Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, Oct 31st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại GÓP NHẶT Thích Nguyên Hiền Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền

Tìm Hiểu Về Mật Tông_ Thích Nguyên Hiền

Email In PDF

Hiện nay, có rất nhiều Phật tử Việt Nam thích tìm hiểu và tu tập về Mật tông. Họ cho rằng Mật giáo là pháp môn mau chóng thành tựu đạo nghiệp. Thế nhưng, vốn không hiểu rõ về tông chỉ, kinh điển y cứ và phương pháp tu trì, do đó nhiều người dễ rơi vào chỗ lầm lạc. Không khéo, chính điều đó lại trở thành con dao hai lưỡi, có thể quay trở lại gây phương hại cho chính họ. Chúng tôi mạo muội tìm hiểu vài tài liệu liên quan đến Mật giáo, tham khảo trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và Phật Quang Đại Từ Điển, biên dịch khái quát về nguồn gốc, sự truyền thừa và giáo thuyết của Mật giáo hầu giúp những vị cơ sở hiểu thêm về pháp môn này.

I. SỰ TRUYỀN THỪA CỦA MẬT TÔNG

Mật tông có nhiều tên gọi, như Chân Ngôn tông, Du-già tông, Kim Cang Đảnh tông, Tỳ-lô-giá-na tông, Khai Nguyên tông, Bí mật thừa ... Tông phái này y theo pháp môn Chân ngôn Đà-la-ni, tu Ngũ tướng và Tam mật, kỳ vọng tức thân thành Phật. Đây là một tông phái thuộc Đại thừa Phật giáo, chủ yếu lấy kinh Kim Cang Đảnh làm Kinh Tạng, lấy Kinh Tô-bà-hô làm Luật Tạng, lấy luận Thích Ma-ha-diễn làm Luật Tạng. Tông phái này muốn hiển bày giáo lý của mình là chí tôn và tối mật, xem các giáo phái khác của Đại thừa là Hiển giáo thiển cạn, cho rằng Kim Cang Giới và Thai Tang giới của Pháp thân Đại Nhật Như Lai tuyên thuyết mới là cảnh giới nội chứng của Phật, vốn sâu xa vi diệu, uyên áo và bí mật, do vậy tự xưng pháp môn đó là “Mật”. Thực ra giáo lý đã được nói ra thì Hiển và Mật cũng như nhau, chỉ có hành nghi và quỹ tắc là đặc thù mà thôi.

Khởi nguyên của Mật tông ở Ấn Độ là kinh điển Phệ-đà (Veda), sau đó lưu hành trong các tầng lớp dân gian. Trong quá trình phát triển của Phật giáo, dần dần có xâm nhập tín ngưỡng dân gian, rồi chịu ảnh hưởng các chú thuật, Mật pháp, lấy đó để thu phục giáo đồ và phá trừ tai chướng, xưa nay thường gọi đó là “Tạp Mật”. Mật tông còn lấy các vị thần trong kinh điển Phệ Đà, dùng phương thức “Giao hoán thần giáo”, đổi mới thành những vị thần của Phật giáo, do đó xuất hiện rất nhiều Minh Vương, Bồ Tát, Chư Thiên và Chân ngôn chú ngữ, do vậy, các kinh điển của Đại thừa thời kỳ sau xuất hiện các kinh lấy Đà-la-ni (Dhàrani) làm trọng tâm. Trong Kinh Tạng và Luật Tạng thuộc văn hệ Pàli có nói các bài kệ ấy, gọi là Minh Hộ Kinh (Paritta), truyền tụng mãi đến ngày nay. Ngoài ra còn có Đại Hội Kinh (được xếp vào Kinh Trường A-hàm) là kinh điển được rút ra từ tên kinh Thuyết Pháp Hội Chúng. Hai kinh này được xem như khởi nguyên của Đà-la-ni và Mạn-đồ-la trong Mật giáo. Đến khoảng thế kỷ IV mới xuất hiện bộ kinh chuyên nói về chú pháp mang tính chất độc lập là Kinh Khổng Tước Minh Vương. Kinh này cho rằng nếu kiến lập đàn tràng cúng dường Chư Tôn, miệng tụng Chân Ngôn, nội tâm chuyên nhất thì có thể phát sinh công đức bất khả tư nghì.

