Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, May 05th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Nhớ Nguyễn Văn Ảnh

Nhớ Nguyễn Văn Ảnh

Email In PDF

Rằm tháng 5 năm Qúy Tỵ.

Nhất Thanh

Lâu lắm rồi, ít nhất là 5 năm, tôi chưa gặp lại Nguyễn Văn Ảnh. Anh đang ở Sài Gòn, sống nghề gia sư, nghĩa là bất kỳ lúc nào về Sài Gòn muốn gặp là gặp được, không khó, thế mà chẳng hiểu vì sao lâu lắm rồi tôi chẳng gọi, chẳng gặp. Ảnh là một trong số rất nhiều anh em văn nghệ tôi quen biết, làm thơ rất hay, sống rất mô phạm, và dễ thương nữa. Cuộc đời lắm lúc bận rộn, mình có thể quên những người bạn tuyệt vời.

Đó là lỗi mình hay lỗi cuộc đời, chẳng biết nữa! Nhưng chiều nay ở nhà một mình, tôi lại nhớ đến Nguyễn Văn Ảnh.

Ảnh lớn tuổi hơn tôi nhiều. Lần đầu tiên tôi gặp Ảnh là tại trường Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang, Rạch Giá vào năm 1990. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Đức, tôi đến trường Huỳnh Mẫn Đạt tìm Ảnh. Trên con hẽm đi vào trường, tôi gặp một chàng thanh niên đang đi bộ ngược chiều, dáng người nhỏ thó, bước những bước chân rụt rè trên mặt đất. Thấy tôi đi vào, Ảnh dừng lại, bốn mắt nhìn nhau, ngập ngừng. Tôi cũng thoáng linh cảm, nhưng không dám hỏi. Thế rồi tôi vào trường, gặp một cô giáo trong trường, hỏi ra mới biết thầy giáo Nguyễn Văn Ảnh vừa đi, chẳng biết đi đâu. Nghe nói chiều chiều thầy ra ngồi bên ngư cảng uống cà phê, tối mới về. . Tôi tiếc nuối, chẳng biết có cơ hội gặp anh giữa miền Tây xa ngái này không. Ngồi đợi khoảng 30 phút, tự nhiên Nguyễn Văn Ảnh quay về. “Tôi có cảm giác là có người tìm tôi nên quay trở lại! Tôi tự giới thiệu mình, rằng nghe anh Nguyễn Đức nói ở đây có một “chàng thơ”, nhân chuyến rong rêu Kiên Giang nên tìm tới gặp. Tuy là sơ giao nhưng hình như đã thân nhau lâu lắm rồi. Anh em kéo ra quán cà-phê ngồi hàn huyên tâm sự.

Nghe nói tôi dự định ra đảo Phú Quốc, tìm đến một nơi không có dấu chân người để ở. Ảnh nói: “Đi đâu làm gì? Ở đâu có bị kịch ở đó!” Đó là câu nói đầu tiên của Ảnh mà tôi không bao giờ quên. Với Ảnh, “Đại địa xứ xứ giai Mịch La” (Nguyễn Du). Nhìn đâu cũng là bi kịch, là đáng chán, là buồn, buồn như thơ của Ảnh. Mười năm sau ở Sài gòn, Ảnh nói: “Sài gòn là một cái lò sát sanh!”. Vốn là một người đa năng, vào đầu thập niên 90 mà Ảnh có thể viết được chương trình phần mềm cho vi tính, nếu xin việc vào các công ty, có lẽ sẽ nhiều tiền lắm. Nhưng Ảnh đã không chọn nghề ấy, Ảnh chỉ đi dạy, đến nhà các người quen làm gia sư, luyện thi Đại học cho các cậu ấm, cô chiêu. Một chiếc xe Charly cũ kỹ, một căn gát tối om thuê được trên đường Lê Văn Sỹ, Ảnh sống như một chiếc bóng giữa Sài gòn nhộn nhịp. Thơ của Ảnh là một nốt lặng, rất nhỏ nhưng rất rõ giữa giàn giao hưởng hoành tráng của cuộc đời. Khi bạn bè đang ngồi ca ngâm đông vui, Ảnh viết:

“Khi cuộc chơi tàn, chim chóc dạt về đâu?”.

Mới sáng uống cà-phê, Ảnh đọc cho tôi nghe bài thơ đêm qua, trong đó có câu:

“Nữa đêm thức dậy nhìn lên vách
Chập chờn chiếc bóng rợn tồn sinh…”

Thơ của Ảnh nhiều khi là sự xuýt xoa tiếc nuối, về một điều gì chính mình cũng không rõ:

“…Lâu lắm anh thèm nghe giọng Quảng
Đi giữa quê hương miền Nam nhớ quê mình hạn hán…

(…)

Con chuồn chuồn nhón chân em về hụt
Em xuýt xoa hoài như gặp chuyện không may
Con chuồn chồn có cánh thì bay
Như đời anh bây giờ chìm nổi…”

Vậy đó! Cứ như cuộc đời là một cái gì ngoài tấm với của anh, xét về nhân thân, Ảnh có thể có tất cả, nhưng sao lại cứ mãi những giai điệu buồn. Có lần anh em chúng tôi đi Đà Lạt chơi. Ngồi dưới chân đồi Cù làm thơ, mỗi đứa một câu lục bát, ráp lại để thành một bài kỷ niệm chuyến đi. Tôi nói: Ai làm câu thơ trước Nguyễn Văn Ảnh thì chữ cuối phải gieo một vần gì cho vui, chứ nếu không bài thơ sẽ có một nốt thật buồn. Mà quả đúng như thế! Nếu chữ cuối câu 6 là âm “an” thì thế nào ta cũng gặp chữ “điêu tàn” ở câu 8. Nếu chữ cuối câu 8 là âm “iêu” thì thế nào tới Ảnh cũng là chữ “tiêu điều” ở cuối câu 6. Âm “ai” thì sẽ gặp chữ “tàn phai’, âm “ơi” thì sẽ gặp chữ “rã rời”. Tôi chọc ghẹo thế, vậy mà Nguyễn Văn Ảnh không giận, có lẽ sự lạc điệu đã vận nào con người tài hoa ấy. Điều nào khiến Nguyễn Văn Ảnh trở nên như thế?

Vốn là con nhà Nho, lớn lên đã ấp ủ đầy đủ Tứ thư Ngũ kinh, chất trượng phu, quan niệm chính nhân quân tử, những thứ ấy đã hình thành trong anh một tư chất nghiêm túc, đàng hoàng. Nhưng khói lửa quê hương, chiến tranh và chết chóc đã thui rụi khí thế hừng hực của một chàng trai mới lên. Sau 1975, Ảnh cùng vài anh em trôi dạt xuống nhiều hải đảo xa xôi vùng Kiên Giang, Rạch Giá dạy học, hòn Lại Sơn, Hòn Tre, quần đảo Nam Du với chập chùng biển núi, có lẽ đó là môi trường lý tưởng cho ý định vượt biên, nhưng ý định không thành, Ảnh trở thành Thầy giáo bất đắc dĩ, trôi dạt đảo này đến đảo khác, nhờ dạy giỏi mà được mời vào Huỳnh Mẫn Đạt, trường điểm của Kiên Giang. Nhưng càng chen chúc giữa cuộc đời đầy thị phi và danh lợi này, Ảnh đã đánh mất cái lửa sống hừng hực tuổi thanh xuân, chỉ còn lại cái chất “sĩ phu” bất đắc dĩ , nền tảng Nho gia và chút kiêu ngạo vốn có của một chàng trai xứ Quảng, càng ngày Ảnh càng trở nên trầm uất, lặng lẽ và ngán ngẫm cuộc đời.

