Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Đêm Về Trên Đỉnh Hải Vân Sơn

Đêm Về Trên Đỉnh Hải Vân Sơn

Email In PDF


Đêm không sâu lắm, nhưng cũng đủ cho âm thanh của đêm thỏ thẻ sự hiện hữu của chính mình. Trăng không sáng lắm, nhưng cũng đủ cho đá núi ngẩng đầu nhìn ra bể cả. Tôi và một người bạn, hai kẻ thèm sương lạnh, im lìm, bất động, nằm ngửa trên đỉnh Hải Vân Sơn.


Sương đủng đỉnh giăng mờ tứ phía, thỉnh thoảng trăng vén mùng rủ tôi đi hoang. Ngóng về phương Nam, thuyền Nam Ô lập lờ nói chuyện với ngàn sao. Nhìn ra phương Bắc, biển Lăng Cô rạt rào tự tình cùng mây biếc. Trăng ở giữa lao xao, đứng núi này trông núi nọ, rồi thổn thức, hoặc ngậm ngùi, khi thì treo mình lủng lẳng ở rặng cây đầu non, lúc thì theo mây nhảy chầm xuống biển. Núi thì im thin thít, lâu lâu lại thở ra một hồi còi ư ử đâu dưới lòng đất lạnh, hoang liêu.

Trong đời tôi đã có ba lần bật khóc với thiên nhiên: một lần trên đỉnh Langbian Đà Lạt khóc lên vì sung sướng. Một lần nằm ngửa trên mạn thuyền ngắm trăng khuya từ Hải đảo Lại Sơn qua Phú Quốc, khóc vì thấy mình nhỏ bé quá giữa vũ trụ đại ngàn. Một lần khóc vì xúc động khi đảnh lễ tháp vua Trần trên Yên Tử. Còn bây giờ, giữa đỉnh đèo hải vân bạt ngàn biển núi, tôi, một tiểu vũ trụ thiêm thiếp giữa đại vũ trụ trùng trùng, tôi không bật khóc, không xúc động, mà tê điếng bởi những thoáng tư duy. Tôi tự cho phép mình nghĩ rằng mình đã hiểu vì sao khi mới thành đạo, Phật tuyên thuyết thế giới Hoa Nghiêm. Hiểu thôi nhưng chưa biết, hiểu và biết còn cách xa vời vợi.

Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Mây núi với biển trời tụ về chung một góc. Đêm ư? Ngày ư? Một ngàn năm trước ư? Một nàn năm sau ư? Tôi và anh, chim và cá, một và hai, dài và ngắn... Tôi nghĩ rằng cứ trụ mãi trong niệm tưởng này, một ngày nào đó ngừoi ta sẽ hiểu ra nguyên lý của vũ trụ. Phải chăng thế giới quan của phật giáo đã được trình bày sau những năm tháng Thái tử Tất-đạt-đa lắng mình giữ rừng sâu núi thẳm? Lá rụng, hoa rơi, chim kêu, vượn hú, biển hạc màu trăng, núi băng màu tuyết, xanh trắng đen vàng, mênh mang trời đất, sắc sắc không không, thị chơn thị giả, siêu hồ nhật nguyệt chi quang, hàm đẳng thái hư chi lượng. Phân tích làm chi hai chữ “Vô thường”, có khó gì đâu hai từ “Vô ngã”...
Cái ta sẽ tan ra, pha loãng với đất trời. Biển cuộn sóng lên mà ta rêm mình mẩy, lá rơi xuống vực mà ngũ tạng nhói đau. Đá núi nghe pháp gật đầu, biển sâu nằm trong hạt cải. Bạn có tin không? Tin không?
Tôi thì tôi tin rằng đức phật không bao giờ lừa dối ai đâu. Phật không bao giờ nói chuyện huyền thoại, hoang đường. Ngài thấy Tam thiên đại thiên thế giới này rõ ràng như kẽ chỉ ở bàn tay, và tất cả thế giới được sắp xếp trong một trật tự đáo để đến không ngờ, nhưng không có cái đấng tạo hóa nào nhúng tay vào cả, tất cả chỉ là sự duyên khởi trùng trùng, vô ngã, qua tâm cảm nghiệp thức của muôn loài.
Tôi đã đi xa quá rồi, tôi rơi vào hý luận rồi. Thôi! Bạn đừng tin tôi, tin Phật thì tin chứ tin tôi thì đừng. Nhưng có một cái gì đó, một cái gì vô cùng kỳ lạ, vô cùng mãnh liệt, tôi muốn bạn thử một lần lên nằm trên đỉnh núi ngắm biển trời giữa đêm trăng khuya khoắc. Kìa! Trăng tàn rồi, mấy ngôi sao đang chìm sâu lên trên (tôi không cố ý nói ngược ngạo đâu nhé!), sao nó đang chìm lên hun hút, chìm tới đâu nhỉ? Phật ơi! Con chưa biết!
Bình minh. Mặt trời như chiếc mâm đỏ ối nằm gối đầu trên mặt biển, sóng biển lại vờn lên bắt như cảnh “Lưỡng long tranh châu”. Sương vẫn còn ướt đẫm hai vai, nhưng núi xanh đã hiện hình nguyên vẹn. Chúng tôi đón xe xuống đèo ra Huế mà lòng cứ bịn rịn như còn thèm ở lại thưởng thức tiếp một đêm trăng.

Nhất Thanh