Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Chiều Cuối Năm

Chiều Cuối Năm

Email In PDF

Thùy Ngữ Thất, tiết lập Xuân Nhâm Thìn.

Nhất Thanh.

Nắng vàng. Có lẽ là nắng vàng, chứ không phải là cái se se lạnh, cái hiu hắt gió hay cái chập chùng mây, là cái làm cho lòng người nôn nao nhất. Nắng ở đâu đó, trên ngọn núi kia, hay ở bờ sông nọ, pha một chút màu cổ tái, tràn xuống, đi qua, đan dệt thung lũng chiều thành không gian hình sợi.

Rồi dường như có ai đó, chúa xuân chăng, đứng trên những triền cao, cao lắm, nắm những sợi nắng, kéo đi, thu về, kéo mãi, nhưng những sợi nắng được làm bằng chất liệu cotton, giãn ra thun vào, nhì nhằng không đứt. Chúa xuân kiên nhẫn, vẫn không đứt nỗi những sợi nắng, cho đến khi bày sẻ vội vã tìm về tổ ấm, vô ý vô tứ, lướt ngang mặt nước ửng hồng, làm đứt những sợi chiều vàng óng. Giá mà lúc ấy không phải chiều cuối năm, nàng trăng thẹn thùng bẻn lẻn trên cành liễu, chắc hắn hóa thành thi sĩ mất.

Tất bật với hoa, với trà, với nến, quên cả nhà hoang cỏ đã mọc đầy, leo cả vào cửa sổ. Không vui thì chớ, đằng này, buồn cũng không, nhớ cũng không, mà chẳng ai nhắc, chẳng ai la, cứ lao đi, bước tới, như gió lướt đi trên chiều vàng cỏ nội, không phải vội vã, mà là vô ý, hay sợ nắng vàng phai mất. Bỗng có một du sĩ, kẻ lìa Thị Ngạn Am từ lâu, dừng trước mặt: “Hà thị Tổ sư Tây lai ý?” Khà khà…, chơi trò chữ nghĩa ư? Không! Đây không phải kẻ hàn mặc, kẻ phong lưu, gã thi sĩ chân đất, gã tiếu ngạo giang hồ… Đây là một Trí giả, Thiền giả, Học giả (hắn ghét kinh khủng hai chữ học giả). Đây là một Du sĩ, thi sĩ, tuệ sĩ… Sĩ gì thì cũng chẳng bằng tuệ sĩ, nên chỉ cần dừng lại trước mặt hắn, hỏi một câu, hắn đã vội vàng vận hết ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, đảnh lễ, sụp lạy, rước vào trượng thất. Người từ đâu đến? Hắn hỏi. Chẳng từ đâu. Du sĩ đáp. Chừ đi đâu? Chẳng đâu! Nhếch miệng cười. Ban đầu hắn tưởng là cay đắng, máu lệ. Nhưng không! Buông xả. Thả rơi. Rơi rớt trên đường chiều lá rụng. Một bát, ba y, tắm suối, trèo non, ngủ đình, ăn quán. Du sĩ treo võng gốc cây, đứa bé lại gần đánh đu dây võng, rồi chia phần mẫu bánh trên tay, qua bữa. Tháo võng lên đường lại tiếc nhớ gốc cây bóng mát, chùa to Phật bự buông xả được chăng? Gã cửu vạn dành trả tiền bữa cơm chay, lòng từ bi thắp sáng, không phải ở du sĩ, mà là ở gã cửu vạn. Hắn hỏi du sĩ: An nhiên chăng? Thiền tăng vung bút thảo bài thơ liên hoàn, như vung kiếm tuệ giữa tờ mây vô biên tế:

“Tam thập niên tiền học khổ không

Kinh hàm đôi lũy ám Tây song

Hoa xuân bất cố Xuân quang lão

Thúy trúc tà huy thúy mộng hồn

Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án

Ta đà tố phát bạn tàn phong

Nhất triêu tán thủ huyền nhai hạ

Thủy bả chân không đối tịch hồng”.

Chao ôi! Nét bút tợ lưu thủy hành vân, lại như dao cùn chém đá, như mực ứ đầu thân bút, lại như sương mốc đầu cành liễu rủ. Ba mười năm kinh điển khổ không chất chồng che khuất cả ô cửa phía Tây, ô cửa học trò. Hoa xuân nào có nghĩ rằng ánh chiều Xuân sẽ tắt, trúc biếc chẳng ngờ tà huy cũng biên biếc mộng hồn. Giữa chập chùng dâu bể, “từ núi lặng đến biển im muôn thưở, đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”. Đau đáu, xác xao, chập chùng, đằng đẳng, nét mi dài rủ xuống chiếc bàn củi mục, lung lay. Tóc trắng cũng bện dày giữa bao luồng gió loạn. Còn gì nữa? Giữa hố thẳm tư tưởng, thi sĩ buông tay, chết đi sống lại, tuyệt hậu tái tô, sơn cùng thủy tận. Kìa! Vầng dương rực rỡ giữa màu chiều  chơn không diệu hữu, tịch lặng, thiên thu.

Thi sĩ buông bút, cười khà. Hắn nổi máu thi sĩ, chấp bút dịch bừa bài thơ còn chưa ráo mực, cũng nhanh như rót nước bình này qua ly nọ:

“Ba mươi năm học khổ không

Cửa Tây kinh điển chất chồng mờ xa

Hoa xuân chẳng biết xuân già

Mộng hồn trúc biếc bóng tà lắt lay

Mi dài rũ án thư phai

Dần dà tóc trắng gió bay chập chùng

Sáng nay dốc đứng tay buông

Ngắm vầng dương, suốt ngọn nguồn chơn không”.

Du sĩ đọc bài thơ dịch, gật gù, rồi như hai thầy trò chùa Hàn San bến Phong Kiều đêm nọ, cười lên khoái trá, thỉnh trà thỉnh trà…

Sáng ra, du sĩ lại lên đường, ba y một bát, thênh thang.

Hắn trở lại ngôi thất gỗ mới làm xong. Chiều cuối năm lại tất bật. Hắn hổ thẹn với lòng mình, ngôi thất chừ hóa ra chật chội. Trời đất cao vời mà khói thuốc qua kẽ bàn tay. Thoạt đầu hắn tính đốt thất bỏ đi. Nhưng đi đâu? Cũng chất ngất nắng mưa, cũng chập chùng biển núi, đi đâu cho khỏi cuộc đời này. Đi đâu cho khỏi nỗi sầu này. Đi đâu cho khỏi cơn mộng này. Hắn chạy vào lễ Phật. Phật rằng con có nợ chi ta? Hắn vẫn lạy như người mắc nợ, lạy dần trừ nợ, lòng hắn lại thấy vui vui. Trả nợ kiểu này khá dễ mà người ta không biết.

Khi lạy Phật hắn nhận ra rằng không dễ làm du sĩ. Ba mươi năm học khổ không. Đệ nhất đế là Đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế là Chân đế. Chân đế xuất phát từ Tục đế. Mà Tục đế ở đâu? Ở ngay con người hắn, ở đây, bây giờ. Đang lạy Phật, hắn nhìn ra sân trước, một cành mai, không phải của Mãn Giác, mà của Hoàng Bá. Mai vàng, tươi rói xuân xưa. Nhưng mùi thơm, hắn chưa ngửi được. Hắn ngâm lên câu thơ của Hoàng Bá mà hai hàng lệ chảy dài xuống má, thổn thức và thân phận đến lạ lùng:

“Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương”.

Hắn tạm dịch:

“Chưa từng một trận thấu xương

Làm sao ngửi được mùi hương mai vàng”

Nắng vàng. Có lẽ là nắng vàng, chứ không phải cái se lạnh, cái hiu hắt gió hay cái chập chùng mây, là cái làm cho lòng người nôn nao nhất. Hắn rót rượu, uống cạn buổi chiều cuối năm vào đáy tâm hồn trong cảm thức hạnh phúc lớn lao nhất của bình sinh hãn hữu.

                

Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại