Thích Nguyên Hiền
(Ký sự du hành Ấn Độ)
Nhân sự kiện động đất ở Nepal làm bàng hoàng cả thế giới, tăng chúng Vĩnh Minh Tự Viện chẳng biết làm gì ngoài việc hướng lòng cầu nguyện cho các nạn nhân vừa nằm xuống bởi thiên tai, cũng như cầu nguyện cho thế giới an lành trong từng ngày thơm đêm thảo. Nhân dịp này, vinhminh.net xin trân trọng trích đăng lại ký sự du hành Ấn Độ của thầy Thích Nguyên Hiền viết năm 2002 nhân chuyến đi đầu tiên như một nén hương tưởng niệm. Xin giới thiệu cùng độc giả khắp nơi.
KATHMANDU – THỦ ĐÔ CỔ KÍNH VÀ THƠ MỘNG
5 giờ sáng hôm sau, phái đoàn vượt biên đi Népal. Đến trưa mới hoàn tất thủ tục visa nơi cửa khẩu. Đến Lâm-tỳ-ni thì trời đã ngả về chiều. Một khóa lễ đơn sơ bên gốc Bồ-đề, vài bức ảnh trụ đá vua A-dục. Chưa kịp nhìn quanh khu vườn đản sanh thái tử lại bị hối thúc lên đường thăm Việt Nam Phật Quốc Tự, Chinese Tepmple ... để kịp đưa xe về biên giới trước 5 giờ chiều. Đi chiêm bái Phật tích sao giống chạy giặc quá, chưa viếng được thành Ca-tỳ-la-vệ, chưa cảm hết đất trời xứ Népal trong một lần về lại vườn sơ sinh của đấng Từ phụ. Lòng bùi ngùi xúc động, lại phải hẹn nữa thôi!
Một góc thủ đô Kathmandu
Đoàn thuê một chiếc xe buýt đi Kathmandu, ngủ đêm trên xe, ai nấy ngủ như chết chẳng biết trời trăng mây gió xứ Népal là thế nào cả. Đến Kathmandu đúng 6 giờ sáng. Đoàn thuê một chiếc xe buýt khác đi tham quan Swayambhunath, một tu viện chính của Tây Tạng ở Kathmandu. Ôi! Ở đâu người Tây Tạng cũng chiếm một địa thế cao, đẹp. Từ Swayambhunath có thể nhìn khắp thủ đô của Népal. Một ngôi tháp cao lớn có hình hai con mắt to trên thân tháp, như quan sát khắp mọi người đến đây. Xung quanh là những tháp nhỏ có thờ phụng trang nghiêm. Hàng quán bán đầy, du khách lũ lượt. Ở đây mình phát hiện ra Chuyển luân tạng, một hình thức khắc kinh chữ (Tây Tạng) lên một ống tròn, ở giữa có trục và người không có khả năng đọc kinh có thể quay trục này thì có công đức như đọc một tạng kinh. Thay vì chỉ có một trục lớn, ở đây người ta làm thành nhiều ống nhỏ ráp vào các thanh sắt xung quanh đại tháp. Người đi kinh hành quanh tháp, vừa đi vừa quay, trông thật thích thú. Ở Việt Nam cũng phải bắt chước cách này thôi!
Xe đi xuống núi mới biết rằng ngôi chùa này vĩ đại như thế nào, nghĩa là chiếm hết nguyên một ngọn núi lớn, chân núi được bọc bằng hàng rào xây cất theo kiến trúc Tây Tạng, nghĩa là cứ khoảng 10 mét là hàng rào được nối bằng một ngọn tháp. Nói hàng rào chứ thật ra là những Chuyển luân tạng bọc quanh, cực kỳ công phu và... tốn kém. Mình còn phải nghiên cứu nhiều về người Tây Tạng ở xứ Népal đây!
Lìa Swayambhunath, xe về Boudhanath Stupa, cũng một ngọn đại tháp khác trong thành phố. Kiến trúc đại tháp cũng giống Swayambhunath. Đoàn ghé vào nghỉ lại tại một guest house sau khi chờ đợi liên lạc.
Bảo tháp Budhanath stupa
Mọi người bắt đầu mua sắm. Ở Kathmandu, mọi thứ đều gọi mời du khách mua sắm bởi giá cả thật rẻ của nó. Rau quả cho đến mọi thứ hàng hóa, vải vóc, tranh tượng, đặc biệt là các loại tượng Phật, tượng Tara, các vòng đeo tay có khắc chữ Án ma ni bát di hồng bằng bạc vv... Mắc rẻ chỉ là so sánh, chứ chẳng có ý nghĩa gì so với túi tiền còm cỏi của mình. Kathmandu là thủ đô của thế giới về tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Tara, thần kim cang. Có những pho tượng kỳ quái, một cô gái lõa thể ngồi ôm Đức Phật theo thế... đang giao cấu, ngực áp sát ngực Phật, hai chân vòng ra sau kéo lại. Còn Đức Phật thì vẫn điềm nhiên hai tay đặt phía trước sau lưng cô gái, trên đùi của mình như thế đang tọa thiền. Trời ơi! chưa bao giờ mình nghĩ có một loại tượng như thế mặc dù trong Đại tạng kinh vẫn có một vài loại hình tượng các vị thần ôm nhau, dẫm lên nhau. Ban đầu tưởng chỉ có một tượng, sau đi dạo thấy xuất hiện khá nhiều. Có một bức cả Đức Phật và cô gái đều khá đẹp, nhưng tượng bằng đồng, mình không giám hỏi giá. Dân ở đây nói thách như trời. Có một pháp khí của Mật giáo, một phụ nữ gạ mình mua với giá 20 USD. Mình bỏ đi cô ta chạy theo, trả mãi đến 1 USD cô ta vẫn đồng ý, mình phì cười rồi lại bỏ đi.Mấy ngày sau mình tiếc mãi vì hỏi các nơi khác, cái nào cũng 1000 Rs trở lên. Thật chẳng biết đường đâu mà rờ.
Mình quyết chí tìm mua bốn cái hộp bạc về đựng đất của Tứ động tâm, nhưng toàn là giá trên trời. Hộp nhỏ xíu mà cái nào, nơi nào cũng nói là 250 Rs. Nhiều pho tượng thiên thủ thiên nhãn, Quan Âm Thập Nhất Diện bằng đồng thật đẹp. Mình nghĩ phải vài ngàn USD trở lên. Còn đồ cổ? Đâu là cổ đâu là tân, chắc chỉ có các chuyên gia mới biết.
Bảo tháp Swayambhunath stupa
Chiều lại, phái đoàn đi tham quan Pashupatinath, một nơi thiêu xác người chết. Cảnh thiêu xác ở đây có phần vệ sinh hơn ở sông Hằng, mặc dầu ở đây vẫn có một dòng sông. Dòng sông chảy từ trên cao xuống, nghiêng đổ như một dòng thác, nhưng nước không chảy mạnh lắm. Bên bờ người ta xây những bệ cao. Có một số đạo sĩ Hindu tắm dưới sông, đúng hơn là suối, quần lót xanh đồng phục, tay khoát nước theo kiểu đặc biệt của họ giống như ở sông Hằng. Tắm xong họ lên bờ quấn khăn và cởi quần lót... ném hết xuống sông. Sau đó bằng một vài nghi thức đơn giản họ bắt đầu châm lửa đốt xác. Sau khi đốt xong, tro than cũng được lùa hết xuống sông. Họ tin rằng dòng suối này nước sẽ chảy ra sông Hằng, dòng sông thiêng của họ.
