Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 27th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Cửa Sổ Và Nhà

Cửa Sổ Và Nhà

Email In PDF

Quyển sách mở ra khung cửa sổ - khung bằng gỗ, hai cánh cửa bằng kính, dù đóng lại vẫn mở ra khung cảnh bên ngoài căn nhà. Từ trang đầu tới trang cuối chỉ là hình của một cửa sổ ấy thôi, trang chẵn là cánh cửa sổ bên trái, trang lẻ là cánh cửa sổ bên phải, lật bất cứ trang nào cũng vậy. Chỉ vài chục trang sách và không một chữ nào. Chỉ một khung cửa sổvà câu chuyện diễn ra hai mươi mấy năm. Tác giả, Jeannie Baker, đã sáng tạo những bức tranh bằng vật liệu trong tự nhiên, sau đó chụp lại và in ra dưới dạng sách trên giấy. Một quyển tên là “Cửa sổ”, một quyển gọi là “Nhà”, cả hai đều kể chuyện từ trong khung cửa sổ.

Câu chuyện thứ nhứt, “Cửa sổ”, bắt đầu bằng hình ảnh một người mẹ bồng đứa con trai sơ sinh nhìn ra ngoài cửa sổ: mảnh sân sau nhà đầy cỏ dại, một con mèo đang rình rập bên một cái chòi gỗ cũ kỹ, xa xa là rừng cây, đồi núi xanh rì, có con kănguru đang chạy trên đồng vắng, có đàn chim cánh trắng đang bay giữa bầu trời xanh trong. Cảnh trí này có thể là bất cứ đâu, nhưng con kănguru giúp người ta biết đây là châu Úc mới mẻ.

Lật trang sách tiếp theo, vẫn khung cửa sổ ấy, mở hé ra không gian mùa Hạ, mảnh vườn sau đã ít nhiều thuần hóa với một vạt đất được cày xới, đã sinh động với đứa bé khoảng hai tuổi đang vọc cát bên người mẹ bận bịu phơi áo quần. Vẫn còn đồi núi xanh rì bao quanh, vườn cây bên hàng xóm đang có trái. Mỗi trang sách lật qua, một khoảng thời gian trung bình hai năm trôi qua, câu bé lớn dần với sự thay đổi không gian bên ngoài cửa sổ.

Ban đầu một cái nhà mọc lên giữa bãi đất trống. Rồi một cụm nhà hiện lên ở xa xa. Một cái làng được hình thành. Nhà cửa đông đúc dần, cuộc sống nhộn nhịp hơn. Một thành phố đã định hình, có cao ốc ngất nghểu, xe cộ như mắc cửi, mảnh sân sau không còn vườn rau, biến thành bãi đậu ba chiếc xe hơi. Cậu bé đã trưởng thành, khoảng hai mươi hai tuổi, cưới vợ. Rồi có con. Gia đình nhỏ này dọn đến một chỗ ở khác. Trên trang sách cuối cùng là một khung cửa sổ khác, nhưng cảnh trí lại giống y bức tranh đầu tiên: người cha bồng đứa con sơ sinh nhìn ra một khu vườn còn um tùm cây cỏ, với nhiều cây cỏ hơn nữa trải xa tận chân trời.

Nếu thay con kănguru giữa đồng bằng con trâu với một người đội nón lá thì câu chuyện không còn là lịch sử một thành phố ở Úc, mà là chuyện đang diễn ra ở Việt Nam. Có ai đã tính xem trong vòng hai thập niên qua có bao nhiêu đô thị đã hình thành trên đất nước mình? Chắc chắn có một thế hệ người Việt trẻ đã trưởng thành trong cuộc biển dâu, chứng kiến từng ngày sự thay đổi của môi trường quanh mình. Hiện tại chưa kịp là quá khứ thì đã bị xóa mất. Và quá khứ thì dường như không hề tồn tại. Hình ảnh “chim kêu vượn hú” hay “ông voi bẻ mía” là chuyện cổ tích đã đành, mà con trâu, cây bần, bụi sim, thậm chí một giàn mướp, một bến nước, một cánh cò… đều là hình ảnh của hoài niệm xa xăm.

Hai thập niên trước, khi quyển sách nhỏ “Cửa sổ” xuất bản, người ta đã lo là với tốc độ đô thị hóa như lúc đó thì đến năm 2020 trên trái đất sẽ chẳng còn không gian thiên nhiên nào, ngoại trừ khu bảo tồn hay vườn quốc gia. Nay mới là 2012 mà điều đó đã là thực tế rồi, thậm chí khu bảo tồn và vườn quốc gia ở xứ mình cũng đã bị xén đầu này lẹm đầu kia lủng ở giữa. Ở xứ còn đất rộng như Úc, nhân vật trong “Cửa sổ” còn có lựa chọn rời bỏ đô thị, tìm đến một nơi thôn dã khác, để cho con cái mình được lớn lên giữa thiên nhiên. Mặc dù hành động đó không hề bảo đảm rằng thiên nhiên chung quanh thế hệ mới sẽ được bảo tồn.

Làm thế nào? Đô thị hóa là xu hướng không cách nào tránh được trong hiện tại và tương lai của loài người trên trái đất. Thực tình, tuy tôi yêu thiên nhiên nhưng cũng thấy cuộc sống cách biệt nơi hoang vu không thú vị bằng cuộc sống nơi đô thị. Loài người ưa sống quần tụ đã đành, văn minh xã hội loài người cơ bản được dựng trên nền tảng cộng đồng. Một đứa trẻ chỉ có thể phát triển toàn vẹn trong một cộng đồng thân thiện văn minh. Con người cũng giỏi thích nghi và biết sáng tạo. Khi một thế hệ mới chào đời trong đô thị nhếch nhác, và không có lựa chọn nào khác hơn chấp nhận nơi đó là nhà, thì sao?

Câu chuyện trong cuốn “Nhà” cũng nhìn ra một thế giới từ cửa sổ. Trong bức tranh đầu tiên, qua khung cửa sổ là một góc đô thị toàn nhà cửa chen chúc lô xô, những cái chiếm được mặt tiền trương bảng hiệu to đùng, những cái kẹt trong hẻm xập xệ những tường vỡ, lem luốc những hình vẽ bậy bạ, chân trời là những cao ốc lởm chởm, ống khói nhà máy phun lên nền trời đùng đục những cuộn khói xám, cần cẩu vươn trên những tòa nhà chọc trời đang xây. Đâu đâu cũng một màu trắng xám: sân bê tông, tường, mặt đường nhựa, bầu trời… Và nổi bật trên cái màu nền nhạt nhẽo ấy là những bức quảng cáo khổng lồ màu sắc rực rỡ như vàng, đỏ. Nào là Coca-Cola, nào là Pizza-Hut. Đó là một thành phố Úc hay Mỹ, hay Anh hay Ấn? Bất cứ thành phố nào. Ở bất cứ nơi đâu. Tất cả đều có những đặc điểm như nhau. Hoặc không có đặc điểm gì cả.

Cận cảnh là mảnh sân đúc bê tông nứt nẻ của ngôi nhà có cái cổng nhỏ mở ra một con hẻm đối diện một bãi sửa xe. Một người ngồi gục đầu vào bức tường, một bà ngã sóng xoãi bên đường, cách mấy bước là một gã trượt pa-te tỉnh bơ (có thể nó quẹt bà già ngã). Những chi tiết khác như hàng rào xộc xệch, cây phơi quần áo, vết loang lỗ trên bức tường tòa nhà chung cư… nhấn đậm thêm cảm tưởng về một khu dân cư cấp thấp, một nơi mà đô thị nào cũng có, một nơi người ta ở một cách bất đắc dĩ, vì không có chọn lựa nào khác. Trong bối cảnh đó một em bé chào đời.

Trang sách được lật qua, em bé giờ khoảng hai tuổi và trời đang vào hạ. Em bé ngồi vọc nước trong cái chậu đặt ở trong sân. Thãm cỏ xanh đã thay cho sàn bê tông. Người cha đang cầm vòi tưới nước. Ngoài ra, toàn cảnh thành phố gần như cũ, điểm khác là nhiều tòa cao ốc được xây thêm trên đường chân trời. Lật tiếp trang sách, em bé bốn tuổi chơi nhà chòi trong sân, bức rào xộc xệch rỉ sét đã được thay bằng một hàng rào gỗ xinh xắn. Phố xá vẫn vậy, những bảng hiệu thay đổi để báo cho thiên hạ biết sự đổi thay chủ sở hữu. Căn nhà ở góc phố dựng bảng “cho thuê”. Coca-Cola và Pizza-Hut vẫn nằm chình ình giữa trời.

Sự thay đổi ở từng trang sách, qua khung cửa sổ, từ mảnh sân con nhà mình, rồi đến hàng xóm láng giềng (bức tường gạch vỡ được phá đi xây lại, một ít cây cỏ được trồng.) Cô bé lớn lên và tham gia với hàng xóm cùng tạo ra sự thay đổi. Mỗi trang sách (cách khoảng hai năm) chỉ thể hiện một sự thay đổi nhỏ. Bãi sửa xe được dân xóm hè nhau biến thành một công viên nho nhỏ. Đường hẻm cấm xe lớn chạy vào trở thành nơi diễn ra cuộc sống cộng đồng của dân chúng, trẻ con chơi đùa, người lớn bắc ghế ngồi tán gẫu. Ở trang gần cuối sách, đường phố đã có nhiều cây xanh, các bảng quảng cáo biến mất. Và trang cuối cùng là một bức tranh mơ mộng: trong khung cảnh thành phố hiện đại vẫn xanh tươi xây cỏ, phố xá sạch sẽ, cửa sổ chung cư không phơi quần jeans mà trồng hoa cỏ trong chậu, hàng rào giữa các nhà biến mất, và trong mảnh sân nhỏ, cô gái giăng võng nằm ngắm trời xanh ngăn ngắt.

“Cửa sổ” và “Nhà” là hai cuốn sách hoàn toàn bằng hình, không kèm lời thuyết minh nào. Tôi “đọc” bằng ngắm nhìn từng chi tiết và tưởng tượng. Có gì khiến cho trí tưởng tượng của mình bay bỗng bằng khung cửa sổ?

Lý Lan