, cảm phục Đức Phật nên Ông đã tha thiết mời Đức Phật ở lại Vương Xá, nhưng Đức Phật đã từ chối và hẹn sẽ về thăm lại nơi đây sau khi Đức Phật thành đạo. Vì thế sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tại Sarnath, Ngài đã cùng Tăng đoàn gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo đến thăm thành Vương Xá. Nhà vua đã vui mừng, hoan hỷ chào đón Đức Phật và Tăng đoàn. Tại đây, nhà vua cũng đã cúng dường vườn Trúc Lâm cho Đức Phật và Tăng đoàn.

Khi sáng, trên đường đi đến núi Linh Thứu, quý thầy đã cho dừng xe hướng dẫn chúng tôi tham quan những lằn đường là những lằn xe ngựa đi qua trong thành Vương Xá để chúng tôi có thể cảm nhận được sự thịnh vượng, đông đúc, trù phú của thành Vương xá cách đây hơn hai ngàn năm. Đức Phật cũng thường xuyên đi khất thực trong thành.

Ngày nay, chiếc y đắp của các vị Tỳ kheo vẫn may theo đúng truyền thống mà Đức Phật đã thọ ký ngài A-nan khi Đức Phật lưu trú tại thành Vương Xá. Một lần nọ đứng trên đỉnh Linh Thứu, Đức Phật ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng tít tắp, những bờ ruộng đắp chia thành những thửa ruộng hình vuông. Đức Phật gọi đây là PHƯỚC ĐIỀN. Chứng tích lịch sử còn đây mà thời huy hoàng, thịnh phát của Vương Xá đã thuộc về quá khứ từ lâu.

Cũng tại thành Vương Xá Đức Phật đã thuần hoá được con voi điên của Đề-bà-đạt-đa thả ra để hãm hại Đức Phật khi Đức Phật đến thăm nơi này.

Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất do ngài Ca-diếp chủ trì sau khi Đức Phật nhập Niết bàn sáu tháng cũng được tổ chức tại thành Vương Xá.

Thành Vương Xá cũng là nơi lần đầu tiên thương nhân Cấp Cô Độc được gặp gỡ Đức Phật.

Đoàn chúng tôi có ghé lại tham quan ngục tù mà vua A-xà-thế đã giam giữ cha mình là vua Tần-bà-sa-la cho đến chết để soán ngôi vua. Nhưng sau khi vua cha chết không lâu, vua A-xà-thế hối hận và ông đã quy y Phật giáo. Ông trở thành một Phật tử tín tâm và thuần thành.

Thành Vương Xá

Ngục tù là một khu đất rộng khoảng sáu mươi mét vuông, dưới nền nhà là đá được chất đầy chung quanh bao bọc. Ngày còn tại thế, từ trong ngục tù này nhà vua đã hướng về núi Linh Thứu để được nhìn thấy Đức Phật hàng ngày thiền định.
Nếu ngày xưa thành Vương Xá thịnh vượng và nổi tiếng với nhiều sự kiện lịch sử thì ngày nay thành Vương Xá điêu tàn, hiu hắt. Nơi đây hiện tại chỉ còn là một con đường nhỏ vắng vẻ, hoang tàn và trơ trụi. Tôi ngậm ngùi chia tay thành Vương Xá.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thăm Nalanda, trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Ngôi trường này đã có những bậc Thánh tăng, Cao tăng giảng dạy và theo học như ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Trần Na, Pháp Hiển, Giới Hiền, Huyền Trang… Vào thời điểm hưng thịnh nhất, Nalanda đã đào tạo được hàng trăm luận sư nổi tiếng như ngài Long Thọ, về sau ngài là Viện trưởng của đại học Nalanda. Khoảng mười ngàn môn sinh đã theo học với sự hướng dẫn của các giáo sư kiệt xuất. Những điều kể trên do thầy Nguyên Tân đọc cho chúng tôi nghe từ trên phiến đá đen dựng trước cổng vào giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển cũng như tổng thể kiến trúc của ngôi trường đại học Phật giáo đầu tiên này. Tôi thật sự ngạc nhiên trước tầm cỡ qui mô của Nalanda.

Trường đại học Nalanda được thành lập vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nalanda có nghĩa là “Bố thí Ba-la-mật”. Nalanda nổi tiếng vì đây là trường đại học đầu tiên có uy tín vào thiên niên kỷ thứ nhất. Trường tổ chức thi tuyển sinh rất gắt gao. Nhiều học giả về Nalanda dự thi với ước mơ được vào đây học tập giáo lý, kinh điển vi diệu của Đức Phật nhưng tỷ lệ đậu chỉ có thể là hai người đậu trong trong số mười thí sinh dự thi.

Nalanda còn đặc biệt nổi tiếng với môn học biện luận. Đây là môn học chính, giáo lý thường được đưa ra để tranh luận. Một trong những Luận sư kiệt xuất được đào tạo tại đây là ngài Long Thọ.

Nalanda được xây dựng trên khu đất rộng mười bốn hecta. Bên trong có mười một tinh xá và năm ngôi chùa. Tháp ngài Xá-lợi-phất cách cổng chính vài chục mét. Đi lên hết bậc tam cấp là một chánh điện có thờ pho tượng Phật lớn. Những di tích còn lại ở đây cho thấy có rất nhiều phòng nhỏ với những hành lang rộng phía trước. Mỗi khu đều có chánh điện, bên trong thờ Phật. Di tích của mười một tinh xá, nhiều ngôi tháp vẫn hiện hữu nơi này. Chất liệu xây dựng của những công trình cổ tại đây đều bằng gạch nung đỏ sẫm. Những bậc tam cấp dẫn vào các thư viện, giảng đường , ký túc xá, tăng phòng có cả bếp và giếng nữa. Toàn bộ Nalanda được xây dựng nhiều tầng, từ trên đỉnh của tầng cao nhất chúng ta có thể quan sát hết được toàn cảnh. Những bức tường đá ong hoài cổ hút hồn khách lãng tử. Thật tuyệt vời, một màu cổ độ thiêng liêng, trầm mặc và đầy trí huệ đang ở trước mặt tôi.

Nalanda


Nalanda tuyệt vời là thế nhưng rồi cũng không tránh được những hận thù tôn giáo, những tranh chấp, tị hiềm chính trị và cả những tai họa do hoả hoạn mang đến để cuối cùng Nalanda cũng đã phải cùng Phật giáo Ấn Độ lụi tàn trong bức màn vô minh của con người. Đoàn chúng tôi rời Nalanda trong niềm luyến tiếc thời kỳ huy hoàng rực rỡ, của ngôi trường đại học Phật giáo đầu tiên này biết bao. Ôi, cái lý sinh diệt bây giờ tôi đã được hiểu rõ ràng hơn tại nơi này.

Do không còn đủ thời gian nên chúng tôi đã không được đến thăm KỶ NIỆM ĐƯỜNG của ngài Huyền Trang, “Bậc đống lương của Phật giáo Trung Quốc”, một ân nhân vĩ đại, đáng kính của đất nước Ấn Độ. Chính nhờ ngài Huyền Trang mà Ấn Độ đã tìm lại được chính xác lịch sử dân tộc mình. Người Ấn kính ngưỡng ngài như một vị anh hùng của dân tộc họ.

Nhưng dù không đến được KỶ NIỆM ĐƯỜNG ngài Huyền Trang thì tôi cũng hiểu được và vô cùng cảm kích, tri ân công đức vô lượng của ngài trong việc ghi chép cẩn thận, đầy đủ tất cả các di tích, Thánh tích, Phật tích trên đất nước Ấn Độ để ngày nay những Phật tử như tôi có cơ hội đến qui ngưỡng, lễ bái và những ghi chép của ngài vẫn đang là cơ sở uy tín giúp cho công việc khai quật khảo cổ được đầy đủ và chính xác. Tại Nalanda và tất cả các Thánh tích, Phật tích mà đoàn chúng tôi đã đi qua, công việc khai quật khảo cổ vẫn đang được tiến hành.

Trên đường về lại chùa Viên Giác, quý thầy hướng dẫn cho chúng tôi biết Khổ hạnh lâm, nơi Đức Phật đã sáu năm tu khổ hạnh cùng năm anh em Kiều-trần-như. Dòng sông Ni-liên-thuyền, dòng sông thiêng nơi Đức Phật tắm và quăng bình bát phát nguyện trước khi Người thành đạo. Ngày nay khi chúng tôi đến đây, dòng Ni-liên-thuyền đang mùa khô nước, người dân Ấn đang tập trung khai thác cát. Quang cảnh lúc này tấp nập người, xe nhưng sao tôi vẫn cảm nhận nỗi đìu hiu buồn bã của dòng sông lịch sử. Xa xa là ngôi làng Sujatacuti, nơi nàng thiếu nữ Sujata cúng dường Đức Phật bát sữa.

Chúng tôi về đến chùa Viên Giác lúc 17g50’. Sau khi dùng cơm tối, tôi và chị Tuyết đã ra Bồ Đề Đạo Tràng lạy Phật. Một buổi tối thanh bình, an lạc cùng trăng rằm trên đất Phật, tôi như được truyền năng lượng…

Ngày hôm sau, 30-01-2010 dương lịch, nhằm ngày 16-12 âm lịch, đoàn chúng tôi đã có một ngày thảnh thơi, tự tại công phu bái sám với nhất bộ nhất bái tại Bồ Đề Đạo Tràng. Cùng ngày chúng tôi có đến viếng thăm ngôi chùa Tây Tạng cách Bồ Đề Đạo Tràng hai ki-lô-mét, chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu trụ trì, ngôi chùa Việt Nam thứ hai Thầy xây dựng trên đất Phật.