Rừng Phong ơi!
Đất mẹ ơi, trời xanh ơi, núi rừng ơi, cỏ cây ơi, các sư em ơi!
Ngày mai tôi ra đi rồi! Tôi sẽ về với Thầy, các sư anh, các sư chị và các sư em đang ở Mai Thôn nghe lại lời ca tiếng hát của trẻ thơ, uống lại những giọt sữa pháp đang còn nóng hổi của Thầy và nhìn lại những khuôn mặt thân yêu. Mai Thôn là quê hương tâm linh của tôi, từng nuôi tôi lớn lên, ôm ấp tôi vào lòng, dỗ dành, che chở, thương yêu tôi. Bao nhiêu năm xa cách nay lại được trở về. Những kỷ niệm tươi đẹp và hạnh phúc nơi ấy đang kéo về tràn ngập cõi lòng tôi. Nơi đây là hồ sen thơm ngát, bên kia là hai cây sồi hùng vĩ, này đây là quán chè quán nước, bên kia là bụi tre xanh rì, này đây là hàng tùng thẳng tắp... Về bên ấy, tôi sẽ được thương yêu trở lại, nhìn lại những mỏm đá trắng với các hình dáng nghệ thuật, ngắm lại hàng tùng xanh biếc, ngồi chơi dưới cây linh đan (linden), ngửi được hương sen tinh khiết... Biết bao nhiêu hạnh phúc đang chờ đợi, vậy mà sao tôi vẫn cảm thấy lưu luyến Rừng Phong quá! Chỉ còn mấy giờ nữa thôi, tôi sẽ xa tất cả những gì thân yêu và quen thuộc nơi đây. Đang bàng hoàng xúc động, tôi trở về với hơi thở thương yêu. Hơi thở ý thức dịu dàng và bao dung biết mấy! Nắng chiều xuyên qua rừng cây làm cho muôn ngàn chiếc lá sáng rực lên một màu xanh mơm mởm. Giữa kẽ lá xuất hiện nhiều tia nắng long lanh màu vàng, xanh, đỏ, tím. Ôi! Cảnh tượng núi rừng hôm nay thật trang nghiêm làm sao! Chính đôi mắt tôi cũng lung linh hơn ngày thường. Nắng chiều nơi từng chiếc lá đang lấp lánh và lung linh rơi xuống từng giọt, từng đốm làm sáng loang lổ khắp cả núi rừng. Thiên đàng là đây, tịnh độ là đây, chứ còn ở nơi đâu nữa mà đi tìm. Tất cả sự sống dường như trở nên diễm lệ lạ kỳ! Nó dễ thương và đẹp đẽ hơn vì tôi sắp ra đi hay là tôi sắp chết. Gió rừng đang reo vi vu như muốn gọi hồn tôi trở về nhưng tôi vẫn chưa chết mà! Tôi đang còn sống, còn thở, còn nhìn những chiếc lá rừng lung lay trong gió. Tâm thức tôi rơi vào một cõi đầy ánh sáng, cho nên trời đất, thiên nhiên và cả rừng cây đang ca hát, hiển hiện đường nét rõ ràng với nhiều màu sắc mỹ lệ. Thật là tuyệt.
Gió rừng ơi! Hôm nay cũng như mọi hôm, tôi thường nghe em ca hát nhưng sao hôm nay tiếng hát của em vi vu, trong trẻo và tha thiết quá! Tiếng hát của em vang lên từ cõi không gian vô cùng lặng lẽ làm giật mình cả hàng triệu ngôi sao trời lấp lánh giữa đêm thâu. Tôi nghe được tiếng gọi của em từ lâu lắm rồi qua tiếng chuông gia trì trong trẻo, tiếng điện thoại reo vang, tiếng chim cu ấm áp xuất hiện vào mùa xuân trên đỉnh Thệ Nhật Sơn. Mỗi khi nghe được tiếng ca của em, tôi bàng hoàng xúc động, rươm rướm những giọt châu vì tôi cảm thấy sung sướng. Em reo vang nơi rừng thông như đang tấu lên một bản nhạc êm đềm thiết tha! Em gào thét một cách hung dữ trên đỉnh Thanh Sơn. Gió rừng ơi! Tiếng gọi hào hùng của em đưa linh hồn phiêu bạc của tôi trở về với sự sống, với rừng cây, với em, với hiện tại tuyệt vời. Bây giờ đây, tôi đang ôm ấp một con sóng tình cảm dạt dào bởi tôi yêu em nồng nàn nên cũng yêu thương cuộc đời vô hạn. Tuy bàng hoàng nhưng tâm thức của tôi vẫn sáng lung linh như ánh thiều quang, nên tôi vẫn còn nghe được tiếng hát của em. Em hãy hát nữa đi vì có người đang nghe em với tất cả linh hồn.
