Thích Nguyên Hiền
Đầu hạ năm Nhâm Thìn, Ban dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang ngậm ngùi tiễn biệt hai pháp lữ về cõi Phật: đại đức Thích Vạn Hạnh và sư cô Thích Nữ Nhật Đạo.
Trong lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của lớp phiên dịch Huệ Quang, ni sư Như Hiếu đã có một tác phẩm khá ngộ nghĩnh: “Cây phiên dịch”. Đó là bức tranh vẽ một bình hoa với những đóa hoa là mười bảy vị anh hào của lớp phiên dịch đầu tiên ở Huệ Quang. Mới đó mà đã hai mươi năm. Mười bảy đóa hoa giờ đã rụng hết hai, Vĩnh Minh.net xin gửi hai bài viết ngắn của thầy Nguyên Hiền như nén hương tưởng niệm hai đóa hoa đã rụng sớm.
TÌNH PHÁP LỮ
Nhớ thầy Vạn Hạnh
Sau đúng một tháng đi hoằng pháp ở Úc Châu, vừa về tới Huệ Quang, tôi nhận được tin thầy Vạn Hạnh đã mất. Bàng hoàng, thương tiếc và xót xa, tôi tự trách mình đã không có mặt để tổ chức tang lễ của Thầy.
Ở lớp Huệ Quang khóa đầu tiên, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Các vị khác hầu hết lớn tuổi. Khi vào Huệ Quang, ai cũng thuộc hàng giáo thọ, chỉ có thầy Vạn Hạnh là lớn hơn tôi đúng một tuổi, xem như cùng trang lứa, nên gần gũi và thân thiết nhau hơn.
Xuất thân từ đất võ Bình Định, nhưng tánh tình thầy lại mềm như con gái, nhỏ nhẹ, tao tế.
Tốt nghiệp cơ bản Phật học Thiên Minh Thủ Đức, năm 1990, thầy ghi danh vào học Hán Nôm trường Doanh Thương Trí Dũng - Sài Gòn, lỡ tay mà đậu vào lớp phiên dịch Huệ Quang. Tôi nói lỡ tay là vì thầy vốn học rộng, biết nhiều, nhưng không phải là người tinh tế, bén nhạy, ngoài đời cũng vậy mà trong văn chương chữ nghĩa cũng vậy. Chữ nào không biết tôi hỏi thầy, nhưng dịch câu nào cho ý tứ thầy lại hỏi tôi. Hồi ở Huệ Quang, một tay thầy cầm từ điển Hán Việt, một tay cầm từ điển Anh Việt, học hai ngôn ngữ một lần, vừa sinh ngữ vừa tử ngữ. Tôi nói đùa: “Học kiểu thầy, mười năm sau thầy thành từ điển sống, nhưng nếu hỏi hiện giờ thầy đang thích cái gì thì chưa chắc thầy trả lời được”. Thầy dang tay tát yêu tôi: “Chú mày chỉ được cái lẻo mép!”.
Học lớp Huệ Quang hai năm, ai nấy đều lên xe máy, hẻo nhất như tôi thì cũng lên được chiếc Babetta, riêng thầy Vạn Hạnh thì vẫn chiếc xe đạp cà tàng, mà thầy là người ở xa nhất. Thầy tạm trú tại một ngôi tịnh thất ở ngoài Bình Triệu, sáng đạp lên Huệ Quang, gần Đầm Sen, chiều đạp về Bình Triệu. Lớp tôi ai cũng được đặt một biệt danh, một cách cú. Và thương hiệu của thầy Vạn Hạnh là: “Trầm mặc tịch liêu nên yêu xe đạp”. Vậy đó! Cái dáng mỏng manh, xương xẩu và tính cách hiền lành của thầy, cả lớp ai cũng yêu mến. Thầy chẳng hề gây sự với ai, chẳng làm phiền ai. Sau hai năm học, Thầy dời về ở luôn tại Huệ Quang cùng quý thầy trong cái mái lá ngày xưa thờ Đại tạng, bây giờ là lớp học cho các khóa sau. Sư cô Nhật Đạo từng nói đùa: “Một hạnh của thầy mình học còn chưa nổi huống gì là Vạn Hạnh”. Nghĩ cũng tức cười. Mỗi lần công phu khuya xuống, thầy để nguyên áo dài, cốt để tới 5h30 dùng cơm sáng khỏi mắc công cởi ra bận vô, hai tay cầm hai cuốn từ điển song ngữ, ngả lưng xuống giường và… ngủ! Mỗi lần thấy thầy ôm từ điển là biết sắp ngủ gục. Thầy hồn nhiên như trẻ thơ, đôi lúc ngây thơ đến buồn cười. Thầy Nguyên Chơn bảo: “Ông Hiền này cứ chơi ông Vạn Hạnh hoài”. Giờ nghĩ lại, thương thầy quá đỗi.
Cái giọng Bình Định của thầy cũng làm cả lớp nhiều lần cười ra nước mắt. Có lần lớp đi du khảo ở miền Tây, ghé ngang một cơ sở thủ công mỹ nghệ, thấy một bác thợ tay thoăn thoắt đan một cái rọ bằng tre, rất điệu nghệ, thầy Vạn Hạnh buộc miệng: “bác làm sao thấy dở quá!”. Bác ấy quay sang nhìn một cách khó chịu, bác đâu biết rằng thầy đang khen: “bác làm sao thấy dễ quá!”, tức làm chuyện ấy một cách dễ dàng, khéo léo quá.
Rề rà cà kê cũng là cái tính của Thầy. Có lần cả lớp được sư cô Nhật Đạo mời về Sóc Trăng. Trên đường về qua phà Cần Thơ, mọi người phải xuống xe. Chẳng biết thầy mải mê xem một đám xiếc nào đó mà quên cả qua phà. Khi xe qua phà rồi, chuẩn bị chạy tiếp mà tìm hoài chẳng thấy thầy Vạn Hạnh đâu, thời ấy chưa ai xài điện thoại di động, mất hơn cả tiếng đồng hồ nên cả lớp quyết định bỏ thầy lại, đến tối thầy mới đón được xe khác đi về. Thời đó trong túi anh em chẳng ai có đồng nào, thầy cũng không ngoại lệ, có lẽ phải khó khăn lắm thầy mới xin quá giang về lại tới Sài Gòn.
Đang làm việc tại Huệ Quang, sư phụ của thầy lâm trọng bệnh, Thầy phải đến hầu sư phụ nhiều tháng tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi bổn sư viên tịch, thầy Vạn Hạnh phải về lại chùa Khánh Long ở Bình Định để cư tang và kế vị trụ trì. Tôi đã vài lần ra ở lại chơi với thầy. Sau nghe nói thầy được mời làm giáo thọ trường Cơ bản Phật học Bình Định, chúng tôi rất vui. Anh em Huệ Quang dù có yếu kém hơn những vị khác, nhưng khi đi ra thì chí ít cũng có thể kiếm được một chân giáo thọ Hán Văn ở một trường cơ bản, đó là chưa nói thầy Vạn Hạnh vốn rất giỏi, kiến thức rất rộng. Gọi là về vườn vui thú điền viên, gõ đầu trẻ cũng được, hay gọi là đem sở học của mình để cống hiến cho đời, truyền thụ cho thế hệ sau cũng chẳng sai.
Mỗi năm giỗ cố hòa thượng khai sơn tu viện Huệ Quang vào cuối tháng giêng, thầy đều vào Sài Gòn họp mặt lớp. Năm ấy thầy ghé về thăm anh em, rồi ra đi và để lại một bài thơ. Tôi có sửa vài câu rồi đăng vào đặc san Suối Nguồn. Đó là tác phẩm duy nhất chúng tôi còn lại. Nguyên văn bài thơ thế này:
Chế Trà
Thân tặng Nguyên Hiền
(Nhân ngày ghé thăm Huệ Quang)
Đây chén trà ngon lại gặp nhau
Bắt tay cười rộ trước và sau
Phút giây tao ngộ sau và trước
Mãi mãi tương đồng không trước sau.
Em chế trà xong anh viết thơ
Khuôn viên dịch xá nắng hoa mơ
Nào tình huynh đệ chia tay cả
Nhưng vẫn bên nhau những cuộc cờ.
Thế sự như cờ mãi đổi thay
Mừng ngày Thành Đạo bánh xe quay
Hơn ngàn năm trước, ngàn sau nữa
Pháp lữ hòa âm vỡ tháng ngày.
Nhấp chén trà vui tạm biệt rồi
Hương trà chưa đượm vẫn khô môi
Bên nhau thoáng chốc lòng ta ấm
Em chế trà xong chia tay thôi.
Lật Suối Nguồn đọc lại bài thơ, tôi không cầm được nước mắt. Có lẽ giây phút đẹp nhất của tình pháp lữ là giây phút ngồi uống trà đàm đạo. Em chế trà, sao anh lại nói chia tay? Bài thơ làm vào mùa Thành Đạo năm Mậu Dần, cách đây đúng mười lăm năm. Trong bài có hai chữ chia tay, một chữ tạm biệt. Hồi đó em nghĩ anh làm thơ lẩn quẩn, giờ đọc lại mới thấy nặng cả lòng:
Phút giây tao ngộ sau và trước
Mãi mãi tương đồng không trước sau.
Tình huynh đệ không trước sau hay phút giây tao ngộ không trước sau? Tình huynh đệ thì đã rõ. Còn phút giây tao ngộ? Em đã gặp anh, em đang gặp anh, và em có còn gặp lại anh? Nếu còn gặp lại, sao lại vội nói chia tay? “Em chế trà xong anh viết thơ”. Anh ạ! Trà huynh đệ em chế chưa xong. Anh bảo “hương trà chưa đượm vẫn khô môi” kia mà! Sao anh vội ra đi sớm thế? Khuôn viên dịch xá vẫn còn đó, mái lá Huệ Quang vẫn còn đó, nói chi đến “ những cuộc cờ”, đến “ngàn năm trước và ngàn sau nữa”. Em chưa già, đừng bắt em phải ngâm mãi Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, đừng bắt em phải triết lý mãi cái “thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt..” của Trần Thái Tông. Em chỉ thích lâu lâu anh ghé về ngồi uống trà, ba xí ba tú rồi “pháp lữ hòa âm vỡ tháng ngày”.
Giờ này, em không thích làm thơ để tặng anh. Nếu làm thơ em sẽ lẩn quẩn trong ý vị chia tay của anh. Em chỉ xin tạm bạch hai bài Tống biệt của Vương Duy như nén nhang lòng tiễn biệt một người anh của lớp phiên dịch Huệ Quang đầy ắp kỷ niệm thân thương này.
Tống Biệt 1
Vương Duy
Sơn trung tương tống bãi
Nhật mộ yểm sài quy
Xuân thảo minh niên lục
Vương tôn quy bất quy.
Tạm dịch:
Rừng chiều vừa tiễn chân ai
Hoàng hôn buông xuống hộ cài cổng tre
Xuân sau cỏ xiết mặt hè
Vương tôn nào biết có về hay không?
Tống Biệt 2
Vương Duy
Hạ mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi
Quân ngôn bất đắc ý
Quy ngọa Nam sơn thùy
Đản khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì.
Tạm dịch:
Dừng cương ngựa nhấp chén này
Hỏi người quân tử từ rày đi mô?
Tôi ư? Đã chán giang hồ
Về Nam Sơn gối cỏ khô mà nằm
Một đi chớ hỏi lằm bằm
Kìa xem mây trắng ngàn năm bay hoài.
CHỊ HAI LỚP TÔI
Nhớ sư cô Nhật Đạo
Nói về tuổi tác, sư cô Nhật Đạo còn nhỏ hơn nhiều so với những chị khác ở lớp tôi. Nhưng về khả năng cũng như quan hệ, cô là chị hai của lớp tôi. Một người có thể kết nối cả tăng lẫn ni thành một khối, phát ngôn như ra lệnh mà vẫn gần gũi, thân thương, dễ chỉ có sư cô Nhật Đạo, người vừa mới qua đời trong những ngày hạ vừa qua.
Nhận tin sư cô an tịch sau những ngày tháng chịu đựng sự hoành hành của căn bệnh ung thư phổi, ai nấy cũng bàng hoàng. Điện thoại reo vang, chuyện thật như bịa, bởi lẽ nghị lực và sự vững vàng của sư cô khiến ai cũng nghĩ sư cô là người có thể vượt qua tất cả, kể cả cái chết. Thế mà…!
Ngày tôi còn là một chú sa di bước chân vào Huệ Quang, sư cô Nhật Đạo đã là giáo thọ của nhiều ni trường ở Sài Gòn. Cái giọng Nam Bộ là đặc sản vùng sông nước Trà Ôn, nước da bánh mật, nụ cười luôn gắn trên môi, sẵn sàng xắn tay áo lao vào mọi chuyện như việc nhà, nói năng sắc sảo, ngắn gọn, cứng rắn, khiến lúc đầu tôi không cảm tình lắm. Nhưng khi đã là huynh đệ trong một lớp thì ngay cả những thầy lớn tuổi, đa tài cũng phải “thưa chị” một phép.
Sư cô xuất thân từ tổ đường Phật Quang, được học và gần gũi các bậc thầy ở chùa Phước Hậu. Trà Ôn là cái nôi của Phật giáo Nam Bộ. Ngày xưa, cứ mỗi lần được về Trà Ôn lễ Phật lễ tổ, tôi đều như tiếp nhận được một nguồn năng lượng đặc biệt từ thịnh đức của chư tôn. Con sông trước chùa ngày hai lần nước ròng nước lớn. Đường qua hai chùa cách nhau một chuyến phà ngang bên nớ bên ni. Ngã ba sông nặng trĩu phù sa, cây cối xanh rì, bãi chợ bến sông gửi gắm gì vào lòng Hậu Giang cuộn chảy? Thủy thổ hẳn tạo nên cá tính con người, nhịp sống hẳn in hằn lên giọng quê chơn chất. Chưa thấy ai bảo chốn này là địa linh nhân kiệt, nhưng từ cụ tổ Khánh Anh, cố hòa thượng Viện trưởng Viện hóa đạo Thích Thiện Hoa đến hòa thượng Thanh Từ và bây giờ là thượng tọa Phước Cẩn, thời nào cũng vậy, danh tăng Phật giáo kế tục ra đời, các bậc giáo thọ tăng ni cũng về đây hoằng pháp. Tôi không dám nói sư cô Nhật Đạo nằm trong cái mạch tăng tài ấy, nhưng cũng ít nhiều thừa hưởng cái thịnh đức ấy của chư tôn. Cũng từng là trụ trì Tổ đình của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đàng hoàng, đột xuất ni lưu, chẳng hiểu sao lại yểu mạng.
Ai đã bước về Huệ Quang xem như là kẻ dám mai danh ẩn tích. Cái nghề dịch thuật Hán Nôm cặm cụi suốt ngày này chẳng ai hay biết, cơm gạo nhà chùa khiến kẻ dùi mài giấy cũ cũng chẳng màng gì đến cơm áo ngựa xe. Nhiều vị tăng ni thời nay xênh xang học hàm học vị, riêng mấy vị tăng ni dưới mái lá này vẫn mãi cù lần trong cái nét chân quê, đó là tôi đang muốn nói đến sư cô Nhật Đạo. Nói đến sư cô là nhớ đến đôi dép nhựa màu trắng lẹp kẹp với chiếc áo nhật bình sạm vạt. Cái học gia giáo ngày xưa chẳng biết ướp tự bao giờ mà “chi cũng biết”. Câu cú cắt nghĩa rành rành, mỗi lời đều làu trong ruột. Hết Hán rồi Nôm, hết văn đến phú, chữ nghĩa một bồ, văn chương một bụng, làm nể mặt cánh mày râu. Trong lớp có chuyện gì trục trặc, sư cô Nhật Đạo vào cuộc là êm xuôi tất cả. Cô không hề biết giận. Ai nói lời gì phật ý, cô cười xòa rồi trả lại một câu “huề trớt” thế là xong. Bề ngoài có vẻ cứng rắn, nhưng thực chất thì mềm như bún, và tình cảm đến lạ lùng. Tôi đã nhiều lần chứng kiến sư cô khóc, khóc ngon lành như trẻ mới lên ba.
Cách đây đã hai năm, nhân chuyến về Trà Ôn tìm tư liệu về cụ tổ Khánh Anh, tôi đã đến thăm sư cô Nhật Đạo, cái gì chứ mảng tư liệu này thì tìm sư cô Nhật Đạo là đúng chỗ rồi. Sư cô đem ra những bản chép tay do chính sư cô sưu tập, những bản photo thủ bút của hòa thượng ngày nào. Sư cô cặn kẽ phân tích, đọc từng câu đối Nôm, thơ Hán. Ở lại một đêm cùng vài huynh đệ tại ngôi chùa Phật Quang mà sư cô trụ trì, dùng bữa cơm chùa cùng tương dưa rau muối, tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp chị hai lớp tôi.
Tang lễ của “ni sư trụ trì” chùa Phật Quang được tổ chức trọng thể, ban phiên dịch Huệ Quang cũng xuống phúng viếng đông đảo. Hòa thượng Thích Minh Cảnh vì Phật sự nên không thể đi cùng lớp tôi, hòa thượng đã liên tục gọi điện theo đường đi của ban phiên dịch, lấy thêm tục danh là “Hương” của Sư cô để gửi xuống một câu đối nhờ tôi viết lại.
“Hương quý thơm lừng trời Bát Nhã.
Đạo cao tỏa ngát cảnh Hoa Nghiêm”.
Tôi cũng đã đại diện phái đoàn Ban phiên dịch ghi lại trong sổ tang cặp đối đơn sơ, tiễn biệt chị hai lớp tôi, tiễn biệt sư cô Thích Nữ Nhật Đạo.
“Lai tợ nguyệt luân, tùng bách giang quy Đông hải
Khứ như nhạn ảnh, dữ vạn lãnh hướng thiên cao”
Tạm dịch :
“Đến tợ vầng trăng, theo nước trăm sông về biển cả
Đi như cánh hạc, cùng mây vạn núi hướng trời cao”
Vĩnh Minh Tự Viện, trọng hạ năm Nhâm Thìn
TNH