Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, May 02nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Rau Lang Kho

Rau Lang Kho

Email In PDF

Nhất Thanh

Sau 30 tháng Tư năm 1975 đúng một tháng, gia đình tôi đi kinh tế mới, cả nhà di cư từ Sài gòn ra Di Linh, ngày xưa gọi là Đồng Nai Thượng. Chốn rừng thiêng nước độc, chẳng biết làm gì để sinh sống. Trời sinh voi sinh cỏ, đói ăn rau đau uống thuốc, mẹ tôi bảo vậy.

Một mái nhà tôn, vách tôn, nền đất, ba thước trên năm. Ba mẹ và sáu đứa con. Mười năm sau là 11 đứa. Bắp ngô khoai sắn là thực phẩm chính. Ngay sau nhà, ba tôi vun mấy vồng khoai lang. Đất tốt, rau bò ra xanh mướt. Sáng canh rau lang, trưa rau lang luộc, chiều chẳng biết đổi món gì, thôi thì rau lang kho.

Ngày nào cũng 3 rổ như thế thì khoai trụi hết lá, làm sao ra củ. Không sao! Rau nài đầy đồng đầy rẫy. Xách rổ lội đồng một chặp là có cả mớ. Nhiều khi gặp nấm mối nhổ về kho với rau lang thì ngon tuyệt. Thỉnh thoảng ra đồng nhổ rau má. Rau má nhổ nguyên gốc, về xắt ra nấu canh, gốc rau má đồng màu tím, ăn đắng đắng mà ngon lắm. Lâu lâu đổi món lá khoai mì, lá ớt, lá tàu bay, lá bù sít, đọt đậu đen, đọt su su, đọt ổ qua. Nhưng những thứ ấy không có nhiều, không có sẵn, chỉ có rau lang là thực đơn chính mỗi ngày. Rau luộc thì phải có nước chấm. Nước mắm thuở ấy là món xa xỉ, tiền đâu mà mua. Còn chấm muối thì mặn chát, nuốt không trôi. Chỉ có rau lang kho là thượng sách.

Đọt rau lang chỉ để luộc. Mà đọt rau lang nếu ngắt nhiều thì khoai không tốt, vì thế chỉ hái cọng lá để kho. Cọng lá có lớp vỏ mỏng, phải mắc công tướt sơ lớp vỏ bên ngoài thì ăn mới ngon.Gọi là kho, thực ra là nấu canh. Nhưng dân Quảng Nam gọi rau lang kho bởi vì canh thì nhiều nước, lạt lẻo. Kho thì ít nước hơn, mẳn mẳn, thấm tháp hơn. Nước sôi trên bếp củi, rau rửa sẵn rồi, bỏ vô. Mẹ tôi thường mua cả thùng mắm cái để sẵn, thứ mắm cá cơm của dân Quảng Nam chính hiệu. Mắm cái để sẵn trong tô. Lấy vá múc nước sôi trong nồi đổ vào tô mắm cái, chao qua chao lại rồi đổ vào nồi, chỉ còn lại một nắm xương nhỏ trong tô, bỏ đi. Nước sôi lại, rau chín là nhắc xuống bếp, chan vào bát cơm, ngon tuyệt cú mèo!

Thời mắm cái đi qua, gia đình tôi ăn chay, rau lang kho chao thay cho mắm cái, với tôi là món quốc hồn quốc túy. Kể lại chắc nhiều người không tin. Cuối thập niên 70, thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ. Gạo miền Tây không lên được Di Linh, cá Phan Rang hết 5,6 ngày đường mới lên tới Di Linh thì chỉ còn là cá ươn cá thối. Thời làm công tập đoàn, Di Linh chưa lên hợp tác xã, nhà nước phân phối toàn bột mì với bo bo, nghĩ mà ngán đến tận bây giờ. Bắp khô xây ra làm gạo, độn thêm khoai lang khô, mì lát. Nếu không có rau lang kho, làm sao ba tôi nuốt trôi mà đi cuốc. Những ngày mưa dầm ảm đạm, mẹ tôi rang cả một rổ bắp, cả nhà chang rau lang kho vào bắp rang mà ráng nuốt.

