Nhất Thanh
Đầu thập niên 90, tình cờ trên một chuyến xe đò từ miền Trung vào Đà Lạt, tôi được bác tài nghệ sĩ “đãi” cho một bữa nhạc tiền chiến. Trong cái mơ màng của buổi chiều bảng lảng Trung du, khi hành khách trên xe dường như đã ngủ say, một giọng ngâm như từ Thiên Thai vọng về bên gót chân Lưu Nguyễn: “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai…”. Nhạc phẩm của Phạm Đình Chương kết hợp ca từ từ 2 bài thơ “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng đã đóng đinh trong hồn tôi một giọng ca mà theo tôi là thế kỷ: Giọng ca Hà Thanh.
Một anh bạn trung niên của tôi từng phát biểu: “Đã nghe Hà Thanh hát rồi thì không còn muốn nghe ai hát nữa!”.
Từ độ ấy, tôi tìm nghe tất cả các ca khúc tiền chiến mà giọng ca vàng này thể hiện, từ “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước đến “Suối mơ”, “Bến xuân” của Văn Cao, từ “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên đến “Cô nữ sinh Đồng Khánh” của Thu Hồ. Với người nghe nhạc trẻ thế hệ bây giờ, có lẽ ít ai để ý đến giọng oanh vàng của Hà Thanh, thậm chí rất ít người biết đến tên tuổi của người ca sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền Tân nhạc Việt Nam này. Ca sĩ bây giờ muốn người ta biết đến mình là phải tạo dấu ấn, thể hiện mình bằng cách khoe giọng hay khoe trang phục, kể cả có kẻ tạo xì-căng-đan. Còn giọng ca của Hà Thanh thì hát mà như chẳng hát, chẳng cần thể hiện mình. Hát như chỉ là sự ngân lên tiếng lòng. Và tiếng hát cứ như một tiếng sáo vi vu vang vọng giữa lũng đồi theo bước chân sau rừng chiều của lữ khách, khoan thai, dìu dặt, có cũng được, nhưng không có thì không được! Không có thì mảng rừng chiều kia trở nên chết cứng; không có thì tiếng suối kia biết thủ thỉ cùng ai; không có thì tiếng chim gù dưới thôn làng khói tỏa còn chi là cuốn hút, là nên thơ. Vậy đó! Mấy mươi năm qua còn ai nghe tiếng hát Hà Thanh, nhưng ai dám bảo rằng tâm hồn tuổi trẻ bây giờ không thực dụng bởi chưa từng nghe tiếng sáo dìu của tình tự quê hương mà tạo hóa đã từng ban cho con người đất Việt, từ những khúc đồng dao, những vần thơ tiền chiến, đến những giai điệu mượt mà của buổi đầu tân nhạc Việt Nam mà Hà Thanh là ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất!
Âm nhạc là đối tượng thẩm thấu của tai, không phải của mắt. Nhưng thời này người ta thích xem hát hơn nghe hát, nên chi ít ai biết đến Hà Thanh là phải. Ngày xưa Hà Thanh ít khi biểu diễn trên sân khấu, cô ca sĩ đất Thần kinh chỉ hát trên đài phát thanh và thâu băng cassette. Cách đây khoảng 8, 9 năm, bất ngờ ca sĩ Hà Thanh xuất hiện trên sân khấu Paris by night 85 với nhạc phẩm Hoa Xuân của Phạm Duy, MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói cô đang bước vào tuổi bảy mươi mà vẫn còn e ấp như cô gái mười bảy. Và khi giọng ca bất tử ấy cất lên câu hát đầu tiên, cả kháng trường vỗ tay kinh ngạc như nghe lại một CD thâu âm từ 60 năm trước. Tiếng hát mượt mà, ngan ngát như cỏ hoa hồn chiều quê xứ.
Năm 1953, một cô bé 14 tuổi đã khai man thêm một tuổi để được dự thi tiếng hát phát thanh, nhạc phẩm “Dòng sông xanh”, một nhạc phẩm khó thể hiện nhất đã đóng đinh tên tuổi của cô bé Trần Thị Lục Hà thành ca sĩ Hà Thanh. Đến nay đã 60 năm.
Ở tuổi cổ lai hy, Hà Thanh không còn hát Tân nhạc nữa, cô ca sĩ Phật tử ấy đã luyện giọng mình cho phù hợp với Đạo, như lời cô từng tâm sự. Những nhạc phẩm Phật giáo đã được cô thể hiện rất nền nã, rất thiền vị, dù không có nhiều những nhạc phẩm hay cho cô thể hiện. Thế rồi, trong mùa bão tuyết tại một thành phố cổ lạnh nhất miền Đông Bắc Hoa Kỳ, thành phố Boston đầu năm 2014 giọng ca thế kỷ ấy đã ra đi.
Không một bài báo ngợi ca, chỉ có vài mẫu tin “Xin một lời cầu nguyện” với đôi dòng tiểu sử. Người viết bài này không chỉ dành riêng cho một kiếp cầm ca nén hương tưởng niệm, mà còn là tình cảm đặc biệt của mình dành cho một Phật tử thuần thành, cùng sự tiếc nuối về giá trị nhân văn của một dòng chảy đã vô tình bị lãng quên trong cái xô bồ xô bộn của thời đại hiện nay.
Sau đây là một số bản nhạc thế kỷ của cô:
1. Hoa Xuân
2. Cô gái Nữ Sinh Đồng Khánh.
3. Ai Lên Xứ Hoa Đào.
4. Đêm Tàn Bến Ngự.
- CÂU ĐỐI XUÂN ẤT MÙI
- TÂM SỰ CUỐI NĂM
- Tìm Hiểu Về Vu Lan
- Rau Lang Kho
- Nepal Quê Hương Của Đức Phật
- Giấc Mơ Trường Sơn Hay Những Phương Trời Viễn Mộng
- Các Đạo Tràng Bố Tát Ở Tịnh Xứ Hương Nghiêm
- Điếu Văn Của Ban Tri Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng Đọc Trong Lễ Tưởng Niệm Cố Ni Trưởng Hải Triều Âm
- Tiểu Sử Ni Trưởng Hải Triều Âm
- Ba Tôi
- Những Người Muôn Năm Cũ
- Nhớ Nguyễn Văn Ảnh