TINH THẦN QUÁN THẾ ÂM
Thích Nguyên Hiền
Trong phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa có đoạn viết:
“Cụ nhất thiết công đức
Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng
Thị cố ưng đảnh lễ”.
Quán Thế Âm là vị Bồ-tát đầy đủ tất cả mọi công đức. Ngài đem con mắt từ bi vô ngại để nhìn rõ tất cả nỗi khổ của chúng sanh, nghe thấu tất cả tiếng kêu đau thương của chúng sanh rồi đem lòng Từ để hóa độ. Phước đức của Ngài tích tụ nhiều vô lượng như nước trong biển lớn, tràn trề thiên địa, nhuần thấm tất cả. Chính vì thế nên đảnh lễ Ngài như đảnh lễ vô biên chân lý nhiệm mầu.
Đảnh lễ không phải chỉ là sự đê đầu ngưỡng vọng; đảnh lễ không chỉ là sự thán phục cúc cung. Trong Phật giáo, ngoài những cách lễ lạy thuộc về sự như thân tâm cung kính, còn có các pháp lễ thuộc về lý, đó là: Chánh quán lễ, Phát trí thanh tịnh lễ, Biến nhập pháp giới lễ và Thật tướng bình đẳng lễ. Chánh quán lễ là trụ tâm vào quán pháp chân chánh, nhận thức rõ đối tượng mình lễ lạy, nhờ đó khỏi rơi vào tà mị. Phát trí thanh tịnh lễ là phát khởi trí huệ thanh tịnh, lìa hết mọi danh tướng, văn tự để lễ lạy một vị Phật, một vị Bồ-tát, tâm chuyên nhất, không còn một mảy may vọng trần, thể nhập vào đối tượng lễ lạy; Biến nhập pháp giới lễ tức lễ một vị Phật là lễ tất cả mười phương chư Phật, người lễ và đối tượng được lễ biến nhập cùng khắp pháp giới; Thật tướng bình đẳng lễ là trụ trong thật tướng bình đẳng của các pháp, ở đó không có năng và sở, không có Phật và chúng sanh khác nhau, pháp giới bình đẳng vậy !
Nếu người biết vận hết ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh để đảnh lễ một vị Phật, một vị Bồ-tát, người ấy đã trụ trong tinh thần Quán Thế Âm.
Thế nào là tinh thần Quán Thế Âm ? Bồ-tát Quán Thế Âm còn có những danh hiệu khác như Quán Tự Tại, Thí Vô Úy. Ngoài ra, về hình tượng, Quán Thế Âm Bồ-tát còn chủ về các hạnh từ bi, nhẫn nhục, khuyến thiện, trừng ác ... Tóm lại, nếu lý tưởng Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa là lý tưởng cao đẹp nhất giữa cuộc đời này thì Bồ-tát Quán Thế Âm là đại biểu xứng đáng nhất. Ngài có đầy đủ các công hạnh Từ bi, vô úy, tự tại, nhẫn nhục, hỷ xả và trí tuệ nữa.
Thật không có gì lạ khi tín ngưỡng Quán Thế Âm lại phổ cập trong tất cả các dân tộc Á Đông một cách sâu sắc như thế. Trong truyền thuyết của các dân tộc đâu đâu cũng có trụ xứ của Bồ-tát : Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên, Việt Nam ... Hình tượng của Ngài hiện diện khắp cùng phố phường, rừng núi, trên sông, dưới biển, trong nhà, trên xe và ngay trên mình mỗi người.
Kinh điển liên quan đến tín ngưỡng Quán Âm thì nhiều vô số kể. Ở Trung Quốc, từ thời Tam Quốc đã có ngài Chi-cương-lương-tiếp người nước Ngô dịch Kinh Pháp Hoa Tam-muội (năm 225); thời Tây Tấn có ngài Trúc Pháp Hộ dịch Chánh Pháp Hoa Kinh Quang Thế Âm Phổ Môn Phẩm (năm 286); đời Dao Tần có ngài Cưu-ma-la-thập dịch phẩm Phổ Môn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (406); đời Tùy có các ngài Xà-na-quật-đa, Đạt-ma-cấp-đa cùng dịch Thiêm phẩm Kinh Pháp Hoa Phổ Môn Phẩm, phần kệ tụng (601); đời Lưu Tống có ngài Đàm Vô Kiệt dịch Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Thọ Ký v.v... Ngoài các kinh điển thì các đà-la-ni, tu pháp của Bồ-tát Quán Thế Âm nhiều vô kể. Các pháp, chú hiện được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh chiếm đến hơn nửa tập 20 (mỗi tập khoảng 1000 trang). Xem đó đủ thấy tín ngưỡng Quán Thế Âm thịnh hành như thế nào.
Trong thời đại pháp nhược ma cường này, tín ngưỡng Quán Âm lại càng cần thiết và quan trọng. Không phải ngẫu nhiên, khi mà nhiều lễ hội ở Việt Nam hiện nay phần nhiều bị dân gian hóa, vẫn còn một lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng mang đậm màu sắc Phật giáo. Để cho lễ hội không dần dần bị dân tục hóa và biến thành phương tiện phục vụ cho những nhu cầu du lịch, mê tín dị đoan ..., người Phật tử cần phải nêu cao tinh thần Quán Thế Âm hơn bao giờ hết.
Trước hết là tinh thần Vô úy. Vô úy nghĩa là không sợ hãi. Người Phật tử phải biết tin vào nhân quả, nhân nào quả nấy, không bao giờ sai chạy cả. Tin chắc vào luật nhân quả rồi thì sẽ đạt được cái đức Vô úy, nhờ đó có thể tạo dựng trong tâm hồn mình một nền móng vững chắc cho đạo nghiệp. Tất cả các pháp đều lưu xuất từ tâm, mọi nhân tố thành bại đều do ta, bởi ta, không phải từ một thần linh nào có quyền chen vào đời sống thuần phác của con người. Người Phật tư không nô lệ vào bất kỳ hình thái thần quyền nào, không nhúng tay vào một xu thế chính trị nào. Chỉ có Đạo pháp, mà đạo pháp thì phủ hợp với dân tộc, với văn hóa bản địa, với thuần phong mỹ tục. Nếu tất cả Phật tử hun đúc được tinh thần vô úy của Quán Thế Âm, thì chẳng ngại gì ánh sáng từ bi của đạo Phật không chiếu soi cùng khắp, xua tan nỗi sợ hãi, yếm thế, bi quan.
Thứ đến là tinh thần Từ bi. Bi và Trí là hai phạm trù không thể tách rời nhau trong đạo Phật. Người Phật tử thể hiện lòng Từ bi, đem tình thương chan trải khắp chúng sanh, không phân biệt sang hèn quý tiện, không phân biệt kẻ oán người thân, đối xử bình đẳng, tùy phương tiện mà dắt dẫn đồng loại đạt đến mục đích tối thắng. Không có một thế lực nào có thể làm cạn kiệt giọt nước Từ bi.
Thứ ba là tinh thần Nhẫn nhục. Kinh Di Giáo có dạy: “Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí”. Người Phật tử phải biết kềm chế tâm mình, quán sát các pháp, uyển chuyển mềm mại như nhành dương liễu trên tay Bồ-tát Quán Thế Âm. Bằng mọi phương tiện, bằng mọi sự nỗ lực của thân tâm, nhìn rõ chân tướng của cuộc đời, từ đó tiến tu đạo nghiệp, tự lợi lợi tha, hoàn thành tâm nguyện một sứ giả của Như Lai.
Tóm lại, tinh thần Quán Thế Âm là tinh thần Bi, Trí, Dũng. Khi ba đức này đã tạo thành thế chân vạc trụ vững trong tâm hồn mình, đó là tất cả các thần chú của Quán Âm, các Đà-la-ni của Quán Âm, các pháp tu của Quán Âm. Mắt sẽ là Từ nhãn, nhìn thấu mọi cảnh giới, mọi tâm địa; tai sẽ là “Nhĩ căn viên thông”, nghe hết tiếng gọi của chúng sanh vọng từ muôn trùng dâu bể của cuộc đời, của đa đoan thế sự. Đó là biểu hiện của Thiên thủ thiên nhãn, của Thập nhị nguyện, của Tổng trì Đà-la-ni, không gì hơn thế nữa.
Ngày 19 tháng 02, ngày Đản sanh của Bồ-tát Quán Thế Âm, ngày mà tất cả mọi người con Phật hướng về chánh pháp với tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Vô úy của Quán Thế Âm. Còn gì hơn khi Thánh hiệu Bồ-tát được vang vọng giữa muôn trùng sông núi, rền khắp tâm khảm chúng sanh, và bóng đêm vô minh bị đẩy lùi bởi hào quang chói lọi của ánh đạo nhiệm mầu.
Xin mượn một bài kệ tán dương Bồ-tát, tán dương tinh thần Quán Thế Âm để kết thúc bài viết này:
“Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài
Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai
Tường quang thước phá thiên sanh bệnh
Cam lộ năng trừ vạn kiếp tai
Túy liễu phất khai kim thế giới
Hồng liên dõng xuất ngọc lâu đài
Ngã kim khể phủ phần hương tán
Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai”.
Tạm dịch:
Biện tài trí tuệ thật sâu xa
Vững đầu ngọn sóng dứt trần ba
Hào quang phá sạch ngàn căn bệnh
Cam lộ trừ tiêu vạn kiếp tà
Liễu biếc khơi mào trời ngà ngọc
Sen hồng nở rộ cõi châu sa
Con nay đảnh lễ dâng hương nguyện
Xin Ngài ứng hiện cõi Ta - bà.
Ngày vía Quán Thế Âm - 19 tháng 02 Tân Tỵ
T.N.H
- Thôi Em Ngủ Giấc Nghìn Thu _ Nhất Thanh
- Thơ Nhất Thanh
- Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền
- Nghe Tiếng Hoa Khai - Thích Nguyên Hiền
- Ý Nghĩa Xá Lợi Và Đất Thiêng - Thích Nguyên Hiền
- Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm
- Tìm Hiểu Về Hiện Tượng Lâm Tỳ Ni
- Sự Khác Nhau Giữa Hai Đoạn Trong Kinh A - Di - Ðà (Trí Ðắc Hỏi, Thích Nguyên Hiền Trả Lời)
- Đức Đạt Lai Lạt Ma Và lễ hội KARACHAKRA(Ký sự du hành Ấn Độ)
- Giọt Lệ Của Phật
- Đêm Về Trên Đỉnh Hải Vân Sơn
- Hình Ảnh Chị Tôi