Đầu Hạ Năm Qúy Tỵ
Nhất Thanh
Ở nhà, ở là động từ, không phải giới từ. Chữ Hán là “tại” chứ không phải “ư”. Ví dụ nói “Chiều nay anh ấy đang làm việc ở nhà”, chữ ở trong câu này là giới từ. Còn nếu nói “tôi ở nhà”, chữ ở này là động từ. Văn phạm nó rõ ràng như vậy, nhưng tự nhiên tôi cảm nhận với mình ít khi nào thực sự ở nhà, theo nghĩa động từ.
Ở, ở yên, chủ động. Nhiều khi cả tuần không đi đâu, nhưng không phải ở nhà, chẳng qua không có việc gì để đi. Còn chủ động ở nhà, đôi khi là một sự đấu tranh, đánh đổi, thậm chí là lập nguyện thì mới ở nhà được.
Vì sao ở nhà lại khó đến thế?
Bởi lẽ mình không bằng lòng với mình. Mình muốn đi ra, khẳng định mình, chinh phục người. Bởi mình thấy nơi mình còn thiếu thốn, cần tìm kiếm. Bởi tâm mình luôn hướng ngoại, chạy theo bên ngoài. Bởi bản thân mình chưa tĩnh tại, chưa đủ sức đối diện với mình. Chưa đủ sức tĩnh tại, đối diện với chính mình thì dù ở nhà mình cũng chạy trốn mình. Vào toilet thì phải cầm theo một tờ báo, đọc vài dòng gì đó để đỡ trống vắng. Ngủ dậy thì phải chế bình trà, châm điếu thuốc, hoặc rút điện thoại ra tám với ai đó. Nếu không đọc 1 quyển sách nào đó, lên mạng tra tìm xem một đoạn phim hay tìm đọc những thông tin thời sự, tất cả đều là sự chạy trốn mình. Ngay cả dành thời gian để lễ Phật, tụng kinh, cho hết ngày, hết buổi đều chẳng phải là đang ở nhà. Ồ! Khó thật.
Thế thì phải thế nào mới gọi là ở nhà?
Chẳng có thế nào cả. Thì cũng chế một bình trà thưởng thức, thì cũng đọc vài trang báo, thì cũng lau nhà, rửa bát, mặc áo, ăn cơm. Thì cũng đi ra đi vào, ngắm hoa, sửa lá, nghe tiếng suối, ngắm mưa rơi. Mình là mình, không là ai khác, lúc nào mình cũng là mình, không chạy trốn mình. Nói một cách thơ mộng hơn, mình ngồi chơi. Chơi giữa tháng ngày, trong mỗi phút giây của đời sống ban tặng cho mình. Ngồi chơi giữa những được mất hơn thua, không có bại thành. Phải biết rãnh rỗi. Mình vốn rãnh rỗi, nhưng thường mình không chịu rãnh. Mình sợ con mắt nó rãnh, tội, nên tìm cái gì cho nó đọc. Mình sợ lỗ tai mình rãnh, tội, nên tìm cái gì cho nó nghe. Mình thích được bận rộn, bởi mình thấy mình bận rộn thì đời sống mới có ý nghĩa, mình bận rộn thì mình mới là người quan trọng, thế rồi mình lao vào cuộc đời, bận rộn với người, mình cứ than là bận rộn quá, khổ quá, kỳ thực ai bắt mình bận rộn đâu, sao mình không chịu rãnh đi! Một khi mình chưa biết rãnh, chưa biết ngồi chơi thì sự bận rộn của mình chỉ làm khổ mình và khổ người mà thôi. Cho nên mình phải ở nhà, tập ở nhà, cố gắng ở nhà.
Đó là chuyện ở ngoài, chuyện bên trong mới là đáng kể. Chuyện bên trong là chuyện gì? Đó là những vọng tưởng khởi lên trong tâm mình. Vọng tưởng chính là nỗi khổ lớn nhất của người tu. Cứ gác cẳng lên ngồi thì vọng tưởng nó đến, kéo mình đi. Vọng tưởng là loại khách mất lịch sự nhất, khách không mời mà đến. Kinh Lăng Nghiêm gọi là khách trần phiền não. Đó là khách, hẳn nhiên không phải là chủ, thế mà mình cứ tưởng nó là chủ, chấp vào nó nên mình khổ. Vì sao nó đến? Vì nó thấy nhà không có chủ, nó lẻn vào. Đã lẻn vào rồi thì đuổi nó cũng không đi, thậm chí nó còn vô nhiều nữa, càng xua đuổi nó vô càng nhiều, còn theo nó thì nó dắt đi biền biệt. Vậy thì làm sao để hàng phục được vọng tưởng? Chẳng làm sao cả! Chỉ cần “ở nhà”. Mình chỉ cần ý thức rõ “ta là chủ nhà đây!” Thế là vọng tưởng hắn thấy nhà có chủ, hắn bỏ đi chỗ khác hắn chơi. Mình khổ vì vọng tưởng là bởi mình không chịu ở nhà, mình cứ bỏ nhà đi suốt, không chánh niệm, nên càng tu càng khổ đấy thôi!
Nên chi, ở nhà là việc quan trọng nhất đối với người tu. Hihi!
- Các Đạo Tràng Bố Tát Ở Tịnh Xứ Hương Nghiêm
- Điếu Văn Của Ban Tri Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng Đọc Trong Lễ Tưởng Niệm Cố Ni Trưởng Hải Triều Âm
- Tiểu Sử Ni Trưởng Hải Triều Âm
- Ba Tôi
- Những Người Muôn Năm Cũ
- Nhớ Nguyễn Văn Ảnh
- Độc Bạc Tần Hoài Cảm Hận
- Đức Phật Giúp Được Gì Cho Nỗi Đau Khổ Này
- Ngọn Lửa Bồ Tát Quảng Đức - Nhìn Từ Góc Độ Mỹ Học
- Làng Chùa Đại Ninh
- Chiều Cuối Năm
- Thùy Ngữ Thất