Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, May 01st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Xúc Cảm Nepal

Xúc Cảm Nepal

Email In PDF

Vĩnh Minh Tự Viện, mùa ve kêu.
Thích Nguyên Hiền.

1. Mỗi ngày đọc báo, những tin tức gây sốc trên thế giới ngày càng nhiều, nào là động đất, sóng thần, khủng bố, tai nạn, riết rồi cảm xúc cũng trơ lì, như mọi sự là hiển nhiên. Nhưng khi nghe tin động đất ở Nepal, giống như nghe chuyện đang xảy ra ở quê nhà, nhất là con số người chết cứ tăng dần theo mỗi bản tin sớm trưa chiều tối: 518 người, 1200 người, 1800 người, 2500 người, rồi 3000, 4000, 5000, 7000… với hàng chục ngàn người khác bị thương và chưa tiếp cận được, bàng hoàng, quặn thắt, mỗi ngày một chùng xuống, tái tê.

Nhân một chuyến bay, ngồi bên một quan chức cấp tỉnh, vốn là một người có cảm tình với Phật giáo, ông hỏi: “Nepal là đất Phật, sao lại bị nặng nề thế?”. Câu hỏi có ý nói một nơi màu nhiệm như thế sao lại bị trừng phạt? Điều này có làm mất lòng tin nơi tín đồ hay không?

Thấy tôi lừng khừng chưa biết trả lời sao, người ấy nói tiếp như an ủi: “Theo Phật giáo có phải chết như thế là Niết-bàn phải không?”. Cảm thấy thương cho một nhận thức nông cạn như thế, tôi chỉ cười vả lả rồi bắt sang chuyện khác. Nói thế nào để họ hiểu trong thời gian một chuyến bay 30 phút?

2. Năm 2002, nhân chuyến chiêm bái Phật tích Ấn Độ, tôi đã làm một chuyến độc hành đến Kathmandu, thực hiện một chuyến mountain air bay quanh đỉnh Everest, đỉnh Kailash và các đỉnh núi trắng xóa quanh nóc nhà thế giới. Sau đó thăm các tu viện Tây Tạng trên sườn núi Hy Mã, tham quan các kiến trúc cổ, các ngôi tháp lớn ở trung tâm Kathmandu, thăm Royal Palace, các khu chợ, ngắm các hàng quán bán tranh tượng, thăm nơi thiêu xác người chết…tất cả vẫn hiện rõ trong ký ức về một thành phố đẹp, văn minh và đầy ắp không khí tôn giáo. Thế rồi một sớm, nhận tin tất cả những thứ ấy đang nằm trong đống đổ nát sau một hơi thở của đất, những kiến trúc cổ tan hoang, đến đỉnh Everest cũng rung rinh và “tụt xuống 2cm”, những trận lỡ tuyết chôn vùi, những tiếng kêu gào hốt hoảng. Ôi! Nepal!

3. Một tứ thơ của thi sĩ Phạm Phú Hải hiện về, ám ảnh suốt một tuần lễ bi thương:

“Về đây nằm giữa huyền không
Khuya nghe bão chuyển tự lòng đất ra
Mai kia nhật nguyệt tan nhòa
Sẽ còn ta đứng bao la bóng mình
Nghìn năm trước nửa hồi kinh
Nghìn năm sau một tiếng kình bơ vơ
Thanh âm níu lại giữa tờ
Buông tay ngọn bút xóa mờ biển dâu
Tro tàn chẳng gửi về đâu
Luồng qua cửa những bóng câu âm thầm
Đồi cao khói điếc sương câm
Mây mù là bạn tri âm buổi nào”

Con người trở nên bé nhỏ quá! Cuộc nhân sinh sao mong manh quá! Trận động đất ở Nepal đúng là “bão chuyển tự lòng đất ra”. Và thời gian, không gian là gì giữa cái ngát lạnh bình sinh khi thân phận con người chỉ là bóng mờ làm tri âm với mịt mù dâu bể? Nghìn năm trước, nghìn năm sau, chỉ là “tiếng kình bơ vơ” giữa không gian lạnh ngắt, thì sá gì một Kathmandu hay những tòa tháp nghìn năm biểu tượng. Hãy cảm cho hết thực tại bi thương này để hiểu sâu hơn những lời Phật dạy.

