Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Ngọn Lửa Bồ Tát Quảng Đức - Nhìn Từ Góc Độ Mỹ Học

Ngọn Lửa Bồ Tát Quảng Đức - Nhìn Từ Góc Độ Mỹ Học

Email In PDF

Nhất Thanh

50 năm, khoảng thời gian cần và đủ để lịch sử có thể trả lại cho chính mình giá trị ban sơ của nó_ tách ra khỏi những định kiến dị biệt cũng như quá trình kiểm chứng sự thật.

 

 

Với ngọn lửa của Bồ-tát Quảng Đức giữa ngã tư Phan Đình Phùng_Lê Văn Duyệt Sài gòn ngày 20 tháng 04 năm 1963, có thể có nhiều người kể chuyện khác nhau, hình ảnh có thể được thể hiện ở nhiều góc quay khác nhau, những người trong cuộc có thể còn sống hay đã chết, kể cả những người chống đối, nhưng hẳn ngọn lửa ấy đã làm rung động lương tri nhân loại, trở thành một biểu tượng sống động, có thể được truyền tụng và thăng hoa trong nhiều loại hình nghệ thuật cho đến ngàn đời.

Gác qua thái độ chính trị, gác qua những dữ kiệu lịch sử và tôn giáo, hãy nhìn ngọn lửa ấy như một biểu tượng của cái đẹp, biểu tượng ấy sẽ dựng hình trong tâm khảm tất cả những ai còn hướng thiện, còn yêu chuộng hòa bình, tự do và hạnh phúc, giá trị của nó sẽ miên viễn, vĩnh hằng…

Trong lịch sử tôn giáo, rất nhiều những sự kiện, những con người trở thành cái đẹp bất tử, được người ta phong thánh, hay chọn ngày xảy ra sự kiện để kỷ niệm hằng năm, như ngày quốc tế lao động, ngày quốc tế  phụ nữ, Valentine, morther day…Những sự kiện ấy đôi khi diễn ra trong một đất nước nhỏ, hay những vùng đất xa lạ mà chẳng ai biết đến, nhưng khi chúng được truyền tụng qua lương tri nhân loại, nó trở thành bất tử. Điều đáng nói là biểu tượng ấy phải vượt qua ý thức hệ, chủ nghĩa, tôn giáo hay quốc gia dị biệt. Nó phải là sự thật, không hư cấu, không thêu dệt, và đủ sức làm rung động trái tim con người để tình tự lên ngôi. Một “bó đuốc sống” của Lê Văn Tám có thể thắp lên ngọn lửa đấu tranh, nhưng vì nó được hư cấu, thêu dệt nên không đủ sức vượt thời gian và làm nên lịch sử, hiển nhiên nó sẽ mai một. Riêng ngọn lửa Bồ-tát Quảng Đức vì nó là sự thật, lại được đặt trong bối cảnh hết sức hoành tráng của công cuộc đòi tự do và bình đẳng tôn giáo nên nó trở nên thiêng liêng và bất tử.

Cũng có nhiều trường hợp, những giai thoại sống động ngoài đời vẫn chưa hẳn là sự thật, khó kiểm chứng bằng lịch sử và được thêu dệt qua nhiều phái biệt, nhưng vẫn trở thành một cảm hứng nghệ thuật bất tuyệt bởi giá trị tuyệt vời mà giai thoại ấy chuyển tải. Đồng thời, giai thoại ấy kết hợp được với triết lý, nhân sinh quan và thế giới quan của một dân tộc, một nền văn hóa nhất định, nó vẫn được chấp nhận một cách mặc nhiên. Một Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con, một cậu bé Thánh Gióng vươn vai đứng dậy cưỡi ngựa sắt quật xuống đầu giặc Ân rồi bay về trời, một Thăng Long với Lý Thái Tổ nhìn thấy rồng bay lên hư không từ mặt nước, một Hoàn Kiếm với giai thoại Lê Lợi trả gươm cho rùa thần…Nó là huyền sử. Nhưng có lịch sử nào lại không chứa đựng ít nhiều huyền sử?. Thế thì tại sao không bước qua lịch sử để cái đẹp được lên ngôi, thắp sáng niềm tin nhân loại bằng những đức mục và giá trị nhân văn nhằm đáp ứng nhu cầu tự do, bình đẳng, tình yêu của tất cả chúng ta.

