Kính thưa quý Thầy,
Ðệ tử nhân nghe bộ cassete Kinh Phật Thuyết A Di Ðà Yếu Giải do cư sĩ Tuệ Nhuận dịch với giọng đọc của Phật tử Tâm Từ. Ðệ tử có một thắc mắc về một đoạn trong Kinh. Như quý Thầy biết, hầu như bản Kinh A Di Ðà nào cũng đều có câu: “Xá-lợi-phất ! Nhữ ý vân hà? Hà cố danh vi nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh ?”.
Ngược lại trong băng cassete, thì đoạn kinh này được viết như sau: “Xá-lợi-phất, nhữ ý vân hà? Xưng tán công đức, trì danh (.......)[1] ngôn hỷ, hà cố danh vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm?
Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy.
Nguyện cả thảy hằng thường kiết tường, giác hạnh viên mãn.
Ðệ tử,
Trí Ðắc.
Tôi chưa được đọc hoặc nghe băng cassette Kinh Phật Thuyết A- Di-Ðà Yếu Giải do cư sĩ Tuệ Nhuận dịch, nên không biết dịch giả sử dụng văn kinh nào để dịch. Hiện nay, theo chỗ tôi biết, ở Việt Nam cũng như tại Ấn Ðộ chưa có bản dịch hoặc mấy bộ cassete này, do đó chúng tôi chưa có văn bản để đối chiếu. Tuy nhiên, sự khác nhau về văn bản qua hai câu mà Phật tử Trí Ðắc nêu, thiển nghĩ đó là chuyện rất thường gặp.
Trên đại thể, ý nghĩa và nội dung hai câu này hoàn toàn không có gì sai khác. Phật tử cần biết: một bộ kinh Phật đôi lúc được rất nhiều vị dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, cách hành văn của các dịch gia thường không giống nhau. Ðó là chưa nói tới văn cú của nhiều đời lại cũng khác nhau, miễn nội dung ý nghĩa không sai khác là được.
Riêng Kinh A - Di - Ðà và các bản chú sớ kinh này thì lại có rất nhiều. Trong Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh hiện có rất nhiều bản. Phần chánh văn được xếp vào Ðại Tạng cuốn 20, phần chú sớ được xếp vào Ðại Tạng cuốn 37. Bản Kinh A-Di-Ðà mà chúng ta thường tụng đọc là do Ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần. Chú sớ kinh này bằng Hán văn có ít nhất 9 bộ, đã được xếp vào Ðại Tạng. Trong đó có bộ Nghĩa Ký của ngài Trí Khải đời Tùy, bộ Nghĩa Sớ do ngài Nguyên Chiếu đời Tống, bộ Sớ của ngài Trí Viên đời Tống, bộ Nghĩa Thuật của ngài Huệ Tịnh đời Ðường, bộ Sớ của ngài Khuy Cơ đời Ðường, bộ Thông Toan Sớ cũng của ngài Khuy Cơ, bộ Yếu Giải của ngài Trí Húc đời Minh, bộ Tập Giải của ngài Bảo Lương đời Lương .... Các dịch gia ở các đời khác nhau chắc chắn sẽ dụng văn khác nhau. Ðó là chưa nói những bộ đã được dịch giả sử dụng bản tiếng Phạn khác nhau nữa. Cho nên, nhiều bộ kinh khiến độc giả đối chiếu không thôi đã vô cùng mệt.
Về bản dịch của cư sĩ Tuệ Nhuận, tôi nghĩ có thể đã sử dụng một trong những bộ kể trên, hoặc những bộ do các vị sau này giải thích thêm dựa trên tư tưởng các bộ trên, nên sự khác nhau về văn bản học thiết nghĩ không có gì đáng ngại.
Câu “Như hà danh vi nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh?” có thể được dịch là “Thế nào mà gọi là kinh mà được tất cả chư Phật ủng hộ, hộ niệm?” Còn câu: “Hà cố danh vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm”, có thể được dịch là “vì sao mà gọi là được tất cả chư Phật hộ niệm ?” Như vậy, một câu hỏi về tên kinh, tên kinh là đối tượng chính của câu hỏi. Còn câu sau thì hỏi về lý do tại sao chư Phật hộ niệm kinh. Tất cả chỉ khác nhau cách đặt vấn đề mà thôi.
Xin nói thêm là phong cách cũng như quan điểm dịch kinh của chư Tổ từ Phạn sang Hán cũng khác nhau rất nhiều. Ngài Cưu-ma-la-thập nổi tiếng với cách dịch sáng sủa, thoát ý, miễn đúng với ý của Phật nói kinh, nên kinh điển ngài dịch gãy gọn, rõ ràng. Người đời sau gọi phong cách này là “cựu dịch”. Còn ngài Huyền Trang (một trong tứ đại dịch gia Trung Quốc: Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Chân Ðế) thì chủ trương dịch sát văn bản, khúc chiết, tỉ mỉ. Người đời sau gọi cách dịch từ ngài Huyền Trang về sau là “tân dịch.” Nếu có điều kiện nghiên cứu cách dùng chữ cũng như lối hành văn của hai phong cách dịch này cũng là một điều vô cùng thú vị
- Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền
- Nghe Tiếng Hoa Khai - Thích Nguyên Hiền
- Ý Nghĩa Xá Lợi Và Đất Thiêng - Thích Nguyên Hiền
- Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm
- Tinh Thần Quán Thế Âm
- Tìm Hiểu Về Hiện Tượng Lâm Tỳ Ni
- Đức Đạt Lai Lạt Ma Và lễ hội KARACHAKRA(Ký sự du hành Ấn Độ)
- Giọt Lệ Của Phật
- Đêm Về Trên Đỉnh Hải Vân Sơn
- Hình Ảnh Chị Tôi
- Ngắm Núi
- Bối Cảnh Tư Tưởng Và Xã Hội Khi Đức Phật Thích Ca Ra Đời