Hồn đất ơi! Hôm nay tôi nằm yên trên bãi cỏ. Màu cỏ xanh biêng biếc làm tươi mát cả núi đồi và hiện rõ những bông hoa nhỏ bé đỏ thắm, vàng tươi. Tôi nằm nghiêng nghiêng một chút nhìn màu xanh của em qua ánh nắng chiều tà. Tôi cảm được sự bình an và mát mẻ của đất. Đất mẹ sinh ra một cánh rừng với ngàn cây xanh lá biếc. Đất mẹ sinh ra tất cả muôn loài từ thảo mộc, cầm thú, chim muông và con người.
Đất mẹ hiền lành đưa tôi ra đời muôn triệu kiếp và luôn mở rộng tấm lòng ôm ấp tôi trở về. Hôm nay, tôi đang trở về nằm yên trên đất mẹ. Đất mẹ thân yêu ơi! Hình như đất mẹ đang thì thầm khóc! Muôn loài đang rên xiết! Tôi hiểu rồi, tôi cảm rồi, niềm đau nhức và nỗi tủi hờn của đất mẹ do sự tàn bạo của con người trong suốt mấy mươi năm qua. Bởi lòng tham lam, con người đã dày xéo đất mẹ. Họ chặt cây, đốt rừng, đào xới đất đai, phá hoại núi rừng, thử bom nguyên tử, khai thác dầu mỏ, vơ vét kim khí, chiến tranh thù hận... Con người đã trút lên đất mẹ biết bao nhiêu chất độc hóa học, làm ô nhiễm sông hồ, núi non, ruộng vườn, biển rộng và trời cao. Biển đang chết, dòng sông đang chết, rừng cây đang chết, ruộng vườn đang chết, lớp ozone cũng đang bị hủy hoại... Rồi đây, ai sẽ che chở cho tôi khỏi bị đốt cháy bởi những tia hồng, tia tím, tia đỏ từ mặt trời rực lửa, nước trong ở nơi đâu cho tôi uống, mảnh đất nào sẽ làm ra hoa trái cho tôi ăn, dòng sông nào vẫn còn trong sạch cho tôi tắm rửa... Nhiều chủng loại đang bị tiêu diệt vậy mà con người vẫn tiếp tục khai thác không một chút xót thương. Ngoài tàn phá thiên nhiên ra, con người còn tiêu diệt lẫn nhau, đánh phá lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, tạo ra không biết bao nhiêu tan thương và chết chóc nên làm đau lòng đất mẹ.
Đất mẹ ơi! Tôi đang đau khổ như đất mẹ, niềm đau xé nát tim can nhưng đất mẹ vẫn luôn luôn có mặt để thương yêu, nuôi dưỡng và chữa lành cho tôi. Nằm yên trên đất mẹ, tôi tiếp nhận được năng lượng bình an, mát mẻ và thương yêu. Là con người, tôi xin chấp nhận mọi đau thương, mở trái tim lớn hơn một chút để yêu thương. Tôi không muốn thù hận, không muốn trách móc, không muốn lên án con người bởi chúng tôi đều là con của mẹ. Thù hận nhau chỉ làm cho đất mẹ thêm đau đớn mà thôi.
Ngàn lá ơi! Tôi yêu nhất mỗi khi các em lung linh trong nắng. Tôi ưa đứng lặng yên nhìn các em lung lay, vẫy chào theo gió và reo vang như tiếng cười rộn rã của tuổi thơ. Hay là, em muốn gọi tôi trở về với rừng cây thiêng liêng. Có phải không em? Thế mà, tôi vẫn thường quên lãng, hững hờ, lo lắng, suy tư. Hôm nay, tôi thật sự nghe được tiếng gọi của em nên tôi cũng nghe được tiếng gọi của núi rừng. Ôi! Tôi thương núi rừng quá, thương từng ngọn lá, từng nụ hoa. Tôi thương đám mây trắng đang bay thong dong trên bầu trời xanh thẳm. Tôi thương bãi cỏ non, thương hồ nước trong vắt và những mỏm đá xanh. Làm sao tôi có thể quên được những giây phút ngồi lặng yên bên hồ để ngắm nhìn bầu trời xanh ngắt với những đám mây trắng phản chiếu trong lòng hồ. Tôi thương những con nai con lạc loài. Nai ơi! Xin nai đừng sợ hãi bởi tôi là sư chú Thạch Lang, là người tu hành chứ không phải là thợ săn đâu. Tôi chỉ muốn được đến gần bên em để nhìn vào đôi mắt sáng long lanh của em. Bộ lông màu vàng của em óng ả và mượt mà làm sao! Tôi thương những con sóc chạy thoăn thoắt với đôi mắt sáng lung linh. Sóc ơi, xin em làm bạn với tôi và hãy ăn những hạt hướng dương trong lòng bàn tay của tôi. Tôi yêu những mỏm đá xanh ngàn năm không nói đứng im lìm dưới hàng cây phong rợp bóng. Em không nói nhưng tôi vẫn nghe được tiếng thì thầm của em, vẫn cảm nhận được năng lượng bình yên của em. Em đứng hiên ngang giữa núi rừng lắng nghe tiếng gió cho thời gian phủ lên em một chiếc áo màu xanh mượt mà như chiếc áo lụa ngự hàn mềm mại của tôi. Nhờ em mà tôi hiểu chiều dài lịch sử từ thời gian vô tận đến không gian vô cùng. Em không nói nhưng em đang âm thầm ca hát. Bông hoa thược dược của thi sĩ Quách Thoại bên hàng dậu năm xưa cũng đang còn ca hát và bài hát ấy không bao giờ ngừng nghỉ. Tất cả sự sống đang ca hát, có khi êm thắm như giấc ngủ ngon của bé thơ, có lúc hùng hồn như thác đổ.
Ngày mai ra đi nhưng tôi sẽ trở lại. Chỉ tiếc là tôi không được nghe các em hát, không được đứng nhìn các em lung linh trong nắng, không được ngồi chơi với các em. Tôi đi rồi thì ai sẽ chơi với các sư em trai. Chúng tôi sẽ không được ngồi bên nhau vào buổi sáng tinh sương thưởng thức những ly trà nóng thơm tho, ấm áp tình người. Tôi sẽ không còn có dịp gặp mặt các sư em gái để hỏi han, vui đùa, thương yêu và nhìn vào ánh mắt lung linh niềm vui thanh thản. Tôi thật sự muốn khóc! Làm người mà khóc không được thật là ngột ngạc và tức tưởi trong lòng. Đất mẹ ơi, lá rừng ơi, gió ơi, nai ơi, sóc ơi, các sư em ơi! Hôm nay tôi thật sự thương yêu cuộc đời nhiều lắm. Tôi không hiểu vì sao tôi yêu đến thế này hay là tôi sinh ra để yêu em. Người sắp đi xa thường hay quyến luyến nơi non xưa chốn cũ. Tôi muốn được làm người để lưu luyến và yêu thương. Ai bảo rằng thương yêu là đau khổ, vướng mắc và hệ lụy? Không! Tình thương đâu có nghèo nàn như thế! Tình thương là tất cả, là năng lượng, là sức sống để rung cảm, xúc động và lắng nghe tiếng gọi thiết tha của hồn thiêng sông núi và trời đất bao la. Người sắp chết thường hay lo âu và sợ hãi bởi vì họ không biết sẽ đi về đâu? Tôi cũng đang tập chết đây bởi vậy cái chết là tình yêu của tôi. Ai mà sẽ không chết một lần, ai mà không đang chết trong từng tế bào của hiện hữu. Sự sống làm bằng cái chết. Tế bào này chết để làm thức ăn cho tế bào kia nhưng có một điều là tôi không cảm thấy sợ hãi. Tối nào, sáng nào, tôi cũng thực tập chết, bởi thế tôi nguyện sống hết mình trong đời sống hàng ngày như ngày hôm nay. Biết sống nên chắc chắn khi chết tôi sẽ không tiếc nuối gì nữa vì rừng cây đang ở trong tôi, đất mẹ đang thương yêu tôi và tiếng gió nơi đồi thông vẫn thường ca hát.
Tôi thật sự thương yêu cuộc đời lắm. Sự sống trở nên linh động làm sao! Ngàn lá cứ vẫy gọi chào tôi! Gió rừng cứ mãi reo vang.
Các em tôi hôm nay sao dễ thương quá độ! Mọi người sao đáng yêu đến thế! Nắng chiều sao óng ánh đến thế! Tôi muốn nói nhiều nữa, nhiều nữa nhưng tôi sợ tôi sẽ khóc nức nở. Ai có thể ngờ rằng sư chú Thạch Lang đang đứng thẩn thờ trong rừng sâu rưng rưng từng giọt lệ, làm cho con nai con phải ngơ ngác đứng nhìn, con sóc tinh khôn phải ngừng leo cành để cảm thông. Bây giờ, tôi khóc thì không có mẹ một bên dỗ dành nhưng tôi cũng đã khóc trong lòng rồi. Xin hãy cho tôi được khóc. Thú thật, tôi thường hay khóc một mình. Nghe một bài pháp thoại sâu sắc tôi cũng khóc, đọc một đoản văn hay tôi cũng xúc động, nghe một chuyện tan thương tôi không cầm được nước mắt, đọc một mẩu chuyện đậm đà tình cảm tôi cũng rung động. Khóc giúp nước mắt tôi ứa ra từng giọt làm cho linh hồn êm dịu trở lại. Thôi nhé, xin chào các em! Xin chào tất cả những gì thân yêu nhất ở nơi đây. Ra đi rồi tôi sẽ trở về lại với các em.