Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Nov 22nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Thôi Em Ngủ Giấc Nghìn Thu _ Nhất Thanh

Thôi Em Ngủ Giấc Nghìn Thu _ Nhất Thanh

Email In PDF

Vừa bước ra khỏi viện bảo tàng Lourve, tôi nhận được điện thoại từ Việt Nam gọi sang: “Sư cô Hạnh Đạt đã ra đi...”. Bức tranh nàng Mona Lisa của Léonard de Vinci choáng ngợp hồn tôi từ sáng, giờ đã nhường chỗ cho hình ảnh Sư cô Hạnh Đạt.

Những bức họa sặc sỡ thời phục hưng trong viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đã không choáng nổi những nét cọ thủy mặc vụt lên trong tâm trí tôi, những nét bút phóng khoáng thanh tao, vững vàng nhưng ngộ nghĩnh, của một ni cô nhỏ nhắn ở Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành.

 

Tôi thả bộ dọc bờ sông Sein, đến nhà thờ Đức Bà, rồi lội ngược về Louxembourg. Paris chớm thu không lạnh lắm, những hàng cây nhuộm vàng phố xá, gợi nhớ bức “Mùa thu vàng” của Lé Vital. Tôi mê hội họa thời trung cổ. Nhưng lúc này đây, 9 giờ tối mà trời Paris vẫn còn sáng, nhìn đỉnh tháp Eiffel, một biểu của văn hóa Tây Phương, trong tôi chợt hiện lên một sự so sánh. Sự so sánh hẳn là khập khiễng, giữa những tòa lâu đài ngun ngút ở Paris, với vườn cây đầy xoài mít cốc ổi của Thiền viện Viên Chiếu, giữa ngờm ngợp tranh tượng của Ba Lê hoành tráng, với những nét thủy mặc của Sư cô Hạnh Đạt; giữa lũ lượt du khách khắp thế giới kéo về kinh đô thời trang nước Pháp, với chiếc nhật bình lam giản dị của vị Ni cô tài hoa rất mực mà tôi đã từng có dịp thân quen.

Tôi ngồi lại bên dòng sông Sein, ngắm bao nhiêu nước chảy qua cầu. Sư cô Hạnh Đạt đã ra đi. Tôi không ngạc nhiên và cũng không buồn lắm. Ừ thì! Tôi đọc lại mấy vần thơ của Sư cô:

Bao giờ gặp lại hôm qua
Thì tôi kể chuyện này mai có gì
Ừ thì nước chảy hoa trôi
Ừ thì lá rụng trăng soi nắng vàng

Tôi không thân lắm với Sư cô Hạnh Đạt. Đôi lần ghé Viên Chiếu, đôi lần hội ngộ tại những phòng tranh Sài Gòn. Có một thời chúng tôi làm việc chung khi biên soạn Từ điển Phật học Huệ Quang, sự giao lưu phần nhiều qua bài vở. Nhưng tôi vẫn thích nhất là những nét cọ thủy mặc của Sư cô vẽ phụ bản trong những Đặc san Suối Nguồn mà tôi biên tập, hoặc những Đặc san Viên Chiếu mà tôi được đọc. Nét bút đơn sơ phóng khoáng nhưng rất tài hoa, thấm đẫm chất liệu Thiền mặc nhưng vẫn gần gũi, bình dị như nụ cười của Sư cô vậy. Ngoài tài hội họa, văn chương của Sư cô cũng rất lạ, rất Viên Chiếu, một phong cách đặc trưng của Ni giới học Thiền Việt Nam hiện đại. Mỗi lần ra tác phẩm mới Sư cô đều gởi tặng tôi qua bạn bè hoặc bưu điện, cũng thong dong mấy chữ “Kính tặng thi sĩ NT”. Năm kia tôi đến Viên Chiếu thăm nhưng Sư cô nhập thất. Sau khi ra thất Sư cô có gọi điện cho tôi, nói chuyện rất lâu. Những tưởng sẽ gặp đâu đó một lần nữa để hàn huyên về những tháng ngày mặc niệm. Trước khi đi Châu Âu, tôi đã nghe Sư cô bệnh nặng nhưng chưa tiện đến thăm. Thế rồi ...!

Sư cô Hạnh Đạt không có cái uyên bác như Ni sư Trí Hải, nhưng cũng như các cây bút Viên Chiếu như Sư cô Như Đức, Sư cô Tuệ Đăng, Sư cô Hạnh Chiếu, Thuần Bạch, sự tài hoa trở thành một nét riêng có thể đại diện cho Ni giới Việt Nam hiện đại. Những trang viết phác họa một đời sống tâm linh dồi dào, và thể hiện một đời sống thường nhật rất nên thơ, rất tươi tắn. Không kiểu cách như những cây bút ở Huyền Không xứ Huế, không quá nhẹ nhàng, ca hát hoặc hít thở theo kiểu Làng Mai, mà lại thân thương đi vào đời sống một phong cách hồn nhiên nhưng đầy phạm hạnh. Đó là cảm nhận của riêng tôi về Viên Chiếu, mà đặc trưng là Sư cô Hạnh Đạt.

Hãy đọc một vài dòng thơ của Sư cô:
Có còn hỏi nữa hay không
Ra bờ suối giặt ánh hồng mà phơi
Chiều hôm mây trắng lưng đồi
Xa xa bát ngát nước trời mênh mông.

(Giặt Ánh Hồng)

Gió lùa hương ngát tung bay
Phấn con chim nhỏ xuân này đi hoang
Bên trời thơm trắng hư không
Hỏi ra chẳng biết cây hồng còn hoa
(Thơm Trắng Hư Không)

Vậy đó ! Thơ không hay lắm. Nhẹ nhàng thôi ! Nhưng với người ngày đêm hỏi công án tử sanh, tử sanh cũng thơ mộng đêm ngày như ra bờ suối giặt ánh hồng mà phơi. “Phù sanh nhược đại mộng”. Dù thế cuộc có mịt mờ, hư không vẫn thơm trắng như mây trời bữa nọ, như đóa hồng hiện hữu vườn sau. Có lần đọc qua tôi đã sửa: “Hỏi ra mới biết cây hồng còn hoa”. Nhưng mới biết thì còn gì thơ Hạnh Đạt.

“Hỏi ra chẳng biết”. Chẳng biết mà biết, biết mà chẳng biết. Vườn thiền còn đó một cành hoa.

Tôi chẳng biết bài “Hoa Rụng” Sư cô viết lúc nào. Tôi được đọc nó sau khi Sư cô mất vì một mầm bệnh trong người:

Thôi em ngủ giấc nghìn thu
Một vần thái hoát một phù du tan
Trời không tuyệt dấu hành tàng
Xác hoa là bóng trăng vàng đáy sương.

Giấc nghìn thu mở ra một vòm thái hoát, tan đi một giấc phù du. Bằng kiến văn giác tri, hành giả nào cũng cảm nhận được như thế. Nhưng ! Thay vì chết là hết, đoạn kiến hành giả nhận ra “Trời không tuyệt dấu hành tàng”. Dấu hành tàng hóa thân vào trời đất. Nên chi, sá gì một xác phù hoa. Bóng trăng vàng hay đáy sương vẫn nguyên vẹn một bóng trăng vàng huyền hoặc, tợ hồ “Nhất phiến bạch vân hoành cốc khẩu”. Tợ hồ dấu chân trên cát, tợ hồ “Vũ tiền chi kiến hoa gian điệp”... Sư cô Hạnh Đạt đã ra đi, bài “Hoa rụng” như một thông điệp “Dự tri thời chí”. Tôi còn nợ Sư cô một nén nhang. Nhưng tôi không vội vàng về Viên Chiếu, vì trong tôi còn mãi một nụ cười hồn hậu, in bóng xuống dòng dông Sein trong một chiều đầu thu lữ thứ. Tiếng dương cầm du dương trong một ngôi nhà thờ cổ kính. Trời tối, sương buông, tôi đến metro trở về quán trọ, xung quanh đầy những lữ khách năm châu, mà vẫn thấy bình yên, thân thương như đang ở giữa tịnh xứ quê nhà.


Thu 2008
N.T