Mục lục bài viết |
---|
Đường Vào Nội Tâm |
Phần 1 |
Phần 2 |
Phần 3 |
Phần 4 |
Phần 5 |
Phần 6 |
Phần 7 |
Phần 8 |
Phần 9 |
Phần 10 |
Phân 11 |
Tất cả các trang |
ÐƯỜNG VÀO NỘI TÂM
Thích nữ Trí Hải
5
24. ÐỊNH NGHIỆP KHÓ TRÁNH
Thuở Phật tại thế, có một vị tỳ kheo số phần xui xẻo. Mặc dù thầy tu hành rất tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm mà không bao giờ được no đủ. Số "con rệp" ấy theo đuổi thầy mãi cho tới khi mãn phần, sau khi đã đắc quả A La Hán. Ðến ngày lâm chung, nhờ thần lực của Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tôn sư của thầy, thầy mới ăn một bữa no lòng trước khi lìa đời.
Thầy xui xẻo từ khi còn trong bụng mẹ. Chẳng những riêng thầy xui xẻo, mà thầy còn mang sự bất hạnh đến cho tập thể trong đó có hiện diện của mình. Thầy là con của một gia đình đánh cá ở một làng ven biển có 1000 hộ khẩu. Từ khi thầy nhập thai, cả làng đi biển không đánh được con cá nào suốt cả tháng, mọi người phải ăn rong biển cho đỡ đói lòng. Họ bắt đầu nghi ngờ có một gia đình hắc ám trong làng đã đem tai vạ cho tất cả. Do đó họ cố tìm cho kỳ được cái gia đình xui xẻo ấy để loại ra khỏi tập thể. Phương pháp họ làm là chia số hộ khẩu trong làng thành hai nhóm, mỗi nhóm 500 gia đình để làm ăn riêng, sinh hoạt riêng. Kết quả là một nhóm bắt đầu khá giả trở lại, một nhóm tiếp tục số phận xui xẻo. Nhóm này lại chia hai để biết cái gia đình xui xẻo ấy nằm ở đâu. Khi chia thành hai nhóm nhỏ cũng như trước, 250 gia đình bắt đầu khá còn 250 gia đình vẫn còn xui. Lại chia hai lần lượt như vậy để biết gia đình xui xẻo nằm nhóm nào, cuối cùng họ khám phá ra gia đình của thầy tỳ kheo nọ. Cả gia đình thầy bị loại ra khỏi làng, đi lang thang như những người Do thái.
Bà mẹ khám phá rằng chính từ ngày mang thai thầy, tai họa mới đến cho cả làng và cho gia đình, nên muốn cho thầy chết đi. Tuy nhiên, một người chỉ còn một đời cuối cùng này là giải thoát (chứng quả A La Hán, không còn trở lui cõi đời) thì không ai có thể giết chết được trừ phi chính nghiệp lực của vị ấy. Do vậy cuối cùng mẹ thầy vẫn phải sinh ra thầy, và nuôi cho đến khi thầy biết đi xin ăn. Trong thời gian có đứa con mang sự xui xẻo ấy, bà rất vật vả khốn đốn trong việc kiếm ăn. Cho đến một ngày không chịu đựng được nữa, sau khi đẩy thầy vào xin ăn tại một nhà nọ, bà mẹ tẩu thoát.
Ðứa trẻ - vị A La Hán tương lai - ngơ ngác khi bước ra không thấy mẹ, cũng không có cái gì ăn, bèn đi lang thang đầu đường xó chợ lượm những mẩu bánh người ta vứt bên đường để ăn cho đỡ đói. Trong "cuộc lữ" đó, đứa trẻ tình cờ gặp Tôn giả Xá Lợi Phất. Ðộng lòng thương, Ngài hỏi:
- Con cái nhà ai? Sao gầy sọp thế?
- Bạch Tôn giả, con là một đứa mang lại sự xui xẻo cho mọi người, nên không ai chịu nuôi con, con phải ốm đói.
- Con có muốn xuất gia trở thành một tu sĩ không?
- Bạch Tôn giả con muốn lắm chớ, nhưng ai mà chịu chứa chấp con?
- Lại đây, ta sẽ độ cho con.
Ðứa trẻ vui mừng đi theo Tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất dắt về vườn Cấp Cô Ðộc, tắm rửa sạch sẽ, cho ăn cơm và Thế phát quy y cho cậu bé làm một sa di đuổi quắ [Chú thích: "Khu ô sa di" là chú tiểu còn quá nhỏ chưa đến tuổi thụ giới - 16 tuổi - chưa làm được việc gì ngoài việc đuổi quắ cho chúng khỏi làm ồn náo trong giờ chư Tăng tọa thiền.] Lớn lên, đến tuổi thành niên, Tôn giả cho thầy thọ giới cụ túc thành một vị tỳ kheo.
Số phần xui xẻo vẫn theo mãi chân vị tỳ kheo suốt cả đời. Mỗi khi đi khất thực, người ta vừa để vào bát của thầy một muỗng cơm thì thấy bát đã đầy tràn, làm cho không ai có thể bỏ gì thêm được nữa. Khi thầy về tới chùa, thì trong bát chỉ có độc một muỗng cơm để cầm hơi cho thầy khỏi chết đói. Cứ như vậy cho đến ngày mệnh chung đã chứng quả A La Hán, thầy cũng chưa bao giờ được một bữa ăn no lòng.
Biết thầy sắp mãn phần ở dương gian, Tôn giả Xá Lợi Phất động lòng thương xót nghĩ: "Losaka (tên của thầy tỳ kheo xui xẻo) hôm nay sẽ mệnh chung. Ta sẽ làm đủ mọi cách giúp vị ấy ăn m?t bữa cho no trước khi chết."
Với ý định ấy, Tôn giả dẫn vị tỳ kheo đi vào thành Xá vệ khất thực. Nhưng vì có Losaka, Tôn giả không xin được món gì, Ngài đành phải bảo vị ấy trở về, và đi một mình để xin ăn. Sau khi khất thực đầy bát, Tôn giả đem về cho v? tỳ kheo. Ngài đứng ôm bát trước mặt đệ tử bảo:
- Con hãy ăn đi.
Vị tỳ kheo ngần ngại không dám ăn trước mặt tôn sư, và nhất là để Ngài cầm bát, mặc dù thầy rất đói. Tôn giả giục:
- Con đừng ngại, ta phải cầm bát để chờ cho con dùng bữa cho xong mới được. Vì nếu không có ta ôm bát, tất cả thức ăn này sẽ biến mất, và con sẽ tiếp tục đói.
Vị tỳ kheo vâng lời thọ thực. Nhờ thần lực của Tôn giả Xá Lợi Phất, vị ấy ăn được một bữa no lòng trước khi xả báo thân chót của một vị A La Hán.
Sau khi thầy tỳ kheo xui xẻo quá vãng, các tỳ kheo khác nhóm họp tại Diệu pháp đường trong vườn Cấp Cô Ðộc hỏi đức Thế tôn nguyên nhân vì sao, với một đời giới hạnh thanh tịnh, tu hành tinh tấn, vị tỳ kheo bạc phước vẫn phải gánh chịu sự rủi ro suốt đời như vậy. Phật dạy:
- Này các tỳ kheo, những hành động của chính vị ấy trong tiền kiếp là nguyên nhân sự xui xẻo hiện tại của y. Trong tiền kiếp y cũng là một tỳ kheo, do lòng ganh tị, y đã cản trở cư sĩ cúng dường một vị tỳ kheo khác, trong khi vị này đã chứng quả A La Hán. Vì ác nghiệp ấy cho nên dù có tu hành thanh tịnh, y vẫn thọ quả báo thiếu thốn, xui xẻo trong nhiều đời kiếp, cho đến khi chứng quả.
LỜI BÀN: Mặc dù huyễn hóa, mà nhân quả vẫn không mất, hành động và hậu quả theo nhau như bóng với hình. Cho nên người trí chỉ sợ nhân, không sợ quả, trong khi người ngu rất sợ quả xấu mà lại không gieo nhân tốt. Vị tỳ kheo đệ tử Tôn giả Xá Lợi Phất, mặc dù bị một số phận hẩm hiu đeo đẳng cho tới chết, vẫn luôn luôn nhất tâm thanh tịnh tu hành, không sanh tâm ghen ghét phiền muộn, nhờ vậy cuối cùng chứng quả Vô sanh (A La Hán). Ấy là vui lòng trả nợ cũ mà không gây thêm nợ mới, là cái nghiệp đưa đến sự đoạn tấn các nghiệp vậy.
--o0o--
25. LẠI TRA HÒA LA
Khi đức Phật du hóa tại xứ Kuru đến thị trấn Thu la, dân chúng đồn đãi kéo đến bái yết Ngài để nghe thuyết pháp. Bấy giờ trong hội chúng có thanh niên tên là Lại Tra Hoà La, con trai của một gia đình thượng tộc giàu có nhất vùng, sau khi nghe pháp, suy nghĩ:
-"Như ta hiểu lời Thế tôn dạy, thì ở nhà thật khó thực hành đời sống phạm hạnh m?t cách viên mãn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đạp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ".
Nghĩ vậy xong, sau thời thuyết pháp của Phật, sau khi hội chúng đảnh lễ Phật mà lui về, thanh niên ấy đến bên đức Thế tôn, xin Ngài xuất gia tu học.
-Bạch Thế tôn như con được hiểu lời Thế tôn dạy, thì tại gia thất không dễ gì sống đời sống phạm hạnh một cách viên mãn, hoàn toàn trắng sạch như vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đạp áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Bạch Thế tôn mong Thế tôn hãy cho con xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế tôn.
- Nhưng này thanh niên, con có được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia chưa?
- Bạch Thế tôn, con chưa được cha mẹ bằng lòng.
- Này thanh niên, Như Lai không cho xuất gia nếu cha mẹ không bằng lòng.
- Bạch Thế tôn, vậy con sẽ làm những gì cần thiết để cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia.
Lại Tra Hòa La đảnh lễ Phật ra về, xin cha mẹ:
- Thưa ba má, con muốn cạo bỏ râu tóc, đạp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình. Xin ba má hãy bằng lòng cho con xuất gia.
Khi nghe nói vậy ông bà phú hộ bảo:
- Này con đừng ăn nói dại dột. Con là đứa con duy nhất của ba má, được nâng niu như vàng ngọc từ tấm bé, lẽ nào ba má để cho con xuất gia? Huống chi, nhà ta vàng nén, hột xoàn kim cương chất đống, bao nhiêu của chìm của nổi, tài sản mấy đời tổ tiên để lại, tất cả đều dành cho con. Con hãy ăn chơi thỏa thích rồi muốn tu thì bố thí, làm phước là được rồi. Con chưa biết gì đến sự gian khổ, làm sao ba má để cho con sống đời khổ hạnh được? Ba má không bao gi? cho con xuất gia.
Sau ba lần năn nỉ không được chấp thuận, Lại Tra bèn nằm lăn ra giữa nhà, tuyệt thực với ý định: "Ta sẽ chết ở đây, nếu không được xuất gia".
Hai ông bà đưa cơm cháo gì đến, Lại Tra vẫn nằm bất động. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi bảy ngày trôi qua, chàng nhất định không ăn uống, không cục cựa, mục cho cha mẹ năn nỉ khuyên lơn. Thân thể chàng đã yếu lả, mắt lờ đờ như người hôn mê sắp chết. Ông bà phú hộ đâm hoảng, đến cầu cứu những người bạn trẻ của con:
- Này các cháu, Lại Tra Hòa La đòi đi tu, hai bác không cho nên nó tuyệt thực nằm vạ cả một tuần lễ nay chẳng chịu nhúc nhích nói năng chi cả. Các cháu hãy đến năn nỉ nó ăn uống trở lại dùm. Hãy khuyên nó bỏ ý định xuất gia.
Các thanh niên làm theo lời, đến bên Lại Tra Hòa La để khuyên nhủ. Nhưng sau năm bảy lần thuyết phục, chàng vẫn nằm bất động. Thấy Thế nguy, họ đề nghị với ông bà phú hộ:
- Thưa hai bác, chúng cháu thấy rõ Lại Tra đã nhất quyết theo ý định của mình, không thì chết. Vậy hai bác nên bằng lòng cho anh ta xuất gia, họa may thỉnh thoảng hai bác còn gặp lại được. Nếu không, hai bác đành vĩnh viễn mất người con.
Hai ông bà đành phải chấp thuận, đến nói với Lại Tra:
- Thôi, con đã nhất quyết thì ba má cũng chìu lòng. Nhưng đi tu xong, thỉnh thoảng phải về nhà thăm ba má và mấy người vợ mới cưới của con, kẻo chúng nhớ, tội nghiệp.
Lại Tra mở bừng mắt ngồi nhỏm dậy, trở lại ăn uống. Sau khi lấy lại sức chàng từ giã cha mẹ ra đi, đến chỗ Phật trú :
- Bạch Thế tôn con đã được cha mẹ cho phép xuất gia. Xin Thế tôn hãy cho con xuất gia tu phạm hạnh.
Ðức Phật nhận lời cho thanh niên cạo tóc, đạp áo cà sa, thọ đại giới, theo Ngài về ở tinh xá Kỳ viên nước Xá vệ. Tôn giả Lại Tra tinh tiến tu học, ưa thích đời sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chẳng bao lâu đã đạt đến cứu cánh cao tột của đời phạm hạnh, vì cứu cánh này mà những thiện gia nam tử từ bỏ gia đình, ấy là quả vị A La Hán. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm xong, không còn phải trở lui cuộc đời này nữa.
Một hôm, Tôn giả đến đảnh lễ Phật:
- Bạch Thế tôn, nếu ngài cho phép, con sẽ xin trở về ngôi làng cũ.
Ðức Phật quán xét biết tôn giả bây giờ đã có thể trở về, không có gì nguy hiểm cho phạm hạnh, nên Ngài dạy:
- Lại Tra, ngươi có thể làm những gì ngươi nghĩ là là phải thời.
Sau khi đảnh lễ Ðấng Ðạo sư, tôn giả Lại Tra thu xếp lên đường. Ðến thị trấn Thu La, tôn giả tuần tự khất thực. Khi đến nhà cha mẹ, Tôn giả ôm bát đứng ngoài cổng. Thoáng thấy bóng chiếc cà sa, ông phú hộ chưa kịp nhìn kỹ, đã nổi trận lôi đình, nghĩ: "Kia là một sa môn trọc đầu tới xin ăn. Vì những người đó mà đứa con độc nhất của ta đã bỏ nhà ra đi biền biết. Nay còn tới tới đây báo hại cái gì?" Rồi không thèm nhìn ra, ông quát tháo:
- Này sa môn trọc đầu kia, hãy đi đi! Ta không muốn nhìn cái mặt mo ấy. Ði cho mau, đi cho khuất con mắt của ta!
Tôn giả lặng lẽ ôm bát tiếp tục đi. Chợt, từ ngõ sau nhà, người tỳ nữ bưng nồi cháo đi đổ. Tôn giả hỏi:
- Này chị, chị bưng cái gì thế?
- Tôi đem nồi cháo ăn còn thừa từ bữa qua đi đổ vào thùng rác ngoài lộ.
- Xin chị hãy đổ vào bát của bần tăng cũng được, khỏi phải đi xa cho nhọc.
- Càng tốt .
Khi người nữ tỳ đến gần để trút cháo vào bát tôn giả, Cô ta nhận ra đôi chân quen thuộc. Ðánh bạo nhìn lên tay, mặt, thì rõ ràng là vị tiểu chủ ngày xưa, không còn lầm gì nữa. Nữ tỳ chạy vào nhà:
-Thưa ông bà chủ, tiểu chủ đã về tới ngoài kia!
Bà phú hộ mừng rỡ:
- Ðâu, đâu? Nếu thật như mày nói, thì mày sẽ được phần thưởng xứng đáng, con ạ.
Ông phú hộ cũng chạy ra:
-Con ta đâu nào?
- Thưa, tiểu chủ đang ngồi ăn bát cháo thừa đàng kia.
Lúc ấy tôn giả đang ngồi tựa lưng vào một bức tường mà dùng cháo vừa xin được. Bà phú hộ nhìn kỹ đúng là con mình, liền chạy đến khóc:
- Con đi là con! Sao con về nhà mà không vào trong nhà của con, lại ngồi dọc đường dọc sá thế này! Lại đi ăn cháo vữa cháo thiu! Hãy vào nhà đi con!
- Thưa gia chủ, bần tăng không có nhà. Bần tăng có đến nhà của gia chủ, nhưng không nhận được bố thí, chỉ nhận được lời sỉ nhục và xua đuổi.
Ông phú hộ cũng đã nhận ra, bèn tới năn nỉ :
- Này con, con hãy vào nhà. Ba má sẽ dọn đồ ăn ngon lành cho con. đừng ăn cháo thiu mà đau bụng.
- Thưa gia chủ, hôm nay việc ăn uống đã xong.
- Vậy thì trưa mai, con hãy nhận lời của ba má.
Tôn giả im lặng chấp thuận. Ông bà phú hộ trở vào nhà bàn mưu tính kế. Ông nói:
- Con ta đã về tới đây, phải làm sao để giữ chân nó ở lại, đừng cho nó ra đi. Ngày mai, bà với tôi phải hợp sức mà thuyết phục nó. Trước hết, bà hãy dọn cho nó một bữa ăn ngon lành, có gà rô ti, có rượu ngon hảo hạng, đừng thiếu món gì. Rồi còn gì nữa? À, hãy đem tất cả vàng bạc, kim cương, ngọc ngà châu báu trong kho ra, chất một đống giữa nhà cho thật cao, ngập mặt ngập mày, mà chỉ cho nó nhìn, cho nó biết tài sản của mình là nhiều như vậy. Kế đó là phần việc của mấy con dâu. Chúng nó đâu rồi bà hãy gọi chúng ra đây, để chúng ta cắt công cắt việc.
Khi các con dâu đến, ông phú hộ bảo: - Này các con dâu! Ngày mai chồng của các con về ăn cơm tại nhà đấy. Các con phải tận lực hợp sức cùng ba má để kéo nó ở lại, đừng cho nó đi. Các con hãy trang điểm cho thật lộng lẫy huy hoàng. Hãy đeo vào đầu, vào cổ, vào tay, vào chân những đồ trang sức mà ngày xưa chồng các con nó ưa nhìn thấy các con đeo. Hãy xức nước hoa, tưới dầu thơm cho thật nhiều vào, trét phấn, thoa son, bôi mi mắt, kẻ lông mày, uốn tóc cho nó dợn sóng lên, chống lỗ mũi, lỗ tai lên.
Những cô dâu khúc khích che miệng cười:
- Thưa ba, không có chống lỗ tai đâu ạ! - Vậy thì, các con hãy cứ làm cái gì các con nghĩ là hợp thời, để quyến rũ chồng các con cho bằng được.
Rồi ông bà phú hộ cắt đặt cho gia nhân chưng dọn, trang hoàng nhà cửa, ngọc ngà châu báu được đem ra chất giữa nhà một đống, lấy màn che lại. Các cô vợ trẻ trang sức lộng lẫy như đào hát đứng thành một đống, cũng lấy màn che lại. Phú ông ngắm nghía toàn thể nhà cửa, vàng ngọc và người, tỏ vẻ đắc chí, hài lòng:
- Thế là được. Ngày mai, cứ như vậy mà thi hành.
Hôm sau, đến giờ thọ trai, tôn giả ôm bát từ từ tiến vào cổng. Ông bà đon đả ra mời. Khi tôn giả vào nhà, ông chỉ:
- Này con, hãy nhìn đây, (ông kéo màn) vàng bạc châu báu cả đống đó, tất cả đều là của con. Con hãy ở lại mà thụ hưởng, muốn chi cũng được.
- Thưa gia chủ, nếu gia chủ dành cái đống đó cho tôi, thì xin gia chủ một ít cái bao bố may sẵn, tộng nó vào, rồi mướn một hay hai, ba chiếc xe vận tải chở ra ngoài sông lớn mà đổ ngay giữa dòng, cho nó chìm sâu xuống đáy nước. Vì sao? Vì nó là nguồn gốc của tất cả khổ não đến với gia chủ.
Ông phú hộ lại kéo cái màn che mấy bà vợ cũ ra. Các nàng chạy đến ôm chầm lấy tôn giả, khóc ròng kể lể:
- Ối chàng đi! Bộ chàng muốn mấy cô tiên nào trên trời nên đi tu để được lên trên đó phải không? Chàng đã bỏ bê chúng thiếp để mơ tưởng lên trời ở với tiên. Hu hu, hu hu.
- Các chị, không phải vì mục đích được sanh lên cõi trời mà bần tăng xuất gia tu phạm hạnh.
Khi ấy các bà vợ cũ của tôn giả tự đấm ngực, khóc lóc thảm thiết:
- Ối, cha mẹ làng nước đi, chồng chúng ta bây giờ lại gọi chúng ta bằng chị! Ối, trời đất quỷ thần ôi!
Rồi họ ngã lăn ra giữa nhà, bất tỉnh nhân sự. Tôn giả nói với ông bà phú hộ:
- Thưa gia chủ, gia chủ muốn thí đồ ăn thì bố thí đi, chớ có phiền nhiễu bần tăng.
- Hãy ăn đi, con yêu dấu. Ðồ ăn đã dọn sẵn.
Thọ thực xong, tôn giả đứng lên nói bài kệ:
Mày ngài mắt phượng mà chi?
Tốt tươi rồi cũng một bì xương khô.
Tâm: rừng tham ái sầu lo
Thân: nhà chứa bệnh, nấm mồ chờ ai
Nào đâu mắt phượng mày ngài
Khi thây quăng bỏ ra ngoài đồng hoang?
Mưa sa gió cuốn phũ phàng,
Ðống xương vô chủ võ vàng trăng soi
Ðãy da chứa đủ tanh hôi
Lại toan sơn phết ra mòi bảnh bao!
Kẻ ngu mê hoặc, lăn vào
Như nai sa bẫy, người nào khác chi!
Ai đà giải thoát sầu bi
Tránh xa lưới ái, tình si đâu còn!
Bẫy nào bắt được nai khôn
Ăn xong vừa đủ, tẩu bôn vô rừng
Thợ săn ngơ ngác hết mừng
Thì đành đấm ngực vẫy vùng khóc la.
Ðọc xong bài kệ, tôn giả cáo từ đi đến rừng Lộc uyển ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.
Khi ấy, vua xứ Kuru bảo người hầu cận sửa soạn cho vua dạo rừng. Ngưòi hầu thấy tôn giả liền trở về tâu:
- Tâu Ðại vương, ngoài rừng Lộc uyển, có vị sa môn đang ngồi, chính là con trai của gia đình thượng tộc ở thị trấn này, tên Lại Tra Hòa La.
- Vậy thay vì đi dạo rừng, ta hãy đến thăm vị tôn giả ấy.
Vua cùng người hầu đi đến rừng Lộc uyển, chỗ tôn giả đang ngồi. Vua cung kính đưa tấm nệm gấm ra mời.
- Xin tôn giả hãy ngồi trên tấm này cho êm.
- Ðại vương, tôi đã có tọa cụ. Ðại vương hãy ngồi trên chỗ của Ðại vương.
- Bạch tôn giả người đời thuờng xuất gia vì bốn sự suy vong: Một là lão suy, hai là bệnh suy, ba là tài suy, bốn là thân suy. Như những người khác lúc trẻ thụ hưởng dục lạc đã đầy đủ chán chê, đến khi già không còn ham muốn gì nữa, và cũng đã hết sức lực mới vô chùa nghỉ. Ðó là lão suy. Lại như người mắc bệnh kinh niên không thể lao động sản xuất được, ở ngoài đời không lợi chi cho ai, lại thêm gánh nặng cho gia quyến, nên xin vô ở chùa. Ðó là bệnh suy. Rồi có những người làm ăn thất bại, hoặc đánh số đề bị phá sản, đổ nợ đổ nần, không thể gầy dựng lại được, bèn chán nản vô chùa xin gởi tấm thân tàn sống nốt quãng đời còn lại. Ðó là tài suy. Cũng có những người xuất gia vì lẽ không còn ai thân thích để nương tựa. Ðó là thân suy. Thông thường đều vì bốn sự suy vong này mà xuất gia. Nhưng xét tôn giả, tuổi còn thanh xuân, tóc đen nhánh, thì không phải là lão suy. Da dẻ hồng hào tươi nhuấn chứng tỏ sức khỏe không đến nỗi nào, thì đâu phải bệnh suy. Tôn giả xuất thân từ một gia đình thượng tộc giàu nhất vùng này thì đâu phải tài suy. Song thân còn đủ, các bà vợ đang mong chờ, thì cũng không thể gọi là thân suy. Vậy tôn giả xuất gia vì nguyên nhân gì?
- Ðại vương, tôi xuất gia vì bốn điểm thuyết giáo của Ðấng Ðạo sư mà tôi thấy đúng như thật. Thứ nhất là, ngài dạy mọi sự ở thế gian đều là vô thường.
- Nghĩa là sao, xin Tôn giả giải thích.
- Ðại vương, như thân thể đại vương đó, lúc nào cũng như lúc nào hay mỗi lúc mỗi khác?
- Như vậy trẫm đã hiểu. Quả vậy, thân thể là vô thường, đổi khác luôn luôn, nhất là ở tuổi già như trẫm. Năm nay đã khác năm ngoái, nói gì tuổi trẻ với lúc già, thật khác nhau trời vực. Còn điểm thứ hai là gì, thưa tôn giả?
- Thứ hai là vô hộ, vô chủ: không ai giúp đỡ mình được, không có chủ tể.
- Sao lại không? Như trẫm đây, biết bao nhiêu người phò tá, trẫm là chủ cả nước, muốn chi được nấy, làm sao tôn giả lại nói vậy?
- Ðại vương, Ðại vương có thể đem cả tài sản ngai vàng để thuê mướn kẻ khác đau thay, già thay, chết thay cho đại vương không?
- Cái đó thì không được.
- Ví như đại vương tạo nghiệp ác, phải đọa địa ngục, đ?i vương có thể nào đem tài sản đút lót cho Diêm vương để khỏi đọa, hay chính mình làm mình phải chịu?
- Ðúng như vậy, mình làm mình chịu, không thay được. Thế trẫm đã hiểu vô hộ. Còn vô chủ thì sao?
- Ðại vương có thể làm chủ cái thân xác Ðại vương được chăng? Bảo nó không được bệnh không được già, không được chết, nó chịu nghe chăng? Bảo cái tay đừng run, cái chân đừng quị, mắt đừng lờ, tai đừng lãng, được không? Ðại vương có thể bảo cái thân của Ðại vương khi nó đang đau: "Hãy khoẻ mạnh trở lại" không? Và Ðại vương có biết khi nào thì nó đau, khi nào nó chết không?
- Ðúng thế, quả thật trẫm không thể làm chủ được thân này, dù trẫm đang làm chủ cả quốc gia. Còn điểm thứ ba là gì, thưa tôn giả?
- Thứ ba, là trên thế gian không có cái gì là của mình.
- Ủa sao tôn giả nói vậy? Trẫm có biết bao nhiêu là kho tàng, châu báu, giang sơn gấm vóc này đều thuộc về trẫm. Nói gì đến vật, ngay cả đến người, trẫm cũng sở hữu từ quan đại thần lớn nhất trở xuống, trẫm sai đâu chạy đó, sao lại không sở hữu?
- Ðại vương, khi Ðại vương nằm xuống, ngài có thể đem theo tất cả kho báu, giang sơn xuống âm phủ để tiếp tục sử dụng, hay phải giao lại cho kẻ khác, còn mình chết tay không? Ðại vương có thể bắt tất cả đình thần, quyến thuộc, dân chúng cùng chết theo qua bên kia thế giới để Ðại vương tiếp tục làm chủ, hay Ðại vương phải ra đi một mình, để người khác thay Ðại vương trị vì thiên hạ?
- Thưa hiền giả, đúng thế. trẫm không thể nào mang theo cái gì khi chết mà phải chết một mình, trị trọi, để lại giang sơn này cho người khác. Thảm thương thay! Còn điểm thứ tư là gì, xin tôn giả hãy giảng?
- Thứ tư là, thế gian này thật thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho dục vọng, tham lam không bao giờ vđi.
- Nói vậy trẫm nghĩ e chỉ đúng với người thường, chứ trẫm đây mà còn thiếu thốn thèm khát cái gì. Vì trẫm muốn gì cũng có, đâu còn thèm gì nữa.
- Ðại vương, giả sử bây giờ đại vương được tin phi báo của các đội quân tuần tiễu rằng: phía đông có mỏ vàng, phương nam có mỏ dầu hỏa, phương tây có mỏ kim cương, còn phương bạc hiện có một xứ giàu có, đất đai phì nhiêu mà gặp ông vua trụy lạc bê tha, cai trị mất lòng dân, nên sự phòng vệ rất lỏng lẻo, thì Ðại vương nghĩ thế nào?
- Thưa tôn giả, trẫm sẽ hội họp đình thần, cắt công tác cho vị này phụ trách khai thác mỏ vàng, vị kia đào mỏ kim cương, vị nọ tìm cách khoan mỏ dầu. Còn với cái xứ giàu có phì nhiêu dễ chiếm ấy, thì trẫm sẽ sai võ quan cử binh tới chiếm để mở mang bờ cõi.
- Ðại vương, đó chính là sự thèm khát, túi tham không đáy nơi Ðại vương. Người đã có một nước thì thèm chiếm thêm nước khác, cho đến kẻ vô sản thì thèm bắt con vịt, con gà của hàng xóm về làm của mình. Ðại vương kết tội kẻ trộm vụt, bỏ tù nó, mà quên rằng chính mình là kẻ trộm lớn nhất khi mưu tính như vậy. Do đó mà Phật dạy: thế gian luôn luôn thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho lòng tham và dục vọng.
- Hay thay, bạch Tôn giả, quả như lời Tôn giả, bốn điểm thuyết giáo của đức Ðạo sư thật vi diệu. Lành thay đức Thế tôn! Trẫm xin quy y bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, và xin cáo từ Tôn giả.
- Ðại vương, xin từ biệt.
(thuật theo kinh Ratthapala, Trung Bộ kinh tập II, Hòa thượng Minh Châu dịch)
--o0o--
26. NGƯỜI CHĂN BÒ NANDA
Khi còn tại gia tôn giả Nanda là một thanh niên chăn bò mướn. Ngày ngày, Nanda dẫn bò đến ăn cỏ bên bờ sông Hằng thuộc địa phận xứ Kosambi. Lúc ấy gặp dịp đức Thế tôn trú tại đấy, cùng với chúng tỳ kheo 1250 vị.
Một hôm Thế tôn cùng các tỳ kheo du hành dọc bờ sông. Ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước, và chỉ cho các tỳ kheo:
- Này các Tỳ kheo, các con có thấy khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước kia không?
- Thưa vâng, bạch Thế tôn.
- Các tỳ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm vào bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên đất nổi, không bị người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong,... thì nó sẽ hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển, Vì cớ sao, này các tỳ kheo, vì dòng sông này hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển. Cũng vậy, hỡi các tỳ kheo, nếu các con không đâm vào bờ này, bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn, không bị người hay phi nhân nhặt lấy, không lọt vào xoáy nước, không mục nát bên trong,... thì các con sẽ hướng về, sẽ xuôi theo Niết bàn, sẽ nhập vào dòng Niết bàn. Vì sao? Này các tỳ kheo, chính bởi vì pháp của Như Lai giảng nói xu hướng Niết bàn, xuôi theo Niết bàn, nhập vào Niết bàn.
Khi được nghe nói vậy, một vị tỳ kheo bạch:
- Bạch Thế tôn, bờ này là gì? Bờ kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên đất nổi? Thế nào là bị người nhặt, phi nhân nhặt? Thế nào là lọt vào xoáy nước? Thế nào là mục nát bên trong?
- Các tỳ kheo, bờ này ám chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bờ kia chỉ cho sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. "Bị chìm giữa dòng" dụ cho hỷ và tham (khoái thích, ham muốn). Mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. "Bị người nhặt" là dụ cho vị tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui chung buồn, an lạc khi chúng an lạc, đau khổ khi chúng đau khổ, trói buộc mình trong các công việc chúng xướng xuất. Ðó là vị tỳ kheo bị loài người nhặt lấy. Và này các tỳ kheo, "Bị phi nhân nhặt lấy" có nghĩa là vị tỳ kheo tu phạm hạnh với mơ ước được sanh lên cõi trời, hưởng phước báo chư thiên. "Bị lọt vào xoáy nước" là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng: tài lợi, sắc đẹp, danh tiếng, ăn và ngủ. "Bị mục nát bên trong" ám chỉ vị tỳ kheo theo các ác pháp, có những hành động khả nghi, không giữ giới mà hiện tướng thanh tịnh, nội tâm hủ bại, đầy dục vọng, đó gọi là mục nát bên trong.
Khi ấy người chăn bò Nanda đứng cách Thế tôn không xa. Chàng tiến lại bạch:
- Bạch Thế tôn, con không đâm vào bờ này, con không đâm vào bờ kia, con không chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên đất nổi, con không bị loài người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không lọt vào xoáy nước, con không mục nát bên trong. Bạch Thế tôn, mong Thế tôn cho con được xuất gia với Thế tôn, được thọ đại giới.
- Này Nanda, hãy đem trả bò cho chủ của con đã.
- Bạch Thế tôn, chúng sẽ tự trở về. Các bò mẹ đang mong gặp lại chúng.
- Tuy vậy này Nanda, con hãy trả lui các con bò ấy cho những người chủ.
Nanda vâng lời dắt bò về trả cho chủ rồi trở lại bên Phật:
- Bạch Thế tôn, con đã trả lại những con bò. Hãy cho con được xuất gia với Thế tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
Rồi Nanda, người chăn bò, được xuất gia với Thế tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ giới không lâu, Tôn giả Nanda sống một mình an tịnh, thân cảm được lạc thọ mà các thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình đã hướng đến. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã được làm xong, không còn bị trói buộc vào đời này nữa. Tôn giả Nanda trở thành một vị A La Hán.
--o0o--
27. CHÚ TIỂU HIỀN TRÍ
Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, ngài có một tăng đoàn gồm hai mươi ngàn tỳ kheo đã diệt tấn các lậu hoặc. Mỗi khi đi du hóa một nơi nào, tất cả chúng tỳ kheo ấy đều theo sau Phật Ca Diếp, cũng như 1250 tỳ kheo thường đi cùng với đức bổn sư Thích Ca của chúng ta.
Một hôm Phật Ca Diếp và Tăng chúng của Ngài đi đến thành Ba La Nại. Dân chúng đua nhau đến đảnh lễ cúng dường và nghe Ngài thuyết pháp. Sau khi thọ thực xong, Phật nói lời tùy hỷ công đức như sau:
- "Này các cư sĩ, trong thế gian có bốn hạng người. Hạng thứ nhất là những người tự mình làm phước bố thí, nhưng không khuyến khích kẻ khác làm. Hạng người này trong tương lai được giàu có, nhưng không được nhiều người theo. Hai là những người khuyên kẻ khác bố thí, nhưng tự mình không bố thí. Hạng này đời sau có phước báo được đông người theo, nhưng không có của cải. Ba Ba là những người tự mình không bố thí cũng không khuyên người bố thí. Hạng này đời sau không có của cải, cũng không có người theo, phải sống cô độc, ăn cơm thừa của kẻ khác. Bốn là hạng người vừa tự bố thí vừa khuyên người bố thí, hạng này trong tương lai sẽ được cả hai phước báo: giàu có và đông người hưởng ứng theo mình."
Khi nghe thế, có một người khởi lên ý nghĩ: "Ta sẽ cố làm sao để được cả hai phước báo ấy". Rồi vị ấy đến đảnh lễ Phật, bạch rằng:
- Bạch Thế tôn, xin Ngài đến thọ thực tại làng con vào ngày mai, để chúng con được phước báo cúng dường.
Phật Ca Diếp hỏi lại:
- Ngươi muốn cúng dường bao nhiêu vị tỳ kheo?
- Bạch Thế tôn, Tăng chúng của Ngài gồm bao nhiêu?
- Hai mươi ngàn.
- Bạch Thế tôn, ngày mai xin ngài đem theo tất cả đại chúng tỳ kheo ấy.
Ðức Phật nhận lời. Cầm một mảnh bối diệp (lá bối, thay giấy) trở về làng, người kia đi từng nhà khuyên sửa soạn cúng dường Phật và chúng Tăng tùy khả năng của mỗi gia đình. Có nhà tình nguyện cúng dường 500 vị, nhà 200 vị, nhà 100 vị, nhà 50 vị v.v... Người kia đều ghi dấu vào lá bối để hộm sau thỉnh đúng số tỳ kheo đến từng nhà. Trong làng, có một gia đình rất nghèo, đến nỗi ông chủ được mệnh danh "ông Chúa Nghèo". Người kia cũng không quên ghé vào nhà ông Chúa Nghèo để tạo phước cho ông ta. Khi Chúa Nghèo nghe người kia muốn mình cúng dường chúng tỳ kheo thì giật bắn người lên:
- Ối bạn ơi! Bạn coi nhà cửa tôi đây, đến một chỗ ngồi cũng không có, làm sao tôi cúng dường gì được? Tôi có đồng xu nào đâu? Hãy đi đến những nhà cao cửa lớn kia!
- Này bạn, không phải chính vì vậy bạn mới nên nhân cơ hội này mà gieo giống phước sao? Vì sao bạn phải nghèo? Phải chăng vì bạn chưa từng giúp ai một chút gì cả?
Chúa Nghèo ngẫm có lý bèn ưng thuận:
- Ðược. Vậy thì xin bạn ghi cho tôi cúng dường một vị tỳ kheo.
Người kia bằng lòng, nhưng không ghi vào lá vì y nghĩ rằng một vị thì quá ít, chẳng cần ghi làm gì. Y từ giã để tiếp tục đi phổ khuyến.
Chúa Nghèo gọi vợ ra, cho hay ý định cúng dường một vị tỳ kheo của mình, và đề nghị với vợ cùng đi làm mướn để đủ tiền sắm sửa các thứ.
Người vợ bằng lòng ngay, cả hai cùng đi đến một nhà phú hộ. Nhà này sẵn lòng mướn hai vợ chồng làm việc một buổi chiều hôm ấy để chhuẩn bị cho việc cúng dường hôm sau. Họ mướn Chúa Nghèo giã gạo, còn bà vợ thì gánh nước. Hai vợ chồng làm việc rất hăng hái, nét hân hoan lộ hẳn trên gương mặt, đến nỗi chủ nhà hỏi nguyên do. Khi được biết họ làm mướn để có tiền mua thực phẩm cúng dường một vị tỳ kheo, phú ông cảm khái, trả công gấp bội. Với số tiền nhận được họ mua một ít gạo thơm hảo hạng, trái cây quý và một ít đồ vụt vãnh để nấu nướng.
Sáng hôm sau, Chúa Nghèo dậy sớm đi hái rau bên bờ sông về cho vợ làm thức ăn. Một người đánh cá hỏi:
- Chúa Nghèo hái rau làm gì sớm Thế?
- Tôi hái rau để cúng dường một vị tỳ kheo.
- Thế à! Vị nào ăn rau của Chúa Nghèo cúng dường chắc hên lắm đấy. Này, làm hộ tôi việc này được chăng?
- Làm gì?
- Ðây tôi có mấy xâu cá, Chúa Nghèo đi bán giùm. Tôi bận coi lưới. Mỗi xâu hai đồng.
- Ðược.
Chúa Nghèo xách cá đi bán một chốc đã hết, đem tiền về giao cho chủ.
- Này Chúa Nghèo, tặng Chúa Nghèo một ít tiền đây, về mà sắm thức ăn cúng dường.
Chúa Nghèo sung sướng đem rau và tiền về cho vợ.
Khi ấy, từ trong tinh xá của ngài, Phật Ca Diếp đã biết một người nghèo đang thành tâm sửa soạn cúng dường một vị tỳ kheo. Ngài cũng biết rằng tất cả chúng tỳ kheo đã được phân phối đi vào các gia đình phát tâm cúng dường, mỗi nhà cúng một số vị. Duy chỉ có nhà Chúa Nghèo bị bỏ quên, vì Chúa Nghèo chỉ cúng có một vị, người phổ khuyến quên ghi, nên không còn một vị nào cho Chúa Nghèo cúng cả. "Vậy chỉ còn Ta để cho Chúa Nghèo gieo phước" đức Phật nghĩ thế, và ngài lấy làm hoan hỉ, vì chư Phật vốn thương những kẻ khốn cùng. Vừa khi Phật có ý định ấy, thì vua trời Ðế thích cảm thấy chiếc ngai ông đang ngồi lay động. "Có chuyện gì thế nhỉ?" Vua trời ngẫm nghĩ, và biết rằng chính tấm lòng thành khẩn của Chúa Nghèo dưới trần Thế đã làm chấn động đến thần tiên. "Ta phải giúp Chúa Nghèo một tay để chuẩn bị thực phẩm cúng dường đức Phật." Ðế thích bèn rủ bà vợ rời cung trời bay xuống nhân gian hóa làm hai vợ chồng nghèo khó đi làm mướn. Ðến nhà Chúa Nghèo, Ðế thích hỏi:
- Nhà có gì làm không? Cho chúng tôi phụ giúp.
- Ông bà ôi, chúng tôi có nhiều việc lắm, nhưng không có tiền để trả công ông bà đâu.
- Bạn làm gì thế?
- Chúng tôi làm thức ăn cúng dường một vị tỳ kheo.
- Ồ, việc phước ấy chúng tôi cũng muốn hùn. Chúng tôi không cần trả công đâu.
- Vậy thì tốt lắm, ông bà hãy giúp chúng tôi sắm sửa thức ăn.
Hai ông bà Ðế thích bước vào nhà Chúa Nghèo, Ðế thích bảo:
- Bây giờ, để chúng tôi làm thức ăn cho. Bạn hãy đi mời vị tỳ kheo của bạn ơi.
Chúa Nghèo ra đi, đến nơi người đã phổ khuyến hôm qua để hỏi vị tỳ kheo nào sẽ nhận lời đến nhà mình, và đi thỉnh vị ấy. Nhưng người ấy nói:
- Ồ bạn ơi, tôi quên bẵng đi mất. Không còn một tỳ kheo nào cho Chúa Nghèo cúng nữa, vì tất cả đều đã nhận đi các nhà khác rồi.
Không thể nào tả nỗi tuyệt vọng lớn lao của Chúa Nghèo lúc ấy. Chúa đấm ngực, lăn ra mà khóc:
-Trời đất ôi! Bạn hại tôi rồi! Suốt hai hôm qua, chúng tôi làm việc tối mắt tắt đèn để chờ đợi bữa trưa nay cúng dường một vị tỳ kheo! Vậy mà bây giờ bạn bảo không còn vị nào! Bạn phải cho tôi một vị tỳ kheo! Không thì tôi chết mất. Hu hu.
Quần chúng bu lại xem đông. Người kia bối rối năn nỉ:
- Này Chúa Nghèo, xin Chúa đừng làm tội tôi nữa. Tôi lỡ đi mà. Chúa tha cho tôi đi.
- Không biết! Phải cho tôi một vị tỳ kheo! Hù hu, hu hu.
Túng quá, người kia đánh bạo đề nghị:
- Thôi Chúa Nghèo hãy đứng dậy. Tôi bày cách này. Ðấng đạo sư chưa nhận lời mời của ai, vì rất đông vua chúa đại thần đều muốn thỉnh Ngài. Vậy bạn hãy tới thỉnh Ngài đi. Ngài rất thương những kẻ nghèo, chắc Ngài sẽ nhận lời bạn đấy. Ngài đang ngồi trong tinh xá nói pháp cho các bậc thượng khách kia.
Chúa Nghèo nghe lời, đứng lên đi đến tinh xá. Vua và đình thần đang nghe pháp, thấy Chúa Nghèo tiến tới thì ngăn lại, vì họ tưởng Chúa đến xin đồ ăn thừa:
- Chúa Nghèo, chưa đến giờ ăn đâu.
- Tôi biết. Tôi đi thỉnh Phật về nhà tôi thọ trai.
Ðức Phật mỉm cười, chìa cái bình bát của Ngài ra, trao cho Chúa Nghèo một cách thân mật. Chúa Nghèo đỡ lấy bảo vật trong đôi tay run lên vì sung sướng. Chúa ôm lấy bình bát của Phật vào lòng, mặt mày hớn hở như đứa trẻ vừa được kẹo. Các ông hoàng chạy theo đề nghị:
- Chúa Nghèo, hãy nhường cái bát ấy cho ta cúng thức ăn cho Phật. Ta sẽ cho Chúa Nghèo một ngàn đồng.
- Không bao giờ tôi nhường cho ai cái bát này, dù có đổi bạc triệu.
Chúa Nghèo trân trọng ôm bình bát của Phật về nhà để bày thức ăn. Vua đang ngồi gần Phật, ngẫm nghĩ: "Lão Chúa Nghèo chắc chẳng có gì ngon lành mà cúng đức Thế tôn đâu. Chi bằng ta sắm sẵn các thức ăn thượng vị đựng trong cái bình bát khác, chờ khi Chúa Nghèo dâng lên Phật ta sẽ đổi thức ăn của ta cho Phật dùng".
Ðến giờ thọ thực, Phật Ca Diếp đến nhà Chúa Nghèo. Vua đi theo với ý định như trên. Nhưng khi Phật vào nhà Chúa Nghèo, Ðế thích hóa trang đã dâng Phật một bát đầy thức ăn mùi thơm bay khắp không gian. Vua bẽn lẽn cáo từ Phật trở về.
Do phước báu cúng dường Phật Ca Diếp, Chúa Nghèo được sanh lên cõi trời cho đến khi Phật Thích Ca ra đời mới trở xuống trần thế, sanh vào một nhà thí chủ thân tín của nhà Xá Lợi Phất. Khi mang thai Chúa Nghèo,người mẹ bỗng thông minh khác thường. Người trong gia đình ai có bệnh tật gì đều được khỏi, và trở nên thông tuệ. Do đó hài nhi được tôn giả Xá Lợi Phất đặt tên là Hiền Trí. Khi lên bảy, Hiền Trí xin mẹ xuất gia làm đệ tử tôn giả.
Tôn giả dạy cho chú tiểu những uy nghi phép tắc phải theo trước khi vào thành khất thực. Lần đầu tiên ôm bát theo hầu thầy ra đường, chú tiểu hỏi Ngài khi thấy một con đê:
- Bạch Tôn giả, kia là cái gì?
- Chú tiểu, đấy là một con đê.
- Bạch Tôn giả, con đê dùng để làm gì vậy?