Đến hậu bán thế kỷ VII là thời kỳ toàn thịnh của Phật giáo Ấn Độ, Kinh giáo và nghi quỹ có đầy đủ, bây giờ Mật giáo chân thánh mới bắt đầu khai triển. Mật giáo lấy Chân ngôn và Đà-la-ni làm trọng tâm, thêm vào triết học của Đại thừa Phật giáo để đặt cơ sở. Đây mới là thuần chánh Mật tông. Kinh Đại Nhật xuất hiện ở miền Trung Ấn Độ trong thời kỳ này lấy Đại Nhật Như Lai làm trọng tâm, lấy chư tôn trong kinh điển Tạp Mật tập đại thành thành Thai Tạng Giới Mạn-đồ-la. Lý luận của Kinh này có thể kế thừa thuyết của Kinh trụ. Kinh Hoa Nghiêm, chủ trương ngay nơi những sự tướng hiện thật quán chiếu chân tướng của vũ trụ. Kinh Kim Cang Đảnh được lập thành trễ hơn, lưu hành ở miền Nam Ấn Độ, xem như được truyền từ phái Du già, lấy tâm thức làm trọng tâm để nói về “Ngũ tướng thành thân”. Hai kinh này được xem như đại biểu của Thuần Mật, nhưng bị mai một rất sớm ở Ấn Độ. Vào thế kỷ VIII, ngài Thiện Vô Úy truyền Thần Mật đến Trung Quốc, sau lại truyền đến Nhật Bản và trở thành Chân Ngôn Tông.

Mật giáo hung khởi vào thế kỷ VII, đến thế kỷ XI thì Phật giáo Ấn Độ suy vong, nhưng Mật giáo ở Miền Trung Ấn Độ thì rất hưng thịnh. Sau khi dung nhập giáo thuyết của phái Tánh Lực (Phạn: Sàktàh) thì Tả Đạo Mật giáo hình thành, phái này cường điệu thuyết “Đại Nhạo Thuyết” (Phạn: Mahàsukha - vada) trong Kinh Kim Cang Đảnh của Thuần Mật. Từ thế kỷ VIII đến nay, phái này truyền sang Tây Tạng, trở thành giáo thuyết nồng cốt của Lạt-ma giáo. Đến thế kỷ X-XI, bộ phận kinh điển của phái này được truyền dịch sang Trung Quốc, nhưng về tư tưởng thì chưa gây ảnh hưởng lớn. Trong quá trình phát triển, Tạp Mật hưng khởi trước, Thuần Mật theo đó được tập đại thành song song với sự dung nhập Tả Đạo Mật giáo của phái Tánh lực ở Ấn Độ. Tương truyền, Đại Nhật như Lai trụ nơi Pháp giới tâm điện ở cõi trời Sắc Cứu cánh mà lưu xuất Nội quyến thuộc để tuyên thuyết Kinh Đại Nhật, và tuyên thuyết Kinh Kim Cang Đảnh tại Cung điện Chân ngơn, sau được Kim-cang-tát-đỏa kết tập lại (Thai Mật của Nhật Bản thì cho rằng ngài A-Nan cũng có tham gia kết tập kinh điển này). Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 800 năm, Bồ-Tát Long-Thọ (Nagajuna) trì chú vào bảy hạt cải để mở cửa ngôi tháp sắt sao 16 trượng ở Nam Thiên Trúc (biểu thị cho 16 vị Bồ-Tát thuộc Kim-Cang giới) và thọ học “Lưỡng bộ” từ Kim-cang-tát-hỏa (Thai Mật Nhật Bản thì cho rằng Kinh Đại Nhật do Bồ-tát Văn Thù truyền trao ở ngoài tháp sắt). Sau ngài Long-Thọ truyền đến ngài Long Trí (tương truyền ngài Long Trí sống đến 700 năm), khoảng 700 năm sau, ngài Long Trí truyền Kinh Đại Nhật cho ngài Thiện Vô Úy. Do vậy, Mật Giáo xem ngài Long Thọ là vị Tổ sư khai sơn, kinh điển căn bản là kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cang Đảnh, bản tôn là Đại Nhật Như Lai (Đại Tỳ-lô-giá-na Phật). Sự thuyết pháp của Ngài khác với Đức Thích-ca, cho nên tự xưng là Kim Cang Thừa.

Từ ngữ Kim Cang Thừa ở Nhật Bản là chỉ cho Thuần Mật, người Ấn Độ và người Châu Âu thì quen gọi là Tả đạo Mật giáo (Anh ngữ dịch là  Tantric - Buddhism). Nói theo nghĩa rộng thì Kim Cang Thừa được chia làm hai phái:

1. Hữu phái: Lấy Kinh Đại Nhật làm chính, tức chỉ cho Thuần Mật, giàu tính chất Bí mật chủ nghĩa, dùng chú thuật để thể hiện sự hợp nhất giữa vũ trụ và tinh thần, chi phối tự nhiên và con người. Phái này còn gọi là Chân Ngôn Thừa (Phạn: Mantrayàna), truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản và trở thành Chân Ngôn Tông, gọi là Đường Mật hoặc Đông Mật.

2. Tả phái: Lấy Kinh Kim Cang Đảnh làm chính thức, tức  Tả đạo Mật Giáo, phái này khẳng định bản năng của con người, ngay nơi con người có pháp chân thật, gọi là Kim Cang Thừa, Dị Hành Thừa (Phạn: Sahaji-yàna) hoặc Tánh lực phái, chú trọng “Song Thân Pháp”. Nói theo lập trường của Phật giáo Nguyên Thủy, đây là Tả đạo Bàng môn. Từ thế kỷ IX về sau, phái này kết hợp với Ấn Độ giáo và ngày càng hưng thịnh, sau truyền sang Tây Tạng trở thành cốt cán của “Tạng Mật”, tức Mật tông của Phật giáo Tây Tạng, do các ngài Liên Hoa Sanh, Tịch Hộ ...truyền vào khoảng thế kỷ thứ VIII. Trong cuộc hoằng truyền Phật Giáo thời kỳ đầu, mật Pháp lưu hành ở Tây Tạng phần nhiều gồm hai bộ Hành và Sự, lịch sử gọi là Cựu Mật Pháp. Đầu thế kỷ XI, ngài Nhân-khâm-tang-ba (958-1055) phiên dịch rất nhiều kinh điển Du-già sang tiếng Tây Tạng, lịch sử gọi là Tân Mật Pháp. Sau đó, Du-già bộ và Vô Thượng Du-già bộ thịnh hành trong các phái Mật giáo của Tây Tạng, truyền thừa không dứt. Đông Mật của Trung Quốc cũng có hai giai đoạn như thế.

Mật Tông Đông Truyền bắt đầu do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa dịch Kinh Quán Đảnh và Kinh Khổng Tước Vương vào đời Đông Tấn. Ngài Chi Khiêm sống ở nước Ngô thời Tam Quốc dịch kinh Bát Cát Tường Thần Chú, Kinh Vô Lượng Môn Vi Mật Trì, Kinh Hoa Tích Đà-la-ni Thần Chú, Kinh Trì Cú Thần Chú ... các kinh này cũng rất nổi tiếng. Trước đời Đường, vị Tăng có quan hệ với Mật tông sâu sắc nhất là ngài Trúc Đàm Vô lan sống vào đời Đông Tấn. Ngài dịch cả thảy 25 bộ kinh thuộc về Mật tông, như Kinh Đà-lân-ni Bát Chú, Kinh Ma-ni-la-đàn Chú. Đời Đường, ngài Nghĩa Tịnh là người dịch Kinh Mật tông nhiều nhất trong đó có Kinh Quán Tự Tại Bồ-tát Như Ý Tâm Đà-la-ni, Kinh Mạn-thù-thất-lợi Bồ-tát Chú Tạng Trung Nhất Tự Chú Vương, Kinh Xưng Tán Như Lai Nhất. Tự Thần Chú ... gồm hơn 10 bộ. Trước khi 3 vị Đại sĩ (Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí và Bất Không) truyền Thuần Mật đến Trung Quốc vào niên hiệu Khai Nguyên đời Đường (713 - 741), các kinh điển Mật tông đã được dịch rất nhiều. Ngoài ra, các bản văn chú, Đà-la-ni trong kinh điển Hiển giáo cũng nhiều không kể xiết.

Ngài Bạch-thi-lê Mật-đa-la đời Đông Tấn dịch Kinh Đại Quán Đảnh Thần Chú, chú thuật rất là linh nghiệm, thủ đô Kiến Khang thịnh hành chú thuật, về sau Tạp mật cũng được truyền dịch nhiều vô cùng. Ngài Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí dịch nhiều Kinh điển căn bản của Thuần Mật tại Trường An, kiến lập đạo tràng Quán Đảnh, đây là thời kỳ Mật tông chân chánh thuần thục ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có các ngài Bất Không, Nhất Hạnh, Huệ Quả, Biện Hoằng, Huệ Tắc v.v... truyền trì Thuận Mật. Trong đó ngài Không Hải người Nhật đến Trung Quốc vào năm 804, thọ pháp với ngài Huệ Quả. Sau khi về nước thì thuyền dương Mật tông rất thịnh, trở thành vị tổ Mật tông của Nhật Bản. Sau pháp nạn Hội Xương và nhiều cuộc binh biến cuộc đời Ngũ Đại, các kinh sớ Mật tông bị thiêu hủy hết sạch. Cái mà gọi là Du-già sau đó chỉ còn là pháp sự mà thôi. Đời Tông tuy có các ngài Pháp Hiền, Thi Hộ, Pháp Thiên ... truyền dịch các kinh điển, nghi quỹ Mật tông, nhưng cũng không lấy gì làm sáng lạn và lâu dài cho lắm. Vả lại, Mật tông thời bấy giờ cũng khác với đời đường. Mật tông đời Đường và Mật tông tổng hợp có hệ thống, đến đời Tống thì bị phân hóa và thông tục hóa, lấy việc sùng bái bản tôn đặc định, tụng trì Đà-la-ni làm chính, như tuyên dương bảo khiếp Ấn Đà-la-ni làm chính, như tuyên dương Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni, Quán Âm Lục Tự Minh Chú, Chuẩn Đề Chú ... Vào đời Tống, do sự du nhập của phái Thời Luân Đát-đặc-la của Mật tông Ấn Độ, nên việc tôn thờ Minh Vương có tướng phẩn nộ làm bản tôn rất nhiều. Đến đời Nguyên thì Lạt-ma giáo là Quốc giáo ở Trung Quốc, mà Lạt-ma giáo là Phật giáo Tây Tạng, vốn lấy Mật tông làm nồng cốt, do nhà Nguyên quá ưu đãi Lạt-ma giáo mà đưa đến hủ hóa. Sau có Ngài Tông-khách-ba cải cách, hình thành hai phái Tân và Cựu: Hoàng giáo và Hồng giáo.

II. GIÁO THUYẾT CỦA MẬT TÔNG

Điểm bất đồng lớn nhất của hai phái giáo Hiển và Mật là sự truyền thừa và nghi quỹ trên mặt tu tập. Lý luận của Hiển tông cố nhiên có sự truyền thọ, nhưng pháp môn tu trì không nhất định phải có nghi quỹ và truyền thừa quá khắc khe. Như Ngũ trùng Duy thức quán của Du-già, pháp chỉ quán Đại và Tiểu của Thiên Thai, tức không có truyền thừa vẫn có thể tu tập được. Trái lại, nghi lễ của Mật tông rất phiền phức, các tôn giáo trên thế giới không có tôn giáo nào như thế. Từ khi bắt đầu được thọ pháp Quán Đảnh đến Kim Cang Thượng Sư có một trình tự nhất định, không thể vượt qua, khác xa với phương tiện giản dị của Hiển giáo. Nếu nói theo giáo nghĩa, Hiển giáo là ứng thân Phật thuyết pháp, Người tu hành theo Hiển giáo cho rằng phải tu lục độ vạn hạnh trải qua 3 A-tăng-kỳ kiếp mới chứng được Phật quả; Còn Mật tông thì chủ trương chỉ tu Tam Mật (thân mật, khẩu mật, ý mật) thì ngay đời này có thể thành Phật. Ngoài ra, trong thuyết Lục đại duyên khởi: địa, thủy, hỏa, phong, không và thức là bản thể của tất cả các pháp, có thể tạo ra tất cả chư Phật cho đến tất cả chúng sanh. Nương theo Lục đại duyên khởi nên lạp thuyết Phật sống bình đẳng. Chúng sanh nếu tu hành theo diệu hạnh Tam mật thì chứng được địa vị Diệu Giác ngay nơi tấm thân mà cha mẹ sinh ra này. Nếu tu hành đúng pháp, tức tay thì kết ấn khế, miệng tụng chân ngôn của chư Phật, trụ tâm Tam-ma-địa, thân khẩu ý tương ưng với chư Phật thì có thể ngay đó thành Phật. Trong bốn Mạn-đồ-la, Đại Mạn-đồ-la tức là Thân mật của chư Phật; Tam-ma-da Mạn-đồ-la tức là Ý mật; Pháp Mạn-đồ-la tức Ngữ mật; Yết-ma Mạn-đồ-la tức là nghiệp dụng của ba Mạn-đồ-la kia. Tóm lại, bốn loại Mạn-đồ-la có đẩy đủ Tam-Mật của chư Phật. Vả lại, bốn loại Mạn-đồ-la này thâu nhiếp tất cả Mạn-đồ-la. Mạn-đồ-la kiến lập y theo Kinh Đại Nhật gọi là Thai Tạng giới Mạn-đồ-la; y theo Kinh Kim Cang Đảnh mà kiến lập thì gọi là Kim Cang Giới Mạn-đồ-la. Mạn-đồ-la Thai Tạng giới biểu thị lý Bản giác nên gọi là Nhân Mạn-đồ-la. Mạn-đồ-la Kim Cang Giới biểu thị cho trí Thủy giác, nên còn gọi là Nhân Mạn-đồ-la. Các kinh khác gọi hai Mạn-đồ-la này là Tổng Đức Mạn-đồ-la. Ngoài ra tất cả chư Phật, Bồ-tát là Biệt Tôn lưu xuất từ pháp thân của Đại Nhật Như Lai là Bản tôn của Tổng đức phổ môn. Mỗi môn trong các tôn có bốn Đức Phật biểu thị cho Tứ trí (Thành sở tác trí, Diệu quang sát trí, Bình đẳng tánh trí, và Đại viên cảnh trí). Trong bốn Đức Phật, mỗi Phật lại có bốn vị Bồ-tát, hợp thành mười sáu vị Đại Bồ-tát, cùng với Tứ Ba-la-mật, Tứ nhiếp, Bát cúng dường cộng lại thành 37 tôn vị. Hành giả nếu thường giữ tâm thanh tịnh, trụ ở Tam-muội Kim Cang tát-đỏa, tu Ngũ Tướng thành thân thì hiện đời sẽ chứng được Phật trí, viên mãn Phật thân, thành tựu sự nghiệp tự lợi lợi tha.

Mật tông lại y theo Kinh Đại Nhật và Bồ-Đề Tâm Luận mà lập ra thuyết Thập Trụ tâm tức trụ vào 9 tâm của thế gian, xuất thế gian, Tiểu thừa, Đại thừa, Nhị thừa, Nhất thừa và Bí mật trang nghiêm tâm. Tức tông này lấy “Phàm thánh bất nhị” làm tông yếu, mỗi một pháp đều phải trụ nơi bản trí uyên nguyên, hết thảy đều là Tam-ma-địa (Định). Tuy là bậc thượng căn có căn có trí tuệ hù thắng, nhưng ở mỗi động tác đi đứng nằm ngồi, mở miệng nói năng, tâm tư niệm tưởng đều phải là Tam mật thì mới có thể tương ứng với Đức của chư tôn.

III. KẾT LUẬN:

Sở dĩ chúng tôi chỉ nói lược qua sự truyền thừa và giáo thuyết của Mật tông mà không đề cập đến pháp tu là vì hành nghi của Mật tông vô cùng đa dạng, đòi hỏi nhiều điều kiện tất yếu mà người tu thời nay khó có thể theo kịp. Thiên Thai xếp Mật tông vào loại ”Nan hành đạo”, tức pháp môn khó thực hành.

Nói dài dòng và khô khan như hai phần trên, cốt để người học hiểu biết về nguồn gốc, phân biệt được chính tà và lượng sức của mình Thực ra, Mật chú rất cần thiết trong việc trợ duyên cho hành giả tu tập, trừ diệt được chướng nạn, chứ không hẳn cứ trừ chú là Mật tông. Các chùa, viện Trung Quốc, Việt Nam ... Hiện nay thường dùng Mật chú lồng trong các kinh điển và kiêm tu trong các thời khóa hành trì cùng với ý trợ duyên như đã nói trên, còn nếu thiếu sự truyền thừa, Tam mật không tương ứng thanh tịnh mà hô hào về Mật tông, chắc chắn sẽ rơi vào tà đạo. Ngày xưa Chư Tổ thường dùng Mật chú để độ sanh, những thần biến đạt được do trì tụng chân ngôn chỉ có ý nghĩa trong việc thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh. Còn với bất kỳ một ý đồ nào khác thì dù có đạt được thần thông cao đến mấy đều cũng không phải là Phật Giáo, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và mọi người xung quanh. Pháp môn tu vô lượng, nhưng nếu không hiểu rõ ràng mà lãnh hội một cách mù quáng là vô tình hủy báng Chư Phật.

Còn những pháp môn, cách thiết lập Mạn-đồ-la, chủng tử, chân ngôn, đồ tượng ... Nếu có dịp sẽ xin được chuyển ngữ những tài liệu về Mật tông cần thiết trong Địa Tạng Kinh để làm tài liệu tham khảo. Nguyện đem công đức này hồi hướng cho pháp giới chúng sanh vô lượng an lạc.

Đầu xuân Mậu Dần
Thích Nguyên Hiền