Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, May 05th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Những Người Muôn Năm Cũ

Những Người Muôn Năm Cũ

Email In PDF

Mùa an cư năm Qúy Tỵ, 2013

Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền.

Nhắc đến câu thơ ấy, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, cái hình ảnh dường như đã mất hẳn trong cơn lốc văn minh thị trường hiện đại.

Ở đây tôi muốn nói đến một hình ảnh khác, một cách điệu khác, thay vì áo dài đen khăn đóng, “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”, tôi muốn nói đến chiếc áo blouse trắng, cũng không phải là áo của các y bác sĩ, mà là của một nhà giáo. Vâng! Chiếc áo blouse trắng duy nhất còn sót lại tại học đường Việt Nam thế kỷ 21 này: Giáo sư Phạm Phú Thành, Giáo thọ trường Cao trung cấp Phật học Lâm Đồng.

 

Tôi không có phước duyên được học với Thầy, nhưng tôi đã là học trò của Thầy từ lâu lắm rồi. Người ta hay nói “nhất tự vi sư”, nhưng thực ra trong cuộc đời lắm khi chẳng có chữ nào họ cũng là Thầy của mình. Với tôi, Thầy Phạm Phú Thành không những chỉ là Thầy theo nghĩa “bán tự vi sư”, mà còn là một bậc Thầy lớn của mình. Cái từ trường giáo dục nơi Thầy tỏa ra, không chỉ tại ngôi trường Phật học Đà Lạt, mà còn tỏa rộng khắp vùng Lâm Đồng rộng lớn. Học trò của Thầy bây giờ có mặt khắp Việt Nam và hải ngoại. Và tôi tin chắc rằng bất kỳ ai đã có cơ may học với Thầy, hay chí ít được tiếp xúc với Thầy, hẳn sẽ đồng ý với tôi rằng giáo sư Phạm Phú Thành là nhà giáo mô phạm tuyệt vời nhất mà ta từng gặp.

Dòng họ Phạm Phú ở Điện Bàn, Quảng Nam đã cống hiến cho dân tộc này những bậc Thầy lớn, trên hết phải kể đến Hiệp biện đại học sĩ triều Nguyễn Phạm Phú Thứ. Thầy Thành không rõ là cháu mấy đời của cụ Thứ, nhưng sự uyên bác, phong cách nhà Nho kết hợp với trình độ Tây học biến Thầy trở thành mẫu người quý hiếm, “có nguy cơ tuyệt chủng, cần ghi vào sách đỏ” trong nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Hơn 20 năm, chính xác là 23 năm dạy trường Phật học Lâm Đồng, tôi nghe nói Thầy chưa bao giờ đi trễ hoặc bỏ giờ. Khi nghe chuông báo hiệu vào lớp, Thầy trịnh trọng lấy chiếc áo blouse trắng đã xỉn màu trong xách ra khoác vào mình bước xuống lớp. Giáo án của Thầy được biên tập kỹ lưỡng đến từng dấu phẩy, tra cứu cẩn thận và kỹ lưỡng đến từng nghĩa gốc của mỗi từ, so sánh và đối chiếu với rất nhiều dị thuyết, dị nghĩa của các học giả cổ kim. Thầy phụ trách môn Hán Văn tại trường, đó là bởi giáo sư dạy chữ Hán thời nay hiếm có, chứ kỳ thực Thầy có thể dạy Anh Văn, Pháp Văn, Triết học Đông Phương, Tây Phương, lãnh vực nào Thầy cũng uyên bác và chín chắn. Lớp học đông cả trăm người, hay chỉ một vài người cũng vậy, Thầy dốc hết cả bình sinh cho mỗi giờ đứng lớp. Những kiến thức của Thầy, Thầy đã học nó, sống với nó, rồi thở ra nó. Trong từng hơi thở thều thào của một ông giáo già tuổi gần bát tuần, tôi cảm được cơn hấp hối của một nền giáo dục mà tự thân nó đã không còn cách gì cứu vãn. Nhưng với giáo sư Phạm Phú Thành, Thầy đã tận hiến cho đến hơi thở cuối cùng.

Với không gian học đường hiện đại, có lẽ ít còn ai chấp nhận điếu thuốc trên tay Thầy giáo. Nhưng với Thầy Thành, điếu thuốc trên tay vắt chéo qua vai, gục mặt suy tư sau mỗi giờ học trở thành hình ảnh cổ điển và đẹp đến lạ lùng, giá mà có một họa sĩ truyền thần vẽ lại chân dung ấy, bức họa có thể trở thành biểu tượng xứng đáng treo trang trọng trong phòng truyền thống của trường, về những bậc Thầy lớn của nhiều thế hệ.

Tôi đã từng bắt gặp hình ảnh của Thầy sau giờ dạy học, khi học trò đã ra về hết, Thầy vẫn còn khoác chiếc blouse trắng, tay cầm điếu thuốc, đứng lặng thật lâu trước góc sân trường, gục mặt suy tư. Có thể Thầy suy tư về thế thái nhân tình? Không! Thầy suy tư về những điều mình vừa giảng dạy. Nói như thế có phù hợp không? Cái chữ ấy cắt nghĩa như thế là đã hết ý chưa? Với vị học Tăng này thì nói thế này, với vị học Ni kia thì phải nói làm sao? Giáo dục là phổ cập, không nên chia trình độ ra để dạy lớp chuyên, trường mẫu. Giáo dục không phải tạo ra những con gà chọi, gà nòi để đi thi đấu, nhưng trong một lớp học cũng có quá nhiều thành phần xuất thân, nhiều trình độ khác nhau. Hai bài làm giống hệt nhau, nhưng có thể có người điểm 6, có người điểm 7. Có bài phải cố gắng tìm lỗi để trừ bớt điểm, có bài phải cố gắng tìm điểm ưu để cộng thêm, như trình bày sạch đẹp chẳng hạn. Vậy đó! Một ông giáo già, đeo chiếc kính râm nhìn xuống học trò, nhắc khéo một vị nào đang quay bài trong giờ kiểm tra mà học trò chẳng biết Thầy đang nhìn ai, nhắc ai. Đâu phải chỉ sát sao với từng học trò trên lớp. Thầy luôn hỏi thăm để biết hoàn cảnh xuất thân của từng học trò, theo dõi tính nết của từng học viên để tùy nghi mà truyền trao cho phù hợp.

Trên lớp thì nghiêm khắc như vậy, còn những lúc ngồi với học trò khi đến nhà thăm Thầy hay các buổi liên hoan, Thầy vô cùng thoáng và hòa nhã. Thầy thổi kèn Harmonica rất hay, đọc thơ rất điệu, hát rất vui và kể chuyện cũng rất tếu. Những dịp lễ lạc ở các chùa, Thầy đều đến như một Phật tử thuần thành, chuẩn mực.

Đầu năm rồi, Thầy dắt một đứa cháu ngoại xuống chùa tôi chơi, ở lại. Tôi hơi ngạc nhiên sao hôm nay Thầy Thành có tâm sự gì mà xuống ở lại. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Chuyện là trước đây đứa cháu gái của Thầy đã từng có thời gian ở tại chùa Ni phía sau chùa tôi, sau đó cháu vào Sài Gòn học. Nay có dịp về lại Đà Lạt, ông dắt cháu xuống thăm bạn đồng liêu, ông cẩn thận dắt cháu ra chợ mua quà tặng bạn rồi ở lại cùng ngủ với bạn một đêm. Đơn giản chỉ có thế, sao điều ấy lại tạo ấn tượng với tôi vô cùng sâu sắc. Thời buổi này, “thăm bạn” dường như là một khái niệm hơi xa xỉ. Ngày xưa đã từng có người lội bộ 200 cây số đến thăm bạn. Ngày nay phương tiện quá dễ dàng, nhưng người ta chỉ có đi công việc, đi chơi rồi gặp bạn, chứ chuyện thăm bạn nghe như chuyện cổ tích thế kỷ 19. Vấn đề là ông dắt cháu đi thăm bạn, nếu không phải là con cháu của những gia đình gia giáo như thế, chúng ta khó gặp được hình ảnh này trong nhịp sống hối hả hôm nay.

Thầy Thành vẫn còn đó, vẫn còn đều đặn đến trường truyền trao kiến thức cho các thế hệ mai sau. Những cống hiến của Thầy hẳn không ai dám phủ nhận, song có cái gì đó thật buồn, thật thống thiết khi nghĩ về hình ảnh Ông Đồ thời hiện đại: “Ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay, lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay…” Thầy Phạm Phú Thành đã vắt cạn đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Giáo dục thì hẳn còn nhiều người đồng điệu, còn đức dục thì sao? Thầy cô đơn, ngán ngẫm? phải vậy chăng mà hình ảnh cầm điếu thuốc vắt ngang vai, cúi đầu suy nghĩ trầm lặng của Thầy cứ ám ảnh hoài hồn tôi vụng dại? Đành rằng phải đổi mới, phải tiến bộ, phải năng động để theo kịp trào lưu tiến hóa của xã hội. Nhưng thử hỏi giữa vô vàn cánh diều phất phới giữa nền trời xanh thời đại, cần chăng một kẻ đứng lặng lẽ và cô liêu trên mặt đất níu sợi dây diều mong manh, giữ cho con diều đừng bay mất. Tôi gọi kẻ ấy là “Những người muôn năm cũ” để bắt chước ông đồ Vũ Đình Liên mà hỏi: “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?…”.

Xin chép tặng giáo sư Phạm Phú Thành một bài thơ tôi làm đã lâu nhân ngày nhà giáo, gọi là chút lòng tri ân trong dịp Vu Lan hiếu hạnh năm nay:

棹 逢 知 識 岸
客 曷 計 東 西
船 夫 奚 白 髮
仰 面 看 雲 排

Trạo phùng tri thức ngạn
Khách hạt kế đông tây
Thuyền phu hề bạch phát
Ngưỡng diện khán vân bài.

Tạm dịch:

Chèo đò sông tri thức
Lữ khách dạt phương nào
Lái đò chừ tóc bạc
Ngẩng mặt ngắm mây cao.


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại