HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC
Nguyên tác: Journey In Search Of The Way-The Spiritual Autobiography Of Satomi Myodo
Nguyên Phong Việt dịch, Làng Văn xuất bản 1996
Chương 1
Tôi sinh ra đời vào năm Minh Trị thứ hai mươi tám (1896) trong một gia đình nông dân tại Hokkaido. Cha tôi là một nhà nông trầm lặng, ít nói, suốt ngày chỉ biết cày sâu cuốc bẫm. Nếu cha tôi đã ít nói thỉ mẹ tôi còn ít nói hơn, bà là cái bóng của cha tôi, một người vợ chung thủy, một người mẹ hiền, và một nhà nông cần mẫn. Tuy xuất thân là nhà nông nhưng tôi không phải là một đứa bé ngoan ngoãn, có tính thần trách nhiệm như những đứa trẻ nhà nông khác. Trái lại, tôi là một đứa bé lạnh lùng, ích kỷ, có tâm hồn nổi loạn. Hiển nhiên một phần tính nết này bắt nguồn từ những chủng tử được huân tập trong nhiều đời nhiều kiếp, nhưng cũng một phần vì đường lối giáo dục nghiêm khắc và hoàn cảnh khi đó nữa.
Vào lúc đó, chương trình giáo dục bao gồm đức dục, trí dục và thể dục; nhưng đức dục được coi là quan trọng nhất. Các bài giảng về luân lý, đạo đức được chú trọng nhiều hơn những môn học khác. Những đứa trẻ như tôi được dạy bảo rất kỹ rằng “không được nói dối”, “phải lễ phép với mọi người”, “phải tuyệt đối kính trọng và vâng lời những người lớn tuổi”,v.v. Không như những đứa bé khác, chấp nhận và tuân theo những qui luật này, tôi thường đặt câu hỏi tại sao lại phải như thế, vì tôi thấy giữa lý thuyết và thực hành vẫn có điều gì không ổn. Tôi nhận thấy đa số người lớn tuổi chẳng mấy khi áp dụng các qui luật này nếu không muốn nói là đã hành động khác hẳn. Họ thường hay nói dối, cãi nhau, và có những hành động không đáng kính trọng chút nào.
Thí dụ khi người chủ ruộng đến nhà đòi nợ thì mẹ tôi sai tôi ra nói rằng cha tôi đi vắng, mặc dù tôi thừa biết rằng ông đang trốn ở vựa lúa sau nhà. Vào dịp lễ lạc, dân làng tụ họp ăn uống, ai cũng cười nói vui vẻ. Họ trầm trồ khen ngợi những bộ áo kimono may thật đẹp, vừa vặn ôm sát người. Họ xuýt xoa khen những món ăn nấu thật vừa miệng không đầu bếp nào có thể sánh kịp. Thế nhưng khi tiệc tan, ai về nhà nấy, thì những lời chê bai, mạt sát bắt đầu được khui ra. Nào là mụ kia vừa già vừa xấu lại cứ tưởng mình đẹp lắm, ăn mặc diêm dúa như con gái còn xuân. Nào là ông nọ nghèo kiết xác, nợ như chúa chổm thế mà lúc nào cũng khoe khoang tiền bạc đầy nhà. Đại khái những điều mâu thuẫn như thế xảy ra rất thường, không riêng gì trong gia đình tôi mà cả trong những gia đình mà tôi quen biết.
Ngay như vị thầy giáo “khả kính” hàng ngày thường khuyên học trò phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh sa ngã vào các thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè nhưng cuối tuần nào ông cũng có mặt ở nhà chứa bạc cuối xóm. Nhiều lúc tôi thấy ông mặt mày đỏ gay, quần áo xốc xếch, đi đứng lảo đảo vì say rượu. Mỗi khi thua bạc, ông còn chửi rủa om xòm không chừa một ai trong làng. Có lẽ vì thế nên một đứa bé vừa lên sáu lên bảy như tôi đã có thành kiến về các qui luật được gọi là luân lý, đạo đức này. Theo tôi, đó chỉ là những lý thuyết hay nhưng không thể áp dụng, nếu có thì cũng chỉ áp dụng cho những đứa bé ngây thơ không biết nhận xét mà thôi. Vì đã có thành kiến như thế nên tính tình tôi ngày càng trở nên lạnh nhạt, khô khan và hay khinh thường các giá trị đương thời.
Tuy là một nhà nông nghèo nhưng cha mẹ tôi đã đặt nhiều hy vọng vào đứa con duy nhất là tôi. Ông bà dành dụm tiền để gửi tôi vào trường trung học trên tỉnh, cách làng khoảng 6 cây số. Lúc đó (1904) đường sá giao thông tại Hokkaido còn thô sơ lắm, từ làng lên tỉnh khoảng vài cây số đã là cả một chân trời cách biệt rồi. Tôi thường phải rời nhà từ khi trời còn mờ sương trên những chuyến xe chở rau lên tỉnh. Khi tan học thì trời đã xế chiều, tôi phải đi bộ băng qua mấy thửa ruộng mới về đến nhà. Cha mẹ tôi đặt việc học lên trên hết. Ông bà khuyến khích tôi phải học thật nhiều nhưng vì bận việc đồng áng, ít khi có cơ hội nói chuyện hay tìm hiểu nhiều về tôi nên càng ngày tôi càng lạnh lùng, độc lập, khác hẳn những đứa bé cùng tuổi trong làng.
Thời đại Minh Trị (Meiji) là một giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng của Nhật Bản. Giai đoạn canh tân năm 1868 chấm dứt chế độ Sứ Quân, bãi bỏ chinh sách bế quan tỏa cảng và đưa Thiên Hoàng lên địa vi tối cao. Từ khi mở cửa biên giới, Nhật Bản thấy rõ mình đang ở trong tình trạng suy kém về mọi phương diện trước sự tiến bộ quá nhanh của các cường quốc Tây phương. Bài học Trung Hoa bị liệt cường xâu xé khiến các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải ban hành gấp rút ngay một chính sách cải cách hầu đưa quốc gia ra khỏi tình trạng suy thoái nguy hiểm này. Chính sách được áp dụng lúc đó là việc thay đổi toàn diện hệ thống giáo dục, thương mãi, hành chánh, canh nông, để xây dựng một căn bản kinh tế vững mạnh.
Song song với chính sách này là việc đề cao tinh thần quốc gia, kỷ luật hóa đường lối làm việc, và thiết lập một căn bản quân sự phòng khi quốc biến. Trường tôi theo học là một trường nữ trung học. Mục đích của các trường nữ trung học khi đó không chú trọng nhiều về việc phát triển kiến thức mà chỉ nhằm đào tạo nữ sinh trở nên những người “vợ đảm và mẹ hiền”. Mỗi sáng, bà hiệu trưởng tập họp tất cả nữ sinh vào giảng đường để nghe bà thuyết giảng về bổn phận của người vợ và người mẹ. Bà nhắc đi nhắc lại rằng đó là “thiên chức” của phụ nữ, một phụ nữ đúng nghĩa phải biết khiêm tốn trước người chồng, khi đi phải đi sau người chồng hai bước, khi ăn phải chờ chồng ăn trước rồi mới được ăn, phải làm mọi việc nặng nhọc vì người vợ được sinh ra để chiều chuộng và hầu hạ người chồng.
Bà hiệu trưởng luôn luôn nhấn mạnh danh từ “người chồng” chứ không phải “người đàn ông” vì theo bà, đàn ông là một con thứ chuyên rình rập, hãm hại các thiếu nữ ngây thơ khờ dại. Một khi đã thất tiết thì chỉ có nước chết, không còn danh dự, không còn một chút giá trị gì trên cõi đời này nữa. Hiển nhiên giải pháp tốt nhất là lập gia đình, trở thành một người “vợ đảm, mẹ hiền”, và như thế mới có thể thoát được cạm bẫy của những “con thú đội lốt người” này. Là một thiếu nữ bướng bỉnh, có tinh thần độc lập, tôi đã tự hỏi giữa người chồng và người đàn ông thì khác nhau chỗ nào? Tại sao trước khi kết hôn, người đàn ông là con thú mà sau khi thành hôn họ lại được trọng vọng như một ông hoàng? Phải chăng hôn nhân chỉ là một cạm bẫy do đàn ông đặt ra? Trong suốt thời gian ở trung học, chúng tôi được dạy rất kỹ rằng không được nhìn một người khác phái nào, đi đâu cũng phải đi chung với nhau thành nhóm ba người để tránh bị chòng ghẹo, và cũng để báo cáo những hành vi lơ đễnh, bất cẩn của một người nào đó. Đối với các nữ sinh đó là những khuôn vàng thước ngọc, nhưng với tôi nó chỉ là một lý thuyết làm giảm giá trị của phụ nữ mà thôi.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cha mẹ tôi khuyến khích tôi nên tiếp tục học nữa. Tôi thi đậu vào phân khoa văn chương Đại học Tokyo và nuôi mộng trở nên một văn sĩ. Tôi từ giã Hokkaido lên đường đến Tokyo. Dù đây là lần đầu tiên sống xa nhà nhưng điều này không gây trở ngại bao nhiêu vì tôi đã quen sống độc lập từ nhỏ, Đây cũng là lần lầu tôi có cơ hội tiếp xúc với những người khác phái vì sau buổi học, nam nữ được tự do giao thiệp. Đa số sinh viên văn khoa lúc đó đều say mê chủ nghĩa lãng mạn. Họ nói chuyện một cách văn hoa, lịch sự, đôi khi thêm vào vài câu văn trích dẫn trong tiểu thuyết hay các bài thơ của các văn thi sĩ đương thời. Hiển nhiên những thói thời thượng này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho tình cảm nẩy nở giữa các nam nữ sinh viên.
Ngay trong khóa học đầu, đã có một thanh niêm chú ý và theo đuổi tôi rất kỹ, nhưng tim tôi không hề rung động. Tôi quan sát từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói của hắn để chuẩn bị đối phó. Tôi càng tỏ ra lạnh nhạt bao nhiêu thì hắn lại càng say mê tôi bấy nhiêu. Hắn theo sát tôi như bóng với hình, đón tôi trước cửa lớp học, tặng tôi những bài thơ, mời tôi đi xem kịch nhưng lòng tôi vẫn không hề rung động. Tôi thản nhiên trước sự săn đón nồng nàn của hắn và tỏ ra thích thú mỗi khi thấy hắn tỏ ra đau khổ vì không được tôi đáp lại. Thỉnh thoảng tôi cũng ban cho hắn một vài ân huệ nhỏ nhặt như cho phép hắn mời tôi đi xem hát hay đi dạo trong các khu phố quanh trường.
Dần dần tôi trở nên thích thú với trò đùa này, nhất là mỗi khi thấy khuôn mặt đầy vẻ thất vọng của hắn khi bị tôi từ chối một việc gì. Tôi nghĩ mình là người có kỷ luật cảnh giác cao độ, hơn nữa tôi đâu hề có cảm tình gì với hắn. Đối với tôi, hắn chỉ là một con chuột nhỏ trước nanh vuốt của một con mèo già, đầy kinh nghiệm là tôi. Nhưng tôi đã lầm và lầm rất lớn. Trong một buổi hẹn hò, tôi đã yếu lòng, mất tự chủ và thất thân với hắn. Điều bất ngờ hơn nữa là chỉ ít lâu sau tôi thấy mình có thai. Mặc dù tôi biết hắn yêu tôi tha thiết, nhưng tôi không hề có chút cảm tình gì với hắn. Hôn nhân không phải là mục đích của tôi nên tôi nhất định không cho hắn biết gì về hậu quả tai hại này. Tương lai xán lạn của tôi bỗng trở nên đen tối như đêm ba mươi. Tôi vẫn muốn tiếp tục việc học nhưng trước cái bụng càng ngày càng lớn, tôi biết mình không thể ở đây được nữa.
Sau cùng, với tâm trạng khủng hoảng cùng cực, tôi đành trở về nhà. Cha mẹ tôi hết sức ngạc nhiên vì sự trở về bất ngờ này, nhưng là một nhà nông chất phác, ông bà không biết phải hỏi tôi như thế nào. Hiển nhiên mẹ tôi để ý ngay đến thân thể đẫy đà của tôi, nhưng vốn là người ít nói, bà giữ thái độ im lặng, chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt thương xót. Đáng lẽ ra, tôi phải trình bày mọi chuyện với cha mẹ tôi và xin tha thứ về lỗi lầm đáng tiếc này; nhưng không hiểu sao tôi lại lựa chọn thái độ im lặng. Mỗi sáng chúng tôi thức dậy trong một bầu không khí ảm đạm nặng nề, không ai nói với ai câu nào. Chúng tôi ăn vội vài bát cơm rồi hối hả ra đồng làm việc. Tôi thường lựa một chỗ riêng, xa hẳn nơi cha mẹ tôi làm việc và cắm cúi làm để không phải nghĩ đến những điều tủi nhục, xấu hổ mà tôi biết trước sau gì cũng sẽ bùng nổ. Tôi muốn cha mẹ tôi mắng chửi tôi một trận thật nặng, đuổi tôi ra khỏi nhà, hoặc yêu cầu tôi tự tử cho đỡ nhục, nhưng ông bà vẫn không hề hé răng nói một lời nào. Sự im lặng này khiến cho lòng tự ái của tôi bị tổn thương, đầu óc tôi rối loạn cùng cực. Tôi không biết phải làm gì hơn là tiếp tục chịu đựng nỗi cay đắng, nhục nhã gậm nhấm vào từng lớp da, thớ thịt.
