Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Dòng Sông Không Tên

Dòng Sông Không Tên

Email In PDF

“Thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, có thể hòa hợp với
mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được nhiều tên chim mây cây cỏ” (thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ oán, nhĩ chi sư phụ, viễn chi sự quân, đa thức cư điểu thú, thảo mộc chi danh) -Luận ngữ.

“Thơ phát xuất từ lòng người ta” - Lê Quý Đôn
“Thơ là hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên” (Lamactin).

Thơ là tiếng nói hàm súc mà đa nghĩa, cô kết mà ý thì bao la; nếu như lòng người như biển cả sâu thẳm, khó lường, thì thơ chính là biển cả khó lường ấy. Nói như Nguyễn Cư Trinh trong “Phủ biên tạp lục”: Lòng người là thứ khó lường nhất lại phát ra làm thơ, và ngụ ý trong thơ, do đó cũng khó hiểu. Thế nhưng, để hiểu “tâm thơ” này hay bất kỳ tâm thơ nào, chỉ có một con đường duy nhất - là phải hòa mình vào bản đàn của vũ trụ, bằng con đường đồng cảm: hiểu và thương, ta mới có thể lắng nghe được những thanh âm rì rào, những nỗi buồn niềm vui trong thế giới nội tâm diệu vợi của họ.

Bây giờ, tôi thử làm cuộc thoát xác; làm một ly nước yêu thương nóng hổi, bốc hơi lên những lớp sống hư vô, quyện hòa cùng sương khói, lượt khắp không gian, hy vọng lúc ấy sẽ bắt gặp nhiều hồn thơ, trong đó có cả tâm thơ này. Chỉ có ly nước thoát hơi mới mong gặp một cuộc tình yêu rộng lớn và lâu bền, nhà Phật gọi đây là “Nhi hưng đại bi tâm” (Khả tính vô biên của tình yêu tỉnh thức). Còn như, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở một ly nước nguội, ứ đọng trong phạm vi nhỏ hẹp với mọi cái buồn vui xao xuyến, e có lẽ mỗi thân phận của chúng ta sẽ ngộp thở mất. Hãy tập thương yêu mọi người xung quanh, nơi ấy sẽ trùng phùng một tình yêu cao khiết, vĩnh hằng. Đây là toàn bộ ý nghĩa của bốn chữ: “Dòng sông không tên” hay nói khác đi, là cái “có” lồng trong cái “không”, cái tiểu ngã lồng trong cái đại ngã, một ý nghĩa rất giải thoát, rất Phật giáo.

- Chúng ta hãy lột bỏ mọi ý niệm vị kỷ thấp hèn, lắng đọng tâm tư, nghe hồn thơ thổn thức - ước nguyện:

Kiếp sau xin hóa dòng sông,
Cho bao người rửa sạch lòng thế gian.

Đọc lên câu thơ ta nghe như có nỗi niềm khổ đau bất tuyệt đang ẩn dấu sau lớp vỏ ngôn ngữ mang nghĩa rộng lớn. Cuộc đời toàn là nước mắt đầy vơi; biển là nơi hội tụ bao dòng nước mắt của mọi người, là nơi dung chứa hết thảy niềm vui nỗi buồn của chúng sanh, thật đúng đắn khi nhà Phật tuyên bố: Đời là biển khổ (hay bể khổ). Với ý nghĩa đó, con người ta nếu có ý thức sống một cuộc sống tốt đẹp, họ sẽ chán chường khi nhìn vào thực tại đầy rẫy sự bất công và tẹp nhẹp... muốn sống yên thân cho qua ngày đoạn tháng cũng không được, môi trường xung quanh đã đưa đẩy, làm tổn thương đến mọi ý niệm đẹp đẽ của con người, làm nát tan những hạt giống Bồ-đề vốn trong sáng và mầu nhiệm. Đây là nội dung của “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Và vì vậy, con người ta có khuynh hướng chạy trốn kiếp người, thích hóa thành một cái gì đó sao cho đừng còn một trí thức suy nghĩ, thà làm gỗ đá ở tận rừng sâu, thà làm con suối róc rách bên người. Câu thơ hết sức cởi mở, nhưng thực chất (chỉ) là sự bỏ cuộc, sự lẫn tránh, giống như sự chạy trốn của Nguyễn Công Trứ:

“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Hai hồn thơ ở hai thế kỷ khác nhau, nhưng đã gặp nhau ở một đường thẳng cố hữu, đó là sự vượt ngục trần gian, một địa ngục luôn trói buộc và đốt cháy tất cả cái đẹp, cái thiện, cái chân nơi mỗi con người, nó làm đảo lộn mọi nguyên tắc, đạo đức của đời sống. Sự sống còn luôn hiện hữu hai mặt như chiếc lá vú sữa: trái - phải; tốt - xấu, chúng đấu tranh để sinh tồn, một khi cái trái, cái xấu chiến thắng thì mọi cái phải, cái tốt bị đẩy lùi. Sự mất cân bằng này chính là điểm khởi nguyên cho mọi đau đớn của kiếp người. Vì thế, chẳng trách gì khi có một số người muốn giã từ kiếp sống có tư tưởng, có tư duy để tìm cho mình đời sống vô trí, vô tri, vô tư, vô luận.

Tuy con người ta bỏ chạy kiếp sống làm người (yếm ly thế gian) là một điều không nên có, là quan điểm sai lầm, nhưng cái đáng nói ở đây chính là lòng thương yêu vô biên của tác giả, dẫu đấy là một tâm nguyện hão huyền viễn tưởng. Ôi hạnh nguyện bao la làm sao, lời hứa hẹn cao cả biết mấy nếu lời phát nguyện ấy có thể trở thành sự thật, tác giả viết:

Cho ai trong cõi ba ngàn
Đêm khuya soi bóng trăng vàng mà chơi
Sông lang thang cõi luân hồi
Cho cây xanh lá cho đời nở hoa
Cho ruộng đồng hát dân ca,
Cho hương cau, bưởi mặn mà tình quê.

Dòng sông là một cơ thể của biển nhưng bản tánh có khi thì rất khác với biển, đồng chất khác vị. Cái đặc biệt của sông là có dòng nước ngọt (có khi hòa nước biển thành nước lớ - nửa mặn nửa ngọt), phần nhiều vào những ngày bình thì là nước ngọt, nghĩa là khi tác giả có tâm hồn thư thái định tỉnh thì dòng sông tưởng tượng hay dòng sông tâm hồn ấy sẽ là nơi biển sa mạc cằn cỗi trần tục của cuộc đời thành dòng sông tình thương ngọt ngào chảy mãi vào đêm trường đau khổ. (Nơi đó mọi sinh vật đang ủ rủ, rũ rượi chợt phơi phới thẳng mình, nở nụ cười trên môi). Không những lòng người hồ hỡi trước “giọt nước cam lồ” mà ngay cả “ruộng đồng” cũng phải bật lên tiếng “hát khúc dân ca”; và nơi đó những gì thuộc xứ sở của chốn chôn nhau cắt rốn của mình cũng trở nên hiền hòa, đẹp lạ thường. Chẳng còn nghèo nàn nữa nơi quê hương đất tổ, bởi vì tác giả đã tưới-ươm-ướp dòng nước tình yêu muôn thuở rồi. Cuộc đời cho dù buôn danh bán lợi gì cũng chỉ quy về một mục đích - là tìm hạnh phúc và hưởng thụ hạnh phúc. Mà hạnh phúc chỉ đến với con người khi con người sống có sự tôn trọng và có tình thương yêu đối với chính mình và đối với những sự sống chung quanh. Tình thương giúp con người cởi mở mọi mặc cảm tự ti, tháo gỡ mọi gút mắc âm ỉ trong lòng người. Tình thương yêu giúp chúng ta hiểu nhau, gần gũi nhau hơn, thông cảm nhau hơn, ở đó có hòa bình và hạnh phúc đích thực. Vì vậy mới có câu:

“... Hương cau, bưởi mặn mà tình quê”

Đây là ý nghĩa (hay tác dụng) hữu ích của “dòng sông nước ngọt”.

Thế nhưng, không phải khi nào cũng là dòng sông nước ngọt. Như trước đã trình bày, sông là chi nhánh của biển cả, nên vẫn có dòng nước mặn. Dòng nước mặn chúng ta thường bắt gặp khi có sự cố ngoài khơi, nó không chảy xuôi từ sông ra biển, mà ngược lại chảy từ biển vào sông. Như vậy không có nghĩa là khi nào sông cũng là người bạn tuyệt vời đối với những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương. Nó vô tình sẽ là kẻ thù của con người trong một thời gian nào đấy nếu nó tùy tiện đem dòng nước mặn vào ruộng đồng. Nhưng, có lẽ tác giả bài thơ không nghĩ đến điều này, mà cố mường tượng ra một dòng sông tâm hồn, lý tưởng nào đấy: vừa trong, vừa mát, vừa êm dịu hài hòa mãi vậy thôi! Dù sao dòng sông mang linh hồn con người hay được con người khúc xạ qua trí mơ ước, bao giờ cũng nặng tính chất khuôn sáo cao thượng. Đấy là vẻ đẹp của nghệ thuật chân chính, vì dù rằng nó vẫn hướng con người ta đến chân trời của cái đẹp thuần khiết siêu thoát, mà không phải hướng con người ta đến ngõ cụt của cuộc đời.

Hai câu thơ tiếp theo của dòng này thật khó hiểu quá, nhưng có gì đó đang bị vướng mắc... không như mạch thơ giải thoát, đại bi trên:

Cho muôn vạn trượng đi về
Bất ngờ mà ngộ lời nguyền thề xưa.

“Vạn trượng” là gì mà “đi về”, phải chăng trên con nước tình thương rộng lớn ấy, tác giả (con sông) - chủ thể trữ tình im lìm bất động không thèm “gợn sóng” nào cả khi mọi người (vạn trượng) cứ thế lướt trên mặt sông “đi về”... Nhưng như vậy có nghĩa là gì? Sao trên con nước “vạn trượng đi về” ấy lại “bất ngờ lại ngộ...”. Đối tượng nào “Bất ngờ” chủ thể trữ tình hay đối tượng trữ tình? Nếu như dòng sông đã có tấm lòng rộng rãi cho muôn “vạn trượng đi về” rồi thì dù đối tượng hay chủ thể trữ tình mà “bất ngờ” đi nữa cũng đã là muộn màng rồi. Nếu tác giả một khi đã hóa thân này thành dòng sông bao la, thì hãy làm một cuộc bốc hơi ra khỏi mọi khái niệm nhỏ nhặt, tầm thường, đừng nên “ngộ lời nguyền xưa” nữa để làm gì. Bởi vì “Ngộ” sẽ là nguyên nhân “đầu môi chót lưỡi” của sự ích kỷ và đau khổ.

Cũng có thể hiểu cách khác, hai câu thơ khó hiểu đó là sự kết tụ của một quá trình hóa thân, của con người trách nhiệm; bổn phận đối với quê hương đất nước; một kiếp người toàn cống hiến, sống vì mọi người và để rồi đi đến một tình yêu ngày ấy. Đây là điểm dừng chân “ngộ” để cho tác giả nghĩ ngơi sau bao năm tháng lặn lội cho đời; ở đó sẽ có nhiều thứ bí ẩn vui buồn khó nói:

Khi vui sông hát lời đùa
Khéo khen ai vẽ hơn thua cuộc tình

Dòng sông cũng tợ như có linh hồn, có cảm giác, có vui có buồn, có lên, có xuống; lúc rảnh rang thì yên lặng bình luận về cõi đời, bàn tán ngợi khen, hay so sánh “hơn thua cuộc tình”. Nhưng chẳng biết làm gì được; hơn nữa sông đâu thực sự hiểu thấu đáo cái cuộc tình ấy; cũng rất có thể, sông không có can đảm để đối diện với cuộc tình bí ẩn ấy, nên cứ âm thầm “mượn gió bẻ măng” nói kiếp này mà mượn kiếp khác. Và thời gian không đợi chờ ai, lướt qua, lướt qua giữa cõi phù du mộng huyễn này:

Lối về giữa cõi phù sinh
Sông in bóng hạc vô tình thế thôi.

“Sông in bóng hạc” hay “lòng cứ nhớ lòng” vậy thôi?! Ở đây hai chữ “vô tình” không phải không có tình mà nó ngự trị trong lòng như một sự hiển nhiên, không nói, nó vẫn có. Song, tất cả điều đó cũng chỉ là ảo tưởng vời vợi; cái ảo ảnh đó không hiểu vì sao mà không thành hiện thực, nên tác giả lại tưởng tượng một cuộc hội ngộ cuối cùng như một quy luật tất yếu sẽ đến:

Mai kia cuối nẻo luân hồi
Thì sông về lại với nguồn mạch kia.

Hai câu thơ nhắc ta nhớ lại hai câu trong “Thề non nước” của Tản Đà:

“Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn.”

Niềm nhung nhớ của tác giả đối với đối tượng trữ tình như là điệp khúc của chú tiểu mới vào chùa, đêm đêm thầm lén giọt lệ nhớ trông về quê hương. Nỗi nhớ ấy không còn là thuộc trạng thái mơ hồ, vu viễn, ám ảnh nữa mà nó đã khắc lên tim một dấu ấn rõ rệt của yêu thương. Tác giả dùng từ “in” trong cụm từ “Sông in bóng hạc” thật đắt, đến nỗi làm cho người cảm nhận về nó cũng phải hé mở rung động con tim. Ôi, hồi hộp, hồi hộp đợi chờ!!! Nhưng đọc tiếp 4 từ còn lại: “vô tình thế thôi” đã phủ lên đầu đối tượng đợi chờ một màn đêm đen thất vọng trong sự hy vọng của chủ thể trữ tình, không chỉ hy vọng thôi mà chủ thể trữ trình này còn tin tuyệt đối một tương lai tao ngộ:

Mai kia cuối nẻo luân hồi
Thì sông về lại với nguồn mạch xưa.

Nếu như hai câu thơ mở đề là sự hóa thân mở ra một không gian bao la theo chiều ngang và một thời gian dằng dặc theo chiều dọc, tưởng chừng mọi câu chuyện đến đây xem như chấm hết sang trang, thì hai câu thơ kết chính là điểm rút ngắn và hội tụ không gian và thời gian ấy, một tình yêu không biên giới đến đây cũng đã đọng lại, chan hòa và giải thoát trong phạm vi TÌNH NGƯỜI.

Điểm họ gặp gỡ nhau đó là “cuối nẻo luân hồi”. Ở đó dường như mọi triền phược của cõi hồng trần đã được cởi bỏ và lúc ấy sông và nguồn mạch xưa thênh thang một cõi đi về... như một hồn thơ từng ước mộng:

“Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở ven đồi”. Tuệ Nguyên

Bài thơ “Dòng sông không tên” thể hiện hướng nhìn thẩm mỹ về nhiều khía cạnh, mà cái nổi bật nhất là cho mọi người một khái niệm về thời gian luân hồi, đó là: Cuộc sống của con người (kể cả con người trong bài thơ) không phải là một tiến trình bất tận, “Nhất khứ quy hề” theo kiểu đường thẳng tiến đến vô hạn, mà là một chu kỳ, một chu trình khép kín có mở có đóng, có đi có về; đi không phải đi mãi mãi mà là để trở về”. Cũng vậy, muốn có được tình yêu thương chung thủy trọn vẹn theo quan niệm vị tha giải thoát thì, chúng ta hãy tập làm một cuộc cách mạng như chính cuộc cách mạng của “Dòng sông không tên”.

Ban mai
con sông róc rách
róc rách
chảy vào trần ai.

Phước Tâm