Mục lục bài viết |
---|
Đường Vào Nội Tâm |
Phần 1 |
Phần 2 |
Phần 3 |
Phần 4 |
Phần 5 |
Phần 6 |
Phần 7 |
Phần 8 |
Phần 9 |
Phần 10 |
Phân 11 |
Tất cả các trang |
ÐƯỜNG VÀO NỘI TÂM
Thích nữ Trí Hải
6
28. MÃNH LỰC LỜI NGUYỆN
Một hôm, sau khi khất thực, thọ trai xong trở về Kỳ Viên tinh xá, đức Thế tôn được báo cáo có một vị Tân tỳ kheo (tỳ kheo mới thụ giới) lâu nay bỗng đâm ra thẫn thờ, biếng nhác không chịu đi khất thực, không tọa thiền, không ăn uống. Phật đi đến am thất của vị tỳ kheo ấy, thì thấy đại đức râu tóc mọc dài, mặt mày tiều tụy hốc hác, Phật biết ngay đấy là tình trạng của một người đã bị một con hổ cái hớp hồn. Ðấng Từ bi khẽ ngồi xuống cạnh giường người bệnh, ôn tồn thăm hỏi. Vị đệ tử sa nước mắt thú thật với Ngài:
- Bạch Thế tôn, mong Thế tôn cứu vớt con, thực sự con đã bị nữ sắc lôi cuốn. Con cố chống cự mà dường như vô hiệu, hình ảnh "nàng" mãi ám ảnh tâm tư con, làm cho con đau khổ. Con thật không xứng đáng là tỳ kheo. Con muốn chết.
Ðức Phật mỉm cười an ủi:
- Con hãy bình tĩnh lại. Mê gái là chuyện thường. Ðiều cốt yếu là con hãy sáng suốt vượt qua, không có gì trầm trọng cả.
- Bạch đức Thế tôn, làm sao con vượt qua được, khi hình ảnh mĩ miều khả ái của nàng cứ ám ảnh con hoài?
- Ðó là vì con mới nhìn qua một lần, mà không nhiếp tâm quán sát. Con chỉ thấy một cái đẹp mà chưa thấy những cái xấu, cái nguy hiểm của nữ sắc. Nếu con thấy được toàn diện như thế, thì con sẽ thoát ra khỏi sự đam mê. Ðối với sắc, cần phải quán ba điều: vị ngọt, nguy hiểm, và sự xuất ly khỏi sắc.
Rồi đức Thế tôn kể cho vị tỳ kheo một mẩu tiền thân: Ngài cũng đã từng bị nữ sắc mê hoặc, nhưng nhờ sáng suốt mà Ngài đã vượt qua.
Thuở ấy, Ngài làm một vị vua trẻ đẹp, tài đức vẹn toàn. Vì ham việc nước, vua chưa nghĩ đến việc tuyển hoàng hậu. Giúp vua trị nước có quan tể tướng, phong tư tài mạo tuyệt vời, mà cũng chưa có vợ. Tình vua tôi tuy lễ độ mà rất tương đắc.
Bấy giờ trong lãnh thổ của vua có một nhà tỷ phú có cô con gái sắc nước hương trời, xa gần đều biết tiếng. Cô có một sắc đẹp mê hồn, làm cho thanh niên nào thấy cô là "tá hỏa tam tinh", hồn xiêu phách lạc, té ngửa người ra bất tỉnh nhân sự. Cũng may cho những thanh niên, cha cô quý cô như lá ngọc cành vàng, và theo phong tục Ấn độ thời đó, đàn bà con gái ra đường phải che mặt lại bằng một tấm voan mỏng (chỉ chừa hai con mắt để dòm ra cho thấy đường khỏi vấp té), cho nên ít người đàn ông nào có dịp thấy cô mà phải tán đởm kinh hồn.
Vì sao cô gái đẹp ấy lại có một số phận kỳ quái như vậy? Ðó là mãnh lực lời nguyện của nàng từ kiếp trước.
Tiền thân nàng là một cô gánh nước mướn nghèo khó. Một hôm đi gánh nước, cô gặp một bà mục chiếc "sari" (kiểu áo của phụ nữ Ấn, chỉ là một tấm vải rộng quấn quanh mình, phủ cả đầu, chừa cái mặt) bằng mút-xơ-lin vàng rất đẹp, cô ao ước được một chiếc sari như vậy, và hỏi, bà đã mua nó bao nhiêu tiền. bà ta cho biết một giá tiền kinh khủng, nhẩm tính ra cô phải gánh nước thuê những mười năm mới đủ tiền sắm nó. Nhưng vì quá yêu thích chiếc áo đẹp, cô nhất định phải có nó. Bà kia thấy cô khát khao như vậy, bèn đề nghị cô đến làm nô tỳ ba năm bà sẽ cho một chiếc áo giống hệt áo bà đang mục. Cô gái đồng ý ngay.
Mãn hạn nô tỳ ba năm, cô được xấp hàng mới đem về, trở lại với cuộc đời tự do gánh nước mướn. Khi cầm xấp hàng đi giữa đường, cô gặp một vị tỳ kheo, người quấn toàn là chuối khô để che thân. Ngạc nhiên cô hỏi, thì được biết vị ấy đi đường bị kẻ cướp đoạt hết y phục, nên bây giờ phải quấn tạm bằng lá chuối khô như vậy. Ðộng lòng trắc ẩn, cô dâng cả xấp hàng cho vị tỳ kheo. Vị tỳ kheo đi vào bụi rấm trút bỏ lá chuối khô, khoác lên mình chiếc y vàng ấy. Khi Ðại đức từ trong bụi bước ra, người con ngái bàng hoàng sửng sốt trước vẻ đẹp sáng chói của Ngài, tưởng như Phật vừa giáng thế. Nàng quỳ xuống phát nguyện:
- Mong rằng nhờ phước dâng mảnh y phục này, kiếp sau con sẽ được một sắc đẹp siêu phàm, làm cho nam nhi thấy con phải mê mẩn, rụng rời tay chân, (như là con thấy Ngài vậy!)
- Con sẽ được toại nguyện!
Vĩ đại đức chúc lành cho cô rồi bỏ đi.
Lời nguyện quái ác của cô gái được thành tựu. Nhờ công đức bố thí đó, kiếp hiện tại cô được sinh vào nhà giàu có, nhưng cũng do lời nguyện, cô được cái sắc đẹp làm mê mẩn hồn người như một bà phù thủy.
Bấy giờ trong triều, đình thần bàn nhau:
- Ðấng Minh quân của chúng ta đã đến lúc nên tuyển ngôi chánh cung, để sanh con nối dõi. Không biết cặp mắt xanh của Ngài đã để lọt vào ai chưa?
Quan tể tướng nói :
- Tôi thường gần vua, thấy Ngài chỉ lo việc dân việc nước, không màng tới chuyện ấy.
- Vậy thì quan tể tướng nên khuyên vua để cho chúng ta tuyển chọn một số mỹ nhân, xem ngài vừa ý ai thì xin ngài đặt lên ngôi chánh cung đi. Tục ngữ có câu: Trai không vợ như ghế ba chân.
Quan tể tướng bằng lòng. Gặp lúc cùng vua nhàn tản, ông mở lời:
- Tâu bệ hạ, bọn hạ thần có trộm bàn chuyện bệ hạ nên sớm yên bề gia thất.
Vua mỉm cười:
- Bộ các khanh đã nhắm có mỹ nhân vừa ý, toan kén chọn cho ta ư?
Quan tể tướng tâu:
- Dạ, tâu bệ hạ, bọn hạ thần nghe tục ngữ nói, "trai không vợ như ghế ba chân", nên bàn nhau xin bệ hạ cho đi tuyển về một số mỹ nhân để mắt Rồng chọn lựa.
Vua cười xòa:
- Các khanh muốn vậy cũng được. Nhưng nếu không kén chọn được người ngọc như ý thì ta thà ở goá thôi!
- Xin bệ hạ yên lòng, chúng thần sẽ ra sức tìm kiếm. Nghe đồn có một tỷ phú ở phương Bắc có cô con gái sắc nước hương trời.
- Sao khanh không chọn nàng cho khanh đi? Khanh cùng tuổi với ta, mà sao mắt xanh chưa để ai lọt vào cả?
- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần muốn lo việc bệ hạ trước, kẻ hạ thần tính sau cũng chưa muộn gì.
Ðược lịnh vua, triều đình mở cuộc sơ tuyển mỹ nhân khắp nước. Tụ họp lại thì quá đông, họ bèn yết bằng khắp nơi và cho người đi rao bằng ống loa rằng, nhà ai có gái đẹp hãy nộp hồ sơ gồm một tấm hình, các chi tiệt về người đẹp như bề cao, cân nặng, vòng ngực, vòng eo, lưng ong, lưng tôm, hay lưng ệch, giọng kim hay giọng thổ, đi chân chữ bát hay chữ nhất... Chỉ trong vòng hai tuần lễ, hồ sơ mỹ nhân gởi đến triều đình tới tập như bươm bướm. Xem xong mấy ngàn tấm hình họa các mỹ nhân, nhà vua không vừa ý người nào cả. Quan tể tướng cũng đồng ý với vua, không có người nào xứng đáng trong số đó. Ông bỗng sực nhớ ra, trong số mấy ngàn hồ sơ không hề thấy hồ sơ của cô gái nhà tỷ phú nọ. Ông bàn với vua:
- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin cử một phái đoàn của triều đình gồm những quan giỏi tướng số đi đến nhà tỷ phú ấy, xem tướng cô gái đó đẹp như thế nào. Nếu quả xứng đáng, vừa ý nhà vua, thì xin tuyển làm chánh cung.
Nhà vua chấp thuận đề nghị ấy. Quan tể tướng bèn chọn mười viên quan giỏi về nhân tướng và lý số đi đến nhà tỷ phú xem mặt cô gái. Người thì có biết tài xem tướng mặt, người xem tướng lưng, người xem tướng đi, tướng đứng tướng ngồi, tướng giọng nói mắt nhìn... sao cho tất cả con người của cô đều biểu lộ cung cách của một vị hoàng hậu xứng với đức vua đẹp trai phong nhã tài tình của họ. Sắp đặt xong xuôi, triều đình báo tin cho ông tỷ phú sẽ có phái đoàn về xem tướng con gái ông để tuyển làm hoàng hậu. Cô gái rất kiêu hãnh về sắc đẹp của mình nên đã không thèm nạp hồ sơ, cô biết cuối cùng ngôi chánh cung sẽ lọt về tay cô, bởi vậy cô không thèm bận tâm về chuyện đó. Khi nghe cả đoàn mười vị quan triều đình đến nhà để xem tướng cô, cô cảm thấy tự ái nổi lên dữ dội, định bụng sẽ cho các quan này một phen sỉ nhục ê chề. Cô trang điểm hết sức lộng lẫy, chờ khi các quan vào tới phòng khách, cô từ nhà trong xuất hiện, đưa cặp mắt sắc như dao phay liệc qua liệc lại một lượt các ông quan. Bỗng các quan đều đứng ngẩn người ra như phỗng đá nhìn trừng trừng vào sắc đẹp mê hồn của cô. Cô cất giọng oanh vàng thỏ thẻ:
- Xin mời các quan ngồi. Dám hỏi các quan đến có điều chi dạy bảo?
Các quan vẫn không nhúc nhích. Cô gái bỗng đổi giọng đanh thép giận dữ nói:
- Nghe đồn triều đình hôm nay phái người về xem tướng ta. Tưởng là người, hóa ra là một lũ ngợm Thế kia à?
Rồi quát gia nhân túm từng người ném ra sân. Cô gái thi hành xong việc trã đũa, đủng đỉnh đi vào nhà đóng cửa lại. Khi các quan không còn trông thấy bóng đáng cô gái thì ma lực của sắc đẹp nàng cũng tan biến. Họ lồm cồm đứng lên phủi áo ra về, rất tức giận cô gái và quyết trả đũa. Khi trở về họ tâu vua:
- Tâu bệ hạ, cô gái ấy là một mụ phù thủy có bùa ngãi, bệ hạ không nên rước cái của nợ ấy về, nguy lắm!
Nhà vua dễ dãi cười xòa:
- Vậy thì hãy thôi. Tự các khanh bày đặt, chứ ta đâu thiết gì tới chuyện đó.
Về phần nhà tỷ phú , khi chờ mãi không thấy nhà vua đề cấp đến việc tuyển con gái mình làm hoàng hậu, ông bàn với con:
- Ta sẽ gả con cho quan tể tướng, con chịu không?
Cô gái làm bộ e lệ đáp:
- Tùy ý cha.
Thâm tâm cô cũng nghĩ đó là thượng sách, để trả thù ông vua kiêu căng không thèm đoái hoài tới cô. Tể tướng chỉ dưới vua một bực. Tuy cô không được làm hoàng hậu, nhưng được làm mệnh phụ "phu nhân" thì cũng tốt số lắm rồi.
Ông tỷ phú cho người đến nói với quan tể tướng, ông muốn gả con gái cho người. Quan tể tưóng thấy nhà vua lơ là với việc vợ con, nên không dám gượng ép ngài thêm nữa. Lâu nay quan vẫn muốn dành mỹ nhân ấy cho vua, bây giờ sau vụ xem tướng, cái nhân duyên giữa vua và nàng kể như đã lỡ. Quan bèn chấp thuận cưới cô gái, vì quan cũng không muốn làm "ghế ba chân" mãi, lỏng chỏng thế nào!
Thế là đám cưới xẩy ra giữa quan tể tướng và cô con gái nhà tỷ phú. Nhờ tục lệ che mặt, nhà vua tuy có dự đám cưới cũng không thấy mặt nàng nên khỏi bị ngơ ngẩn thần hồn. Chỉ mình quan tể tướng sau khi cưới về mới ngơ ngẩn trước sắc đẹp siêu phàm của vợ (chỉ một lúc đầu thôi, sau quen mắt thì không sao.) Quan từ đấy cẩn thận khóa cửa mỗi khi vào triều, để cho bà vợ có sắc đẹp mê hồn khỏi bị ai thấy, đúng hơn khỏi ai bị thấy, mà phải bận loạn tinh thần.
Tể tướng phu nhân vẫn ôm lòng thù hận nhà vua, và muốn vua phải thấy mặt mình một phen, cho bị thất điên bát đảo, cho bõ ghét. Bà để tâm chờ cơ hội...
Hôm ấy gặp ngày mừng quốc khánh. Quan tể tướng vào triều sớm, dặn nàng:
Hôm nay có xe loan của Hoàng thượng đi ngang đường mình để về cung sau khi xem duyết binh. Vào giờ xe vua đi ngang em hãy lánh mặt kẻo vua nhìn thấy, không hay cho Ngài.
Phu nhân giả bộ vâng lời :
- Thưa lang quân, vâng ạ.
Nhưng trong lòng nàng mừng khấp khởi vì được dịp báo thù. Ðúng giờ vua đi ngang bà trang sức lộng lẫy, ra đứng ở bao lơn cầm sẵn một rổ hoa bốc từng nắm tung xuống xe hoa của vua đang chầm chấm diễn qua dưới đường, trước ti?ng tung hô "Vạn tuế" của dân chúng. Những cánh hoa tươi thơm ngào ngắt mưa xuống đầy long bào nhà vua. Vua ngẩng lên nhìn thì chao ôi! Ngài bủn rủn cả tay chân, tâm thần tán loạn không còn biết gì nữa... Ðôi mắt mỹ nhân đắm đuối theo dõi nhà vua mãi như một oan hồn. Trở về cung vua leo lên long sàng nằm dài, không thiết gì ngủ nghỉ, ăn uống. Hình ảnh mỹ miều của Tể tướng phu nhân như đán chặt trước mắt nhà vua. Ðau khổ, vua thở dài thườn thượt.
Quan tể tướng biết rõ sự tình, bèn đi vào bên vua tâm sự: - Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin nhường lại cô vợ cho bệ hạ đó. Xin bệ hạ hãy hồi tỉnh để lo việc nước việc dân.
Vua nói gần như khóc:
- Khanh tốt bụng quá, làm cho ta thấy hổ thẹn. Không bao giờ ta lại nỡ đi cướp một báu vật của khanh.
- Tâu bệ hạ, đối với kẻ hạ thần, chỉ có hoàng thượng là kho báu của cả muôn dân. Ðể bảo vệ mạng sống của Ngài, thì dù có mất mạng hạ thần cũng vui lòng, huống hồ chỉ là một người con gái.
Nhà vua vẫn tư lự âu sầu, không thuận lời đề nghị hiện dâng ấy. Quan tể tướng bèn đánh một đòn mạnh hơn.
- Thôi thì kẻ hạ thần sẽ viết tờ khai trừ bà vợ, cho nàng về lại nhà cha mẹ. Bệ hạ muốn thì tuyển nàng vào cung, mà không muốn thì thôi, kẻ hạ thần cũng nhất quyết ly dị .
Nhà vua giật mình ngồi dậy mở lớn mắt nhìn quan tể tướng:
- Nàng có tội gì mà khanh nỡ dứt tình với nàng như vậy?
Thấy vua đã trúng kế mình, quan tể tướng bồi thêm một đòn chí tử:
- Nàng có tội rất lớn, đã đem sắc đẹp mê hoặc nhà vua, làm cho vua cột trụ của muôn dân phải tiêu ma chí khí, thân bại danh liệt. Tội ấy đáng tru di.
Nghe mấy lời ấy, nhà vua như bị một gáo nước lạnh dội từ trên đầu dội xuống, làm cho Ngài tỉnh hẳn, khỏi ma lực của nữ sắc. Ngài cười xòa đứng dậy:
- Tể tướng, thôi, ta đã hiểu. Mọi sự chỉ vì ta mê muội lú lẩn trong chốc lát. Khanh sẽ thấy, cũng như đã thấy, là ta không phải hạng mê gái tới chết đâu. Khanh hãy yên tâm ra về. Bùa lực của nàng đã tan biến nơi ta.
Kể xong chuyện, đức Thế tôn cho biết nhà vua là tiền thân của Ngài, còn quan tể tướng chính là A Nan tôn giả ngày nay.
--o0o--
29. NGŨ XÚ NƯƠNG
Thuở ấy tại một xóm nghèo trong khu tồi tàn của xứ Ấn, có một cô gái đến tuổi cặp kê (tức là tuổi có thể lấy chồng) mệnh danh là Ngũ xú nương, vì cô quá xấu. Sắc của cô đủ năm vẻ xấu của mặt mày, hai tay và hai chân, nên được mệnh danh như vậy. Trẻ con mới thấy mặt cô đều phải khóc vì hãi sợ. Nhưng cô có một xúc giác rất êm áí đến nỗi ai động tới người cô đều cảm thấy khoan khoái vô cùng. Trẻ con thấy cô đều khóc thét, nhưng khi được cô ẵm lên thì lại không muốn rời ra nữa. Bởi vì sự xúc chạm người cô gây cho chúng một cảm giác êm ái lạ lùng, không khác gì được ấp ủ trong vòng tay của mẹ.
Tại sao cô lại chịu số phận kỳ quái như vậy? Tại vì kiếp trước cô là con gái của một thợ gốm nghèo. Một hôm, có một vị tỳ kheo đi khất thực đến nhà, cô đã không cúng dường mà còn xua đuổi vị ấy bằng những lời chua ngoa. Trước sự ngu si của cô bé, vị tỳ kheo động lòng từ bi muốn gieo cho cô một ít phước lành của sự bố thí, bèn bảo:
- Nếu cô không có cơm để bố thí, thì hãy cho bần tăng một ít đất sét vậy.
Cô gái vào nhà lấy một ít đất sét nắn đồ gốm đem bố thí vị tỳ kheo mà bảo:
- Ðó! đi cho khuất con mắt cho rồi. Cái ông lỳ lợm!
Do lời mắng nhiếc và thái độ bực tức của cô khi bố thí, kiếp này cô phải bị quả báo là nhan sắc xấu xí vô cùng cực. Nhưng do sự bố thí đất sét cho vị tỳ kheo nên kiếp này cô được quả báo có một xúc giác êm dịu thần tiên.
Vì quá xấu, nên tuổi đáng lấy chồng mà cô vẫn còn được nhàn nhã rong chơi với bọn trẻ con suốt ngày trong xóm. Bấy giờ đức vua có thói quen giả dạng thường dân đi vào các khu lao động để xenm xét dân tình mà chỉnh đốn đời sống của họ. Một hôm vua đến xóm Ngũ xú nương vào lúc xẩm tối. Ngũ xú nương lúc ấy đang chơi bịt mắt bắt dê với tụi trẻ. Nàng bịt mắt quơ tay chặp bọn nhỏ đang reo hò né tránh. Ðức vua giả dạng đi qua bị nàng quơ trúng. Ngũ xú nương hớn hở reo lên:
- Thằng cột!
- Không phải!
- Thằng kèo!
- Không phải!
Nàng tiếp tục gọi tên năm bảy đứa đều trất lất, bèn thả tay ra. Trong lúc đó đức vua như chết điệng cả người vì một khoái lạc thần tiên. Ngài chưa bao giờ thưởng thức một sự xúc chạm nào êm ái kỳ diệu như vậy, dù đang sống trong nhung lụa gấm vóc, được đoanh vây bởi vô số cung nữ nhan sắc diễm kiều. Trước sự chạm xúc của Ngũ xú nương lần đầu tiên, ngài cảm thấy bao nhiêu phi tần đều vô dụng, nên cho về vườn hết. Ngài chỉ cần một nàng này là đủ. Nhà vua giả dạng mặc dù đã được Ngũ xú nương buông ra, vẫn đứng trơ như phỗng đá... không muốn dời chân. Ngài đứng nhìn nàng tiếp tục trò chơi bịt mắt bắt dê trong bóng mờ. Cho tới khi trời tối, bọn trẻ thấm mệt giải tán, Ngũ xú nương đủng đỉnh về nhà. Vua lẽo đẽo theo chân cô gái. Vừa đi vừa tưởng tượng nhan sắc của nàng chắc cũng đến chim sa cá lặn, vì sự xúc chạm của nàng êm ái là thế. Vua muốn đến tận nhà nhìn cho rõ mặt hơn. Ngài nhất quyết đặt cô bé lên ngôi chánh cung hoàng hậu.
Vừa đi ngài vừa hỏi cô bé (vua vẫn giả bộ thường dân):
- Này em, qua muốn hỏi em về làm vợ, em có bằng lòng không?
Cô bé cười lớn:
- Ha ha! Ông muốn cưới tôi hả? Cha mẹ tôi nghèo lắm không có gì cho ông đâu! Chưa bao giờ ai hỏi tôi như vậy cả.
- Qua không cần của hồi môn, tiền bạc gia tài chi cả. Qua chỉ muốn sống gần em mà thôi.
Cô bé vẫn cười một cách hồn nhiên, chẳng tỏ chút gì e lệ:
- Ha ha, cái ông này thật kỳ! Ông hỏi mẹ tôi đi. Tôi không biết!
- Vậy thì em đưa qua về nhà hỏi mẹ nhé?
- Ðược! Ông cứ đi theo tôi.
Vua mừng khấp khởi, đi theo cô bé về nhà. Vừa bước vô căn nhà lá lặp xặp, cô bé đã gọi lớn:
- Mẹ đi! Có cái ông này muốn cưới con về làm vợ đây nè!
- Tốt! Thằng nào mà mê cái nhan sắc của mày đó, chắc là đồ ma chê quỷ hờn, thần sầu quỷ khốc mới thèm vào cái thứ mày!
Bà mẹ vừa nói vừa bưng cây đèn dầu đi ra để giữa nhà. Dưới ánh đèn leo lét, vua thấy mặt mày Ngũ xú nương, thật kinh hồn vía. Nhưng bùa lực sự xúc cảm của nàng vẫn mãnh liệt nơi vua, vua nhất quyết cưới nàng dù nàng xấu hơn Chung Vô Diệm. Trong phút chốc, vua đã định đoạt xong chương trình, vì say mê nàng quá đỗi. Chương trình ấy là, hàng ngày sau khi công việc triều đình xong xuôi, ngài sẽ cải dạng thường dân về nhà nàng vào lúc chiều tối, sáng sớm lại trở về cung. Như vậy vua sống được với nàng mà khỏi bị chê cười. Ngài chắc chắn, nếu rước Ngũ xú nương về cung, thì triều đình sẽ cho là ngài loạn óc mới tuyển vào ngôi chánh hậu một Chung Vô Diệm như thế.
Bởi vậy vua đề nghị với bà mẹ:
- Thưa bác, cháu muốn cưới cô em này, nhưng cháu chưa có nhà riêng, xin bác cho cháu tạm "gởi rể". Ban ngày cháu đi làm, tối về nhà vợ. Khi nào đủ tiền sắm nhà cháu sẽ đưa nàng đi.
- Ðược, nếu ông chịu cưới nó thì tốt lắm. Mà nhà tôi nghèo, ông cũng thấy đó, tôi không có đồng xu nào cho nó đâu!
- Không hề gì, thưa mẹ!
Ðược lời như cởi tấm lòng cả hai bên. Từ đó nhà vua tối tối lại về nhà Ngũ Xú nương. Ngài xem túp lều tồi tàn này còn hơn muôn vàn lầu son gác tía, vì nơi đó ngài được sống với những xúc giác kỳ diệu như ở cõi trời.
Một thời gian khá lâu trôi qua, vua thấy thật bất tiện nếu cứ phải giả dạng lần mò về nhà nàng mỗi chiều như thế. Nhưng ngài lại không xa Ngũ xú nương được. Ngài nghĩ cách làm sao đưa nàng về cung lên ngôi hoàng hậu mà khỏi bị ai cười ngài là đồ ngu. Bởi thế, ngài bày ra một mưu kế lạ lùng.
Một hôm, Ngũ xú nương đang ngồi buồn rầu thì vua về. Ngài hỏi:
- Tại sao em buồn vậy ?
- Tại vì cha em bệnh, muốn ăn một bát cháo tôm cua mà em không có tiền mua đồ nấu cháo.
- Tưởng là gì! Mai anh sẽ gánh về một gánh cháo tôm cua cho cha, muốn ăn bao nhiêu cũng được.
Nhân cơ hội ấy, nhà vua mua một nồi cáo tôm cua tại bà bán cháo ở chợ, đặt vào đầu gánh, đầu kia vua lấy cái vương miện gắn đầy hột xoàn năm ly của ngài, gói lại cẩn thận, bỏ vào một cái thúng, trên phủ đầy lá chuối. Rồi gánh về nhà cho cô gái và dặn:
- Ðây, anh mua cháo tôm cua về cho cha đó. Ðầu gánh này là cháo tôm cua, đầu kia muốn tôm cua rùa ếch cóc nhái chi cũng có cả. Khi nào cần mua gì thì lấy ra.
Cô gái được nồi cháo mừng quýnh, không vội để ý cái thúng lá chuối kia. Nàng dẹp nó vào một nơi, đem cháo cho cha ăn. Cả nhà cùng được một bữa khoái thích.
Hôm sau trở về cung, Vua hô hoán cái vương miện, vật quốc bảo đã biến mất, và ra lệnh các quan phải mở cuộc truy tầm. Triều đình nhốn nháo phái người đi tìm lục soát khắp nơi trong hoàng thành đều không có. Vua đề nghị :
- Trong thành không có thì tìm ra ngoài thành, ở những khu tồi tàn, xem kẻ gian có tẩu tán tài sản về đón không. Ban điều tra vâng lời, lục soát tới khu tồi tàn của Ngũ xú nương. Họ vào đến nhà nàng, lục tới thúng lá chuối tìm được cái vương miện; bèn bắt trói cả ông bà. Hai ông bà một mực kêu oan. Quan điều tra hỏi :
- Vậy thì của ai cái thúng này ?
- Ðó là của thằng rể tui đem tới.
- Thằng rể ở đâu?
- Không biết! Hắn nói không có nhà, đi cả ngày tới tối mới về đây. Có thể là một thằng trốn quân dịch lắm. Các ông chờ tới tối sẽ gặp nó.
Ban điều tra chờ mãi không thấy chàng rể xuất hiện. Bà mẹ cô gái đấm ngực la làng:
- Hắn có lẽ đã nghe động tịnh nên chuồn thẳng rồi! Oan đi là oan, hỡi trời hỡi đất!
- Vậy bà hãy tả hình đáng mặt mày thằng rể cho tôi nghe.
- Làm sao tôi thấy rõ mặt mày hình đáng hắn? Nhà nghèo, dầu hôi khan hiếm, tối chỉ thắp một ngọn đèn leo lét một lát là tắt. Thằng rể tôi thì tối mịt mới mò về khi tôi đã ngủ. Mà có thức thì tối quá cũng không thấy rõ được, mắt già lem nhem.
Họ bèn hỏi tới Ngũ xú nương :
- Còn cô, mặt mũi hình dạng chồng cô ra sao, hãy tả ra nghe.
- Tui cũng không thấy rõ được. Ảnh thường về lúc đã tối mịt, đèn lu, tui nhìn cũng lờ mờ lắm.
- Vậy thì làm sao cô nhận ra được chồng cô ?
- Sờ người thì biết!
Cả ban cười rộ, họ không biết giải quyết ra sao nên cho người về tâu vua. Vua phán:
- Vậy thì ta đã có cách bắt thủ phạm. Các ngươi hãy trả tự do cho vợ chồng nhà đó.
Vua bàn với các quan rằng, theo lời khai của cô gái, sờ người thì biết được chồng cô. Vậy hãy làm cái chòi như cái phòng bỏ phiếu ở giữa công trường cho cô gái đứng vào trong, chừa một lỗ vừa thò bàn tay vào thôi. Xong xuôi, hãy bắt tất cà đàn ông ở tuổi có thể lấy vợ, tới đưa bàn tay vào cho cô gái sờ. Gặp bàn tay nào cô gái cho trúng là chồng cô, thì đó là thủ phạm đã đánh cắp vương miện. Ðình thần đều khen nhà vua cao kế, và thực hành ngay.
Ðúng ngày, tất cả nam nhi từ mười tám đến bốn mươi lăm tuổi nối đuôi tới đưa tay cho cô gái sờ. Nhà vua cũng dự cuộc. Sau một ngày, cô đã sờ hàng ngàn bàn tay đưa vào, song không người nào trúng, (mỗi người khi được cô cầm tới tay đều cảm thấy sung sướng vô ngần, không còn ham muốn gì trên đời này nữa). Cuối cùng, khi nhà vua đưa tay vào, Ngũ xú nương la lên:
- Ðây đúng là chồng tôi!
Cả triều đình ngơ ngác. Khi ấy họ mới hiểu ra mưu mẹo của nhà vua. Bởỉ vì ai cũng công nhận cái hạnh phúc tối cao do sự xúc chạm với nàng, và đối với hạnh phúc ấy, chỉ có nhà vua là xứng đáng hơn cả. Và chính họ cũng quên mất vẻ xấu xí của nàng, sau khi được bàn tay nàng sờ đến.
Triều đình tuân lệnh làm lễ tuyển Ngũ xú nương vào ngôi chánh cung, mà không còn bận tâm gì đến vẻ xấu xí của nàng, đồng thời cũng không cho vua là điên, sau cuộc thử thách ấy.
LỜI BÀN:
Câu chuyện này còn một khúc đuôi khá dài, đức Phật kể cho các tỳ kheo nghe cốt vạch trần những tội ác của phụ nữ, để các vị ấy lìa tham dục.
Nhưng chấm dứt ngang đây, người thuật có dụng ý khác. Trước hết là nêu rõ lý nhân quả, mà hậu hết các truyện cổ Phật giáo đều muốn nói lên. Sau đó, điều làm ta chú ý là mưu kế xảo quyệt của ông vua lập ra để có thể đưa cô gái về cung mà không bị chê cười. Thật không gì khôi hài bằng việc trưng dụng tất cả năng lực của triều đình quốc dân, với một chiêu bài hay ho đẹp đẽ là "bắt trộm, trừ gian"... rốt cuộc chỉ để biện minh cho sự hữu lý của dục vọng mình. Phải chăng đấy là cách xử sự của con người muôn thuở, khi còn bị dục vọng chi phối; và tai hại hơn, khi trong tay có chút uy quyền?
--o0o--
30. CHUỖI NGÓN TAY (ƯƠM QUẬT MA LA)
(Thuật theo kinh Angulimàla)
Khi đức Thế tôn ở thành Xá vệ, trong vườn Cấp cô độc, có tin đồn trong dân chúng về một tên cướp hung hãn biệt hiệu "Chuỗi Ngón Tay". Vì tên này hễ giết xong một mạng người thì chặt lấy một ngón tay xâu lại để sưu tập, như ngày nay ta sưu tập tem cò. Nhìn xâu chuỗi ngón tay ấy có bao nhiêu ngón tay là tên cướp biết ngay thành tích mình đã giết được bấy nhiêu mạng người, và lấy làm hãnh diện. Ước nguyện đặc biệt của Chuỗi Ngón Tay là phải giết cho được 1000 người để đắc đạo... thành Phật! Trải qua một thời gian, Chuỗi Ngón Tay đã giết được 999 mạng. Y phấn khởi vô cùng, chỉ còn một mạng nữa là tròn ước nguyện. Nhưng mọi người càng khôn ngoan, tránh đi lẻ tẻ qua các rừng vắng và làng mạc hẻo lánh. Bởi vậy Chuỗi Ngón Tay khởi lên một ý định ghê gớm là nếu trên đường không gặp ai để giết, thì y sẽ về giết mẹ.
Từ tịnh thất của Ngài trong vườn Cấp cô độc, đức Thế tôn đọc được tâm ý tội lỗi của Chuỗi Ngón Tay, động từ tâm và quán thấy Chuỗi Ngón Tay đã đến thời được giáo hóa, Ngài đắp y ôm bát tiến về hướng sẽ gặp Chuỗi Ngón Tay. Những người chăn bò can ngăn Ngài, nhưng Thế tôn vẫn im lặng tiến bước. Khi trông thấy Ngài, Chuỗi Ngón Tay mừng rỡ đuổi theo để giết cho đủ số một ngàn sinh mạng. Nhưng Phật dùng thần thông khiến cho Chuỗi Ngón Tay không tài nào đuổi kịp, luôn luôn cách Ngài vài thước. Ngài vẫn đi khoan thai trong lúc Chuỗi Ngón Tay chạy "hộc xì dầu" mà vẫn không bao giờ đến gần Ngài được. Tức giận, y la lên:
- Này Sa môn kia, dừng lại.
Ðức Phật trả lời :
- Ta đã dừng từ lâu. Còn ngươi, sao chưa dừng?
- Ô hay sa môn sao lại nói dối?
- Chuỗi Ngón Tay, ta nói dừng là dừng dục vọng từ bỏ gươm giáo, không còn ý hướng làm hại chúng sinh. Còn ngươi chưa dừng lại trên con đường ác.
Do từ lực của Phật, Chuỗi Ngón Tay được giáo hóa tức khắc, buông bỏ khí giới, quỳ mọp dưới chân Thế tôn để xin Ngài xuất gia. Ðức Thế tôn phán rằng: "Thiện lai, tỳ kheo", thì Chuỗi Ngón Tay liền trở thành một sa môn đường đường tăng tướng. Tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay bắt đầu cuộc đời tu sĩ, theo hầu Phật trở về tinh xá Cấp cô độc ở thành Xá vệ.
Một hôm Phật đang ngự tại tinh xá cùng với chúng tỳ kheo vây quanh, thì có tin báo vua Ba-Tư-Nặc đến ra mắt. Vua mới quy y Phật chưa bao lâu. Ðức Thế tôn hỏi vua khi ông mới đến:
- Ðại vương có chuyện gì, mà thấy sắc diện đầy vẻ lo âu?
- Bạch Thế tôn, trong xứ con có một tên cướp khét tiếng giết người mệnh danh Chuỗi Ngón Tay. Vì chưa trừ được nó, nên con buồn rầu lo ngại.
- Ðại vương, nếu bây giờ đại vương thấy Chuỗi Ngón Tay đắp ca sa, cạo bỏ râu tóc, xuất gia từ bỏ gia đình, từ bỏ sát sinh, giữ gìn giới cấm, sống phạm hạnh thanh tịnh và hành trì thiền pháp, thì đại vương sẽ đối xử như thế nào với Chuỗi Ngón Tay?
- Bạch Thế tôn, Dĩ nhiên con sẽ cung kính đảnh lễ cúng dường các thứ cần dùng. Nhưng làm sao một kẻ cực kỳ hung ác như vậy mà lại hồi tâm, trở thành người thánh thiện được.
Khi ấy đức Thế tôn duỗi tay chỉ cho vua Ba Tư Nặc tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay đang ngồi cách Thế tôn không xa. Vua thật kinh hồn vía, lông tóc dựng ngược, mặt mày biến sắc. Phật trấn an vua:
- Ðại vương đừng sợ. Chuỗi Ngón Tay quả thật đã xuất gia tu phạm hạnh rồi.
Vua mới hoàng hồn tới gần tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay thưa:
- Thưa tôn giả, xin tôn giả hoan hỉ. Tôi muốn cúng dường y phục, ẩm thực, mền gối và thuốc thang cho tôn giả.
Nhưng tôn giả Chuỗi Ngón Tay lập nguyện tu hạnh đầu đà, khất thực để sống, ngày chỉ ăn một bữa, ngủ gốc cây, nên tôn giả trả lời:
- Thưa Ðại vương, tôi đã đủ ba y.
Vua Ba Tư Nặc khi ấy tiến bên Phật, hân hoan thốt lên:
- Thật hi hữu bạch Thế tôn! Ngài đã hàng phục một con người mà tất cả binh hùng tướng mạnh của con không hàng phục được.
Sau khi tán thán công đức Thế tôn, vua từ giã ra về.
Hôm ấy, tôn giả Chuỗi Ngón Tay đắp y mang bát vào thành khất thực. Giữa đường tôn giả gặp một phụ nữ đang chuyển bụng đẻ, vô cùng đau đớn. Trông thấy cảnh tượng ấy, động mối từ tâm, tôn giả không ngớt kêu thầm: "Ôi đau khổ thay cho chúng sinh! Thật đau khổ thay!" Tôn giả trở về bên Phật thuật lại sự tình. Ðức Thế tôn dạy:
- Này Chuỗi Ngón Tay, nếu ngươi muốn cho người đàn bà kia hết đau đớn, thì hãy đến nói với bà ấy như sau: "Này chị, từ khi cha sanh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ cố ý giết người. Mong rằng mãnh lực của sự thật này sẽ làn chị sinh đẻ an toàn, mẹ tròn con vuông!"
Tôn giả Chuỗi Ngón Tay buồn bã thưa:
- Bạch Thé Tôn nếu con nói như vậy thì hóa ra là một lời nói láo trắng trợn, đâu phải sự thật! Tại vì con đã cố ý giết rất nhiều mạng rồi.
- Vậy thì ngươi hãy nói rằng: "Này chị, từ khi được thánh sanh, tôi chưa bao giờ cố ý giết mạng chúng sanh. Mong rằng mãnh lực của sự thật này sẽ làm cho chị sinh nở an toàn".
- Thưa vâng bạch Thế tôn.
Tôn giả vâng lời, đến bên người sản phụ đẻ khó nói lời như trên. Và nhiệm mầu thay, bà sanh được. (Tục lệ cầu an có lẽ bắt nguồn từ đó. Vì kinh là chân ngôn của Phật, nói lên chân lý cao cả và thật nhất trong các sự thật.)
Tôn giả Chuỗi Ngón Tay sống một mình tinh cần tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A La Hán. Một buổi sáng Tôn giả đắp y vào thành khất thực. Trên đường tôn giả bị một bọn trẻ chăn trâu hung dữ ném đá gạch, roi gậy tứ tung vào đầu, vào tai, vào thân mình. Tôn giả bị lỗ đầu chảy máu, bát bể, y rách, xơ rơ xác rác trở về tinh xá, máu me ràn rụa. Ðức Thế tôn thương xót băng bó những vết thương cho Tôn giả rồi an ủi:
- Này Chuỗi Ngón Tay! Hãy kham nhẫn. Con đang gặt hái ngay đời này, quả báo của những ác nghiệp mà đáng lẽ con phải gánh chịu trong chảo dầu sôi ở địa ngục nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm!
- Bạch Thế tôn, mong rằng những kẻ hại con sẽ được thọ lãnh chánh pháp, thân tâm an tịnh.
- Lành thay, từ nay con sẽ mang tên là Bất hại.
--o0o--
31. TÔN GIẢ BẮT ÐÀ LỢI
(Lược thuật theo kinh Bhaddàli, Trung Bộ II)
Không phải lúc nào thuyết pháp đức Phật cũng được mọi người hoan hỷ tín thọ phụng hành. Ðôi khi Ngài phải đương đầu với những kích bác của ngoại đạo, và ngay trong chúng tỳ kheo đệ tử đương thời của Ngài, cũng có nhiều vị không hoan hỷ, nhất là khi ngài đưa ra những học thuyết hay những giới luật họ khó thực hành vì còn nhiều chấp ngã. Nhưng chính trong những dịp này, chúng ta mới thấy rõ đức bình tĩnh của Ðấng Thiên nhân sư. Ngài không bao giờ tỏ ra mất kiên nhẫn, đối với những kẻ cứng đầu.
Một thời khi đức Thế tôn ở Kỳ viên tinh xá, Ngài gọi các tỳ kheo và bảo:
- Này các tỳ kheo, hãy ăn chỉ một bữa trong ngày, chỉ ngồi ăn một lần rồi thôi. Nhờ ta chỉ ăn ngồi một lần, ta cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng có sức và an vui. Do vậy này các tỳ kheo, các ngươi chỉ nên ăn một lần, thì sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và an vui.
Khi nghe vậy tôn giả Bắt Ðà Lợi bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, con không thể chỉ ăn một bữa, ngồi một lần, ăn như vậy con sẽ thấy nhiều phiền não, hối tiếc, ân hận, mất sức và buồn rầu.
- Vậy này Bắt Ðà Lợi, khi nào ai mời ăn ngươi hãy ăn tại chỗ một ít, còn một ít đem về để ăn sau. Ngươi có thể ăn như vậy mà sống qua ngày không?
- Bạch Thế tôn, con cũng không thể làm được. Bạch Thế tôn, ăn như thế con vẫn cảm thấy nuối tiếc, ân hận.
Trong mùa an cư ấy, tôn giả Bắt Ðà Lợi luôn luôn lánh mặt Phật, vì đã không chấp hành học giới Ðức Ðạo Sư chế định cho chúng tỳ kheo. Khi giải hạ, tôn giả đi đến chúng tỳ kheo để thăm viếng. Nhũng vị này đang ngồi may một tấm y tăng già lê cho đức Thế tôn. Khi thấy tôn giả Bắt Ðà Lợi, chúng tỳ kheo nói:
- Tấm y này đang được làm cho đức Thế tôn. Sau khi làm y xong, Thế tôn sẽ du hành. Hiền giả hãy suy nghĩ lại về trường hợp vi phạm học giới của hiền giả, để đi đến sám hối đức Ðạo sư, chớ để về sau lại càng khó khăn hơn cho hiền giả.
- Thưa vâng, chư hiền.
Tôn giả Bắt Ðà Lợi vâng lời chúng tỳ kheo đi đến đức Ðạo sư, đãnh lễ và bạch Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, con thật ngu ngốc, thật si mê, thật bất thiện. Trong khi chúng tỳ kheo tuân hành học giới đã được Thế tôn chế định, thì con lại tuyên bố mình bất lực. Bạch Thế tôn, mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai.
- Này Bắt Ðà Lợi, đúng như vậy, một lỗi lầm đã chiếm đoạt ngươi, ngươi thật ngu ngốc si mê, bất thiện khi tuyên bố sự bất lực của mình đối với học giới đã chế. Này Bắt Ðà Lợi, trong thời gian ấy, ngươi đã không ý thức được rằng, bậc đạo sư sẽ biết ta là một tỳ kheo không thực hành học giới trọn vẹn, không ý thức được rằng một số đông tỳ kheo đến an cư tại Xá vệ sẽ biết mình là một tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới, không ý thức rằng, một số đông tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sẽ biết đến thượng tọa tỳ kheo Bắt Ðà Lợi, đệ tử của sa môn Gotama, không thực hành trọn vẹn học giới.
- Bạch Thế tôn, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt con. Mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai.
- Này Bắt Ðà Lợi, khi một tỳ kheo đã chứng câu phần giải thoát hay thân chứng, hay kiến đáo, hay tín thắng giải hay tùy pháp hành, hay tùy tín hành, khi một vị đã chứng một trong bảy địa vị ấy, được ta bảo rằng, hãy lấy thân mình làm cầu trải cho ta đi qua đám bùn, vị ấy có vâng lời hay tránh né, bảo "không"?
- Bạch Thế tôn, vị ấy vâng lời.
- Này Bắt Ðà Lợi, vậy ngươi đã là gì trong thời gian ấy, mà lại cãi lời ta? Ngươi đã chứng câu phần giải thoát, hay tuệ giải thoát, hay thân chứng hay kiến chí, hay tín thắng giải, tùy pháp hành, tùy tín hành?
- Bạch Thế tôn, không.
- Vậy có phải ngươi là kẻ rỗng tuếch, mà lại ương ngạnh không?
- Thưa vâng, bạch Thế tôn. Mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để ngăn chừa về sau.
- Này Bắt Ðà Lợi, vì ngươi đã thấy rõ lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho ngươi. Vì rằng, này Bắt Ðà Lợi, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật bậc thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy rõ lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và ngăn chừa trong tương lai.
Này Bắt Ðà Lợi, khi một vị tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc đạo sư, thì vị ấy dù sống ở rừng núi hoang vu với hy vọng chứng được các pháp môn hơn người, vị ấy cũng không chứng được, vì bị Ðạo sư quở trách, các vị đồng phạm hạnh có trí quở trách, bị chư thiên quở trách, và tự mình cũng quở trách mình.
Nhưng này Bắt Ðà Lợi, nếu vị tỳ kheo nào thực hành trọn vẹn giới luật trong giáo pháp của bậc Ðạo sư, thời vị ấy có thể chứng được các pháp thượng nhân, vì vị ấy không bị đạo sư quở trách, không bị chư thiên quở trách, và không bị chính mình quở trách. Vị ấy có thể chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, cho đến tứ thiền, và với tâm định tịnh, thuần tịnh, vô nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến túc mạng minh, nhớ được nhiều đời trước của các chúng sinh, biết người hạ liệt, kẻ cao sang đều do hạnh nghiệp của chúng. Vị ấy có thể hướng tâm đến lậu tận trí, trừ được dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, nhờ đã thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp bậc đạo sư.
- Bạch Thế tôn, do nguyên nhân gì, có người được chúng tăng giải tội một cách mau chóng, có người lại không?
- Này Bắt Ðà Lợi, nếu có một vị tỳ kheo thường phạm giới tội, khi bị cử tội lại tỏ ra bất phục, không có thiện chí sửa đổi, vị ấy không được giải tội mau chóng.
Nếu vị tỳ kheo ít khi phạm giới tội, nhưng khi phạm và bị chúng tăng cử tội, lại tỏ ra phẫn nộ, bất mãn, thì chúng tăng cũng không giải tội mau chóng.
Nếu vị tỳ kheo ít khi lỗi lầm, nhưng khi bị cử tội, lại ăn năn chừa bỏ, thì chúng tăng giải tội vị ấy mau chóng.
Nhưng khi một vị tỳ kheo chỉ còn sống trong tăng chúng với chút ít lòng thương, chút ít lòng tin, thì tăng chúng không kết tội vị ấy, vì không muốn để mất chút ít lòng thương còn lại nơi vị ấy. Này Bắt Ðà Lợi, cũng như người chỉ còn một con mắt, thân bằng quyến thuộc của người ấy sẽ lo bảo vệ con mắt còn lại của người ấy, không để cho nó bị đoạn diệt. Tăng chúng đối xử với vị tỳ kheo chỉ còn chút ít lòng thương cũng thế. Do nhân duyên ấy, có khi chúng tăng giải tội mau chóng, và có trường hợp chúng tăng không kết tội một vị tỳ kheo, khi vị ấy chỉ còn một ít lòng thương đối với chúng tăng.
- Bạch Thế tôn, vì sao ngày xưa học giới ít mà có nhiều tỳ kheo ngộ nhập chánh trí, còn ngày nay học giới nhiều, tỳ kheo nhập chánh trí rất ít?
- Này Bắt Ðà Lợi, khi diệu pháp sắp diệt thì học giới nhiều mà tỳ kheo ngộ nhập lại ít. Khi hữu lậu pháp chưa sanh khởi trong tăng chúng thì bậc đạo sư không chế giới làm gì. Chỉ khi hữu lậu pháp sanh khởi, bậc đạo sư mới chế giới luật để đối trị.
Khi nào thì hữu lậu sanh khởi? Ấy là khi tăng đoàn lớn mạnh, đông người, khi tăng chúng có nhiều quyền lợi, khi tăng chúng bắt đầu có danh tiếng, khi tăng chúng đạt đến địa vị kỳ cựu. Khi ấy bậc đạo sư mới chế định giới luật để đối trị các pháp hữu lậu ấy. Này Bắt Ðà Lợi, khi các ngươi còn số ít, ta đã giảng thí dụ con ngựa tốt, ngươi có nhớ không?
- Bạch Thế tôn, không.
- Này Bắt Ðà Lợi, tại sao vậy?
- Bạch Thế tôn, bởi vì trong một thời gian dài, con đã không thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp của bậc đạo sư.
- Này Bắt Ðà Lợi, không những chỉ có vì như vậy mà thôi, mà còn vì lý do này nữa: là trong khi ta thuyết pháp ngươi không có để tâm, chú ý, không nghe pháp với cả hai lỗ tai của ngươi. Nay ta sẽ giảng lại cho ngươi. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ.
- Thưa vâng, bạch Thế tôn.
- Này Bắt Ðà Lợi, như người luyện một con ngựa tốt, trước hết phải tập cho nó quen với dây cương. Khi nó đã thuần thục với dây cương lại tập cho nó quen yên ngựa, kế đó quen với sự diễn hành, rồi tập đi vòng quanh, đi bằng móng chân, phi nước đại, chơi các trò vương giả, vương lực, tốc lực tối thượng và cuối cùng trang sức đẹp đẽ cho nó. Con lương mã trở thành một báu vật của vua chúa.
Cũng vậy này Bắt Ðà Lợi, vị tỳ kheo thành tựu mười pháp thì trở thành người đáng cung kính cúng dường: ấy là thành tựu vô học chánh tri kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh tinh tiến, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát. Này Bắt Ðà Lợi! Một vị tỳ kheo thành tựu mười pháp này sẽ là phước điền vô thượng của thế gian.
Sau khi đức Thế tôn thuyết giảng, tôn giả Bắt Ðà Lợi hoan hỉ tín thọ lời Thế tôn dạy.