Trong Phật giáo cũng có nhiều giai thoại như thế. Hình ảnh “Niêm hoa vi tiếu” trên chúng hội Linh Sơn có thể xem như cội nguồn của Thiền tông. Một Bồ Đề đề Đạt ma “Bích diện cửu niên” và một Thần Quang “Đoạn tý tham thỉnh” cũng vậy. Đó là nói về sự kiện, về con người. Ngay cả cảnh vật đôi lúc cũng làm nên những biểu tượng muôn đời, như Kê Túc Sơn ở Ấn Độ, ngọn núi Phú Sĩ với tuyết băng trắng xóa của Nhật Bản, Lô Sơn chân diện mục của Trung Hoa, hay cả Phù Vân Yên Tử ở Việt Nam cũng vậy. Những biểu tượng ấy bất biến, thiên nhiên đã hóa thành siêu nhiên, làm nền cho cái đẹp, hay chính nó là cái đẹp, nhìn từ phạm trù Mỹ học, nó cần thiết biết bao nhiêu cho cuộc đời, cho con người, nuôi dưỡng tình yêu và cuộc sống.

Riêng ngọn lửa của Bồ-tát Quảng Đức, nó kết hợp được cả hai yếu tố trên. Yếu tố thứ nhất là sự thật. Yếu tố thứ hai là nó kết hợp được một sức mạnh, một niềm tin và khát vọng tự do bình đẳng không chỉ riêng với tín đồ Phật giáo, mà còn của cả một dân tộc, của cả nhân loại yêu tự do bình đẳng. Từ đó nó trở thành cái đẹp, trở thành biểu tượng cháy cả muôn đời.

Mahatma Gandhi, khi đấu tranh bất bạo động đòi tự do cho Ấn Độ từng tuyên bố: “Sự hy sinh của ta phải ngàn lần cao cả hơn sự hy sinh của kẻ khác. Một kiếp sống chứa đầy sự hy sinh, đó là đỉnh tối cao của nghệ thuật”. Mộ của Gandhi nằm giữa thủ đô New Delhi rộng lớn, và ở đó người ta đã thắp lên một ngọn lửa không bao giờ tắt, biểu hiện khát vọng cháy bỏng và bất tuyệt của người Ấn. Riêng ngọn lửa của Bồ-tát Thích Quảng Đức thì không phải do người sau thắp lên mà chính Ngài đã tự thắp, trước sự chứng kiến của hàng ngàn Tăng Ni và hàng chục ngàn Phật tử dưới sự đàn áp của chính quyền họ Ngô. Hẳn ai cũng xúc động khi xem lại đoạn phim quay trực tiếp sự kiện này: Ngài ngồi như thế, vững chải, hiên ngang, sống động, cho đến khi thân thể đã cháy đen, phản ứng cơ học đã hủy hoại, ngài mới ngả xuống.
Nhìn bức ảnh do phóng viên Mỹ Malcolm Browne chụp khi ngọn lửa cháy dữ dội, Bồ-tát Quảng Đức ngồi đoan nhiên trong lủa lớn. Tổng thống Mỹ Join.  F . Kennedy phải thốt lên: “Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế”. Ta có thể gọi ngọn lửa ấy là “Lô hỏa thuần thanh”. Người ngồi trong lửa đã tôi luyện chính mình bằng tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Vẻ đẹp đích thực là vẻ đẹp tự tại trước cái chết. Chết là điểm nhấn đặc biệt nhất của đời sống. Và cái chết đẹp nhất là cái đẹp đẹp nhất, là hình tượng Mỹ học cao nhất, ngay nơi con người, chứ không phải nơi một sự mặc khải thần thánh nào.

