Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Apr 19th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Cáo Tật Thị Chúng

Cáo Tật Thị Chúng

Email In PDF

Cuộc đời vốn vô thường, vạn vật biến đổi không thường. Nhưng trong cái vô thường mà nhận ra được cái thường hằng vĩnh cửu, sống trong an lạc nhẹ nhàng mà mỉm cười trước mọi sự đổi thay, người như thế là người đạt đạo. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư đã toát lên được tinh thần tuyệt vời đó.

Trước hết là âm điệu bài của thơ, đọc đi đọc lại bài thơ âm Hán – Việt, tôi có cảm tưởng như đang nghe một cơn mưa rì rào trên mái tôn, âm thanh đều đều mà người trong phòng không biết nó bắt đầu từ lúc nào, cơ hồ như cũng chẳng để ý đến cái tự nhiên đó. Bất chợt mưa trút hạt, dát lên mái tôn một âm thanh mạnh mẽ rồi tắt ngầm. Nhìn ra bên ngoài trời đã sáng tạnh, nhưng người ta ý thức rõ ràng được là trời vừa dứt cơn mưa. Đọc “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ , ta cũng có cái cảm tưởng đó. Nó vừa mang tính sâu lắng của Đường thi, vừa phảng phất cái tính trầm hùng của một bản nhạc giao hưởng cổ điển. Nhưng “Màu thời gian” thì chuyển từ thất ngôn qua ngũ ngôn, còn “Cáo tật thị chúng” thì lặng lẽ phô bày sự việc trước mắt một cách bình thường từ thể thơ ngũ ngôn, để bất chợt kết thúc bằng hai câu thơ thất ngôn thật bất thần, thật sang tạo. Và ngay trong sự bất thần đó, ta nhận được hết giá trị nghệ thuật của bài thơ.

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai”

Cũng là xuân, cũng là trăm hoa, tác giả làm thành hai ý đối nhau. Xuân đi! Từ đâu đi? Đi về đâu? Xuân đến! Ở đâu đến? Đến đâu? Không gian không có, thời gian cũng không nốt. Trăm hoa rụng, trăm hoa nở, chất liệu của hoa từ đất mà có, hoa rụng lại rụng về đất. Đối nhau mà chẳng có gì đối. “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai”? (1). Ồ! Đừng lắm mồm chứ! Bứt dây động rừng, hãy quăng ném hết đi, quăng ném hết mọi quan niệm, khái niệm đi. Mà có cái gì để quăng ném được ra ngoài cõi vô hạn? “Không có vấn đề, không có vấn đề. Có vấn đề thì phải giải quyết vấn đề” (Krishnamurti – Tự do đầu tiên và cuối cùng). Ồ, cứ để xuân đến xuân đi, cứ để hoa nở hoa tàn.

Ở hai câu dưới tính chất biền ngẫu của câu thơ chặt chẽ hơn. Nhưng ta cũng gặp lại hai động từ xu hướng: quá và lai. Qua và  lại, tuy cũng vô thủy vô chung, nhưng có giá trị làm cho “khứ” và ”đáo” trên kia được lặp lại, xoay vần. Bằng vài động từ bình thường, tác giả đã vẽ lên được cái man mác vô biên của vũ trụ, sư vận hành bất tận và tính tương – tức – tương – nhập của nó. Đó chính là DỊCH trong triết lý Khổng  giáo, chi phối toàn bộ vũ trụ quan của Đông phương.

Cái tài là ở chỗ đó, nhưng cái thần thì chưa xuất hiện. Chữ “Nhất” trong “Nhất chi mai” mới là cái thần của bài thơ. Trước sân thì một cây mai chứ sao lại một cành? Hoặc đêm qua sân trước mấy cành mai (sổ chi mai) được chứ? Không! Nhất ở đây không phải là một, tuyệt đối không phải là số đếm. Một tức không – phải – hai (bất nhị). Nhất ở đây là lượng từ chứ không phải số từ: “Nhất chi mai” là cái gì đó vượt ra ngoài giới hạn cân đong đo đếm. Mãn Giác thiền sư đã phả được hơi thở giác ngộ vào trong ngôn ngữ. Mỹ học Phật giáo vượt lên trên hình tượng để cho cung đàn bất nhị vọng vờn vô âm siêu tuyệt, lối từ duy biện chứng, tư duy logic và nhị nguyên của Tây phương bị lạc vào mê cung của mảnh đất mù mờ tư tưởng và từ đây bức tường chữ nghĩa được xây bằng hơi thở linh hoạt của nghệ nhân.

Từ xưa đến nay đã biết bao con người ngán ngẫm với cái tuần hoàn biến thiên vũ trụ. Điệp khúc thời gian cứ xoay vần lặp đi lặp lại những cảnh vô thường biến diệt. Con người sống giữa cái siêu nhiên bị cuốn trôi theo cái guồng máy vô tâm đó. “Xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười. Trước mắt sự việc trôi qua mãi, trên đầu già đến rồi…” Sự đời là thế, tướng của thế gian nó là như thế (thế gian tướng thường trụ - Kinh Pháp Hoa). Khổng Tử bảo: “Trời có nói gì đâu, vạn vật sanh sôi nảy nở, bốn mùa vẫn xoay vần, trời có nói gì đâu!” (2) Trời không nói gì, nhưng con người nói nhiều lắm. Người ta quá tiếc thương cho những gì đã mất, muốn đem cái hữu hạn sánh với cái vô hạn, mà không biết cái vô cùng đó ở ngay trong cái hữu cùng của sự vật, nên oán ghét, tiếc thương, đau khổ. “Nói làm chi rằng Xuân vẫn tuần hoàn, nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Vội vã – Xuân Diệu). Nghĩ đến cái man mác của thời gian, trong khi con người quá nhỏ bé. Trần Tử Ngang ở Trung Hoa cũng ngậm ngùi chua xót:

“Mênh mang trời đất mênh mang

Một mình bất chợt đôi hàng lệ sa” (3)

(Đăng U Châu đài ca – N.T dịch)

Nhà thơ Huy Cận cũng có lần rùng mình cho cái nhỏ bé của thân phận trước cái vô cùng, ông cảm thấy”

“Một mảnh linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu”

Thiền sư Mãn Giác cũng ở ngay trong sự biến thiên dời đổi đó, ông đã trực nhận được bản thể hiện hữu ngay trong sự biến diệt. Con người của Ông là con người bằng xương bằng thịt, cũng âm ỉ nỗi đau của sanh già bệnh chết như mọi người. Nhưng ông không buồn than ai oán, sợ hãi hay ưu sầu. Cáo bệnh dạy chúng, đây là điểm đặc biệt cần lưu ý: điều ông dạy không phải trong lúc sức khỏe cường tráng, khí huyết hanh thông, mà là cái già đã đến theo đầu tóc bạc. Trước mắt sự việc đi qua mãi, tàn lụi, cuốn trôi. Nhưng

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai”

Xác thân con người thì cũng đổi thay như hoa nở hoa tàn, nhưng nụ cười vẫn tươi thắm trên môi người đạt ngộ. Nhành mai vẫn hiện hữu ở đó từ “đêm qua”, và qua đêm vẫn còn nguyên vẹn đó. Mãn Giác đã thật tài tình khi thâu hết thời gian vô tận lại trong nhành mai sân trước đêm qua, để những đóa hoa vô thường của không gian tự nhiên biến đổi lụi tàn. Còn nhành mai đó thì còn có xuân đến xuân đi, còn có hoa nở hoa rụng, qua bao đổi đời mai vẫn là mai. “Nhất chi mai” xuất thần đã thành biểu tượng vĩnh viễn cho tâm thể yên nguyên. Có sự đồng vọng nào giữa những đóa hoa trên cành mai này với “hạt sương trên đầu ngọn cỏ” (Thịnh suy như lộ thảo đầu phô) của Vạn Hạnh thiền sư cùng đời Lý? Đóa Nazuna bên hàng giậu của nhà thơ Bashô ở Nhật Bản cùng đóa Thược dược của Quách Thoại sau này phải chăng cũng đồng một cái nhìn như thế. Cái nhìn như thật trong cái không thật, cái thường trong cái vô thường. Đó là chân như, là thể tánh thường hằng của vạn pháp.

Tác giả của “Cáo tật thị chúng” đã phát huy hết mức lối tư duy hình tượng của mỹ học để toát lên được triết lý nhân bản trong nhân sinh quan của ông. Ông không ngồi than thở một cách yếm thế những đổi thay mà vui tươi sống với thường hằng vĩnh cửu, biến bi đát thành bi tráng. “Một nhành mai” dầu trụi lá, vẫn tiềm ẩn bên trong muôn ngàn lộc non và sắc màu của hoa quý. Hoa và lá có vô thường, nhưng sức sống của nhành mai vẫn luôn tuôn trào bất diệt.

Mãn Giác đích thực là một thiền sư – thi sĩ. Ông trực giác cuộc đời bằng cái nhìn đầy hiện thực mà cũng đầy lãng mạn. Hiện thực trong thái độ, lãng mạn trong cách nhìn, nếu không có dẫn dụ được cho người đọc bằng lòng với cái sanh diệt của bốn câu đầu thì hai câu thơ sau sẽ không dễ gì gây cho ta ấn tượng mạnh mẽ như thế được. Có thể rồi “Cáo tật thị chúng” là một đóa hoa tuyệt đẹp trong vườn hoa văn học Thiền đời Lý, cũng là đóa hoa lạ và quý hiếm trong rừng hoa muôn màu muôn vẻ của nền văn học Việt Nam.

Thích Nguyên Hiền


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại