Anh ơi, hôm qua thầy vừa xuống tóc xuất gia cho em”. Em đã nhắn cho tôi cái tin như thế, một ngày sau khi em xuống tóc, bước chân trên con đường giải thoát.
Em 18. Em hiền lành và trong sáng đến lạ. Tôi gặp em trong ngôi tịnh xá thương quen, trong mùa thị chín. Em thánh thiện trong bộ áo tràng màu nâu cũ mỗi thời công phu tối.
Có lần em bảo tôi: “Em muốn chọn con đường giải thoát vì em thấy không có niềm vui nào trong cuộc sống là kéo dài mãi. Chỉ có con đường đạo mới mang lại cho người ta niềm an vui thật sự”. Tôi đồng ý với em.
Giấc mơ chú Huệ.jpg
Ước mơ về một chú Huệ vẫn mãi trong tôi - Ảnh minh họa
Tôi đã nghĩ thật nhiều về cái tuổi 18 của em, và của tôi. Cái tuổi 18 của những thiết tha và ước vọng rất đời, rất 18… Sau ngày hôm nay, tôi sẽ gọi em là sư chú, rồi đến thầy, thay cho cái tên Nguyên Tâm thuần khiết như chính con người của em. Và tôi sẽ nhìn về em bằng cái nhìn ngưỡng vọng của cuộc đời mình. Con đường tu học giải thoát của em còn dài, và con đường ấy với tôi chừng như còn dài hơn thế nữa…
Tôi không nhớ nhiều về tuổi thơ, ngoài những giấc mơ tôi thấy mình là chú tiểu quét lá trong sân chùa. Và giấc mơ ấy, thi thoảng vẫn còn theo tôi đến tận hôm nay. Có lẽ vì tôi còn trần tục quá, trong tôi có sự nhiễm ô của phiền trược cuộc đời nên tôi chưa đủ dũng khí và thuận duyên để bước đi trên con đường ấy. Niềm tin ấy, dũng khí ấy đôi khi mãnh liệt và thôi thúc lắm. Nhưng có lúc tôi nghĩ, nghĩ thật nhiều… Rồi lại thôi, tôi bước lùi.
Và cũng không biết tự bao giờ tôi thấy thương lắm hình ảnh những chú điệu, chú tiểu trong chùa. Tôi hay lễ Phật ở các ngôi tịnh xá, nơi đây các chú được gọi là Huệ. Các chú trong sáng và đáng yêu quá chừng, làm tôi vất vả tìm lại giấc mơ chú Huệ ngày nào của mình. Nhìn các chú tung tăng, hồn nhiên làm những “tiểu Phật sự”, tôi cười một mình vì thấy mình đang ngập tràn trong hạnh phúc của các chú. Giờ tôi đang trôi lăn giữa những bộn bề của cuộc sống, trên cuộc hành trình mưu sinh không ngừng nghỉ. Và mỗi lần nhìn lại, tôi thấy mình “mất” thêm một chút. Nhưng giấc mơ chú Huệ ngày xưa vẫn đâu đây trong những suy tư của tôi…
Người đời tìm đến Phật giáo như một cứu cánh cho cuộc đời nhiều biến thiên, sự hướng thượng tâm linh có thể chỉ là để tìm cầu hạnh phúc, phước báu cho hai đời hiện tại, vị lai và sống tròn cái nhân đạo (đạo làm người) của mình. Nhưng người tu sĩ đầu tròn áo vuông bước vào cửa không với duy nhất và bất biến một lý tưởng là đạt được sự giải thoát thật sự.
Tôi biết mình là ai và biết mình muốn đi về đâu giữa cuộc đời này. Đôi khi muốn gạn đục khơi trong, muốn loại trừ sạch sẽ những trần cấu trong bản thể của mình nhưng rồi lại bất lực. Có phải vì tôi đã là một bản thể nhiễm ô và vô phương cứu chữa? Nhưng Phật là đấng từ bi, và Người sẽ đón nhận tôi và tất cả những ai tìm đến Người. Dù ta có là người thành đạt, có địa vị nhất định trong xã hội, có mưu cầu và phấn đấu nhiều hơn nữa thì cái tri thức thế gian kia dường như là nhỏ bé, bất lực, là hư không trước quy luật của vô thường, của chân lý thường hằng mà chỉ có sự hướng thượng tâm linh mới cho người ta cơ hội và khả năng nhận chân ra bản chất và giá trị sống đích thực của kiếp nhân sinh.
Ấy vậy mà lắm khi ta mê mải quên mình nơi cuộc trần ai ngắn ngủi với bao ưu tư, phiền lụy. Tất thảy mọi thứ trên cuộc đời này đâu phải là của ta, đâu phải thuộc về ta mà ta bán sống bán chết tìm cầu, sở hữu và gìn giữ rồi sống dở chết dở khi thành quả có từ sự đau thương vụt mất đi. Ta đã sai và hết lần này đến lần khác ta không chịu hồi đầu tỉnh ngộ. Khi nào ta thôi xao xác trước bi ai được mất, thành bại của mình? Ta tìm đâu, tìm đâu nơi vắng lặng cho tâm hồn, cho an nhiên tự tại một kiếp người?
Có một thứ ánh sáng ở rất gần ta, ngay trong bản tâm ta - đó là Phật tánh trong mỗi con người. Cái tâm Phật ấy đã bị bụi bặm của trần ai, của dục vọng và si mê làm mờ đi rồi. Và đức tin về con đường an vui, giải thoát sẽ là ánh sáng vi diệu giúp ta từng ngày từng ngày một lau sạch những lớp bụi trần cấu ấy, tìm về với bản ngã chân như đẹp đẽ của chính mình.
Ngày xưa có giấc mơ con được làm chú Huệ. Ngày nay, chú Huệ trong tâm vẫn còn đó và một giấc mơ về “người tu sĩ” đã dần thành hình, thôi thúc… Và ước nguyện một lần và mãi mãi được đi trên con đường ấy…
Trần Trọng Hiếu