Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, Apr 25th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Vĩnh Minh Trí Giác Thiền Sư Duy Tâm Quyết

Vĩnh Minh Trí Giác Thiền Sư Duy Tâm Quyết

Email In PDF

Sơ lược về tiểu sử:

Thiền sư Vĩnh Minh Trí Giác, sống vào thời Ngũ Đại, cuối đời Đường, Tổ thứ 6 của Tông Tịnh Độ, Tổ thứ 3 của Tông Pháp Nhãn, người đất Dư Hàng, phủ Lâm An (huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang), Trung Quốc. Sư họ Vương, tự Trọng Huyền, hiệu Diên Thọ, Bào Nhất Tử.

Lúc còn trẻ, sư làm quan, năm 30 tuổi theo thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham xuất gia ở chùa Long Sách. Sau sư đến núi Thiên Thai tham kiến Quốc sư Đức Thiều, tu tập Thiền định và đạt được ý chỉ huyền diệu. Trong thời gian ở chùa Quốc Thanh, sư hành Pháp Hoa Sám Pháp. Buổi sáng sư phóng sanh các loài, buổi chiều cúng thí quỷ thần, đọc tụng kinh Pháp Hoa, chuyên tu Tịnh Nghiệp. Sư hoằng pháp rất thịnh hành ở núi Tuyết Đậu, Minh Châu và phục hưng lại chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu.

Năm 961, nhận lời mời của Ngô Việt Vương Tiền Thúc, sư về đạo tràng Vĩnh Minh, tiếp tăng độ chúng nên người đời gọi là Vĩnh Minh Đại Sư. Sư đề xướng Thiền Tịnh song tu, lấy tâm làm tông. Sư trụ trì ở Vĩnh Minh suốt 15 năm, mọi người kính phục và tôn sư là Di-lặc hạ sanh. Sư đã triệu tập các vị Cao tăng của 3 tông Từ Ân, Hiền Thủ, Thiên Thai để nghiên cứu, thảo luận tất cả những tác phẩm nổi tiếng của 200 vị Thánh hiền Ấn Độ và Trung Quốc mà soạn thành bộ Tông Cảnh Lục 100 quyển. Đối với tôn chỉ khác nhau giữa các tông phái, sư luôn có thái độ ôn hòa. Vua nước Cao Ly xem bộ Tông Cảnh Lục này, liền sai sứ đến đảnh lễ xin làm đệ tử và phái 36 vị tăng trong nước đến cầu pháp với sư. Từ đó Thiền phong của Tông Pháp Nhãn rất thịnh hành ở Hải Đông. Sư thị tịch vào năm 975, hưởng thọ 72 tuổi, vua ban Thụy hiệu Trí Giác Thiền sư.

Về tác phẩm, ngoài Tông Cảnh Lục 100 quyển còn có Vạn Thiện Đồng Quy Tập 6 quyển, Tân Thê An Dưỡng Phú 1 quyển. Tác phẩm Duy Tâm Quyết 1 quyển sau đây được trích dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 48, sau Duy Tâm Quyết còn có Phụ lục của bài Định Huệ Tương Tư Ca, chúng tôi sẽ trích đăng trong số sau.

Lồng lộng một chữ TÂM, đâu phải trụ nơi chân vọng, hữu vô mà có thể biện biệt được rốt ráo, nào phải vin vào văn ngôn, ngữ cú mà có thể giải bày hết trọn vẹn. Thế nhưng! Các đấng Thánh hiền nhiều đời ngợi ca, những bậc triết gia bao lần phân tích, đâu đâu cũng sáng sủa rõ ràng. Cho nên chỉ một pháp nhỏ thôi mà có đến muôn ngàn dị thuyết, tùy thuận cơ nghi mà chẳng thuyết nào quy về một pháp. Kinh Bát Nhã chỉ nói Bất nhị, Kinh Pháp Hoa lại nói Nhất thừa. Kinh Tư Ích gọi là Bình Đẳng Như Như, kinh Hoa Nghiêm hiển bày Thuần Chân Pháp Giới. Kinh Viên Giác kiến lập Nhất Thiết, kinh Lăng Nghiêm bao quát Thập Phương, kinh Đại Tập xem Nhiễm Tịnh dung thông, kinh Bảo Tích cho Căn Trần hòa hợp. Kinh Niết-bàn hàm chứa kho tàng bí mật, kinh Tịnh Danh nói đâu chẳng phải đạo tràng. Chỉ một chữ TÂM thâu nhiếp hoàn toàn, không gì không cũng không cùng tận; chỉ một chữ TÂM bao hàm trọn vẹn, chẳng lý nào mà chẳng chỉ quy. Do vậy mà một pháp lại có ngàn tên, tùy theo duyên lập thành danh hiệu. Không thể trệ ngại nơi cách nói năng phương tiện, mê mờ ở chỗ tên gọi tùy nghi, để rồi cho rằng chúng sanh chẳng phải là Chân, chư Phật chỉ tuyền là Thật. Nếu ngộ được một pháp thì vạn pháp dung thông. Bao nhiêu kiếp số trệ ngưng, ngay đó băng tiêu hết thảy; vô biên giáo nghĩa nhiệm mầu, nhất thời kỳ cùng thông suốt; thấu triệt căn nguyên vạn pháp, tỏ rõ nguồn cội Như Lai; không nhọc lòng dụng đến mảy may công năng, chẳng mệt tâm vận chút tóc tơ sức lực. Thế giới hằng sa thảy biến thành đạo tràng, có cõi Phật nào chẳng bước lên, có pháp hội nào không tham dự. Tướng nào chẳng phải Thật tướng? Nhân nào chẳng phải Viên nhân? Vô lượng Như Lai như hiện tiền trước mắt, mười phương chư Phật tợ kẻ chỉ bàn tay. Gò cao lũng thấp cũng chuyển Căn bản Pháp luân, mảy bụi đầu lông đều hiện Sắc thân Tam-muội. Ở một pháp tòa mà mười phương đều hiện, diễn một pháp âm mà khắp cõi đều nghe. Đàm huyền luận diệu mà chẳng phá hoại đạo luân thường, thiên biến vạn hóa mà chẳng xa lìa cõi chân thật. Cùng lúc với ba đời chư Phật hành đạo Bồ-đề, một lần với mười loài chúng sanh Niết-bàn tịch diệt. Gióng trống Pháp nơi cung điện ma quân, rền sấm Đạo ở cõi miền tà vạy. Bước qua chỗ trở ngại mà tự thấy an hòa, ở lại chỗ can cường mà riêng vui thu nhận. Ở chỗ cao mà không hiểm, nhận cái đầy mà chẳng tràn. Quả là đứng vững trên xứ sở trót vời của căn cơ tuyệt học, bước đi giữa cội nguồn siêu việt của bờ cõi vô vi. Vào ra cửa ngõ huyền diệt nhiệm mầu, rong chơi cảnh giới nhất như chân thật.

Không pháp nào vốn có, chẳng vật nào mới thành. Trong ngoài đều dứt, sau trước như nhau; hoặc một hoặc hai, hoặc lai hoặc khứ, vạn cảnh rõ ràng, đẳng đồng một mối. Biết rõ Tam bảo hằng hữu chốn này, kim cổ rạng ngời Phạm âm vi diệu; thường chiếu Tam-muội tịch lặng vô biên, xưa sau hàm dưỡng định môn bất diệt. Thánh phàm như nhất, tợ tánh ước giữa một giọt nước và biển cả như nhau, chỗ Không trong một hạt cải và bầu trời chẳng khác. Sự dung nạp của thái hư, chẳng phân biệt người tin nó thì công siêu viễn kiếp, kẻ hiểu nó thì hợp tại sát-na. Chỉ có một pháp môn lớn này, không có một đại đạo nào khác. Dồn hết nơi một mảy trần mà chẳng có gì tụ họp, tản mác khắp cõi nước mà chẳng tí nào phân ly. Hòa quang nhưng không cùng, đồng trần nhưng chẳng nhiễm. Siêu xuất mà chẳng lìa xa, thành hợp mà không về một. Nuôi dưỡng hết phàm thánh mà không có chút chất tượng nào để nhìn, gầy dựng khắp pháp giới mà không có một danh từ nào để lập. Nương bóng cây dáng cỏ, che suốt cổ đến kim. Khắp cả hư không, đến cả vòm trời cũng không che được tánh thể ấy; thường hằng chiếu diệu, dẫu cho tường sắt vẫn chẳng ngăn được ánh sáng này. Không dừng trụ ở đâu, chẳng bám víu pháp nào, thế nhưng trần lao chẳng thể nào biến đổi được cái tánh; chẳng thuần là cái gì, chẳng tạp là các thứ, vậy mà vạn pháp không thể làm che lấp được cái chơn. Lặng lẽ vô thanh mà âm hưởng vang vọng đất trời, rỗng rang vô tướng mà hình tượng tràn trề thiên địa. Dù dung nhập nhưng vật cảnh vẫn sai khác nghìn trùng, tuy tương tức mà sum la chỉ thuần một vị. Không theo sự mà đánh mất thể, chẳng cũng mà chẳng phân, không giữ tánh để mặc tình duyên, vừa đồng mà vừa dị. Bởi vì ngay nói tánh là tướng nên chẳng ngại gì kiến lập, ngay nơi lý là sự nên chẳng lấp được chơn thường. Có là có của Không nên đâu sợ có cái phồn hưng, Động là động trong Tĩnh nên lo gì thiếu sự rỗng lặng. Nói “một” thì lớn nhỏ đều dung bên trong, nói “nhiều” thì cao thấp cũng bằng một cỡ. Nói “có” thì lý thể vẫn y nguyên, nói “không” thì sự dụng cũng chẳng bỏ. Tuy khởi nhưng thường diệt, tướng thế gian ẩn tàng; tuy Tịch nhưng hằng sanh, lý pháp giới xuất hiện. Luôn dấy động nhưng vẫn thường trụ, mãi biến hóa nhưng chẳng đổi dời; ẩn mật mà thường hưng, nhất thể mà hằng hóa. Không phải giả nhưng huyễn tướng hòa hợp, không phải thật nhưng chân tánh vắng lặng. Chẳng thành mà vạn vật cùng khởi lên, chẳng hoại mà chư pháp đều dứt tuyệt. Cảnh tuy hiện mà dường như không vận tánh hiện, trí tuy chiếu mà thật ra chẳng dụng công chiếu; thể dụng như nhau, năng sở nào khác. Như tấm gương sáng, vạn vật đâu chẳng hiện hình; ở cõi hư không, ngàn tướng chẳng lìa nhất thể. Kho tàng thường trụ mà thành cửa ngõ hanh thông, khối vật kiên ngân mà tùy vật thể hóa hiện. Dấy khởi tràn lan mà chẳng động đến chân như, hết thân nam rồi mang thân nữ, lặn phương Tây rồi mọc phương Đông. Còn đó mà lặng trơ, cuộn vào mà dàn trải, bủa khắp mà chẳng dời, biến cùng mà chẳng ở. Điểm một mảy trần là vô biên sát độ, chỉ một sát-na là vô tận cổ kim. Ở trong nhất tướng mà chẳng cao thăng, nơi tịnh tùy nhiễm; nằm trong ngũ thú mà không đọa lạc, chỗ trược thường thanh. Trông bên ngoài chẳng có đầy dư, nhìn ở trong không thấy tích tụ. Ngờ ngờ trước mắt mà nào có thấy, sang sảng bên tai mà náo có nghe. Ôm đầy tay mà không hay, tính đầy đầu mà chẳng biết.

Cũng một chữ TÂM này, thành tựu từ lâu rồi mà chưa hề cũ kỹ, hiện hữu ngay đây thôi mà chẳng gì mới mẻ. Như tấm gương chẳng mài mà lại sáng ngời, như hòn ngọc chẳng luyện mà tự trong suốt; lấp lánh thể tánh vi diệu thường trụ, rạng ngời ánh sáng huyền linh bất diệt. Chỗ chí đức biến hiện hà phương, cõi tánh linh cư lưu độc lập. Chúng diệu quần linh thành vua vạn pháp ở khắp cùng chúng hội; Ngũ tánh Tam thừa, làm mẹ muôn Thánh trong từng cõi quy hồi. Tôn quý vô ngần, so lường chẳng được; đó là cội nguồn đạo cả uyên nguyên, ấy là tinh hoa pháp màu chân thật. Thăm thẳm hay mênh mang bất định, tùy vật mà vuông hay tròn; vời vợi hay lồ lộ khôn lường, ứng cơ mà ẩn hoặc hiển. Do vậy, gốc sanh ngọn mà ngọn hiển gốc, thể và dụng cùng tỏ soi; chân thành tục mà tục lập chân, phàm và thánh đồng ngời hiện. Pháp này làm rõ vật kia nhưng vật kia cũng phân biệt pháp này, chủ và khách hỗ tương; chúng sanh thành Phật nhưng Phật lại độ chúng sanh, nhân và quả thấu triệt. Cảnh không có tự tánh nhưng tha thành tự, tâm không có tự tánh mà tự thành tha. Lý không thành tựu mà một tức nhiều, sự không thành tựu mà nhiều tức một. Tướng tuy hư vọng nhưng thường hằng nhất thể, tánh tuy chân thật nhưng luôn ở vạn duyên. Tuy hiển lộ nhưng khó lấy tình thức tìm cầu, dẫu sai biệt mà chẳng trở ngại gì đại dụng. Cảnh hư huyễn hóa hiện dọc ngang nhưng vẫn dung trong một tánh chân thật, tánh hư vô lóng lặng tịch diệt mà vẫn hiện ở vạn tướng sum la. Thánh trí phấn phát, nhiễm tịnh song huân; tùy sức yếu hay sức mạnh mà chìm nổi không chừng, nương duyên hoại hoặc duyên hành mà bủa thâu bất định. Khi thu nhiếp thì chẳng hiện chút tơ hào, lúc tư phân thì đồng sanh nhiều sa số. Đến thì vụt hiện như trăng soi đáy nước, đi thì bồng tan như mây lãng từng không. Động tịch vô ngại, thiệp nhập hư dung, còn mất quyện nhau, linh hiển khôn lường; đi ở nhất như, nhiệm mầu khó tưởng. Trí hải mênh mang, dung nạp không sót mảy bụi đầu lông.; Linh châu rạng rỡ, chiếu soi đến từng đường tơ kẽ tóc. Đã là vàng ròng thì khuôn nào dáng nấy, chẳng ngại thiên hình vạn trạng; tuyền là nước trong nên sóng sao theo vậy, đủ đầy nhất thể như nhiên. Nói đúng nói sai cũng được, rằng tà rằng chánh cũng xong. Như giấc mộng mơ hồ thoát có thoát không, tợ cảnh huyễn lan man chợt tan chợt hiện. Phát khởi và tận diệt giữa ngàng ngọn không hư, pháp pháp vô tri; hưng thịnh và suy vong bên bến bờ huyễn hóa, duyên duyên tuyệt đãi. Vì thế dẫu cho Ngũ nhạc chót vót cũng chẳng chi là cao, dù rằng Tứ hải thăm thẳm mà có gì là sâu. Tam độc Tứ đảo mà chẳng phải phàm, Bát giải Lục thông cũng không phải thánh. Tất cả an trụ cõi Chân như tịch diệt, hết thảy lưu nhập môn Bất nhị vô sanh. Thi vi trùng trùng bất tận trong miền đại giải thoát, hiển hiện lớp lớp không cùng ở cõi bất tư nghì; làm sao định vị chỗ nào khởi điểm hay chung cùng, há dễ xác minh đâu là cõi miền hay phương hướng. Hà tất trục vọng quy chân, cần gì hân đồng yểm dị. Muốn hủy hoại tấm thân huyễn hóa, ưa đoạn trừ sóng thức dương diệm, sao chẳng biết niệm niệm đều là Thích Ca xuất thế, bước bước đều là Di Lặc hạ sanh. Phân biệt là hiện Văn Thù tự tâm, động tĩnh là vận Phổ Hiền hạnh nguyện. Pháp môn nào cũng mở cửa cam lồ, mùi vị nào chẳng thuần đề hồ vị. Không ra khỏi rừng Bồ-đề, ở mãi trong đóa Liên hoa. Rạng rỡ chiếu soi đến nghành ngọn tóc tơ, ngời ngời quyện tỏa khắp nghìn trùng lau lách. Diễn bày diệu biện làm gì cho mệt công, hiển hiện thần thông làm chi cho nhọc sức. Động tĩnh đều thấy, tối sáng chẳng lìa; chẳng có chuyện xưa thịnh nay suy, đâu có điều trí còn ngu mất. Nói nín đều thầm hợp, chung thủy thảy hanh thông. Sơ Tổ nào có Tây lai, Thất Phật đâu từng xuất thế.

Một chữ TÂM xuyên suốt xưa sau, quán triệt cổ kim như thế. Cho nên, tam Không thì trời đất thênh thang thơ thới, tâm Hữu thì nước non khúc khủy gập ghềnh. Niệm khởi thì sơn xuyên chấn động, niệm vong thì sông núi bình yên. Đại cơ thì ngôn lời đều liễu nghĩa, thượng chí thì niệm tưởng thảy huyền hư. Khí lượng vô biên nên pháp pháp thảy châu viên, giới hạn vô cùng nên trần trần không ngằn mé. Ý niệm trong sáng nên thế giới thanh tịnh, tâm thức ô trược thì cảnh tượng hôn mê. Một động là động hoàn toàn, tất cả đều bình đẳng suôn sẻ như nhiên, đủ đầy uyển chuyển như thế, quan trọng ở chỗ chánh quán mà thôi.

Vạn pháp vốn chỉ do nhân, Chân như tự hàm muôn đức. Vô niệm thì công đức thù thắng đủ đầy, vô tác thì hạnh nguyện diệu huyền tròn khắp. Không vận dụng cơ năng mà tự thành linh trí. Pháp nhĩ không cầu mà tự được, diệu tánh thiên chơn mới biết đặng; lý trí viên dung, không gì ngoài đại đạo. Không trụ ở một mảy trần nào mà vẫn độc lập, không duyên nơi một tiểu tướng nào mà vẫn đa đoan. Thế thì, trụ nơi tánh nghe thì được nghe tất cả, ở ngoài tánh thấy thì chẳng thấy pháp nào. Huyền hoàng đâu dễ khiến lẫn lộn, âm hưởng không sao làm lung lạc. Như mùi vị của đại dương hàm hỗn trăm sông, tợ màu sắc của Tu-di phủ mờ chim chóc. Có danh từ nào không gợi mở Đức hiệu Như Lai, không vật thể nào chẳng hiện bày cảnh giới hoa tạng. Cát đá cỏ cây đều phô bày diệu tướng vô biên, vượn hú chim kêu cũng luận đàm viên âm bất nhị. Si ái hóa thành giải thoát chân ngụy, tham sân vận hành Bồ đề đại dụng. Vọng tưởng hưng khởi là Niết bàn hiện, trần lao dấy động tức Phật đạo thành. Từ một thể thi vi báo hóa mà chưa từng dao động, tùy các duyên hiển hiện pháp thân mà chẳng đâu thiếu sót. TÂM quả là chỗ giáo pháp quy y, là nơi thánh hiền bẩm thọ; TÂM quả là cõi chân thật của quần sanh, là mốc cội nguồn của vạn vật. TÂM là giềng mối của sự hành hóa chánh chân, là bản ý của việc xuất sanh xử thế. TÂM là đường chánh của Tam thừa, là bến bờ để nhập đạo. TÂM là nguồn cội thiêng liêng của Bát Nhã, là kho tàng ẩn mật của Niết Bàn. Bởi vì diệu lý thẩm sâu, huyền chỉ cao tột; Nếu như cuồng huệ thì chỉ bại hoại tinh thần, ví bằng si thiền thì cũng tuồng buộc ràng tâm ý. Dứt đường phân biệt, đoạn nẻo ngữ ngôn, thức trí siêu nhiên, tâm thần thanh thoát. Không Hữu thơ thới hanh thông, căn trần rỗng rang khai mở. Như nhìn ngắm giữa thanh thiên quang đãng, tợ chú mục dưới hồng nhật sáng soi, không pháp môn nào chẳng hiện, không diệu lý nào chẳng thông. Cần gì động tâm lặn xuống ao xuân nhặt viên ngọc báu, chẳng nên nhọc sức bơi trong dòng biếc tìm hạt trân châu. Nhìn thế giới hằng sa như trước mắt, ngắm vũ trụ đại ngàn ở bên thân; nắm quần sanh trong lòng bàn tay, gom vạn lời nơi khuôn ngực áo. Chẳng dụng mảy công năng mà thành tựu Lăng Nghiêm đại định, chẳng học một chữ nghĩa mà xem hết Phổ Nhãn chân kinh; Nghĩa Tứ cú thoát dung thông, đường Bách phi tự dứt tuyệt. Giăng ngang cùng tam tế, bủa dọc khắp mười phương. Tu một pháp môn Đại tổng trì, hành một công hạnh Đại tự tại. Hào quang rạng rỡ, oai đức ngời ngời, Ni-kiền-tử đởm phiêu, ma Ba tuần phách tán; giặc phiền não bỗng chốc tiêu tan, quân sanh tử hốt nhiên gục ngã. Dòng sông ái khô cạn, núi kiêu mạn ngã nhào; tiêu dao ngoài vật, vô đắc vô cầu, thơ thới rỗng rang, an nhiên tự tại. Cao rộng đến hư không cũng phải nhường, sáng lạn đến nhật nguyệt cũng phải thẹn. Thể nhập đến cảnh giới ấy rồi thì quyền thật đồng hành, bi trí song vận; xem việc cứu vớt thế gian như huyễn mộng, nhìn chuyện tế độ chúng sanh như hư không. Ghé bên Hữu mà chẳng trái bên Vô, qua nẻo Chân mà chẳng nghịch nẻo Tục. Như sự nâng niu che chở của càn không tợ sự sáng soi ấp ủ của nhật nguyệt, bày hiện Thánh phàm, ra vào sanh tử, cầm giữ ấn thật tướng, nêu cao đại pháp tràng, soi ánh sáng cho muôn loài, hiện bến bờ cho vạn nẻo. Làm cho tro lạnh phải hóa lửa hồng, giúp cho cây khô đâm chồi nẩy lộc, mãi mãi làm hoa tiêu trên biển khổ, đời đời làm hướng đạo giữa đường mê. Tùy duyên sự mà soi chiếu hoặc chở che, nương thánh trí để quy hồi khai mở. Dù vô tri nhưng vạn pháp viên thông, tuy không thấy mà thảy đều hiện rõ. Chỉ khế ngộ được diệu chỉ này, thể vốn tự nhiên; như cỏ hoa gặp mùa xuân đến, vạn vật đâm chồi. Thập thân bừng hiện, Tứ trí hoằng khai; tợ Như ý tràng, giống Đại bảo tụ. Pháp tài phong phú, lợi vật khôn cùng; vì thế mới xưng là rừng công đức, do vậy nên gọi là kho vô tận. Làm gì có chuyện sớm mai mặt trời không chiếu, đêm trường đuốc sáng không soi. Làm sao đem tâm hạn cuộc này mà khởi kiến giải suy lường, đếm đo thái hư rộng hẹp, ước định thế giới biên cương. Lại đem tình thức để phân biệt, chẳng qua thế giới của căn trần. Hướng đến cảnh chân như mà rộn rịp cơ tâm, ở trong biển tịch diệt mà lao xao sông thức. Nhìn không rộng hơn lỗ ống, thấy chẳng xuyên khỏi bức tường, rồi đem cái thấy nhỏ nhoi lập bày năng sở, đem cái biết bé bỏng dẫn giải hơn thua; bám lấy văn chương để lập bày ý chỉ, đuổi theo chữ nghĩa mà phân biện tông phong. Châu chấu mà sánh với đại bàng, đom đóm mà ví cùng mặt nhật. Làm sao có thể nơi mảy đầu lông mà dung nạp cả hư không mười phương, trong một sát na lại hiện bày thế giới ức Phật. Mỗi mỗi thân biến hiện tất cả cõi, mỗi mỗi cõi bao hàm vô biên thân; cưỡi trên xe lớn Đại thừa, diễn tả thiên kinh vạn quyển. Ngự trên pháp tòa của Đức Đăng Vương, nếm vị thơm ngon của cõi Hương Tích. Đắp thượng y của Ca Diếp, vào chánh thất của Thích Ca. Nắm đa sanh trong khoảnh khắc, ném thế giới sang một phương, bụng chứa cả phong luân, miệng thổi cả kiếp hỏa. Biến gò nổng thành bảo sát, dời Tịnh độ đến uế bang. Nơi đầu lông phóng vô tận quang minh, trong một chữ diễn khôn cùng giáo hải. Luôn khác biệt với quần sanh, mãi đồng liêu cùng chúng thánh. Pháp nào cũng vậy, tâm này mà thôi, chẳng nhờ sức biến hóa thần thông, chẳng cần nhân tu hành chứng ngộ. Đức lượng như nhiên, tợ hào đầy đủ. Từng chút mùi vị làn hương cũng đều lên Diệt tận định môn, từng vật máy cựa bò bay chẳng quên linh tri tịch chiếu. Làm sao dời núi lớn mà nhận đất bồi, bỏ đại dương mà giữ bóng bọt. Chí mọn tâm hèn nên tự khinh khi, để rồi ôm hạt thần châu mà làm kẻ ăn mày, giữ cả kho vàng mà làm người cùng khổ; làm cô phụ tánh linh khiến mai một gia bảo. Hoặc xả ly mà chấp lấy thiên chánh, hoặc tuyệt phân mà ở chốn trần lao. Hoặc nhận vọng mà lầm lấy tà tâm, hoặc chấp quyền mà khổ tu tiệm hạnh. Hoặc nhận vị cao đến cực thánh, hoặc tích đức vọng đến tam kỳ. Sao chẳng biết toàn thể hiện tiền mà lại mong cầu diệu ngộ; sao chẳng biết xưa nay vốn đủ mà còn mãi đợi thành công; không nhập vào viên thường, cuối cùng lại bị luân chuyển.

Chỉ vì mê mờ nơi tánh đức, mù mịt với chân tâm, bỏ tánh giác để chạy theo vọng trần, bỏ gốc mà theo ngọn, vướng vào lưới ma hữu vô, lạc vào rừng tà nhất dị. Cắt xén chân không, chẻ chia pháp tánh, sanh diệt theo vọng trần, hữu vô theo cảnh giới; chấp đoạn nê thường, theo duyên bỏ tánh. Hưng khởi tri giải một cách sai lầm, đề xướng tu hành một cách tà vạy. Hoặc bảo hòa tinh thần, trưởng dưỡng thịnh khí một cách tự nhiên; hoặc khổ hạnh xác thân, hủy hoại hình hài để làm chí đạo. Hoặc chấp sự vô trước rồi xuẩn lập tiền trần, hoặc ham sự tĩnh lự rồi mê cầu vọng thức. Hoặc đoạn tình diệt pháp để cầu không, hoặc nương bóng duyên trần để giữ tướng. Hoặc chôn chặt nguồn linh chơn chiếu diệu, hoặc giết chết cửa Phật pháp chánh nhân; hoặc tuyệt thức ngưng thần để thọ báo cõi vô tình, hoặc lắng tâm diệt sắc để trụ quả trời bát nạn. Hoặc chấp Hữu để giữ thành Càn-thát-bà, hoặc bỏ Không để tìm lông rùa sừng thỏ. Hoặc dứt thấy nghe mà ở trong nhà tối, hoặc giữ giác chiếu mà nương cảnh sở tri. Hoặc nhận tánh giác là Đức Phật chân thật, hoặc nghĩ vô tri là cỏ cây đất đá. Hoặc chấp vọng giống như quả cứu cánh, cõi đất chính là bình; hoặc tưởng duyên hướng đến cửa giải thoát, như bỏ sóng tìm nước. Hoặc rong ruỗi bên ngoài mà ôm đồm chuyện mộng, hoặc khắng khít bên trong để riêng lẽ điều ngu. Hoặc chấp một rồi cho rằng vạn tượng nhất như, hoặc thấy hai rồi chủ trương lập bày pháp giới. Hoặc lấy cái ngu si vô phân biệt cho là đại đạo, hoặc đem thuyết không vô phi thiện ác nói là chân tu. Hoặc giải thích tánh bất tư nghì là ngoan không, hoặc thể hội cảnh chơn thiện diệu là thật hữu. Hoặc dứt cơ tuyệt tưởng như tầng trời hữu lậu, hoặc giác quán tư duy cùng thế giới lượng tình. Hoặc không thấu cùng vọng tánh rồi khởi kiến giải sơ đẳng, hoặc quá mê mờ huyền thể rồi lập tông chỉ không vô. Hoặc nhận cảnh tượng làm chân, hoặc chấp vọng tình là thật. Hoặc khởi ý thức mà trái với sự rỗng lặng của Niết Bàn, hoặc dứt tưởng để đánh mất sự hoạt dụng của Phật pháp. Hoặc mê nơi tánh công đức để khởi kiến giải sắc tâm, hoặc dựa vào Tất cánh không mà sanh tâm thức đoạn diệt. Hoặc chấp lý Đại thừa mà bỏ mất sự trang nghiêm, hoặc mê thuyết Tiệm ngộ mà cứ chuyên tâm tạo tác. Hoặc nghĩ thể tánh lìa duyên nên khư khư ngã chấp, hoặc tưởng các pháp diệt vong nên ôm ấp điều ngu. Hoặc cho rằng nhân pháp tự nhiên nên rơi vào kiến chấp Vô nhân, hoặc nghĩ là cảnh trí hòa hợp mà phát sanh tà thuyết Cộng kiến. Hoặc chấp tâm cảnh hỗn tạp làm nhiễu loạn pháp năng sở, hoặc ưa phân biệt chân tục nên buộc ràng sự chướng tri. Hoặc chủ trương Nhất như bất biến nên rơi vào chấp Thường, hoặc cho rằng Tứ tướng đổi dời mà kẹp vào chấp Đoạn. Hoặc chấp vô tu mà cầu thánh vị, hoặc nói hữu chứng để nghịch thiên chơn. Hoặc đam trước nơi y chánh để theo cõi luân hồi, hoặc chán ghét lẽ tử sanh mà chôn niềm giải thoát. Hoặc mê muội nghĩa chân không mà chấp nhận trước quả, hoặc không biết lý thật tế nên thích Phật chán ma. Hoặc ưa tùy nghi thuyết pháp mà lấy văn tự làm lẽ thiên chơn, hoặc quên âm thanh thật tướng mà lìa ngữ ngôn để cầu tịch mặc. Hoặc chủ trương thừa giáo mà chán bỏ định tự tánh, hoặc hoằng hóa quán thiền mà bài xích giáo liễu nghĩa. Hoặc chuộng sự kỳ đặc mà chỉ chú trọng thoát thân nên lại rơi vào biển thức, hoặc ưa sự tịnh khiết mà chuyên truy cầu huyền mật để rồi đọa lại cõi âm. Hoặc khởi tri giải thù thắn g mà khoét thịt làm ung, hoặc trụ bản tánh thanh tịnh nên chấp thuốc thành bệnh. Hoặc tìm tòi văn nghĩa mà uống nước sông khách, hoặc lặng lẽ nhàn cư mà ngồi chốn pháp trần. Hoặc khởi tâm hữu đắc mà lạm bàn vô tướng Đại thừa, hoặc vận tưởng độ sanh mà dò vật ngoại huyền chỉ. Hoặc bỏ kiến giải thuyết khởi tuyệt ngôn, hoặc giữ huyền cơ thuyên chiêu chấp chỉ. Hoặc nhận sự động dụng mà ở trong cội nguồn sanh diệt, hoặc chuyên việc kí ức mà trong bến bờ thất tưởng. Hoặc an bài làm mất huệ tánh Viên giác, hoặc mặc nhiên làm thiếu pháp môn nhập đạo. Hoặc khởi thân tâm tinh tấn làm ngưng trệ ở pháp hữu vi, hoặc giữ thiên chân vô sự khiến đắm chìm trong cõi huệ phược. Hoặc chuyên buộc ràng tư niệm để đánh mất chánh thọ, hoặc gắng vô ngại tự tại mà buông bỏ tu hành. Hoặc theo kiết sử mà cậy rằng bản tánh vốn không, hoặc chấp truyền cái mà lầm cho phiền não sẽ đoạn. Hoặc bảo trọng mà sanh pháp ái, hoặc khinh mạn mà hưng chánh nhân. Hoặc mong cầu để trái bản tâm, hoặc thoái đọa nên hành phóng túng. Hoặc hành và giải trái nghịch mà không thực tế, hoặc thể và dụng cách lìa mà trái Phật thừa. Hoặc chấp tịch diệt mà trụ ngoan không làm mất tánh Đại bi, hoặc dứt nhân duyên mà chán giả huyễn làm trái môn pháp nhĩ. Hoặc chấp ngã kiến mà muội nhân không, hoặc đánh hiện lượng mà giữ pháp chấp. Hoặc hiểu mà không tin nên thêm tà kiến, hoặc tin mà không hiểu nên mãi vô minh. Hoặc nói người thì đúng mà pháp thì sai, hoặc khen cảnh là sâu nhưng pháp lại cạn. Hoặc chấp thủ mà mê mờ pháp tánh, hoặc xả ly mà trái nghịch thiên chơn. Hoặc chấp Ly mà trái nghịch nhân, hoặc chấp Tức mà đánh mất quả. Hoặc chấp Phi mà phỉ báng Thật, hoặc chấp Thị mà hủy hoại Quyền. Hoặc ghét vô minh mà nghịch với trí môn bất động, hoặc chán dị cảnh mà hoại đi Tam-muội pháp tánh. Hoặc y theo lý đồng mà khởi tăng thượng mạn, hoặc chê bai tướng biệt mà phá phương tiện môn. Hoặc thị Bồ-đề mà phỉ báng chánh pháp luân, hoặc phi chúng sanh mà hủy hoại chân Phật thể. Hoặc chấp trước trí bản giác mà không có trí huệ phương tiện, hoặc mê mờ tông chân chánh mà chấp thủ pháp môn ứng hóa. Hoặc trệ ngại nơi lý mà chìm đắm trong vực thẳm vô vi, hoặc chấp trước nơi sự mà gieo neo ở lưới dày hư huyễn. Hoặc cắt đứt thiên biên, dứt tuyệt thùy tức mà đi ngược lại pháp môn song chiếu; hoặc bảo trì chánh lý, tồn giữa trung dung mà đánh mất đi ý nghĩa phương tiện. Hoặc mãi huân tập định huệ mà làm tiêu ma mầm đạo cả, hoặc cứ hưng khởi hạnh nguyện mà làm mai một giống Phật chân, hoặc tác hạnh vô tác mà tu Hữu vi Bồ-đề, hoặc trước tâm vô trước mà học Tương tợ Bát nhã. Hoặc chấp tịnh tướng mà không biết tánh thật của cấu, hoặc trụ chánh vị mà làm mất nghĩa không của tục. Hoặc lập bày pháp quán vô tướng để che lấp chân như, hoặc hưng khởi tâm thức liễu tri nên trái nghịch pháp tánh. Hoặc cố giữ lời chân thật rồi sanh ra kiến chấp ngữ ngôn, uống cam lồ chết sớm cũng được; hoặc mê mờ lý viên dung là phát khởi vọng tâm chấp trước, ngậm đề hồ thành độc cũng mong.

Trên đây đã được nêu ra 120 loại kiến giải tà tông, đồng thời nêu ra những sai lầm trái ngược với chỉ thú, mê mờ với chánh tông, đánh mất sự trạm tịch, phản nghịch lý chánh chân, nhấn mắt là thấy hoa đốm giữa hư không, bỏ thật mà bắt bóng mờ dưới ánh sáng. Giống như đập băng lạnh ra tìm lửa nóng, khác nào leo lên cây để bắt cá kình. Như sợ bóng, lánh không, nắm mây, bắt gió. Cây đắng không thể trồng lên quả ngọt, hạt cát làm sao nấu thành hạt cơm. Tất cả đều do không biết dung thông pháp tánh, hòa hợp chỉ quy, không biết phương tiện nên chìm đắm sông mê, chướng ngại bản tâm nên chẳng vào Trung đạo. Thăng trầm lận đận đường mê, thủ xả triền miên bến mộng. Trong cõi vô tâm lại muốn đoạn trừ, ở nơi vô sự lại cầu xả bỏ. Đem pháp Không làm cảnh đắm mê, phản chân trí ôm lòng ngăn ngại. Mãi chạy theo Bát phong điên đảo, khó thoát ra Tứ tế bủa giăng. Rốt cùng không hiểu biết lý tức sanh tử, thường không thấy đạo cả, mê vọng bản chân, không biết Bồ-đề xưa nay hiệp giác. Ánh sáng thường trụ trong cái tối giống như nước chẳng lìa băng; Linh trí thường tồn, diệu dụng của nó vô tận, sao lại cấm niệm tưởng mà cầu trạm tịch, đoạn phiền não mà chứng chân như, vọng tác vọng tu, tự mình khó dễ. Vả lại, ánh linh giác vốn không gì bí mật, Như Lai tàng nhưng thật chẳng phú tàng. Cho nên biết lý viên thường chẳng thiếu, nhưng căn cơ tín giải hiếm hoi; như gom vô biên thân Bồ Tát trên một mũi kim, tợ treo cả núi Tu Di trên đầu sợi tóc. Chỉ e rằng ưa mong cầu pháp lạ mà chẳng biết làm sao, giống như loài mối sứa rẩy run, khác chi lũ giun trùng chui nhủi. Mãn kiếp tìm cầu bên ngoài, trọn ngày ôm hình giữ tướng, không tự trầm tĩnh phản chiếu hồi quang, tìm lại hạt châu trong ưaéo áo, tiếp nối kế thừa gia nghiệp. Chỉ biết tranh cãi hơn thua chuyện hoa đốm lập lòe, rồi lại nhận định đúng sai những bóng mờ chấp chới. Vứt bỏ sự thuần phát mà chạy theo cuồng hoa, chôn lấp những căn nguyên mà tìm cầu chi phái. Đúng là bỏ vàng ròng mà tìm gạch vụn, ném của quý mà giữ củi khô, do vậy bậc trí lo buồn, Thánh hiền ta thán. Tất cả chỉ do chưa đạt đến thật địa, không thấu được bản tâm, sóng thức tràn dâng theo lớp lớp phù kiều, giọt tưởng phan duyên theo hàng hàng xảo ngụy. Biến kế sở chấp hiện bày cảnh vật tợ như ngoại trần, người ngợm rắn rùa phô diễn thế giới tuồng là Không kiến. Không biết rằng vạn pháp vốn vô thể, tất cả vốn vô danh, từ tâm tưởng biến hiện hình hài, nương ngữ ngôn lập thành danh hiệu. Ý thức theo vọng tưởng hưng khởi, lời lẽ tùy động niệm dấy lên. Thực ra vọng tưởng và ý niệm vốn phù hư, cội rễ với ngọn ngành đều huyễn hóa. Do vậy, Tam giới không một vật, vạn hữu vốn rỗng rang, tà chánh như nhau, thiện ác là một. Thế mà, toàn là rao nói nghĩa lý cao siêu, chưa hề phản tỉnh tìm về nguồn cội, ở ngay xứ sở vô tâm mà bày đặt dị đồng, trụ tại cõi bờ nhất thể mà phân chia ly hợp. Một khi phân biệt tự tha, mãi mãi theo dòng thuận nghịch, để rồi lao đao với đầu mối đấu tranh, lận đận nơi ngọn ngành hoặc nghiệp, thêu dệt chất chồng mành lưới thị phi, phong tỏa kín bưng tường thành tắng ái. Xem cảnh vật trong tấm gương rồi phân biệt ngay gian, nghe tiếng vang nơi hang động rồi tự nhiên mừng giận, trách móc tâm hạnh của hóa nhân, bảo vệ ngục tù của huyễn vật. Múc nước sôi nghĩ rằng đổ đầy thùng rỗng đáy, chẻ hoa đốm mà chẻ đất khối ngoan thạch. Năng sở rỗng rang vắng lặng, sự lý hết thảy đều không. Đã tạo cái nhân mê lầm thì sẽ bị cái quả hư huyễn. Muốn biết rõ diệu lý thì chỉ quán cái tâm này, bao nghiệp quả hằng sa, trong nhất niệm quán thông tức hết thảy tiêu trừ, sự tăm tối ngàn năm, một ngọn đèn chiếu đến là có thể xua tan. Tự nhiên không lập danh tướng, giải hoặc tịch nhiên, làm gì có một vật trụ trong tình thức phân biệt đúng sai, đâu thể có vạn cảnh tạo nên thế giới nhị nguyên đối đãi. Nắm giữ hay buông bỏ đều chôn vùi, chuyện thị hay chuyện phi cũng thông suốt, mọi sự mê mờ tiêu tan, tất cả hoát nhiên thanh tịnh. Đâu đâu chẳng phải cảnh giới Bất tư nghì giải thoát, chốn chốn đều là xứ sở Đại tịch diệt đạo tràng. Mắt thấy tai nghe đều dứt, thân tâm chẳng gửi vào đâu. Tùy duyên mà di dưỡng chân tánh, tùy xứ mà ngày tháng tiêu dao, như thuyền nan lướt sóng khơi vơi, tợ cánh nhạn đằng vân phất phới. Tung hoành phóng khoáng, thả bước ngao du, ngỏ cùng hàng hậu bối hiền nhân, chỉ tuân theo con đường này duy nhất. Nếu nghe rồi mà không tin thì vẫn còn kết duyên cùng Phật Thánh, nếu tu rồi mà không chứng thì vẫn còn phước báo cõi nhân thiên. Trên đây là thuật lại ý của vạn quyển thiên kinh, sự tuyên thuyết của mười phương chư Phật, chứ bản thân tôi đâu dám khinh suất mà tùy tiện nói ra. Ngưỡng mong chư vị lắng nghe lòng nhã giám!

Mạnh Đông năm Mậu Dần

Hậu học Thích Nguyên Hiền

Thành kính chuyển ngữ