Kế bên dòng sông là đền thờ Ấn giáo, kiến trúc cổ kính đặc trưng của nhiều đền khác ở Kathmandu. Sau đó đoàn đi tham quan Royal Palace, hoàng cung của vua Népal. Buổi chiều đóng cửa không vào được, xe đi vòng quanh nhìn cũng khá đẹp. Xe ra New road, rồi đến shopping Center cho mọi người mua sắm. Thủ đô Kathmandu vừa cổ kính, vừa sạch sẽ, vừa có phần hiện đại. Những dốc phố thì giống như dốc Minh Mạng, dốc Duy Tân ở Đà Lạt; Khu phố cổ thì giống Hội An nhưng quy mô hơn. Trung tâm thành phố có bãi cỏ xanh ngát, những con đường trên không dành cho khách bộ hành. Hàng quán trưng bày đẹp, đúng là một nơi dành cho Khách du lịch mua sắm. Nhiều nhất vẫn là vải vóc và tượng Phật. Con cháu của Da-du-đà-la thì cũng phong lưu ra phết, son phấn mĩ miều, xiêm y tha thướt. Hậu duệ của Tất-đạt-đa thì lịch sự tươm tất, đầu chải láng bóng, giầy đánh bóng lộn. Xa xa mặt trời gối đầu lên ngọn tháp, vàng rực cả phía trời tây. Mình yêu thành phố này lúc nào không biết. Mình không có nhiều tiền để ở lâu trong shopping center, nên rủ hai người bạn đồng hành ghé vào một Berhery Coffe ăn bánh và uống cà phê. Kathmandu giống Đà Lạt ở nhiều góc phố, nhất là tiệm bánh này khi ngoài trời đổ mưa nhẹ.
Kailash guest hous nằm phía sau Boddhanath Stupa. Đứng trên lầu nhìn ra xung quanh, có không dưới 10 ngôi chùa Tây Tạng. Hình như đây là nơi tỵ nạn của dân Tây Tạng, tăng tục ở lẫn vào nhau thành một khối đoàn kết và bảo trì văn hóa đặc thù của họ. Các sư Tây Tạng khi rảnh rổi ra ngồi đầy các dịch vụ Internet, các hàng quán bán tượng Phật, đồ cổ ở đây cũng là dân Tibetan. Thỉnh thoảng cũng thấy các sư ngồi như người bán hàng vậy. Mỗi sáng, các sư cùng dân chúng quanh vùng đi kinh hành quanh Buddhanath Stupa, trên tay mỗi người cầm một xâu chuỗi, đi thật nhanh, giống như là tập thể dục vậy. Hình ảnh này cũng hơi giống ở Bồ-đề Đạo Tràng, nhưng có phần đồng bộ, nhất quán và đoàn kết hơn. Các cụ già không đi nhanh được thì chậm rãi đi quay những Chuyển luân tạng, vốn và những vật trang trí có cùng khắp thành phố. Phải công nhận là người Tây Tạng đã trở thành một bộ mặt văn hóa đặc trưng ở Kathmandu, thủ đô của người Népal, giống như những khu người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn vậy.
Sáng ngày 08 tháng 10 năm 2002, đoàn dự định đi tham quan Rope Rimpoche Monastary, Kopan monastary và Offer Buddha Poster. Rope Rimpoche là một vị Lạt-ma lỗi lạc nổi tiếng thế giới chỉ kém đức Đạt-lai Lạt-ma. Hiện ngài đang đi giảng khắp thế giới nên không ở tại Népal. Đoàn đến thăm Kopan monastary, cũng do Rope Rimpoche sáng lập. Kopan là một tu viện nằm trên sườn núi Hymalaya. Từ xa nhìn lên sườn núi, tu viện hoành tọa nguyên một mảng rừng. Có rất nhiều tu viện trên sườn núi Himalaya, vì ở Tây Tạng phong thủy cao ráo, người Tây Tạng quen sống trên núi cao. Khi dân chúng Tây Tạng qua Népal siinh sống, vì không ở trên cao nên họ bị bệnh rất nhiều, dù thủ đô Kathmandu cũng nằm trên sườn Hy mã. Đức Đạt-lai Lạt-ma phải đi vận động thế giới giúp đỡ họ về thuốc thang. Kopan monastary là một tu viện lớn, hiện có khoảng 300 vị tăng Tibetan cùng một số vị tăng ngoại quốc tu học tại đây. Khi xe lên mới đến cổng tu viện, tiếng u u quen thuộc rền cả một không gian. Đó là tiếng... học bài của các sư. mỗi vị ôm một cuốn kinh luận, ngồi đứng, đi lại cùng khắp tu viện, trông rất rễ thương.
Tu viện trưởng Kopa Monastery
Trao khăn blessing cho tác giả.
Thuyết giảng về tâm từ bi, chia sẻ cùng chư tăng Việt Nam
Một vị khách dẫn phái đoàn đi tham quan tu viện. Trước hết là chánh điện. Chánh điện rộng lớn, chạm trổ và sơn son thiếp vàng cực kỳ lộng lẫy. Chính giữa thờ tượng Ngài Trung-ca Rimpoche, người thiết lập phái trẻ nhất trong 4 phái Galpa.
Hai bên Ngài Trung-ca là hai vị gần gũi nhất của Ngài. Atisa, người mang Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng. Ở hai gian hai bên, chính giữa bên trái là tượng Thích-ca, hai bên là Di-lặc và Văn Thù. Gian bên phải chính giữa thờ Dược Sư, hai bên là tượng các vị Lạt-ma tái sanh. Bất cứ tu viện Tây Tạng nào cũng thờ Đức Đạt-lai Lạt-ma phía trước chính giữa rất lớn. Hai bên thờ Lama Yeshes, tái sanh ở Tây Ban Nha, 17 tuổi, hiện đang ở Nam Ấn. Ngoài ra còn các bức ảnh chụp Đạt-lai Lạt-ma với Ngài Rope, rất thầy trò nhưng cũng rất thân thiện.
Kopan Monastari được thiết lập đến nay 2002 khoảng 17-18 năm. Thiền đường ở bên trái rất rộng, mỗi ngày giảng dạy và hướng dẫn tu thiền ở đây. Bên phải là trai đường gồm hai tầng, chỗ chư tăng Tây Tạng và người Âu Mỹ riêng, vì thức ăn khác nhau. Đặc biệt phái đoàn được vị tri khách cho vào tham quan phòng kỷ niệm ngài Konchok. Konchok là bạn của ngài Kopa, từ Tibet đến Népal năm 1959, nhập thất suốt 20 năm. Sau đó được Ngài Kopa mời giảng dạy tại tu viện. Ngài thị tịch tại đây cách nay 6-7 tháng và để lại rất nhiều xá lợi.
Chiêm ngưỡng xá-lợi của Ngài Konchok là đặc ân và một phước báo. Rất ít ai để lại xá-lợi nhiều như Konchok, và nhiều màu giống như xá lợi Phật từ tóc, răng, mắt, tim, lưỡi cho đến tất cả tinh ba của cơ thể. Nhiều viên xá lợi lớn, nếu so sánh thì màu xanh của ngọc chỉ là hàng giả, màu đỏ của hổ phách chỉ là đồ trang sức, màu trắng của cẩm thạch chỉ là giống tự nhiên, chỉ có xá lợi của Ngài là kết tinh từ sự tu tập, thiền định và nghiêm trì giới luật. Tất cả xá lợi đều được đặt riêng từng bộ phận trong các lọ thủy tinh và trưng bày, thờ cẩn thận trong tủ kính lớn. Gian phòng của Ngài vẫn còn để nguyên vẹn từ nệm gối đến các vật dụng. Đó là một vị thánh, một vị thánh bằng xương bằng thịt mà hơi thở, linh khí của ngài chừng như còn phảng phất đâu đây. Không xa căn phòng là ngôi tháp sẽ được chọn làm đất thiêng để tăng chúng tu viện mai sau ra hướng về tháp lễ bái. Hình thức tháp cũng được xây dựng kiểu mẫu như tháp của các Lạt-ma tái sinh khác.
Rời căn phòng kỷ niệm Ngài Lama Konchok, phái đoàn được vào thăm vị trụ trì hiện tại của tu viện. Phong cách của các vị Lạt ma thật tuyệt vời, khỏe mạnh, thoải mái, cười như ngô rang nhưng trầm lắng như thóc. Đúng là "Mặc như lôi" (Im lặng sấm sét). Nghe nói phái đoàn Việt Nam vào thăm, vị trụ trì niềm nở đón tiếp, hỏi han, nói chuyện rất thân mật. Ngài dạy: Là người con Phật, cần phải phát triển đạo tâm vững chắc. Hiện nay, dân số Phật giáo ở các nước đang giảm dần do chạy theo những quyến rũ của những thứ khác, đó là do đạo tâm không vững chắc.
Thầy Minh Hạnh hỏi làm thế nào để thực tập tâm Bồ-đề? Vị trụ trì đáp: Thế gian vô thường, phải từ bỏ tâm chấp ngã. Người Phật tử phải thực tập từ từ để có khả năng tiến đến lòng yêu thương không phân biệt. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh. Khi có lòng từ bi thì dù họ đánh chúng ta cũng phải giữ từ bi. Có nhiều cách để thể hiện lòng từ bi, phải dùng trí huệ để quán sát và tìm phương cách thích hợp nhất để thể hiện lòng từ bi.
Tu viện trưởng ban cho mỗi người một tấm vải quàng lên cổ, một cách ban phát lòng từ rất đặc biệt của người Tây Tạng, từng người đảnh lễ ngài rồi lui ra, còn 3 vị người Hoa ngồi lại, có lẽ họ còn nhiều điều bộc bạch với Ngài.
Ra khỏi Konpa Monastary, xe xuống núi trong niềm luyến tiếc, trong âm thanh u u rền đỉnh núi, trong tâm trạng phấn chấn. Tây Tạng là một xứ huyền bí, Tây Tạng lại là quê hương của những Lạt-ma cực kỳ mạnh mẽ từ phong cách đến tâm hồn, dù họ đã hướng dẫn dân Tây Tạng lìa xa quê hương tỵ nạn. Mình được đọc những bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại giảng đường Havard University. Cũng chỉ là Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Tứ vô lượng tâm, Lục độ ba la mật. Chưa bao giờ mình được nghe Phật pháp một cách sống động như thế. Rất thực tiễn, rất uyên bác, luôn luôn có những đối chiếu với những trường phái triết học trong và ngoài Phật giáo, luôn luôn liên hệ bản thân. Đạt-lai Lạt-ma giảng và trả lời những câu hỏi của chính tác giả Tây phương một cách tự nhiên và sáng tạo, đơn giản. chỉ có nói Phật pháp như thế thì Phật giáo mới có thể hòa nhập thực tiễn vào đời sống. Giáo lý từ bi phải được thể hiện bằng hành động, đó là cảm nhận của mình đối với phật giáo Tây Tạng nói chung và Đức Đạt-lai Lạt-ma nói riêng.
Phái đoàn tiếp tục đi tham quan bảo tàng cổ vật Kathmandu. Giá vé mỗi người là 200 Rs Népal, cũng quá đắt. Thế mà đó chỉ là giá vé để được đi bộ cả một cây số vào khu vực kiến trúc cổ, còn vào bảo tàng phải có vé riêng.
Hai ngày ở Kathmandu thèm cơm như hai tháng không được ăn. Nếu về lại Guest houes thì phải ăn mì gói nữa thôi. Mình, cùng hai người bạn đi restaurant ăn cơm. Một bữa cơm được chờ đợi với những món đầy hấp dẫn từ thực đơn. Thế rồi mọi thứ được dọn lên, đầy những... thị gà, thịt dê. Rốt cuộc đành phải thưởng thức món... rau sống, tức cà chua và dưa leo chấm... xì dầu mặn. Thế mà bữa cơm vẫn ngon nhờ nóng hổi và đói.
Về lại guest house sửa soạn để mọi người về lại Ấn Độ. Mình đã mua được vé mountain airline cho hành trình chinh phục đỉnh Everest ngày hôm sau nên ở lại. Bốn giờ ra xe chia tay với đoàn. Mình nói những từ biệt trước khi xe chạy. Mọi người trông có vẻ rất... xúc động và chúc mình ở lại với một hành trình đơn lẻ bình an, may mắn. Xe chạy, mình mang ba lô trở lại guest house. Một mình, đối diện với một nơi xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, cuộc " độc hành" bắt đầu.
Hoàng hôn trên Buddhanath Stupa. Mình lê từng bước về Kailash guest house, thuê phòng gửi ba lô rồi lại ra đi tiếp. Kìa, dịch vụ internetl. Check mail và không ngờ mình lại có đến 4 lá thư (đây là lần đầu tiên mình sử dụng email nên rất thú vị). Vui quá, mình chậm rãi gửi email lại hồi âm nhờ sự giúp đỡ của một cô bé người Ấn, sinh viên đang học tại Kathmandu.
Ngoài trời mưa, mình đi ra trở về nhà khách, thấy có một restaurant, hỏi cơm và có, mình đã làm một đĩa cùng một tô súp, không ngờ cũng gặp các Lạt-ma Tây Tạng vào dùng cơm tại đây. Vui ơi là vui.
Chiều hôm ấy mình đón taxi tìm khách sạn Mandala thăm mấy người bạn mình gặp hôm trước, những người rất dễ thương. Ở lại chơi và dùng cơm tại đây đến 9h 30 mới ra đường đón taxi về. Trời ơi! thành phố Kathmandu khoảng 6 giờ là thuộc về đêm và 7 giờ đã giới nghiêm rồi. Mình không biết, 9 giờ 30 mà đường phố vắng như 1 giờ sáng ở Việt Nam. Taxi đưa mình chạy như bay trên đường. Đến một ngã tư, cảnh sát chặn lại kiểm soát. Thò đầu vào cửa xe, viên police hỏi: "Lat-ma?" Yes! Thế là khỏe, họ cho đi. Ở Népal vì mất an ninh nên giới nghiêm sớm, hàng quán dẹp sớm và ngủ dậy sớm. May mà họ tưởng mình là Lạt-ma không thì chắc phiền phức đây. Về đến cổng Buddhanath Stupa thì không có một bóng người, về đến Kailash guest house dĩ nhiên người ta ngủ hết rồi. Cô bé phục dịch nhà khách nghe gọi xuống mở cửa, nở nụ cười thân thiện. Sorry! I am late. Cô bé vả lả: Oh! No problem, rất dịu dàng và lịch thiệp. Tự dưng mình cũng bắt chước dân Népal làm người lịch thiệp. Cúi đầu chào thiếu nữ rồi vội vàng lên phòng, không dám dừng lại lâu. Cô bé cũng cúi đầu thật thấp chào rồi khóa cửa. Mình quay lại nhờ sáng ngày báo thức mình sớm để đi ra phi trường cho kịp giờ. Thực ra mình sợ sáng ngày ngủ quên sau một ngày mệt mỏi. Lên phòng đánh một giấc, đến khi nghe tiếng gõ cửa là 5h 45. Choàng dậy vệ sinh và vội vã mang ba lô đi xuống trả tiền phòng. Cô bé đã đứng mở cửa sẵn.
Ra đến phi trường Kathmandu, tìm đến ticket counter nhờ hướng dẫn. Một cô tiếp viên lịch thiệp ra chào và xin lỗi vì thời tiết hôm ấy không tốt, không thể thực hiện chuyến bay đúng giờ giấc được. Cô tiếp viên mời mình lên căn tin dùng điểm tâm, uống cà phê, tận tình gọi thức ăn, thức uống cho mình trong một cử chỉ rất lịch thiệp. Điều mình nhận xét quả không lầm: Ấn độ và Népal cách nhau chỉ một lằn biên nhưng phong cách phục vụ đến tận cả văn hóa khác nhau rất rõ. Có lẽ mình đem một cô tiếp viên hàng không để so sánh với giới Chiên-đà-la Ấn Độ là không đúng, nhưng sự thực thì không riêng gì cô tiếp viên trẻ đẹp này, dường như mọi người Népal đều bặt thiệp, và trông họ có vẻ tự hào là đất nước đã sinh ra Đức Phật, mặc dù Lumbini nằm ở cực Nam biên giới của họ. Khắp Kathmandu đều có tượng Phật, và qua hình ảnh các Lạt-ma Tây Tạng, tu sĩ Phật giáo có phần được ưu đãi và tôn trọng ở đây, điển hình là chuyện đi taxi về khuya tối hôm trước.
8 giờ sáng ngày 9 tháng 10 ấy, cô tiếp viên lên lầu, nơi căn tin mình ngồi, thấy mình đang viết nhật ký, cô cúi chào thật thấp và mời mình đi xuống ticket counter, rồi cùng với vài nhân viên khác nhã nhặn xin lỗi vì chuyến bay bị hủy do thời tiết không tốt. Họ xin số điện thoại để sáng mai gọi lại nếu chuyến bay có thể thực hiện được. Nhưng mình quên ghi số điện thoại của guset house, đành chịu. Ra ngoài đón taxi trở về nhà mà lòng hoang mang: Everest không dễ nằm trong tầm tay! Lỡ ngày mai, ngày mốt, ngày kia trời đều không tốt, hay cứ "áp thấp nhiệt đới" hàng nửa tháng như ở Việt Nam thì chắc Everest xa vời quá lắm, bởi vì làm gì có đủ tiền mà chờ đợi tại thủ đô mua sắm xa lạ này. Về lại guest house, mình gửi ba lô rồi lại tiếp tục đi ra, dạo quanh Buddhanath Stupa xem tranh tượng và các hàng thủ công mỹ nghệ. Cái gì cũng đẹp, càng đẹp vật đẹp tiền, mình chỉ biết ngắm thôi. Đi vòng vòng mình mới phát hiện ra ở đây có cả một khu chợ bán đồ cổ từ tranh tượng, lọ bình, chén dĩa, cực kỳ quyến rũ. Các cổ vật được trưng bày trong tủ kính, có thứ mạ vàng, mạ bạc, các pho tượng nghìn mắt nghìn tay to bằng người thật đường nét cực kỳ tinh xảo, các lọ bình hấp thụ biết bao năm tháng đã đi qua... mình không rành đồ cổ, nhưng nhìn các vật ấy cũng phải thích ngắm đi ngắm lại. Ở Việt Nam chưa thấy chỗ nào bán đồ cổ được trưng bày đẹp như thế. Còn giá cả? Không có một món nào dưới một tờ bạc lớn nhất của Hoa Kỳ. 5-7 ngàn đô là chuyện thường. A-di-đà Phật! Mình chợt nhớ đến pho tượng Văn Thù mà nguyễn Tường Bách mua được tại kathmandu theo lời ông kể. Ông là thương gia, còn mình là thương pha (tha phương... cầu thực), làm sao có thể mua được những pho tượng như thế. Nhưng nghĩ cho cùng, được ngắm chính những cổ vật ấy cũng là một niềm vui trong đời, thế thôi. Chứ những di vật cổ nhất, đáng trân trọng nhất của xứ sở mịt mùng dưới rặng Hy Mã này như Limbini, như Kapilavastu... còn không để lại một dấu vết nào khả dĩ để người dân xứ ấy bái lạy phụng thờ, phải chờ đến các nhà khảo cổ Tây Phương như Cuningham khai quật trụ đá A-dục thì thế giới mới biết đến những di chỉ ấy, để ngày nay mình còn biết đến chiêm bái. Những di chỉ ấy ngỡ bất di, bất dịch giờ còn mập mờ trong trí nhớ mơ màng hỗn độn, huống là những cổ vật mấy trăm năm. Nghĩ cho cùng, giả thật lẫn lộn, kim cổ nháo nhào, những người chơi đồ cổ chắc chắn cũng là những kẻ điên khùng trong mắt người đạt đạo.Ở đây mình muốn nói rằng mình rất thích đi Kapilavastu của Ấn Độ, nhưng thật ra Kapalavastu của Ấn hay của Népal, cái nào là thật? Thật ra mình cũng chẳng quan tâm mấy. Mình chỉ muốn được đi hết tất cả những di chỉ còn sót lại, chỉ tiếc rằng không thể với khả năng vì điều kiện của mình thôi.
Mưa vẫn ray đều trong buổi sáng ấy. Mình lần mò trả giá những món hàng rẻ nhất, rốt cuộc mua được 4 chiếc hộp để đựng đất thiêng mà mình thích nhất. Khi trời mưa tạnh, mình leo lên tháp Buddhanath chơi, thấy có vài cặp nam nữ người Âu ngồi trên đó. Nếu lấy Buddhanath stupa làm trung tâm, dùng compa quay một vòng với bán kính bằng tầm mắt mình giữa phố xá, có thể đếm được khoảng 20 ngôi chùa Tây Tạng. Một lần nữa điều ấy khẳng định dân Tây Tạng trên xứ sở Népal như thế nào.
Về lại guset house viết nhật ký. Cảm xúc quá nhiều ghi không hết. Chiều xuống, đi check mail, rồi gửi mail, cho hết cái ngày mà lẽ ra đã đi Everest, hoặc tham quan thêm vài danh thắng ở Népal. Kiến thức của mình về Nespal chỉ là một cái bản đồ trước mặt, mình không có một guide book nào về Népal cả, đáng tiếc vì sau đó mình biết còn 1 vài chỗ đáng đến, chẳng hạn chỗ Phật quá khứ hiến thân cho cọp đói.
Sáng hôm sau cũng dậy sớm, trả tiền phòng rồi mang ba lô ra đi. Ra tháp thấy cô chủ nhà trọ đang đi kinh hành cùng các sư, trên tay cầm xâu chuỗi. Không khí đi kinh hành mỗi sáng thật vui vẻ. Taxi đưa mình về phi trường để chuẩn bị cho chuyến bay Everest, lại phải đợi căn tin. Tám giờ, một nhân viên lên mời mình ra sân bay với những cử chỉ hết sức nhã nhặn.
Chuyến chinh phục Everest bắt đầu.
EVEREST - NÓC NHÀ THẾ GIỚI
Nói chinh phục cho oai chứ thực ra chỉ là đi bằng máy bay. Trên máy bay chỉ có một mình mình đại diện cho ... Châu Á, ngoại trừ phi công và tiếp viên. Khoảng 20 hành khách, ồ, mà hình như cũng chỉ vừa đúng 20 ghế. Máy bay lăn bánh, cất cánh, bỏ lại sau phi trường và thành phố Kathmandu thơ mộng. Ồ không! Kathmandu vẫn ở phía dưới, mà Hymalaya đã hiện ra, điệp trùng, trắng xóa. Thoạt đầu mình không xúc động lắm, có lẽ sự tưởng tượng đi trước quá nhiều. Mình bấm máy lia lịa. Cô tiếp viên ân cần đi xuống từng hành khách chỉ ra ngoài hướng dẫn. Theo sơ đồ dãy núi nằm trong tay, Hymalaya là một dãy núi chạy dài từ Pakistan, dọc biên giới Ấn Độ, Népal, Tây Tạng và Trung Quốc. Nơi mình chiêm ngưỡng thuộc địa phận Népal. Tây Tạng cũng có thể ngắm dãy núi này từ phía sườn bên kia. Nói cho cùng thì Tây Tạng và Népal là hai quốc gia nằm trên sườn núi Himalaya. Những ngọn núi mà mountain air đưa đi xem chỉ là những ngọn cao nhất mà thôi. Máy bay mỗi lúc một gần, bay một chậm. Cô tiếp viên mời từng du khách lên Cabin, trong buồng lái có 2 người phi công, một người lái còn một người hướng dẫn, chỉ cho hành khách xem từng ngọn núi cao. Có ít nhất là 20 đỉnh núi cao được nhìn thấy, gần nhất là đỉnh Langtang Lirung cao 7.234m (23,734ft) kế đến là đỉnh Shish Pangma (Gosainthan) cao 8.013m (26,290ft), đỉnh Dorje-Lalpa cao 6.966m (22.845ft), đỉnh Chhoba-Bhamare cao 5.970m (19,580ft), đặc biệt là đỉnh Gauri Shalar cao 7.134m (23,405ft). Đỉnh núi này khi mình đi ngang có một làn khói từ đỉnh núi tỏa lên, trông giống như một nén nhang trầm đang được thắp lên sưởi ấm cả một vùng núi non băng giá. Gauri Shalar, theo một số tài liệu khác thì được gọi là Kailase mountain (Ngân Sơn), là trung tâm của núi Tu Di. Theo lời cô hướng dẫn viên thì đó là Holi mountain, đỉnh núi thiêng của người Tây Tạng. Khi đi ngang qua đỉnh núi này dường như có một cái gì đó huyền bí, kỳ diệu, chẳng rõ hiện tại có bậc chân nhân nào ở trong ấy hay không? Mình nghĩ hẳn phải có nhiều lắm. Và chỉ có những bậc thánh nhân, chân nhân thì mới có thể tồn tại trên vùng lãnh tuyết quanh năm băng giá này.
Đỉnh Everest nhìn từ Mountain air
Kế đến là đỉnh Melungtse cao 7.181m (23,560ft), đỉnh Chugimago cao 6.297m (20,660ft), đỉnh Numbur cao 6.957m (22,825ft), đỉnh Karyalung cao 6.511m (21,362ft), đỉnh Cho-uyu cao đến 8.201m (26,906ft), ngoại trừ Everest, chỉ có 4 đỉnh núi khác cao trên 8.000m, đỉnh Gyachungkang cao 7.652m (26,089ft), đỉnh Pumori cao 7.161m (23,494ft), đỉnh Nuptse cao 7.855m (25,771 ft), đỉnh Lhotse cao 8.516m (27,940ft). Giữa hai đỉnh Nuptse và Lhotse là nóc nhà thế giới (Everest), người Népal gọi là SAGAMATH cao 8.848m (29,028ft). Vách núi dựng ngược, đứng sựng như một chiếc cầu tuột nhìn từ xa. Giữa những ngọn núi cao 7.800m, Everest vẫn như một chiếc nón lá khổng lồ úp xuống, uy nghi và hùng vĩ. Ngoài ra còn đỉnh Ama Dblam 6.812m (22.349ft), đỉnh Chanlang cao 7.319m (24,012ft), đỉnh Makkhu 8.463m (27,766ft), đỉnh Kanchenjunga cao 8.586m (28,170ft), đây là đỉnh núi cao thứ hai so với Everest. Các đỉnh núi này không phải xếp hàng trải dài theo biên giới Nespal, mà có khi trải dài, có khi quần tụ, nhất là những đỉnh nằm xung quanh Everest. Dãy Hymalaya kéo dài từ Pakistan, dọc biên giới Ấn Độ, Nespal, Tây Tạng và Trung Quốc. Có bao nhiêu hành giả tu hành và đắc đạo trong dãy núi này từ xưa đến nay? không ai trả lời được. Còn bao nhiêu vị ẩn sĩ khác như Milarepa đã hàng phục được thú dữ, chống chọi với cái rét ghê người và khí thiêng u tịch của Tuyết sơn, để lại cho đời những trang minh triết ngàn đời mãi là chân lý. Ngày nay mình không thể đến những nơi ấy bằng đôi chân trần bé bỏng được, thì ngắm những ngọn núi ấy từ trên cao, đã sao nào? Quá tuyệt vời, mình đã chinh phục được Everest rồi! Ngọn núi ngất ngưỡng của thế giới hiện tượng, của cái gọi là... bên ngoài. Còn đỉnh núi nào nữa ngút ngàn chất ngất? Trong tâm mình ư? Trong tâm tất cả chúng ta ư? Everest ngã mạn hay đỉnh núi tham dục của cõi lòng? Bao giờ mình mới chinh phục được nó?
Đúng 1 tiếng đồng hồ, chuyến mountain air đưa phái đoàn về lại phi trường Kathmandu. Bước xuống máy bay, người ta cấp cho mỗi người một cái bằng chứng nhận (Certifies) trên ấy ghi: "Mr.Tran Phuoc Sy Has Been On The Breathtaking And Fascunasting Flight Of Mt. Everest With Mountain Air On". Vâng! Mặc dầu tôi không đặt chân lên nó. Nhưng trái tim tôi đã chạm được đến nó.
Tác giả nhận chứng chỉ xác nhận đã chinh phục Everest bằng mountain air
Lìa phi trường mới 9 giờ sáng, kể còn khá sớm. Mình vội vã đánh taxi tìm về trạm xe buýt đi Sonali. Mọi việc có vẻ suông sẻ. Khoảng 11 giờ, chuyến xe buýt khởi hành. Hôm trước sang Kathmandu vào ban đêm nên chẳng biết trời trăng mây gió gì. Đoạn đường suốt từ Kathmandu về Sonali là đèo. Thay vì khi đi là lên đèo thì bây giờ xuống đèo. Cảm giác từ sườn núi Hymalaya trở về với hạ giới, hai bên đường chập chùng núi non hiểm trở. Những bậc cấp ruộng lúa cứ nối nhau trên sườn núi. Bên trên là bạt ngàn những cánh rừng thông thơ mộng, kế bên là vực thẳm cheo leo. Xe mới ở sườn núi bên này, qua một cái cua đã nhảy qua sườn núi bên kia. Tài xế Ấn Độ là số một thế giới. Chỉ cần một chút sơ sẩy là cả năm mươi mấy mạng rơi tỏm xuống vực. Vực sâu không phải là cỏ lá mịt mùng. Dưới ấy là một dòng sông. Dòng sông chảy vòng theo quốc lộ. Đá sỏi gập ghềnh, bọt trắng tung cao. Vài chiếc xuồng con thả theo dòng nước qua những chân cầu bắt ngang hai sườn núi. Cầu treo, lắt lẻo cầu tre. Chưa bao giờ mình thấy cảnh đẹp như thế. Ở Việt Nam có vô vàn cảnh đẹp. Nói chung đẹp hơn Ấn Độ nhiều. Đất nước mình có bờ biển trải dài theo đất nước. Đèo Cả, Hải Vân, đèo Ngang, xứ Nghệ, đâu đâu cảnh cũng đẹp như tranh. Nhưng con đường từ Kathmandu về lại Ấn Độ còn đẹp và ấn tượng hơn cả vì chỉ toàn là đèo.
1h 30 pm, xe dừng lại ăn cơm. Trên xe ngoài mình ra còn một ông Tây nữa là 2 người "ngoại quốc". Dân Népal lịch sự và sạch sẽ hơn dân Ấn Độ, nhưng văn hóa thì không khác gì mấy, nhất là văn hóa ẩm thực. Cũng Chapati, cũng Chai, cũng cơm nấu rời rạc nguội ngắc ăn với Dal, Cari cay xé miệng và nồng nặc mùi masala. Mình thèm một gói mì ăn liền khi thấy một anh chàng Népal mua một gói nhưng anh ta xé bao mì và ăn khô như ăn một mẫu bánh. 20 Rs một gói mì, bằng cả 5000 đồng Việt Nam. Quá đắc! Hỏi xin nước sôi để chế mì thì họ không có, thậm chí không biết cách pha chế mì như ở Việt Nam, đành trả lại và ăn món cơm Ấn Độ cùng một chai Pepsi làm canh vậy.
9 giờ đêm ngày 10 tháng 10 ấy xe mới đến Sonali, chính xác là dến Shidharta bus past. Đây là một trạm xe buýt lớn đặc biệt lấy tên thái tử Tất-đạt-đa, đứa con vĩ đại của Ấn Độ. Lội bộ ra đường, nghe nói về Sonali phải 3 cây số nữa bằng reachard. Ồ! Mình chưa về Ấn Độ, mình chỉ muốn trở lại Lumbini, nghĩa là phải ngủ lại đêm ở đây để hôm sau đi ngược lại. Thị trấn Berewa nhỏ bé, tối tăm như mực. Mình mang ba lô trên vai lội ra đường, thấy một khách sạn lớn: Asoka Hotel. Lại là tên một vị vua có công hoằng dương Phật Pháp vĩ đại của Ấn Độ. Nhìn bề thế của khách sạn, mình nghĩ đây không phải là chỗ thích hợp cho mình, chí ít đó cũng là khách sạn có 2-3 sao. Nhân viên khách sạn ra tận đường cái mời gọi, mình giả lơ bỏ đi, chủ ý tìm một guest house. Đi xuống rồi lại đi lên, cứ qua khách sạn độ vài trăm thước thì trời tối đen như mực, không dám đi tiếp, trong khi không thấy một guest house nào. Hỏi phòng rẻ nhất của Asoka hotel cũng phải 300 Rs trở lên. Nài nỉ mãi người ta mới chịu giá cho căn phòng 100 Rs Népal nhờ hôm ấy vắng khách. Ồ quá tuyệt. Căn phòng khá đẹp và rộng rãi, có cửa nhìn ra đường và cửa nhìn ra Shidharta bus past, phía trước có lan can hẳn hoi. Mình lợi dụng nước nóng tắm giặt thật thoải mái. Nghe bụng đói cồn cào. Do you have noodle soup? Yes, I have. Tuyệt vời! Một lát sau họ mời mình xuống căn tin và báo lại chỉ có mì xào chứ không có súp. Căn tin chỉ có 3 chàng Nespal ngồi nhậu. Lần đầu tiên mình thấy họ nhậu, thực ra chỉ là bia chai và đồ nhắm chay. Ăn xong rồi lên phòng, lầu 3, ra balcon ngắm thị trấn về đêm, sau đó vào phòng đánh một giấc tới sáng trắng.
VƯỜN SƠ SANH CỦA ĐẤNG TỪ PHỤ.
