Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Nhặt Lá Mùa Thu

Nhặt Lá Mùa Thu

Email In PDF

Tháng Bảy, những cơn mưa kéo dài rả rích, đã hơn 6 giờ nhưng trời vẫn còn tối đen. Thư chuẩn bị đưa học sinh đi ra ngoài vì hôm nay có tiết ngoại khóa nên cô thức dậy từ sớm. Sau thời khóa niệm Phật buổi sáng, cô xếp lại giáo án, xem lại kế hoạch cho đề tài “Bảo vệ môi trường xung quanh em”. Do thời tiết không ủng hộ nên cô quyết định đổi kế hoạch, thay vì đi dã ngoại, cô sẽ cho các em tìm hiểu chủ đề về Mẹ.

Lớp 6/1 do Thư chủ nhiệm có 42 em, đa số các em ở vùng quê nên cuộc sống khá vất vả. Ngoài giờ học, hầu hết các em đều phải phụ giúp gia đình trong việc lo cái ăn cái mặc. Là một Phật tử, ngoài những kiến thức giảng dạy theo chương trình, Thư muốn đem những hiểu biết về Phật pháp của mình thông qua giờ dạy chia sẻ với học sinh để giúp các em sống tốt hơn.

Khi nghe cô giáo thông báo kế hoạch học tập sáng nay xong, cả lớp vỗ tay reo hò inh ỏi. Phải mất gần năm phút, trật tự mới được lập lại. Thư bắt đầu vào bài bằng một số câu hỏi gợi ý:

- Nào, cả lớp nghe cô hỏi, các em sử dụng từ “cám ơn” trong những trường hợp nào?

- Thưa cô, hồi nãy bạn Sĩ cho em mượn áo mưa nên em cám ơn bạn ấy - Hùng nhanh nhẩu, không đợi cô gọi, đã đứng lên trả lời.

- Cám ơn em, bạn nào có ý kiến khác?

- Thưa cô, bạn Lan che dù cho em không bị ướt nên em cám ơn bạn ấy.

Do trời đang mưa nên hầu hết câu trả lời của các em đều tập trung vào thời tiết, với cái đà này làm sao nhập đề cho được. Thư lái câu hỏi sang hướng khác:

- Ngoài việc cho mượn áo mưa, mượn dù… của bạn, các em cố nhớ xem còn những trường hợp nào mình cần phải cám ơn nữa không?

- Thưa cô, cô Châu thu mỗi bạn 500 đồng để in đề kiểm tra môn Lý, em không có tiền nên bạn Huệ cho em mượn, em đã cám ơn bạn - Sao đỏ Lan nhanh nhẩu phát biểu.

- Cô cám ơn tất cả các câu trả lời của các em, chỉ có cho mượn dù, mượn áo mưa, mượn tiền để nộp cho cô giáo in đề kiểm tra mà các em vẫn nhớ ơn bạn; vậy còn những cái ơn lớn hơn nữa các em có biết không?

Không khí lớp sôi nổi hẳn lên, các em bàn tán thật rôm rả, lớp trưởng Kim Ngân phát biểu:

- Thưa cô, em biết rồi, đó là ơn của thầy cô giáo ạ.

- Thầy cô là người trang bị cho các em kiến thức, phải biết ơn thầy cô là điều tốt, ngoài ra các em còn cám ơn ai nữa không?

- Thưa cô, ai giúp đỡ mình thì mình phải biết cám ơn người đó.

Như thế, các học sinh của Thư chỉ biết ơn những cái thực tế còn vi tế hơn một chút như công ơn cha mẹ, các em không hề biết. Muốn giáo dục cho các em lòng hiếu thảo, biết ơn người đã sinh thành dưỡng dục ra mình, Thư phải vận dụng tối đa những gì đã học được qua lớp giáo lý, qua một số băng giảng của quý thầy. Đây là dịp để cô chia sẻ những hiểu biết Phật pháp của mình đến với các em. Thư dẫn dắt các em bằng cách đặt những câu hỏi tưởng chừng như lẩn thẩn nhưng thật ra đó là những tình huống rất thực tế:

- Cả lớp nghe cô hỏi: Theo các em, khi nào thì một em bé biết gọi: mẹ ơi cho con đi tè, mẹ ơi cho con ngồi bô?

- Thưa cô, khi em bé biết nói chắc là phải 3 tuổi.

- Vậy thì trong khoảng thời gian từ lúc mới chào đời đến lúc biết gọi mẹ đáp ứng cho nhu cầu của mình, các em sẽ vô tư “tè dầm và phóng uế bừa bãi”, ai sẽ là người dọn dẹp vệ sinh?

- Thưa cô, có tã giấy Baby lo rồi.

- Tã giấy mới xuất hiện đây thôi, hiện nay các em đã 12 tuổi, ngược thời gian cách đây 12 năm làm gì có tã giấy. Mọi sự nhơ nhớp do các em thải ra, mẹ là người lo thu dọn cho sạch sẽ. Đâu phải nhà nào cũng có nhiều chiếu để thay đổi, giả dụ như bây giờ trời đang mưa, em bé sau khi bú xong sẽ tè dầm, mẹ sẽ chuyển chỗ khô ráo cho con nằm. Cô chắc chắn với các em rằng nơi nào khô ráo nhất sẽ là nơi của em nằm, còn mẹ sẽ là người nằm chỗ dơ bẩn mà em vừa thải ra. Vậy trong số các em đã có bạn nào khi mẹ bệnh, cần các em đổ bô hoặc mua thuốc, các em có vui vẻ giúp đỡ mẹ không, hay là vừa làm vừa nhăn nhó? Đã có bao giờ các em nhìn thật lâu vào khuôn mặt mẹ mình xem có bao nhiêu nếp nhăn, có bao nhiêu sợi tóc bạc hay chỉ biết nói mẹ ơi cho con tiền đóng học phí, mẹ ơi cho con tiền mua quà sinh nhật tặng bạn… Khi cầm tiền trong tay, có bạn nào thấy mồ hôi của bố mẹ mình trong đó chưa? Đi học về, đã có bạn nào phụ mẹ dọn cơm hay phụng phịu vì hôm nay mẹ nấu cơm trễ do hàng hóa ế ẩm, phải tranh thủ ngồi ráng cho hết buổi chợ. Các em hãy nhìn lại mình từ đầu xuống đến chân xem có cái gì không phải là của mẹ? Tiền đâu cho em cắt tóc, tiền đâu cho em mua áo quần, sách vở, giày dép… tiền đâu… tiền đâu cho các em sử dụng hàng ngày. Đã có bao giờ em cám ơn mẹ - người đã cho em thân hình này, cho em cuộc sống này chưa? Đã bao giờ em cám ơn bố - người đã không quản ngại khổ cực, đổi sức lao động để có gạo, thức ăn nuôi sống cả gia đình chưa? Đã bao giờ em cám ơn tất cả những người xung quanh em, từ những người công nhân công ty môi trường đô thị đã làm sạch đẹp xóm làng, đến những bác nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa,… còn biết bao con người vô danh khác góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển… Cô mong rằng sau giờ học này, các em hãy sống thật có ý nghĩa, hãy là những chiếc lá mùa thu dịu dàng trong quan hệ ứng xử với tất cả mọi người, nhất là đối với bố mẹ, có được không?

Cả lớp lặng đi sau khi nghe cô giáo nói về công ơn của cha mẹ. Thật ra các em đều ngoan hiền nhưng để biết và nhớ ơn cha mẹ, thì chưa bao giờ các em nghĩ đến. Để kết luận bài học hôm nay, Thư yêu cầu các em trưa nay, sau khi đi học về, hãy nhẹ nhàng từ phía sau vòng tay ôm lưng mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm! Con cám ơn mẹ đã sinh ra con trên cuộc đời này. Các em có làm được không?

Không một cánh tay nào đưa lên, một tình huống khó nữa lại xuất hiện rồi. Thư nhẹ nhàng hỏi:

- Các em không thương mẹ mình sao? Một câu nói đơn giản như vậy mà các em không thực hiện được sao?

- Thưa cô, mắc cỡ lắm. Tụi em cố gắng học tốt và giúp đỡ mẹ việc nhà, còn nói như cô dạy thì thật là khó vì lâu nay chưa bao giờ em nghĩ mình phải cám ơn ba mẹ - Oanh nhỏ nhẹ lên tiếng.

- Nếu em nào không trực tiếp nói với mẹ được, cô sẽ hướng dẫn cách này các em xem thử có thực hiện được không: Em hãy viết thư đặt vào gối của mẹ và giả vờ xem như của ai đó và nói với mẹ rằng mẹ có thư để con đọc cho mẹ nghe nhé.

Phương án này được cả lớp đồng ý. Thư thở ra nhẹ nhõm, cứ tưởng bài học về đạo làm con hôm nay thất bại thì thật chẳng ra làm sao! Thay vì ra đề văn theo phân phối chương trình đang dạy, Thư ra đề văn mở như sau: “Hãy quan sát và ghi lại cảm xúc của mẹ em sau khi nghe em nói lời cám ơn và cảm xúc của em sau khi thể hiện tấm lòng của một người con hiếu thảo”.

Sau một tuần, Thư nhận được những bài viết thật cảm động từ những học trò thân thương ở một vùng quê mà cô đã gắn bó từ khi ra trường đến nay. Đã nhiều lần bố mẹ muốn xin cho cô về dạy ở trường gần nhà nhưng cô quyết định ở lại đây giảng dạy. Đôi lúc gặp khó khăn vì những tiện nghi để phục vụ cho việc dạy học, cô cũng muốn được về gần nhà nhưng mỗi lần đến lớp, nhìn những ánh mắt vô tư của các em đang khao khát những câu chuyện đạo lý mà cô hay lồng vào bài dạy là ý định xin chuyển trường lại tan biến. Cô mang những bài viết của các em đóng thành tập, có dịp về thăm nhà cô lại đọc cho cả nhà cùng nghe. Bố mẹ cô rất vui khi nghe cô đọc bài viết thật cảm động này:

Thưa cô, em là Võ Thị Hạnh Thương(*), học lớp 6/1. Hôm nay, em viết lại bài này đầu tiên là để cám ơn cô, cám ơn về bài học rất ý nghĩa của cô đã dạy cho chúng em. Như cô đã dạy:

“Trong cuộc sống, ta luôn biết cám ơn những người đã giúp đỡ mình. Dù đó chỉ là một việc rất nhỏ nhặt như cậu bạn ngồi cạnh giúp mình nhặt cây thước, mình cũng ngượng nghịu cảm ơn. Nhưng hầu hết chúng ta đều quên cảm ơn hai con người. Hai con người đã vất vả, khổ cực bao năm vì chúng ta. Họ có thể quên mình vì chúng ta. Đó là bố mẹ của chúng ta”. Đợt trước em cũng đã viết một bài nhưng nó lại không thật lòng, tuy rằng nó rất hay và xúc động. Em xin lỗi cô. Sau bài giảng hôm đó, em đã về viết lại một lá thư gởi cho ba mẹ. Việc này làm em thấy ngượng lắm. Đi học về em đã để bức thư của mình trên bàn và rồi lặng lẽ xuống nhà dưới ăn cơm. Lúc đó em thấy lòng mình sao hồi hộp quá. Mặt hiện lên sự xấu hổ. Em đã viết bức thư thế này:

“Ba mẹ, nhờ cô mà con mới có thể viết những lời này cho ba mẹ. Từ bé đến giờ, ba mẹ đã rất khổ cực, vất vả làm lụng nuôi con tới bây giờ. Con xin cảm ơn ba mẹ. Cảm ơn ba mẹ vì tất cả, vì những gì ba mẹ đã làm cho con. Con hứa sẽ học thật giỏi và ngoan hơn nữa để ba mẹ vui lòng.

Con yêu ba mẹ rất nhiều”.

Thế rồi bố em thấy, đã đọc và viết lại cho em một lá thư:

“Con của ba ngoan lắm, cố gắng học cho giỏi nghe con. Ba cũng thương yêu con nhiều lắm”.

Đọc xong, em vừa vui vừa xấu hổ. Và như lời hứa, em sẽ học thật giỏi, thật tốt, luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi để ba mẹ vui lòng. Và cũng để trả ơn sinh thành cho ba mẹ. Và lúc nào em cũng nhớ câu:

“Tâm hiếu là tâm Phật

Hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Nhưng em vẫn chưa hiểu lắm. Em được biết cô và em cùng đi một chùa. Cô nhớ giải đáp giúp em câu này. Em cảm ơn cô.

Còn đây là tình cảm của bạn trai tên Phương Kỳ Hào(**) viết về bố mẹ:

Ninh Hòa, ngày…

Ba! Mẹ!...

Đây là những cách gọi thân thiết mà mỗi khi nhắc đến thì ai cũng đã nhớ thương! Ba mẹ là những người đã sinh ra chúng ta, nuôi chúng ta ăn học để sau này trở thành người công dân tốt, người lao động chân chính.

Và có lẽ, trong lòng chúng ta luôn một lòng thờ kính, nhưng đâu ngờ rằng, chúng ta đã quên đi lời “cảm ơn” trong lúc chúng ta lại bị bệnh, bị té ngã… Ai là người giúp chúng ta lúc đó? - Ba mẹ - chính là ba mẹ. Chúng ta chỉ biết “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ, được người khác sửa sai,… Cuối cùng, đã đến lúc ba mẹ được nghe tiếng “cảm ơn” của những người con như chúng ta…!!!

Những bài thu hoạch của học sinh như giúp cho Thư thêm sức mạnh, dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì học được qua những bài giảng giáo lý của Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh, đã đồng hành với Thư trong suốt những năm tháng qua. Giờ đây, mùa Vu lan cũng gần đến, mong rằng những dòng cảm xúc chân thật này sẽ tiếp bước cho thế hệ trẻ, những búp sen sẽ chuyển mình trong nắng ấm mùa thu, mùa hiếu hạnh của những người con Phật.

Quảng Ấn