Theo những nhà nghiên cứu, ngày xưa đối tượng để thờ cúng không phải là tranh tượng mà là Xá Lợi và các tháp chứa đựng Xá Lợi. Theo thời gian, quan niệm thờ cúng Xá Lợi và bảo tháp hẳn không thể tồn tại được lâu, nhất là với sự phát triển rộng khắp của đạo Phật. Ngày nay người ta phát hiện một văn bản du nhập và Trung Quốc năm 148 sau dương lịch, trên đó có ghi: “... đệ tử đích thực của Phật cần đảnh lễ tranh tượng của Ngài mỗi sáng mỗi tối và thường xuyên đốt đèn để tỏ lòng tôn kính Ngài ...”
(Theo L.M.Joshi, Buddhistische Kunst und Architekur, trích trong Die Welt des Buddhismus, Orbis Verlag 2002)
Xá Lợi là dịch âm từ tiếng Phạn Sarira, nghĩa là từ thị, di cốt, thông thường chi di cốt của Đức Phật, về sau từ ngữ này còn chỉ xương đầu của các vị cao tăng sau khi hỏa thiêu. Phẩm “Xả Thân” trong kinh Kim Quang Minh quyển 4 (Đại Chánh Tạng 16, trang 354 thượng) ghi: “Xá Lợi là thành quả của sự huân tu giới định tuệ, không dễ gì có được, đó là phước điền tối thượng”. Từ ngữ Sarira là do động từ Sri chuyển thành danh từ, nghĩa là chỗ nương tựa của thân thể. Hoặc do động từ Sri chuyển biến mà thành, nghĩa là không dễ gì hư hoại. Trong tiếng Phạn còn có từ Dhàtu là một tên gọi khác của Xá Lợi. Theo “Trường bộ kinh” chú bằng văn Pàli (Sumangala-vilàsini) thì những tinh ba thân thể sau khi thiêu, kết tụ thành những hạt ngọc kiên cố (Dhàtuyo) gọi là Xá Lợi. Theo đó thì có thể biết từ ngữ Saria là chỉ tử thi, từ ngữ Dhàtuyo là chỉ di cốt sau khi thiêu. Chúng ta có thể hiểu chúng theo 2 nghĩa là toàn thân Xá Lợi và toái thân Xá Lợi. Kinh Dục Phật Công Đức chia Xá Lợi thành hai loại là Sanh Thân Xá Loại và Pháp Thân Xá Lợi. Pháp Thân Xá Lợi tức chỉ giáo pháp, giới luật mà Đức Phật để lại ... Còn theo “Pháp Uyển Châu Lâm” quyển 40 thì Xá Lợi được chia làm 3 loại: Xá Loại xương màu trắng, Xá Lợi tóc màu đen, Xá Lợi thịt màu đỏ.
Theo sử truyện thì Xá Lợi của Phật sau khi Trà Tỳ được chia làm 3 phần cho Chư Thiên, Long Vương và nhân gian. Như vua trời Đế Thích được nhận Xá Lợi răng của Phật thì cũng giống như lễ bái cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo hay tòa Kim Cang.
Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, có 8 vị quốc vương phân chia Xá Lợi Phật về xây tháp cúng dường. Theo kinh Du Hành trong Trường A Hàm, quyển 8, lúc ấy dân chúng thành Malla, nơi Đức Phật nhập diệt, muốn được lưu giữ Xá Lợi nên xây tháp cúng dường ngay bản quốc liền bị 4 đội quân khác đến Câu-thi-na được chia Xá Lợi, nhưng bị sự kháng cự bởi quốc vương nước này. Ngoài ra còn có dân chúng Bạt Ly, Câu Lợi, Bà La Môn, Ly Xa Vi, Vua A-xà-thế và dòng họ Thích Ca ... đến xin được chia Xá Lợi. Cuối cùng hương tánh Bà La Môn cáo dụ chia Xá Lợi thành 8 phần cho 8 nước để tránh nạn binh đao xảy ra.
Năm 1890, nhà khảo cổ người Pháp tên W.C.Peppé khai quật di tích ở phía Nam nước Népal tìm thấy một hộp lớn trong đó chứa bốn chiếc hộp nhỏ bằng đá, 2 hộp chứa những mảnh xương, 2 hộp còn lại chứa thành hạt như hạt ngọc. Trên nắp hộp có khắc 2 hàng chữ Brahmi, thứ chữ được sử dụng vào thời vua A Dục. Nội dung hai hàng chữ này là: “Đây chính là hộp đựng Xá Lợi Phật do chính tộc họ Thích Ca phụng thờ”. Do đó chứng minh rằng thuyết Xá Lợi được chia làm 8 trong “Kinh A Hàm” là chính xác. Sau đó chính phủ Anh quốc đã tặng Xá Lợi này cho quốc vương nước Cù La. Vị quốc vương này lại phụng cúng cho các nước Tích Lan, Miến Điện, Nhật Bản. Xá Lợi được cung nghinh tại Vĩnh Minh Tự viện sáng hôm nay là một phần của số Xá Lợi ấy được nước Tích Lan cúng dường lại cho một vị chức sắc của Việt Nam. Nhờ nhân duyên lớn mà hôm nay hiện diện tại Chánh điện này.
Xá Lợi Phật là sự kết tinh của công phu tu hành Giới - Định - Tuệ, nên việc cúng dường Xá Lợi có công đức rất lớn. Ngày xưa, Vua A Dục đã xây dựng 8 vạn 4 ngàn ngôi tháp để cúng dường Xá Lợi. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, người ta đã xây dựng nhiều ngôi tháp nguy nga, thậm chí các tháp được làm bằng vàng để cúng dường Xá Lợi. Sự linh diệu của Xá Lợi là không thể nghĩ bàn, các kinh truyện đều nói đến rất nhiều. Luận “Đại Trí Độ” quyển 59 ghi rằng nếu cúng dường chỉ một viên Xá Lợi nhỏ bằng một hạt cải thì công đức cũng vô lượng vô biên.
T.N.H
- Nén Hương Tưởng Niệm
- Gọi Tình Bên Sông
- Tản Mạn Melbourne - Đâu Phải Bởi Mùa Thu.
- Giáo Dục Phật Giáo - Kế Thừa Và Phát Triển
- Chùm Thơ Yên Tử_ Thích Nguyên Hiền
- Nguồn Xuân _Thơ Nhất Thanh
- Phản Văn Văn Tự Tánh _ Thích Nguyên Hiền
- Thôi Em Ngủ Giấc Nghìn Thu _ Nhất Thanh
- Thơ Nhất Thanh
- Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền
- Nghe Tiếng Hoa Khai - Thích Nguyên Hiền
- Ý Nghĩa Xá Lợi Và Đất Thiêng - Thích Nguyên Hiền