- Ðể dẫn nước đi khắp nơi nào mà người ta muốn.
- Nhưng bạch tôn giả, nước có hiểu biết gì không?
- Không đâu, chú tiểu. Nước là vật vô tri vô giác.
- Bạch tôn giả, Thế thì người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri vô giác đến bất cứ chỗ nào người ta muốn hay sao?
- Chính vậy, chú tiểu.
Hiền trí nghĩ: "Nếu người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri tùy theo ý muuốn, thì tại sao ta không thể nhiếp phục tâm ý của mình để chứng A La Hán quả?
Ði thêm một quãng, chú thấy những người làm tên đang hơ những cây tên trên lửa và nheo mắt nhắm để uốn chúng cho thẳng. Chú tiểu hỏi:
- Bạch tôn giả, họ làm chi vậy?
- Họ đang uốn những cây tên cho thật thẳng.
- Cây tên có lý trí không?
- Không, nó là vật vô tri.
Chú tiểu nghĩ: "Nếu người ta có thể uốn nắn một vật vô tri cho thẳng theo ý muốn, thì ta cũng có thể nỗ lực điều phục tâm ý để chứng A La Hán quả".
Một lát sau, hai thầy trò gặp những người thợ mộc đang đẽo bánh xe, chú lại hỏi:
- Bạch Tôn giả, họ làm gì thế?
- Ðấy là thợ mộc đang đẽo bánh xe.
- Bánh xe có lý trí không?
- Không, bánh xe chỉ chạy theo ý người muốn!
Chú tiểu nghĩ: "Nếu người ta có thể lấy gỗ làm ra những bánh xe để chạy theo ý muốn mình, thì tại sao ta không thể điều phục tâm ý của chính mình?"
Khi ấy chú tiểu trao y bát cho thầy và bạch:
- Bạch Tôn giả, con muốn trở về.
Tôn giả Xá Lợi Phất không nói một lời, đỡ lấy y bát trên tay chú tiểu. Chú tiểu vái chào thầy xong còn quay đầu lại dặn tôn giả:
- Bạch Tôn giả, khi nào Ngài đem thức ăn về cho con, xin Ngài chỉ cho con toàn một thứ đậu chiên vàng ngon nhất ấy.
- Ở đâu ta có thể kiếm được những thứ ấy, chú tiểu?
- Bạch Tôn giả, nếu Ngài không thể kiếm được nhờ phước đức của Ngài, thì Ngài cũng sẽ kiếm được do phước đức của con.
Tôn giả Xá Lợi Phất vốn rất cẩn thận. Ngài sợ chú tiểu ngủ ngoài trời có thể bị rắn cắn, hay sâu bọ đốt, bởi Thế Ngài trao chìa khóa cho chú tiểu và bảo:
- Hãy mở cửa tịnh thất của ta mà vào.
Chú tiểu vâng lời. Vào phòng tôn giả, chú bắt đầu tịnh tọa thiền quán. Khi ấy Ðế thích ở trên trời cảm thấy chiếc ngai rung động, và nhận ra rằng chú tiểu Hiền Trí đang ngồi thiền quyết chứng quả A La Hán trong ngày đó, nên Ngài muốn giúp chú một tay. Ngài bảo thần mặt trời phải đi chấm lại, kéo dài buổi sáng ra trọn ngày, và sắc cho tứ thiên vương đứng gác bốn góc chùa, đuổi hết tất cả chim chóc ra khỏi vườn để đừng gây tiếng động. Do đó, tinh xá Cấp cô độc trở nên yên tịnh lạ thường. Thỉnh thoảng mới có một âm thanh rất nhỏ gây nên bởi một chiếc lá khô lìa cành rơi xuống.
Trong khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất vào nhà người thí chủ quen biết để khất thực. Gia chủ vừa mua về nhiều bánh tàu hủ chiên vàng, đem đặt vào bát Ngài. Tôn giả định đem về cho chú tiểu như lời chú dặn, nhưng gia chủ xin thỉnh tôn giả cứ dùng, sẽ còn phần khác để tôn giả đem về. Tôn giả ngồi lại thọ thực.
Ðúng lúc ấy, từ tư thất của Ngài, đức Ðạo sư quan sát bằng Phật nhãn thanh tịnh thấy chú tiểu có thể chứng quả A La Hán trong vòng vài giờ nữa. Nhưng nếu Tôn giả Xá Lợi Phất trở về lúc này, đem thức ăn vào phòng cho chú tiểu thì sẽ lỡ mất dịp đắc quả của chú. Do đó, đức Phật quyết định đi đến tịnh thất của tôn giả để đón đường. Vừa khi tôn giả trở về, Ngài gặp ngay đức Ðạo sư đứng trước cửa. Tôn giả thi lễ, đức Ðạo sư hỏi vị đệ tử thông tuệ của Ngài một số câu hỏi trong luật tạng, chỉ cốt để câu giờ, chờ cho chú tiểu đắc quả. Khi biết Hiền Trí đã chứng quả. Ngài bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:
- Bây giờ này Xá Lợi Phất, hãy đem thức ăn vào cho chú tiểu Hiền Trí đi.
Tôn giả gõ cửa. Chú tiểu bước ra đỡ lấy bát trên tay Ngài đặt xuống một nơi, rồi bắt đầu quạt cho Ngài. Tôn giả bảo:
- Này chú, hãy ăn sáng đi.
- Bạch tôn giả, còn tôn giả thì sao?
- Ta đã ăn rồi.
Khi ấy chú tiểu mới ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực. Khi chú đã ăn xong, rửa bát và dọn dẹp xong, thì mọi sự mới trở lại bình thường: mặt trời bắt đầu lặn, trăng từ từ lên, Tứ Thiên Vương hết canh gác bốn góc chùa. Ðế thích trở về thiên cung ngồi vào chiếc ngai vàng thường lệ. Chúng tỳ kheo bảo nhau:
- Thật kỳ lạ! Hôm nay buổi sáng hầu như dài suốt cả ngày, mà buổi chiều ngắn có một khoảnh khắc. Tại sao thế nhỉ?
Ðức Ðạo sư giải thích:
- Ðúng thế, này các tỳ kheo, chính vì chú tiểu bảy tuổi kia phát tâm chứng quả A La Hán, mà tất cả trời Ðế thích, Tứ Thiên Vương, thần mặt trời, thần mặt trăng đều hỗ trợ cho công việc của chú ấy. Và chính đức Như Lai cũng đã bỏ cả giờ nghỉ ngơi để canh chừng cho chú bé, một người nhân quan sát con đê dẫn nước, thợ làm tên, người làm bánh xe, mà quyết tâm nỗ lực thiền định để chứng quả.
"Người đào đê dẫn nước, người làm tên uốn tên, thợ mộc đẽo gỗ, còn người trí thì lo điều phục tâm mình". (Pháp cú 80)