Một hôm tôi đang làm việc ngoài đồng thì nghe tiếng cha tôi gọi lớn. Tôi vội vã bước đến thì thấy ông đang ngồi xổm trước bờ ruộng đăm đăm nhìn một cái gì đó trước mặt. Tôi ngồi xuống bên cạnh và thấy ông đang chăm chú nhìn một cọng cỏ dại mọc bên bờ ruộng. Một lúc sau ông nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Ta đã quan sát nó từ lâu rồi, thật là lạ lùng… Nhìn kìa, một con kiến cánh đang leo lên cọng cỏ. Nó tiếp tục bò lên và bò lên… A ha, nó ngã xuống rồi… nhưng khoan đã… hãy quan sát cho kỹ, nó lại tiếp tục bò lên nữa. Nó đã làm vậy biết bao lần rồi…
Trong lúc cha tôi nói, con kiến cánh tiếp tục bò lên cọng cỏ rồi lại ngã xuống, nhưng nó ngo ngoe đôi râu, tiếp tục bò lên nữa. Cha tôi vẫn nói bằng một giọng đều đều:
- Đó, thấy không! Nó vẫn tiếp tục leo lên ngọn cỏ… Có lẽ nó mệt lắm. Mỗi khi mệt, nó duỗi mấy chiếc chân nhỏ xíu ra cho đỡ mỏi, xòe đôi cánh ra để lấy sức, và rồi tiếp tục leo lên ngọn cỏ như trước…
Cha tôi nói, giọng trầm trầm, mắt vẫn không rời con vật bé nhỏ đang run rẩy bò lên cọng cỏ kia. Tôi ngạc nhiên theo dõi con vật đang cố gắng leo lên ngọn cỏ trước mặt, nó ngã xuống và rồi tiếp tục leo lên. Bất ngờ thay, như bị một tia sét lớn đánh trúng đầu óc hoang mang của tôi, tôi chợt hiểu điều cha tôi muốn nói. Tôi đứng phắt dậy, lảo đảo đi về phía vựa lúa sau nhà, đến một góc khuất tôi ngã gục xuống đất, ngực tôi đau nhói, hai mắt tôi cay xè. Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức rõ rệt mình đang khóc. “Cha ơi, con hiểu rồi. Con thật sự hiểu điều cha muốn nói. Cha thương con biết chừng nào. Con thật là một đứa bất hiếu. Cha vẫn nuôi hy vọng ở con trong khi con đã âm thầm bỏ cuộc. Thật là đáng tiếc khi con đã không hiểu được lòng cha rộng rãi và bao la biết chừng nào. Từ nay con quyết sẽ giữ trọn lòng hiếu thảo với cha, con sẽ phải bù đắp những hy sinh cao quí của cha…”
Tôi không biết mình đã khóc trong bao lâu nhưng gánh nặng mà tôi chất chứa trong lòng bỗng nhiên nhẹ hẳn đi. Trong giây phút đó mọi việc như sáng tỏ hơn bao giờ hết. Tôi ngước mắt nhìn những cánh đồng lúa xanh trước mắt, nhãn quan của tôi mở rộng đến những cây cổ thụ mọc ở đầu làng, những ngọn đồi thấp, những con lạch nhỏ uốn quanh đó, những căn nhà tranh với những tia khói bếp màu xám… Tôi còn nhìn thấy những chim muông bay lượn trên không… Tất cả đều vươn lên một sức sống kỳ diệu, không thể diễn tả. Tôi hít một hơi thật dài và thấy sảng khoái hơn bao giờ hết. Tất cả mọi vật dường như hòa nhập vào trong tôi và chỉ trong giây lát, mọi sự đau khổ bỗng tan biến như mây khói.
Tai tôi chợt nghe văng vẳng những điều mà tôi đã được dạy bảo từ khi còn ở tiểu học, những lời khuyên bảo về đạo đức mà tôi vẫn cho rằng không thể áp dụng, bỗng tự nhiên trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi lẩm bẩm “Lòng hy sinh, chịu đựng và chân thật là điều có thể thực hiện được. Nó không phải là lý thuyết suông”. Trong giây phút đó, tôi như con tằm vừa lột xác ra khỏi kén. Tất cả sự kiêu căng, lạnh lùng từ trước bỗng dưng tan biến hết. Tấm lòng hy sinh chịu đựng vô bờ bến của cha tôi đã cảm đến tôi. Tôi hiểu được tình thương mà cha mẹ tôi vẫn dành cho tôi từ bao lâu nay. Cho đến lúc đó tôi mới ý thức rằng từ trước đến nay tôi là một đứa bé lạnh lùng, ích kỷ, ưa châm biếm, nghi ngờ. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến ai khác và cũng chẳng hề nghĩ rằng mình có thể cần ai.
Lòng kiêu hãnh đã biến tôi thành một khối nước đá, lạnh lùng dửng dưng trước những sự kiện xảy ra quanh mình. Thật may mắn khi tôi có thể hiểu được những điều mà từ trước đến nay tôi vẫn cho là trừu tượng này. Tôi biết rõ mọi sự xảy ra chỉ là phản ứng của tư tưởng và hành động của mình. Dĩ nhiên tôi phải gặt những gì mà tôi đã gieo, và tôi xứng đáng nhận lãnh hậu quả đó. Tuy nhiên tôi còn ý thức rằng, những điều mà tôi gọi là đạo đức, luân lý chỉ là những giá trị được xây dựng trên một căn bản nào đó và chính cái căn bản này mới là động năng mầu nhiệm thúc đẩy con người hành động một cách cao thượng. Làm sao người ta có thể ý thức được cái giá trị căn bản này? Hiển nhiên tôi không thể trả lời nó trong lúc này, nhưng tôi biết muốn thực sự hiểu được giá trị đó, người ta cần phải tìm một người nào không những đã kinh qua được nó mà còn phải hiểu và biết sống với nó nữa. Phải chăng đó là bước đầu của người tìm đạo? Phải chăng cái người ta cần tìm là một vị thầy?
Tôi không có nhiều thời giờ suy gẫm thêm về những điều đó nữa vì chỉ ít lâu sau, vào đầu mùa đông tôi đã hạ sinh đứa con gái đầu lòng. Hai tháng trước đó, cha của đứa bé đã tìm đến nhà tôi sau khi phong thanh rằng tôi đã có con với hắn. Là con của một công chức tòa hành chánh, hắn vẫn hy vọng sẽ nối nghiệp cha nhưng khi được tin tôi có con, hắn bỏ học về sống với gia đình tôi tại Hokkaido. Cha mẹ tôi lập tức công bố điều này với mọi người trong làng và một đám cưới đã được tổ chức cấp tốc sau đó. Chồng tôi là một thanh niên đẹp trai nhưng mảnh khảnh, tiêu biểu cho lớp thư sinh trói gà không chặt, nhưng hắn đã cố gắng làm mọi việc trong nhà, từ giã gạo, bổ củi đến việc cho gia súc ăn.
Qua năm sau, tôi sinh hạ thêm một bé gái nữa nhưng dù đã có hai con với nhau, tình vợ chồng giữa hai chúng tôi không hề tiến triển thêm được chút gì. Không hiểu sao chúng tôi thường khắc khẩu, hay cãi cọ về những chuyện không đâu. Về sau tôi biết, hễ lên tiếng thế nào cũng tạo ra những sự cãi cọ vô ích nên tôi quyết định giữ thái độ im lặng. Có lúc tôi đã nghĩ đến việc ly dị nhưng lại không dám vì nghĩ đến hai đứa con. Điều bất ngờ hơn cả là tôi càng chịu đựng bao nhiên thì một người vốn ít nói như cha tôi lại càng không chịu đựng được chồng tôi bấy nhiêu. Không khí trong nhà dần dần trở nên ngột ngạt, căng thẳng và sau cùng, sau một cuộc cãi vã kịch liệt giữa cha tôi và chồng tôi, nửa đêm hôm đó chồng tôi hầm hầm thu dọn hành lý bỏ về Tokyo.