Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Phản Văn Văn Tự Tánh _ Thích Nguyên Hiền

Phản Văn Văn Tự Tánh _ Thích Nguyên Hiền

Email In PDF

Quay cái nghe trần cảnh bên ngoài lại để nghe lấy tự tánh của mình. Đó là nền tảng tu hành cốt yếu của Đại thừa
Chúng ta đã tôn kính thờ phụng Bồ Tát Quán Thế Âm khắp cả mặt đất này, nhu cầu tín ngưỡng được tưới tẩm bởi năng lực hóa thân bất tận của Bồ Tát Quán Thế Âm đã tạo ra vô số hình tượng, đáp ứng mọi nhu cầu của chúng sanh. Điều đó, trên phương diện khuyến hóa, đã tạo được một nét văn hóa cực kỳ phong phú về tín ngưỡng trong tín đồ Phật giáo; nhưng về đường hướng học tập - cái cốt tủy của kinh điển Đại thừa, vô hình trung tín ngưỡng Quán Thế Âm đã dắt chúng ta đi quá xa yếu lý của pháp môn. Pháp môn tu hành mà chúng ta vẫn học nơi Bồ Tát Quán Thế Âm không gì ngoài ‘’Phản văn văn tự tánh’’

 

Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và ý phân biệt, đó là tất cả lực dụng của 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần sắc thanh hưởng vị xúc pháp. Đối với chư vị Bồ Tát thì lục căn hỗ dụng, tức 6 căn có thể dùng chung. Mắt có thể thấy nghe ngửi nếm, tai có thể nhận biết mọi đối tượng của các căn. Nhưng trong 6 căn, nhĩ căn là có năng lực đặc thù thắng nhất. Chính vì thế chư vị Bồ Tát đã thực hành sự tu tập của mình bằng cách vận dụng năng lực thù thắng của nhĩ căn để chúng được Viên Thông.

Theo kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, lần lượt 25 vị thánh lớn nhỏ tự trình bày phương tiện Viên Thông mà mình đã chứng được. Phật bảo ngài Văn Thù hãy lựa chọn xem pháp nào hay pháp nào dở. Sau khi phê bình từng pháp tu một, ngài Văn Thù cho rằng chỉ có pháp Nhĩ căn Viên Thông của Quán Thế Âm là tối thượng. Vì trong 6 căn của chúng sanh ở cõi này thì nhĩ căn là lanh lợi nhất, cho nên phương tiện Viên Thông của nhĩ căn là vô cùng thù thắng. Trong 25 vị thánh, danh từ Viên Thông đặc biệt dùng để chuyên gọi ngài Quán Thế Âm.

Quán Âm Đại Sĩ chứng được Nhĩ căn Viên Thông. Chúng ta từng nghe như thế và chỉ hiểu một cách mơ hồ rằng Nhĩ căn Viên Thông tức bậc có khả năng Thiên nhĩ thông, bậc có lỗ tai nghe được hết mọi âm thanh gần xa các loại. Hiểu như thế quả không sai, nhưng chúng dễ bị hiểu lầm như một thứ thần thông của ngoại đạo. Kỳ thật, Viên Thông chỉ cho lý thật tướng mà bậc thánh có diệu kì chứng được. Chân như do trí huệ chứng ngộ, bản chất tồn tại của nó tròn đầy trùm khắp, tác dụng của nó tự tại, có mặt trong tất cả pháp nên gọi là Viên Thông. Ngoài ra, dùng trí tuệ thông đạt đạo lý hoặc thực tiễn của chân như cũng được gọi là Viên Thông. Như vậy, Viên Thông không đơn thuần là khả năng nghe được tất cả âm thanh gần xa tạp loại, mà chính là khả năng chứng ngộ được thật tướng của các pháp, nghe được tự tính của mỗi pháp...

Trong kinh Lăng Nghiêm, sau khi khen ngợi Nhĩ căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù còn nêu ra 3 thứ chân thật, đó là Thông chân thật, Viên chân thật và Thường chân thật.

1. Thông chân thật: Các căn mắt, mũi, lưỡi, thân và ý đều không bằng nhĩ căn. Vì mắt không thấy vật khi bị ngăn che, cho đến tâm ý có khi bị lăng xăng bất định, còn nhĩ căn thì nghe được âm thanh dù cách vách và nghe cả gần lẫn xa.

2. Viên chân thật: Mười phía cùng đánh trống một lúc nhưng nhĩ căn đều nghe được âm thanh từ mười phía

3. Thường chân thật: Âm thanh có khi có khi không, khi động khi tĩnh, nhưng tánh nghe thì không mất, có âm thanh thì nghe có âm thanh, không có âm thanh thì nghe không có âm thanh. Bất luận là âm thanh có hay không, tánh nghe này vẫn trạm nhiên thường trụ và không bao giờ sanh diệt.

Âm thanh thì có sanh diệt, nhưng tự tánh của các pháp thì thường trụ bất biến. Người muốn an trú vào cảnh giới bất sanh bất diệt thì phải quay cái tai nghe trần cảnh lại để nghe lấy tự tánh của các pháp.

Tự tánh tức tánh chân thật bất biến, thuần tịnh không tạp của mỗi pháp. Trong Luận Thập bát không nói tự tánh có 2 nghĩa là Vô thủy và Nhân. Vì Vô thủy nên chúng ta không thể biết được bản chất thật của mỗi pháp. Vì nó là Nhân nên không xen tạp và bất biến.

Trong kinh Giải Thâm Mật chia tánh tướng của các pháp làm 3 loại là Biến kế sở chấp tánh, Y tha khởi tánh và Viên thành thật tánh. Những thứ thấy nghe do tâm thức suy lường phân biệt gọi là Biến kế sở chấp. Các pháp  không tự tồn tại độc lập mà nương gá vào một pháp khác để biến khởi nên gọi là Y tha khởi. Nhưng, tất cả các pháp đều xuất pháp và quy hồi nơi tự thể của mình một cách trọn vẹn nên gọi là Viên thành thật. Kỳ thực, theo Trung Luận thì các pháp đều do duyên mà thành chứ không có tự tánh nhất định, cho nên nói tự tánh của các pháp là không.

Cái mà gọi là “các pháp” đều do tâm tạo. Ngoài tâm không có pháp. Tất cả vạn vật vạn tượng đều do tự tánh biểu hiện ra. Tự tánh cũng chính là Phật tánh sẵn có xưa nay. Bất luận về mặt triết lý hay mặt tu trì, tự tánh duy tâm là một trong các nền tảng chủ yếu của giáo nghĩa Phật giáo Đại thừa. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ thấy rõ thực tướng của các pháp nên vượt qua mọi khổ ách.

Nhờ thấy rõ tự tánh của các pháp và của chính mình, Bồ Tát phát nguyện “xứng tánh khởi tu”, ứng theo tự tánh của mình mà tu tập, “xứng tánh tác Phật sự”, ứng theo tự tánh của mình mà làm các Phật sự. Tự tánh vốn không tham sân si, xứng tánh khởi tu nên không làm gì cả mà vẫn Đại bố thí, Đại trì giới, Đại nhẫn nhục cho đến Đại trí huệ. Không làm gì cả mà vẫn làm tất cả (vô vi nhi vô bất vi), hành Lục độ muôn hạnh vẫn thong dong tự tại ... Muốn đạt được như thế không gì hơn là làm một cuộc quy hồi về tự tánh thanh tịnh tâm của mình.

Ngày nay chúng ta học đạo, cứ lăng xăng chạy mãi theo khách trần phiền não nên tu mãi mà chẳng đến đâu. Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được dựng khắp ta bà mà hạnh ngộ Quán Thế Âm chưa một lần thực hành nơi hơi thở. Như thế, dù khuyến hóa thờ lạy, xưng tụng hay tưởng nhớ Ngài, phước đức chất cao như núi mà vẫn não phiền một mảy cũng chưa không, làm sao gọi là hành Bồ tát hạnh được!
Nhân lễ hội Quán Thế Âm tổ chức tại Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, người viết mạo muội gợi lại đôi lòng ý tưởng quay về lắng nghe tự tánh, trước là để cảnh tỉnh mình, sau gọi là góp một chút duyên hoằng pháp dâng lên cúng dường ngày Đản sanh của Bồ Tát.
Nam mô hiệu Viên Thông, danh Tự Tại Quán Âm Như Lai quảng phát hoằng thệ nguyện.

Vĩnh Minh Tự Viện, tiết hoa triêu
T.N.H