Lâu lắm rồi, thời gian trong quá khứ đã không còn trong tôi. Không có ngày hôm qua, hôm kia hay hôm kìa như trước đây đã từng có. Những gì đã qua trong đời, không có một mốc thời gian để ấn định. Sự việc xảy ra sáng nay, nếu có thể nhớ lại sẽ đồng với sự việc của ngày hôm qua, hôm kia hay trước nữa. Những sự kiện chỉ là những điểm nhỏ đồng hiện trong tâm. Không có trước sau, không có một mốc thời gian cố định cho các sự việc như trước kia đã có. Muốn biết về thời gian đã qua, tôi phải sắp xếp lại các sự kiện, nhưng cũng mơ hồ không rõ nét...
Nhân vật cố hữu thời
Ly vật hà hữu thời
Vật thượng vô sở hữu
Hà huống đương hữu thời.
(Nhân vật nên có thời
Lìa vật sao có thời
Vật còn vô sở hữu
Hà huống là có thời).
Bồ tát Long Thọ đã nói như thế về thời gian: “Nhân vật nên có thời”. Vậy thì việc tôi phải sắp xếp lại các sự kiện để tự lượng định cho mình một thời gian trong quá khứ không phải là chuyện lạ. Vậy mà nhỏ bạn, khi nghe tôi nói về những điều đó, đã rờ trán tôi: “Mi nói cấy chi mà không có ngày hôm qua, hôm kia, không có quá khứ trong mi? Mi có vấn đề chi với thời gian? Trí nhớ mi tao thấy vẫn tốt mờ. Đâu có tưng mà nói với tao điều đó”.
Con nhỏ không hình dung ra được những gì tôi đang trải qua.
Và con nhỏ cũng không hình dung nổi cái gọi là quan hệ nhân duyên mà Bồ tát Long Thọ đã nói. “Nhân vật nên có thời” là nương nhờ những sự kiện mình thấy hiện nay trong không gian mà nói là có thời gian. Thấy cây sinh trưởng từ nhỏ đến lớn. Thấy quá trình hình thành và hoại diệt của một vật. Đứa trẻ, là thời quá khứ của tôi. Chết, là thời vị lai của tôi. Trong cái mốc gọi là hiện tại thì quá khứ, hiện tại và vị lai vẫn diễn biến không ngừng. Ba thời gắn liền với quá trình sinh trưởng của tôi, từ khi sinh cho đến khi chết. Nếu không có sự thay đổi đó ở các vật thể, mình không thể nhận biết có thời gian.
Thời gian không phải là một pháp độc lập như Newton đã nói. Ừ, tất cả đang cảm nhận thời gian trôi đi, không phải vì nó có một tướng xác định cho riêng nó mà là nhờ vào những sự kiện đã xảy ra. Là pháp nhân duyên nên “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Không có quá trình sinh trưởng đó thì cảm nhận về thời gian cũng không. Quá khứ trong tôi không còn, không phải là chuyện lạ.
Việc sắp xếp lại các sự kiện để hình dung ra một quá khứ trong tôi cũng là đang nương vào những sự kiện mà hình thành nên thời quá khứ của chính tôi. Nếu không có sự kiện nào để đánh dấu, hoặc tôi lỡ quên đi vài sự kiện nào đó của một quá trình thì quá khứ của tôi coi như tan biến, chỉ còn đọng lại những niệm tưởng. Tôi chỉ có thể hình dung thời gian theo những gì đang có trong hiện tại. Ánh sáng ban mai báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Những vạch nhỏ điểm trên đồng hồ báo hiệu một ngày dài sắp hết. Và rồi, nếu trong tôi những sự kiện đã xảy ra trong ngày hôm đó không được lưu giữ thì một ngày mới - cái gọi là hiện tại - lại bắt đầu tiếp tục, để những gì đã xảy ra không tồn tại trong tôi.
Nhỏ chăm chú nghe tôi giải thích từng chút, cũng gật đầu đồng ý với những biện luận của tôi về quá trình nhân quả của một sự việc, nhưng lại nhìn vấn đề theo một cách khác. Vẫn là cách mang hơi hướm độc lập của Newton. Thấy “Sự vật có tự tính và xuất hiện một cách độc lập với thời gian” in hình quá sâu trong tiềm thức con người. Có lẽ, do quá trình lịch sử tồn đọng được truyền thừa qua hàng ngàn năm của thế giới, khiến ta tin rằng thời gian là thứ gì đó thường hằng, là nền tảng xuyên suốt và chi phối tất cả. Con người dù có mất đi, thời gian vẫn còn đó để mọi việc được nối tiếp. Có lẽ, do nghiệp thức mang tính “phần đoạn sinh tử” của con người mà pháp nhân duyên ở thế gian trở thành những vật thể độc lập, tách biệt, như đang có cho riêng mình một tự thể. Mọi thứ sinh sinh diệt diệt nhưng thời gian vẫn nguyên đó, như con đường trải dài chứng kiến mọi thứ ngang qua, không can hệ gì đến nó(1).
Luận Đại Trí Độ nói về kiến chấp của người thời xưa tương tự như thế: “Có người cho rằng thời gian là nguyên nhân không thay đổi, là thực hữu, là vi tế không thể thấy, không thể biết, chỉ do kết quả của hoa trái mà biết có thời gian. Thời gian không thể thấy mà biết chắc có thời gian, vì nhìn quả biết nhân”. Cũng biết phải nương vào vật mới thấy có thời gian, nhưng thay vì nhận ra quan hệ nhân duyên giữa chúng, thì ta lại nhìn các hiện tượng ấy như là những biểu hiện cho một bản thể trôi chảy không ngừng, rồi gọi cái bản thể ấy là thời gian.
Ngày nay, ngành Vật lý hiện đại đã nói đến tính duyên khởi của thời gian và không gian như sau: “Trong vũ trụ Einstein, không gian và thời gian gắn bó khắn khít không thể rời. Thời gian duy nhất và phổ quát trong vũ trụ Newton bây giờ đã được thay thế bằng nhiều thời gian riêng và hoàn toàn khác nhau trong vũ trụ Einstein… Một giây đối với người ngoài trái đất, có thể sẽ là vĩnh viễn đối với chúng ta. Một giây cũng có thể thành một giờ, một năm, một thế kỷ… tùy thuộc vào vận tốc bỏ chạy của các thiên hà. Thời gian đã mất đi tính phổ quát của nó. Cũng như không gian, thời gian trở nên đàn hồi. Nó dài ra hay ngắn lại tùy theo chuyển động của người đo nó”(2). Thời gian không mang tính phổ quát để có thể làm “nguyên nhân không thay đổi” của mọi vật. Vì nó không có tự thể của riêng nó mà lệ thuộc vào không gian. Một giây ở trái đất khác với một giây ngoài trái đất. Vì điều kiện ở trái đất không giống với điều kiện ngoài trái đất. Không cần ngoài trái đất, ngay chính trên trái đất này, thời gian cũng đã chậm lại ở những nơi có trọng lực lớn. Người ở tầng trệt, quá trình lão hóa của họ sẽ chậm hơn so với người ở tầng cao. Nhưng sự khác biệt đó về thời gian là vô cùng bé. Sai khác tổng cộng tích tụ trong một đời người chưa đầy một nhịp đập của trái tim. Vì thế, sự chậm lại của thời gian do trọng lực không thể được nhận biết trong cuộc sống thường nhật(3).
Những sai khác đó không phải đến bây giờ, khi khoa học tiến triển, con người mới tìm thấy. Xưa, Từ Thức dạo non tiên chỉ mất mấy ngày, nhưng khi trở về cảnh vật đã đổi thay, xóm làng đã qua mấy đời con cháu. Dù chỉ là một truyền thuyết thì câu chuyện cũng đã nói đến sự sai khác thời gian trong các thế giới. Trong kinh Tạp A Hàm, tập 3, các bài kinh 861, 862 và 863 cũng nói về điều này: “Một ngày một đêm ở cõi trời Đâu Suất bằng 400 năm ở thế gian. Một ngày một đêm ở cõi trời Hóa Lạc bằng 800 năm ở thế gian. Một ngày một đêm ở cõi trời Tha Hóa bằng 1.600 năm ở thế gian”.
Thời trụ bất khả đắc
Thời khứ diệc khả đắc
Thời nhược bất khả đắc
Vân hà thuyết thời tướng?
(Thời trụ không thể được
Thời đi cũng không thể
Thời nếu bất khả đắc
Làm sao nói tướng thời?).
“Bất khả đắc”, hiểu nôm na là “không thể được”. Có khi dịch là “không thể nắm bắt”. Thời gian là thứ không thể nắm bắt. Vì thế, không thể lấy tướng “trụ” hay tướng “đi” làm tướng thực của thời gian. “Trụ”, chỉ cho trạng thái tĩnh của thời gian. “Đi”, chỉ cho trạng thái động của thời gian. Đó là hai tướng tương đãi (đối đãi) của một pháp. Thời gian dừng trụ, với cái nhìn cảm quan của ta hiện nay, điều đó là không có. Nếu thời gian dừng trụ thì không có quá khứ, hiện tại và vị lai, tức không có thời gian, không thấy mọi vật sinh trưởng như hiện nay.
Nói thời gian đang trôi có vẻ hợp lý hơn. Nó là cái thấy của hầu hết chúng ta trong thế giới này. Đó là loại “thời gian tâm lý” mà giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nói trong Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ: “Chúng ta hình dung thời gian như nước trong một dòng sông chảy, như những gợn sóng trên mặt sông đi qua. Trên con thuyền thả neo đứng bất động trong hiện tại, chúng ta nhìn dòng sông thời gian trôi qua, những con sóng quá khứ lùi xa và những con sóng tương lai xô tới. Chúng ta thừa nhận cho thời gian một chiều không gian… Và chính sự biểu diễn như thế, sự chuyển động của thời gian đối với chúng ta trong không gian cho chúng ta cảm giác về quá khứ, hiện tại và vị lai… Cái thời gian chủ quan hay tâm lý ấy, tất cả chúng ta phải gánh chịu. Sự phân biệt như thế giữa ba thời chi phối cuộc sống của chúng ta…”. Với cái nhìn của Long Thọ thì “Thời gian đi không thể” là muốn nói loại thời gian ấy không mang tính phổ quát. Đó chỉ là cái thấy về thời gian trong điều kiện tâm thức hiện tại. Nếu điều kiện liên đới thay đổi thì hiện tướng đó chưa chắc đã còn. Vì thế, tướng ấy không phải là tướng thực của thời gian.
Các nhà vật lý hiện đại thì nói về loại “thời gian tâm lý” ấy như sau: “Quan niệm như thế về thời gian - tức là sự chuyển động của nó đối với ý thức bất động của ta, hay tương đương như thế, là sự chuyển động của ta đối với thời gian bất động - không phù hợp lắm với các nhà vật lý hiện đại. Vì nếu thời gian có chuyển động thì vận tốc của nó là bao nhiêu? Một câu hỏi quá ư vô lý. Mặt khác, quan điểm cho rằng chỉ có hiện tại là tồn tại, chỉ có nó là thực tại, lại không tương thích với sự phá bỏ thời gian cứng nhắc và tương đối bởi thuyết Tương đối. Quá khứ và tương lai cũng thực như hiện tại vì Einstein đã nói quá khứ của một người có thể là hiện tại của một người khác và là tương lai của một người khác nữa”. Từ đó hình thành nên một cái nhìn mới đối với thời gian mà chư vị gọi là “thời gian vật lý”: “Sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và vị lại từ nay không còn hữu dụng. Tất cả mọi thời điểm đều có giá trị như nhau… Vì các khái niệm của quá khứ, hiện tại và vị lai bị loại bỏ, nên thời gian không cần chuyển động nữa. Nó không trôi nữa mà đơn giản nằm đó bất động như một đường thẳng kéo dài vô tận về cả hai phía…”. Vật lý hiện đại nói thời gian bất động không trôi nữa. Với Long Thọ, “Thời gian trụ không thể”. Tức bất động, nếu có, cũng chỉ là một hiện tướng khác của thời gian khi điều kiện thay đổi. Như nước trong điều kiện nhiệt độ cao thì thành hơi, trong điều kiện nhiệt độ thấp thì thành đá. Đó cũng không phải là tướng thực của thời gian. Bởi nếu “trụ” là tướng thực của thời gian thì tướng ấy phải bất biến, thường còn, không cho phép ta tìm thấy một tướng khác khi điều kiện thay đổi. Song tướng thời gian mà “tất cả chúng ta phải gánh chịu đây” không phải là tướng bất động mà là tướng trôi chảy.
Tướng thực của thời gian thì… vô tướng. Nhờ cái “vô tướng không tánh” đó mà thời gian có thể sinh khởi nhiều tướng khác nhau khi đủ duyên. Nói theo Lăng Nghiêm, tướng thực của thời gian thì “phi đó mà tức đó”, không phải các tướng đó nhưng không lìa các tướng đó. Nói theo “Bát bất” của Trung Luận thì thời gian “không đi cũng không trụ”. Theo Bát Nhã Tâm Kinh thì “Tướng không của…”. Tướng không ấy, không phải là đối tượng (sở kiến) của nghiệp thức chúng sinh. Những gì ta thấy được đều là hiện tướng tùy duyên. Chỉ là tùy điều kiện liên đới mà xuất hiện các hình thức thời gian khác nhau, gom lại không ra ngoài tứ cú mà người xưa đã nói: “Đi, trụ, vừa đi vừa trụ, không đi không trụ”.
Để chấm dứt bài viết, xin kể một câu chuyện: Đứa cháu, được mẹ dẫn đi chơi qua các chùa và nhà thờ. Qua các hình tượng Phật và Bồ tát, nó hỏi “Ai vậy mẹ?”. Mẹ nhóc đều trả lời “Phật”. Đến Nhà thờ Đức Bà, nhóc lại hỏi: “Ai vậy mẹ?”. Mẹ nhóc, do đang bận nói chuyện với bạn, nên trả lời cho xong: “Phật”. Nhóc buột miệng nói: “Chỉ có một Phật mà nhiều mặt vậy thì toàn đồ giả rồi”. Chỉ là câu nói của một đứa trẻ nhưng nó chứa đựng ý nghĩa Duyên khởi sâu xa trong đó. Thứ gì theo duyên mà hiện thì đều không thực, chỉ như mộng, huyễn, bào, ảnh. Thời gian không ra ngoài lệ ấy.
Châu Hiền Tâm
- Những Buổi Chiều Thơ Ấu
- Mặt Trời Lặn
- Xuân Thiền Qua Cửa Am Mây - Hoa Vì Ai Nở
- Dệt Ước Mơ Cho Ngày Mai
- Nhớ Về Một Làn Khói Lam Chiều
- Bóng Đá Và Lòng Thơm Thảo
- Người Thầy Đầu Tiên
- Tặng Một Vầng Trăng
- Từ Bi Bất Ngờ
- Đâu Rồi Giấc Mơ Chú Huệ Ngày Xưa ?
- Mãi mãi một cành hoa
- Cánh Diều Tuổi Thơ