15 năm bao cấp đi qua, rau lang kho trở thành đặc sản của nhà tôi. Năm 1991, mẹ tôi qua đời. Ngoài xã hội người ta đã khác, còn ba tôi vẫn 11 đứa con thơ dại, gà trống nuôi con. Mọi việc đều trông cậy vào chị Hai, gánh vác gia đình, nuôi một bầy em ăn học. Rau lang kho lại tiếp tục đồng hành cùng mười mấy miệng ăn, chỉ có khác là sắn khoai đã thay bằng cơm trắng. Ngày xưa khoai sắn, đứa nào đứa nấy ghẻ chóc đầy mình. Từ khi có cơm, mấy đứa em tôi đứa nào cũng thay da đổi thịt. Ngày xưa khoai sắn, suy dinh dưỡng, đứa nào đứa nấy ho sù sụ, mẹ tôi hái rau ngãi cứu với rau tần giã nhuyễn lấy nước cho con uống hết ho. Ngày xưa khách đến chẳng lo tiền chợ, ra vườn hái một rổ rau kho mắm cái mà khách nào cũng tấm tắc khen ngon. Ngày xưa đi học, sáng sớm tôi kéo một xe cải tiến rau lang lên chợ bán, bán xong kéo xe để trước cổng trường rồi vào học, trưa kéo về để chiều hái rau chất lên sáng mai đi bán tiếp. Ngày xưa… Ngày xưa… Sao tôi cứ nói mãi ngày xưa. Ngày xưa có ánh mắt mẹ u buồn nhìn bầy con đói vàng cả mắt. Ngày xưa có bàn tay mẹ hơ lửa áp vào ngực con đỡ lạnh đêm đông. Ngày xưa có ba gánh một đầu rau lang, một đầu con nhỏ lên khoảng dốc chập chùng. Ngày xưa có chàng trai vác một bó rau lang đến nhà làm quà tán chị Hai tôi. Ngày xưa bạn gái tôi mua giùm hết xe rau của tôi để tôi kịp giờ vào học. Ngày xưa anh em tôi cắt trộm rau lang hàng xóm cho nhanh để về cùng bè bạn chơi u mọi, nhảy cò cò, tạt lon, bịt mắt bắt dê.

Bây giờ đã gần 40 năm từ ngày nhà tôi về Di Linh, rau lang kho vẫn là món chính. Bây giờ tôi đã được đi Mỹ đi Tây, mỗi lần trước khi đi, chị Hai tôi gọi điện: “Em về chị kho rau lang ăn một bữa rồi đi”. Sau mỗi lần đi xa về, tôi gọi điện xuống nhà, chị Hai tôi cười reo trong điện thoai: “Em yên tâm, 30 giây là có nồi rau lang kho”. Khách xa về, tôi giới thiệu món đặc sản nhà tôi. Ai cũng bảo hương vị lạ lùng không ở đâu có. Nhiều người biết tôi thích món này, cố tình nấu cho tôi ăn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ngon như ăn ở nhà. Họ thêm nhiều nấm, bột ngọt, khử dầu, nêm bột, làm sao thuần túy bằng rau lang kho chao của chị Hai tôi. Tôi thường nói đùa với chị Hai, bữa sau em chết, chỉ cần món rau lang kho bưng lên bàn thờ thắp hương là em về ngay, khỏi cần hương hoa phụng thỉnh.

Rau lang kho, trong ấy có mẹ, có ba, có chị hai, có anh trai, có một bầy em nhỏ. Rau lang kho, trong ấy có những tháng ngày chang nước mắt, khổ cực đến ghê người. Rau lang kho, trong ấy có tuổi thơ với hương đồng cỏ nội, với bạn, với Thầy, với cô hàng xóm. Rau lang kho, có cả nhân sinh quan, thế giới quan của một cậu bé mới lớn, để dệt ước mơ, để thành nhân chi mỹ.

Có bữa ăn nào ngon hơn bữa ăn cùng gia đình quây quần bên mâm cơm tối. Có món ăn nào ngon hơn món ăn được nấu bằng chính bàn tay của mẹ và chị ta đâu!


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại