Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Nov 22nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm

Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm

Email In PDF

Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm

Thích Nguyên Hiền

Khi nghe bài nhạc “Đạo Ca” của Phạm Duy và Phạm Thiên Thư, chúng ta mới cảm nhận được tín ngưỡng Quán Thế Âm đã đi vào hơi thở dân tộc sâu đậm như thế nào. “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng, có bà mẹ đi tìm con trong động hoa lan vàng, có bà mẹ đã thành thơ, hơi mẹ hóa thành hơi thở bốn mùa ...”

Thật vậy ! Hình ảnh Quán Thế Âm đã trở thành huyền thoại đi suốt tự tình dân tộc, thấm dần vào tuồng tích, kịch nghệ, thi ca, hội họa, âm nhạc, v.v... Nếu bảo rằng văn hóa dân gian Việt Nam là văn hóa Phật giáo thì không còn nghi ngờ gì nữa. Hình tượng mẹ hiền Quan Âm là hình tượng đẹp nhất trong những ý niệm hướng về sự thanh cao, hiền dịu. Đứng trên bình diện mỹ học, Quán Thế Âm đã trở thành một chuẩn mực cho nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam vươn tới sự hoàn thiện. Trong lĩnh vực đời sống, con người Việt Nam lấy Ngài làm chỗ dựa tinh thần, như đứa con nương vào lòng mẹ, từ đó được huân tập dần nếp sống từ bi hỉ xả, nhẫn nhục và vị tha.

Đâu đâu trên đất nước cũng có hình tượng của Ngài, giữa ngọn đèo cao nguy hiểm hay bên bờ biển sóng ghềnh, Ngài là hiện thân của sự an lành, bình lặng. Sự hiện diện của Ngài tạo ra một nét văn hóa cực kỳ thuần hậu, điều đó hẳn không ai dám phủ nhận. Thế nhưng hiểu Ngãi một cách rõ ràng, tín ngưỡng này bắt đầu từ đâu, diễn biến như thế nào, hạnh nguyện ra sao ... thì chưa được người Việt Nam am tường lắm. Phạm vi bài viết này cũng chỉ là tìm hiểu sơ lược về Quán Thế Âm, còn ảnh hưởng của Ngài đến từng lĩnh vực tín ngưỡng, nghệ thuật và đời sống thì đề tài quá rộng, sẽ tìm hiểu ở một bài viết khác.

I. DANH HIỆU:

Từ ngữ Quán Thế Âm hẳn nhiên là bắt nguồn từ kinh điển Phật giáo, xuất phát từ Ấn Độ. Tiếng Phạn là Avalokitésvara (Hán âm: A-phược-lộ-chỉ-để-thấp-phạt-la). Ngài có rất nhiều biệt danh, như Quán Tự Tại Bồ Tát, Quán Thế Tự Tại Bồ Tát, Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát, Hiện Âm Bồ Tát, Cứu Thế Bồ Tát, Liên Hoa Thủ Bồ Tát, Viên Thông Đại Sĩ, v.v...). Ngoài ra, Ngài còn có một tên tiếng Phạn nữa là Àryàvalokitesvara (Hán âm: A-lại-đa-bạt-lô-chỉ-để-phước-thiệt-la) nghĩa là Thánh Quán Thế Âm, vị Bồ Tát lấy lòng từ bi cứu độ chúng sanh làm bản nguyện.

Khác với một số danh hiệu khác trong kinh điển Phật Giáo, người Trung Hoa đã không xưng danh hiệu vị Bồ Tát này theo lối phiên âm từ tiếng Phạn như Xá Lợi Phất (Satiputta), Mục Kiền Liên mà từ nơi nghĩa của chữ Phạn, họ dịch ý danh hiệu này là Quán Thế Âm, do đó danh hiệu Quán Thế Âm lại hoàn toàn mang tính cách Trung Hoa.

Khi viết danh hiệu Ngài bằng Hán tự, ngoài chữ nghĩa của nó, chúng ta thấy có ý nghĩa đặc biệt khi chiết tự Quán nghĩa là quan sát, xem xét. Thế là thế gian và Âm là âm thanh, tiếng động. Chữ Quán gồm có đủ bộ thủ Kiến (thấy), bộ thủ thảo (cây cỏ), hai bộ khẩu (miệng) và bộ Chủy (chim chóc). Thảo là loài cây cỏ, thực vật, danh từ nhà Phật gọi là loài vô tình. Bộ khẩu tượng trưng cho con người, loài động vật thượng đẳng, bộ chủy là loài chim chóc, tượng trưng cho loài động vật hạ đẳng. Ba bộ thủ này đủ tượng trưng cho cả loài hữu tình và vô tình, hai bộ khẩu là chỉ cho Tự và Tha, đại diện cho toàn thể thế gian vũ trụ. Như vậy, phàm người nào nghe thấy tất cả tiếng kêu đau khổ của thế gian rồi đem lòng từ bi tế độ thì đó là Quán Thế Âm.

Từ nghĩa này, Quán Thế Âm vừa là danh từ chung, vừa là danh từ riêng. Danh từ riêng là chỉ vị bồ tát nhờ tu hành mà thành Phật, hiện thân để hóa độ chúng sanh. Danh từ chung tức chỉ cho bất cứ ai hễ nghe tiếng kêu đau khổ của chúng sanh là liền đến cứu độ. Đây là ý nghĩa nhân bản đặc thù của Phật giáo. Tất cả mọi người trong chúng ta, ai cũng có thể là Quán Thế Âm, nếu thực hành đúng theo công hạnh của Ngài.

Ngoài ra, tùy theo hình tượng, trụ xứ, biệt hạnh mà Đức Quán Âm có những tên gọi khác như Quán Âm Tử Trúc, Quán Âm Thập Nhất Diện, Quán Âm Tiêu Diện, Quán Âm Thị Kính ...

II. TRỤ XỨ:

Bồ Tát Quán Thế Âm lập thệ nguyện rộng lớn hóa độ tất cả chúng sanh, bất cứ nơi nào có tiếng kêu đau khổ của chúng sanh là Ngài liền đến cứu độ. Vì thế, tìm hiểu trụ xứ của Quán Thế Âm thật là điều thiên nan vạn nan. Chúng ta có thể hiểu một cách rộng rãi rằng nơi nào có Đức Quán Thế Âm thị hiện thì đó là trụ xứ của Ngài.

Trong bài viết này, chúng ta có thể tìm hiểu trụ xứ của bồ tát qua nhiều kinh luận khác nhau, hẳn không phải là để xác định trụ xứ của Ngài mà là hiển thị đức tự tại của Ngài siêu việt cả thời gian và không gian.

Theo kinh Đại A Di Đà quyển thượng, kinh Vô Lượng thọ (quyển hạ), kinh Quán Thế Âm Thọ Ký (quyển trung), Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Bồ Tát Đại Thế Chí là hai vị hiển thị (hầu hai bên) Đức Phật A Di Đà, thường trụ tại thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Như vậy, Tịnh Độ ở Tây Phương là trụ xứ của Bồ Tát. Ngài trụ ở đây thực hiện lời nguyện thứ 11 tiếp dẫn chúng sanh về thế giới cực lạc. Mật giáo cũng cho rằng vị bồ tát này là hiếp thị của Đức Phật A Di Đà, đồng thời còn cho rằng Quán Thế Âm và A Di Đà vốn là Nhân và Quả khác nhau. Bản giác của hai Ngài chính là Phật Vô Lượng Thọ, nhưng do bản thệ nên hiện ra hình tượng bồ tát đại bi. Mật giáo cũng an lập Quán Thế Âm bồ tát ngự ở Mạn Đà La thai tạng giới, ở viện Trung Đài Bát Diệp (hoa sen tám cánh), viện Quán Âm, viện Biến Tri, viện Thích Ca, viện Văn Thù, viện Hư Không Tạng, viện Tô Tất Địa v.v... Thang Kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương và Kinh Thanh Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền Đà-La-Ni thì cho rằng Quán Thế Âm là hiếp thị của Đức Thích Ca. Nhưng dù là hiếp thị của Phật nào thì Quán Âm vẫn tượng trưng hạnh từ bi, ngự phía bên phải, Văn Thù và Thế Trí chủ về trí, ngự về phía bên trái.

Theo kinh Tân Hoa Nghiêm (quyển 68), Bồ Tát Quán Thế Âm trụ tại núi Phổ Đà (Phạn: Potalaca), nằm ở bờ biển Nam Hải, Ấn Độ, tức là phía Đông của núi Malaya. Theo Đại Đường Tây Vực Ký (quyển 10) của pháp sư Huyền Trang, đỉnh núi này có ao nước trong vắt, chảy ra sông lớn, vòng quanh núi rồi vào Nam Hải, bên cạnh ao có Thạch Thiên Cung, là nơi Bồ Tát Quán Thế Âm tự tại thường lui tới, người nào muốn gặp Bồ Tát phải phát nguyện lớn, lội núi trèo non, quên sự gian nan nguy hiểm mới mong đến được.

Vì Phổ-đà-lạc-sơn linh địa cư trú của Quán Thế Âm nên có rất nhiều nơi mang địa danh này, như núi Phổ Đà ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), chùa Phổ Đà Lạc ở Na Trí (Nhật Bản), tương truyền có nhiều sự tích linh nghiệm ở các địa danh này.

Ở Việt Nam, tương truyền Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện và trụ tại Động Hương Tích, Hương Sơn. Tại Động Quan Âm ở Kim Sơn thuộc Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, cũng có nhiều tích nói về sự thị hiện của vị Bồ tát này.

Tóm lại, ở bất cứ nơi đâu có tín ngưỡng Quán Thế Âm đều là trụ xứ của Ngài Bồ Tát, Ngài thị hiện nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo sở nguyện, cơ duyên mà hóa độ.

III. HÌNH TƯỢNG:

Sự ứng hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm là vô biên nên hình tượng của Ngài cũng vô lượng. Chúng ta thường được biết Ngài qua hình tượng hai tay, đó là bản hình, còn mọi hình tượng khác đều là thị hiện. Quán Âm Nhất thủ (một đầu), Tam thủ (ba đầu), Ngũ thủ, ... Thiên thủ, Vạn thủ, Bát vạn Tứ Thiên Thước Ca La thủ; hoặc 2 tay, 4 tay cho đến vạn tay, 8 vạn 4 ngàn Mẫu-đà-la cánh tay; hoặc 2 mắt, 3 mắt cho đến 8 vạn 4 ngàn Thanh Tịnh Bảo con mắt. Hóa tướng của Ngài có Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập Nhất Diện, Chuẩn Đề, Như Ý Luân, Bất Không Quyên Sách, Thanh Hạng, Hương Vương, A-ma-lai, v.v... Trong Mật giáo, tùy theo mỗi hình tượng nào làm bản tôn thì có một Nghi Quỹ riêng về pháp tu ấy. Ngoài ra, trong kinh Bất không Quyên sách Thần Biến Chân Ngôn còn nêu thêm Từ Diện Đại Bi Quán Âm, Trừ Bát Nạn Thiên Quán Âm, Phiên-noa-mục-khư Quán Âm, Đại Phạm Thân Tướng Quán Âm, Căng Bản Liên Hoa Đảnh Quán Âm, Quản Đại Minh Vương Anh Câu Xá Quán Âm v.v... Ngoài ra, Ma Ha Chỉ Quán (quyển 2) nêu ra Lục Quán Âm, Chư Quán Âm không dựa trên nền tảng kinh điển mà có là do những hình phát sanh từ tín ngưỡng dân gian hỗn hợp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa (quyển 7), Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện chủng hình tượng, hễ nên hiện thân nào để thị hiện chủng hình tượng, hễ nên hiện thân nào để dễ độ cho đương cơ thì Ngài hiện thân ấy từ Bích Chi Phật, Đế Thích, Phạm Vương, tự tại thiên, tiểu vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn, phụ nữ, rồng, dạ xoa, càn-thác-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhơn, Phi nhơn v.v...

Ở Việt Nam, hình tượng được truyền tụng nhất trong văn học là Quan Âm Thị Kính, hiện thân phụ nữ, giả làm nam nhi vào chùa tu hành. Quan Âm Tử Trúc đứng dưới tàn tre màu tía, phía sau có đồng tử theo hầu, rẽ làn nước đi tới. Gần đây có nhiều hình tượng Quan Âm đứng trên đầu rồng hoặc ngồi trên đài sen v.v... Hình tượng Diệm Nhiên Đại Sĩ, tức Ngài Tiêu Diện thường thờ ở bên phải trước mỗi chùa chính là Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện thân tướng dữ dằn, đầu đội 3 hòn núi, trong miệng phóng ra lửa để hàng phục quỷ dữ ở địa ngục. Trong các hình tượng Mật giáo thì Quán Âm có nhiều tay, mỗi tay cầm một vật như nhật, nguyệt, bảo, châu, quyển sách, thước bảng, chày Kim Cang v.v... Trong bài này, chúng ta chỉ đề cập đến hình tượng thường thấy nhất trong văn hóa Việt Nam, đó là hình ảnh Ngài một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương liễu đứng trên tòa sen. Trong Phật giáo, ngọn lửa thường được tượng trưng cho trí tuệ, nước thường được tượng trưng cho từ bi tam muội, nên bình cam lồ trên tay Bồ Tát là biểu hiện lòng từ bi của Ngài. Dương liễu là một loại cây mềm dẻo, biết uyển chuyển uốn mình theo gió, khi gió lặng thì trở về nguyên vị, do đó nhành dương liễu trên tay Bồ Tát là tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục, nhẫn nhục Bà-la-mật, một trong Lục Độ của Bồ Tát. Truyện Quán Thế Âm Thị Kính là câu chuyện thuần túy Việt Nam hiển bày 2 đức từ bi và nhẫn nhục này.

Trong quá trình tu chứng của một hành giả, khi vào được quả Dự Lưu (dự vào dòng Thánh), tức quá Tu-đa-hoàn (quả vị đầu tiên trong hàng Thánh) thì vĩnh viễn không còn mang thân người nữ nữa. Quán Thế Âm đã vượt qua các giai đoạn tu hành từ thấp đến cao, ở trong hàng Bồ Tát Thập Địa thế sao lại còn mang thân người nữ ? Kỳ thực, hình ảnh của người phụ nữ là hình ảnh hiền dịu, với đức tính mẫu thân, từ bi hỉ xả, che chở và bao dung. Chính vì mẹ là hình ảnh gần gũi nhất đối với chúng sanh nên tuyệt nhiên không hề có khái niệm “Phật Bà” trong Phật giáo. Phật Bà chỉ là tín ngưỡng dân gian.

Phạm vi bài viết không cho phép chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về từng hình ảnh của Ngài như bảo quan (mão), hoa sen, dải áo v.v... nhưng chính đáng hơn hết vẫn là nhành dương và thanh bình tịnh thủy với những ý chính như trên, chúng ta tạm bằng lòng để bước sang tìm hiểu một vài lãnh vực khác.

IV. HẠNH NGUYỆN VÀ PHÁP TU:

Nếu Đức Phật Di Đà phát 48 lời nguyện, Đức Dược Sư phát 12 lời nguyện, Ngài Phổ Hiền phát 10 đại nguyện, Quán Thế Âm cũng phát 12 lời thệ nguyện. Kỳ thực, lời thệ nguyện nào cũng vô lượng vô biên, siêu bách cú, tuyệt bách phi, và vị nào cũng nguyện ở lại độ hết tất cả chúng sanh rồi mới nhập Vô Dư Niết Bàn. Nhưng mỗi vị đều có những lời nguyện khác nhau để hiển thị cái đức thù thắng đặc biệt của mình. Cái thù thắng của Ngài Địa Tạng là ở cõi địa ngục, thì sự thù thắng của Đức Quán Thế Âm là ở cõi Ta-bà này.

Mười hai đại nguyện của Ngài Quán Thế Âm:

  1. Hiệu Viên Thông, Danh tự tại, Phát khởi thệ nguyện rộng lớn vô cùng tận.
  2. Một niệm tâm không quán ngại, thường trụ ở Nam Hải
  3. Trụ cõi ta-bà và cõi u-minh, tìm tiếng kêu đau để cứu độ
  4. Hàng phục tà ma, diệt trừ yêu quái, hay trừ bỏ ách nạn nguy hiểm để cứu chúng sanh
  5. Dùng nhành dương liễu, nhúng nước cam lồ rưới mát tâm của chúng sanh
  6. Đại từ bi, đại hỷ xả, thường thực hành lòng chân từ, bình đẳng
  7. Sớm tối không hề tổn hoại, luôn diệt bỏ cái khổ ở ba đường ác
  8. Giải thoát mọi ngăn che, trói buộc của chúng sanh
  9. Làm chiếc thuyền pháp đi suốt trong bể khổ, độ tận chúng sanh
  10. Dùng tràng phan, bảo cái tiếp dẫn chúng sanh về cõi tây phương
  11. Được Đức Phật Di Đà Thọ ký ở cảnh giới vô thượng thọ
  12. Thân tướng trang nghiêm không gì sánh bằng, tu 12 đại nguyện

Trong Phổ Môn nói rất tỉ mỉ về những hạnh nguyện của Ngài, dù gặp nước lớn, lửa dữ hay tai nạn, hành hung, ách khổ hễ niệm danh hiệu Ngài thì liền thoát khỏi. Ở đây chúng ta phải hiểu những vấn đề đó trên hai bình diện: Ý nghĩa thực tế và ý nghĩa tượng trưng. Về thực tế, sự linh ứng của Ngài đã được đông đảo mọi người tin thờ, hình tượng của Ngài được tôn trí khắp từ trong nhà, trên xe khách, những nơi hiểm trở, ngoài vấn đề siêu nhiên, vượt quá sự hiểu biết của người thường, thì vẫn còn một vấn đề tế nhị là tâm lý, khi niệm danh hiệu Ngài thì tự nhiên thấy an ổn. Về ý nghĩa tượng trưng thì ta lấy một vài ví dụ điển hình. Lửa tượng trưng cho lòng sân hận, nước tượng trưng cho tham dục v.v... Khi tham sân si khởi dậy niệm danh hiệu Ngài thì có thể vượt qua khổ ách đó.

Theo sử tích nói về Đức Quán Thế Âm từ một kiếp xa xưa, thời Đức Phật Bảo Tạng, Ngài là một vương tử của đức Vua Vô Tránh Niệm, cảm nhận được nỗi khổ triền miên trong tam giới nên Ngài cùng hai anh em theo phụ hoàng đến quy y với Đức Phật Bảo Tạng, đồng thời phát 12 đại nguyện độ khắp chúng sanh.

Từ Chân Đại Sư khai thị rằng: “Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, từ nơi vị Cổ Phật là Quán Âm Như Lai, đắc pháp tu hành”. Trong Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành thâm hậu Bát Nhã Ba La Mật Đa, chiếu thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách. Trong Lục diệu pháp môn, Bồ Tát Quan Thế Âm chứng được pháp nhĩ căn viên thông, pháp tu của Ngài là “Phản văn tự tánh” quay cái nghe trần cảnh lại để nghe lấy chính tự tánh của mình, từ đó chứng được thật tướng các pháp, được cái nghe vi diệu, tròn suốt.

Chiếu thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách, đây có thể nói là pháp căn bản nhất của tinh thần đại thừa Phật Giáo. Thấy sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy ... Bát Nhã Tâm Kinh được mở đầu bằng hình tượng Quán Thế Âm và bằng pháp tu của ngài, bài kinh kết luận rằng đó là một Đại thần chú, Đại minh chú, Vô thượng chú, không có chú nào hơn cả bài chú đó là: “Gaté Para Gaté. Para sam Gaté, Bodhi Svaha” (Đi qua, đi qua, tất cả hãy đi qua, qua bên kia bờ giác ngộ, đạt mọi sự an lành). Đi qua tất cả mọi nhiễm ô, đi qua mọi tâm địa xấu xa, đen tối, mọi chấp trước, vướng víu, đến bờ bên kia. Vừa cao sa mà bình dị, vừa bác học mà vừa bình dân. Thế nào cũng được, đó là đặc điểm của Quán Thế Âm.

Đặc biệt trong các ngày vía Phật và Bồ Tát, Quán Thế Âm được vía đến ba ngày đó là 19/2 (ngày Đản Sanh), 19/6 (ngày Xuất Gia), 19/9 (ngày thành đạo). Vì sao lại nhằm vào ngày 19 cả ba ? Để giải thích điều này có chỗ nói 19 là con số biểu thị cho sự vượt qua căn, trần, thức, nghĩa là theo giáo lý nhà Phật, mỗi chúng sanh có 6 căn (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) gọi là thập nhị sứ, nếu cộng với sáu thức do 12 sứ này tạo thành 18 giới (thập bát giới). Tu có nghĩa chuyển thức thành trí, năm thức trước chuyển thành sở tác trí, thức thứ sáu trở thành diệu quang sắc trí. Đức Quán Thế Âm đã chứng được duy thức tánh, tức là chuyển thức thành trí vượt qua 18 giới của căn, trần và thức nên con số 19 này.

Trên đây mới chỉ là sơ lược đại ý về hạnh nguyện và pháp tu của Bồ Tát, các kinh điển nói về Ngài nhiều không kể xiết, muốn biết rõ cần phải tham khảo nhiều. Bây giờ chúng ta cần đi sang một lãnh vực khác rất quan trọng đối với bài viết này, đó là về tín ngưỡng Quán Thế Âm.

V. TÍN NGƯỠNG:

Tín ngưỡng về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát được bắt đầu từ Ấn Độ, Tây Vực, về sau truyền đến Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam và hầu hết các nước Á Đông, do vậy các sách vở ghi chép về Quán Thế Âm cũng cực kì phong phú. Tây Tạng là một nước có tín ngưỡng Quán Âm rất thịnh. Các vị Đạt Lai Lạt Ma truyền nhân nhiều đời đều được suy tôn xưng là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Châm ngôn của Ngài (Lục Tự Đại Minh Châm Ngôn “An Ma Ni Bát Di Hồng”) đến nay vẫn được truyền tụng rất rộng rãi.

Ở Trung Quốc, bản kinh có liên quan đến tín ngưỡng Quán Thế Âm được dịch sớm nhất là vào thời Tam Quốc, niên hiệu Ngũ Phụng thứ 2 (nhà Ngô năm 255, đó là kinh pháp Hoa Tam Muội, 6 quyển do ngài Chi Cương Lương Tiếp dịch từ Phạn qua Hán. Đến đời Tây Tấn Ngài Trúc Pháp Hộ dịch Chánh hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn Phẩm hiệu Thái Nguyên thứ 7 (năm 286). Ngài Cưu Ma La Thập dịch Phẩm Môn vào đời Tần, niên hiệu Hoàng Thỷ thứ 8 (406). Sau đó tín ngưỡng Quán Thế Âm cực thịnh được biểu luận bằng phong trào dịch những kinh điển có liên quan đến Quan Thế Âm nhiều không kể xiết, như Ngài Đàm Vô Sấm đời Lưu Tống v.v... Từ đây, tín ngưỡng Quan Âm được phổ cập vào dân gian. Kinh điển được đọc dịch nhiều, ở đây không tiện liệt kê ra hết, nhưng khi tín ngưỡng này phát triển, phát sanh ra một số kinh điển thế lập, như Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, Quán Thế Âm Thập Đại Nguyệt Kinh, Quán Thế Âm Vịnh Thác Sanh Kinh, Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Vãn Duyên Kinh, Quán Thế Âm Sám Hối Trừ Tội Chú Kinh, Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Kinh, Quán Thế Âm Sở Thuyết Hành Pháp Kinh, Quán Thế Âm Tam Muội Kinh v.v... Đây là những kinh điển bị nghi là do người đời sau trước tác rồi thế lập gọi là kinh.

Ngoài những kinh điển trên cũng còn vô số bộ luận giải thích và bộ truyện ký ghi chép những sự tích linh dị về Quán Thế Âm, đặc biệt Phật giáo rất chú trọng vị Bồ Tát này, các nghi quỹ được trước thuật để hành giả tu sám trước hình tượng Bồ Tát.

Do tín ngưỡng phổ cập, nên hình tượng của Ngài cũng được tạo rất nhiều, từ tranh vẽ, tượng đất, khắc trên đá, tượng kim loại v.v... được tôn tạo không ngừng. Nhất là từ thời Bắc Ngụy về sau. Vào đời Tùy Đường, do sự sùng bái tuyệt đối phát sanh ra những hình tượng tín ngưỡng về Quan Thế Âm kỳ lạ như Mã lang phu, Thủy Nguyệt, Ngư Lam v.v... Các tượng ở Thiền Phật Động tại Đôn Hoàng mới được khai quật có hơn phân nửa là tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Các chùa viện mang tên Quán Thế Âm cũng nhiều vô kể. Các tự miếu ở Đài Loan vào đời Thanh có khoảng 120 ngôi, trong đó hết 55 ngôi mang hiệu Quán Thế Âm, thế mới biết tín ngưỡng ấy thịnh hành như thế nào.

Ở Nhật Bản từ xưa đến nay, tín ngưỡng về Quán Thế Âm cũng rất thịnh hành, Suy Cổ Thiên Hoàng (tại vị năm 592-628) đã từng sắc ban khắc hình tượng Quán Thế Âm lên một loại gỗ thơm rất nổi tiếng: Trầm thủy hương mộc. Thánh Đức thái tử cũng an trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở Mộng Điện của Pháp Long Tự và Kim Đường của Tứ Thiên Vương Tự, vào thời Nại Lương. Thánh vũ Thiên Hoàng và Quang Minh Hoàng Hậu cũng rất tín phụng Phật Giáo, kiến lập nhiều Quốc Phận Ni Tự để tôn trí tượng Bồ Tát cứu thế. Đồng thời tạo 177 tượng, chép 177 kinh Quán Âm để cầu nguyện cho Hoàng Thái tử khỏi bệnh. Ngoài ra thiên hoàng và hoàng hậu còn liên tục sắc ban tạo dựng các tượng Bất Không Quyên Sách, Thiên Thủ Quán Âm, Quán Âm Thập Nhất Diện v.v... tôn trí ở khắp nơi trong nước. Thời đại bình an cũng rất phổ cập tín ngưỡng Quán Âm, các tác phẩm điêu khắc hội họa về Quán Thế Âm trải qua nhiều thời đại ở Nhật Bản cực kỳ phong phú. Những tác phẩm hiện nay được xem là quốc bảo có đến 450 loại. Ngoài ra, những trước tác sự linh nghiệm của Đức Quán Thế Âm có Quán Âm Cảm Thông truyện, Quán Âm Tâm Nghiệm Lục, Trường Cốc Tự Duyên Khởi, Quán Âm Diệu Ứng Tập, Chuẩn Đề Quán Âm Niệm Tụng, Linh Nghiệm Ký Đồ Hội, Chuẩn Đề Bồ Tát Niệm Tụng Linh Nghiệm Ký, Lạc Dương Quán Âm Linh Nghiệm Chân Sao v.v...

Khi tín ngưỡng về Quán Thế Âm được truyền sang Việt Nam, bản xứ đã tiếp nhận một cách chân thành, đầy màu sắc. Ngoài những pho tượng điêu khắc bằng ngọc, đá quý, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm đã xuất hiện rất nhiều trong các loại hình kiến trúc, điêu khắc, trong các tác phẩm văn học lớn, kịch nghệ, thi ca, hội họa v.v... Tiêu biểu là hình tượng được tôn trí ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột - Hà Nội), chuyện Quan Âm Thị Kính, truyện thơ Nam Hải Quan Âm v.v... Các tổ sư từ Trung Quốc đi sang Việt Nam hoằng giáo có mang nhiều pháp khí về hình tượng để phụng thờ. Trong số đó nổi tiếng là bức tượng bằng đá quý của Tổ sư Nguyên Thiều. Tương truyền trên đường sang Việt Nam, Ngài chở tượng Phật này trên thuyền khi đi ngang qua làng Hà Trung (Huế), thuyền bị mắc cạn, không thể đi được. Tổ nghĩ rằng đó là cơ duyên của làng này nên thỉnh tượng lên thờ tại ngôi chùa làng, gọi là chùa Hà Trung, hiện nay pho tượng cao 1,5m, chạm trổ tỉ mỉ, vẫn còn được tôn trí tại đây, được xem là một quốc bảo đánh dấu bước đường hoằng hóa của Tổ sư.

Những tác phẩm nói về sự linh nghiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm ở Việt Nam cũng rất nhiều. Hiện nay, Phật tử Việt Nam vẫn xem tác phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa là Kinh nhật tụng của mình, thường được tụng đọc hàng đầu ở các chùa hoặc vào những dịp cầu an, cầu phúc v.v... Đặc biệt thiên nhiên Việt Nam cũng tạo ra nhiều hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trong những hang động đá hết sức kỳ lạ như ở Hương Tích, Ngũ Hành Sơn v.v... Chính bàn tay thiên nhiên cũng tạo cho phong thổ này một nguyên khí tín ngưỡng đầy huyền bí và sinh động. Ngoài ra, tượng Quán Thế Âm thường được đeo trước ngực của đa số người dân Việt Nam nói lên lòng tin tưởng rộng lớn vào năng lực cứu độ của Ngài vượt thoát khỏi mọi tai ách khổ nạn.

Trung Quốc cũng như Việt Nam, do hội nhập với Mật tông nên hình thức tín ngưỡng Quan Âm có nhiều màu sắc khác nhau. Sau tín ngưỡng này được kết hợp với Đạo giáo phát triển thành tín ngưỡng “Nương nương miếu”. Dân gian có khi xem Quán Thế Âm như một vị nữ thần, hết sức sùng bái. Lâu ngày kết hợp với “Nương nương thần” của đạo giáo thành “Quán Âm Nương Nương”. Về sau lại xuất hiện rất nhiều tín ngưỡng có vẻ ngoại điển như thế này trong dân gian Việt Nam. Ngay cả các tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Tiên Thánh Mẫu, Bà Chúa Ba, Bà Đen ... cũng được tín ngưỡng hóa thành Quán Thế Âm.

Tóm lại, tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm đã ăn sâu vào niềm tin tôn giáo của hầu hết các dân tộc Á Đông, nó trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, phong phú, đa dạng. Đối với một số đông tín đồ danh hiệu của Ngài trở thành tiếng đầu môi mỗi khi gặp hoàn cảnh bất ngờ xảy đến.

VI. KẾT LUẬN:

“Từ Nhãn Thị Chúng Sanh” (đem con mắt từ bi để nhìn chúng sanh), đó là một câu kinh tôi thích nhất trong phẩm Phổ Môn. Chỉ cần một câu trên cũng đủ xua tan mọi khổ đau, oán hận, đầy lòng vị tha, độ lượng. Nếu Đạo Phật được định nghĩa là từ bi và trí tuệ, trong bi có trí, trong trí có bi thì mỗi câu kệ trên cũng đủ thâu tóm toàn bộ tinh thần của Phật giáo.

Nói như vậy để thấy rằng tín ngưỡng về Đức Quán Thế Âm, tức thực hành theo công hạnh của ngài là một nhu cầu cần thiết cho đời sống con người, dù ở bất cứ nơi đâu. Chúng ta cần phải tìm hiểu, học hỏi và phát huy tín ngưỡng này, đó mới là việc làm đích thực của mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày.

Giữa đời ngũ trược ác thế, bao nhiêu phong ba bão táp, các ngọn cây ương ngạnh của tham - sân - si đều ngã gục, duy có ngọn dương liễu nhu hòa uyển chuyển giữa cuồng phong, khi gió lặng là trở về vị trí cũ. Như thế mới biết chỉ có áo giáp nhẫn nhục mới vượt qua nghiệp chướng của trần thế, duy có dòng suối từ bi mới dập tắt hết mọi ngọn lửa sân hận của tâm niệm xấu xa. Ra vào an nhiên, niệm niệm thanh tịnh, nên danh xưng là Quán Tự Tại, nhân quả tròn suốt nên hiệu là Viên Thông, là chiếc thuyền báu đưa chúng sanh vượt qua khổ ải vô biên nên gọi là Từ Hàng. Quán chiếu hết những tiếng kêu đau khổ của muôn loài rồi đem lòng Từ tế độ nên gọi là Quán Thế Âm.

NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI TẦM THINH CỨU KHỔ CỨU NẠN LINH CẢM ỨNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT MA HA TÁT

T.N.H