4. Trở lại với câu hỏi của vị khách trên chuyến bay. Đúng là hầu hết mọi người đều có niềm tin với sự mầu nhiệm, với niềm tín thiện. Họ cho rằng chỉ cần dán lên tâm thức họ một chữ Phật thì có thể tai qua nạn khỏi, vạn sự cát tường. Đó là một niềm tin rất dễ thương, rất đáng trân trọng. Nhưng dường như họ chẳng hiểu gì Phật cả. Hầu hết Phật tử đều biến mình thành những tín đồ của Thần giáo, giống như người Thiên Chúa giáo, hễ gặp phúc thì họ nghĩ do Chúa ban, gặp họa thì họ nghĩ Chúa trừng phạt. Đức Phật chưa bao giờ xem mình là người sáng tạo ra thế giới này cả. Ai nghĩ mình là Đấng Cứu Thế thì hãy trả lời cho vấn nạn Nepal, cũng như tất cả sự băng hoại của thế giới này đi. Còn giáo lý cốt tủy của Đạo Phật chính là Vô Ngã. Hãy đọc lại kinh Bát Đại Nhân Giác: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, hư nguy vô chủ, sanh diệt biến dị….” Giữa niềm tin mù quáng của Bà-la-môn giáo ngày xưa (lúc ấy chưa có Thiên Chúa giáo), Đức Phật từng nói: “Không thể tìm ra một Tạo hóa, một Brahman hay một vị nào khác làm chủ vòng luân chuyển của đời sống. Chỉ có những hiện tượng diễn tiến. Tất cả tùy thuộc vào những điều kiện” (Thanh Tịnh Đạo luận). Trong Túc Sanh Truyện ghi: “Ta liệt Brahman vào hạng bất công, đã tạo nên một thế giới hư hỏng”. Nghĩa là nếu thực sự có một tạo hóa tạo nên thế giới này thì Đấng tạo hóa ấy bất công. Còn giáo lý của Đức Phật là giáo lý chỉ ra sự sai lầm của tư tưởng cuồng tín ấy. Bản thân Đức Phật cũng thị tịch giữa Ta-la song thọ, ngay cả dòng họ Sykya cũng bị thảm sát bởi Tỳ-lưu-ly. Thì ngày nay, những hiện tượng như Nepal càng xác tín lời dạy của Đức Phật là chân lý. Khi những hiện tượng vô thường diễn biến, đó là đề mục thực tiễn nhất để hành giả quán chiếu và tăng trưởng lòng Bồ đề, thương người giúp vật. Còn nếu ai bị hoang mang rằng vì sao đất Phật lại bị hoạn nạn thì người ấy chưa hiểu gì về Phật giáo cả.

Đành rằng ở đây không phủ nhận sự mầu nhiệm, nhưng sự mầu nhiệm chỉ thực sự xảy ra với một tâm hồn an tĩnh, sức nội quán thâm sâu, và lòng bi mẫn mở phơi để cứu khổ ban vui, thanh tịnh nghiệp dĩ và thành tựu phước huệ giữa lòng đời trái đắng mật đen này mà thôi! Xin cúi lòng tưởng niệm các nạn nhân ở Nepal, cũng như nghĩ tưởng đến tất cả chúng sanh trong “thế giới bất an, như trong nhà lửa” (Kinh Pháp Hoa) này. Và xin cảm tạ Vô thường. Nhờ Vô thường mà ta cảm nhận được giá trị từng phút giây hãn hữu, cái đẹp của đời sống và Phật pháp thiêng liêng./.


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại