Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Ánh Mắt Thương Yêu

Ánh Mắt Thương Yêu

Email In PDF

Em thân mến!

Cơ thể con người có nhiều bộ phận như mắt, tai, mũi, lưỡi, trái tim, lá gan... Đố em! Trái tim có mặt để làm gì?

- Trái tim đập thình thịch để duy trì sự sống.

Hai con mắt hiện hữu để làm không?

- Hai con mắt hiện hữu để nhìn người thương và cuộc đời.

Nếu cơ thể không có trái tim thì chúng mình sẽ ra sao?

- Chúng mình sẽ chết!

Nếu cơ thể không có hai con mắt thì chúng mình sẽ ra sao?

- Chúng mình sẽ mù lòa không thể thấy được gì hết.

Đúng thế! Đôi mắt quí hơn ngọc ngà châu báu. Không thấy là một nỗi khổ vô cùng tận. Trái tim quí hơn tất cả mọi sự quí giá trên thế gian. Không có trái tim là không có sự sống. Thế mà em ơi! Biết bao nhiêu người thường hay quên điều này. Có đôi mắt sáng để nhìn người thương, trời xanh mây trắng mà không cảm thấy sung sướng. Có trái tim đập bình thường mà không có hạnh phúc. Ngược lại, người ấy không biết chăm sóc trái tim. Họ uống thật nhiều men rượu, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thức khuya, lo lắng, muộn phiền làm cho trái tim mệt mỏi, héo mòn. Em có thấy nhiều người đang bị bệnh tim, tai biến, vỡ mạch máu hay không? Nó đưa tới biết bao nhiêu thống khổ. Thật là tội nghiệp cho trái tim và con người!  
Cũng như trái tim, không có tình thương thì con người chết dần, chết mòn. Em có thể nói:

- Người không có tình thương có thể ví như một xác chế.

Em sẽ hỏi:

- Tình thương ở đâu trong cơ thể?

Em ạ! Tình thương có trong trái tim mà cũng có trong ánh mắt, trong nụ cười, trong lời nói… Trái tim có sự rung cảm, có sự xót thương, có lương tâm thì trái tim ấy có tình thương. Thấy người nghèo khổ mà em cảm thấy xót xa thì trái tim em có tình thương rồi. Bác sĩ thấy bệnh nhân khổ quá nhưng không có tiền nên trái tim bác sĩ đau nhói lên. Bác sĩ ấy không thể nào làm ngơ mà không điều trị cho người ấy thì trái tim bác sĩ có tình thương, có lương tâm. Nhìn vào mẹ, em sẽ thấy mẹ có rất nhiều tình thương. Em có thấy tình thương là cái gì biểu hiện rõ ràng không?

- Dạ vâng! Rõ ràng lắm. Nó là ánh mắt. Nó là nụ cười. Nó không còn trừu tượng nữa!

Lời nói dễ thuơng, bình tĩnh, nhẹ nhàng là lời nói có tình thương. Một người mà cứ la hét om sòm thì làm sao có được tình thương trong lòng. Em có thể tưởng tượng một cái nhìn trừng trừng đầy sự nóng giận thì ánh mắt đó có tình thương hay không? Chắc chắn là không. Khóe mắt mỉm cười, ánh mắt sáng trong, cái nhìn từ ái thì đôi mắt ấy mới có tình thương. Có tình thương là có sự sống, có hạnh phúc, có sự ngọt ngào.

Trong kinh Pháp Hoa, tình thương được ví với con mắt. “Từ nhãn” là mắt thương. Có người gọi tình thương là con mắt thứ ba thì đâu có gì mới lạ! Nhưng không phải chỉ con mắt có tình thương mà bàn tay cũng có tình thương như hình ảnh ngàn tay ngàn mắt của Bồ Tát Quán Âm. Bồ Tát có quá nhiều tình thương nên cần một ngàn cánh tay để ban phát tình thương. Và mỗi bàn tay có một con mắt, nghĩa là hành động từ bi đi đôi với trí tuệ.

Mỗi khi lên cơn sốt, mẹ dịu dàng đặt bàn tay mát mẻ lên trán nóng hổi của em thì em cảm giác vơi đi gần hết nỗi khổ. Tình thương có trong ánh mắt, có trong con tim, có trong bàn tay và có khắp mọi nơi. Cho nên mắt thương chỉ là biểu tượng mà không phải là sự thật tuyệt đối. Mắt thương cũng là mắt hiểu nghĩa là cái nhìn hiểu biết. Lang kể câu chuyện này để làm rõ thêm ý niệm vừa nêu ra.

Lúc trước Hoàng chưa hiểu nhiều gì về ba, cho nên mỗi khi ba la rầy vì nóng giận thì Hoàng buồn bực lắm. Hoàng bỏ nhà đi tuốt vài ba ngày. Chàng bỏ việc học hành, bỏ luôn tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống. Hoàng sống liều lẫn, la cà với bạn bè nơi quán cafe, các vỉa hè. Về nhà chàng không muốn nói chuyện với ba mà còn thù ghét ba. Cơn buồn giận làm cho chàng khổ sở, tạo ra không khí nặng nề trong gia đình. Từ ngày nghe mẹ kể về thời gian khổ cực, gian lao, đọa đầy trong lao tù của ba, Hoàng mới bắt đầu hiểu tính tình của ba. Từ đó Hoàng hết giận ba. Có một sự xót thương cho ba vừa mới phát sinh trong lòng chàng. Hoàng nhìn lại ba, nói chuyện với ba và học hành đàng hoàng trở lại.
Điều đáng cho chúng mình cảm động!

Lần sau ba chàng cũng nổi nóng vì chuyện đâu đâu. Hoàng cũng bực mình ghê lắm nhưng nỗi buồn giận nguội đi rất mau. Cảnh tù đầy, khổ sở của ba hiện về trong tâm trí của chàng, vì thế Hoàng có thể tha thứ cho ba nhanh hơn những lần trước. Từ đó ba của Hoàng kính nể chàng hơn, và hai cha con đối xử với nhau như đôi bạn. Hoàng biết ơn mẹ! Nhờ mẹ mà chàng hiểu một chút về quá khứ tù đầy của ba. Do sự hiểu biết này, chàng thương ba trong những lúc khó thương nhất.

Hiểu biết là con mắt thì nó chính xác hơn hết trong các biểu tượng. Em có thể gọi là ‘trí nhãn’, ‘tuệ nhãn’, nghĩa là mắt hiểu. Tuệ nhãn là một trong những con mắt của Phật. Hiểu biết không phải là mớ kiến thức khô khan, dù đó là kiến thức về giáo lý của nhà Phật. Hiểu biết là một loại ánh sáng từ kinh nghiệm sống. Hiểu biết đến từ sự quán chiếu về nguồn gốc của khổ đau. Hiểu biết là biết giữ gìn, bảo hộ gọi là trì giới và khả năng tập trung tâm ý gọi là thiền định. Nếu người không giữ giới sống lung tung, cờ bạc, rượu chè thì tâm ý người ấy không thể nào tập trung được. Làm sao người ấy có sự hiểu biết để nhìn, nghe, thương, cảm.

Con mắt hiểu biết không cần phải thấy về cõi vô hình mà thấy lòng mình, tâm mình và mọi hiện tượng đang xảy chung quanh. Thấy mọi người đang khổ, thiên nhiên đang bị tàn phá nên em muốn làm gì đó giúp đời bớt khổ. Em sống có ý thức để bảo vệ sự sống của mọi loài và thiên nhiên.

Em phải có cái hiểu biết này đối với những người đang sống bên em như mẹ cha, anh chị em, bạn bè. Từ từ cái hiểu biết về bản chất đời sống sẽ lan tới mọi loài khác. Em có con mắt hiểu biết rồi đó.