Tháng 10, mùa đông gõ cửa. Phía bắc Tổ quốc nghe nói là có rét, người ta đội rét đi chơi bằng áo ấm, bằng những xúm xuýt bên nhau trong cái lạnh vốn thường xuất hiện ở nơi này.
Lạnh, đối với nhiều du khách nơi Âu châu hay đến từ phương Nam nắng gió là một dịp để thưởng thức, để chụp và se sua những tấm hình. Nhưng, đối với nhiều người là nỗi lo. Nhất là lo về những đợt rét đậm, rét hại làm cả người và vật đều co ro, nhiều khi chết cóng. Mùa màng thất bát và cái đói cận kề là lẽ đương nhiên. Mùa đông cũng là mùa âu lo bởi vì như thế đó.
Mùa đông gõ cửa. Nơi miền Trung xa xôi, những cơn bão dồn, những đợt nước lên và lũ cuốn chìm nghiễm những ngôi nhà. Tháng mười chưa cười đã tối. Nỗi nhớ những cơn mưa dai dẳng quê nhà. Mưa thối đất thối cát, nước ngầm trào lên trên mặt đất. Những đôi chân lấm lem thời tuổi thơ có dịp hiện về vẹn nguyên bằng màu xám xịt của ký ức. Và cả đôi chân lở loét vì nước ăn của ngoại mình. Đôi chân ấy dãi dầu mưa nắng, lam lũ một đời để cho mình đôi chân vững chãi, bước vào đời rộng thênh thang mà ngày về chưa kịp báo ân thì người đã đi xa.
Ngày kỷ niệm ngoại mình tạm biệt mình đi cũng độ tháng 10, rưng rưng, se sắt, nuốt nước mắt để niệm hồng danh Phật, nhưng ai có thể giấu cảm xúc hoài được. Ngày đưa ngoại ra khu nghĩa địa phía sau nhà, hai má con khóc nghẹn trước bao người…
Tháng 10, nỗi nhớ mùa đông với những khe khẽ chuyển mùa, những cơn gió mùa đông bắc ấy se lòng những đứa con xa xứ. Không chỉ nhớ người thân mà còn nhớ đất và người nơi mình đi qua, với những ấm áp dâng tràn.
Sài Gòn không có mùa đông. Cái lạnh khả dĩ chỉ đến vào mấy ngày cuối năm. Nhưng mưa nhiều và bất chợt là đặc sản của đất phương Nam hào sảng này. Nên, mưa Sài Gòn có khi cũng làm mình mênh mang về chốn quê nhà, những cơn mưa tháng 10 ướt chèm nhem vì áo mưa chỗ lành, chỗ lủng. Đội mưa đến trường kiếm tìm con chữ và gieo ước mơ một mai cao lớn, đi khỏi làng và trở về phụng sự… Đó có lẽ là niềm mơ của bao học trò nghèo, nên nghe ai đó nhắc về những hình ảnh học trò nghèo, rồi vận động quyên góp áo mưa để “chia sẻ đến trường” thì nhiều người dễ mở lòng, móc túi bao dung…
Tháng 10. Gọi về cho mẹ, mẹ nói hồi đó mẹ sanh con, vượt cạn một mình. Mình lớn lên bằng tình thương của mẹ và bắt đầu từ sự “giới thiệu” của mẹ để mình có mặt trên cuộc đời. Phật dạy “thân người khó được” nên được thân người mà lành lặn, lại được mẹ trao truyền yêu thương, dắt tới chùa để mình biết Phật pháp, hiểu nhân quả mà sống, mà tu tập là cái phước, cái ơn lớn. Phải giữ gìn, phải trân quý thân này, yêu thương và biết ơn người đã đớn đau sanh mình ra, nhẫn nhục cưu mang và nuôi mình lớn, là mẹ, đó cũng là sống theo lời Phật dạy. Chẳng phải hạnh hiếu, tâm hiếu là hạnh Phật, là tâm Phật là gì?
Cái cốt lõi làm người mẹ dạy đó là tình thương và sự chia sẻ. Tháng 10, ai đó bảo mừng sinh nhật, mình bảo, kỷ niệm mẹ sanh ta, ngày mà có lần mình nghe thầy dạy là ngày mẫu thân nạn. Vui không? Vui. Nhưng vui không quá trớn, bởi phải dành dụm, chắc chiu để làm một điều gì đó tri ân mẹ.
Quà tặng đôi khi không phải là những món đồ mua bằng vật chất, mà bằng cách mình sống, tử tế với mình, với người. Phật dạy mình kỹ lắm, thương mình cũng là thương người. Biết ơn và báo ơn theo lời Phật dạy chính là như thế đó, giản dị, gần gũi, mà có lúc mình quên mất, nên cứ sống xấu đi, cứ quằn quại kiếm tìm những hư ảo, giả tạm một cách điên cuồng. Và khổ, rồi làm khổ lây những người mình thương yêu, đáng kính.
Tuổi mới là già đi thêm, là tiến về phía của hoại diệt gần hơn, dẫu biết vô thường luôn luôn, trong từng sát-na đó. Nhưng, già thêm cũng có nghĩa là hãy chững chạc, đàng hoàng, nghiêm túc hơn; cũng là trân quý phút giây được làm người này mà gạn đục khơi trong, mà buông bớt những não phiền, đừng nắm níu quá nhiều những cái thuộc về thế gian nữa. Nghĩ thế đó, nhưng để đi tới bến bờ của ý nghĩ đó, rồi đi tiếp, đi xa thì chắc cần phải tinh tấn, vững chãi nhiều hơn; cũng là cần những bàn tay nâng đỡ của những bậc thầy khả kính quanh mình nữa…
L.Đ.L