Nó rơi nhè nhẹ thảnh thơi. Nó không phải là nó mà một đại gia đình gọi là lá rừng. Lúc nào nó cũng rơi. Đặc biệt là lúc gió ngàn đến thăm. Từ muôn đời, nó đã biết rơi. Tất cả các anh chị em lá rừng đều biết nghệ thuật lìa cành, buông rơi trong mỗi giây mỗi phút.
Có khi nhảy múa, có lúc bay liệng, có khi xoay tròn, có lúc phi tưng, có lúc bay vèo nhưng lúc nào, nó cũng vừa buông rơi vừa ca hát. Vì nó là lá rừng, một kiếp rong chơi, vô tư, vô lự. Nó biết các em của nó đã xuất hiện thành nụ non xanh mơn mởn trên các cành cây vào những ngày đầu mùa xuân. Nó đã làm hết sức mình hút ánh sáng, lấy khí trời, hòa với chất đạm, nước và dinh dưỡng làm ra chất lục diệp nuôi cây và nuôi các em.
Nó lại biết nghe mưa, hóng nắng và ve vẩy với gió rừng. Nó sống với tất cả nghệ thuật của kiếp lá rừng, vì thế đến lúc cần lìa cành thì nó reo cười trong gió đi một điệu múa, rơi từ từ xuống lòng đất để nghe tiếng hát, lời ca về sự mong manh và ngắn ngủi của kiếp lá rừng. Nó không rơi một mình cô đơn mà suốt mùa thu, cả đại gia đình nó đều rơi. Anh trước, em sau, từ từ, thong dong, nhảy múa, tung bay, thì thầm…
Trong ngày, thỉnh thoảng nó bắt gặp hai con mắt quen thuộc nhìn nó chăm chăm, thích thú. Bỗng nhiên người ấy mỉm cười với nó. Nó lên tiếng:
- Chào anh! Anh tên là gì?
- Chào lá rừng!
- Anh tên là Suối. Nhà anh ở bên cánh rừng này gần nơi con suối.
- Cám ơn anh ngắm em mỗi ngày. Em cảm thấy có người chăm chú, có mặt, trân quí nên em vui lắm.
- Suối cám ơn lá rừng mới phải.
- Lá rừng có biết không? Ngắm em rơi, Suối hạnh phúc lắm!
- Anh không nói thì em cũng biết bởi ngày nào anh cũng nhìn em. Nếu không có hạnh phúc thì làm sao anh có thể ngồi yên nhiều lần chiêm ngưỡng em.
- Đúng vậy! Em rơi tuyệt vời quá! Anh có cảm tưởng như em đang biểu diễn một điệu múa dịu dàng, uyển chuyển, thảnh thơi… Ước gì loài người cũng biết buông rơi như em.
- Anh Suối à! Em không hiểu vì sao loài người không chịu buông mà cứ bám riết, ôm chặt nhiều thứ như suy nghĩ, lo âu, địa vị, tiền tài, nhà cửa, giận hờn, yêu ghét… Khi tắt thở, họ có mang theo được gì đâu! Hèn chi, loài người luôn luôn cảm thấy bận bịu, căng thẳng, lo lắng, khổ sở. Thật là tội nghiệp cho họ quá, anh Suối hơ!
- Vâng! Cái nhìn của em sắc bén lắm. Loài người càng ngày càng khổ, nặng nề, bất an. Em có biết không? Xã hội và cuộc sống bây giờ làm cho đời sống con người càng thêm khổ sở, càng thêm căng thẳng. Biết bao nhiêu là chi tiêu, ngân phiếu, việc làm, sức khỏe, trường học, con cái… Nói chung là đủ thứ lo trên đời. Lo riết nên nó trở thành thói quen. Nhiều lúc, không cần lo mà họ vẫn cứ lo. Vì vậy, làm sao họ có thể buông được như em. Thật là tội nghiệp!
- Mỗi ngày, nhìn lá rừng rơi thoải mái, lá rừng buông thong dong, Suối cảm kích và kính phục vô cùng. Nhờ ngắm em mà tâm hồn của anh cảm giác bình an và nhẹ vơi phần nào.
- Anh Suối ờ! Anh có lo như bao nhiêu người khác không?
- Thỉnh thoảng, Suối cũng có lo chứ em! Làm kiếp con người thì mang chung nghiệp ‘lo’. Nhưng anh biết dừng lại, biết thở, biết ngồi yên ngắm em, biết nghe tiếng gió thì thào, biết thưởng thức nắng mới, biết đi dạo chơi cho nên anh bớt lo nhiều lắm. Anh học cách buông từ em đó. Điệu múa của em là bài học vô giá về lẽ vô thường, sự buông bỏ, lòng thảnh thơi, cuộc trở về…
Suối vừa nói tới đây! Tự nhiên, lá rừng reo lên!
- Anh Suối nói hay quá!
- Đúng vậy! “Lá rụng về cội”! Em trở về gốc cây. Cây đưa em ra đời, rồi cây ôm ấp em trở về, vì thế em không có cảm giác lìa cành xa cây gì cả mà là một cuộc trở về với uyên nguyên. Chính vì thế, đa số lá rừng đều vui sướng, reo vui khi nàng gió đến mơn trớn và nâng niu để chúng em ‘buông’. Thôi! Em chào anh Suối! Em sắp nằm yên trong lòng đất mẹ. Chúc anh một ngày vui.
- Cảm ơn lá rừng! Xin tạm biệt! Hẹn gặp lại ngày mai.