Từ nghìn xưa, quan niệm về cái đẹp đã tốn khá nhiều giấy mực. Với triết học Tây phương cổ đại, Platon chủ trương cái đẹp thuộc về ý niệm, tức tinh thần. Chỉ có thế giới ý niệm mới “tồn tại chân thực, nó có trước và sản sinh ra các vật thể cảm tính”. Đến Aristotle, một học trò xuất sắc của Platon lại thừa nhận đặc tính khách quan của cái đẹp, và người nghệ sĩ có quyền bổ sung vào cái không có trong tự nhiên. Đến thời Trung cổ, Leonardo da Vinci lại thiên về tính sáng tạo của nghệ thuật. Các nhà mỹ học cận đại, từ Diderot đến Lessing, từ Kant đến Hegel, hầu hết nhìn cái đẹp theo chủ nghĩa duy vật biện chứng. Với Đông phương, cái đẹp được nhìn thoáng hơn. Trên phương diện tâm thức, cái gì tiếp xúc với thực tại, gần thực tại nhất hay chính nó là thực tại thì đó là cái đẹp. Cái đẹp dẫn đường cho đạo đức tâm linh. Về mặt cảm tình, cái đẹp là chất liệu nuôi dưỡng và thăng hoa các loại hình nghệ thuật, từ hội họa, thi ca, âm nhạc, điêu khắc và kịch nghệ. Các nhà Duy tâm Hữu thần thường trả cái đẹp về cho Chúa, gần như là một sự mặc khải, từ đó thiếu đi tính nhân bản và có phần thụ động. Với Đông phương, đặc biệt là Phật giáo, tuy không chú trọng đến Mỹ học, nhưng tính thẩm mỹ lại hòa quyện vào đời sống hằng ngày. Từ các tác phẩm hội họa, các hình thức kinh điển cũng như thi ca, cả những âm thanh tán tụng và các pháp khí trong chùa đều giàu tính thẩm mỹ. Ngoài ra, Phật giáo còn có vô vàn giai thoại về đời sống, công hạnh của các vị Tổ sư, hết sức sống động và nuôi dưỡng chất liệu tu tập, thăng hoa trong đời sống tâm linh và ứng xử xã hội. Có thể nói, có một nền Mỹ học Phật giáo cực kỳ phong phú và thú vị, đáp ứng nhu cầu thiếu thực tại mà chúng ta ít để ý.

Trở lại với ngon lửa Bồ-tát Quảng Đức, dưới góc nhìn Mỹ học, sự kiện ấy có thể trở thành đề tài bất tuyệt để chúng ta khai thác trên phương diện hoằng pháp lợi sanh. Ngọn lửa ấy cháy mãi khát vọng tự do, bình đẳng, thắp sáng ý niệm hy sinh cầu đạo, bảo về đạo pháp, nêu cao tinh thần từ bi, hỷ xả. Tất cả những đức mục quan trọng trong giáo lý Phật đà đều có thể được soi rọi dưới ngọn lửa thiêng giữa đường phố Sài Gòn năm 1963 ấy. Vấn đề là chúng ta đã làm gì để duy trì ngọn lửa ấy.

Có rất nhiều ngọn lủa vị pháp thiêu thân, như Hòa thượng Tiêu Diêu, Đại  đức Quảng Hương, Phật tử Nhất Chi Mai,v.v…nhưng những ngọn lửa ấy chưa đủ “đẹp” như ngọn lủa Quảng Đức, xét theo ảnh hưởng của nó. Và để ngọn lửa ấy thật sự “đẹp”, đừng thiếu nhìn nó dưới góc nhìn Mỹ học, không thiên kiến, không cố chấp, cực đoan. Với ngọn lửa ấy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết:

Thế giới ba ngàn phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh hướng về Cực lạc
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này.

Khi ngọn lửa là lời kinh, là kinh điển, giá trị của nó là cái đẹp trường cửu.

Một tượng đài đã được dựng lên ngay góc ngã tư Lê Văn Tám – Nguyễn Đình Chiểu bây giờ, khá trang trọng và quy mô. Nhưng người Sài Gòn đi qua vẫn chưa thấy được vẻ đẹp ban sơ của ngọn lủa ấy. Đó cũng có thể là lỗi của chúng ta. 50 năm, nếu không khơi sáng ngọn lửa ấy, thì phải đến 100 năm mới có cơ hội nhắc lại trong ý nghĩa dấu mốc thời gian. Lúc ấy, những người đương thời đã ra đi rồi. Hãy để cho thơ, cho nhạc, cho họa và tất cả các loại hình nghệ thuật được tự do làm nghĩa vụ của nó, để cái đẹp được lên ngôi và đi vào từng ngỏ ngách của đời sống, nếu ngay bây giờ không làm được, đáng tiếc biết chừng nào.