Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, May 05th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Cuốn Nhật Ký

Cuốn Nhật Ký

Email In PDF

Nó chạy về nhà và vội vã lên trên cái gác xép chật hẹp, vùi đầu vào trong chăn khóc. Lúc sau nó bật dậy đóng chặt cửa lại, lục tìm con dao trong ngăn kéo. Con dao nhọn và sắc đến nỗi làm nó giật mình, nó đưa tay lên để sờ, cảm giác như chưa kịp chạm đến lưỡi dao mà mấy ngón tay nó đã ứa máu. Đau. Đau đến nỗi tỉnh dậy cả lý trí, có những khao khát cháy bỏng mà cái chết không thể khỏa lấp được, nó bỗng khóc to hơn. Còn mẹ, còn thằng em út những con người quan trọng nhất trong cuộc đời nó, nó không muốn chết nữa vì nó không thể chết được.

 

Nó khóc mãi rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, cho đến khi nó cảm thấy bàn tay trái bỗng rất đau nó mới tỉnh dậy. Hóa ra nó đã ngủ đè lên bàn tay trái bị thương lúc nãy, nó mới chỉ được bó buộc qua loa và mấy ngón tay bị thương lại tiếp tục chảy máu. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ thấy trời đã chiều muộn rồi, nó vội vàng và sợ hãi nó phải ra chợ giúp mẹ nó dọn hàng về nhà, mẹ nó bán rau và than ở ngoài chợ cứ đầu chiều là dọn về nhà. Bố nó cũng đang làm phụ trông xe ở cổng chợ, thấy nó mà ra muộn là kiểu gì cũng bị chửi té tát ngay tại chỗ chợ đông người cho mà xem. Nó tìm miếng vải khác để băng bó mấy ngón tay bị thương lại, trong căn nhà tồi tàn của nó chẳng có lấy một viên thuốc giảm đau hay cầm máu hay sát trùng vết thương nào cả. Nó tự mình băng bó lại vết thương mà nó đã tự gây ra và nó thầm nhủ “Có những vết thương không cần bôi thuốc cũng sẽ lành lặn lại theo thời gian mà không để lại vết sẹo nào”. Nó chạy đến chợ, đi qua cổng chỗ bố nó trông xe nó bị nhìn với ánh mắt hằn học, nó đã đến rất muộn. Mẹ nó bị bệnh quanh năm, sức khỏe yếu nên không thể tự dọn hàng được chỉ ngồi bán thôi. Bố nó thì chả bao giờ giúp mẹ con nó gì cả. Ông  hay uống rượu, chửi tục đúng kiểu dân chợ búa, ông cũng ít học hành và hay đòn roi với vợ và các con.  Nó thì luôn nghĩ cho bố nó rằng nhiều lúc bố nó cư xử bằng việc bạo hành vợ con là do say rượu, do cuộc sống quá nghèo khổ... nên mới như vậy. Nó luôn cố nghĩ như thế để có động lực sống và học tập thật tốt, vì gia đình vì ước mơ của mình mà luôn phấn đấu. Nhưng gần đây nó không nghĩ được như vậy nữa, khi nó bước sang tuổi mười lăm nó thường nghĩ nhiều hơn dễ đau khổ, dễ tự ái hơn...

Hôm nay mẹ nó không bán được hết hàng, bà quá mệt nên đi về trước, nó vội vàng vàng sắp đồ lên cái xe kéo và kéo đi. Chiếc xe khá nặng, mặt nó cứ cúi gằm xuống mà kéo đi, một cái xe ba bánh chở đầy hàng cồng kềnh đi phía sau đâm phải xe kéo của nó, nó bị ngã, mấy thúng rau cũng bị đổ ra, chiếc xe ba bánh chở hàng kia không kịp phanh nên cũng bị đổ một ít thùng hàng. Thế là người ta chửi nó “Đồ ngu, mày đi đứng kiểu gì mà ngáng hết cả đường người ta...”. Lúc đó bố nó không biết từ đâu xông tới, nó vội vàng đứng dậy, tay nó lại chảy máu, nó cố nhặt những thứ đồ xung quanh bị rơi vãi ra sắp lại lên xe. Bố nó đứng đó quát thêm “Con này  nhanh lên, rồi dẹp ra để đường cho người khác đi”. Mấy cô, mấy bà hàng xung quanh bắt đầu ái ngại nhìn nhau, dù họ đã quá quen với cảnh này. Tự nhiên nó nhìn lại bố nó với một ánh mắt cũng hằn học không kém, trong lòng nó lại bắt đầu nổi lên câu hỏi của mấy hôm nay: “Đây là bố mình thật sao? Một người bố luôn chỉ biết quát tháo, đánh đập con gái mình dù ở bất cứ đâu”. Bố nó có vẻ ngạc nhiên với thái độ đó của nó, sau đó hình như ông lại càng tức tối hơn: “Mày nhìn cái quái gì mà nhìn, mau nhặt đi không ta cho ăn vả bây giờ”. “Sao bố không nhặt giúp con?”. Trước nay bị bố nó mắng chửi gì thì nó chỉ toàn im lặng, cúi mặt xuống mà làm việc cần làm, thế mà hôm nay nó dám cãi lại điều đó làm mọi người cũng ngạc nhiên, như càng tức hơn bố nó lao tới đá vào lưng nó rồi chửi “Giúp này, mày dám cãi lại tao à?”. Bà Hoa bán cá chạy ra can lại, bà vốn thương con bé này lắm, mấy người cũng xúm lại giúp nó nhặt đồ vì thương nó, ai cũng thấy nó lớn rồi biết xấu hổ, ngại ngần rồi mà bố nó chả biết giữ thể diện gì cho nó cứ suốt ngày đánh mắng nó giữa đường giữa chợ thế thì nó làm sao mà dám nhìn ai nữa. Người lái xe ba bánh cũng sắp lại hàng và rẽ đường khác mà đi, bố nó cũng bỏ đi, mọi người giúp nó đẩy xe hàng ra vỉa hè, bà Hoa nhìn nó ái ngại: “Chết, số mày đúng là khổ Nhạn ạ”. Nó về đến nhà chẳng nói chẳng rằng nó chạy lên gác xép lấy cái cặp sách rồi bỏ đi, lúc ở chợ nó cảm thấy nhục nhã thật sự.

Lúc sáng ở trường nó có tiết thực hành thí nghiệm môn Hóa học, đến tổ nó trực nhật nên nó và hai người bạn khác phải lên phòng dụng cụ lấy đồ thí nghiệm, trong phòng dụng cụ hai đứa bạn cùng tổ với nó là thằng Minh và cái Ly đùa giỡn nhau, xô nó ngã vào một cái giá đựng đồ thí nghiệm làm vỡ mấy lọ hóa chất và một thứ dụng cụ thí nghiệm đắt tiền.  Lúc đó trong phòng chỉ có ba đứa, cả ba đều hoảng sợ vì nhà trường đã quy định làm mất hay hỏng hóc bất cứ tài sản nào đều phải đền tiền phạt gấp đôi và bị hạ một bậc hạnh kiểm. Cái Ly kéo thằng Minh bỏ đi và hai đứa chúng nó đổ hết mọi lỗi cho Nhạn, nó không biết chối cãi ra làm sao, nó rất sợ vừa sợ vừa ấm ức. Cô giáo dạy Hóa chỉ nói là cứ đợi đến tiết Sinh hoạt lớp thầy giáo chủ nhiệm sẽ giải quyết. Nó chỉ biết khóc vì sợ, nó sợ bị hạ hạnh kiểm nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc nó phải đền tiền cho nhà trường, cái chỗ đồ bị vỡ chắc chắn rất đắt rồi mà còn phải đền gấp đôi nữa thì nó lấy đâu ra. Không đền được thì chắc nó phải bỏ học mất, mà bỏ học thì mọi ước mơ và hy vọng cho tương lai coi như bị dập tắt, trên đường đi học về nó đã khóc rất nhiều và về đến nhà nó chỉ muốn chết đi cho rồi.

Nó chạy ra bờ sông cách nhà nó vài cây số, ngày mai có tiết Sinh hoạt lớp, nó sợ lắm. Nó biết cái Ly và thằng Minh sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ, chúng nó chỉ biết có mình thôi. Nghĩ đến trường lớp nó chẳng thiết tha gì nữa, nó học kém nhất là môn tiếng Anh. Mà cô giáo dạy môn tiếng Anh cứ hay nhìn nó với một ánh mắt khinh khỉnh. Nó không hiểu tại sao cô giáo này lại ghét nó, nếu vì nó học kém thì trong lớp còn đầy đứa kém hơn, có lẽ vì cô hay gặp nó ở chợ những lúc bố nó mắng chửi nó và nghĩ nó là một đứa con hư chăng? Cô này hay gọi nó lên trả lời bài những lúc nó trả lời sai có thể thấy rõ cô giáo hay chép miệng hoặc cười nửa miệng... Hết cô giáo dạy Anh văn rồi đến cái Ly, những người đó chỉ nghĩ đến mà lòng nó đã thấy ấm ức, trong lớp Ly là con nhà giàu và hay ganh ghét với nó. Còn bọn thằng Minh thì hay nhổ bã kẹo cao su vào chỗ ngồi của nó khi nó đứng lên trả lời bài, nó chỉ có hai cái quần để mặc đi học. Nhưng chiếc nào cũng bị dính bã kẹo cao su, nhiều lúc nhìn vào cái đít quần mà nó hậm hực, uất ức đến nỗi không thể khóc ra thành tiếng. Lúc nào nó cũng để cái cặp ra đằng sau, hoặc mặc cái áo khoác đồng phục để che cái mông. Người bạn tri kỉ của nó chính là cuốn nhật ký, đó là nơi để nó gửi gắm mọi nỗi niềm. Ngồi trên bờ sông nó viết một bài thơ, nó định sau đó sẽ gieo mình xuống dòng nước sông sâu vì quá đau đớn, quá tuyệt vọng.

Ta nhìn thấy bên ngoài cửa sổ

Bông hồng vàng tan bầm trong nước mắt

Có lẽ nào đêm qua trời lại trở giông bão?

Bao giờ cho ta về lại một ngày tươi đẹp

Những đêm hồng bên khu vườn ngập ánh trăng

Ta say sưa với những cơn mưa dịu dàng

Giội sạch bao nhiêu niềm đớn đau?

Thằng Minh và chú Khánh của nó đang đi thả diều trên đồi, dưới chân đồi lại chính là sông, hai chú cháu từ trên đồi nhìn xuống thấy một cô gái lạ đang ngồi viết cái gì đó và khóc khiến cho họ rất tò mò. Thằng Minh không hề nhận ra đó là Nhạn, bạn học cùng lớp với nó hai người vừa bước xuống đồi để đi về vừa không rời mắt khỏi Nhạn ở dưới bờ sông. Nó viết xong bài thơ và nhảy xuống sông thật, hai chú cháu thằng Minh liền chạy ào tới phải mất gần mười phút họ mới tơi nơi. Khánh liền nhảy xuống sông, đưa cô bé lên bờ cũng may trời chưa tối hẳn nên mọi việc cũng không quá khó khăn. Thằng Minh thì há hốc mồm  khi nó nhận ra đó là Nhạn, còn chú nó thì cố hô hấp nhân tạo cho cô bé.

Chú Khánh của thằng Minh năm này hai mươi năm tuổi, đang là bác sĩ, hai chú cháu đưa nó tới bệnh viện của Khánh, chính Khánh đã xin được điều trị cho nó, nó đang bị suy nhược cơ thể nặng nằm hôn mê mấy ngày liền. Khánh chỉ cho mọi người biết là cô bé này bị ngã xuống sông và không biết bơi nên suýt chết đuối chứ không bảo đó là tự tử, những vụ tử tử thường gây ra những bàn tán xùm lum, anh không muốn cô bé tỉnh dậy lại chịu thêm áp lực dư luận.  Anh chắc ở tuổi này nó phải gặp những uẩn khúc gì đó mới nghĩ đến chuyện tự tử, anh rất muốn hiểu Nhạn hơn để có thể giúp nó vượt qua. Anh tò mò đọc nhật ký của nó, lật từng trang một anh cảm giác như mình đang bị cuốn vào một cuộc đời chất chứa những nỗi đau, trong nhật ký Nhạn không viết những lời oán trách, than vãn nào cả. Nó chỉ kể về những khổ đau của nó và những câu hỏi, muôn vàn câu hỏi của cuộc đời mà nó không thể nào tự trả lời được. Những bài thơ nó viết sao mà u buồn đến thế, Khánh đọc rất kĩ cuốn nhật ký như không để sót một chữ nào. Anh hiểu một trong những nguyên nhân lớn nhất mà nó muốn tự tử là có liên quan đến cháu trai anh, vì anh đọc được những trang Nhạn viết về nó: Minh ơi nhà tớ nghèo lắm, tớ không có đủ tiền mua quần áo đâu. Có phải mọi người trong lớp ghét tớ vì tớ không bao giờ có quần áo đẹp không? Vậy mà sao cậu còn hay nhổ bã kẹo cao su vào chỗ ngồi của tớ thế?... Và vào cái ngày nó tự tử nó lại viết: Minh ơi, Hà Ly ơi sao các cậu có thể đối xử với mình như thế? Không được đi học nữa tớ thà chết còn hơn, lần này tớ căm giận các cậu thật sự đấy... Cuộc đời không ưu ái mình vậy có gì để phải lưu luyến nữa không? Mình đã bị tổn thương quá nhiều, quá nhiều đau đớn và mình không thể chịu đựng hơn được nữa... Một cô bé mười lăm tuổi không có cách nào để thoát khỏi khổ đau, nó thật đáng thương. Khánh đến bên cạnh giường nó và ngồi xuống, anh đưa tay vén mái tóc lòa xòa trên mặt nó lên, Nhạn có một khuôn mặt khá xinh xắn nó mà lớn lên chút nữa chắc sẽ rất xinh đẹp. Nó vẫn ngủ mê man, mẹ và em trai nó vẫn đang ngủ ở ngoài ở hành lang của bệnh viện, những con người nó hằng yêu thương cũng chẳng hiểu thật sự đã có chuyện gì xảy ra với nó cả. Anh rất muốn giúp đỡ, muốn làm một điều gì đó cho nó.

Trước khi Nhạn tỉnh dậy Khánh đem cuốn nhật ký cho Minh đọc, anh bảo cháu anh bảo cả cái Ly đọc nữa, nhân tiện anh đã “giáo huấn” luôn thằng cháu cưng về những việc làm sai lầm của nó.  Hôm sau Khánh đến nhà của Nhạn gặp bố mẹ nó, anh cho họ biết thực ra cô bé  đã tự tử chứ đó không phải là một tai nạn, anh đã nói và giải thích rất nhiều để cho họ có thể hiểu. Rằng cô bé đang  bị khủng hoảng tinh thần nặng, nó có thể tự tử một lần nữa nếu mọi người tiếp tục đối xử tệ với nó. Mẹ nó khóc mà nói “Tội nghiệp con tôi, tại vì nhà chúng tôi nghèo quá mà bác sĩ xem thì biết đấy bố cháu hay uống rượu nên thường không kiềm chế được, cứ hay đánh đập, chửi mắng con bé. Mà nó thì lớn  rồi cũng phải biết xấu hổ chứ”. Rồi quay sang nói bố Nhạn “Đấy tôi đã bảo ông bao nhiêu lần rồi, ông làm nó ê mặt ra như thế sau này ai tử tế mà rước nó nữa, mà có khi nó chả sống đợi đến sau này đâu”. Khánh bảo sẽ chi trả tiền viện phí nên cả nhà không phải lo lắng gì cả miễn sao khi nó xuất viện thì đừng đối xử khắc nghiệt với nó nữa. Bố Nhạn chỉ ngồi im khi nghe người bác sĩ nói, không ai biết ông đang nghĩ gì. Trở lại bệnh viện Khánh vẫn chưa yên tâm, anh vẫn lo sau khi Nhạn ra viện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về tâm lí, anh lo liệu nó có thể vượt qua không đây? Anh nhìn vào phòng bệnh của nó, hôm nay Nhạn đã tỉnh dậy sau mấy ngày hôn mê, trông nó xanh xao nhợt nhạt và nó chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cả lớp và thầy giáo nó đã đến thăm nó từ hôm qua rồi. Trừ thằng Minh và cái Ly ra tất cả mọi người đều nghĩ nó đi tắm giặt ở sông nên bị ngã xuống nước...

Trong tiết Sinh hoạt lớp hôm thứ Bảy thằng Minh đã đứng lên tự nhận lỗi hết về mình về cái việc làm vỡ đồ ở phòng dụng cụ hôm nọ, nó không nói cái gì liên quan đến cái Ly cả nó chỉ bảo lúc đó cái Ly không để ý nên nhầm tưởng là Nhạn làm. Thằng này sau khi đọc cuốn nhật kí của Nhạn và bị chú nó “giáo huấn” một trận xong có vẻ tỏ ra rất biết lỗi. Chẳng biết hôm sau nghĩ thế nào mà cái Ly thấy ân hận nên cũng đến gặp thầy giáo chủ nhiệm thú tội. Chắc là sau khi đọc cuốn nhật ký của Nhạn, nó đã thức cả đêm để đọc nó và mắt nó sưng húp. Nhạn nằm viện một tuần rồi xuất viện, Khánh hay kể cho cô bé nghe nhiều chuyện về những con người đầy nghị lực sống, anh kể với giọng hài hước có nhiều chuyện anh đã tự bịa ra để mà kể, anh mong nó sẽ sớm có niềm tin trở lại. Nhưng đôi lúc nó chỉ nhếch mép cười mà chẳng nói gì, chiều nào cũng thế anh vào khám cho nó rồi lại ngồi kể chuyện cho nó nghe, hai ngày sau khi tỉnh dậy nó mới nói chuyện trở lại. Hôm đó Khánh đang kể cho nó nghe chuyện về Nàng ca sĩ lợn tự dưng nó hỏi:

- Chú có thể hát cho cháu nghe một bài được không?

- Ok thế Nhạn muốn nghe bài gì nào?

- Một bài gì đó nói về niềm tin.

Giả vờ suy nghĩ một lúc anh bảo: “Ok, chú sẽ hát bài Niềm tin nhé, may quá phòng bệnh hôm nay vắng thế là chú có thể tự tin hát to bài này rồi”. Anh hắng để lấy giọng một cách hài hước, nó đã bật cười thành tiếng, nó lại nói.

- Cháu muốn nghe bài đó bằng tiếng Anh, dù cháu không hiểu gì.

- Ok, chú sẽ hát song ngữ luôn.

Nó say sưa nghe anh hát, một niềm tin đang trở lại thực ra nó đã bắt đầu ân hận về những việc nó đã làm nó biết rằng cái chết không thể giải quyết được việc gì cả. Nó phải vui vẻ để mà sống ít nhất là vì mẹ và em trai nó. Khánh vừa hát xong nó bảo:

- Cháu ước gì có thể giỏi tiếng Anh như chú.

- Đừng lo, thế thì chú sẽ làm gia sư miễn phí cho, nhưng với điều kiện là Nhạn phải chăm chỉ nhé! Chú chỉ làm gia sư có thời hạn thôi.

- Chú hứa chứ

- Hứa và luôn giữ lời hứa...

Trước khi nó ra viện vài ngày lớp nó lại đến thăm lần nữa, khi mọi người ra về thằng Minh và cái Ly đã chủ động ở lại cả hai đều ngập ngừng xin lỗi nó và tất nhiên cả hai đều nhận được sự tha thứ. Bước ra khỏi cổng bệnh viện Nhạn quay sang nói với Khánh: “Cháu cảm ơn chú, nhất định cháu sẽ sống tốt”. Khánh mỉm cười dịu dàng lòng anh tự thì thầm rằng “Cố lên cô bé, tôi sẽ luôn bên em đến khi nào em đủ lớn”.

Sưu Tầm