Tôi có diễm phúc được sở hữu chữ ký cuối cùng của Hòa thượng Mãn Giác, ký bảo lãnh tôi sang hoằng pháp tại Hoa Kỳ trước lúc Ngài lên xe đi bệnh viện giải phẩu.
Đến thăm và hầu Hòa thượng tại chùa Việt Nam, ngôi chùa của người Việt đầu tiên ở Los Angeles sau khi Ngài xuất viện, Hòa thượng đã vui vẻ tiếp tôi trên giường bệnh, nụ cười đôn hậu luôn gắn trên môi, vô cùng từ bi hoan hỷ. Nhân tuần chung thất cố Hòa thượng (02/11/2006), xin bình bài thơ này như một nén tâm hương dâng lên đảnh lễ Hòa thượng, một đóa hoa ngát hương trong vườn hoa Phật giáo Việt Nam tại quê hương và hải ngoại.
Lâu lắm rồi, chí ít cũng từ sau thời tiền chiến, người ta mới gặp lại một câu thơ có vẻ cổ điển, nói chung là xa lạ với thi tứ bây giờ, cái cách mở đầu một tứ thơ chẳng có gì hiện đại: Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ !
Phải thôi ! Đó là câu thơ của một ông già, lại là một nhà sư. Người được nhuốm cái không khí Thiền vị như nhà sư Mãn Giác (1927 - 2006) thì mở đầu một câu thơ như thế chẳng có gì lạ, vì đó là một nhà sư thi sĩ. Thi sĩ thì luôn có cái nhìn tinh tế, cách nghĩ khác người, chẳng có gì ngạc nhiên khi thi sĩ viết tiếp câu mở đầu ấy bằng cụm từ “Nghe tiếng hoa khai ...”
Nghe được tiếng hoa khai, kể cũng mới lạ đấy ! Thơ mà ! Khối người thấy được màu thời gian, người được hương của nắng, nếm được vị của mây ... Nghe được tiếng hoa khai cũng chỉ là chiều kích sâu xa của tâm hồn thi sĩ. Nhà thờ Huyền Không Thích Mãn Giác đã thức dậy và cảm nhận mùa xuân đến bằng một trình tự ngẫu nhiên ngẫu nhĩ, không phải là cái nhìn thấy, mà là sự bừng ngộ:
“Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình”.
Không có chữ nào trong hai câu trên là đặc biệt cả, nhưng cái giật mình bất chợt lại làm cho bốn chữ “nghe tiếng hoa khai” trở thành hình ảnh độc đáo nhất trong thi ca Việt Nam.
Chẳng hạn như sư viết: Nghe tiếng hoa khai ở cuối thềm, câu thơ có thể đẹp nhưng chưa phải hay. Hay chưa đủ, nhà thơ mở cửa bước vào mùa xuân bằng thái độ của một con người, con người vừa giật mình sau một hơi thở tinh tế nhất của mùa xuân:
“Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh”.
Tôi chợt nhớ một tứ thơ của Trần Nhân Tông (1258 - 1308), cũng là một Thiền sư thi sĩ:
“Thụy khơi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi”
(Xuân Hiểu)
Tạm dịch:
(Thức dậy nhìn ra cửa sổ
Mới hay trời đã xuân đầy
Ô kìa một đôi bướm trắng
Nhịp nhàng hướng nụ hoa bay).
Hai Thiền sư thi sĩ Việt Nam, cách nhau nhiều thế kỷ đã gặp nhau trong một tứ thơ: thức dậy mới hay xuân đến. Nhưng Trần Nhân Tông chỉ dừng lại để ngắm xuân, còn nhà sư Mãn Giác đã khoác áo để bước vào xuân:
“Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh”.
Trình tự của bài thơ có phần đảo nghịch. Đúng ra là thức dậy, choàng thêm áo, nghe tiếng hoa khai, giật mình ... mới hay xuân đến. Cái trình tự ấy, mười thế kỷ trước có một Thiền sư thi sĩ Trùng Đạo hiệu (Mãn Giác, 1052 - 1096) đã cảm nhận trong thi kệ bất hủ Cáo Tật Thị Chúng. Sự gặp gỡ mùa xuân trở thành nền tảng tâm linh bất tuyệt của những tâm hồn nhạy cảm. Một Thôi Hiệu của Đường thi chỉ ngơ ngát thấy gió xuân cười với hoa đào năm trước (Đào hoa y cựu tiếu đông phong - Đề thành tích sở kiến). Mãn Giác Thiền sư thì an trú trong “một nhành mai” giữa xuân đến xuân đi hay hoa khai hoa rụng. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng thì như một kẻ thỏng tay vào chợ chào đón nguyên xuân giữa dặm dài lữ thứ:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”
(Xuân Hiểu)
Cũng như tất cả chúng ta, những người từng sững sờ trước nhành mai trong Cáo Tật Thị Chúng, mãi mãi vẫn chỉ mơ hồ thoáng thấy, qua ngôn ngữ, qua tâm cảm đạt ngộ của Thiền sư Mãn Giác thời Lý. Nhành mai vẫn hiện hữu ở đêm qua sân trước, nhưng nó là của Thiền sư chứ không phải của chúng ta. Thi sĩ Huyền Không Thích Mãn Giác nhất định phải tìm thấy nhành mai của riêng mình, nên ông đã “Thức dậy choàng thêm áo”. Nếu nói theo nghĩa giáo môn, hành động choàng thêm áo có thể hiểu như là khoác “Bị giáp tinh tấn” (kinh Tứ Thập Nhị Chương). Nếu nói theo nghĩa Tông môn, hành động ấy có thể hiểu như là “cánh tấn nhất bộ” (Bước thêm một bước nữa). Nếu nói theo nghĩa triết học, hành động ấy có thể hiểu như là “nhảy vào hố thẳm tư tưởng”. Nhành mai của Mãn Giác đời Lý là nhành mai của người đạt ngộ đem ra thị chúng khi bệnh. Còn thi sĩ Huyền Không Mãn Giác chỉ là một hành giả, đặc biệt là hành giả Việt Nam sống gần 30 năm trên Mỹ quốc. Giữa thành phố Los Angeles nhộn nhịp của miền Nam Cali, nhà sư đã bước vào thế giới chứng ngộ Thiền cơ một cách rất Tây: choàng thêm áo. Để rồi trong giây phút thiên tải nhất thì, thi sĩ trực nhận được cái nguyên ủy của đời sống và thật tướng của các pháp: vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh !
“Mới tinh”, rất Tây, rất hiện đại, nhưng sự trực nhận ấy là cả một quá trình tu chứng, khởi đi từ những vần thơ “Nhớ chùa” bất hủ từ thuở còn 18 tuổi, đến những năm du học Đông Tây, về làm Phó viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, giáo sư Đại học Văn Khoa Sài Gòn, rồi lặng lẽ xa quê hoằng pháp suốt mấy chục năm trời, cho đến ngày viên tịch. Thi sĩ Bùi Giáng có hai câu thơ thật hay viết về quê hương của Sư:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Còn Hương Ngự thì Huế vẫn còn, dù cho bao triều đại đã đi qua, bao bến bờ đã thay đổi, quê hương của thi sĩ Huyền Không Thích Mãn Giác vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người con xa xứ. “Mái chùa che chở hồn dân tộc” trong nếp sống muôn đời của tổ tông Lạc Việt vẫn còn cái gì đó cũ mèm, buồn buồn và đôi khi bi đát. Từ dòng Hương đỉnh Ngự, từ cổ độ rêu mờ, thi sĩ đã ra đi, một mình làm một cuộc lưu đày viễn xứ trong cõi bát ngát hồn mình. Và trong giây phút bình sinh hãn hữu, thi sĩ đã nhập diệu bởi một trực nhận thế giới huyền học của Đông phương, thế giới Hoa Nghiêm, thế giới của cung đàn bất nhị: Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh !
Đức Khổng Tử từng nói: “Thiên hà ngôn tai ! vạn vật sanh yên, tứ thời hành yên, thiên hà ngôn tai” (Trời có nói gì đâu ! Muôn vật vẫn sanh sôi nảy nở, bốn mùa vẫn tuần tự xoay vần, Trời có nói gì đâu ! - Luận Ngữ). Vâng ! Cái tuần tự xoay vần làm cho vũ trụ mới mẽ trong từng giây phút. Con người đã quá nhiều lời, thế sự đã quá nhiễu nhương do bị cuốn theo dòng chảy của tồn sinh mà không biết rằng bến bờ uyên nguyên sơ thủy nằm ngay tại vuông tâm. Trần Thái Tông từng viết: “Bách niên tâm ngữ tâm, vạn sự thủy lưu thủy”. Trăm năm lòng hỏi lấy lòng, sự đời muôn việc một dòng nước xuôi. Nhà sư Mãn Giác đã tự hỏi lòng mình giữa bao thăng trầm thế sự, nên việc trực nhận thế giới thiên sai vạn biệt này vẫn mới tinh trong từng giây từng phút chỉ là một bến bờ cuối lộ trình tâm thức.
Chỉ một vần thơ, tên tuổi của người đã đứng ngang hàng với bậc Thiền tăng gần ngàn năm trước mà người đời sau có thể nhầm lẫn. Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Một mai, khi tất cả những hình danh sắc tướng kia đã chìm vào quên lãng, còn lại chăng là nụ cười gắn mãi trên môi người đạt ngộ, sững sờ khi nghe tiếng hoa khai.
Vĩnh Minh Tự Viện
Quý Thu năm Bính Tuất
- Nguồn Xuân _Thơ Nhất Thanh
- Ý Nghĩa Của Xá Lợi Phật _ Thích Nguyên Hiền
- Phản Văn Văn Tự Tánh _ Thích Nguyên Hiền
- Thôi Em Ngủ Giấc Nghìn Thu _ Nhất Thanh
- Thơ Nhất Thanh
- Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền
- Ý Nghĩa Xá Lợi Và Đất Thiêng - Thích Nguyên Hiền
- Tìm Hiểu Về Quán Thế Âm
- Tinh Thần Quán Thế Âm
- Tìm Hiểu Về Hiện Tượng Lâm Tỳ Ni
- Sự Khác Nhau Giữa Hai Đoạn Trong Kinh A - Di - Ðà (Trí Ðắc Hỏi, Thích Nguyên Hiền Trả Lời)
- Đức Đạt Lai Lạt Ma Và lễ hội KARACHAKRA(Ký sự du hành Ấn Độ)