Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Nhớ Về Một Làn Khói Lam Chiều

Nhớ Về Một Làn Khói Lam Chiều

Email In PDF

Trong cuộc sống gia đình hôm nay, chưa một cơ quan hay tổ chức tôn giáo nào đứng ra tổ chức khảo sát, nhưng bằng cảm nhận tự nhiên, chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được đời sống vợ chồng ở các thành phố dễ đổ vỡ hơn hẵn các vùng nông thôn hiền hòa. Đây là một nghịch lý của sự phát triển trong xã hội hôm nay. Không ai hỏi và cũng chẵng ai quan tâm đến nghịch lý này, mà nếu có ai quan tâm thì người ta cũng trả lời qua quýt  “mặt trái của cơ chế thị trường”.

Cách đây đã khá lâu, trên một chuyến tàu bắc nam ngang qua vùng núi huyện Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên, khi hoàng hôn đang buông xuống một vùng quê nghèo, một hình ảnh rất đẹp hiện ra trước mắt tôi, hình ảnh khói lam chiều nơi căn nhà nhỏ dưới chân núi.

Một khung cảnh thật bình yên và nên thơ, tôi cảm nhận được trong mái tranh nghèo đó có người vợ đang luôn tay đẩy những nùi rơm để giữ cho ngọn lửa bếp được cháy liên tục, mùi cơm mới nấu bằng lửa rơm pha lẫn mùi cá kho mặn do tôi tưởng tượng ra đã làm cho cảm giác thèm cơm của tôi lâu ngày nay mới được đánh thức.

Vì đoàn tàu đi nhanh nên hình ảnh khói lam chiều của một vùng quê chỉ được nhìn thoáng qua, nhưng hình ảnh đó đã  in đậm vào tâm trí tôi trong suốt cả hành trình.

Trong điệp khúc lắc lư của đoàn tàu, tôi mường tượng ra dưới mái tranh đó là cả một khung trời hạnh phúc. Bằng ngọn lửa rơm nhanh cháy chóng tàn, nhưng với tấm lòng yêu chồng, người vợ sẽ điều khiển ngọn lửa sao cho không những cơm phải chín đều mà còn có cả một lớp cháy vàng dòn rụm tạo vị thơm đặc trưng cho nồi cơm được nấu bằng lửa rơm.

Bên cạnh nồi cơm lúa mới, nồi cá bống kho keo và nồi canh tạp tàng nấu với mớ tép riu sẽ làm cho bửa cơm tối của chồng con thêm ngon miệng, sẽ giải tỏa tất cả mọi mệt mỏi sau một ngày trên đồng cạn dưới đồng sâu.

Để có một bữa cơm ngon, người vợ không chỉ cần mẫn và khéo tay mà còn đầu tư vào bếp lửa của mình tất cả tình yêu thương dành cho người chồng thân yêu đang vất vả ngoài cánh đồng và cho những đứa con ngoan đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chiều về, khi hoàng hôn đang buông xuống, đâu đó trên con đường làng, người chồng đang chậm rải dẫn trâu về chuồng . Có lẽ cũng như tôi, người chồng đang cảm nhận được mùi thơm của cơm mới với vị mặn bùi của nồi cá kho và hương vị ngọt ngào của nồi canh rau tạp.

Trước sân nhà, dưới ánh trăng đang lên và trên cái chõng tre, hai vợ chồng cùng bầy con nhỏ xúm xít bên mâm cơm đầm ấm. Trong bữa cơm chiều của vùng quê, chỉ có tiếng cười trẻ thơ, lời trò chuyện nhỏ nhẹ về mùa màng của hai vợ chồng, trong bữa cơm đó chỉ có sự hiện diện của tình yêu thương và ngập tràn hạnh phúc.

Tạm biệt mền quê nghèo với một buổi chiều khói lam, dòng suy nghĩ của tôi quay trở lại với sinh hoạt gia đình nơi chốn thị thành đô hội. Trong những ngôi biệt thự đắt tiền  hay trong những chung cư cao cấp, những bữa cơm sang trọng với đầy đủ sơn hào hải vị mà người ta chế biến sẵn theo hình thức công nghiệp, được người giúp việc dọn lên.

Vợ chồng con cái cũng lần lược tề tựu sau một ngày bươn chải. Trong bữa cơm đó, những người con vừa ăn cơm vừa dán mắt vào màn hình ti vi hay máy tính. Người vợ tay bưng chén cơm nhưng miệng thì luôn than thở vì chứng khoán hôm nay đỏ sàn. Người chồng vừa ăn cơm vừa nghe điện thoại, lúc thì dạ dạ vâng vâng, lúc thì nặng lời quát tháo.

Bữa cơm đó qua đi lúc nào không ai hay biết, thậm chí những người dùng cơm cũng không biết hôm nay mình ăn những món gì hay đã ăn chưa.

Bữa cơm gia đình chốn thị thành tôi vừa hình dung dù không ngon miệng hay không đầm ấm, nhưng dù sao, tồn tại được một bữa cơm chiều cho cả gia đình vẫn còn là một niềm mơ ước của biết bao gia đình thành thị ngày hôm nay.

Còn đó biết bao gia đình cơm dọn lên rồi phải bưng đổ đi khi các con đang mải vui chơi đàn đúm đâu đó chưa về, chồng thì về nhà trong cơn say rượu vì chiều nay mải vui với bạn bè hay đối tác làm ăn.

Nhìn mâm cơm thịnh soạn đang lạnh dần theo tiếng tích tắc cần mẫn của kim đồng hồ, người vợ  cảm nhận được sự nguội lạnh đang thổi tắt ngọn lửa yêu thương trong ngôi nhà mà mình tốn bao nhiêu công sức gầy dựng.

Để có một gia đình hạnh phúc, người ta lao vào kiếm tiền như một con thiêu thân, bằng mọi cách và mọi giá phải làm ra được nhiều tiền. Thanh niên phải nhiều tiền mới mong có được vợ đẹp, người đàn ông trưởng thành phải có nhiều tiền mới mong lo đầy đủ và chu toàn cho nhu cầu vật chất  của vợ con.

Rồi khi mải bươn chải kiếm tiền và hưởng thụ, hạnh phúc đã âm thầm rời bỏ gia đình để ra đi, đi tìm một làn khói lam chiều với mùi cá kho và hương cơm mới, đi tìm một bữa cơm chiều đầm ấm bên mái tranh nghèo trong xóm núi với nhiều tiếng cười và ánh mắt yêu thương.

Như Trung