Ngày 11 tháng 10, khỏe khoắn sau một đêm ngủ khách sạn, bèn lên đường vào lại Lumbini. Chuyến xe bus vào Lumbini nằm trơ vơ không một người khách. Đợi mãi rồi họ mời mình lên xe, chỉ duy nhất một hành khách là mình, họ chạy đến một ngã tư cách đó vài cây số và lại đậu tiếp, phải hơn 2 tiếng đồng hồ thì khách mới đông. Xe vào Lumbini, một đoạn đường 20 cây số mà xe ngừng phải trăm lần cho hành khách lên xuống. Trời đứng bóng mình mới đến được Lumbini, quyết định đến Việt Nam Lâm Tỳ Ni Phật Quốc Tự, mình đi bộ vào. Nắng, đói và mệt. Giữa đường bỗng có một chiếc Mahindra Belero dừng lại, người lái là một vị sư Thái Lan mời mình lên xe sau khi hỏi mình đi đâu. Cử chỉ thân thiện khiến dễ mến, mình lên xe và nói rằng muốn vào chùa Việt Nam. Sư hỏi mình có biết Dr. Lam không? (tức thầy Huyền Diệu, người sáng lập chùa Việt nam ở Lumbini, dân ở đây gọi thầy là tiến sỹ Lâm). Mình nói mình chỉ nghe nói chứ chưa gặp. Sư tận tình chở mình đến cổng rồi quay xe đi ra. Chà! Cửa Việt Nam Phật Quốc Tự đóng khóa kỹ lưỡng. Các anh chàng Népal đang làm công tại đây không chịu mở cửa mà phải đợi bằng được sư cô ra. 5 phút sau, sư cô Huệ Đức ra hỏi, mình phải trả lời thật khéo léo để xin tá túc lại vài hôm chiêm bái nơi Phật đản sanh. Mình được đón tiếp và đưa vào phòng như một… khách du lịch đi thuê khách sạn, nghĩa là quá tận tình khiến mình e ngại… cho túi tiền của mình. Một bữa cơm trưa được dọn lên, một anh chàng Việt Nam ở Úc đến đây công quả, tên Phụng Trinh bưng cơm lên mời. Từ lúc ấy đến chiều không thấy bóng ai nữa cả. Ăn xong không biết để chén bát đi đâu. Đi ra đi vô rồi quyết định lội ra Lâm-tỳ-ni lễ Phật.
Hoàng hôn trên xứ Capilavastu. Đó là tên mà mình sẽ đặt cho buổi chiều tại nơi Đức Phật đản sanh này, đó có lẽ là tên bức ảnh mình đã chụp được bên cạnh Chineses Temple. Một buổi chiều tuyệt vời.
Nha nhẩn quanh trụ đá của vua A Dục, quanh những nền gạch cố gắng vẫn không nói lên được thời gian cổ độ của chúng, mình đến ngồi dưới một gốc cây, trên thảm cỏ xanh non, ngắm nhìn về trụ đá A Dục. Chiều xuống, mặt nước trong hồ nhỏ trong xanh, nơi tương truyền là chỗ tắm Thái tử Tất-đạt-đa lúc sơ sinh, cạnh một cội Bồ-đề bóng mát. Mình hít thở thật sâu để tập trung tâm ý, gạn lọc bằng hết những lăng xăng của ý thức ruổi rong, trở về với thực tại bên vườn Lâm-tỳ-ni lịch sử.
“Đã qua hết mọi nẻo đường
Một hôm về đứng giữa vườn sơ sinh”.
“Con đã đi qua vạn ngả đường trần, con đã qua địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, con đã đi qua cõi A-tu-la, cõi trời, bao nhiêu cõi mộng từ vô lượng kiếp. Kiếp này con được làm người, con đã đi qua bao vui buồn nhân thế, bị đời sống bao phen đẩy đưa bởi sự tỵ hiềm ganh ghét. Con đã tìm về chính mình, và bây giờ con đang trở về con người thật của mình. Vườn sơ sinh của Đức Từ phụ. Hay vườn sơ sinh của tâm hồn hài nhi tóc bạc? Ôi! Trong vạn kiếp sơ lai, đã được mấy lần con về giữa vườn sơ sinh đầy mầu nhiệm này. Kính lạy Đức Bổn Sư! Kính lạy đức Bổn Sư! Bây giờ con đang hạnh phúc quá! Chưa ở đâu đẹp như chốn này, chưa ở đâu thanh bình như xứ sở Lumbini này!”.
Mình đã ngồi dưới ánh hoàng hôn như thế rất lâu, mãi khi đến trời tối hẳn. Trước đây Nhóc Con đã đến Lumbini và nghe ra một niềm cảm khái đầy chín chắn trong tiếng gió rì rào. Cô bé ấy thật tinh tế, chỉ quỳ tại Lumbini nửa tiếng đồng hồ mà nghe ra được sự nhiệm mầu. Mình đã đến Lumbini cùng phái đoàn hôm trước, gần như chẳng có một cảm xúc gì ngoài sự cảm khái cảnh điêu tàn. Tâm thức mình còn vụng về quá. Lumbini sở hữu xung quanh mình một khoảng rừng bao la bát ngát, dòng sông nhỏ len lõi giữa những hàng liễu rủ bao quanh. Hãy đừng xây cất thêm một cái gì nữa cả. Vườn sơ sinh không cần một tòa kiến trúc tầm vóc nào, hãy để cho cái nguyên ủy được sống trọn vẹn với bản lai của nó. Người ta đang xây một ngôi đền lớn sát trụ đá vua A Dục. Rồi một trăm năm sau, một nghìn năm sau, liệu tòa kiến trúc kia có trường tồn mãi với thời gian hay không? Hay nó sẽ biến thành nỗi gai chướng trong mắt một bạo chúa, một hôn quân hay những kẻ cuồng tín ngoại đạo hung tàn. Để rồi ai đó sẽ không nhận ra chốn sơ nguyên trên đường trường mộng. Mình đã may mắn không bị những tác phẩm của con người che mắt nên đã thực sự tiếp xúc với buổi chiều tuyệt vời trên xứ sở Capilavastu.
Mặt trời trên xứ sở Népal đỏ ối, to và tròn vành vạnh, cứ lặn xuống dần, xuống dần giữa những tiếng chim gọi bầy, giữa những cánh cò lượn đảo xa xa, giữa khoảng lặng tuyệt trù của dòng sông tâm thức.
THÀNH CA-TỲ-LA.
Sáng hôm sau mình quyết định thuê xe đi tìm thành Ca-tỳ-la-vệ. Đầu tiên là đến nơi đản sanh của Phật Câu Lưu Tôn. Gotihawa, người ta gọi nơi này như thế. Băng qua mấy thôn làng nghèo rớt mồng tơi, băng qua mấy khoảng ruộng khô cằn, mấy dòng suối cạn kiệt là đến Gotihawa. Nơi đây chỉ là một trụ đá của vua A Dục bị gãy nằm giữa một cái ao nhỏ đã được rào lại, nước trong ao đầy những bèo xanh và nòng nọc. Trụ đá cao chỉ khoảng 3,4m, đầu trụ nhọn, chu vi khoảng 2,6m. Hình như dân ở đây đã xem trụ đá A Dục như một cái Linga giữa khoảng ao Joni vuông vức. Mình xúc động trước những trụ đá này, vì đây là nơi đản sanh phật Câu Lưu Tôn, nhà khảo cổ Carllyle đã xác minh như thế, có cái gì vừa như thật vừa như mộng ở cái xứ sở nghèo xơ xác này. Các phụ nữ đội bánh phân bò khô trên đầu đi về những thôn làng hẻo lánh. Một xứ sở bị lãng quên. Thời quá khứ là thời nào mình chẳng biết, từ Phật quá khứ Câu Lưu Tôn đến Phật Thích-ca là bao nhiêu số kiếp? Chỉ có Phật mới trả lời được câu hỏi này. Vậy mà nơi đản sanh của Ngài vẫn còn lưu dấu giữa đồng ruộng hoang liêu. Ngày xưa Trần Tử Ngang lên đài U Châu cảm khái cái mênh mang của đất trời mà rưng rưng giọt lệ. Mình đứng đây giữa đất trời này, nơi đản sanh của một vị Phật quá khứ. Hỡi thời gian bất tận, bao nhiêu vật đổi sao dời giữa xứ sở thiêng liêng?
Thành Ca Tỳ La Vệ
9h 45, anh tài xế chở mình đến một nơi khác cách đó chừng 6km về hướng Bắc, Niglihawa, nơi đản sanh Phật Kanakamuni. Một trụ đá nằm lăn lóc bên cạnh một chân trụ gãy nghiêng nghiêng. Trụ đá to, đường kính chừng 70 cm, trên có khắc các dòng chữ Pramit, vài họa tiết hình chim bay, lại là nơi đản sanh của một vị Phật quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam-mô Câu-na-hàm Mâu-ni Phật. Các Ngài đã thị hiện hết ở xứ sở Ấn Độ này, sao chúng sanh vẫn còn chìm đắm trong vô minh và đói khổ? Mình đứng tưởng niệm công đức của vua A Dục, người cho dựng trụ đá này. Mình tưởng niệm công đức của ngài Huyền Trang, nhờ tác phẩm Đại Đường Tây Vực Ký đầy công phu và chính xác mà các nhà khảo cổ đã tìm ra nơi này. Người Tây phương đã có công đức lớn với Phật giáo, để ngày nay di chỉ ngàn đời xác tín được một niềm tin. Mình đã chịu chi thêm 200 Rs nữa để anh tài xế khó tính chở mình đến Sagarhawa, dòng sông mà vua Tỳ Lưu Ly đã tàn sát dòng họ Sakya, dòng họ Thích của Đức Phật. Nơi đây chỉ là một lòng hồ rộng, vài nền tháp cũ và đầy những cỏ may rậm rạp dưới những mảnh rừng thấp thoáng xa xa. Hôm nay được đến nơi quê hương của Phật, lòng hưng phấn lạ thường nên cứ chạy qua chạy lại giữa cỏ hoa, để khi chiều về gở cỏ may bám đầy 6 vạt áo nhật bình và hai cái ống quần tơi tả.
Mộ Vua Tịnh Phạn Ở Thành Ca Tỳ La Vệ
Điểm quan trọng nhất của chuyến đi là đến thành cổ Ca-tỳ-la-vệ. Những nền gạch cổ hiện ra, thật quá xúc động! Đây là cổng thành phía Tây, nơi Thái tử Tất-đạt-đa đi ra chứng kiến cảnh vô thường lão bệnh. Đây là cổng thành phía Đông, nơi Thái tử từ biệt vợ con ra đi trong đêm mồng 8 tháng 2 lịch sử cùng Sa-nặc và con ngựa Kiền Trắc. Đây là những nền móng cung điện đền đài, kia là nơi vua Tịnh Phạn thường ra tế lễ, chỗ nọ là chỗ Thánh Mẫu Ma-gia thường ra bố thí cho dân nghèo. Lội qua những khoảng ruộng khuất phía sau khoảng rừng lau rậm rạp là đến nơi mộ tháp của vua Tịnh Phạn, cạnh bên là nấm đất nơi an táng hoàng hậu Ma-gia. Quá đỗi điêu tàn, quá đỗi tịch liêu. Ngày xưa là cung điện đền đài lăng tẩm, bây giờ là lau cỏ khô cằn dưới cái nắng như thiêu. Không có du khách viếng thăm, không còn người gác cổng, không có hoa chăm cỏ xén, chỉ có gạch ngói hoang tàn giữa sự lãng quên. Rồi đây con người sẽ tiếp tục lãng quên trong sự hờ hững ngàn đời.
Về lại Lâm-tỳ-ni Việt Nam Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật như chính người sáng lập ra nó muốn gọi như thế. Đó là một ngôi chùa xây dựng mãi chưa xong, kiến trúc chẳng có gì gọi là đẹp ngoài ý tưởng muốn đem hết văn hoá Việt Nam nhốt trong khu vườn nhỏ bé này. 180 căn phòng đã hoàn tất khá tươm tất, có vẻ như là khách sạn, còn chính điện thì dở dang nằm cao cho bằng những ngôi chùa xung quanh. Muốn leo lên chánh điện này thì phải leo lên một tam cấp bằng 3 tầng lầu, dốc dựng ngược. Trước chánh điện là một đoạn cầu được tạo theo mẫu bản đồ Việt Nam nối dài ra tới cổng tam quan. Chỉ có cổng tam quan là tàm tạm được, còn mọi thứ đều trông có vẻ kỳ kỳ. Kiến trúc Việt Nam đơn giản nhẹ nhàng, đâu phải cứ bản đồ Việt Nam hay Chùa Một Cột mới là kiến trúc Việt Nam.
Dầu sao thì mình cũng tạo được mối thiện cảm với ngôi chùa này qua sư cô Huệ Đức, một sư cô Việt Nam qua Úc rồi nghe lời kêu gọi của Thầy Huyền Diệu mà qua coi sóc để xây dựng ngôi chùa này, đến nay đã 5 năm. Cô biết nói cả tiếng Népal, điều khiển mấy chục người Népal làm việc thật đâu ra đấy. Sư cô còn độ được một anh chàng đệ tử người Népal, mỗi tối mỗi khuya hô Đại hồng chung bằng tiếng Népal trông rất dễ thương.
Ở Lâm-tỳ-ni 3 ngày, mình lên đường về lại Ấn Độ. Qua biên giới, lần đầu tự mình làm thủ tục visa, kể cũng khá đơn giản. Đón xe bus về Gorakhpur, rồi lại đi xe jeep về Kushinaga, nơi Phật nhập Niết-bàn.
- Pháp Thoại “Liên Tông Tứ Tổ Pháp Chiếu Đại Sư” - KTPT 88
- CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM: LẬT TRANG KINH MÀ KHÓC RÒNG
- MINH NIÊN KHAI BÚT
- VÀI TÂM SỰ CUỐI NĂM
- CẤU ĐỐI XUÂN ẤT MÙI
- Để Hiểu Bùi Giáng
- Xúc Cảm Nepal
- SẮC XUÂN TẠI VĨNH MINH TỰ VIỆN
- Mùa Xuân Trong Cõi Thơ Bùi Giáng
- CÂU ĐỐI XUÂN ẤT MÙI
- TÂM SỰ CUỐI NĂM
- Tìm Hiểu Về Vu Lan