Theo tôi, nguyên nhân chính là do Ảnh không gặp Phật. Vâng! Biết bao nhiêu con người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, khi không công thành danh toại, họ gặp được Phật giáo, nhờ vậy họ có thể sống suốt cuộc đời “vui” hơn, sinh động hơn. Một thế hệ thanh niên Việt Nam thế kỷ 20, chếnh choáng như Vũ Hoàng Chương, cuối cùng nhờ gặp Phật mà trở nên sinh động và nền nã ra nhiều. Những nghệ sĩ tài hoa như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, nhờ Phật giáo mà họ để lại cho đời những tác phẩm tuyệt vời có khả năng định hướng cho bao thế hệ thanh niên từ tư tưởng, tình yêu hay sự sáng tạo. Cùng thế hệ với Nguyễn Văn Ảnh, nhiều người bạn của anh đã sống phiêu bồng, an vui nhờ ảnh hưởng tinh thần Phật giáo, một Nguyễn Đức (Tâm Nhiên), một Nguyễn Lâm chẳng hạn, lẫm liệt và phiêu bồng, sống nền tảng và từ đó phát tiết trên con đường sáng tạo. Tập thơ “Diệu Tâm Ca” của Nguyễn Đức hay những bức tranh dán giấy, hội họa Thiền mặc Đạt-ma của Nguyễn Lâm đủ chứng minh điều đó, không phải Nguyễn Văn Ảnh không biết Phật giáo, anh đọc rất nhiều sách Phật, thậm chí khi nói chuyện, anh trích dẫn những câu kinh Phật làm tôi phải sững sờ, nhưng không hiểu sao Phật giáo chẳng thấm được vào đời sống của anh. Có lẽ với một người đã thấm Nho giáo sâu sắc, cái phóng khoáng của tinh thần Phật giáo không vào được trong họ. Nếu có chỉ là ảnh hưởng tư tưởng Khổ đế của Phật giáo, giáo lý vô thường của Phật giáo. Mà Khổ đế hay vô thường thực chất là nhận thức, nhận thức thực tại để không chấp trước chứ hoàn toàn không phải một thái độ sống. Nhờ ý thức vô thường khổ đau mà người ta sống tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, chắt chiu hơn từng phút giây của đời sống để thở, để yêu, để vươn lên chứ không phải để khoanh tay bó gối ngồi than thở để dòng đời đưa đẩy đến đâu thì đến. Tôi đã nhiều lần phân tích với anh nhưng có lẽ Nho giáo đã là một thành trì kiên cố, thuyết Định Mệnh đã ăn sâu tiềm thức, khó lòng chuyển đổi được.

Đùng một cái, Nguyễn Văn Ảnh lấy vợ, một Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đàng hoàng, khiến anh em ai nấy đều ngạc nhiên. Ảnh nói với tôi: “Mới sáng bước trong nhà ra ngõ, gặp người ấy là biết ngay họ sẽ là vợ của mình. Cái gì nó đến thì sẽ đến, mà chưa đến có tìm cũng không gặp”. Ảnh nói điều ấy một cách đắc ý, hạnh phúc rạng ngời. Đúng một tuần lễ sau khi gặp ý trung nhân, Ảnh gửi thiệp đám cưới. Một căn nhà ổn định, 2 vợ chồng có việc làm ổn định, cứ ngỡ từ nay mọi chuyện thay đổi. Nhưng không! Nhìn đâu Ảnh cũng thấy giả dối, cướp giết, tranh giành, danh vọng, quyền lợi, Ảnh  ngán ngẩm đến chán chường. Cô vợ trông có vẻ rất vui tươi và hồn hậu cũng không chuyển nỗi sự u uất trong trái tim chàng trai nhìn đời bằng định kiến. Tuy Ảnh có tươi mươi hơn, sống động hơn chút, nhưng vẫn lặng lẽ đi về như chiếc bóng giữa đèn phố Sài gòn dập dìu ngọn xanh ngọn đỏ.

Năm năm rồi không gặp lại. Tôi vẫn nghe ngóng thường xuyên lối sống của anh. Có lẽ do bận rộn, cũng có thể là sự hững hờ của mình, tôi đã không tìm gặp anh uống cà-phê, để nghe anh đọc những bài thơ tuyệt hay bằng cái giọng Quảng chưa từng xào nấu, dù anh đã xa quê hàng mấy mươi năm rồi. Nhưng không hiểu sao chiều nay tôi lại nhớ anh. Về tư chất, anh là một hòn ngọc trong giới anh em văn nghệ, tài hoa, chuẩn mực, tình cảm nhưng nghiêm túc. Có lẽ với những dòng này, tôi muốn anh tìm về với Phật.


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại