Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Phạm Duy - Trả Hết Cho Người.

Phạm Duy - Trả Hết Cho Người.

Email In PDF

Có một khúc đồng dao được lũ trẻ chúng tôi hát từ khi mới biết nói, từ lớp mẫu giáo về, bi bô cùng cha mẹ và anh chị: “Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo, ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút, ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa…”.

Có một bản nhạc được một cậu bé 11, 12 tuổi hát suốt những buổi chiều quê bảng lảng, khi mục tử gọi trâu về, khi đi theo bố mẹ gánh lúa về nhà, băng qua những mảnh ruộng, những sườn đồi của thị trấn Di Linh thơ mộng: “Chiều ơi! lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều. Chiều ơi! Áo chàm về quẩy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều…”.

Có một nhịp điệu được chính cậu bé ấy ra ngoài đường cái hát tràn những đêm trăng khi tuổi mới tập tành qua nhà cô hàng xóm: “Hôm qua tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên, quên cây đàn, tình tang, tính tính tình tang,….”.
Có những lời ca như ám ảnh chàng trai mới lớn khi nghĩ về quê hương đất nước: “Đất nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

Có những giai điệu quấn theo những ngày tháng phiêu bồng, lãng tử của một kẻ từng rong rêu đây đó rồi hớt hải về quỳ bên mộ mẹ: “Từng tiếng xào xạc lắc lay, là tiếng cội già khóc cây, hay tiếng lòng mình khóc ai giờ đây…”.

Có những âm thanh được ngâm mãi trên môi khi tôi đã nếm trải chút cay đắng của cuộc đời bởi những toan tính của thế nhân, rồi hướng về kỷ niệm: “Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại tình yêu, tôi không cần khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu, cho tôi lòng non yếu, dễ khóc dễ tin theo…”.

Cậu bé ấy, chàng trai ấy, khi hát những giai điệu ấy ngày xưa, không hề quan tâm và không hề biết đến tựa đề, tác giả của bản nhạc. Khi biết đó là những Bé ca, Nương chều, là Cây đàn bỏ quên, là Tình ca, là Đường chiều lá rụng hay Kỷ niệm của Phạm Duy, thì tác giả của nó đang ở một phương trời xa, bị cấm hẳn về nước và cấm hẳn luôn cả những nhạc phẩm của ông. Đầu thập niên 90, tôi nghe lóm mấy anh bạn văn nghệ nói nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có xin nhà nước cho Phạm Duy về, người ta bảo hễ Phạm Duy về phải bị chặt làm ba khúc, khúc đầu chôn miền Bắc, khúc giữa miền Trung và khúc dưới miền Nam. Hôm nay lên mạng mới biết chính xác đó là câu nói của Tố Hữu trả lời cho Trần Văn Khê khi ông từ Pháp trở về sau 1975: “Bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi”. Hẳn ai cũng có thể hiểu câu nói ấy của Tố Hữu có ý bỏ những sáng tác của Phạm Duy giai đoạn sau 1954, giai đoạn mà ông đang ở miền Nam. Nhưng với tôi và có lẽ cũng với rất nhiều người khác, đoạn giữa của ông chính là đoạn đầu, đầu đời, đầu những tháng ngày bắt đầu biết nghe nhạc. Khi những băng cassette ở hải ngoại tràn về cuối thập niên 80, Thái Thanh với những Kỷ vật cho em, Áo anh sứt chỉ đường tà đã làm thổn thức tim tôi khi nghĩ về khói lửa quê hương mà một phần tuổi thơ tôi đã từng nếm trải, nó có cái gì đó trầm thống hơn cả những Tình khúc da vàng của Trịnh Công Sơn khi nói về chiến tranh. Hình ảnh “em ngại ngùng dạo phố mùa xuân, bên người yêu chai cằn sỏi đá…” qua giọng ca Thái Thanh ngày nào còn thống thiết hơn nhiều lần hình ảnh Đại bác ru đêm hay Mẹ vỗ tay reo mừng xác con… của Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly thể hiện.

Đó chỉ là những cảm nhận ban đầu đối với thế hệ chúng tôi, một thế hệ chưa biết nghe nhạc trước 1975, thế hệ chỉ biết hát những Kết đoàn, những Xuống đường mà người ta hay gọi là Nhạc đỏ, thế hệ mà khi vừa biết nghe nhạc, bạn bè chúng tôi chỉ biết Thanh Tuyền, Phương Dung, Hương Lan, Tuấn Vũ rên rỉ, may mắn cho bản thân chúng tôi khi biết tiếp xúc với những Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy Trác…. Và qua những giọng ca kinh điển ấy, nhạc của Phạm Duy như được chắp cánh. Hay nói một cách hình ảnh, họ sinh ra để hát nhạc Phạm Duy như đất sinh ra để cho cỏ mọc lên vậy. Đặc biệt là giọng Soprano của Thái Thanh. Gần như nhạc phẩm nào của Phạm Duy mà Thái Thanh thể hiện rồi thì đều đạt đến đỉnh, người sau muốn thể hiện lại thì chỉ là nhại lại cho giống Thái Thanh thôi. Nếu có phăng tiết tấu, nhạc điệu cho khác chỉ nghe qua một lần rồi chán, người sành điệu vẫn thích tìm lại Thái Thanh, ròng rã trên 60 năm qua.

Ở tuổi “Tam thập nhi lập”, nghe Nha Trang ngày về, Bên ni bên nớ, Nghìn trùng xa cách, Mùa thu chết, Ngàn thu áo tím…, ít ai cưỡng lại được sự quyến rủ đến mê hoặc những giai điệu chì chiết của Phạm Duy. “Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát, chui sâu vào thân xác lưu đày. Dã tràng ơi! sao lấp cho vơi sầu này ”, hay “Em có nghe bên ni lạnh hơn bên nớ ? Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong. Hai tâm linh giam kín lại. Bấm đốt ngón tay chờ đợi. Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời…”. Những Tình hoài hương, Dòng sông xanh… cứ réo rắt tâm hồn tôi nhiều đêm không dứt. Phạm Duy đã lặn sâu vào đáy cảm xúc của hầu hết những người đã đi qua cuộc đời, đi qua cuộc tình, và đi qua thân phận mình để viết nên những giai điệu buồn não nuột đến thế, say chất ngất đến thế, nhớ da diết đến thế, cô đơn chán chường cùng cực đến thế. Không phải ở ca từ. Bởi ở ca từ, Trịnh Công Sơn còn phù thủy hơn cả Phạm Duy. Ca từ của Phạm Duy mộc mạc, gần gũi. Nhưng ở đây là nhạc. Trịnh Công Sơn chỉ là kẻ hát thơ, còn Phạm Duy thì trả nhạc cho thơ. Tuồng như trong mỗi câu thơ, mỗi lời, mỗi chữ, nó phải được đặt đúng âm giai như thế mới hết ý của thơ. Hãy đọc Ngậm ngùi của Huy Cận qua nhạc phẩm của Phạm Duy để thấy rõ. Huy Cận viết: “Ngủ đi em mộng bình thường. Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ”. Đây chưa phải là hai câu hay trong Ngậm ngùi, nhưng qua Phạm Duy, lời thơ được cắt ra, phân nhịp, gắn cảm xúc: “Ngủ đi em, mộng bình thường, ngủ đi em, ngủ đi em. Ngủ đi mộng vẫn bình thường, à ơ sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…”. Không phải Phạm Duy ru em ngủ, mà là lời ru em ngủ phải là như thế, không thể khác, dìu dặt, khoan thai. Có thể em đã ngủ rồi, ngủ lâu rồi, hay đang mơ màng trong giai điệu, anh vẫn hát, anh vẫn ru, dù cho “cây dài bóng xế ngẩn ngơ…”.

Trong thế hệ nhạc sĩ tiền chiến, sang cả như Cung Tiến, não nuột như Đặng Thế Phong, thánh thoát như Văn Cao, thâm trầm như Dương Thiệu Tước, dìu dặt như Đoàn Chuẩn Từ Linh, có lẽ chỉ mỗi Phạm Duy là đa dạng, phong phú và đi vào lòng người nhiều nhất. Bởi lẽ ngoài những khúc đồng dao, nhạc đồng quê, dân ca, tình ca, sử ca, tục ca, thiền ca, vô số ca loại khác, Phạm Duy còn thoát lên với những giai điệu như Thánh ca trong những dàn hợp xướng của nhà thờ. Và khi cần thiết, người ta có thể quỳ xuống giữa đại ngàn để cất lên những giai điệu thống thiết, chất ngất bình sinh cho một lần tìm về nguồn cội, tìm về lại chính mình. Tôi rất thích bài Chắp tay hoa trong Đao ca số 9, Đạo ca giữa thành quách sương mù: “Chắp tay lạy trời, chắp tay lạy người, chắp tay lạy hoài, lạy mãi không thôi. Tâm là đạo quý, giữa biển luân hồi, thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi, hiện hữu đây rồi, không ý không lời. Đâu không là Phật, đâu chẳng là trời. Tôi không là tôi, người không là người”. Có thể Phạm Duy không phải là một Phật tử, nhưng nhờ thấm đẫm tinh thần Phật Việt nên mới có những tư tưởng nhân văn phảng phất tinh thần Hoa Nghiêm, tinh thần Bát Nhã sâu sắc đến thế!

Sánh với Phạm Duy về mặt âm nhạc, không nói đến số lượng mà nói về chất liệu, có thể kể đến Văn Cao, người bạn chí cốt thời trai trẻ của ông. Văn Cao có thể còn siêu xuất hơn Phạm Duy về mặt âm nhạc. Nhưng những nhạc phẩm của Văn Cao dường như ít người thể hiện thành công, một Ánh Tuyết xuất hiện cuối đời nhạc sĩ tài hoa như một món quà quý hiếm của đời sống dành cho Văn Cao và cho người thưởng thức âm nhạc. Phạm Duy thì ngược lại, ngoài giọng ca bất hủ của Thái Thanh còn rất nhiều người hát, thích hát và thuộc những nhạc phẩm của ông. Có thể nói, Phạm Duy là một trong vài nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Phạm Duy đã về lại quê hương sau mấy mươi năm Thuyền viễn xứ. Theo ông, về lại Việt Nam là “Lá rụng về cội”. Hãy bỏ qua, không bàn đến thái độ chính trị. Có người Việt Nam nào mà không bị thời cuộc đẩy đưa kia chứ! Cái chính là ông và rất nhiều văn nghệ sĩ khác như ông thèm về đất mẹ. Nhiều người muốn về mà không về được, chưa về được. Một người bạn của tôi đã nói: “Tôi chỉ ước mơ về đến phi trường Tân Sơn Nhất, quỳ xuống lạy đất mẹ thân yêu ba lạy cho thỏa lòng mong nhớ rồi ra đi cũng mãn nguyện rồi”. Một người bình thường còn nghĩ như thế, huống hồ là một Phạm Duy mà từng giai điệu đã thấm sâu vào 2 phần 3 thế kỷ cho mọi thế hệ trên mảnh đất ngàn đời khổ lụy này. Ông thèm về quê mẹ, nên đã bất chấp mọi thị phi của người đời, và ông đã mãn nguyện. Ông đã ra đi ở tuổi 93, khép lại một cuộc đời trọn vẹn. Tin ông ra đi lan tỏa thật nhanh sau 14h30 chiều ngày 27 tháng 1 năm 2013. Đúng 15h, một chàng sinh viên Đà Nẵng gọi cho tôi: “Phạm Duy mất rồi!”, hụt hẫng như mất một người thầy lớn. Ngay tức khắc, nhạc phẩm “Nghìn trùng xa cách” tự nhiên được mấp máy trên môi tôi: “Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui. Lời khóc lời cười, chuyện ngắn chuyện dài, trả hết cho người, cho người đi, trả hết cho ai, cả những chua cay. Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi, từng tiếng thương ôi, trả hết cho người, trả nốt đôi môi gượng cười…”

Khi ông sống, thôi thì đúng sai hay dở, ngay cả với những người suốt mấy mươi năm yêu thích nghe và hát nhạc ông. Nhưng ông chết rồi, sao lại còn những trận bút chiến tưng bừng trên mạng ảo ngay khi xác ông còn chưa được chôn cất? Hãy thắp cho ông một nén nhang, hãy ngâm cho ông một điệu nhạc. Mộ của ông nằm trên môi những người hát Tình ca như lời ông nói. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Ai yêu tiếng mẹ đẻ của mình thì hãy gác hết vũ khí và hát lên, hòa vào dàn hợp xướng của quê hương, với Mẹ Việt Nam, với Con đường cái quan; Với Cô hái mơ, Tiếng hát Sông Lô ở miền Bắc, với Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh ở miền Trung, với Tình hoài hương, Bà mẹ quê ở miền Nam, với từng lứa tuổi, từng tâm trạng, từng địa phương, từng chiến tuyến, từng ý thức hệ… Trả hết cho người, cho người đi, một lần và mãi mãi.

Đà Lạt mùa hoa dã quỳ

Nhất Thanh