phi trường Aurangabad
08 giờ chúng tôi đến phi trường Aurangabad. Phi trường ở đây nhỏ và cũ kỹ hơn nhiều so với phi trường Mumbai.
Xe khách sạn đón chúng tôi. Về đến khách sạn khoảng 10g30’ sáng. Sắp xếp nghỉ ngơi, ăn trưa. 13g30’ chúng tôi lên đường tham quan dãy hang động Ajanta.
Tâm trạng tôi lúc này hân hoan, hăm hở vì đã được nghe thầy Nguyên Hiền từng giới thiệu tóm lược về Ajanta. Tôi nóng lòng đến đây để được chiêm ngưỡng dãy hang động nổi tiếng với những bức bích họa, những pho thạch tượng mà trước đây khi lần đầu tiên đến chiêm bái thầy Nguyên Hiền đã phải sụp lạy.
Đến Ajanta ngoài tiền vé vào cổng (giá vé của khách ngoại quốc mắc gấp hai mươi lăm lần giá vé khách trong nước), chúng tôi còn phải trả thêm tiền xe buýt chở chúng tôi từ cổng vào đến dãy hang động. Xem ra, người Ấn cũng khéo biết móc túi du khách đấy chứ. Nhìn quanh, tôi thấy cũng có khá nhiều khách Tây vào tham quan. Dọc hai bên đường vào hang động dày đặc các gian hàng bán quà lưu niệm, bưu ảnh, băng đĩa…
dãy hang động Ajanta
những bức bích họa vẽ lên tường
Thầy Nguyên Hiền nói dãy hang động Ajanta này đã bị người ta bỏ quên hàng ngàn năm. Rừng núi bao phủ che kín hàng thiên niên kỷ đến nổi người Ấn Độ không hề biết đến sự tồn tại của dãy hang động này. Đến thời thuộc địa Anh, một sĩ quan quân đội Hoàng gia vô tình đứng trên đỉnh núi, nơi có đường quốc lộ đi ngang. Bỗng dưng ông phát hiện dưới chân núi đối diện, đá có những hình thù kỳ lạ, những hang động hay những bậc tam cấp uốn khúc như có bàn tay con người từng chạm đến. Ông tìm đường xuống núi và khám phá dãy hang động hùng vĩ này. Thầy Nguyên Hiền cũng giải thích rằng rất có thể vì muốn bảo tồn thánh tích kỳ công này mà Chư tăng ngày xưa đã bỏ đi hết, bít lấp các lối vào hang động để đội quân Hồi giáo khỏi phát hiện. Khi Phật giáo bị tiêu diệt ở Ấn Độ, Ajanta cũng bị bỏ quên. Ngày nay người ta vẫn còn làm một ngôi nhà hình bát giác ngay nơi vị trí người lính năm xưa phát hiện ra dãy hang động. Trước khi tham quan dãy hang động, xe khách thường dừng lại ở vị trí này để du khách được ngắm nhìn Ajanta Caves từ xa.
Cấu trúc địa tầng ở Aurangabad cũng thật kỳ lạ. Những dãy núi đá bao quanh như miệng núi lửa. Bên dưới là những rừng cây bạt ngàn, cao vút vọt lên bên sườn núi. Xe đậu lại tại một bãi đất trống. Đoàn chúng tôi xuống xe và bắt đầu tham quan Ajanta Caves.
Chao ôi! Lạy Phật, tôi thật sự rúng động về sự hùng vĩ của dãy hang động trước mắt. Quang cảnh nơi đây khác lạ, mơ màng như một chốn thiên thai. Sườn núi thoai thoải, phủ một màu xanh đầy sức sống, bên dưới là một dòng suối hiền hòa uốn quanh. Dưới chân vách núi là những hang động. Đây là các tu viện, thiền viện mà tăng đoàn Phật giáo đã từng ở và tu tập cách nay hàng ngàn năm.
Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, hữu tình, thanh bình và an tịnh.
Tôi rúng động cả thân tâm khi bước chân vào từng hang động riêng biệt. Ajanta Caves có tất cả 29 hang động.
Không khí bên trong các hang động mát lạ đến rợn người, không gian hơi tối tạo cảm giác linh thiêng, sự yên ắng làm ta bồi hồi, xúc động. Đúng như thầy Nguyên Hiền đã kể, Ajanta quả là trung tâm của nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc, hội họa của văn hóa Ấn Độ cổ đại.
Khi đối diện chiêm ngưỡng các bức bích họa, tôi đã vô cùng thán phục và ngưỡng mộ tài nghệ và trí tuệ của người xưa. Những bức bích họa dù đã trải qua hơn hai ngàn năm vẫn còn tươi nguyên màu sắc. Chẳng rõ người xưa đã dùng chất liệu gì để giữ nguyên màu sắc ấy suốt hơn hai ngàn năm mà vẫn còn tươi nguyên như vậy.
Những bức bích họa phần lớn phác họa lại: Cuộc đời Đức Phật, những cung điện, đền đài, những ngôi thiền viện, tu viện sừng sững uy nghi, những sinh hoạt đời thường của các tầng lớp nhân dân thời cổ đại. Cũng có các bức bích họa thể hiện nội dung cúng tế, cầu tự mang đậm tinh thần tôn giáo của người cổ đại Ấn Độ. Nghệ thuật ca múa, xướng hội cũng được thể hiện trên các bức bích họa. Thật tuyệt vời, nền nghệ thuật điêu khắc và hội họa của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ từ cách đây hơn hai ngàn năm.
Trong các bức bích họa tại đây, tôi đặc biệt yêu thích bức bích họa thể hiện hình tướng của một vị Bồ Tát. Bức bích họa gần như còn nguyên vẹn. Hình tượng vị Bồ Tát đầu hơi nghiêng, khuôn mặt thánh thiện, thanh thoát. Miệng ngài hơi mỉm cười. Mắt ngài từ bi, ánh nhìn như soi sáng tâm hồn người đối diện. Tôi cảm giác ngài đang rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng tôi trong lúc này. Tôi thật sự xúc động và tôi đã quỳ xuống đảnh lễ ngài. Luồng từ trường thiêng liêng truyền vào tôi. Tôi yêu thích bức bích họa. Tôi đã chụp hình rất nhiều bức bích họa này.
Ajanta nổi tiếng không chỉ vì có những bức bích họa độc đáo mang giá trị vĩnh hằng, mà ở đây còn có các pho thạch tượng cũng ấn tượng không kém. Những pho thạch tượng nơi này đầy vẻ uy nghi, sống động khiến người đến chiêm bái thưởng lãm khi đối diện phải phát khởi tín tâm ngưỡng bái. Đoàn chúng tôi sửa soạn y áo, trang phục trang nghiêm thành kính đảnh lễ và tụng một thời kinh cúng dường với niềm xúc cảm chân thành và tri ân.
Thạch tượng nơi này có đường nét, dáng vẻ mềm mại, tất cả đều như có linh hồn, gần gũi chi lạ. Tôi lễ lạy các pho thạch tượng với lòng thành kính vô biên. Thần khí từ các pho thạch tượng như truyền vào tâm thức tôi. Khi chúng tôi quỳ trước các ngài trong niềm tin đầy cảm tính.
Tại hang động cuối cùng, hang động thứ 29, nơi có pho thạch tượng Phật nhập Niết bàn. Khi vừa bước vào tôi đã bồi hồi xúc động đến khóc rất nhiều. Pho thạch tượng Phật nhập Niết bàn nằm đó sinh động, mềm mại như kim thân Đức Phật đang hiện hữu. Bầu không khí thiêng liêng phủ trùm. Tôi cảm nhận sự ấm áp, gần gũi, thân thiện từ pho tượng phát ra. Tôi vừa khóc, vừa đảnh lễ Đức Phật. Người như mỉm cười nhìn tôi. Ánh nắng chiều xuyên vào hang động làm cho khung cảnh lúc này càng thêm huyền diệu, ấm áp. Tôi như được truyền năng lượng.
Dường như suối nguồn vi diệu đang chảy trong tôi.
Các trụ đá là những trụ cột trong các hang động được chạm trổ, điêu khắc những hoa văn, họa tiết đẹp và tinh xảo đến hoàn hảo.
Tôi tự nghĩ, những công trình văn hóa, nghệ thuật vĩ đại này có lẽ ngày xưa đã được các vị tiên thánh từ trên cung trời xuống dùng phép thần thông để hóa hiện, tạo dựng hoặc giả nếu chỉ là những nghệ nhân là người phàm thì khi tham gia xây dựng, sáng tạo, thể hiện những công trình vĩ đại này chắc họ phải là những người tài hoa xuất chúng cộng với tâm Bồ - đề được phát khởi và họ phải có một đời sống tâm linh thật tinh tấn và thanh tịnh thì họ mới đã có thể tác tạo được những công trình vĩ đại như thế. Tôi xin được quỳ xuống cúi lạy tri ân những bậc tiền nhân đã lưu lại cho hậu thế những công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị lịch sử và giá trị tâm linh vĩnh hằng như tôi đang cảm nhận nơi này.
17g30’ chúng tôi rời Ajanta trong niềm luyến tiếc…
Sáng hôm sau chúng tôi đến tham quan dãy hang động Ellora và đền Ấn giáo ở Hyderabad.
hang động Ellora
đền Ấn giáo ở Hyderabad.
Ellora có khoảng mười mấy hang động. Từng dãy hang động cũng chỉn chu và thần khí như ở Ajanta Caves. Tại đây, mặt tiền của dãy hang động tạo cho ta cảm giác đây như là một trường đại học Phật Giáo. Mặt tiền dãy hang động thẳng tắp, ngay ngắn. Lối đi vào hang động là những bậc tam cấp thấp, lài dễ đi. Ở đây có cả cầu thang để đi lên phía trên cũng là những thạch động với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của đời sống như những hang động bên dưới.
Quang cảnh chung quanh dãy thạch động là một dãy núi, vách núi phủ tràn một màu xanh cây cỏ. Rừng nguyên sinh với thật nhiều cây cổ thụ vẫn còn được lưu giữ chưa bị bàn tay con người can thiệp nên vẻ đẹp hoang sơ nơi này còn gần như nguyên thủy. Khí hậu nơi đây thanh khiết, dễ chịu. Không khí thanh tịnh, trầm mặc.
Trên sườn núi là dãy hang động hùng vĩ, đây là những tu viện, trú xứ năm xưa của Tăng đoàn với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt cho đời sống của Tăng chúng.
Trong từng hang động trưng bày các pho thạch tượng uy nghi, sống động. Ellora đặc biệt có DƯỢC SƯ THẤT PHẬT. Bảy pho thạch tượng đẹp đến hoàn hảo. Đường nét bảy pho thạch tượng mềm mại tinh xảo. Tôi quỳ xuống đảnh lễ với lòng thành kính, thuần thành nhất… Do phải gấp rút để kịp chuyến tàu lúc 02 giờ chiều về Patna nên chúng tôi đã không được ở lâu trong dãy hang động Ellora này.
Sang đền Ấn Giáo, chúng tôi tham quan như chạy nhưng vì cũng không thích lắm nên tôi đã không chú tâm vì thế cũng đã không thu nhặt được gì ở đền Ấn giáo này.
Rời Ellora trong niềm luyến tiếc, tâm trạng tôi khắc khoải, đau đáu, xót xa trước những hư hại, tổn thất của các Thánh tích. Tôi miệt mài mặc tưởng đến những điều vừa thấy nhưng thật tâm cho đến lúc này tôi vẫn thuộc về Ajanta.
- Giấc Mơ Trưa Và Cào Cào Cánh Đỏ
- Chim con về với Phật
- Giọt Nước Cành Dương
- Soi Gương Không Thấy Bóng Mình
- Lời Sám Hối Của Cha
- Chuyện Của Dòng Sông
- Đêm Lễ Hội Quán Âm _ Truyện ngắn của Nhất Thanh
- Hình Ảnh Cuộc Đời
- Chiếc Cầu Muôn Thưở
- Gốc Tùng
- HALF MOON BAY
- Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân (Chương 1)